Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Cao Đài giáo và Thần Linh Học - Giáo Sư Tiến Sĩ Lương Minh Đáng



Tôn giáo là nhu cầu tâm linh thường hằng và trọng yếu của con người trong bất cứ thời đại nào. Nhân loại từng có nhiều tôn giáo. Dân tộc Việt Nam cũng có nhiều tôn giáo: Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo có mặt ở Việt Nam trên cả ngàn năm. Đạo Thiên Chúa truyền bá khắp nơi trên thế giới, 200 năm trước cũng được nhiều Giáo Sĩ La Mã truyền đến Việt Nam. Ngay trên nước Việt Nam, nhiều đạo mới ra đời. Hai đạo mới nhưng có ảnh hưởng to tát trong thế kỷ vừa qua tại Việt Nam, đặc biệt là ở Miền Nam Việt Nam, đó là Phật Giáo Hòa Hảo và Đạo Cao Đài.
 Đạo Cao Đài được khai đạo chính thức từ năm 1926. Vị khai sáng là Đốc Phủ Sứ Ngô Văn Chiêu, nhưng vị được thiên phong Quyền Giáo Tông đầu tiên là Ngài Lê Văn Trung. Sau đó, Đạo Cao Đài có Phái Cao Đài Tây Ninh với biểu tượng là “Con Mắt”, do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lãnh đạo. Phái Bến Tre có biểu tượng là “Trái Tim”, do Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương lãnh đạo.
Cả hai phái Đạo Cao Đài cùng thờ một Đấng Chí Tôn chung, là Đấng Cao Đài, cho nên có tên là Đạo Cao Đài. Đấng Cao Đài, là tên gọi Đấng Chí Tôn. Ý nghĩa thực sự của Đấng Cao Đài, theo ngôn ngữ thông thường của thế tục, chính là Đấng Thượng Đế, Đấng Tạo Hoá, danh từ bình dân nhất chính là Ông Trời, người Tây Phương gọi là GOD.
Có thể nói một cách dễ hiểu rằng: Đạo Cao Đài chính là Đạo Tôn Thờ Đấng Thượng Đế, hay nói một cách khác “Thượng Đế là Đấng Giáo Chủ của Đạo Cao Đài”, và xét kỹ ra, thì Đạo Cao Đài cũng có chung quan niệm tín ngưỡng thần linh với nhiều tôn giáo khác, như Đạo Thiên Chúa thờ Chúa Jesus Christ, nhưng mà Đấng Tâm Linh Tối Cao của Đạo Thiên Chúa là Đức Chúa Trời, xét cho cùng, cũng chính là Trời, là Thượng Đế, là Thượng Thiên theo quan niệm Đông Phương, cũng chính là GOD theo quan niệm Tây Phương. Nhiều tôn giáo khác, xét cho cùng, thì Đấng Tâm Linh tối cao được tín đồ tin tưởng, thờ phượng, tuy được gọi dưới nhiều danh từ khác nhau, chớ thực chất thì cũng là GOD, là Thượng Đế, là Thượng Thiên, là Tạo Hoá. Danh từ tuy có khác nhau, nhưng ý nghĩa thì không có gì khác nhau.
Đạo Cao Đài quan niệm trong cõi hư không luôn luôn có một Đấng Tâm Linh vô hình Tối Thượng, Tối Cao có bổn phận và có quyền năng cai quản tất cả vạn vật trong Càn Khôn Vũ Trụ, gọi là Đấng Cao Đài, hay Đấng Thượng Đế, hay Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tất cả những danh xưng khác nhau nầy đồng một ý nghĩa, một nhất thể. Đạo Cao Đài còn quan niệm rằng bên dưới Đấng Tâm Linh Tối Cao Thượng Đế, còn có Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả khác, cũng là Các Đấng Tâm Linh vô hình và cũng có những quyền năng tâm linh. Chính Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả nầy mới là những Đấng thường hay hạ phàm tiếp xúc thế gian, giao tiếp con người.
 Các Đấng Thiêng Liêng trung gian của Thượng Đế mà chúng ta thường gọi là Các Đấng Sứ Giả của Thượng Thiên, thừa hành mệnh lệnh của Đấng Thượng Đế Tối Cao để tiếp xúc và giúp đỡ con người bằng nhiều hình thức khác nhau, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trực tiếp là Các Đấng xuống thế đầu thai thành con người bằng xương bằng thịt, bằng họ tên của người phàm trần như nhiều nhân vật chúng ta đã từng nghe thấy, biết đến, như Chúa Jesus Christ ở xứ Do Thái, như Đức Phật Thích Ca bên Ấn Độ, như Đức Khổng Tử, Đức Lão Tử, Đức Quan Thánh Đế Quân bên Trung Hoa, như văn hào Victor Hugo bên Pháp... Gián tiếp thì Các Đấng Thiêng Liêng liên lạc bằng con đường Tâm Linh siêu hình, hoặc là Các Đấng “giáng cơ bút”. Đây là một nét tôn giáo vô cùng cá biệt của Đạo Cao Đài, và chỉ duy nhất Đạo Cao Đài mới có hình thức liên lạc của Các Đấng Tâm Linh bằng phương thức ‘giáng cơ bút” nầy. Đây là một hiện tượng tâm linh rất khó hiểu, khó tin đối với người chưa có kinh nghiệm tâm linh, nhưng là những gì hoàn toàn có thể hiểu được, chấp nhận được, thậm chí có thể ứng dụng được, đối với những ai từng có trải nghiệm tâm linh siêu hình.
Theo Đạo Cao Đài thì chỉ chức sắc thiên phong của Hội Thánh mới có khả năng tâm linh để “phò cơ bút” giao tiếp với Thượng Đế. Mọi người đều là con cái của Thượng Đế, nên ai cũng có thể giao tiếp với Thượng Đế, vấn đề là giao tiếp với Thượng Đế để làm gì? Thực tế, chỉ có những ai có nhiệm vụ tâm linh Thượng Đế muốn giao phó ở trần gian thì mới có thể tiếp xúc với Thượng Đế. Thượng Đế và Các Đấng Thiêng Liêng không tiếp xúc với người không có nhiệm vụ tâm linh, không ai có thể biết rõ ràng một cách cụ thể đó là nhiệm vụ gì, chỉ có Các Đấng mới biết được, nhưng chắc chắn phải là nhiệm vụ cao cả và tốt đẹp, như việc cứu nhân độ thế, không khi nào Các Đấng sai biểu chúng ta làm việc xấu, hại mình hay hại người.
