Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

                        

         Cụ Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký gọi là “Sấm Trạng Trình” cách đây đã trên 500 năm. Một điều lạ kỳ là không ít sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới đã xảy ra trong suốt 500 năm qua có không ít điều "ứng” vào các câu ghi trong “Sấm Trạng Trình".

          


                                          Hoành sơn nhất đái...
        Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, với tài lý số của mình, không thể phủ nhận được rằng, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo ra được những kỳ tích cũng như những ẩn số về tài danh của một kỳ nhân mà đến nay hậu thế cũng chưa giải mã hết được. Ngay từ lúc sinh thời, ông đã dùng tài lý số của mình "cứu vãn" cho triều đình nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài. Dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi, ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh đưa ông lên làm Tả Thị Lang Đông Các Đại Học Sỹ.
Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần trong triều không được vua chấp thuận, ông đã cáo quan về ở ẩn dạy học trò, lấy Đạo làm vui. Thời ấy, đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn, có tới ba triều đại cùng tồn tại là nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh. Lúc triều nhà Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều mới sai người đến hỏi ông. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: "Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô". Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời.
        Quả nhiên, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, tồn tại được thêm 3 đời nữa thật. Việc nhà Mạc chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp, miền đất Cao Bằng được trấn ải bằng một thế lực phong kiến khiến các triều đại Trung Hoa thời kỳ đó khó xâm phạm nước Việt trong một thời gian dài. Đất Quảng Uyên (tên gọi của đất Cao Bằng xưa) được người Trung Hoa đặc biệt coi trọng bởi nơi đó được cho rằng có nhiều mỏ vàng dễ khai thác.
        "An Nam lý số hữu Trình tuyền" - đó là lời sấm Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đưa ra cho nhà Nguyễn. Nhờ đó, nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi, đất nước ta mới có hình thái như ngày hôm nay. Năm 1568, chúa Nguyễn Hoàng khi đó thấy anh mình là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết chết, cảm thấy số phận của mình đang bị nguy cấp, Nguyễn Hoàng đã sai người đến diện kiến Trạng Trình ở am Bạch Vân để xin lời sấm. Câu chuyện cụ Trạng cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: "Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân", nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng nên nhà Nguyễn ở phương Nam.
        Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng Trình thành: "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân" hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi. Việc nhà Nguyễn di chuyển vào vùng Thuận Hóa tạo điều kiện mở rộng bờ cõi nước Việt xuống phía Nam, hình thành địa đồ quốc gia Việt Nam hình chữ S như hiện nay có tầm ảnh hưởng không nhỏ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
                                       Phải giữ được Biển Đông!
        Tài tiên tri của cụ được lưu truyền qua nhiều câu sấm ký gọi là "Sấm Trạng Trình". Cụ được xem là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến Quốc hiệu Việt Nam. Cụ để lại cho đời một di sản văn hóa đồ sộ, ngàn bài thơ văn với những giá trị nhân đạo, giàu chất triết lý, đầy tình yêu nước và là kho tàng Minh triết cho muôn đời sau. Ngoài câu sấm ký "Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân", thì với Biển Đông, cụ Trạng cũng có lời tiên tri, dạy rằng: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,
                  Đất Việt muôn năm vững trị bình".
        Những lời sấm truyền này được ghi rõ trong Bạch Vân Am Thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài thơ Cự Ngao Đới Sơn.
        Trong đó có câu:
                 "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,
                  Đất Việt muôn năm vững trị bình.
                  Chí những phù nguy xin gắng sức,
                  Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình".
        Với con mắt chiến lược, nhìn thấy đại cục thiên hạ ngàn năm, Trạng Trình đã khuyên thế hệ sau phải nắm giữ được Biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.


