Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Tinh thần Tam Giáo Đạo Cao Đài trong bối cảnh toàn cầu hóa (tiếp)

Tam Tùng và Tứ Đức theo Thể Pháp và Bí Pháp của Nhơn Đạo.
Tam Tùng và Tứ Đức vừa được trình bày bên trên là Thể Pháp của Nhơn Đạo của người phụ nữ. Nếu người phụ nữ nào làm tròn đưọc Thể Pháp nầy thì được bước vào Thần Vị. Riêng người nữ tín đồ Cao Đài cần tiến lên một nấc thang kế tiếp là Bí Pháp của Nhơn Đạo.
Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ, dạy như sau:
“Tam Tùng, Tứ Đức về phần Nữ Phái:
  1. Tùng Phụ: Như người con gái phải giữ trọn tiết trinh, cũng như kẻ tín đồ phải giữ tròn danh Đạo.
  2. Tùng Phu: Như bóng với hình, tức nhiên phải ví mình như một trong Thánh Thể, tùng Hội Thánh vậy.
  3. Tùng Tử: là phải vì đám hậu sanh mà quên mình, đặng tạo nên sự nghiệp, tương lai cho chúng, tức nhiên là bổn phận của Chức Sắc vậy.
Công, Dung, Ngôn, Hạnh: tức là việc làm cho nhơn sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo hóa, hành vi, cử chỉ để treo gương mặt thế, tức là phải biết nâng cao giá trị của Thánh Thể Đức Chí Tôn, nết na, đầm thấm, giữ trọn thương yêu, tức nhiên là làm nền móng cho Đại Đồng Thế Giới.
Người nữ tín đồ Cao Đài thực hành trọn vẹn Thể Pháp và Bí Pháp của Nhơn đạo thì đắc Thánh, bước vào Thánh Vị.

Tam Tùng và Tứ Đức theo Thiên Đạo.
Khi đã làm tròn được Tam Tùng và Tứ Đức ở Thể Pháp và Bí Pháp của Nhơn Đạo, người nữ tín đồ Cao Đài cần tiến lên một nấc thang cuối nữa, cho Tam Tùng và Tứ Đức thăng hoa lên đến tột bực để bước vào Thiên Đạo, thì mới được giải thoát khỏi vòng luân hồi.
Tùng Phụ: Tùng Cha. Cha đây là Đấng Cha Trời, là Đại Từ Phụ. Phải tuân theo lời dạy của Đấng Cha Trời, siêng năng tu tiến thì linh hồn mới trổi bước lên phẩm vị cao sang:


Mệnh Thiên giữ vững tay cầm,
Đoạt phương tự diệt, giải phần hữu sanh.

Tùng Phu:


Ngũ Khí thanh diệt trừ quả kiếp,
Linh quang đầy đặng tiếp hồng ân.
Xác tại thế đã nên Thần,
Ba mươi sáu cõi, đặng gần Linh Thiên.

Tùng Tử: Sau khi đắc đạo rồi, còn phải trở lại dìu dắt những đứa con đang dại khờ, chìm đắm trong vòng vật dục, để chúng sớm giác ngộ, mà quay trở lại con đường Đạo:

Hiệp Tạo Hóa cầm quyền chuyển thế,
Dạy vạn linh dụng thế từ bi.
Sanh ấy ký, tử là qui,
Diệu huyền cơ tạo chẳng gì gọi hơn.

Công: Từ chỗ chăm làm việc nhà, phát triển lên làm việc cho xã hội, truyền bá kinh sách, giáo hóa người đời, phụng sự nhơn sanh, để tạo công đức, tu hành mau tinh tấn:

Ham phương cứu thế độ nhơn,
Giải mê khách tục, cõi trần lánh xa.

Dung: Tiến lên bồi đắp sắc đẹp tinh thần, thể hiện bằng tình thương bao la, cứu giúp chúng sanh thoát khổ:

Lấy bác ái làm hòa vạn vật,
Đem thiện duyên xây nấc thang hồng.
Đoạn căn, đóng chặt Âm cung,
Tòa sen chín phẩm để cùng Phật tâm.

Ngôn: Từ chỗ nói năng đoan chính, đem lại hòa ái cho mọi người, tiến lên nói điều đạo đức, thuyết minh giáo lý, khai mở tâm tánh cho nhơn sanh thức tỉnh, học đạo, tu hành:

Gót nhân ái đến nhà kẻ bịnh,
Giọng từ bi thức tỉnh hung tâm.
Giữa cơn náo loạn trổi cầm,
Lấy hơi hòa nhã, dẹp lần bỉ thô.

Hạnh: Từ đức tánh hiền hòa, khiêm tốn, tiến lên đến mức khiêm tốn tối đa để chinh phục người đời, phổ độ người đời vào đường đạo đức, lập hạnh từ bi, cứu vớt chúng sanh đồng thoát khổ:

Lấy tâm chánh làm cân đong thế, Cậy lòng lành làm kế dìu đời.
Chông gai, vạch bước thảnh thơi,
Cầm phương cứu khổ, độ người trầm luân.”

