Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Tinh thần Tam Giáo Đạo Cao Đài trong bối cảnh toàn cầu hóa - Lê Tấn Tài




Báo chí trong nước (Tiền Phong on line, thứ tư 31/05/06) loan tin: “17 giờ 15 chiều 31/05/06, tại dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thứ trưởng bộ thương mại Lương Văn Tự và phó đại diện thương mại Hoa Kỳ, Karan Bhatia, đã chính thức ký tên thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Tại lễ ký, ông Karan Bhtia đã phát biểu và nhấn mạnh rằng, ngày hôm nay, đánh dấu một sự kiện lịch sữ trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mở ra một cơ hội tốt đẹp cho quan hệ giữa hai nước…”. Một bản tin tuy ngắn ngủi, nhưng trong tương lai, với việc Việt Nam gia nhập WTO, sẽ mở ra một thời kỳ mới cho sanh hoạt của người Việt Nam trên toàn thế giới. Việt Nam sẽ gia nhập và sanh hoạt một cách hòa bình trong tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, lần lần hoàn chỉnh hệ thống pháp lý trong nước để phù họp với luật pháp quốc tế. Trong hệ thống pháp lý canh cải tương lai, chắc chắn, những quyền tự do căn bản của công dân và nhân quyền sẽ được công nhận. Những thay đổi về kinh tế, tài chánh của Việt Nam để phù họp với định chuẩn của WTO, chắc chắn sẽ kéo theo sự thay đổi tương ứng về các sanh hoạt chánh trị, tôn giáo để tiến kịp với các thay đổi của xã hội, văn hóa, khoa học. Đặc biệt, truyền thông qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet sẽ vô cùng nhanh chóng và mạnh mẽ. Thí dụ: Thiên tai sóng thần tại Nam dương xảy ra, chỉ vài phút sau, thế giới đều biết. Với hệ thống truyền thông cực kỳ nhanh chóng, thế giới như nhỏ lại. Nhân loại trên quả địa cầu gần gủi nhau như anh em một nhà. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tinh thần Tam Giáo của Đạo Cao Đài, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, rồi đây có lẽ phải được xem xét lại. Hẳn nhiên, căn bản giáo lý thâm sâu của Tam Giáo đã giáo huấn cho tín đồ Cao Đài một tâm linh trong sáng, thanh tịnh, qua Kinh Thiên Đạo, Kinh Thế Đạo, Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Thánh Ngôn, Thánh Giáo… vẫn là ngọn đuốc soi đường trên bước đường tu học của tín đồ.
Sau đây, chúng tôi xin trình bày nền tảng căn bản của Tam Giáo trong Đạo Cao Đài, và qua đó, sẽ thảo luận những thay đổi trong sanh hoạt của tín đồ Cao Đài trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Lý thuyết căn bản của Tam Giáo.

Ngay trong buổi đầu khai Đạo, trong tờ khai Đạo do ông Cựu Thượng Nghị Viên Lê Văn Trung vâng Thánh Ý, hiệp với chư đạo hữu, hết thảy là 247 người tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, đứng tên vào tịch Đạo để khai Đạo với Chánh Phủ ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29/09/1926) (Đạo Sử, quyển 2, trang 3). Tờ khai ấy làm bằng chữ Lang Sa, phiên dịch ra như vầy: “… Vốn từ trước, tại cõi Đông Pháp có ba nền tôn giáo là: Thích Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo. Tiên nhơn chúng tôi sùng bái cả ba Đạo ấy, lại nhờ do theo tôn chỉ quý báu của các Chưởng giáo truyền lại mới được an cư lạc nghiệp… Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người An Nam, vì căn bổn, vì Tôn Giáo, đã tìm phương thế hiệp Tam Giáo lại làm một (Quy nguyên phục nhứt, gọi là Đạo Cao Đài, hay là Đại Đạo). May mắn thay cho chúng sanh, Thiên tùng nhơn nguyện, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hằng giáng đàn dạy Đạo, và hiệp Tam Giáo, lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại cõi Nam nầy. Tam Kỳ Phổ Độ nghĩa là Đại Ân Xá lần thứ ba, những lời nói của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ dạy chúng tôi đều cốt để truyền bá tôn chỉ Tam Giáo. Đạo Cao Đài dạy cho biết:
  • Luân lý cao thượng của Đức khổng Tử.
  • Đạo đức của Phật Giáo và Tiên Giáo, là làm lành, lánh dữ, thương yêu nhân loại, cư xữ thuận hòa mà lánh cuộc loạn ly giặc giả…”
Chỉ trong vòng vài năm sau ngày khai Đạo, tín đồ Đạo Cao Đài đã gia tăng rất lớn lao, do tôn chỉ và giáo lý của Đạo Cao Đài mà căn bản là Tam Giáo, đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân Việt Nam. Thật vậy, tư tưởng Nho, Phật, Lão đã thấm nhuần vào nền văn hóa Việt Nam từ rất lâu.
“… Trong buổi đầu của thời kỳ nội thuộc Trung Hoa, các tư tưởng Nho, Phật, Lão đã lần lượt du nhập vào đất nước Việt Nam ta từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch (Nho giáo) đến thế kỷ thứ hai sau Tây lịch (Phật và Lão giáo). Các luồng tư tưởng này đã được nhân dân Việt Nam, vốn có tinh thần khai phóng và tâm tình dung hợp rộng rãi, sớm tiếp nhận và dung nạp, để lại dấu ấn sâu đậm trong mọi sinh hoạt và trong nền văn học dân gian qua truyện cổ, ca dao, tục ngữ...
Về Nho giáo, trong dân gian Việt Nam thường có những câu ca dao như sau:
Thờ cha thờ mẹ hết lòng ,
Ấy là chữ hiếu ở trong luân thường.
Chữ đễ có nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.


