Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Lăn Theo Thời Thơ Dại- Chs Trần Kiêu Bạc


Khi nhắc đến cuộc đời, người ta thường nêu ra ý niệm Sinh Lão Bệnh Tử để nhấn mạnh những giai đoạn hay những điểm phải đến trong một đời người. Lâu dần, ý niệm đó trở nên quen và được xem là điều cần ghi nhớ. Người ta quên bẵng đi rằng để đi đến gia đoạn Lão thành , con người phải trãi qua một giai đoạn khác cũng dài không kém và cũng đáng nhớ không kém. Đó là Thời Thơ Dại.
Vâng! Nói như thế thì ai cũng có một Thời Thơ Dại (viết hoa). Thời gian nầy là phần mở đầu xuất sắc cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh xã hội hay riêng tư khác nhau. Thời Thơ Dại cũng đến, qua đi, để lại những kỷ niệm hay dấu khắc khó phai mờ, và nhiều khi nó trở thành những vết sẹo mà thơì gian hay thuốc men không thể xóa! Vết sẹo trên cơ thể có thể nhờ khoa học hay bàn tay khéo léo của quý vị lương y làm tan đi, nhưng vết sẹo trong tâm hồn thì không bao giờ, hay mãi mãi nằm trong tiềm thức của mỗi người mang nó! Thời Thơ Dại không có điểm bắt đầu cũng như khó chỉ ra lúc nó kết thúc! Nói chung thì Thời Thơ Dại có thể được xem là khởi đi từ lúc mỗi người có một chút tri thức một nhận định hay có thể tự quyết về mỗi vấn đê có liên quan tới mình! Chúng ta không thể nói Thời Thơ Dại là lúc còn được ẳm ngửa, còn bú Mẹ vì khi đó con người chưa thể quyết định về những suy nghĩ của mình, như đói thì khóc mà chưa thể tự chọn loại sữa nào hay lúc nào thích bú! Thời Thơ Dại cũng đôi khi kéo dài tới lúc Lão Niên, tất nhiên hài hước mà nói như vậy, vì nhiều lúc còn Dại khi đã hết Thơ. Những Lão Ông Việt Kiều về trong nước bị bọn gái trẻ dụ lấy hết tiền  bạc rồi qua Mỹ kêu trời là minh chứng hùng hồn nhất của “Thời Thơ Dại kéo dài”.
Nói đến Thời Thơ Dại đã qua, nhất là nói đến Kỷ Niệm Vàng Son Hoa Mộng mà mọi người đều trãi qua là nhắc đến một kho ký ức còn mãi trong tim và một khi thời đó qua rồi thì lăn theo mà lòng ngơ ngẩn tiếc. Sao lại “lăn theo”? Có thể vì tìm mà không thấy, chạy theo thì biến mất, không thể nhìn hay sờ mó được! Xin hãy hình dung một đứa trẻ bị mất đồ chơi hay khóc hoài không ai dỗ! Khóc hoài khóc mãi đến tuyệt vọng rồi lăn ra, tức tửi, ấm ức và im lặng trong khổ đau! Lăn trong ý “ Lăn qua Thời Thơ Dại” cũng mang ý gần giống như vậy! Tìm hoài không thấy và Thời Thơ Dại biến mất thì Con Người đành lăn theo trong tiếc nuối mà thôi!
Thời Thơ Dại có thể là nỗi mừng vui lẫn lo sợ khi theo Mẹ đến trường lần đầu trong đời.
Nhà văn Thanh Tịnh trong tác phẩm Tôi Đi Học đã chẳng nói ra sự hồi hộp lãn vui sướng trong ngày đầu theo Mẹ đến trường trong” Hăng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi nao nức ….” đó hay sao?
Ngày đâu tiên trong đời đến trường! Cứ nằm tay Mẹ, rụt rè mà háo hức, e sợ mà hân hoan, tình cảm mơ hồ không sao nói hết! Lúc vào lớp , sao mà lạ bạn lạ Thầy Cô, muốn khóc và chạy về theo Mẹ mà chân như bị chôn lại trên viên gạch hình vuông cuối lớp. Muốn khóc mà không dám khóc vì sợ chúng bạn cười mà vui thì không vui nỗi, cười theo bạn mà miệng méo xệch trông như anh hề!
Thời Thơ Dại có thể là những buổi tắm sông reo hò cùng bạn bè cùng tuổi. Không co gì phẳi mắc cở, cứ cởi trần, quần đùi lao xuống sông la quên hết! Ngay cả khi lên bờ, quần ướt, lỏng dây thun, xúm lại mà tuột quần nhau rồi so nhau to nhỏ cũng không là cái thá gì vì giữa sông nước mên mông không ai rảnh rang để nhìn mà giễu cợt! Rồi cùng nhau vưa bơi xuồng vưa hát “ Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng… kiếm xuồng leo xuống …”. Qua bên kia sông hái trái bần chua ăn với mắm ruốc va uống nước sông! Tỉnh bơ! Không thằng nào đau bụng hay cảm cúm gi hết! Đó là kỷ niệm đầu đời dám hái bông lục bình màu tím để tặng ‘con nhỏ” đang ngóng chờ mình bên nầy sông vì không thể ra xa bờ hái bông được!