Tóm lại, Tứ Đức và Tam Tùng trong Thiên Đạo chỉ là sự thăng hoa đến mức cao tột của Tứ Đức và Tam Tùng trong Nhơn Đạo của người phụ nữ Đạo Cao Đài.” (Nữ Trung Tùng Phận, trang 56-58)
Quan niệm về Tam Cang, Ngũ Thường và Tam Tùng, Tứ Đức trong Nho Giáo đã thay đổi một cách lớn lao trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đời sống của người tín đồ Đạo Cao Đài trong một xã hội biến đổi nhanh chóng, để đáp ứng với sự giao thương quốc tế mà nền kinh tế toàn cầu theo nguyên tắc tự do mậu dịch và tự do cạnh tranh để đạt lợi nhuận tối đa, khiến nền tảng luân lý và tôn giáo cổ truyền không còn thích hợp cho đời sống hiện tại. Văn minh hiện tại lấy lợi nhuận và vật chất làm trọng điểm. Trong bối cảnh xã hội như vậy, Lão Giáo cũng bị ảnh hưởng và thay đổi không ít.
Lão Giáo (Tiên Giáo).
Lão giáo do giáo chủ là Đức Lão Tử sáng lập, mà nền tảng chính được ông giải bày trong quyển Đạo Đức Kinh. “Kế nghiệp Đức Lão Tổ có Văn Tử, Thi Tử, Trang Tử, Liệt Tử. Nhứt là Trang Tử là người đặc sắc hơn hết, viết ra bộ Nam hoa Kinh, làm sáng tỏ Đạo Giáo thêm lên. Thành ra học thuyết Lão Giáo nằm trong hai bộ kinh Đạo Đức và Nam Hoa. (Giáo lý, trang 200)
Chương đầu của quyển Đạo Đức Kinh vô cùng quan trọng. Chỉ trong mấy hàng chữ, ta thấy rõ hai phần chính của cả một nền triết học: đối tượng và phương pháp: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu. Thử lưỡng dả đồng xuất nhi dị danh đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền chúng diệu chi môn.”(Lão Tử Đạo Đức Kinh, Hạo Nhiên Nghiêm Toản, trang 2-3)
Đạo là cái vô danh có trước Trời Đất. (Giáo lý, trang 201). Đạo sanh hóa vạn vật, nhưng làm cho vạn vật nên hình vóc và sống an vui trong vũ trụ thì lại là Đức (Đạo sanh chi, Đức súc chi) (Giáo lý, trang 203). Vả lại, Đạo Đức nơi người là Âm Dương và Thái Hòa. Đạo ấy cũng như sự sống lẫn lộn trong nhục thân. Chúng ta chẳng hề trông thấy, chẳng hề lóng nghe, chẳng hề rờ đụng. Thế nên muốn hàm dưỡng nó thì phải dùng pháp môn “Vô Vi” (Giáo lý, trang 205).
Trong Lão Giáo, dưỡng sanh là một pháp môn trọng yếu, cũng như pháp môn tu học tâm linh. “Pháp dưỡng sanh cần nhứt là phải làm sao cho thân ta sanh sống với một cách điều hòa và nhập vào lẽ thiên nhiên, tức sống lâu với một tinh thần không loạn động, một nhục thể không đau ốm. (Giáo lý, trang 212). Lão Tử còn khuyên, mỗi người tùy theo thể chất khác nhau mà chọn phương thức tu hành riêng, cũng như luyện đơn, để cầu sự trường sanh cửu thị: “Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ”.
“Tóm lại, Đạo là cái vô danh, vô hình, vô sắc, vô thinh, dường như có, dường như không. Ấy là lẽ huyền nhiệm định vị Tạo Đoan, định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật.
Theo Đạo Cao Đài, Đạo ấy chính là Hư Vô Chi Khí, hóa sanh ra Đức Chí Tôn, và Đức Chí Tôn dùng khí ấy, biến thành hai khí Âm Duong, hóa sanh ra Càn khôn Vũ Trụ và Vạn Vật. Do đó, từ ngữ Đạo Giáo được định nghĩa là: Đạo Giáo là tôn giáo dạy về Đạo, tức là dạy người ta biết cái nguyên lý của Đạo và sự biến hóa của Đạo. Cứu cánhcủa Đạo Giáo là dạy và luyện tâm tánh con người để trở thành một vị Tiên. (Giải nghĩa kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, trang 120).
Đạo Giáo còn quan tâm đến việc luyện đơn, để cho con người được “trường sanh bất tử” “Đơn tích vi mang”. Luyện đơn, hay luyện kim đơn trong Đạo Giáo chỉ “việc luyện đạo, luyện cho Tam Bửu: Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt, đắc đạo” (Giải nghĩa kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, trang 138).
Do đó, đề cập đến Đạo Giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, có mấy ý sẽ được thảo luận: Vấn đề dưỡng sanh, và sống khỏe mạnh theo y học tây phương, xử dụng dược phẩm:
Dưỡng sanh là cách sanh hoạt thuận hòa theo lẽ thiên nhiên để sống khỏe mạnh, không đau yếu. Quan niệm của y lý đông phương cho rằng, khi một người bị bệnh, tức cơ thể bất quân bình, âm dương xáo trộn, do tâm linh loạn động, hoặc môi trường sống ô nhiểm. Sự ô nhiểm có thể liên quan đến không khí, nước uống, thực phẩm… Thực tế, rất khó kiểm soát và tránh được sự ô nhiểm của môi trường sống. Thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày do người khác sản xuất. Trong quá trình sản xuất, thực phẩm được chế biến và có chứa những hóa chất, như thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ, hóa chất chống hư thúi và bảo quản… (additive, preservative). Muốn giữ sức khỏe tốt theo phương pháp dưỡng sanh, nhiều người đề nghị chúng ta nên quay về sống gần gủi với thiên nhiên trong môi trường không ô nhiểm, ăn thịt cá còn tươi (không để đông lạnh), rau, trái, quả trồng theo phương pháp cổ truyền, không xử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật. Chúng ta trở về nguồn, quay về xử dụng phân bón hữu cơ (organic fertiliser). Một cách lý tưởng nhứt là chúng ta có mảnh vườn sau nhà, trồng rau, trái, quả tùy theo mùa đủ dùng cho gia đình, giới hạn việc tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đông lạnh và thức ăn bán ở các tiệm “fast food”.
