Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Vài cảm nghĩ khi đọc thơ Đức Huỳnh : Bài : Giấc mộng đêm xuân


    Tôi không đọc nhiều thơ của Đức Huỳnh vì thơ DH hình như chỉ phổ biến hạn chế ở một số trang blog nào đó mà tôi không biết.Tôi chỉ có một bài duy nhất của DH do một người bạn gởi tặng đọc chơi, bạn còn ghi chú "đọc xong nhớ cho biết ý kiến". Tôi đọc xong đã lâu,mà cứ hẹn lần hẹn lựa, nay mới trực nhớ,đem ra đọc lại để giới thiệu cùng bạn hữu thích văn thơ, đồng thời ghi lại vài cảm nhận của tôi sau khi lạm bàn về nội dung bài thơ.
                                      Giấc mộng đêm xuân ( Đức Huỳnh)
                          Đôi cánh trắng tiên nga ngày giáng thế
                          Giữa mùa xuân còn để lại dư hương
                          Nghìn năm đời vẫn se sắt vấn vương
                          Đêm dỗ giấc miên trường mơ người ngọc
                           Điệu nghê thường vũ y tay mời mọc
                           Thấm duyên trần có nhọc tấm thân ngà
                           Cửa động đào khép nép một lần qua
                            Trà Long Tỉnh  ấm Chu Sa thơm ngát 
                            Tiên ở lại, về trời đôi cánh hạc
                            Đêm hương nồng bát ngát giấc mơ xuân
                             Mộng trào dâng giữa đời thực bâng khuâng
                             Lòng mê đắm dáng hình hay ảo ảnh
    
                             Đêm nguyệt tận vạn vì sao lấp lánh 
                             Những tinh cầu từ mảnh vỡ mặt trời
                             Vẫn âm thầm xoay tít khắp muôn nơi
                              Duyên hay nợ trong cuộc đời, một bến
                              Đêm dệt mơ đợi chờ ngày sẽ đến
                              Mộng đêm xuân qua ánh mắt dịu hiền
                              E ấp thân ngà xếp lại cánh tiên
                             Nơi hạ giới ưu tư niềm hoan lạc
                                            (Thơ Đức Huỳnh)
       Qua nội dung bài thơ ta thấy Đức Huỳnh đã cảm hứng từ câu chuyện huyền thoại Khúc Nghê Thường, kể chuyện hai nàng tiên nữ xuống trần dạo chơi gặp hai chàng trai tên là Lưu Thần và Nguyễn Triệu tại động Đào Nguyên hết sức lạ kỳ; đúng ra là hai chàng trai nầy nhân ngày mùng 5 tháng 5 tết Đoan Ngọ, mang  giỏ tre đi hái thuốc trên núi, bị lạc vào động Thiên Thai, may mắn gặp hai nàng tiên đẹp tuyệt trần rồi kết duyên thành  chồng vợ. Được hơn nửa năm, hai chàng nhớ nhà quá nên xin trở lại trần gian. Hai nàng thấy hai chàng còn nặng nợ trần ai nên đành tiễn đưa hai chàng trở lại cõi trần. Khi về tới quê nhà thì bà con hàng xóm không còn ai nữa họ đã chết mất tự kiếp nào. Hai chàng bèn trở lại chốn cũ mong gặp lại tiên nữ nhưng chẳng may bị lạc lối không biết ngỏ nào ra , sau cùng cả hai đi lạc vào rừng sâu và chết mất xác không  ai biết. Câu chuyện mang tính cách thần thoại và người ta cũng không biết động Đào Nguyên  ở đâu? Trong truyện, động nầy một nửa ở trần gian một nữa ở cõi tiên , thật là huyền ảo.Vì tính chất huyền ảo thực thực hư hư mà câu chuyện trở nên hấp dẫn người đọc, do đó có nhiều văn nhân thi sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, đua nhau sáng tác nhiều bài thơ hay, nhiều ca khúc trữ tình bất hủ và nhiều điệu múa tuyệt vời.