Thượng Đế là Đấng Cha Chung của nhân loại, vạn vật muôn loài. Các Giáo Chủ của tôn giáo trên thế giới đều là Sứ Giả của cùng một Đấng Thượng Đế Duy Nhất, để cứu giúp con người trần gian, cho nên tín đồ của đạo giáo nào cũng có thể trở thành tín đồ của Đạo Cao Đài. Trên nguyên tắc, điều nầy hoàn toàn không có phương hại gì đến tôn giáo, tín ngưỡng riêng của mình. Người thờ Chúa Jesus vẫn cứ thờ kính chúa Jesus, như bản thân Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là một tín đồ Thiên Chúa Giáo mà vẫn có thể trở thành tín đồ của Đạo Cao Đài, hơn thế Ngài còn trở thành một vị Chức Sắc lớn của Đạo Cao Đài. Phật Tử thờ Phật Thích Ca vẫn cứ thờ kính Phật Thích Ca, không có gì trở ngại khi trở thành tín đồ của Đạo Cao Đài. Bản thân nhiều vị chức sắc Đạo Cao Đài là Phật Tử, vẫn thờ kính Phật Thích Ca, vẫn hành đạo từ bi, hỉ xã. Hầu hết tín đồ Đạo Cao Đài vốn là người theo Đạo giáo Khổng Mạnh, Lão Trang, hay Thờ Cúng Ông Bà, không có gì trở ngại cho những người nầy khi họ trở thành tín đồ của Đạo Cao Đài. Trở thành tín đồ Đạo Cao Đài rồi, họ vẫn có thể giữ nguyên tín ngưỡng, tập quán của mình, chỉ thêm vào phần thờ kính Đấng Thiêng Liêng tối cao là Đấng Cao Đài, tức là Thượng Đế, và đặc biệt là sự tôn kính chư vị Thần Thánh, Thần Linh, công nhận có một thế giới Tâm Linh, tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người khác, chấp nhận quan niệm một tôn giáo hoà đồng, thế giới hợp nhất, nhân loại anh em.
Với quan niệm tâm linh, lập Đạo và hành Đạo nầy, Đạo Cao Đài là một tôn giáo vô cùng cởi mở, vô cùng khoáng đạt, một tôn giáo tổng hợp nhiều tín ngưỡng, tâm linh của nhiều tôn giáo khác nhau thành tôn giáo hoà hợp nhân loại, tôn giáo hoà đồng thế giới, là tôn giáo vô cùng tiến bộ, siêu đẳng. Nếu thực hiện được một cách đúng đắn và nghiêm chỉnh những mục tiêu Đạo pháp của Đạo Cao Đài là hoà hợp và hoà đồng tôn giáo nầy, thì nhân loại sẽ có được muôn ngàn lợi ích lớn lao trên nhiều khía cạnh, sẽ giải quyết được nhiều bất trắc của xã hội, bao nhiêu đau khổ mà nhân loại phải gánh chịu, như tranh chấp, chia rẽ, xung đột, hận thù, chiến tranh giữa quốc gia nầy với quốc gia kia, giữa tôn giáo nầy với tôn giáo khác.
Chỉ riêng thuần mặt tâm linh, tín ngưỡng nầy thôi thì Đạo Cao Đài cũng đã đóng góp vô cùng hữu hiệu, rất thiết thực và to lớn cho tình thương nhân loại, cho hoà bình thế giới, là điều mà nhân loại luôn luôn mơ ước và mong cầu, nhưng chưa có được. Nhân loại vẫn chưa có điều hằng mong ước là hoà hợp, hoà đồng, nhân ái, hoà bình, tình thương, bởi vì nguyên nhân cụ thể của chiến tranh khốc liệt chính là khác biệt tư tưởng, quan niệm, tình cảm, và nhất là khác biệt và xung đột về tín ngưỡng, quan niệm về Thượng Đế, Thần Thánh, Tâm Linh. Cuộc chiến Trung Đông cũng như những cuộc chiến tranh phá hoại, chiến tranh khủng bố hiện nay, rõ ràng có những nguyên nhân cụ thể và rõ rệt, là những xung đột tín ngưỡng, tôn giáo. Làm sao để những người khác biệt tín ngưỡng cùng nhìn nhận một Đấng Thiêng Liêng Tối Cao Chung, còn Các Vị Giáo Chủ hay Thần Thánh mình tôn thờ đều là anh em với nhau, đều là con cái của cùng một Đấng Thượng Đế, cùng chung một Đại Gia Đình Tâm Linh thì chúng ta mới có thể giải quyết được những xung đột của con người, chúng ta mới có được hoà bình vĩnh cữu cho nhân loại.
Đạo Cao Đài có nguyên tắc Đạo Giáo rất cơ bản, rất vững chắc và đồng thời cũng rất cao siêu, nếu thực hiện đúng những nguyên tắc nầy, người tín đồ sẽ có được rất nhiều ích lợi, sẽ nhận được rất nhiều hồng ân của Thượng Đế. Hồng ân to lớn nhất mà Thượng Đế đã loan báo cho tín đồ Đạo Cao Đài biết trước, là một thời kỳ mới sẽ xuất hiện với những con người mới nơi thế gian, một mẫu nhân loại mới có năng lực Thần Thông, để cứu giúp nhân loại, cứu giúp địa cầu, cứu giúp thiên nhiên. Những con người mới đó là người được Thượng Đế trao cho quyền năng tâm linh siêu hình của Các Đấng, để những con người nầy, chớ không phải Thần Thánh mơ hồ nào hết, có thể giúp đỡ trực tiếp nhân loại, để thực hiện những thiên sứ nơi trần gian, thực hiện những điều huyền nhiệm xưa nay con người chỉ mới nghe nói mà thưa thấy được. Những con người mới nầy thực hiện được những kỳ tích vượt ra ngoài khả năng và hiểu biết của con người xưa nay, là “Hội Long Hoa”.
Đạo Cao Đài, cũng như các tôn giáo khác, đều có những nguyên tắc căn bản mà tín đồ bắt buộc phải quán triệt, tuân giữ nghiêm minh, phải thực hành nghiêm chỉnh và triệt để:

Nguyên tắc Đạo Đức

Đạo Cao Đài là Đạo thờ kính Thượng Đế, người Cha chung của tất cả nhân loại, muôn loài, cho nên cái Đạo Đức mà người tín đồ Cao Đài cần thiết phải học hỏi, thực hành chính là cái Đạo Đức của Đấng Cao Đài Thượng Đế, Thượng Thiên. Đạo Đức hàng đầu của Đấng Cao Đài Thượng Đế, Thượng Thiên là Nhân Ái, là Tình Thương Con Người, cho nên không có người tín đồ Cao Đài Giáo nào không có Tình Thương Nhân Ái của Đấng Cao Đài Thượng Đế, Thượng Thiên. Tình Thương Nhân Ái của Đấng Cao Đài Thượng Đế, Thượng Thiên thể hiện cụ thể rõ ràng qua các Sứ Giả xuống Thế của Ngài như Đấng Thích Ca, Jesus, Mahomed, Khổng Tử, Lão Tử… qua Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo... Nói chung, thì Đạo Đức căn bản nhất mà bất cứ người tín đồ Đạo Cao Đài nào cũng phải thấu đáo và nghiêm chỉnh thực hành từng phút từng giây, ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ thời khắc nào, đối với bất cứ ai, đó là: Tình Thương, Bác Ái, Từ Bi, Nhân Đạo, Nhân Ái, Hỉ Xả...