Vài vấn đề y học cần thảo luận, như thuốc ngừa và phá thai, thụ thai trong ống nghiệm, sanh sản vô tính, ung thư và sự liên hệ đến hóa chất xử dụng trong nông nghiệp. Trong giới hạn bài viết nầy, tôi chỉ xin đề cập ngắn gọn các vấn đề trên.
  1. Thuốc phá thai: Nhiều quốc gia muốn kiểm soát dân số, nên khuyến khích “kế hoạch hóa” gia đình bằng cách ngừa thai. Mỗi gia đình giới hạn 1 hoặc 2 con, nên phụ nữ được khuyến khích xử dụng thuốc ngừa thai. Nếu đã lỡ mang thai thì xử dụng thuốc phá thai. Trong ngũ giới cấm, điều thứ nhứt là cấm sát sanh, hại vật. Dù giết một sanh mạng từ giai đoạn bào thai cũng là phạm tội ác. Tín đồ Cao Đài nên xử dụng phương pháp nhơn đạo để bảo tồn bào thai. Trong quan hệ vợ chồng, nên tiết giảm dục tình, và cũng để giữ gìn thân thể cường tráng, lành mạnh. Khi xử dụng thuốc ngừa hoặc phá thai, phản ứng phụ của thuốc làm thay đổi, xáo trộn các hormones của người phụ nữ, làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, đến lúc tuổi già, hậu quả của sự xáo trộn hormones nầy là cơ hội cao cho các bệnh ung thư ngực, ung thư tử cung… của người phụ nữ.
  2. Thụ thai trong ống nghiệm: Trong quá trình bảo quản tinh trùng và trứng, chất nitrogen lỏng mà nhiệt độ rất thấp -2000C được xử dụng để giữ tinh trùng và trứng trước khi cho thụ thai trong ống nghiệm. Các đứa trẻ được sanh ra do phương pháp nầy chưa có thống kê và quan sát tâm tánh và hạnh kiểm của chúng. Tuy nhiên, chúng tôi đã quan sát một số gà con được sanh ra từ lồng ấp nhân tạo tại các trại chăn nuôi gà tại Sydney, tiểu bang NSW, Úc Châu thì ghi nhận là các chú gà con nầy rất hiếu chiến và hung dữ, thường xuyên giành ăn, cắn mổ lẫn nhau dữ dội. Chúng không giống các chú gà con hiền lành, ngoan ngoản mà ngày xưa má tôi nuôi ở sau hè nhà. Ngày xưa, ở một vùng quê mùa tại ấp Trường Đua, xã Hiệp Ninh, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, má tôi có nuôi nhiều gà mái đẻ. Mỗi chị gà mẹ dẫn 5 – 7 chú gà con đi quanh quẩn trong vườn sau nhà, tìm côn trùng, mối, dế… kiếm ăn yên bình. Mỗi khi có diều, ó đe dọa, chị gà mẹ đến che chở, bảo vệ các chú gà con. Đàn gà của má tôi sống rất hòa bình và dễ thương như thế đó! Còn xã hội thời toàn cầu hóa ngày nay thì sao? Báo “Người Việt online”, số thứ tư 21/06/06 loan tin: Bác sĩ Jacques De Mouzon, thuộc Ủy Ban Quốc Tế Theo Dõi Kỹ Thuật Sanh Sản có hổ trợ (ICMART) cho biết, có hơn 3 triệu trẻ em đã ra đời nhờ việc điều trị về hiếm muộn. Tuy nhiên, báo cáo không thấy nói đến tâm tánh và hạnh kiểm, cũng như nhơn tính của hơn 3 triệu trẻ em nầy. Chúng ta hãy tưởng tượng một tinh trùng hoặc trứng được ngâm trong chất nitrogen lõng, ở nhiệt độ -2000C, có enzymes , hoặc hormones nào bị tiêu hủy, làm xáo trộn về mặt tâm, sanh lý của con người được sanh ra từ các tinh trùng hoặc trứng đó hay không? Trên thế giới, tôi chưa được biết có chương trình nghiên cứu khoa học nào để theo dõi, quan sát cuộc đời của các trẻ em được sanh ra từ phương pháp thụ thai trong ống nghiệm. Hiện nay, xã hội càng có nhiều bạo động khốc liệt. Chúng ta tự hỏi, không biết đây có phải là hậu quả của sự hiện diện của nhiều con người mà tâm, sanh lý bất bình thường và nhơn tánh thay đổi, vô Đạo Đức hay không?
  3. Sanh sản vô tính: Nghiên cứu khoa học trong lãnh vực sanh sản vô tính đã thành công trong việc cho ra đời các con thú mà không do sự giao hợp của con cái và con đực. Đó là: “con cừu Dolly bên Tô Cách Lan (Scotland) vào năm 1996, con bò Marguerite bên Pháp năm 1998, con mèo Copy Carbon ở Texas năm 2002, con chó Snuppy bên Nam hàn năm 2005. Gần đây, Giáo phái Rael tuyên bố đã làm thành công cloning trên con người… (Sinh con theo “đơn đặt hàng”, Bác sĩ Vũ Đình Hào). Nếu sanh sản vô tính cũng thành công trên con người thì việc nầy sẽ đặt luân lý và luật pháp hiện nay vào tình trạng nan giải, thí dụ như giải quyết nhân thân trong luật gia đình.
  4. Ung thư và ảnh hưởng của hoá chất xử dụng trong nông nghiệp: Đây là một đề tài gây rất nhiều tranh cải, nhưng chưa có kết luận thỏa đáng, rõ ràng. Xin chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ.
Tóm lại, nền tảng của Đạo Giáo dạy tín đồ Cao Đài năng luyện tâm tánh để bão dưỡng và hiệp nhất “Tinh, Khí, Thần”, để mong trường sanh bất tử. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với các khám phá mới trong lãnh vực nông nghiệp (thí dụ thay đổi tính di truyền), và kỹ nghệ chế biến thực phẩm, dù ăn chay hay ăn mặn, người tín đồ Cao Đài nên sáng suốt lựa chọn cuộc sống thuận hòa theo thiên nhiên, sống theo lẽ tự nhiên của trời đất, trong một môi trường tinh khiết, thanh sạch, không ô nhiểm thì mới mong đạt tuổi thọ, hưởng lạc thú của tuổi già không đau yếu, bệnh tật. Lão Giáo dạy người tín đồ Cao Đài cách luyện đạo, tu chơn, dưỡng tánh:
“Phép Tiên đạo, tu chơn dưõng tánh”, còn Phật Giáo thì “Từ bi Phật dặn: lòng thành, lòng nhơn…”. vậy nền tảng của Phật Giáo trong giáo lý Đạo Cao Đài ra sao?