      Ba yếu tố chánh tạo thành câu chuyện hấp dẫn là người trần gian , tiên nữ,vũ khúc Nghê Thường. Vũ khúc nầy là tên nhạc khúc đời Đường (618-896). Còn "Nghê Thường" thì có liên hệ tới vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, nằm mơ thấy đi chơi trên cung trăng , nghe tiếng nhạc réo rắt; thấp thoáng dưới ánh trăng, các tiên nữ xuất hiện với trang phục sắc màu cầu vồng ( nghê thường) làm bằng lông chim (y vũ). Bảy nàng tiên cất tiếng hát nghe thật thanh tao, huyền diệu ưu mỹ, điệu bộ thì thanh thoát bay bỗng tuyệt vời. Khi tỉnh giấc Lý Long Cơ truyền cho đội nhạc diễn lại khúc ca vũ theo trí nhớ của ngài để truyền lại cho đời sau.
    Nhạc sĩ Văn Cao dựa vào huyền thoại Khúc Nghê Thường để sang tác nhạc phẩm nổi tiếng Thiên Thai trong đó nội dung bài hát có những câu :"Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian. Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần. Thiên Thai chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm. Khúc Nghê Thường nầy đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn". Khổ thơ nầy phải nói là thật hay, câu nào cũng hay , đăc biệt hay nhất là câu :"Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian" và câu :"Thiên Thai chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm". Thật chưa có  câu thơ nào lãng mạn và gợi tình một cách thiết tha nồng cháy như vậy. Bối cảnh về thời gian và không gian như không còn phân cách , thì chỉ có cõi tiên mà thôi. Bên cạnh sự nổi tiếng của tên gọi , thì vũ điệu cũng như âm nhạc của tình khúc nầy có thể nói là xa lạ với chúng ta . Hiện tại chưa ai nghe khúc Nghê Thường bản gốc như thế nào kể cả tác giả Văn Cao khi ông sang tác nhạc phẩm nổi tiếng Thiên Thai , vì khúc Nghê Thường đã thất truyền từ hơn 1000 năm trước.
 “Giấc mộng đêm xuân” là một bài thơ trữ tình thật lãng mạn nhưng không quá đà trượt dốc.. (Tới đây tôi xin mở dấu ngoặc để giải thích về trường hợp sáng tác bài thơ nầy. DH dựa vào câu chuyện thần thoại "Khúc nghê thường" để làm bài thơ theo ý riêng của tác giả, điều nầy không có gì lạ vì nhiều người đã làm từ lâu như Hải Vân đã dựa vào câu chuyện thần thoại "Chú cuội ngồi gốc cây đa" để làm một bài thơ có nội dung khác hẳn bản gốc nhưng nó mới lạ, ngộ nghĩnh mang tựa đề "Ba đồng tiền". Bài thơ DH làm cũng giống như trường hợp trên, nhưng có vài chỗ  nghĩa không rõ  nét nên tôi mạo muội đưa vào vài chi tiết cho liền lạc câu chuyện / NC)
Bài thơ 8 chữ gồm 5 khổ mỗi khổ 4 câu.Mở đầu tác giả giới thiệu một cách tổng quát niềm hạnh phúc bất chợt khi nàng tiên cỡi chim hạc trắng đáp xuống trần gian vui xuân cùng người trai trần thế.Ngay từ đầu DH đã xây dựng cốt truyện  có tính cách thần thoại, gây chú ý nơi người đọc.Tác giả không nói rõ cuộc găp gỡ và yêu đương giữa tiên, phàm như thế nào, nhưng giữa mùa xuân ấp áp thí ắt hẳn tình cảm nầy vừa nên thơ vừa lãng mạn biết chừng nào! Nay nhớ lại mà ngậm ngùi luyến tiếc, rồi đợi chờ, thao thức suốt đêm. Vết tích ái ân hình như còn đọng lại đâu đây khiến ngàn năm sau vẫn còn vương vấn. Tiên /phàm làm sao sống chung đến bạc đầu được. Yêu nhau, quấn quit nhau rồi xa nhau như một định mệnh khiến đêm về người trần gian cứ mơ hoài người ngọc, mơ mãi chuyện ái ân chưa tròn mà ứa lệ.