Về Phật giáo, ca dao cũng có những câu sau:
Lênh đênh qua cửa thần phù,
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm...
Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người.
Về Lão giáo, cũng có những câu sau:
Cuộc đời phó mặc người lo,
Công danh phú quý phó cho cuộc đời...
Ai nhất thì tôi thứ nhì,
Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba...
Con rùa chết bởi cái mai,
Con công lông tốt, con voi cặp ngà...


Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, những chuyện như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lưu Bình Dương Lễ, Anh Em Nhà Họ Điền... có nội dung là tư tưởng Nho giáo; những chuyện như Bình Vôi, Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính... hàm chứa tư tưởng Phật giáo; và những chuyện như Từ Thức, Tú Uyên, Liễu Hạnh, Thiên Y A Na... là những truyện thuộc về tư tưởng Lão giáo.

Trong văn học thành văn, tam giáo Nho, Phật, Lão cũng có ảnh hưởng sâu xa hơn trong các truyện Nôm cổ điển mà ta có thể nêu ra các truyện tiêu biểu như Lâm Tuyền Kỳ Ngộ là truyện có tính chất Lão giáo phảng phất tư tưởng Nho và Phật; truyện Phật Bà Hương Tích ( hay Phật Bà Quan Âm Diễn Ca hay Nam Hải Quan Thế Âm Sự Tích Diễn Ca ) là truyện Phật giáo dung hợp với tư tưởng Nho và Lão; truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du trong đó Nho giáo dung hợp với tư tưởng Phật và Lão giáo…” (Thiện Căn ở tại lòng ta, Tiến sĩ Hồ Đình Chữ, Đặc San Tây Ninh Mến Yêu 2003, trang 137)
Chính vì triết lý Đạo Cao Đài mà căn bản nằm trong Tam Giáo, đã đáp ứng đúng tâm tình và nếp suy tư của người Việt Nam từ lâu đời, nên được hưởng ứng nhanh chóng và mạnh mẽ. Đạo Cao Đài thể hiện tinh thần Tam Giáo qua cơ cấu tổ chức chánh trị đạo và các bài kinh Thiên Đạo, Thế Đạo, Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Thánh Ngôn, Đạo Kỳ.

Tổ chức chánh trị đạo Cao Đài

“Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng thượng Đế lập đạo Cao Đài với hình thể gồm có 3 đài:
  • Cửu Trùng Đài, là thể xác Đạo
  • Hiệp Thiên Đài, là chơn thần Đạo
  • Bát Quái Đài, là linh hồn Đạo
Cửu Trùng Đài là phần hữu hình, là thể xác của Đạo, gồm có chức sắc thiên phong, chức việc và tín đồ. Cửu Trùng Đài giữ nhiệm vụ của hành chánh đạo. Chức sắc Cửu Trùng Đài nam phái được chia làm 3 phái như sau:
  • Phái Thái, đại diện cho đạo Phật. (phẩm phục màu vàng)
  • Phái Thượng, đại diện cho đạo Tiên. (phẩm phục màu xanh),
  • Phái Ngọc, đại diện cho đạo Nho. (phẩm phục màu đỏ)
Chức sắc Cửu Trùng Đài nữ phái chỉ có 7 phẩm, từ phẩm cao nhất là nữ đầu sư, đến hàng phẩm nữ tín đồ.
Chưỡng quản Cửu Trùng Đài là Giáo Tông.
Bát Quái Đài là phần vô hình, là linh hồn của Đạo, đặt dưới quyền chưỡng quản của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Giáo chủ của Tam Giáo là:

  • Đức Phật Thích Ca, Giáo Chủ Thích Giáo,
  • Đức Lão Tổ, Giáo Chủ Lão Giáo (Tiên Giáo),
  • Đức Khổng Tử, Giáo Chủ Khổng Giáo (Nho Giáo).
Tam Trấn Oai Nghiêm là ba Đấng Thiêng Liêng, thay mặt ba vị Giáo Chủ Tam Giáo, cầm quyền trong thời Tam Kỳ Phổ Độ
  • Nhứt Trấn Oai Nghiêm: Đức Lý Đại Tiên Trưởng,
  • Nhị Trấn Oai Nghiêm: Đức Quan Âm Bồ Tát,
  • Tam Trấn Oai Nghiêm: Đức Quan Thánh Đế Quân
Hiệp Thiên Đài là phần bán hữu hình, là chơn thần của Đạo, gồm có những vị Chức Sắc cao cấp với hai nhiệm vụ chánh:
  • Nhiệm Vụ phàm trần là bảo thủ chơn truyền của Đức Chí Tôn, gìn giữ các cơ quan trong khuôn viên Đạo Pháp.
  • Nhiệm Vụ Thiêng Liêng là cơ quan phò cơ bút để làm trung gian giữa Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài. Chưỡng Quản Hiệp Thiên Đài là Đức Hộ Pháp, đồng phẩm với Đức Giáo Tông về mặt thiêng liêng". (Tìm hiểu sơ lược tổ chức về hình thể đạo Cao Đài, Hiền tài Nguyễn Trung Đạo sưu tầm, trang 4):
"Tại trung Ương có 9 Viện, gọi theo chữ Hán là Cửu Viện, chia đều cho ba phái:
  • Phái Thái điều khiển: Hộ Viện, coi về tài chánh; Lương Viện, coi về lương thực; Công Viện, coi về đường sá, dinh thự.
  • Phái Thượng điều khiển: Học Viện, coi về giáo dục; Y Viện, coi về y tế; Nông Viện, coi về canh nông.
Phái Ngọc điền khiển: Hòa Viện, coi về an ninh, hòa giải; Lại Viện, coi về hành chánh đạo; Lễ Viện, coi về tế tự, nghi lễ". (Đời sống của người tín đồ Cao Đài, Hiền Tài Nguyễn Long Thành, trang 21)
Trong phần “Tiểu Tựa” của Tân Luật định rõ: “Cái tông chỉ của Đại Đạo là gồm cả ba Đạo chánh là: Nho, Thích, Đạo, chuyển cả ba Đạo ấy mà hiệp lại làm một. Nên chi, chúng ta tu Đại Đạo thì phải noi theo tông chỉ của Tam Giáo, mà tập rèn tâm tánh, là phải nắm trọn tam cang, ngủ thường, giữ vẹn tam qui, ngủ giới và cần luyện tam bửu, ngủ hành” (Tân Luật, trang 241)
Điều thứ ba Thế Luật qui định rõ: “Phải giữ tam cang, ngủ thường là nguồn cội của nhơn đạo; nam thì hiếu để, trung tín, lễ nghĩa, liêm sĩ; nữ thì tùng phụ, tùng phu, tùng tử, và công dung ngôn hạnh” (Tân Luật, trang 249). Diễn văn của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng nói rõ: “Ai là người đã mang mảnh xác thịt ở trong vòng võ trụ nầy, cũng nhìn rằng đã thọ ân của hai Đấng Tạo Công: Đấng thứ nhứt là Trời, Đấng thứ nhì là cha mẹ chúng ta. Ban cho chúng ta mảnh hình hài nầy, nhờ nuôi mới sống, nhờ dạy mới khôn; chịu nơi vòng hữu định của trí lự và phận sự làm người; nặng manh mối Đạo: Quân, Sư, Phụ nơi mình, tam cang ngủ thường vai oằn oại, cái khó khăn của phận làm người, ai không ghê sợ; ngặt ghê sợ mà vong phế, lại chẳng trọn đạo làm người” (Tân Luật, trang 308).
Tinh thần Tam Giáo còn được tìm thấy qua đạo kỳ của Đạo Cao Đài. Lá cờ đạo Cao Đài gồm ba màu: vàng (Phật Giáo), xanh (Tiên), Đỏ (Nho)
Tinh thần Tam Giáo đạo Cao Đài còn được biểu lộ rõ rệt qua các bài Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.
Khai Kinh:
Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải, làm lành,
Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành,
Từ Bi Phật dặn lòng thành, lòng nhơn,
Phép Tiên Đạo tu chơn, dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau…
Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, Kinh Thích Giáo, Kinh Tiên Giáo, Kinh Nho Giáo, (Ghi chú: Bốn bài kinh cúng tứ thời bằng Hán văn nói trên được ông Vương Văn Ký diễn nôm bằng thể thơ song thất lục bát)
Tinh thần Tam Giáo còn được nhắc lại trong “Giới tâm kinh”:

“…Nguyền Khổng Thánh bảo toàn Nho Giáo,
Lấy nghĩa nhơn Đại Đạo truyền ra,
Tây Phương Phật Tổ Di Đà,
Nam hải Phổ đà cứu khổ quan Âm.
Lẽ báo ứng cao thâm huyền diệu,
Cho chúng sanh đặng hiểu răn mình.
Đạo Quân đức hóa háo sinh,
Rộng quyền máy nhiệm an linh cứu đời.
Xin xót thương con người ngây dại,
Phép huyền hư truyền dạy thế gian.
Mong nhờ lịnh Đức Thánh Quan,
Ra oai tiêu diệt cho tàn ác ma…
……..
Cang tam, thường ngũ phải gìn,
Chứa đức, làm lành, làm phước, làm doan…

Đạo Cao Đài lấy tinh thần Tam Giáo làm căn bản, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tinh thần ấy có sự thay đổi như thế nào?

Nho Giáo:

Nền tảng căn bản của Nho Giáo là: Tam cương: quân, sư, phụ. Ngũ thường là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trong lịch sữ, Nho Giáo đã hai lần bị chính người Trung quốc tìm cách xóa bỏ: Tần Thỉ Hoàng đã “đốt sách, chôn sống kẻ sĩ” và Mao Trạch Đông, qua phong trào “cách mạng văn hóa” đã tìm cách loại tư tưởng Khổng Giáo ra khỏi chế độ Cộng sản. Tuy việc loại bỏ tư tưởng Khổng Giáo không thành công, nhưng nó cũng có ảnh hưỏng và làm thay đổi ít nhiều nếp suy tư của Nho gia.
Quân:
Quan niệm “quân, sư, phụ” không còn cứng rắn và khắt khe như ngày xưa: “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”, hoặc “Trung thần bất sự nhị quân”. Chế độ quân chủ chuyên chế đã cáo chung tại Trung quốc và Việt nam. Tuy một vài nước trong vùng Á Châu, như Thái Lan, Nhựt Bổn… vẫn còn vua và hoàng gia, nhưng đã chấp nhận chế độ “quân chủ lập hiến”, vua chỉ giữ vai trò tượng trưng cho quốc gia. Việc điều hành guồng máy chánh phủ do thủ tướng và nội các đảm nhiệm. Ý niệm “trung với vua”, nay biến thành “trung với nước”. Tuy vậy, với sự chuyển dịch di trú của đa số dân chúng trên thế giới, đặc biệt là người Việt Nam tỵ nạn, ý niệm “trung với nước” đặt ra câu hỏi khá tế nhị: Người Việt nam tỵ nạn ở hải ngoại trung với nước nào? Trung với nước Việt Nam theo huyết thống, hay nước nơi mình định cư và thủ đắc quốc tịch? Trường hợp người Việt Nam tỵ nạn làm việc cho một công ty đa quốc, thường xuyên di chuyển nơi cư trú trên nhiều quốc gia, nếu khi hành động đòi hỏi một sự cân nhắc về quyền lợi của một quốc gia, thì sẽ suy nghĩ xem mình trung thành với quốc gia nào? Trung với Việt Nam, là quốc gia của huyết thống, hay trung với quốc gia mình có quốc tịch lúc định cư, hay trung với quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở?
Khi đề cập đến ý niệm “trung”, chúng ta thường liên tưởng đến ý niệm “hiếu”.
“Trai thời trung, hiếu làm đầu”. (Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu)
“Khai nhơn tâm tất bổn, ư đốc thân chi hiếu,

Thọ quốc mạch tất tiên, ư trí chúa chi trung…” (Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, trang 30). “Sự khai mở cái tâm của con người, gốc ở tại hiếu thảo với cha mẹ. Sự lâu dài của quốc gia ở tại hết lòng trung thành với nước. Đạo của Đức Khổng Tử chủ trương lấy việc khai mở cái Tâm của con người làm gốc, bởi vì cái Tâm do trời ban cho, vốn lành và sáng suốt, thường khiến cho con người làm điều hay, sự phải, giục con người mến đạo đức, chuộng tinh thần, biết thuận tùng Thiên Lý.
Muốn khai mở cái Tâm, Đức Khổng Tử lấy sự hiếu thảo làm căn bản, bởi vì trong trăm hạnh thì hiếu đứng đầu. Người bất hiếu là vì để cái Tâm bị lục dục, thất tình che lấp, trở nên mờ ám. Đây là điểm đồng nhứt và cũng là căn bản của Tam Giáo: Nho, Thích, Lão. Tam Giáo đều dạy lấy Tâm làm gốc:
Nho giáo dạy: tồn tâm dưỡng tánh
Lão Giáo dạy: Tu tâm luyện tánh
Thích Giáo dạy: Minh tâm kiến tánh.
Trong Đạo Cao Đài, Đức Phật Mẫu giáng cơ dạy chữ Tâm như sau:
Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm
Tâm thành ắt đạt đường tu vững
Tâm chánh mới mong mối đạo cầm
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm
Đường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn
Có buổi hoài công bước đạo tầm…

(Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, trang 165-167). Cách biểu lộ lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ tại hải ngoại cũng thay đổi so với thời ở trong nước. Hẳn nhiên, cách biểu lộ lòng hiếu thảo của “Nhị thập tứ hiếu”, thí dụ như thầy Tử Lộ đội gạo… ngày nay không thể thực hiện được. Dù con cái muốn tỏ lòng hiếu hạnh, nhưng không thể nào bỏ công ăn, việc làm để ngày đêm hầu hạ cha mẹ lúc ốm đau, để “quạt nồng, ấp lạnh” được. Cha mẹ chỉ còn con đường vào trú ngụ trong “nursing home” để được săn sóc, chăm lo trong lúc tuổi già, bóng xế. Vả lại, tại hải ngoại, tuy cuộc sống đầy đủ vật chất, nhưng bậc làm cha mẹ vẫn thấy nhung nhớ tình cảm láng giềng, nhớ dĩ vãng, nên thường cảm thấy cô đơn trong “nursing home”, hoặc trong căn nhà khang trang của con cái giữa một vùng toàn là người xa lạ, ngôn ngữ bất đồng. Tuy vậy, bậc làm cha mẹ cũng nên xét lại, có sự suy nghĩ và thái độ cởi mở, thích hợp với xã hội hiện tại, đừng ước mong sự chăm lo, hầu hạ của con cái với khuôn phép, lễ nghi như ngày xưa ở quê nhà được. Cha mẹ có thay đổi thái độ như thế để thích nghi với đời sống hiện tại thì đại gia đình mới sống an vui, hạnh phúc. Hoàn cảnh sống tại hải ngoại đã thay đổi rất lớn so với thời còn ở quê nhà, nên sự thể hiện lòng hiếu thảo của con cái bây giờ chỉ là tượng trưng qua vài món quà, hay thăm viếng trong các ngày “mother day, father day” mà thôi.
Sư:
Thầy dạy học. Với lối học ngày xưa, chỉ một ông thầy đồ dạy học trò liên tục trong nhiều năm, nên tình nghĩa thầy trò khắn khít. Vị trí của ông thầy được tôn trọng, ngưỡng mộ, được xã hội xếp trên cả người cha. Với truyền thống nho học và thi cử cũ, học trò chỉ học “chữ nghĩa thánh hiền” từ ông thầy đồ, mà ít khi luận bàn, hoặc có ý kiến trái ngược, hoặc đặt nghi vấn về những điều mình đã học. Những điều học hỏi từ ông thầy, hoặc sách vở là “bất khả tư nghị”, khiến cho giai cấp “sĩ” tuân theo khuôn mẫu có sẵn, không có sáng kiến để cải cách. Ngày nay, học trình được cập nhật hóa, học sanh, sanh viên, trong khi học, có thể bàn thảo, chất vấn, hoặc giả thiết những điều đi ngược lại khuôn phép cũ, hoặc những điều được xem là chân lý bất di bất dịch. Sau mỗi học kỳ, sanh viên ở đại học Úc còn được quyền “lượng giá” thành tích giảng dạy của nhơn viên giảng huấn, xem xét coi công việc giảng dạy môn học đó có kết quả tốt hay không? Sanh viên có được trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu hay không? Sanh viên có thể sưu tầm tài liệu cần tham khảo qua “internet”, hay “library online” một cách nhanh chóng và hữu hiệu. Thầy dạy chỉ đóng vai trò khiêm nhường của một người hướng dẫn và giám sát, để sanh viên tự mình tìm tòi, và tự học. Vị trí của người thầy, do đó, đã rất thay đổi so với cách dạy và học ngày xưa. Sự liên hệ của tình nghĩa thầy trò cũng giảm nhẹ, không được tuyệt đối tôn sùng như trong cách dạy và học của nho gia.
Phụ:
Cha. Ngày xưa, vai trò của người cha trong gia đình luôn luôn là người giữ quyền quyết định, kể cả những quyết định rất quan trọng cho con cái, như dựng vợ, gả chồng hay chọn lựa nghề nghiệp cho con. Trong xã hội đa dạng và dân chủ hiện nay, vai trò của người cha đã giảm. Người cha chỉ là người giúp ý kiến cho con cái để tự chúng quyết định. Ngay cả việc hôn nhơn của con cái, cha mẹ cũng chỉ là người cố vấn, nếu may mắn được con cái hỏi ý kiến. Trong nhiều trường hợp, con cái tự mình quyết định chuyện hôn nhơn, hay nghề nghiệp của mình.
Xem vậy, quan niệm về tam cang của Nho Giáo “quân, sư, phụ” trong xã hội ngày nay đã thay đổi mạnh mẽ, thì ngũ thường “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” ,sẽ ra sao? Theo Nho Giáo, ngũ thường gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Nhân:
“Nhơn giả, nhơn dã”, nghĩa là Nhân ấy là Đạo người vậy. (Giáo Lý, Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng, trang 188)
Đối nội: Muốn thực hành đạo Nhân, thì kẻ học luôn luôn phải giữ gìn bổn tâm của mình trong sạch, đừng để cho tư dục xen vào.
Đối ngoại: Nhân là cái tác động của bổn tánh thiên nhiên, cho nên Nhân vốn lành. Cái lành ấy đối với người và vật ở chung quanh mình thì biết thương xót, ấy vậy nên chữ Nhân luôn luôn có chữ Ái kèm theo, nên gọi là lòng Nhân Ái. Theo sự hiểu thông thường, Nhân là lòng thương người. Khi bổn tâm trong sạch, lòng nhân bao la, người đạo hữu sẽ có lòng bao dung với đồng loại. Thật vậy, sự học cao, hiểu rộng, nếu không có lòng Nhân Ái, sẽ không giúp ích cho nhân loại, mà còn đem lại tai họa cho người có tài mà vô Nhân:

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai, một vần.
(Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du)
Muốn rèn luyện cái tâm, thì phải trau giồi, tu tâm, dưỡng tánh. Thật vậy, khi thiện tâm, chơn tâm được khai mở, lòng nhân ái cũng theo đó mà phát triển. Người tín đồ Cao Đài sẽ trải lòng mình ra để bao dung, tha thứ, thương yêu đồng loại, đồng đạo và vạn vật.
Điều thứ nhứt của Thế luật: “Hể thọ giáo với một thầy thì tỉ như con một cha, phải thương nhau, liên lạc nhau, giúp đở nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường đời”
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lòng nhân ái không giới hạn trong một quốc gia, mà còn mở rộng khắp năm châu. Các tổ chức từ thiện quốc tế, như hội hồng thập tự, hoặc world vision đã đến những vùng bị thiên tai, chiến tranh để cứu giúp các nạn nhân, như nạn nhân sóng thần ở Indonesia, hay nạn nhân chiến tranh ở Trung Đông, hay Nam Á.
Sự thực hành đạo Nhân thì rộng bao la, nên người tín đồ Cao Đài phát tâm thiện lành để cứu giúp người và vật trong cơn hoạn nạn, hữu sự, theo đạo lý, lẽ phải của nghĩa.
Nghĩa:
“Là phương pháp bảo vệ lòng Nhân, tức là gìn giữ tâm linh cho được chánh trực, và giúp cho lòng Nhân được tự do phát triển cái lành tự nhiên của nó… Nghĩa “còn là cử chỉ, hành vi giúp cho lòng Nhân Ái phát triển ra ngoài… Vậy nên nói rằng Nghĩa do lòng Nhân mà dấy và cũng vì thế, hai chữ Nhân Nghĩa phải đi đôi với nhau thì mới phát biểu được Đạo Đức từ trong ra ngoài” (Giáo Lý, trang 189)
Trong bối cảnh hiện nay, sự văn minh vật chất chiếm lãnh địa vị cao trọng trong sự giao tiếp xã hội, nên người tín đồ Cao Đài cần thiết phải nêu cao gương Nhân Nghĩa, lấy lòng thiện lành, từ ái, bao dong mà hết lòng tương trợ đồng đạo, đồng chủng trong cơn hoạn nạn.
Lễ:
“Chữ Lễ đây đồng với chữ Lý. Nếu áp dụng vào sự thực hành đạo Nhân, thì Lễ dùng để phân biệt điều thái quá, lẽ bất cập và làm khuôn thước đo lường cử chỉ, hành vi… Lễ dùng để hạn chế những tình cảm xấu xa, làm cho người ta theo được Thiên Ý. Lễ còn có một tinh thần nữa là Kính. Ban đầu, Lễ dùng để tế tự, nghĩa là trong khi tế tự, người ta phải giữ lòng kính để cảm thông với thần minh. Về sau, Lễ lan rộng ra xã hội, thành một khuôn phép trong sự giao thiệp. Ở đây, Lễ phải có Nghi để làm hình thức. Giả tỉ như khi chúng ta gặp người trưởng thượng thì có lòng kính. Ấy là Lễ. Rồi chúng ta nghiêng mũ cúi chào, ấy là nghi, dùng để phát biểu lòng Kính ra bên ngoài, cho nên nói rằng “Nghi tùy Lễ mà chế” (Giáo Lý, trang 189)
Trí:
“Trí là tâm lực sáng láng, dùng để biết điều lành dữ, lẽ phải quấy. Đức Khổng Phu Tử cho Trí đứng đầu trong việt làm Nhân, vì có biết điều nào lành, điều nào dữ, nhiên hậu sẽ theo đó mà làm, hay tránh, cho nên có câu nói rằng: “Trí Nhân Dũng. Tức là Trí đứng đầu trong hai đức Nhân Dũng. Mà muốn khai Trí phải làm sao? Về mặt hữu vi, thì chúng ta phải học cho rộng, nghĩ cho cùng, biện cho rõ và làm cho đến kết quả. về mặt vô vi thì phải trầm mặc, tưởng gẫm, nhứt là phải hạn chế lòng nhơn dục, để cho Thiên Lý lưu hành một cách tự nhiên. Trong cảnh lặng lẽ ấy, sẽ có lương tri xuất hiện để cảm thông với Trời Đất, vạn vật mà biết mọi lẽ. Trí thức và lương tri hiệp thành một năng lực quáng thông tinh thần và vật chất.” (Giáo Lý, trang 190)
Tín:
Tín là giữ lòng tin. Khi đã giao kết với ai điều gì, phải giữ lời thể hiện chữ tín. Trong giao dịch xã hội hằng ngày, tín thể hiện qua việc giữ lời cam kết thực hiện những điều mình đã thõa thuận trong hợp đồng. Thí dụ trong hợp đồng mua bán, người mua đồng ý giá cả, có trách nhiệm trả tiền y giá trong hợp đồng, người bán có trách nhiệm thực hiện dịch vụ đúng y như hợp đồng đã định, hoặc bảo đảm món hàng đúng số lượng và phẩm chất mà hai bên đã kết ước.
Người tín đồ Cao Đài, khi làm lễ nhập môn, minh thệ trước Đức Chí Tôn không có lòng hai, nếu không sẽ bị thiên tru, địa lục. Đó là giữ chữ Tín. Nếu phạm luật pháp Đạo, tùy mức độ nặng nhẹ, sẽ do tòa tam giáo phân xử.
Nam tín đồ Cao Đài, khi thực hành Đạo Nho, là thực hành tam cương, ngũ thường. Muốn đạt được mục tiêu, phải tuân thủ bát điều mục: Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. “Đời xưa, người ta muốn làm sáng cái đức sáng của mình trong thiên hạ, trước phải xử xong việc nước. Muốn xử xong việc nước, trước phải sửa được việc nhà. Muốn sửa được việc nhà, trước phải tu thân. Muốn tu thân, trước phải chánh tâm. Muốn chánh tâm, trước phải thành ý. Muốn thành ý, trước phải biết cùng lý. Muốm biết cùng lý, thì phải suốt đến chỗ uyên thâm của sự vật.” (Giáo Lý, trang 194)
Trong xã hội ngày nay, nhan nhản những chánh trị gia nắm quyền lực quốc gia, cả quốc tế nữa, chưa hoàn thành việc tề gia, để con cái nghiện ngập xì ke, ma túy, phạm pháp, tham nhũng, mà lại muốn “bình thiên hạ”. Thân chưa tu, gia chưa tề, mà đòi “trị quốc” và “bình thiên hạ”, cho nên thiên hạ chưa hưởng được thái bình là vì thế.
Theo Đạo Nho, nam tín đồ Cao Đài thực hanh "tam cương , ngũ thường", còn nữ tín đồ thì trau giồi “tam tòng, tứ đức”. Vậy, “tam tòng, tứ đức”, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay ra sao?
Tam tùng hay tam tòng.
Tam tòng là ba điều nên theo của người phụ nữ. Tam tòng gồm: tòng phụ, tòng phu, tòng tử, tức là: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. (Nữ Trung Tùng Phận, trang 51-58)
Tại gia tòng phụ. Ở nhà thì tùy theo cha. Điều nầy rất đúng đắn và tự nhiên, bởi vì cha mẹ sanh ra mình, nuôi mình lớn lên, dạy cho biết điều hay, lẽ thiệt, thì mình phải vâng lời cha mẹ là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, tòng cha mẹ nhưng phải ý thức là tòng theo lẽ phải và đạo đức, chớ không phải tòng theo một cách mù quáng, máy móc. Phần cha mẹ thì phải là người hiền lương, chơn chất, hết lòng thương con, lo lắng cho con, dạy dỗ con thành người tốt, hữu ích cho gia đình và xã hội:

Còn đương thuở tuổi xanh thơ bé,
Ráng theo cha, học lễ, học văn,
Phép xưa tùng phụ đã rằng,
Dựa thân cội tử, đợi hàng trượng phu

Chỉ không tùng cha khi nào lời dạy bảo của cha không hợp với luân lý, đạo đức và trái với lẽ phải.Ttrong trường hợp nầy, người con cần hết sức khiêm tốn, nhỏ nhẹ nhưng cương quyết, năn nỉ cha xét lại, tranh đấu cho lẽ phải bằng tình thương yêu, một cách tế nhị để khuyên lơn cha…”
Thực tế, tại hải ngoại, ý niệm “tòng phụ” chỉ còn là vang bóng của dỉ vãng. Tại Úc Châu, không thiếu cảnh con gái đã chẳng những không nghe lời cha khuyên dạy, mà còn dọn ra ngoài ở chung với bạn trai trước khi thành hôn. Vả lại, luật pháp của xã hội cho phép con trai, con gái trên 18 tuổi có đủ quyền hành như người trưởng thành (thoát quyền), nghĩa là có thể tự do dọn ra ngoài, dù cha mẹ không đồng ý. Nếu cha mẹ cưỡng bách, dọa nạt con, sẽ bị gán cho tội “bạo hành”
Xuất giá tòng phu. “Có chồng thì tòng theo chồng. Trời phú cho người đàn ông một sức khỏe mạnh mẽ, một ý chí cương quyết, nên người chồng đảm nhận trách nhiệm kinh tế, lo làm việc sanh lợi, nuôi sống gia đình gồm vợ và các con. Do đó, một cách rất tự nhiên, người vợ nhường cho chồng làm chủ gia đình, làm chỉ huy trưởng, còn vợ thì phụ tá, làm chỉ huy phó. Mọi việc trong gia đình, người vợ cần đóng góp ý kiến cho chồng giải quyết, nhưng dành cho chồng quyền quyết định sau cùng.
Đó là tòng theo chồng, với điều kiện chồng sáng suốt và tài năng, chớ không phải như thời xưa qui định, chồng chúa vợ tôi, chồng xem vợ như kẻ nô tỳ.
Đến lúc đã chung phòng hòa hợp,
Phải tùng phu là phép xưa nay

Sự tùng theo chồng là hình thức phân chia trách nhiệm giữa vợ chồng trong gia đình. Trong công bằng xã hội, nam nữ bình quyền, phong tục tập quán đời nay, cũng như luật pháp chỉ cho phép một vợ, một chồng. người đàn ông chỉ được có một vợ, và người phụ nữ chỉ được có một chồng, và vợ chồng phải sống chung thủy với nhau.” (NTTP, trang 54).
Thực tế ngày nay, muốn có tài chánh thoải mái cho gia đình, đa số phụ nữ đều đi làm để có thêm một đầu lương. Phụ nữ có trình độ học vấn cao không thua gì nam giới, có nghề nghiệp vững chắc, và giữ địa vị cao trong xã hội và sở làm, nên “tùng phu” trong gia đình Việt Nam ở hải ngoại hầu như đã cáo chung.
Phụ tử tùng tử. Chồng chết thì theo con. Tùng theo con, không có nghĩa là nghe lời con hay bị con chỉ huy, mà ý nói rằng, khi chồng chết thì người vợ nên ở vậy, thủ tiết vời chồng, quên mình mà lo tạo dựng cho con.Thật ra, đây không phải là điều bắt buộc, thời xưa cũng như thời nay, mà chỉ là lời khuyên. Nếu người vợ còn trẻ tuổi, luân lý và luật pháp không cấm người vợ tái giá khi mản tang chồng. Việc người quả phụ bước thêm bước nữa là việc bình thường, và chúng ta cũng thường thấy như thế. Nhưng nếu người phụ nữ ấy thủ tiết với chồng đã chết, ở vậy thờ chồng, nuôi dạy con khôn lớn, thì đó mới là điều phi thường, đáng tôn trọng. Cái khó khăn mà người ta không làm đưọc, mình làm được thì mới đáng quí, đáng bậc tiết liệt, vì nó thể hiện lòng cứng cỏi, bất khuất, chiến thắng dục vọng tầm thưòng. Không có chiến công vẻ vang nào bằng tự thắng được dục vọng của mình. Tôn giáo thì luôn luôn mong muốn người phụ nữ sống cao thượng, cho nên khuyến khích người phụ nữ, khi chồng chết thì không nên tái giá, ở vậy thờ chồng, nuôi con và xây dựng cho con. Tuy nhiên, đây chỉ là sự chỉ vẽ đường lối có tính cách khuyến khích, chớ không bắt buộc. Người phụ nữ tùy ý lựa chọn con đường mình đi, muốn mình sống phi thường. Người phụ nữ có quyền tự do lựa chọn và định đoạt cuộc đời mình.

