Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Tử và cận tử trong truyền thống Tây Tạng

tu-can-tu Tay tangChiêm nghiệm và thiền định về cái chết và sự vô thường được coi là hết sức quan trọng trong hệ thống tu tập của Phật giáo vì hai lẽ: thứ nhất, chỉ nhờ việc nhận thức rằng cuộc sống quý giá và ngắn ngủi biết chừng nào mà người ta mới cố gắng làm cho cuộc sống có ý nghĩa và sống trọn vẹn cuộc sống của mình, thứ hai, nhờ việc hiểu rõ tiến trình của cái chết và quen thuộc với tiến trình ấy, con người mới có thể loại bỏ được nỗi sợ hãi trong giờ lâm chung và yên tâm về một cuộc tái sinh thuận lợi.
Vì cách sống của mỗi người trong cuộc đòi và trạng thái tâm thức của người ấy trong giờ lâm tử có ảnh hưởng trực tiếp đến kiếp lai sinh của từng người, có quan niệm cho rằng người thực hành về tâm thức phải nhắm đến mục tiêu gạt bỏ mọi sợ hãi và hối tiếc tại thời điểm đang đi vào cõi chết. Người ta cho rằng người nào thực hành miên mật nhất với tất cả khả năng của mình sẽ chết trong một trạng thái phúc lạc tràn đầy. Người thực hành trung bình sẽ chết trong trạng thái an lạc. Ngay cả người mới bắt đầu thực hành cũng chết trong một tâm thức không sợ hãi và không hoảng loạn. Cho nên, mỗi người đều phải nhắm tới việc thành tựu được ít ra cũng là phần thấp nhất của những kết quả thực hành nói trên.
Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, có hai phương pháp thiền định thông thường về cái chết: Phương pháp thứ nhất nhìn thẳng vào sự tất yếu và tính cách sẵn sàng xảy đến của cái chết đồng thời xem xét điều phúc lợi nào sẽ có mặt vào thời điểm chết, để thúc đẩy người hành trì phải sử dụng đời sống của mình một cách tối ưu. Phương pháp thứ hai là việc mô phỏng hay diễn tập về tiến trình của cái chết thật, giúp người hành trì quen thuộc với sự chết và loại bỏ mọi nỗi sợ hãi về những gì không biết, cho phép hành giả tiến vào cái chết một cách thiện xảo. Theo truyền thống, tại những xứ Phật giáo, người hành trì thường được khuyến khích đến thăm các nghĩa trang hoặc những lò thiêu xác để chiêm nghiệm về cái chết và làm quen với sự kiện không thể tránh khỏi này.
Phương pháp thứ nhất
Phương pháp thứ nhất thường được gọi là phép thiền định chín bậc về cái chết, trong đó hành giả chiêm nghiệm về ba căn, chín lẽ và ba quyết định, được mô tả như sau:
  1. Cái chết là điều tất yếu
  2. Không có con đường nào để tránh được sự chết. Không một ai đã từng tránh được cái chết, kể cả Đức Phật hay Chúa Jesus. Trong thế giới hiện tại với vài tỷ con người, sẽ chẳng có mấy người sống quá giới hạn trăm năm.
  3. Cuộc sống có một giới hạn dứt khoát nhưng uyển chuyển mà từng khoảnh khắc đều mang chúng ta đều mang chúng tad đến gần sự kết thúc của cuộc sống này. Chúng ta đang chết ngay từ khoảnh khắc chúng ta mới chào đời.
  4. Cái chết đến trong một khoảnh khắc và thời điểm của nó là điều không được mong đợi. Tất cả những gì phân cách chúng ta với cuộc đời tiếp theo chỉ là một hơi thở.
QUYẾT ĐỊNH: Thực hành thánh đạo và làm thành thục mọi khả năng nội tại của ta bằng cách trau dồi những đặc tính tâm thức tích cực trong khi cố gắng từ bỏ những đặc tính tâm thức gây rối.