                          Đôi cánh trắng tiên nga ngày giáng thế
                          Giữa mùa xuân còn để lại dư hương
                          Nghìn năm đời vẫn se sắt vấn vương
                          Đêm dỗ giấc miên trường mơ người ngọc
Từ ngữ khéo chọn lọc, DH chắt chiu từng con chữ , tuy dùng chữ bình dị nhưng không thô kệch, bên cạnh đó cũng có những từ mới  mang âm sắc du dương đậm đà. Những nhóm từ:"cánh trắng","tiên nga","ngày giáng thế" mang nét đẹp và gợi hình. Từ "se sắt" dùng rất đắc địa,chỉ nổi đau quặng thắt trong lòng không biết tỏ cùng ai. "Giấc miên trường" là giấc ngủ say, kéo dài. "Mơ người ngọc" là mơ tiên nữ.Thật lãng mạn!!!
Hàn Mặc Tử cũng từng mơ bóng dáng người con gái dễ thương, bằng những vần thơ nhẹ nhàng tha thiết, lâng lâng, nhưng không sánh kịp tính chất lãng mạn so với DH trong bài thơ nầy.
                         Mơ khách đường xa khách đường xa
                         Áo ai trắng quá nhìn không ra
                       Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
                       Ai biết tình ai có đậm đà. 
    Đến đây tác giả mới thuật lại chi tiết cuộc hội ngộ bất ngờ mà đoạn trên đã giới thiệu. Nàng tiên cùng với chàng trai hạ giới ca múa dưới trăng .Tiên nữ mặc áo lông chim,rực rỡ trong bộ y phục khác lạ (vũ y), múa khúc Nghê Thường, nàng đưa tay ra mời chàng cùng nhảy. Nàng say sưa ngây ngất hương  tình với người trần gian mà trên cõi tiên nàng chưa hề gặp. Trong một phút lãng mạn chàng thủ thỉ hỏi " Múa xong khúc nghê thường em có mệt không?" thật tình tứ !!! Tấm thân ngọc ngà ,đáng được chiêm ngưởng, đón nhận tình yêu ở lại cõi trần. Cửa động đào đã mở,nàng e thẹn bước vào. Bây giờ còn lại tiên với ta, chàng rót trà mời nàng uống mừng cho giây phút hội ngộ hiếm hoi nầy.Trà Long Tỉnh được đựng trong ấm Chu Sa quý hiếm. Trà là một đặc sản của thành phố Hàn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang ,Trung quốc.Trà được trồng ở vùng núi Long Tỉnh (giếng rồng) gần Tây Hồ, nơi nầy thời tiết mát mẻ quanh năm,sáng sớm thường có sương bao phủ mặt hồ, đó chính là hơi nước từ hồ bốc lên.Trà có hương vị đặc biệt , rất thơm và ngọt dịu khi hớp một chút nước trà nóng; nghe nói nó còn trị được nhiều chứng bịnh nữa.
    Ấm Chu Sa cũng là loại ấm được chế tạo bằng một loại đất sét đặc biệt, nung khá lâu trong lò luyện. Ấm có những vân ngang vòng quanh thân ấm nhưng khía lõm, chạy dài từ dưới đáy lên tận miệng.Một chiếc ấm được dưỡng tốt là nó phải nổi bật lện  màu sắc ẩn bên trong, độ sáng bóng và màu của đất phải hội tụ  ở những chỗ đặc biệt trên thân ấm.
                           Điệu nghê thường vũ y tay mời mọc
                           Thấm duyên trần có nhọc tấm thân ngà
                            Cửa động đào khép nép một lần qua
                            Trà Long Tỉnh  ấm Chu Sa thơm ngát
     Câu "Thấm duyên trần có nhọc tấm thân ngà", nhóm từ ngữ "tấm thân ngà" viết đầy đủ là "tấm thân ngọc ngà" chỉ người con gái đẹp đáng quý, nhất là khi nàng nằm dưới ánh trăng hay dưới ánh đèn mờ ảo trong đêm lạc đạo.