Nguyên tắc Triết Học

Đạo Cao Đài là Đạo Tôn Thờ Thượng Đế và các Sứ Giả của Thượng Đế, là chư vị Thần Linh vô hình, cho nên nền tảng của Đạo Cao Đài là nền tảng Thần Linh, Tâm Linh, Siêu Hình, tức là nền tảng của Triết Học, của tư tưởng siêu hình, không phải là những gì thuộc về văn minh, khoa học, kỹ thuật, vật chất. Đạo Cao Đài tôn thờ Đấng Cao Đài, tức Thượng Đế, Chư Vị Thần Linh, và Đạo ra đời trong thời đại của văn minh, khoa học, kỹ thuật ngự trị thế giới, cho nên thoạt nhìn chúng ta thấy có những mâu thuẫn, có nhiều trở ngại.
Thực tế, nhân loại càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến, xã hội càng phát triển thì con người càng nên hướng về Thượng Đế, Thần Linh, Tâm Linh, bởi vì thực ra nếu không có sự giúp đỡ của Thượng Thiên, của Thần Thánh, của các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả, thì không có thế giới nầy, không có cây cỏ, bông hoa, lương thực, muôn loài vạn vật, nghĩa là cũng không có cả những cái mà con người vốn vẫn tự mãn, tự hào là Khoa Học, Kỹ Thuật tiến bộ, là Văn Minh.
Thực ra, luôn luôn có bàn tay mầu nhiệm của Thượng Thiên giúp đỡ, can thiệp vào chốn trần gian, cho nên chúng ta mới có những gì gọi là thế giới, nhân loại, kỹ thuật, văn minh. Con người sẽ còn tiến bộ, văn minh nhiều hơn nữa, có thể thực hiện được thêm muôn ngàn tiến bộ văn minh khác nữa, nhưng mà tuyệt đối không thể thiếu sự giúp đỡ của năng lực tâm linh siêu hình của Thượng Đế và chư vị Thần Linh. Mặt khác, cho dù tiến bộ văn minh, khoa học, vật chất, kỹ thuật, con người vẫn phải luôn luôn đối diện với muôn ngàn khổ não của nhân sinh, lo lắng, hờn giận, buồn phiền, thù hận, tất cả những trạng thái tiêu cực nầy không thể giải quyết được bằng phương tiện vật chất, mà chỉ có thể giải quyết được bằng phương tiện tâm linh, bằng Triết Học Thần Linh của Tôn giáo.

Nguyên tắc Văn Hóa

Đạo Cao Đài là Đạo thờ kính một Đấng Thượng Đế chung cho toàn thể nhân loại, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tuyệt đối không có sự phân biệt trong quan niệm và hành xử của người tín đồ Cao Đài Giáo đối với bất cứ cá nhân con người nào, đó là nét đặc thù văn hoá của Đạo Cao Đài: sự hòa hợp, hòa đồng, một thế giới đại đồng, nhân loại anh chị em một nhà, một cha chung là Thượng Đế. Nền văn hóa hòa hợp, hòa đồng nầy chính là mô hình của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, trong đó mọi quốc gia được đối xử bình đẳng, công bình, mọi dân tộc đều được quyền lợi và nghĩa vụ giống nhau. Điều lý tưởng nầy sẽ được thực hiện hoàn hảo, nếu mọi người thấm nhuần và chấp nhận quan điểm một nền văn hoá tâm linh hòa hợp, hòa đồng giữa con người của Đạo Cao Đài.