Thời Thơ Dại có thể là tập làm gan ăn cắp trong khi phụ Bà Nội dọn cổ trong đám giỗ Ông! Cứ nhớ là lúc đó học khoảng Lớp 3 Tiểu Học. Bưng phụ dĩa thịt phai có lòng heo lên bàn thờ là tiện tay rinh luôn một miếng lòng bỏ an toàn vào miệng mà lòng cứ e sợ Ông thấy sẽ phạt đòn roi! Hay chờ lúc Bà vái cúng xong la “dớt” luôn trái quit mà không khôn ngoan, cứ ngồi trong hóc bàn thờ mà lột. Mùi hương quít bay đầy nhà và bị Bà kéo ra phạt một trận tởn lắm mà trong lòng tự hứa là không tởn tới già!
Thời Thơ Dại có thể là những lời nói hay hành động khó thể chấp nhận với Thầy Cô hay bạn bè, chỉ vì còn thơ dại! Như có lần dại trong lớp, khi Thầy đọc Chính Tả bảo: Gạch đít, xuống hàng! Thì nói to” Gạch đít hoài chảy máu Thầy ơi!”. Hay tìm cách noi tên Cha Mẹ bạn để chọc tức bạn. Thí dụ: Biết Cha bạn tên Hổ thì cứ vỗ bàn nghe Cọp Cọp (không phải Cộp Cộp) để làm bạn tức rồi gây gổ chơi!
Thời Thơ Dại có thể là một nhóm con gái áo quần phẳng phiu đạp xe chở ba bốn lên vuờn cây leo lên hái trái. Tất nhiên là không ai sợ câu ca dao “ Con gái trèn cây gai mây xóc…cổ”, cứ leo rồi muốn xóc cái gì thì xóc, vô tư!
Hay những hình ảnh dịu hiền mà không kém phần gai góc của tuổi thiếu niên thời “con gái” nết na đằm thắm. Một nhóm con gái bên nhau chơi đánh đũa, đứa thì kẹp tóc đuôi ngựa, đứa cắt bum- bệ, đứa hớt ma –ninh- cua như con trai mà bày đặt cài băng đô tím lãng mạn! Đánh đũa … khi thì banh có thể bồng lên rồi mới bắt hay lúc kẹt dùng trái cau, không thể để rơi mà phải bắt từ trên không! Rồi ăn gian, rồi cải nhau om sòm, đôi lúc đằm thắm trở nên trời gầm lúc nào không biết!
Càng lớn thêm thì Thời Thơ Dại có biến chuyển đồi chút, nhưng vẫn là thời của tuổi nhỏ của giai đoạn “ăn thì no mà lo chưa tới”. Đó là thời của con trai con gái mới lớn. Trai mới cao, gái mới nhú. Mặt đứa nào cũng nổi mụn đỏ, chứng tỏ ta đây sắp thành người lớn rồi! Đứa hên thì ít mụn, đứa nào xui thì mặt như dề cơm cháy, tùm lum, chỉ có hai lổ tai là khỏi bị thôi! Con trai thì đi xe đạp sườn ngang (không chịu xe đầm nhe!) rồi chạy ra sân vận động, canh một chân góc trái hay hậu vệ rồi tập tành chơi xấu, tém gìò gạt cẳng hay huých chỏ làm sao cho trọng tài không thấy! Con gái thì dịu dàng trong tư cách, kín đáo trong ăn mặc và luôn sẵn sàng như có ai để đang ý tới mình. Đây là thời Thơ còn Dại mà cứ tưởng mình đã ngon cơm! Không dại sao được khi mà thấy bạn gái cùng lớp vào Chùa cũng theo đứng xớ rớ phía sau mà nhắm mắt ( thật ra là hé mát nhìn “nó”!) rồi cũng làm như chân thành Nam Mô, lạy Phật. Buồn cuời nữa là khi bạn gái vào Nhà Thờ cũng theo sát phía sau, quỳ và Amen thật to cho “nàng “ nghe rõ!
Không dại sao được khi mà bạn trai trả quyển sách Lý Hóa giả đò mượn hôm qua kèm theo một bông hoa ép trong bao thư thơm phức, rồi tưởng đã bị ai phải lòng, đem ra khoe tùm lum với bạn khác là “ Thằng nầy trông cây si tao rồi tụi bây ơi!” Có biết đâu thằng nầy nay thả con tép, mai bắt con tôm, chắc chắn sẽ được nàng bao một chầu kem hay bò bía ngon lành khỏi tốn tiền, lại có khi kèm theo tiền “ cho anh xài lúc ngặt!”(con gái để dành tiền hay lắm mà nhiều khi xài cũng dại lắm!)