     Câu "Cửa động đào khép nép một lần qua". Cửa động đào là cửa hang núi có cây đào, nghĩa bóng là nơi tiên hay con gái đẹp ở.Chữ "khép nép" dùng rất chỉnh và thích hợp nói lên tâm trạng e dè ngại ngùng của người con gái lần đầu bươc vào hang động, ngồi uống trà với chàng trai lạ ở trần gian dưới ánh trăng mờ ảo. Một khi bước qua khỏi cửa động đào thì coi như nàng chấp nhận mất mát để được yêu.
      Cuộc vui nào rồi cũng tàn, đêm đã khuya, sương lạnh rơi nhẹ trên cành liễu, tiên lã lơi nghiêng ngã, quên mất lối về.Trong khu vườn Eden mà Thượng đế đã dựng lên với nhiều hoa thơm trái ngọt. Khi nàng tiên Eva, gặp biểu tượng của một phần thân thể đàn ông (Adam) thì cũng từ đó xuất hiện  rắn, nọc độc, và tiếp theo là sự sa đoạ của tình dục đã mang lại cho tiên /trần lạc thú ái ân. Con hạc trắng không còn chờ đợi chủ nhân được nữa nên chớp đôi cánh bay vút lên trời cao, trở về cõi tiên thượng giới. Đêm lạc đạo đắm say tình ái, ngây ngất hương tình , đôi ta không còn nhận ra được thế giới hiện hữu, hình hài nầy là thân thể thực hay ảo giác mộng mơ?     
                            Tiên ở lại, về trời đôi cánh hạc
                            Đêm hương nồng bát ngát giấc mơ xuân
                             Mộng trào dâng giữa đời thực bâng khuâng
                             Lòng mê đắm dáng hình hay ảo ảnh
Trần gian đẹp và vui như thế cớ sao bác Tản Đà lại than chán nhỉ? hay là ông chưa gặp nàng tiên thực sự trên đời?
                                Đêm thu buồn lắm chị hằng ơi
                                Trần thế nay em đã chán rồi
                                Cung quế đã có ai ngồi đó chửa?
                                Cành đa xin chị nhắc lên chơi
     Tình cảm lâng  lâng thi vị chốn đào hoa hạ giới lại được nhạc sĩ Hoàng Nguyên cảm nhận một cách sâu sắc nên ông đã sáng tác bản tình ca đầy cảm xúc "Ai lên xứ hoa đào". Xứ "hoa anh đào" chính là cảnh đẹp Đà Lạt mộng mơ. Lúc dạo chơi ngoài vườn  tác giả Hoàng Nguyên bắt gặp những  con bướm đẹp màu sắc rực rỡ bay theo chân . Bướm đây là bướm thật mà cũng là  hình dáng xinh tươi dễ thương của những cô thiếu nữ đi dạo quanh vườn hay trong các buổi lễ hội. Tác giả dùng lối ẩn dụ thật khéo léo và điêu luyện gây cho thính giả sự cảm nhận sâu sắc khi thưởng thức nhạc phẩm nầy.
                     Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
                     Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai,
                     Đường trần nhìn hoa bướm rồi  lòng trần như bướm hoa,
                     Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khòi sương
                     Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên...
        Trong văn chương cổ điện Việt Nam khi đọc qua truyện Bích Câu Kỳ Ngộ ( 碧溝奇遇), tác giả khuyết danh sáng tác giữa thế kỷ 19, ta thấy mối tình giữa tiên (Giáng Kiều) và người trần thế (Tú Uyên) sao nó đậm đà và lãng mạn quá . Tính lãng mạn được diễn tả bằng những từ ngữ hết sức gợi tình .