   

  
        Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ càng đọc, càng thấy rất "kim nhật kim thì", rất thời sự. Ta những tưởng như cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay. Bài thơ nguyên là để nói cái chí của cụ "Chí những phù nguy xin gắng sức" (Ngã kim dục triển phù nguy lực), nhưng lại đọng trong đó một tư tưởng chiến lược, một dự báo thiên tài:
              "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,
               Đất Việt muôn năm vững trị bình.
               Vạn lý Đông minh quy bả ác,
               Ức niên Nam cực điện long bình".
        Trải qua không ít thực tế, chúng ta càng thấy những câu thơ sấm truyền của cụ Trạng mang tính thời sự thức thời đối với người Việt. Hai câu thơ mang tính dự báo chiến lược của cụ Trạng càng khiến lay động từ sâu thẳm ý chí của người Việt về cái tâm thức bám biển, giữ biển của mình. Tự ngàn xưa, người Việt đã là những cư dân sông nước, cư dân của văn hóa biển đảo.
        Với kho sấm truyền của cụ Trạng, nhà nghiên cứu, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người có "duyên" làm bộ phim Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cây đại thụ rợp bóng 500 năm, góp phần giải mã cuộc đời một kỳ nhân nhận định: Những lời sấm còn ứng đúng với hai cục diện trên thế giới. Cục diện thứ nhất là đại chiến thế giới lần thứ II. Đại chiến thế giới khởi đầu từ khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, từ năm 1940 đã bắt đầu rục rịch (cuối năm Thìn - Long vĩ) khởi đầu chiến tranh, đến năm 1941 (đầu năm Tỵ - Xà đầu) Hitler tấn công Liên Xô (cũ). Qua cuối năm 1942, giữa năm 1943 (Mã đề dương cước) thì đến năm 1944 - 1945 (Thân Dậu niên lai kiến thái bình) mới qua khỏi nạn chiến tranh. Cục diện thứ hai là cuộc chiến tranh Iraq cũng xảy ra vào cuối năm Thìn (2000), đầu năm Tỵ (2001) rồi kéo dài đến hết năm Thân - Dậu mới ổn.
         Tuy nhiên, qua bài viết này vẫn chưa thể giải mã hết những bí ẩn của điều gọi là "Sấm Trạng Trình". Thực tế, cho đến nay vẫn cần sự quan tâm của các nhà khoa học để giải đáp. Cuối cùng, những lời sấm của nhà tiên tri số một Việt Nam cũng vẫn quay trở về với ý nghĩa sâu xa như ngay trong lời cảm đề ông đã viết: "Bí truyền cho con cháu - Dành hậu thế xem chơi", mọi ý nghĩa sâu xa hơn vẫn là một câu hỏi lớn.
                                            Nhà tiên tri số một của Việt Nam:
        Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, đời vua Lê Thánh Tông (tức năm Hồng Đức thứ 22 - năm Tân Hợi - 1491) tại làng Trung Anh, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương - nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng. Ông sinh trưởng trong một dòng tộc danh gia. Cha ông là Thái Bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định, mẹ là bà Nhữ Thị Thục, tinh thông lý số, là con gái của quan Thượng Thư Hộ Bộ Nhữ Văn Lân. Cụ Trạng mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được dân gian truyền tụng và suy tôn là nhà tiên tri số một của Việt Nam. Người Trung Hoa thì coi ông là "An Nam lý số hữu Trình tuyền". (TRẦN PHƯƠNG)
       Những năm Quang Thiệu (1516-1526), trong cảnh loạn lạc, cụ Trạng Trình có làm một bài thơ rằng:
Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu,
Hổ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù.
Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu,
Uyên ngư tùng trước vị thùy khu.
Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã,
Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu.
Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước,
Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.
                       DỊCH:
Thái hòa chẳng thấy cảnh Ngu Chu,
Hai phái thù hằn chém giết nhau.
Nhuộm máu phơi xương đà khắp chốn,
Xua chà đuỗi sẻ vị ai đâu?
Trùng hưng duỗi ngựa qua sông trước,
Hậu hoạn phòng beo tiến cửa sau.
Ngán nỗi việc đời thôi phó mặc,
Say rồi dạo suối hát vài câu.
        Lời tiên tri cho là nhà Lê sẽ được trung hưng, khôi phục được đất nước. Sự thật đã xãy ra đúng như vậy.