  1. Thời điểm của cái chết là điều không xác định
  2. Thọ mạng của con người không xác định. Người trẻ có thể chết trước người già, người khỏe mạnh vẫn có thể chết trước người bệnh hoạn…
  3. Nguyên nhân và hoàn cảnh gây nên cái chết thì nhiều, trong khi chỉ có ít yếu tố h64 trợ cho việc kéo dài tuổi thọ. Ngay cả những yếu tố nâng đỡ cho cuộc sống cũng có thể làm chết người, chẳng hạn thực phẩm, thuốc men, xe cộ, tài sản…
  4. Sự yếu đuối và tính mỏng manh của thân thể của con người đóng góp thêm cho tính cách bất định của thọ mạng. Thân thể con người dễ dàng bị phá hủy bởi bệnh hoạn hay tai nạn, chẳng hạn bệnh ung thư, bệnh AIDS, tại nạn xe cộ, các thảm họa thiên nhiên…
QUYẾT ĐỊNH: Làm thành thục mọi khả năng tiềm tàng của ta ngay tức khắc, không chần chờ gì nữa.
  1. Điều duy nhất có thể giúp ta khi lâm tử chính là sự phát triển tâm thức và trình độ thực hành thánh đạo của ta (vì tất cả những gì một chúng sinh mang theo để đi vào cuộc sống kế tiếp chỉ là tâm thức cùng những dấu ấn về thiện nghiệp hay ác nghiệp của tâm thức ấy).
  2. Mọi của cải trần gian như sự giàu có, địa vị, tiền bạc chẳng giúp đỡ được gì cho người chết.
  3. Bà con và bạn bè chẳng thể nào ngăn cản thần chết và không thể cùng đi với ta.
  4. Ngay cả tấm thân quý giá của ta cũng không giúp gì được cho ta. Chúng ta bắt buộc phải bỏ lại tâm thân ấy đàng sau như một cái mai đối với con rùa, một lớp vỏ trấu đối với hạt gạo hay như một chiếc áo khoác ngoài.
QUYẾT ĐỊNH: Làm thành thục mọi khả năng nội tại của ta một cách thanh tịnh, không gây hoen ố cho những cố gắng của mình vì sự vướng mắc với những mối quan tâm trần thế.
Phương pháp thứ hai
Phương pháp thứ hai mô phỏng hay diễn tập tiến trình thực của cái chết. Kiến thức chân thực về tiến trình này đặc biệt quan trọng vì những hành giả tiến bộ có thể dấn thân vào một chuỗi những nghi thức du già (yoga) vốn là mô hình của cái chết, dự phần vào trạng thái trung ấm và tái sinh cho đến khi hành giả có thể kiểm soát được toàn bộ tiến trình thật của cái chết khiến cho họ không bao giờ còn là chủ thể của một cái chết và một cuộc tái sinh không được kiểm soát.
Cho nên, điều thiết yếu đối với hành giả là biết được những giai đoạn của cái chết và mối liên hệ thân tâm đằng sau từng giai đoạn ấy. Sự mô tả về điều này dựa trên một sự trình bày về các luồng năng lượng, được sử dụng như là những nền tảng cho các mức độ ý thức khác nhau, và những kênh năng lượng mà qua đó các luồng năng lượng ấy lưu chuyển. Dựa trên sự sụp đổ dây chuyền của khả năng của những luồng năng lượng sử dụng làm nền tảng cho ý thức ấy, những sự kiện nội tại và ngoại tại của cái chết được phơi bày. Thông qua năng lực thiền định, nhà hành giả du già làm cho nguồn năng lượng thô tan biến vào nguồn năng lượng duy trì đời sống hết sức tinh tế nằm trong quả tim. Nghi thức du già này phản ánh tiến trình xảy ra vào thời điểm chết và liên quan đến sự tập trung vào những kênh năng lượng tâm linh và các trung tâm năng lượng tâm linh (các luân xa) bên trong cơ thể.