          Đêm qua là cái đêm gì
          Chúa xuân hé cửa màn the động phòng
          Cầu ô đã bắc ngang sông
          Mảnh gương trắng bạ xế trông mày ngài
      Cảnh động phòng trong đêm tân hôn được diễn tả bằng những vần thơ rất thực và sống động, nhưng kín đáo không lố lăng nham nhở; thời bấy giờ ít có nhà thơ nào dám đề cập một cách công khai. Như vậy có thể nói tác giả Bích Câu Kỳ Ngộ đã đi trước thời đại một bước khá dài trong nghệ thuật sáng tác thơ ca.                                    
     Niềm hoan lạc thăng hoa , đêm nguyệt tận có muôn vì sao lấp lánh trải rộng  trên bầu trời một khoảng không gian vô định mà những tinh cầu kia phải chăng là những mảnh vở của mặt trời? Vũ trụ chuyển động không ngừng tạo thành sức sống, trên trần gian cũng luôn biến đổi đồng bộ với sự chuyển vận của các hành tinh hay nói khác đi là của thiên nhiên trời đất.Từ đó ta thấy rằng cuộc đời nầy không có gì là vĩnh cửu: được /mất , thành /bại, hạnh phúc/ đau khổ, sum hợp/chia ly...cho nên tình yêu đến với ta dẫu duyên hay nợ thì cũng xin đừng phụ nhau.
Nếu  một ngày kia  sự chia ly xảy ra thì cũng là điều tất yếu vì tiên đâu có thể sống thành chồng vợ suốt đời với người trần, ngay cả khi người trần thế với nhau mà chưa chắc đã sống  được trăm năm hạnh phúc. Cảnh biệt ly sao mà buồn thế. Thi sĩ Lý Bạch ( 李白/701-762) đời Đường cũng đã diễn tả tâm trạng nầy qua mấy vần thơ đầy cảm động. Lý Bạch là người có tài nhưng không gặp thời. Sau khi ông bị quan trên ruồng bỏ khiến ông phải từ giả kinh thành về miền thôn dã, sống những ngày trầm lặng. Thời gian nầy ông sáng tác nhiều bài thơ hay có đặc tính thực thực hư hư , chủ yếu là cảnh trong mộng làm người đọc có cảm tưởng như đang đi vào một thế giới thần thoại. Ông cũng gặp tiên ở thế giới cực lạc, rồi chia tay với tiên; khi tỉnh dậy ông buồn chán ngẩn ngơ vì đời thực không đẹp bằng mộng.
惟覺時之枕席
失向來之煙霞
世間行樂亦如此
古來萬事東流水
別君去兮何時還 ?
   (Lý Bạch)
Phiên âm:
              Duy giác thì chi chẩm tịch
              Thất hướng lai chi yên hà
              Thế gian hành lạc diệc như thử
               Cổ lai vạn sự đông lưu thuỷ
               Biệt quân khứ hề hà thị hoàn?
Dịch nghĩa:
               Chỉ còn lại gối chăn ở đó
               Khói ráng vừa tới chợt biến mất
               Thì những cuộc vui trên đời cũng giống vậy.
               Từ xưa tới nay mọi việc ở trên đời trôi qua như nước chảy về đông.
                Giã từ anh tôi đi không biết bao giờ trở lại?        
     Người đi rồi ta ở lại một mình buồn ảo não, chăn gối còn trơ ra đó chẳng buồn xếp,  nào  khác chi những đám mây chiều lững lờ bay ngang qua rồi biến mất một cách vô tình. Tiệc vui nào rồi cũng tàn, đời người cũng vậy có lúc rồi phải chia tay, chia tay giữa bạn bè hay chia tay  trần thế để về nơi  miền cực lạc như dòng sông chảy xuôi về hướng đông. Nay từ giả anh đi, không biết  còn có ngày gặp lại ? Sao mà não nùng thế? Tác giả ví dòng sông như dòng đời, sông thì chảy ra biển cả còn con người cuối cùng thì trở về với cát bụi.