Nguyên tắc Tâm Linh

Tâm Linh là trọng tâm tín ngưỡng và hành đạo của Đạo Cao Đài, ngay trong tên gọi Đạo Cao Đài đã là tên gọi thuần túy của Tâm Linh, và không có gì ngoài Tâm Linh. Đạo Cao Đài quan niệm: có những lực lượng Thần Thánh Siêu Hình chi phối con người, vũ trụ, điều khiển thể xác, linh hồn của con người, tác động nhân sinh, xã hội, muôn loài, vạn vật. Đạo Cao Đài Giáo công nhận sự hiện diện của rất nhiều linh hồn ở mọi không gian, thời gian. Có nhiều dạng Linh Hồn khác nhau, có năng lực tâm linh khác nhau, có nhiệm vụ, vai trò khác nhau và có những sự chuyển biến, tiến hoá của Linh Hồn thay đổi theo thời gian, không gian.
Rất nhiều Tôn Giáo công nhận sự hiện diện của Linh Hồn, đặc biệt là Linh Hồn của con người. Về chi tiết, thì mỗi tôn giáo có quan niệm riêng. Nhiều Tôn giáo chỉ đề cập đến Linh Hồn sau khi chết, rất hiếm có Tôn Giáo nào đề cập đến Linh Hồn của con người khi con người còn sống. Thực ra, Linh Hồn con người khi còn sống mới thực sự là quan trọng, cần thiết để chúng ta nghiên cứu học hỏi. Nó có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến thân xác, sức khỏe, tư tưởng, hành vi, tình cảm, đời sống con người. Nhiều Tôn Giáo đề cập đến việc tiếp xúc của Linh Hồn Con Người với Các Đấng Thiêng Liêng sau khi thân xác con người đã chết. Đạo Cao Đài đặc biệt đề cập đến Linh Hồn con người lúc còn sống, đúng hơn, là Linh Hồn lúc con người còn sống có thể tiếp xúc với Linh Hồn Các Đấng Thiêng Liêng, đó là một đặc điểm Tâm Linh của Đạo Cao Đài, không có một Đạo nào khác có đặc điểm nầy.
Nhân Điện tuy không phải là một Tôn Giáo, Nhân Điện là một Ngành Học Tâm Linh, nhưng mà Nhân Điện có một số quan niệm tâm linh về Linh Hồn Con Người và Tâm Linh Các Đấng Thiêng Liêng một phần nào đó tương tự như quan niệm Tâm Linh, Thần Thánh, Các Đấng Thiêng Liêng của Đạo Cao Đài. Nhân Điện cũng quan niệm vũ trụ càn khôn có một Đấng, gọi là Thượng Đế, Thượng Thiên Tối Cao Tối Thượng Vô Hình cai quản và chi phối tất cả vạn vật, thế giới hữu hình và cả thế giới vô hình. Nhân Điện cũng quan niệm có năng lượng tâm linh siêu hình thứ yếu trung gian giữa Thượng Đế và con người, gọi là Thần Thánh, Thần Linh, và đặc biệt là nếu có năng lực Tâm Linh thì có thể cảm nhận được một cách xác thực, rõ ràng sự hiện diện quyền năng của những vị Thần Thánh, Thần Linh nầy. Chúng ta cũng có thể tiếp xúc với chư vị Thần Thánh để học hỏi, hay để nhận lãnh năng lượng Tâm Linh, để thực hiện những Sứ Mạng Thượng Thiên.
Nhân Điện cũng công nhận khả năng tâm linh giao tiếp giữa con người và Các Đấng Thần Thánh, Thần Linh, thậm chí con người còn có thể có cả những khả năng tâm linh siêu hình giao tiếp với Các Đấng Tâm Linh Cao Cả, Tối Thượng Tối Cao, nhưng dĩ nhiên là không dễ dàng, và cũng dĩ nhiên là cần phải có nguyên nhân rõ ràng, mục tiêu chính đáng làm lợi ích cho nhân loại cụ thể. Thượng Đế và Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả chỉ có thể tiếp xúc tâm linh với ai có nhiệm vụ tâm linh do Các Đấng lựa chọn và giao phó, và điều nầy thì may mắn là trong Ngành Nhân Điện đã có người được Các Đấng lựa chọn, giao phó trách nhiệm tâm linh. May mắn, Nhân Điện có được chứng thực về quyền năng của Các Đấng Tâm Linh Cao Cả, Các Bậc Thần Thánh Siêu Hình luôn luôn hiện diện một cách vô hình ngày đêm quanh ta.
Nói lên năng lực tâm linh và chứng nghiệm tâm linh của ngành Nhân Điện ở đây, hoàn toàn không có ý giới thiệu, so sánh hay đề cao bất cứ điều gì của ngành Nhân điện, mà chỉ là để xác tín một số khả năng tâm linh siêu hình mà con người bằng xương bằng thịt có thể có được, bằng một số sự việc với chứng cớ cụ thể, như việc trị bịnh cứu người mà không cần đến thuốc men hay bất cứ phương tiện y khoa nào hết. Nếu không có quyền năng huyền bí tối thượng tối cao của Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả độ trì thì sẽ không có bất cứ con người bình thường nào có thể thực hiện được sự việc kỳ lạ nầy. Trái lại, một khi Các Đấng ra tay giúp đỡ thì dù cho có bất cứ việc gì, dù khó khăn thế nào, dù phi lý đến đâu cũng có thể thực hiện được, có khi rất nhanh chóng, rất dễ dàng. Nhưng cũng xin đặc biệt nhấn mạnh rằng đây không phải là kỳ tích của con người, mà là quyền năng tâm linh của Các Đấng Cao Cả Thiêng Liêng Vô Hình đã thực hiện qua bàn tay trần tục của con người trần gian.