Tại các trung tâm của kênh năng lượng (các luân xa), có những giọt trắng và giọt đỏ làm nền tảng cho cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của một con người. Các giọt trắng chiếm ưu thế ở đỉnh đầu và các giọt đỏ chiếm ưu thế trong vùng đám rối ở thái dương. Những giọt năng lượng này có nguồn gốc ở một giọt năng lượng đỏ trắng nằm tại trung tâm quả tim, là một giọt năng lượng có kích thước cỡ một hạt đậu nhỏ với phần trắng nằm ở trên và phần đỏ nằm dưới đáy. Giọt năng lượng trắng đỏ này được gọi là giọt năng lượng bất khả hủy diệt vì nó sẽ tồn tại cho đến lúc chết. Luồng năng lượng nâng đỡ cuộc sống thật tinh tế khởi phát từ bên trong giọt năng lượng này, và vào thời điểm chết, cuối cùng toàn bộ luồng năng lượng ấy phân hủy vào trong giọt năng lượng trắng đó, kế đó cảnh tượng trong trẻo nhẹ nhàng của cái chết dần hiện rõ.
Hiện tượng sinh lý của cái chết xoay quanh sự biến đổi trong luồng năng lượng, các kênh dẫn năng lượng và giọt năng lượng. Về mặt hiện tượng tâm lý, vì thực tế là những nhận thức về sự biến đổi giữa thô và tế tùy thuộc vào luồng năng lượng, giống như người nài ngựa trên lưng ngựa. Sự phân hủy hay biến mất của luồng năng lượng về khả năng phục vụ như nền tảng của nhận thức sẽ thúc đẩy những biến đổi cấp bách trong kinh nghiệm có ý thức.
Cái chết bắt đầu với sự phân rã liên tục của luồng năng lượng kết hợp tứ đại (đất, nước, lửa và gió). “Đất” chỉ cho những yếu tố cứng chắc của cơ thể như xương, và sự phân hủy của luồng năng lượng kết hợp với “địa đại” có nghĩa là luồng năng lượng này không còn có khả năng phụ vụ với tính cách một cái khung hay là cái nền cho nhận thức nữa. Là hậu quả của sự phân hủy nguồn năng lượng, khả năng của nguồn năng lượng kết hợp với “thủy đại” (các yếu tố chuyển dịch trong cơ thể) để hành động với tính cách là cái khung cho nhận thức trở nên rõ ràng hơn. Việc dừng bật khả năng làm cái khung cho nhận thức của một yếu tố này trong khi có sự biểu hiện mạnh mẽ của khả năng ấy ở một yếu tố kia chính là sự “phân rả”, chứ không phải là có sự hòa tan của địa đại vào trong thủy đại.
Đồng thời với sự phân rã của đại địa, ngũ uẩn cũng tan rã, đi kèm với những dấu hiệu bên ngoài (nói chung được quan sát thấy bởi người khác) và một dấu hiệu bên trong (kinh nghiệm nội tại của người đang chết). Cùng những hiện tượng ấy cũng xảy ra theo thứ tự liên tiếp với ba đại còn lại, tương ứng với các dấu hiệu bên ngoài và dấu hiệu bên trong, diễn ra trong tám chu kỳ liên tiếp nhau của sự phân rã đồng thời. Bốn chu kỳ đầu liên quan đến sự phân rã của tứ đại, của ngũ uẩn và tình trạng mất năng lực của tiền ngũ thức. Bốn chu kỳ sau tác động đến sự suy kiệt của luồng năng lượng chính của cơ thể, tình trạng mất năng lực của ý thức, mạt na thức và sau cùng là tình trạng phân rã của toàn bộ tâm thức.
