Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Mẹ con chị Đào-Nguyễn Quang Lập

Đây là một câu chuyện cảm động: Tấm lòng của người phụ nữ,người mẹ VN...không gì so sánh được.Đọc xong chuyện mà ngậm ngùi...rơi nước mắt

Nguyn Quang Lp 
Năm 1981 mình đóng quân ở đảo Cái Bầu (Quảng Ninh). Đảo Cái Bầu to đùng gọi là huyện đảo, chẳng thấy  đâu “sóng biển dập dìu”chỉ thấy rừng là rừng. Cuốc bộ 25 cây số mới tới nơi đóng quân, đấy là sáu quả đồi nằm giữa âm u rừng già, buồn ơi là buồn. Sống đấy chỉ giải khuây bằng việc mang gạo vào nhà dân đổi chó đem về mổ thịt nhậu chơi. Mình với thằng Quí kết với nhau đi đổi chó mười mấy bản quanh khu vực đóng quân. 


Thằng Quí  ở đại đội bệ, to cao phốp pháp như Tây, nó là giống tây lai dù bố mẹ nó đều người Việt. Nó kể ông nội nó là lính lê dương, hiếp bà nội nó đẻ ra bố nó.  Bố nó rất thuần Việt, chẳng lai tây chút nào nhưng đến thế hệ F2 là nó lại lai tây. Hồi nầy Tây có nghĩa là Liên Xô, các đơn vị tên lửa thường có chuyên gia Liên Xô về làm việc nên bất cứ ai nhìn thấy nó đều đinh ninh là chuyên gia Liên Xô.

  Cứ chiều thứ bảy nó đeo giày Kur Sơ Gin ( hay là giày gì đó  không nhớ, cũng chẳng nhớ nó kiếm đâu ra giày sĩ quan Liên Xô rất xịn đó), khoác cái áo bay Liên Xô cùng mình vác một, hai yến gao đi về mấy bản gần đấy. Nói là gần chứ cũng phải đi chừng năm bảy cây số mới tới nơi. Tất nhiên mình vác gạo, nó đi không. Chuyên gia Liên Xô ai lại đi vác gạo, hi hi.

Nhác thấy nhà nào có con chó nào thịt được, hai thằng rẽ vào. Nó cười rất tươi, cúi chào rất lễ độ, nói rốp rít xốp xít. Tiếng Nga nửa tiếng nó chẳng biết, cứ rốp rít xốp xít loạn cả lên. Mình cũng “dịch” loạn cả lên, miệng mồm  như tép nhảy, nói đồng chí chuyên gia Liên Xô kính chào bố mẹ, chúc bố mẹ sức khỏe. Nó đế thêm cái tiếng Việt  ngọng của Tây, nói án khang thính vướng. Bố mẹ thích lắm, đón tiếp rất niềm nở, có gì ăn được trong nhà đem ra mời hết.

Thằng Quí nhìn con chó rất âu yếm nói một tràng rốp rít xốp xít. Mình dịch ngon trớt, nói đồng chí chuyên gia rất thích con chó này. Nó đế thêm, nói cón chò đép làm.  Mình nói người nước ngoài coi chó như bạn, sang đây không có bạn, đồng chí chuyên gia buồn lắm. Nó đế thêm, nói buốn làm buốn làm. Mình nói đồng chí  chuyên gia rất muốn mua con chó này nhưng đồng chí chuyên gia chỉ có tiền Liên Xô không có tiền Việt, không biết bố mẹ có đồng ý đổi gạo không. Bố mẹ nghe nói vậy thì ok liền, nói đồng ý đồng ý, ưu tiên đồng chí chuyên gia Liên Xô. Nó liền bắt tay bố mẹ, nói càm ớn bò mè càm ớn bò mè.

Xong việc, “đồng chí chuyên gia” tay không túc tắc đi về, “đồng chí phiên dịch” phải vác bao tải chó lúc cúc chạy theo sau, mệt bỏ mẹ nhưng chẳng dám kêu một tiếng. Hi hi. Nói chung khi “đồng chí chuyên gia” đã ngỏ lời đổi gạo lấy chó, nhà nào cũng vui vẻ ok. Có nhà tặng luôn con chó cho đồng chí chuyên gia không lấy một cân gạo. Duy nhất có một nhà bóc mẻ được thằng Quí là ông Liên Xô dởm, ấy là nhà chị Đào.