Quan niệm Nhân Quả và Luân Hồi của Đạo Cao Đài

Đây là một quan niệm tâm linh rất đặc thù của Đạo Cao Đài. Quan niệm nầy không phải là do Đạo Cao Đài sáng tạo ra, nhưng là nền tảng tâm linh của Đạo Cao Đài. Quan niệm nầy có từ trước, rất phổ biến trong quảng đại quần chúng Việt Nam từ nhiều ngàn năm qua. Nhiều người lầm tưởng đây là quan niệm của Phật Giáo. Sự thực, quan niệm Luân Hồi và Nhân Quả đã có từ nhiều ngàn năm tại Ấn Độ, trước khi Đạo Phật ra đời tại miền Bắc Ấn, nước Nepal nhỏ bé dưới rặng núi cao Hy Mã Lạp Sơn ngày nay. Đây là quan niệm Linh Hồn tái sinh, với những hệ luỵ nhân quả của nó trong kiếp trước. Tư tưởng, lời nói, việc làm của con người trong kiếp nầy là cái Nhân và sẽ hình thành cái Quả cho chính nó ở kiếp sau. Quan niệm nầy ghép chặt thể xác và linh hồn làm một. Thể xác chết đi, nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại và linh hồn phải chịu gánh lấy tất cả trách nhiệm của thể xác.
Mặc dù lý thuyết Nhân Quả, Luân Hồi tồn tại nhiều năm qua trên thế giới, nhưng vẫn còn tiếp tục bị tranh cải, bởi vì rất khó có được chứng cớ xác thực chứng minh cụ thể, rõ ràng lý thuyết nầy. Riêng về mặt xã hội, giáo dục, đạo đức thì không ai chối cải được tác dụng tốt đẹp của lý thuyết tâm linh nầy đối với con người, gia đình, xã hội, quốc gia. Nhiều người nhờ có sự tin tưởng vào lý thuyết Nhân Quả, Luân Hồi nầy mà họ không dám làm điều xằng bậy. Nhiều người nhờ lý thuyết tâm linh nầy mà tu hành, thực hành đạo đức, nhân nghĩa, bác ái, từ bi...
Với những kết quả cụ thể, lợi ích và tích cực nầy, có lẽ chúng ta không nên bàn cải về lý thuyết Nhân Quả và Luân Hồi. Lý thuyết Nhân Quả, Luân Hồi ăn sâu vào tư tưởng quần chúng Việt Nam, trở thành nếp sống văn hoá, tư tưởng Việt Nam từ cả ngàn năm qua, không thể thay đổi. Tùy căn cơ trình độ con người, chúng ta sẽ phải dùng đến phương tiện tâm linh khác nhau cho mục đích thanh cao là xây dựng Đạo Đức và Tâm Linh con người. Lý thuyết Nhân Quả và Luân Hồi trong hoàn cảnh và điều kiện nào đó của xã hội, dân tộc, nó có thể là phương tiện tâm linh để giáo hoá nhân loại, giúp ích con người.

Biểu tượng ĐẠO CAO ĐÀI: “Con Mắt” và “Trái Tim”