      Trở lại bài " Giấc mộng đêm xuân" ở khổ 4 nầy, DH không nói rõ cuộc chia tay tiên /trần như thế nào nhưng ta có thể hiểu được là sau khi chim hạc bay về Trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế thì Ngọc Hoàng tức giận bèn sai thần bay xuống trần  gian bắt tiên nữ trở về tiên giới, sau đó kỹ luật tiên, mỗi năm chỉ được trở lại trần thế để gặp người yêu một lần.
      Tiên, trần miễn cưỡng chia tay trong đau khổ đầy nước mắt. Cảnh chia cách giống như truyện Ngưu Lang Chức Nữ : mỗi năm nhờ quạ đen bắt cầu cho hai người gặp nhau . Chuyện gây nhiều xúc động cho người đọc mỗi khi nhắc đến.
                           Đêm nguyệt tận vạn vì sao lấp lánh 
                            Những tinh cầu từ mảnh vỡ mặt trời
                            Vẫn âm thầm xoay tít khắp muôn nơi
                             Duyên hay nợ trong cuộc đời, một bến
Ở đây có vài từ ngữ tương đối mới như " Đêm nguyệt tận" chỉ đêm cuối tháng."Tinh cầu" ý nói ngôi sao trên trời. Từ ngữ "một bến" là một nét ẩn dụ, nghĩa đen là bến sông, bến đò, bến đậu.Trong bài , "bến" chỉ "bến đời"của người con gái (nàng tiên). So sánh bến đậu như cuộc đời. Tội nghiệp cho nàng tiên, trong niềm vui ngây ngất bất ngờ, nàng cũng có ước mơ đơn giản  là  mong sao cho hạnh phúc nầy được bền chặt  mãi bên người yêu trần thế, đừng để xảy ra sóng gió làm chia cách lứa đôi. Đời người con gái ví như mười hai bến nước trong nhờ đục chịu. Nói là mười hai bến nhưng thực ra chỉ có hai bến mà thôi đó là"bến đục" và "bến trong", bến đục chỉ nỗi bất hạnh, khổ đau còn bến trong chỉ hạnh phúc giàu sang. Những từ ngữ nầy làm cho bài thơ thêm sức truyền cảm và ý nhị.
      Nàng tiên trở lại chốn tiên. Ôi, chốn tiên sao buồn thế? Nơi nầy nhìn quanh chỉ thấy toàn là tiên thì làm sao vui được? Nàng nhớ trai trần thế , anh sao dễ thương quá, anh biết chiều chuộng,  yêu thương nàng mà từ lâu,ở cõi tiên, nàng không hề gặp được một người như vậy. Nàng mơ về động Thiên Thai nơi đó có chàng trai đang chờ đợi nàng. Nàng mong cho ngày tháng trôi mau để nàng trở lại chốn trần gian; nghĩ tới đó nàng cảm thấy e thẹn khi thấy đôi mắt dịu hiền của chàng trai hiện ra, nó mơ màng và dễ thương làm sao. Nàng nguyện sẽ giữ vẹn tấm thân ngọc ngà chờ ngày trao lại cho chàng trong ái ân  hoan lạc nơi hạ giới.
                             Đêm dệt mơ đợi chờ ngày sẽ đến
                             Mộng đêm xuân qua ánh mắt dịu hiền
                             E ấp thân ngà xếp lại cánh tiên
                             Nơi hạ giới ưu tư niềm hoan lạc
    Do cấu trúc thi ngữ không được diễn tả rõ nét nên đoạn kết nầy có thể hiểu theo hướng khác.Nhân vật nàng tiên được thay thế bằng chàng trai trần thế. Vì chính anh cũng nao nức rộn ràng chờ tin vui để gặp lại người yêu tiên nữ mà trước đây hai người đã từng sống những ngày hoan lạc hạnh phúc nơi động Thiên Thai. Câu "Mộng đêm xuân qua ánh mắt dịu hiền" cho ta biết chàng trai đang mơ có một đêm xuân như ngày mới gặp cũng tại chốn nầy để chàng ấp ủ tấm thân ngọc ngà  của nàng, nhìn ánh mắt dịu hiền đầy gợi cảm để ru em vào giấc ngủ thiên thu.