Năm đó chị Đào hai sáu tuổi, hơn tụi mình hai tuổi, xinh nhất bản ( bản gì cũng quên mất rồi). Tụi mình vào nói chuyện với bố mẹ, chị đứng nép vách buồng nghe lén, thỉnh thoảng nhóng cổ ra cười khúc khích, lúm đồng tiền sâu hoắm, tròn vo. “Đồng chí chuyên gia” thấy người đẹp thì ngẩn ngơ, mặt đực như ngỗng ia, mình phái hích cùi chõ mấy lần nhắc nhở. Đến đoạn mình nói “đồng chí chuyên gia rất muốn mua con chó này nhưng đồng chí chuyên gia chỉ có tiền Liên Xô không có tiền Việt, không biết bố mẹ có đồng ý đổi gạo không” thì chị cười ré lên, nói tiền Liên Xô cũng được, đem tiền Liên Xô đây. Thằng Quí mặt tái như đít nhái. Mình giả bộ rốp rít xốp xít với thằng Quí rồi quay lại “dịch” cho chị , nói vì không nghĩ bố mẹ cần tiền Liên Xô nên đồng chí chuyên gia không mang tiền theo. Thằng Quí mừng quá, nói đùng rói đùng rói. Chị Đào cười ngất, nói thôi đi chú Quí chú Lập ơi. Chị biết các chú là ai rồi.

Té ra chị Đào là vợ anh Chiến lái xe cùng sư đoàn. Hôm liên hoan văn nghệ sư đoàn, tụi mình lên sân khấu hát hò chị có đến xem. Thằng Quí còn diễn kịch, thủ vai phi công Mỹ, làm sao chị không nhớ. May quá. Bố mẹ chị biết hai thằng cùng đơn vị anh Chiến nên cười xòa, cho luôn con chó, còn mời hai thằng ở lại ăn cơm. Bây giờ mới biết chị Đào là con dâu, quê chị ở Thái bình theo anh Chiến về đây đã sáu năm. Thằng Quí tiếc ngẩn ngơ, giá chị chưa chồng thế nào nó cũng sẵn sàng “ chết” với chị. Nó là giống tây lai muốn “chết” với cô nào mà chẳng được, hi hi.

Đang bữa cơm chợt nghe mấy tiếng è è ó ó. Chưa kịp định thần là tiếng gì thì chị Đào chạy vào buồng bế ra chú bé 4 tuổi. Hai thằng nhìn chú bé hết muốn ăn, sợ chết được. Chú bé bị liệt, hai chân mềm nhũn như là không có xương. Mặt như người bị down mắt ếch miệng cá ngão. Cái cổ nhỏ như cổ tay trong khi cái đầu to đùng, trán dô tai tóp. Chị Đào nhìn tụi mình tươi tỉnh, nói các chú cứ ăn đi, đừng sợ. Bố cháu bị nhiếm chất độc da cam hồi ở rừng Trường Sơn, sinh cháu ra đã thế này rồi. Bác sĩ khuyên nên bỏ đi nhưng chị không chịu, dù sao cũng là con mình, nó ra giống gì vẫn là con mình, có phải không các chú?

 Chị lấy chào đút cho thằng bé, cứ đút thìa nào là nó phun ngược ra thìa đó, mặt chị dính đầy cháo. Thằng Quí há hốc mồm, nói sao thế, cháu nó ăn kiểu gì thế? Chị cười, nói cháu ăn cơm không được, nó không biết nhai, có khi phải đút cháo cả đời. Nhưng đấy là chuyện nhỏ, cái chính là cháu lẫn lộn giữa nuốt vào và phun ra. Cho cháu ăn một bát cháo có khi mất cả chục bát. Xong bữa  mẹ con như trâu lấm. Cứ tưởng chị kể xong là òa khóc hóa ra không, chị cười rất tươi như  vừa kể một chuyện gì vui lắm. Bố mẹ chồng nghẹn ngào, nước mắt dàn dụa, chị thì cười rất tươi, đôi mắt đen nhánh lóng lánh, đôi lúm đồng tiền tròn vo. Lạ quá.