Nơi tôn nghiêm để thờ phượng Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả của mỗi tôn giáo có tên gọi, hình thù khác biệt nhau. Phật Giáo có Chùa để thờ Phật, tuy chùa mỗi nước một khác nhau, nhưng tất cả những nơi thờ Phật đều được gọi là Chùa. Nơi thờ Chúa của Đạo Thiên Chúa thì gọi là Nhà Thờ. Nơi thờ tự của Đạo Hồi thì gọi là Nhà Nguyện, hay Thánh Đường Hồi Giáo. Phật Giáo Hoà Hảo thì không xây chùa để thờ Phật như nhiều tông phái Phật Giáo khác. Đạo Cao Đài thì có nơi thờ tự với hình thù đặc biệt, gọi là Thánh Thất Cao Đài. Thánh Thất Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh lớn nhất, uy nghi nhất và là khuôn mẫu của những Thánh Thất Cao Đài khác.
Đạo Cao Đài có hai phái với hai biểu tượng khác nhau. Cao Đài Tây Ninh có biểu tượng là “Con Mắt”. Cao Đài Bến Tre có biểu tượng là “Trái Tim”. “Con Mắt” là biểu tượng Đạo Cao Đài đầu tiên do Đốc Phủ Sứ Ngô Văn Chiêu được Đấng Thượng Thiên Cao Đài, qua sự liên lạc bằng tâm linh ban biểu. Ý nghĩa căn bản chỉ là một biểu tượng tôn giáo thuần túy, nhưng bên cạnh đó thì hình ảnh “Con Mắt” lại là con mắt độc nhất. Đây không phải là con mắt của con người, mà là con mắt của Đấng Cao Đài, tức Đấng Thượng Thiên, Đấng Thượng Đế. Chúng ta cũng cần biết ý nghĩa khác của biểu tượng “Con Mắt” tâm linh nầy cũng rất quan trọng. Đó là hình ảnh của sự Minh Triết, Giác Ngộ, sự thấu suốt sự vật. Việc mà người tín đồ Đạo Cao Đài nói riêng, nhân loại nói chung, cần phải tu hành, học hỏi và thực hành.
“Trái Tim” là biểu tượng khác của Đạo Cao Đài, phái Bến Tre của Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương. Hình ảnh “Trái Tim” của Đạo Cao Đài, phái Bến Tre, có ý nghĩa là biểu tượng của Tình Thương, mà trước nhứt là Tình Thương của Đấng Cao Đài, Đấng Thượng Đế dành cho nhân loại, vạn vật muôn loài. Kế đó là Tình Thương của con người dành cho Con Người, với quan niệm thế giới đại đồng, nhân loại anh chị em, Thượng Đế là Cha chung của Nhân Loại, thì con người không thể thiếu Tình Thương ruột thịt anh chị em. Trong phạm vi Tôn Giáo, thì đó là Tình Thương giữa người tín đồ, không chỉ với người tín đồ của riêng tôn giáo của mình mà còn là Tình Thương đối với mọi tín đồ của mọi tôn giáo.
Thực ra, thì không phải chỉ cần có Con Mắt hay Trái Tim, mà cần phải có cả hai thứ, cần Con Mắt và cũng cần cả Trái Tim. Chúng ta không chỉ cần có Minh Triết, Giác Ngộ mà chúng ta cần có cả Tình Thương Yêu, lòng Bác Ái, dạ Từ Bi, tâm Hỉ Xả. Nói Minh Triết mà không có lòng Từ Bi thì chưa thể gọi là Minh Triết. Nói Bác Ái mà không Giác Ngộ, thì chưa thể gọi là Bác Ái. Nói Tình Thương mà không có Hỉ Xả thì không thể nói là Tình Thương.
Có những cái mà con người luôn luôn trốn tránh nhưng không tránh khỏi, đó là nỗi khổ đau của nhân thế. Có những cái con người luôn luôn mong tìm mà không gặp, mong muốn mà không có. Đó là hạnh phúc của con người. Tất cả những bi kịch đó của con người đều có nguyên nhân xa gần của hai cái biểu tượng “Con Mắt” và “Trái Tim” trên đây. Chỉ cần thiếu một trong hai biểu tượng nầy, thì chẳng những không có được hạnh phúc, mà chăc chắn sẽ phải gánh nỗi khổ đau. Nếu không có Tình Thương và Giác Ngộ, thì không thể nào tìm được hạnh phúc con người.

Đời sống Tâm Linh Trường Tồn và Bất Diệt

Nếu có cơ duyên nào đó để biết năng lượng Tâm Linh siêu hình, năng lượng Tình Thương, năng lực Tâm Linh huyền nhiệm của Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả, của Thượng Đế, Thượng Thiên, để học hỏi tâm linh, mở lòng Nhân Ái, mở dạ Từ Bi, mở trí Minh Triết, mở tâm Giác Ngộ, thì sẽ là người may mắn có được Hồng Ân, Phước Báu của Trời, Phật, của Thượng Thiên. Khi có được năng lực tâm linh, cơ duyên để tiếp xúc với Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả, thì sẽ có đời sống phong phú hơn, ý nghĩa hơn, cao thượng hơn, đời sống bất diệt và trường tồn, đó là “Đời Sống Tâm Linh”.
Để phù hợp với thời đại mới, con người mới, không gian mới, quan niệm mới, chúng ta có thể thay đổi một chút câu nói của Chúa “Phước cho kẻ nào tin ở Chúa” thành câu “Phước cho kẻ nào tin có thế giới Tâm Linh, quyền năng tâm linh siêu việt của Đấng Thiêng Liêng, Cao Cả, Đấng Thần Thánh”. Không có thân xác nào có thể bất tử trường tồn. Chỉ có “Đời Sống Tâm Linh” mới là “Đời Sống Bất Diệt, Trường Tồn”, là mục tiêu đích thực nhất, thanh cao và ý nghĩa nhất của con người Đạo Đức, con người Tu Hành, Đạo Hạnh, Hành Đạo Tế Thế, có khả năng tâm linh để cứu mình, giúp người, là Sứ Giả của Thượng Thiên, cứu tinh của nhân loại.