Phật Giáo (Thích Giáo).
“Phật Giáo có những nguyên tắc luân lý tốt đẹp, thích hợp cho người sơ cơ trên đường đạo pháp, cũng như người đã tiến triển khá xa. Đó là:
  • Năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không dùng chất say.
  • Bốn trạng thái cao thuọng: Từ, Bi, Hỹ, Xả.
  • Mười phẩm hạnh siêu thế: Bố Thí, Trì Giới, Xuất Gia, Trí Tuệ, Tinh Tấn, Nhẫn Nại, Chơn Thật, Quyết Định, Tâm Từ và Tâm Xả.
  • Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. (Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, trang 21)
“Tình thương vô lượng vô biên của Đức Phật không chỉ hướng về nhân loại, mà còn bao trùm cả loài thú. Chính Đức Phật đã đánh đổ nghi thức giết thú để tế lễ thần linh và khuyên hàng đệ tử nên nới rộng tình thương đến tất cả chúng sanh, chí đến những con vật nhỏ bé đang bò dưới chân. Ngài dạy rằng: Không có người nào có quyền tiêu diệt sự sống của kẻ khác, bởi vì ai cũng quí trọng đời sống. Các vị tỳ khưu phải rèn luyện tâm từ đến mức độ không được đào đất và cũng không được sai bảo hay nhờ cậy người khác đào đất. Giới luật dạy như vậy. Các ngài cũng không thể uống nước chưa lọc.
Nhà vua Phật Giáo vĩ đại nhứt, đức vua A Dục có cho khắc trong đá hàng chữ sau đây: “Không nên lấy sự sống nuôi sự sống. Cho đến rơm rạ, nếu còn côn trùng trong ấy, cũng không nên đốt”.
Một người Phật Tử chơn chánh phải hành tâm từ đối với mọi chúng sanh và tự đồng nhứt hóa với tất cả, không nên có bất luận sự phân biệt nào. Tâm từ, một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong Phật Giáo, cố gắng phá vở mọi trở ngại đẳng cấp, xã hội, chủng tộc hay tín ngưỡng đã gây nên mối chia rẽ giữa người và người. Nếu chỉ vì nhản hiệu tôn giáo khác nhau, mà những người không cùng theo một hệ thống tín ngưỡng không thể hợp nhau lại trên một lập trường chung, trong tinh thần huynh đệ như anh chị em một nhà, thì hẳn các vị giáo chủ đã thất bại thảm thê trong sứ mạng cao cả của các ngài.
Trong bản tuyên ngôn của ngài về lượng khoan hồng, căn cứ trên hai bài kinh Culla Vyuha, và Maha Vyuha, Đức vua A Dục viết: “Chỉ có đoàn kết là tốt đẹp, như vậy có nghĩa là tất cả mọi người đều vui lòng lắng tai nghe giáo lý của người khác truyền dạy”. Trong tất cả giáo lý của Đức Phật, không có điểm nào dành riêng cho một quốc gia hay một dân tộc đặc biệt. Ngài kêu gọi tất cả mọi người.
Đối với người Phật Tử thuần thành, không có ngưòi thân kẻ sơ, người thù nghịch hay kẻ xa lạ, không có người bị xã hội ruồng bỏ, bởi vì tâm từ là một tình thương bao quát, đại đồng, do sự hiểu biết ung đúc luyện rèn. Tâm từ củng cố tình huynh đệ giữa tất cả mọi chúng sanh. Người Phật Tử chơn chánh là một công dân thế giới. (Đức Phật và Phật Pháp, trang 283-285)
Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng (Giáo lý, trang 222) thuyết pháp tại Thiền Lâm Tự (chùa Gò Kén), Tây Ninh, nhơn vía Phật Đản ngày 14 tháng 4 năm Giáp thìn (25/5/1964 dl) nói về ý nghĩa của Tứ Diệu Đế. Phật nói Tứ Diệu Đế là: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.