 Sau bữa cơm nhà chị Đào mình không gặp chị lần nào nữa. Tháng sau mình được quân chủng điều về Đà Nẵng, từ đó đến nay di chuyển chỗ ở ba bốn nơi, chẵn ba mươi năm thỉnh thoảng vẫn tính về thăm lại đảo Cái Bầu nhưng chưa một lần thực hiện.

 Năm ngoái thằng Sơn (Nguyễn Thanh Sơn) rủ bạn bè về Đà Nẵng chơi, gọi là kỉ niệm hai năm ngày cưới nó với Hồng Ánh. Hai năm chỉ vỡ có ba chồng bát với hai cái mobile gọi là thành công rực rỡ, hi hi. Đà Nẵng là chốn cũ, mình đã ở đây 4 năm. Nhậu nhẹt tưng bừng xong mình bỏ đám bạn gọi taxi đi lòng vòng quanh thành phố. 

Mình về phố Ông Ích Khiêm, nơi có quán mì Quảng rất ngon và một quán cà phê nhỏ nhỏ dưới gốc bàng, mình và anh em văn nghệ Đất Quảng vẫn hay ngồi ở đó. Quán mì Quảng không còn, quán cà phê đã cơi nới rất hoành tráng, nhạc nhót ầm ĩ, đèn đóm lập lòe. Biết đó không còn chỗ của mình nữa, mình đành bỏ đi.

Bất chợt mình thấy một người đàn bà bán số bên kia đường. rất lạ: Chị nhỏ thó teo tóp lại gùi một người đàn ông to đùng. Chị Đào! Mình chạy đến chào chị, nói em là Lập đây, Lập phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô đây, chị có nhớ em không. Chị nhìn mình hồi lâu rồi a lên một tiếng, chụp lấy tay mình, nói chú Lập, ui chao chú còn nhớ chị. Mình nhìn người đàn ông sau lưng chị, biết ngay là con trai chị, chú bé ba chục năm về trước bây giờ đã hơn ba chục tuổi rồi.

Chị em vào quán ngồi, nghe chị kể mới biết anh Chiến bị ung thư máu chết cách đấy mấy năm, bố mẹ chồng bố mẹ đẻ đều về trời hết cả. Chẳng còn ai nương tựa, chị đành gùi con đi bán vé số. Mình đưa chị ít tiền, chị kiên quyết không lấy, mình đành mua hết  mấy chục vé còn lại trên tay chị. Chị nói cười rổn rảng, nói ôi chao bữa nay may quá là may. Chợt thằng bé kêu è è ó ó. Chị vỗ vỗ thằng bé, nói thằng này nó biết đấy. Hễ chị bán được vé số là nó mừng lắm, kêu è è ó ó là nó đang hát đấy. Gương mặt nhầu nhĩ già nua của chị bỗng sáng trưng.

 Mình nói ngày nào chị cũng gùi thằng bé hơn năm chục cân, chịu sao thấu? Chị cười, nói không chịu cũng phải chịu chứ sao. Mình nói sao chị không kiếm cái xe lăn đẩy nó đi? Chị nói chị kiếm rồi nhưng cháu không ngồi được, cột dây ngang ngực nó khó thở, cột ngang bụng thì nó gập người xuồng, chúc đầu xuống đất. Thôi thì gùi vậy. Mình nói đến khi chị già yếu không gùi được nữa thì sao? Chị cười, nói ối dào, đến đó rồi hẵng hay.

Thằng bé lại è è ó ó. Mắt chị lại sáng lên, nói đấy đấy nó lại hát đấy. Khi nào nó hát là nó vui lắm đấy.  Chị cười rất tươi, tươi đến nối làm mình rùng minh nổi cả da gà.
(ảnh:chuc.vn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI NHỚ THÁNG TƯ - Thơ MP. Trường Giang Thủy

NỖI NHỚ THÁNG TƯ   Ngóng tìm gì cõi xa xăm, Người xưa ư...bóng phù vân cuối trời! Còn gì mà đợi...cả đời, Cố nhân xa khuất ...