      Phần lớn bài thơ ngắt nhịp :3/5, nhưng khổ đầu thì:3/2/3; 3/5; 3/5; 3/2/3, khổ 4 thì : 3/5; 3/5; 3/5; 3/3/2.
      Nhờ có sự biến đổi trong nhịp ngắt câu nên bài thơ tránh được sự đơn điệu nhàm chán. Ngoài ra nó còn làm cho âm điệu bài thơ nghe êm tai , lúc vui lúc buồn được thể hiện một cách đầy đủ.Xét khổ đầu, đọc lên ta nghe âm điệu mùa xuân đang trở về rộn rã, lâng lâng, trong đó có cả tình yêu nữa. Về cách gieo vần thì DH triệt để sử dụng gieo vần ôm ở cuối câu. Ví dụ khổ 1 thì vần: hương, vương. Khổ 2 thì vần: ngà, qua... v.v. không có trường hợp ép vận khiến câu thơ đọc nghe loảng choảng.
Bài thơ có nhiều ưu điểm tuy nhiên trong  tôi vẫn còn đọng vài thắc mắc  như câu đầu khổ 4 "Đêm nguyệt tận vạn vì sao lấp lánh". Về nghĩa thì "đêm nguyệt tận" là đêm cuối tháng, mà đêm cuối tháng thì trời tối đen như mực thì  làm sao có "vạn vì sao" lấp lánh cho được? Người ta thường nói: trời tối như đêm 30 đó sao?
    Điểm 2: Câu "Nơi hạ giới ưu tư niềm hoan lạc". Ưu tư là lòng lo lắng về một vấn đề gì đó, còn hoan lạc là thích thú. Nếu hoan lạc thì sao còn có ưu tư, và ngược lại?      
      Điểm thứ ba là khổ 4:
                 Đêm nguyệt tận vạn vì sao lấp lánh 
                 Những tinh cầu từ mảnh vỡ mặt trời
                 Vẫn âm thầm xoay tít khắp muôn nơi
                 Duyên hay nợ trong cuộc đời, một bến
     Bốn câu nầy không nói rõ sự chia tay tiên /trần. Điều nầy gây lung túng cho người đọc. Tôi đoán được ý chia cách do sự chuyển động âm thầm của vũ trụ kéo theo sự thay đổi của đời người mà cụ thể ở đây  là sự chia ly, và căn cứ vào khổ cuối của bài thơ cho tôi kết luận như vậy.Tôi không rõ đây có phải là một thiếu sót của tác giả hay là một hình thức mới cho lối chuyển ý theo kiểu ẩn ngữ, ẩn dụ?
    Nội dung bài thơ " Giấc mộng đêm xuân" chứa đựng nỗi khát vọng về tình yêu . Tuổi trẻ cần tình yêu như một nhu cầu tự nhiên bất biến dầu người con gái là tiên nữ hay người phàm, đâu có khác biệt gì nhau.Trong nghịch cảnh tiên vẫn tranh đấu chờ đợi để có ngày gặp lại người yêu dẫu gặp nhau trong giây lát.Thật đáng trân trọng cái tình cảm hiếm có nầy cùa nàng tiên!Thân phận nàng tiên cũng giống thân phận người trần, khi gặp trắc trở thì tranh đấu đợi chờ. Con người đợi chờ trong khổ đau nhưng vẫn thấy hy vọng, khổ đau càng nhiều thì hy vọng càng cao vì khi khổ đau chồng chất tột đỉnh thì nó sẽ hội tụ tại một điểm mà điểm đó chính là niềm vui và hạnh phúc, phải chăng vì tin tưởng như vậy mà người ta còn niềm tin để sống như nàng tiên trong thơ DH? Bài thơ khép lại với bao nỗi bâng khuâng trầm lắng trong lòng mỗi người.
        Thân ái,  Nguyễn Cang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cuộc Chiến Hao Mòn (TC.Da Màu )

carleigh baker ♦ Chuyển ngữ: Ban Biên Tập    CA...