Kết Luận

Đạo và Đời là từ ngữ rất quen thuộc, nhưng rất mơ hồ về ý nghĩa. Sự khác biệt trong ý nghĩa và đời sống thường ngày của con người, Đạo được đồng hóa với Tôn Giáo và Đời với Xã Hội. Điều đó chỉ đúng có một phần, nhưng không đầy đủ và chính xác. Đời là con người vật chất hữu hình, còn Đạo là Thần Thánh Tâm Linh Siêu Hình. Như vậy sẽ dễ dàng hiểu rõ nghĩa và thấy rõ sự khác biệt của hai từ ngữ Đạo, Đời. Tuy có sự khác biệt sâu xa, nhưng cũng như Linh Hồn và Thể Xác, tuy là hoàn toàn khác biệt nhau về nhiều phương diện, nhưng lại không thể tách rời, là một thể hợp nhất. Đời và Đạo tuy có khác biệt mà không thể xa rời. Đời chính là Thân Xác. Đạo chính là Linh Hồn, thì làm sao Đời, Đạo có thể xa rời nhau được? Con Người và Thần Thánh cũng không bao giờ có thể rời xa. Con Người và Thượng Đế chỉ là một nhất thể, không phải nhất thể vật chất, mà là nhất thể tâm linh siêu hình. Quan điểm triết học và tâm linh nầy không xa rời quan điểm “Vạn vật đồng nhất thể” của Khoa Học và Đạo Giáo Kim Cổ, Đông Tây.
Đạo Cao Đài là một Tôn Giáo có những ưu điểm gắn bó hai thực thể Đạo và Đời, Con Người và Thần Thánh, Thể Xác và Tâm Linh, Nhân Loại và Thượng Đế. Đây là quan điểm rất mới. Đạo Cao Đài là một tôn giáo rất mới. Điều quan trọng không phải việc hình thành một tôn giáo mới, hoặc truyền bá một giáo lý mới, hoặc tìm kiếm tín đồ và bành trướng cơ sở. Điều quan trọng là phải thực sự có ý muốn phụng sự Thượng Đế, thực sự muốn trở thành sứ giả của Thượng Đế ở trần gian, không phải để làm nên tên tuổi, mưu cầu danh xưng, xây dựng đền đài, mà là để phục vụ nhân loại, mang lại lợi ích cho con người, gia đình, xã hội, quốc gia.
Thượng Đế không khi nào đòi hỏi những gì vượt quá khả năng của con người. Thượng Đế chỉ đòi hỏi những gì trong khả năng con người. Điều quan trọng là, chúng ta có muốn phụng sự Thượng Đế, tức phục vụ lợi ích của con người trần gian hay không? Nếu chúng ta thực sự muốn, chúng ta tự nguyện thi hành nhiệm vụ cao cả và nhân đạo, là cứu giúp nhân loại, thì Thượng Đế sẽ giúp chúng ta mọi phương tiện, cho ta năng lực tâm linh và sự giúp đỡ của chư vị Thần Thánh để chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ tâm linh của mình.
Thượng Đế không bao giờ hứa hẹn và đòi hỏi chúng ta. Cũng không phải chúng ta cầu xin Thượng Đế ân phước, mà là cầu xin nhiệm vụ, xin phục vụ cứu giúp nhân loại, thì chúng ta sẽ là con ngưòi mới mà các nhà tiên tri của Đạo Cao Đài từng đề cập đến trong kinh sách Đạo Cao Đài. Đó là con người rất bình thường như bao nhiêu con người bình thường khác của thế gian, nhưng đồng thời lại là con người có sự phò trợ bằng khả năng phi phàm của bậc Thần Thánh và Thượng Thiên. Tùy theo nhiệm vụ của Thượng Thiên giao phó, chúng ta sẽ có thể thực hiện được kỳ tích, những điều lợi ích cho nhân loại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...