Thôi đành gởi tâm hồn giá tuyết,
Theo nương con cho hết tam tùng,
Hoặc là tròn nghĩa thủy chung,
Hoặc là chia dạ não nùng với con…” (NTTP, trang 56)
Ngưòi phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại ngày nay được xã hội nâng đở và tôn trọng, có địa vị độc lập về kinh tế, tài chánh, không còn phụ thuộc, nhờ vả vào chồng, nên việc bước thêm bước nữa sau khi chồng chết là một việc bình thường. Thậm chí, khi vợ chồng bất hòa, việc ly hôn xảy ra với một tỉ lệ cao so với thời trước lúc còn ở quê nhà. Tại Úc Châu, việc phụ nữ lựa chọn cuộc sống của người mẹ đơn chiếc (single mum) được xã hội và luật pháp công nhận, và trợ giúp đặc biệt.
Quan niệm tam tùng, cũng như tứ đức của người phụ nữ trong đầu thế kỷ 21, quả đã thay đổi lớn lao, so với thập niên 30 (năm 1933, quyển sách “Nữ Trung Tùng Phận” do bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ viết ra, gồm 1401 câu thơ song thất lục bát)
Tứ đức:
Tứ đức là bốn đức tốt của người phụ nữ. Tứ đức gồm: công, dung, ngôn, hạnh.
Công: Công là chăm sóc việc nhà cho sạch sẽ, trật tự, vén khéo; thêu thùa may vá, nấu nướng món ăn, nuôi dạy con cái.
Trong “Nữ Trung Tùng Phận”, bà Đoàn Thị Điểm dạy về Công:
Gặp cơn rảnh nhà lan vắng khách,
Công chỉ kim, đèn sách học hay.
Trăm nghề dầu chẳng đủ tài,
Dệt văn Tô Huệ, gỡ đày chinh phu.
Trong phần Công, bà Đoàn Thị Điểm còn dạy phụ nữ nên dành thì giờ lo học tập, trau giồi kiến thức.
Nếu người phụ nữ trong nhà, để cho nhà cửa dơ dáy, đầy rác bẩn, đồ đạc vứt bỏ lung tung, không biết nấu ăn, áo đứt nút không biết cầm kim kết lại, con cái mặt mày lem luốc, quần áo dơ dáy, thử hỏi người ta sẽ đánh giá trị người phụ nữ ấy ra sao?
Dung: Dung là vẻ mặt và dáng dấp bề ngoài. Phụ nữ cần chăm sóc dung nhan cho tươi tắn, tướng đi dịu dàng, cử chỉ từ tốn, đoan trang, thân thể sạch sẽ, quần áo tươm tất, gọn gàng.
Trong “Nữ Trung Tùng Phận”, bà Đoàn Thị Điểm dạy về Dung:
Phàm phận gái đứng hàng khuê các,
Phải trau tria tướng hạc, hình mai.
Chín tầng cửa đóng, then cài,
Ra ngoài nghiêm nghị, trong bày đoan trang.

Ngôn: Ngôn là lời nói phải thành thật, ngay thẳng, dịu dàng, xác đáng, gây được tình cảm tốt đẹp trong mọi người; tránh lời thị phi, đâm thọc, xảo trá, lợi mình hại ngưòi.
Trong “Nữ Trung Tùng Phận”, bà Đoàn Thị Điểm dạy về Ngôn:
Đối với khách đồng bàn, đồng tuổi,
Nhớ cho hay lời nói, giọng cười.
Ngôn từ ngọt dịu, thanh tươi,
Tiếng tiêu khải phụng, phục người mới ngoan.,

Hạnh: Hạnh là tánh nết hiền lành, hòa nhã, hiếu thảo, kính trên, nhường dưới, khoan dung, đoan chính.
Trong “Nữ Trung Tùng Phận”, bà Đoàn Thị Điểm dạy về Hạnh:
Sửa từ nết, ngày thâu tập tánh,
Trăm hạnh hay bởi tránh điều thô.
Xấu xa, rách rưới, lõa lồ,
Đoan nghiêm tánh đức cũng cho gái lành.

Nếu người phụ nữ không giữ tánh nết cho hòa nhã, đoan chánh, để cho buông lung, lăng loàn, hay cãi lẫy, bướng bỉnh, ác độc, ích kỷ, thì người ta sẽ đánh giá trị người phụ nữ ấy thế nào?
Đó là ý nghĩa của Tứ Đức. Nó là tiêu chuẩn để định giá trị của phụ nữ. Như thế, chúng ta nhận thấy ai ai trong giới phụ nữ cũng đều đang có tứ đức, nhưng có điều là ở mức độ nhiều ít, đầy đủ hay thiếu sót, thế thôi.
Tứ Đức là bốn điều hết sức cần thiết, đến độ xem là tự nhiên sẵn có của phụ nữ. Nhờ Tứ Đức mà giá trị của phụ nữ được nâng cao. Không cần phải giàu sang, quyền quí hay là trí thức mới có đủ Tứ Đức, người nghèo khó, dốt nát, quê mùa cũng vẫn có Tứ Đức. Chính Tứ Đức mới định giá trị thực sự của phụ nữ. Giá trị nầy không do phấn son, nước hoa hay quần áo đắt tiền, đúng kiểu thời trang.
Chỉ có hạng phụ nữ bị xã hội chê bỏ mới không có Tứ Đức mà thôi.
Ngoài ra, nữ tín đồ Đạo Cao Đài còn thực hành Tam Tùng, Tứ Đức trong một hình thái cao hơn với thể pháp và bí pháp của Nhơn Đạo và Thiên Đạo.
(Xin xem tiếp tập san Đồng Nai & Cửu Long, Úc Châu, số 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ Xướng Họa :THÁNG NGÀY CÒN LẠI - Vũ Linh Duy Và Các Thi Hửu

                                               Đồng Cỏ-Tranh của Vua Hàm Nghi THÁNG NGÀY CÒN LẠI Ngày tháng thoi đưa cứ tiếp liên, Sống vui,...