Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

NGÀY LỄ TRUNG NGƯƠN RẰM THÁNG BẢY ÂM LỊCH - Hồ Xưa ST

Nguồn gốc:       
       
  Ngày Lễ Trung Ngươn hay là Lễ Vu Lan xãy ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm Lịch hàng năm, do từ sự tích về Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

        Theo Kinh Vu Lan Bồn thì ngày xưa, Ngài Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân Ngài là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ mình như thế nào nên dùng mắt phép thần thong nhìn khắp trời đất để tìm kiếm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy, khi thức ăn đưa lên miệng thì thức ăn đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Liên quay về và tìm đến Phật để hỏi cách cứu mẹ.

        Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật dạy, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này, là Vu Lan Bồn Pháp. Tục lệ đã có từ đó đến nay.

       Và ngày lễ Vu Lan ra đời.

Sự tích ngày xá tội vong nhân:
  
 Sự tích lễ cúng cô hồn cũng vào ngày Rằm tháng Bảy có nguồn góc như sau: Căn cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy ra thì thấy việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).

       Có một buổi tối nọ, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ, miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên". A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu: "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".

        Nhưng lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng ngày Rằm tháng Bảy. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiến.

Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ:

      
  Thuở xưa, có vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng thượng đế giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ ở cuối sông. Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên ra ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian, hoá thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa Ngâu (thông thường vào tháng Bảy âm lịch) và gọi họ là ông Ngâu, bà Ngâu. Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Các phường thợ mộc mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai. Kẻ muốn làm kiểu này, người muốn làm kiểu kia, cãi nhau chí chóe. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực quá, giận và bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Bị hoá làm quạ, các phường thợ mộc lại càng giận nhau hơn. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
        Ngoài ra, theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam thì Tiết Trung Nguyên cũng là tiết của dịp “Xá tội vong nhân” nơi Âm Phủ. Người xưa cho rằng: Ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm thì mọi tội nhân cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi Âm Phủ lên Dương gian. Bởi vậy, các gia đình ở Dương gian làm cỗ bàn, vàng mã cúng gia tiên, cầu siêu độ trì cho họ. Ngoài cúng gia tiên ngày “Xá tội vong nhân” mọi nhà còn bầy lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà để cúng cô hồn, ma đói là những vong linh “không nơi nương tựa” như nói ở phần trên.

Sắm lễ:

Ngày Rằm tháng Bảy theo tục xưa, mọi gia đình đều sắm hai lễ để cúng như sau:

+ Lễ cúng gia tiên gồm: Hương, hoa, rượu, xôi và mâm cỗ mặn với nhiều món ăn được chế biến cẩn thận, trình bày đẹp, vàng mã, quần áo, hài giấy…

+ Lễ cúng chúng sinh gồm các lễ vật: Bánh đa, bông, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè và cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh…

Văn khấn lễ tổ tiên (Ngày rằm tháng Bảy tại nhà) như sau::

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh.
       Tín chủ (chúng) con tên là:………………………………
       Ngụ tại:Ấp, làng, xã, tỉnh, xứ:………………………

   Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy năm (Bính Thân), nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến Tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, kim ngân, vàng bạc, thắp nén tâm hương, thành tâm kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc, Đệ Huynh, Cô Dì, Tỷ Muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ…………., cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.
         Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

         Nam mô ……………..! (Niệm Phật hay niệm Đấng Cao Đài)

        Rằm Trung Ngươn (còn gọi là Rằm Tháng Bảy), đây là truyền thống vô cùng tốt đẹp cũng đã in sâu vào tâm hồn của người tín đồ Cao Đài với tình cảm thiêng liêng “Cây có cội, nước có nguồn” dâng lên tấm lòng tôn kính báo nhân dịp Đại lễ Trung Ngươn Rằm Tháng 7 Âm Lịch hàng năm. 

       Tôn Giáo Cao Đài trong năm có 3 ngày trong Tam Nguơn lưu chuyển, Rằm Thượng Nguơn, Trung Nguơn và Hạ Ngươn đều thiết lễ Đại Đàn Cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và Thần, Thánh, Tiên, Phật, tại Tòa Thánh Tây Ninh, các Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu địa phương, dâng sớ cầu nguyện cho các đẳng chơn hồn, chiến sĩ vị quốc vong thân và đồng bào tử nạn được siêu thăng tịnh độ trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. 

        Nho Giáo sách Trung Dung Đức Khổng Tử nói về vua Thuấn: “Hiếu hạnh của vua Thuấn lớn lắm vậy. Luận về đức, Ngài là bậc thánh nhân, luận về công thì Ngài ở ngôi thiên tử, luận về giàu thì giàu bốn biển, ông bà cha mẹ được hưởng cúng tế trong tông miếu, con cháu được triều đình ban cho phước lộc. Vì hiếu của Ngài rất lớn nên đời sau tặng cho Ngài là địa quan xá tội.” 

       Rằm tháng 7 làm kỷ niệm vua Thuấn là địa quan xá tội, tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ quá vãng, mà thực lòng cầu khẩn cho cha mẹ ông bà được siêu thăng thì được vua Thuấn cảm ứng xem xét lòng hiếu thảo của con cháu mà xá tội người quá cố khỏi chịu hành phạt. 

        Phật Giáo thì Đức Phật Thích Ca dạy các phật tử làm Lễ Vu Lan Bồn trai tăng cúng dường, nhờ chư Đại Đức, Tỳ Kheo, Tăng Ni chú nguyện cho cha mẹ ông bà đã lâm chung được siêu thoát khỏi bị đọa đày khổ não nơi địa ngục. 

         Đạo Cao Đài thì không có dâng sớ cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ trong dịp Rằm tháng Bảy (vì đã dâng sớ cầu nguyện Rằm tháng Giêng) mà chỉ cầu nguyện cho các đẳng chơn hồn, đồng bào tử nạn và các chiến sĩ trận vong, xin cứu giúp chúng sanh thoát ly khổ ải gặp mọi sự tốt lành.

Tài liệu sưu tầm.

Hồ Xưa trình bày và chuyển tặng _____________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KÍNH MỜI ĐỌC và HỌA THƠ "THÁNG TƯ SANG" của HỒ NGUYỄN

THÁNG TƯ SANG Tháng Tư nghĩ nhớ khổ trăm bề, Mấy chục năm mòn mỏi tái tê. Mồ bạn xác vùi trơ phủ cỏ, Kiếp ta xứ tạm sống chưa về. Cái thời c...