Dại mà sung sướng và cảm thấy hạnh phúc nhất là lúc chở bồ trên xe dù là xe đạp hay xe gắn máy! Xe đạp lên dốc, người đạp mệt “lã cò bợ” mà khi em hỏi mệt không anh thì cứ kềm hơi thở mà ráng nói to: Mệt gì đâu mà mệt em? Trời ơi! Cái xe đang chạy mà tắt máy rồi! Em xuống xe mặt chút hờn dỗi, tìm bóng cây mà núp sợ nắng ăn đen da! Anh lò mò cạo buzi lấm lem mặt mũi! Đế khi đạp xe, máy cà xịch cà xịch rồi rú lên còn nhỏ hơn lời rú mừng của anh! Em chỉ nhẹ nhàng vén tà áo dài, nhích mông lên yên và phán” rồi anh!”. Đó là hạnh phúc Dại mà Vui của thời mới lớn!
Nhưng có một Thơi Thơ Dại của riêng tôi (người viết) mà suốt đời tôi luôn trân trọng gìn giữ dù ở đâu hay trong bất cứ hoàn cảnh nào! Tôi đã mạo muội đặt tên Thời Vàng Son ấy là “Bếp Lửa quê Hương”!
Mỗi lần hình dung bếp lửa Thời Thơ Dại ấy, tôi xót xa thấy lại hình bóng Bà Nội, Má tôi và những ngày thơ ấu đã ngàn trùng xa cách! Tôi xa quê hương, cố mang theo những hình ảnh đơn giản và vô cùng gần gũi ấy mà chỉ còn trong trí nhớ mỗi ngày một mòn mỏi theo thời gian. Phải chi trong những ngày cuối năm, trong bước chân lãng đãng ngập ngừng của Nàng Xuân nơi xứ người, tôi có đươc bếp lửa quê hương ngày cũ!
Đó là những ngày cuối năm, sắp Tết. Hình như năm nào cũng vậy, trời se lạnh và nắng không cao! Bà Nội tôi gom củi và lá khô thành như cái bếp to rồi đốt lên, sưởi ấm! Bà không nói nhiều, chỉ cầm cái que dài khơi lên mỗi khi lửa chưa bén đều khắp! Đôi mắt Bà xa xăm: Hồi đó Ông Nội tụi bây … rồi ngưng hẳn! Chúng tôi quây quần một bên, yên lặng chờ câu nói tiếp, nhưng không thấy gì! Năm nây qua năm kia chỉ là câu chuyện Ông Nội tụi bây …không bao giờ có đoạn kết! Má tôi cũng vậy, hình như bắt chước Bà
Nội, rồi: Ba các con … và im lặng!
Tôi mang cái im lặng ấy qua suốt tuổi thơ mình và lớn lên mới hiểu khi mà con ngườì đi đến sự đau khổ và tiếc nuối cùng cực thì sẽ biến thành im lặng! Không có gi để diễn tả được! Tôi cảm ơn bếp lửa quê hương hay bếplửa gia đình của riêng tôi! Bếp lửa của đoàn tụ, của yêu thương, của vô cùng thân thiết đã đưa tuổi thơ tôi đến đỉnh cao vàng son chói lọi, nơi đó là sự gắn bó của hai thế hệ phụ nữ góa chồng là Bà Nội và Má tôi mà hai người luôn đối xử với nhau như là bạn hơn là mẹ chồng nàng dâu! Cũng từ đó tôi tự nhiên rất yêu thương và quý mến hoàn cảnh những phụ nữ goá bụa và cùng đau khổ như Bà và Mẹ mình! Đó là sự thông cảm ở cấp cao khi biết sự cô đơn và mất mát người thân là đau đớn và khổ sở như thế nào!
Tôi cảm ơn bếp lửa quê hương của tôi khi những chiều cuối năm nơi đất lạ, tôi thấy được sự ấm êm của tình người, của cành mai trước ngỏ, của hồn bánh chưng xanh mà mỗi ngày Đông gặp nhau bên bếp lửa, tôi đều thấy Bà tôi dặn dò nhắc nhở, và Má tôi tất bật những lo toan!
Thời Thơ Dại! Ôi! Thời của vô tư, của hành động mà không cần so đo tính toán! Ai cũng đều qua Thời Thơ Dại của riêng mình mà mỗi khi có dịp nhớ lại đều thấy vui buồn lẫn lộn. Vui vì biết mình còn sống và còn nhớ. Buồn vì tất cả đã qua đi, như là vội vàng nhưng thật ra cũng không nhanh vì còn luyến tiếc! Vĩnh biệt Thời Thơ Dại dễ thương của chúng ta!.
(ảnh:Google).
Bài nầy đã được đăng ở ĐS Liên Trường Tây Ninh- Hội Ngộ 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...