  • Khổ Đế: Chúng sanh trong vòng sanh tử thì khổ triền miên, nhưng tóm lại mà nói thì có bát khổ: sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ, cái gì không ứa mà phải hợp là khổ, cái gì ứa mà phải lìa xa là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ, cái gì không muốn mà phải gần gủi là khổ. Nói tóm lại, chúng sanh sống triền miên trong ngũ trược là khổ.
  • Tập Đế: Nguyên nhơm của sự khổ là tham sống, tham sướng, tham giàu, vì tham mà phải luân hồi. Tại sao? bởi vì trong lúc tham sống cho nhục thân, ngược lại, nhục thân bị chết thì cái lòng tham sống ấy giục thúc người ta phải lo tạo một nhục thân khác, để sống cho vừa lòng tham. Thế nên nói rằng: Tham sống là một hột giống sanh kiếp luân hồi. Hoặc nói rằng, có tham thì có sân, có sân thì có si. Tham, sân, si cũng là nguyên nhơn kiếp luân hồi.
  • Diệt Đế: Muốn hết khổ thì phải tiệt diệt tất cả lòng tham dục, khiến cho Tâm thanh tịnh, vô vi thì tự nhiên thấy Phật tánh.
  • Đạo Đế: Đạo diệt khổ, tức Bát Chánh Đạo.
    1. Chánh Kiến: Trông thấy ngay thẳng.
    2. Chánh Tư Duy: Suy nghĩ ngay thẳng.
    3. Chánh Ngữ: Nói năng ngay thẳng.
    4. Chánh Nghiệp: Làm việc ngay thẳng.
    5. Chánh Mạng: Mưu sanh ngay thẳng.
    6. Chánh Tinh Tấn: Mong tiến ngay thẳng.
    7. Chánh Niệm: Tưởng nhớ ngay thẳng.
    8. Chánh Định: Ngẩm nghĩ ngay thẳng.
Trong Bát Chánh Đạo có hai pháp môn quan trọng hơn hết là: Chánh Kiến và Chánh Định. Chánh Kiến nghĩa là trông thấy ngay thẳng, tức tri kiến Phật. Mà muốn được tri kiến Phật, phải thực hành Chánh Định cho đến viên mãn. Vả lại, sự vật ở đời không có thực thể. Chúng nó do nhơn duyên hiệp mà sanh, mãi cho đến khi nhơn duyên tan thì tử. Sách Phật gọi đó là ảo hóa, và đó cũng là yếu lý: Vô thường, vô ngã của nhà Phật.
Bịnh của chúng sanh là: luân hồi, sanh tử, mà nguyên nhơn sanh kiếp luân hồi là thập nhị nhơn duyên, kể ra như sau: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử (Giáo lý, trang 225).
Trên con đường hành đạo, các quốc gia miền Bắc, như Trung Quốc, Nhựt Bổn, Đại Hàn, Bắc Việt Nam theo Bắc Tông (Đại Thừa), các quốc gia miền Nam, như Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Nam Việt Nam theo Nam Tông (Tiểu Thừa). Tại Việt Nam, trước 1975, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt gồm nhiều thành phần đã hợp lại thành một cơ cấu thống nhứt. Phật Giáo thế giới cũng nhận thấy nhu cầu thống nhứt để hành đạo, phổ độ chúng sanh. Vừa qua, năm 2006, Hội Nghị Phật Giáo tại thủ đô Thái Lan, Băng Cốc, cũng nhằm mục đích thảo luận và đồng thuận những điều mà các quốc gia Phật Giáo hằng quan tâm chung.
Tóm lại, Tam Giáo đều dạy Vô Vi Pháp để giải thoát khỏi cái thân ô trược, hẹp hòi. Đó là chỗ Tam Giáo đồng nhứt lý. Cổ nhơn nói rằng: “Đồng nhứt trong cái sai biệt” (Giáo lý, Trương Văn Tràng, trang 227). Đạo Phật có năm giới cấm. Đạo Cao Đài cũng tuân theo giới luật nầy. Trong Tân Luật, chương IV, điều 21 định rằng: “Hể nhập môn rồi, phải trau giồi tánh hạnh, cần giữ ngũ giới cấm là:
  1. Nhứt bất sát sanh, là chẳng nên sát sanh, hại vật
  2. Nhì bất du đạo, là cấm trộm cướp, lấy ngang, lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh lòng tham của quấy để ý hại cho người, mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận.
  3. Tam bất tà dâm, là cấm lấy vợ người, thả theo đàng điếm, xúi dục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt (vợ chồng không gọi tà dâm).
  4. Tứ bất tửu nhục, là cấm say mê tửu nhục, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị.
  5. Ngũ bất vọng ngữ, là cấm xão trá láo xược, gạt gẩm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng, thô tục, chưởi rủa người, huỷ báng tôn giáo, nói ra không giữ lời. (Tân Luật, trang 246)
Ngoài ra, để giúp cho tín đồ Cao Đài tu học, trau giồi đức hạnh, Tân luật có Tứ Đại Điều Quy, nơi chương V, điều 22: “Buộc phải trau giồi đức hạnh, giữ theo Tứ Đại Điều Quy là:
  1. Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.
  2. Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.
  3. Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ. Trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.
  4. Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau. Đừng thấy đồng đạo tranh đua, ngồi mà xem, không để lời hòa giải. Đừng lấy chung làm riêng. Đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân. Đừng lấy ý riêng mà trái trên, dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.”
Người tín đồ Cao Đài trong lúc cúng tứ thời, sau khi tụng các bài kinh: Niệm Hương, Khai Kinh, Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế, Kinh Thích Giáo, Kinh Tiên Giáo, Kinh Nho Giáo và các bài Kinh Dâng Hoa, Dâng Rượu, Dâng Trà thì chấm dứt thời cúng với Ngũ Nguyện như sau: “Nam Mô Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai, Nhì nguyện Phổ Độ chúng sanh, Tam nguyện Xá Tội đệ tử, Tứ nguyện Thiên Hạ thái bình, Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh”.
Tóm lại, trong mỗi thời cúng, người tín đồ Cao Đài đều tụng Kinh Tam Giáo, thấm nhuần giáo lý cao siêu, thâm diệu của Tam Giáo, và lòng luôn ước nguyện sống cuộc đời đạo hạnh, hoà hợp với nhơn sanh, thương yêu đồng loại, luôn luôn cứu giúp nhơn sanh trong cơn hoạn nạn, ban vui, cứu khổ, để đạt được Niết Bàn tại thế. Dù hiện tại, với sự ảnh hưởng rộng lớn và nhanh chóng của hiện tượng toàn cầu hóa, đời sống vật chất thay đổi so với vài thập niên trước, tuy nhiên, nền tảng căn bản của tinh thần Tam Giáo vẫn luôn là ngọn đuốc hướng dẫn người tín đồ Cao Đài vươn lên một cuộc sống để đạt được Tâm thanh tịnh, an vui. Ngày trở về cùng Thầy (Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế), Mẹ (Đức Diêu Trì Kim Mẫu) và các Đấng Thiêng Liêng Trọn Lành sẽ là ngày được trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Đính chánh:

Người viết chân thành xin lỗi độc giả và xin đính chánh: Tam cang gồm “quân thần cang”, “phụ tử cang” và “phu thê cang”, không phải là quân, sư, phụ. Xin thay phần “Nho Giáo, các trang 87, 88, 89, 91 của tập san Đồng Nai & Cửu Long, số 1 bằng đoạn dưới đây. Xin cám ơn.

Nho Giáo:
Đối với nam giới, sự giáo huấn căn bản của Nho Giáo là: Tam cang gồm: quân thần cang, phụ tử cang và phu thê cang. Ngũ thường là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trong lịch sữ, Nho Giáo đã hai lần bị chính người Trung Hoa tìm cách xóa bỏ: Tần Thỉ Hoàng đã “đốt sách, chôn sống kẻ sĩ” và Mao Trạch Đông, qua phong trào “cách mạng văn hóa” đã tìm cách loại tư tưởng Khổng Giáo ra khỏi chế độ Cộng sản. Tuy việc loại bỏ tư tưởng Khổng Giáo không thành công, nhưng nó cũng có ảnh hưỏng và làm thay đổi ít nhiều nếp suy tư của Nho gia.

Quân thần cang:
“Quân thần cang” định giềng mối giữa vua và tôi. Ngày nay, giềng mối của “quân thần cang ” không còn cứng rắn và khắt khe như ngày xưa: “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”, hoặc “Trung thần bất sự nhị quân”. Chế độ quân chủ chuyên chế đã cáo chung tại Trung quốc và Việt nam. Tuy một vài nước trong vùng Á Châu, như Thái Lan, Nhựt Bổn… vẫn còn vua và hoàng gia, nhưng đã chấp nhận chế độ “quân chủ lập hiến”, vua chỉ giữ vai trò tượng trưng cho quốc gia. Việc điều hành guồng máy chánh phủ do thủ tướng và nội các đảm nhiệm. Ý niệm “trung với vua”, nay biến thành “trung với nước”. Tuy vậy, với sự chuyển dịch di trú của đa số dân chúng trên thế giới, đặc biệt là người Việt Nam tỵ nạn, ý niệm “trung với nước” đặt ra câu hỏi khá tế nhị: Người Việt nam tỵ nạn ở hải ngoại trung với nước nào? Trung với nước Việt Nam theo huyết thống, hay nước nơi mình định cư và thủ đắc quốc tịch? Trường hợp người Việt Nam tỵ nạn làm việc cho một công ty đa quốc, thường xuyên di chuyển nơi cư trú trên nhiều quốc gia, nếu khi hành động đòi hỏi một sự cân nhắc về quyền lợi của một quốc gia, thì sẽ suy nghĩ xem mình trung thành với quốc gia nào? Trung với Việt Nam, là quốc gia của huyết thống, hay trung với quốc gia mình có quốc tịch lúc định cư, hay trung với quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở?
Khi đề cập đến ý niệm “trung”, chúng ta thường liên tưởng đến ý niệm “hiếu” và bổn phận của con cái trong gia đình đối với song thân theo giềng mối của “phụ tử cang”.

Phụ tử cang
“Phụ tử cang” định giềng mối giữa con cái và hai đấng sanh thành. “Vi nhơn phụ chỉ ư từ, vi nhơn tử chỉ ư hiếu”. “Làm cha phải lành, làm con phải thảo. Chữ TỪ (lành) chỉ về nghĩa vụ làm cha mẹ phải nuôi con cho nên vai, nên vóc, dạy con cho nên người hữu dụng… Thảo là Đạo làm con, chẳng những không ai được khước từ, mà ai cũng phải coi đó là bổn phận chánh của mình. “Nhơn sanh bá hạnh, hiếu vi tiên”(Giáo lý, trang 118).
Cụ Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên đã khẳng định:


“Trai thời trung, hiếu làm đầu”.

Kinh Đạo Cao Đài cũng xác định:


“Khai nhơn tâm tất bổn, ư đốc thân chi hiếu,
Thọ quốc mạch tất tiên, ư trí chúa chi trung…”
(Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, trang 30).

“Sự khai mở cái tâm của con người, gốc ở tại hiếu thảo với cha mẹ. Sự lâu dài của quốc gia ở tại hết lòng trung thành với nước. Đạo của Đức Khổng Tử chủ trương lấy việc khai mở cái Tâm của con người làm gốc, bởi vì cái Tâm do trời ban cho, vốn lành và sáng suốt, thường khiến cho con người làm điều hay, sự phải, giục con người mến đạo đức, chuộng tinh thần, biết thuận tùng Thiên Lý.
Muốn khai mở cái Tâm, Đức Khổng Tử lấy sự hiếu thảo làm căn bản, bởi vì trong trăm hạnh thì hiếu đứng đầu. Người bất hiếu là vì để cái Tâm bị lục dục, thất tình che lấp, trở nên mờ ám. Đây là điểm đồng nhứt và cũng là căn bản của Tam Giáo: Nho, Thích, Lão.

Tam Giáo đều dạy lấy Tâm làm gốc:
Nho giáo dạy: tồn tâm dưỡng tánh
Lão Giáo dạy: Tu tâm luyện tánh
Thích Giáo dạy: Minh tâm kiến tánh.