Vào lúc xuất hiện chu kỳ thứ năm, tâm thức bắt đầu phân rã, theo nghĩa tâm thức thô ngưng hoạt động và tâm thức vi tế hơn trở nên biểu thị mạnh mẽ. Trước hết, mọi khái niệm dừng bặt để tan hòa vào ký ức của hình thái trắng. Phần tâm thức tinh tế hơn này, ở đó chỉ có một khoảng không bị lấp đầy bởi luồng ánh sáng trắng xuất hiện, thoát khỏi mọi khái niệm thô. Tiếp theo, tâm thức ấy lại hòa tan vào tầng tâm thức cao hơn của hình thái đỏ, và tâm thức này cũng tiếp tục hòa tan vào phần tâm thức cao hơn nữa của hình thái đen. Đến thời điểm này, tất cả những gì xuất hiện trong tâm thức chỉ là một khoảng không bị lấp đầy bởi bóng đen dầy đặc, trong suốt thời gian đó người đang chết từ từ trở nên mất hết nhận thức. Chẳng bao lâu, khoảng không đen đặc đó bị xóa mất để lại một khoảng không trong trẻo không bị xâm chiếm bởi màu trắng, màu đỏ hay màu đen nữa. Đó chính là cảnh tượng sau cùng của cái chết.
Phần mô tả về những cảnh tượng nội tâm khác nhau này có tương quan chặt chẽ với những bản văn ghi nhận về các kinh nghiệm cận tử. Những người đã từng có một kinh nghiệm cận tử thường diễn tả việc di chuyển từ một vùng tăm tối (chẳng hạn trong một đường hầm tối đen) tới một vùng ánh sáng rực rỡ, thanh bình, đầy từ ái. Một cuộc nghiên cứu đầy đủ về việc đối chiếu những kinh nghiệm cận tử của người Tây Tạng với những kinh nghiệm của Âu Mỹ đã cho thấy nhiều điểm tương đồng giữa hai truyền thống (Carr, 1993). Thế nhưng trong những so sánh như vậy,các nhà nghiên cứu phải hết sức cẩn thận vì kinh nghiệm cận tử không phải là cái chết thật, nghĩa là khi sự nhận thức đã vĩnh viễn rời bỏ cơ thể.
Những dấu hiệu khác của việc ý thức rời bỏ thân thể là: 1) toàn bộ thân nhiệt đã thoát khỏi vùng giữa tim (ở ngay giữa ngực), 2). Cơ thể bắt đầu bốc mùi hay bị phân hủy, 3) một sự nhận biết rất tinh tế cho thấy ý thức đã rời bỏ và cơ thể chỉ còn là một bộ khung trống rỗng, 4) một sự hạ thấp của cơ thể nơi một hành giả đang ngồi thiền sau khi ngưng thở.
 Ý nghĩa việc tìm hiểu quá trình cái chết
Người Phật tử thường muốn rằng cơ thể người chết không bị chuyển dịch để khâm liệm trước khi một trong những dấu hiệu như trên xuất hiện, bởi vì cho đến tận lúc bấy giờ, thần thức vẫn còn có mặt trong cơ thể và mọi sự đụng chạm một cách thô tháo vào cơ thể của người đang chết đều có thể làm rối loạn tiến trình của sự chết. Tốt nhất, trước khi đụng chạm đến thi hài người chết, thân nhân nên mời một vị tu sĩ Phật giáo đến để được hướng dẫn thực hiện những nghi thức và cầu nguyện thích hợp.
Việc hiểu rõ tiến trình của cái chết giúp con người bình thản trước các giai đoạn của sự chết, đồng thời có những sự chuẩn bị đúng mực cho người chết, giúp người đang chết có thể chọn lựa cho mình một hoàn cảnh tái sinh thích hợp. Ngoài ra, như trên đã nói, chính việc chiêm nghiệm về cái chết khiến cho con người hiểu rõ ý nghĩa vô cùng úy giá của sự sống. Từ đó, không những con người biết quý trọng sự sống của chính mình mà còn biết quý trọng sự sống của mọi loài đang cùng tồn tại với mình trên cõi đời này. Tóm lại, hiểu rõ tiến trình của cái chết còn là một bước nhằm củng cố sâu sắc giới thứ nhất của đạo Phật, giới không giết hại.
Chiêu Văn, tổng hợp và dịch
Gia Đình Phan Lê chia sẽ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CỎ NỘI HOA ĐỒNG - Thơ Thái Huy Và 12 Bài Họa Của Các Thi Hửu

                                                       Tranh của Hugues Merle (1823-1881) - Người Pháp Bài Xướng : CỎ NỘI HOA ĐỒNG Thân em ...