        Cụ Trạng có viết một tập thơ chữa Hán gọi là “BẠCH VÂN AM THI TẬP”, gồm hàng ngàn bài thơ vịnh cảnh, tả tình, nhưng nay bị thất lạc gần hết. Duy có tập thơ chữ Nôm, gọi là “BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI TẬP” gồm nhiều bài thi Đường luật và Cổ phong.
        Đặc biệt là quyển Bạch Vân Gia Phả Bí Truyền Tập gọi là “SẤM TRẠNG TRÌNH”, là một quyển SẤM KÝ trường thiên, mà con cháu sau nầy của cụ đã chép vào cuốn Bạch Vân Gia Phả Bí Truyền Tuyển Tập, gọi là SẤM TRẠNG TRÌNH, điển hình có vài bài quen thuộc nổi tiếng sau đây:
THẾ GIAN BIẾN ĐỔI:
Thế gian biến đổi vũng nên đồi,
Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi.
Còn tiền còn bạc còn đệ tử,
Hết cơm hết gạo hết ông tôi.
Xưa nay vẫn trọng người chân thực,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Ở thế mới hay người thế bạc,
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.
Hay:
THÚ THÔN CƯ:
Một mai một cuốc một cần câu,
Thơ thẩn mặc ai vui thú nào.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quí tợ chim bao.
SẤM KÝ:
……….
Kìa kìa gió thổi lá rung cây,
Rung Bắc rung Nam, Đông tới Tây.
Tan tác kiến kiều an đất nước,
Xác xơ cổ thụ sạch am mây.
Lâm giang nổi sóng mù thao cát,
Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy.
Một ngựa một yên ai sũng bái,
Nhắn con nhà Vĩnh Bảo cho hay.
                        *
Tiền ma bạc quỉ trao tay,
Đồ Môn Nghệ Thái dẫy đầy can qua.
Giữa năm hai bảy mười ba,
Lửa đâu mà đốt Tám Gà trên mây.
Cửu cửu Càn khôn dĩ định,
Thanh minh thời tiết hoa tàn.
Trực đáo dương đầu mã vĩ,
Hồ binh bát vạn nhập Tràng an.
Nực cười những kẻ bàng quan,
Cờ tan lại muốn toan đường đá xe.
…………………………………..
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh,
Can qua xứ xứ khởi đao binh.
Mã đề Dương cước anh hùng tận.
Thân Dậu niên lai kiến thái bình.
………………………………….
     Tất cả đã hiển hiện và cũng còn nằm trong bí hiểm khó suy, khó đoán lắm thay!
               TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM TRONG TÔN GIÁO CAO ĐÀI:
         Theo lời dạy của Đức Phạm Hộ Pháp cho biết: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có tiền kiếp là Bạch Vân Hòa Thượng ở Trung Hoa, mà chơn linh của Bạch Vân Hòa Thượng là một chiết linh của Đức Từ Hàn Bồ Tát.
         Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện trong tôn giáo Cao Đài với danh xưng Thanh Sơn Đạo Sĩ, với chức vụ hiện nay là Phó Chưởng Quản Bạch Vân Động nơi Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, cùng với Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo) và Tôn Trung Sơn (Tôn Văn) được lịnh của Đức Cao Đài Thượng Đế ghi chép Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, đại diện toàn thể nhơn loại ký hòa ước cùng Thượng Đế thực hiện cho kỳ được lời cam kết chủ nghĩa BÁC ÁI, CÔNG BÌNH (Amour et Justice). Lời ghi chép nầy được khắc nơi bản hòa ước đặt tại cửa chánh vào Tòa Thánh Tây Ninh để nhắc nhở cho toàn thể nhơn loại biết mà thực hiện cho kỳ được.
       Các vị Tiên Nương như Lục Nương, Thất Nương, Bát Nương có lời khen Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) như sau:
Hay Thanh Sơn! Giỏi Thanh Sơn,
Trung nghĩa về Tiên cũng ngậm hờn.
Cẩm tú thêu oan thành khí giới,
Văn chương khảo tội hóa công quờn.
Rung chuông tỉnh thế ba kỳ thức,
Hồi trống truy hồn bá tánh khôn.
Trị loạn sấn tay nâng bạc ngã,
Anh minh muôn kiếp nước Nam đồn.
                      Lục Nương Diêu Trì Cung
Tài Thanh Sơn! Trí Thanh Sơn,
Câu văn tuyệt bút vẽ nên hờn.
Giục lòng chí sĩ chưa vừa sức,
Múa bút Thần Tiên đủ chấp quờn.
Dệt thảm lê dân Trời cám cảnh,
Khêu sầu xã tác đất kinh hồn.
Nắn nhồi trí huệ thành binh khí,
Rèn chất anh thư đắp lũy đồn.
Thất Nương Diêu Trì Cung.
Trung Thanh Sơn! Nghĩa Thanh Sơn,
Bởi tại đâu ăn oán nuốt hờn?
Nát mật khó xem nhà vắng chủ,
Bầm gan há chịu nước không quờn.
Câu văn ái chủng gần dân khí,
Tiếng sấm ưu hương định quốc hồn.
Lập chí ôn nhu là đắp lũy,
Nung lòng đạo đức ấy xây đồn.
Bát Nương Diêu Trì Cung 


            Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ (bên phải) cùng Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (giữa) và Đức Tôn Trung Sơn ký hòa ước “Bác Ái và Công Bình”.

        Các vị nơi Bạch Vân Động có nhiệm vụ hộ giá Đức Phật Mẫu mỗi lần hạ trần, nên trong câu niệm cúng Phật Mẫu có câu “Nam Mô Bạch Vân Động chư Thánh”.
        Vào lúc 22 giờ đêm ngày mùng 3 tháng 3 năm Bính Thân (DL: 13-4-1956) đàn cơ tại nơi Báo Ân Đường Kim Biên (Nam Vang-Miên quốc), Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ có giáng cơ và có lời dạy sau đây:
        “Bần đạo xin chào Hộ Pháp, Bảo Đạo và chư Hiền nam, nữ.
         Thắm thoát nền Đại Đạo khai nơi Tần quốc đã 30 năm. Ngày ấy, chính Chí Tôn sai Hộ Pháp đến để gieo hột Thánh cốc. Từ ấy đến nay thì các tay chấp chánh Đạo quyền nơi nầy không tô bồi thêm, trái lại làm cho phân chia tâm lý. Cớ ây là chỗ ham quyền trọng vị. Các Chức sắc Thiên phong lãnh Thiên mạng nơi mình không làm xong phận, ngôi thì ham, quyền thì muốn, mà hành động cho xứng lại không.Thử hỏi họ vưng Thiên mạng đến để làm gì kia chớ?
         Họ phải cho xứng phận là anh, thầy, để gần gũi nhơn sanh, chia việc đau, an ủi điều khổ.
         Hôm nay, Hộ Pháp đã đến thì cả Chức sắc Thiên phong phải ráng thực thi quyền của mình, hư thì bỏ, nên thì để, rửa ráy Thánh thể Đức Chí Tôn cho nên hình. Vậy khá liệu lấy!
        ………THĂNG”.
         Trong dịp nầy, Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ có cho bài THI:  
THI:     
Hoành sơn phân nước trót đôi lần,
Khí số bấy chừ dứt Nguyễn phân.
Lời sấm đoán văn khi thật quả,
Tiên tri toán số gẫm không lầm.
An dân buồn thiếu trang hiền sĩ,
Bảo quốc vui nhờ đức Thánh nhân.
Suy thịnh nước nhà do trị loạn,
Cũng như Đông mãn tới hồi Xuân.
                              Thanh Sơn Chơn Nhơn
Tài liệu tham khảo:
-          Trần Phương (VH/VN)
-          Cao Đài Tự Điển (HT.Nguyễn văn Hồng)
-          Sấm Trạng Trình (Văn đàn sưu khảo)
Hồ Xưa sưu tầm và sắp xếp lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vùng đất cuối cùng của vương quốc Champa nay là hai tỉnh nào của nước ta?

Vanvn - Tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận nguyên là vùng đất Panduranga – phần lãnh thổ cuối cùng của vương quốc cổ Champa (hay còn gọi l...