Trong Đạo Cao Đài, Đức Phật Mẫu giáng cơ dạy chữ Tâm như sau:
Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm
Tâm thành ắt đạt đường tu vững
Tâm chánh mới mong mối đạo cầm
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm
Đường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn
Có buổi hoài công bước đạo tầm…
(Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, trang 165-167).
Ngày xưa, vai trò của cha mẹ trong gia đình luôn luôn là người giữ quyền quyết định, kể cả những quyết định rất quan trọng cho con cái, như dựng vợ, gả chồng hay chọn lựa nghề nghiệp cho con. Trong xã hội đa dạng và dân chủ hiện nay, vai trò của cha mẹ đã giảm. Cha mẹ chỉ là người giúp ý kiến cho con cái để tự chúng quyết định. Ngay cả việc hôn nhơn của con cái, cha mẹ cũng chỉ là người cố vấn, nếu may mắn được con cái hỏi ý kiến. Trong nhiều trường hợp, con cái tự mình quyết định chuyện hôn nhơn, hay nghề nghiệp của mình.
Cách biểu lộ lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ trong bối cảnh hiện nay cũng thay đổi so với thời trước. Hẳn nhiên, cách biểu lộ lòng hiếu thảo của “Nhị thập tứ hiếu”, thí dụ như thầy Tử Lộ đội gạo nuôi đấng sanh thành… ngày nay không thể thực hiện được. Dù con cái muốn tỏ lòng hiếu hạnh, nhưng không thể nào bỏ công ăn, việc làm để ngày đêm hầu hạ cha mẹ lúc ốm đau, để “quạt nồng, ấp lạnh” được. Cha mẹ chỉ còn con đường vào trú ngụ trong “nursing home” để được săn sóc, chăm lo một cách đàng hoàng trong lúc tuổi già, bóng xế. Vả lại, tại hải ngoại, tuy cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng bậc làm cha mẹ vẫn thấy nhung nhớ tình cảm láng giềng, nhớ dĩ vãng, nên thường cảm thấy cô đơn trong “nursing home”, hoặc trong căn nhà khang trang của con cái giữa một vùng toàn là người xa lạ, ngôn ngữ bất đồng. Tuy vậy, bậc làm cha mẹ cũng nên xét lại, có sự suy nghĩ và thái độ cởi mở, thích hợp với xã hội hiện nay, đừng ước mong sự chăm lo, hầu hạ của con cái với khuôn phép, lễ nghi như ngày xưa ở quê nhà được. Cha mẹ có thay đổi thái độ như thế để thích nghi với đời sống hiện tại thì đại gia đình mới sống an vui, hạnh phúc. Hoàn cảnh sống tại hải ngoại đã thay đổi rất lớn so với thời còn ở quê nhà, nên sự thể hiện lòng hiếu thảo của con cái bây giờ chỉ là tượng trưng qua vài món quà, hay thăm viếng trong các ngày “mother day, father day” mà thôi.
Giềng mối của quan hệ giữa con cái và đấng sanh thành trong gia đình Việt Nam hiện nay đã thay đổi lớn lao, đồng thời, sự cư xử giữa vợ chồng theo “phu thê cang” cũng biến đổi không kém.

Phu thê cang
“Phu thê cang ” định giềng mối giữa vợ chồng, làm thế nào để duy trì được hạnh phúc trong mái ấm gia đình, chồng hòa, vợ thuận.
“Trai lớn lên thì có vợ, gái lớn lên thì có chồng… cái định luật ấy, từ xưa đến nay vẫn không thay đổi. Trong đạo vợ chồng có điều tốt nhất là hai người ấy được thuận hòa, ăn ở với nhau từ tóc xanh đến đầu bạc. Mà muốn được vậy, thì mỗi người phải biết bổn phận của mình và phải hành động trong phạm vi ấy… “giáo phụ sơ lai, giáo tử anh hài” Dạy vợ lúc mới về nhà chồng, dạy con lúc con còn thơ ấu. Mà muốn dạy người, trước phải sửa mình đoan trang, ngay chánh… Nên biết rằng, vợ là bạn trăm năm của mình. Đàn bà là người yếu đuối, nương tựa nơi mình, gởi thân cho mình, để cùng nhau lo việc gia thất. Hơn nữa, vợ chồng là người đầu ấp, tay gối với nhau, vui cùng vui, buồn chung lo, nghèo chung chịu, giàu chung hưởng. Lòng có nghĩ như thế thì mới có dạ yêu thương, đùm bọc… Người vợ phải có tinh thần thuận tùng, nghĩa là phải biết dung hòa với chồng, để tạo hạnh phúc gia đình… Phận gái trọng nhứt là trinh tiết. Bởi vậy, người phụ nữ có thân phải giữ lấy thân, mỗi ngày phải làm tăng giá trị của mình thêm cao lên mãi… (Giáo lý, trang 123-124)
Trong bối cảnh gia đình Việt Nam hải ngoại hiện nay, vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội thật là quan trọng. Với việc Việt Nam gia nhập WTO và tham gia APEC, vì nhu cầu phát triển thương nghiệp trên thế giới, có thể phụ nữ Việt Nam có dịp di chuyển nước ngoài thường xuyên hơn, vắng nhà lâu hơn, va chạm với nam giới nhiều hơn, sự cám dổ vật chất cao hơn, nên việc bảo toàn trinh tiết, phẩm hạnh cũng là một điều thách thức khá quan trọng. Tuy thanh niên nam nữ Việt Nam hiện nay có quan niệm phóng khoáng về chữ trinh của người phụ nữ, và không cố chấp để giữ “nam nữ thọ thọ bất thân”, mà trong sanh hoạt thường nhật, họ có sự giao tiếp rất tự nhiên, thân mật, kể cả việc chăn gối trước khi thành hôn. Tuy vậy, khi đã thành gia thất, sự chung thủy giữa vợ chồng luôn luôn là một đức hạnh đáng quý.
Ngoài công việc nội trợ thường nhật, người phụ nữ, với khả năng và học vấn cao, đã giữ địa vị trọng yếu trong xã hội. Người phụ nữ giữ vai trò tương đương với nam giới, có công ăn việc làm vững chắc, ổn định, nên đã cùng với chồng đảm đương gánh nặng về tài chánh trong gia đình. Ý niệm “giáo phụ sơ lai” (dạy vợ lúc mới về nhà chồng) có lẽ không còn thích họp nữa, vì người phụ nữ ngày nay có học vấn cao và kiến thức tổng quát không thua gì nam giới. Cảnh “phu xướng phụ tùy” hoặc “chồng chúa vợ tôi” đã thật sự cáo chung rồi. Thật vậy, giềng mối của “phu thê cang” ngày nay đã hoàn toàn thay đổi so với vài thập kỷ trước.
Tuy nhiên, dù hoàn cảnh sống có làm cho mối quan hệ giữa vợ chồng thay đổi, nhưng điều quan trọng nhất là dù trong hoàn cảnh nào thì “Đạo vợ chồng cần nhứt là thuận hòa, chồng chẳng nên ỷ quyền hiếp đáp vợ, vợ không nên cậy thế hổn ẩu với chồng. Đồng vợ, đồng chồng tát biển đông cũng cạn” (Giáo lý, trang 125)
KINH NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
  1. Đại La Thiên Đế
  2. Thái Cực Thánh Hoàng
  3. Hóa dục quần sanh
  4. Thống ngự vạn vật
  5. Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết
  6. Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh
  7. Nhược thiệt nhược hư
  8. Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa
  9. Thị không thị sắc
  10. Vô vi nhi dịch sử quần linh
  11. Thời thừa lục long du hành bất tức
  12. Khí phân tứ tượng
  13. Oát triền vô biên
  14. Càn kiện cao minh
  15. Vạn loại thiện ác tất kiến
  16. Huyền phạm quảng đại
  17. Nhứt toán họa phước lập phân
  18. Thượng chưởng Tam thập lục thiên Tam thiên thế giới
  19. Hạ ốc Thất thập nhị địa Tứ đại bộ châu
  20. Tiên thiên hậu thiên Tịnh dục Đại Từ Phụ
  21. Kim ngưỡng cổ ngưỡng
  22. Phổ tế tổng pháp tông
  23. Nãi nhật nguyệt tinh thần chi quân
  24. Vi Thánh Thần Tiên Phật chi chủ
  25. Trạm tịch chơn đạo
  26. Khôi mịch tôn nghiêm
  27. Biến hóa vô cùng
  28. Lũ truyền bửu kinh dĩ giác thế
  29. Linh oai mạc trắc
  30. Thường thi thần giáo dĩ lợi sanh
  31. Hồng oai hồng từ
  32. Vô cực vô thượng
  33. Đại Thánh Đại Nguyện Đại Tạo Đại Bi
  34. Huyền Khung Cao Thượng Đế
  35. Ngọc Hoàng tích phúc hựu tội
  36. Đại Thiên Tôn

