Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Rồi còn lại những gì? (từ Toi-Khámpha.com)

Tòa nhà 213 Đồng Khởi bị phá dỡ, hàng cây cổ thụ lớn nhất trên đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ, nhà máy đóng tàu Ba Son đang bị đập bỏ ... Rất nhiều di sản quý báu, có giá trị lịch sử đã không thể cạnh tranh được với giá trị thương mại..
 (ảnh:c/c 213 ĐK (tự Do cũ)đã bị đập bỏ )

Tôi mới có chuyến công tác Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua đường Tôn Đức Thắng, một trong những con đường đẹp nhất của thành phố, vốn rộng rãi và rợp bóng cây. Nhưng bây giờ, khi hàng cây cổ thụ lớn nhất đã bị chặt đi, thì sự rộng rãi của con đường trở thành trống trải. Không đốn hạ hàng loạt như Hà Nội, nhưng TP.Hồ Chí Minh thực hiện việc chặt cây theo từng đợt, và rồi cuối cùng thì kết quả vẫn là như thế.
Kiến trúc sư Pierre Cambon – người dành 2 thập kỷ theo đuổi những dự án hợp tác Pháp – Việt về bảo tồn đô thị cổ, từng tiếc nuối nói về những cây xanh bị chặt ở nội thành Hà Nội: “Nó chính là thành phố, nó chính là một phần của cộng đồng cư dân, nó có thể là nhân chứng lịch sử, văn hóa, cộng đồng, nó có một “siêu giá trị” vượt xa giá trị của một cây gỗ”.
Nếu nhìn rộng ra, nhận định của kiến trúc sư người Pháp không chỉ đúng với cây xanh, mà đúng với mọi di sản vật thể lẫn phi vật thể mà các đô thị còn giữ được.
Đô thị nào cũng có những đường phố đẹp nhất để tự hào. Với Thành phố Hồ Chí Minh, đó là đường Đồng Khởi (tên cũ là Catinat). Được người Pháp quy hoạch xây dựng trong thời gian xâm lược thuộc địa, con đường này có tuổi đời hơn 150 năm, với những tòa nhà có kiến trúc và vật liệu độc đáo, xa hoa nhất, góp phần tạo nên tên gọi “hòn ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn. Nhưng theo thời gian, những di sản quý báu ấy cũng dần bị thay thế, đơn giản bởi vì chúng tọa lạc trên những mảnh đất vàng (thậm chí còn đắt hơn vàng rất nhiều). Và giá trị lịch sử, không cạnh tranh được với giá trị thương mại.
Năm 2014, tòa nhà 213 Đồng Khởi bị phá dỡ. Từng được người Pháp xây dựng để làm văn phòng thống đốc Nam Kỳ vào những năm 1890, tòa nhà mang phong cách art-decor, lát đá phiến xám và gần như toàn bộ vật liệu đều được chuyển từ Pháp sang. Bởi vậy, trải qua hàng thế kỷ, chất lượng công trình vẫn rất tốt, hoàn toàn có thể bảo tồn như một di sản kiến trúc quý, thay vì hủy bỏ. Nhưng đó là điều đã diễn ra.
Rồi còn lại những gì? - 1
(Ảnh minh họa)
Một kiến trúc sư rất giỏi và thành công với những công trình tôn tạo, hoán cải, đã bỏ tiền ra mua lại toàn bộ vật liệu bỏ đi của tòa nhà 213 Đồng Khởi. Số tiền để mua và vận chuyển là không nhỏ, nhưng số tiền để các vật liệu ít bị biến dạng nhất trong quá trình dỡ bỏ còn lớn hơn nhiều. Ngày tòa nhà bị phá dỡ, kiến trúc sư đứng nhìn nó lần cuối, dành một ngày đi khắp từng ngóc ngách nhỏ để chụp ảnh, như chụp một người đẹp sắp đi xa không bao giờ trở lại. Anh khóc, rồi về, trước khi nhát búa đầu tiên đập vào những bức tường.
Ngồi với tôi, kiến trúc sư kể say sưa về vẻ đẹp của tòa nhà 213 Đồng Khởi. Về những khung cửa cao tới 3m, toàn bằng gỗ quý. Về những viên gạch bông không một lỗi nhỏ, khi ghép lại tạo thành những hoa văn mềm mại như vẽ tay. Về những phiến kính có hoa được đúc chìm, với những đường vân mảnh để dẫn nước mưa chảy ra ngoài, ẩn rất khéo dưới dạng những cành lá. Về những lan can bằng sắt uốn theo phương pháp thủ công mà nay ít nơi trên thế giới còn làm được. Tất cả những vật liệu ấy, kiến trúc sư mua về, chất trong khu vườn của anh ở ngoại thành, chờ được sử dụng cho một công trình tái dựng.
Và, ở văn phòng riêng, kiến trúc sư lập một bàn thờ. Có lư hương, bình hoa thanh nhã, và có ảnh của tòa nhà 213 Đồng Khởi, với năm xây dựng – năm phá hủy. “Nó nhắc tôi nhớ về cái đẹp của kiến trúc” – kiến trúc sư nói – “Và trách nhiệm bảo tồn”.
Mỗi cá nhân có ý thức về trách nhiệm bảo tồn, điều đó là rất đáng quý, nhưng chưa đủ. Bởi vì bảo tồn, ở tầm quy hoạch và phát triển, trước hết là trách nhiệm của nhà quản lý, là ý thức của chủ đầu tư, rồi mới đến ý thức của những cá nhân trong xã hội. Người ta có thể treo biển cấm vẽ bậy lên công trình, ngăn cản hành vi của những người thiếu ý thức. Nhưng những người có ý thức, nhiều khi không thể ngăn cản việc phá bỏ cả một công trình, hay chặt hạ hàng trăm cây cổ thụ trong thành phố.
Đằng sau những hàng cây đã bị chặt trên đường Tôn Đức Thắng, nhà máy đóng tàu Ba Son đang được đập bỏ. Nghe nói, ở đó có những u tàu do người Pháp xây dựng từ những năm 1850. Những ụ tàu rất đẹp, từng lưu dấu mồ hôi của những người thợ làm nên phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn, trong đó có cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Anh bạn kiến trúc sư của tôi cũng đã đến Ba Son vào những ngày cuối. Tất cả những gì anh có thể làm, là mua lại những viên gạch lịch sử, với giá 6 nghìn đồng một viên. 
Phạm Gia Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...