Vương Văn Ký diễn Nôm theo thể thơ Song Thất Lục Bát:

Trời Đại La Thánh Hoàng Thượng Đế,
Thái Cực ngôi chủ tể càn khôn,
Sanh thành dưỡng dục quần sanh,
Trông nom cai quản thế gian muôn loài.
Huỳnh Kim Khuyết xa xôi diệu vợi,
Bạch Ngọc Kinh hùng vĩ nguy nga,
Thật hư ai thấu cho mà,
Một lời chẳng thốt biến ra muôn trùng.
Lý sắc không vô cùng mầu nhiệm,
Vốn vô vi lại khiển quần linh,
Sáu rồng di chuyển không ngừng,
Lưỡng nghi tứ tượng luôn luôn đổi dời.
Xoay chuyển mãi cùng nơi khắp chốn,
Ðấng Chí tôn cứng rắn cao minh,
Muôn điều thiện ác đều trông,
Lấy làm khuôn phép diệu huyền chung nhau.
Họa phước lập ngay câu tính toán,
Cõi trời cao chưởng quản người hiền,
Ba mươi sáu cấp thiên tiên,
Ba ngàn thế giới bình yên đón mời.
Cõi dưới thấp là nơi tu tập,
Bảy mươi hai đẳng cấp địa cầu,
Nằm trong Tứ Đại Bộ Châu,
Trước sau thanh trược - thầy đều cha chung.
Xưa đến nay thảy cùng ngưỡng mộ,
Gom pháp tông tế độ quần sinh,
Vua thời, nhật, nguyệt, chư tinh,
Chủ nhân Tiên Phật Thánh Thần chúng sanh.
Ðạo sâu dầy chính chơn tịch lặng,
Vốn thanh cao im vắng tôn nghiêm.
Luôn luôn biến hóa vô biên,
Ðộ đời kinh quí lưu truyền thế gian.
Vẻ oai linh ai cam đo thấu,
Khiến chơn linh giáng thế lợi sanh.
Oai to do bởi tình thương,
Cao to đâu thể mười phương sánh bằng.
Đại Thiên Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế,
Huyền Khung Cao Đại Tạo Đại Bi,
Đại Nguyện Đại Thánh nên chi,
Tội người tha thứ, chỉ ghi phúc lành.
KINH TAM GIÁO
I. KINH THÍCH GIÁO:
NHIÊN ÐĂNG CỔ PHẬT CHÍ TÂM QUI MẠNG LỄ
  1. Hổn độn Tôn Sư
  2. Càn Khôn Chủ Tể
  3. Qui Thế giới ư nhứt khí chi trung
  4. Ốc trần huờn ư song thủ chi nội
  5. Huệ đăng bất diệt chiếu tam thâp lục thiên chi quang minh.
  6. Ðạo pháp trường lưu
  7. Khai cửu thập nhị tào chi mê muội
  8. Ðạo cao vô cực
  9. Giáo xiển hư linh
  10. Thổ khí thành hồng, nhi nhứt trụ xang Thiên
  11. Hóa kiếm thành xích, nhi tam phân thác Ðịa
  12. Công tham Thái Cực
  13. Phá nhứt khiếu chi huyền quang, Tánh hiệp vô vi
  14. Thống Tam Tài chi bí chỉ
  15. Ða thi huệ trạch Vô lượng độ nhơn.
  16. Ðại bi, Ðại nguyện, Ðại thánh, Ðại từ.
  17. Tiên Thiên Chánh Ðạo, Nhiên Ðăng Cổ Phật
  18. Vô Vi Xiển Giáo Thiên Tôn.
Hổn Ðộn Tôn Sư từ khởi thế,
Vâng mệnh Trời chủ tể Càn Khôn.
Hư Vô thế giới gom chung,
Hai tay nắm gọn trần huờn vào trong.
Ðèn trí huệ vẫn luôn ngời sáng,
Chiếu ba mươi sáu chốn thiên cung,
Ðạo mầu tuôn chảy soi đường,
Chín mươi hai đám người còn u mê.
Ðạo cao lớn chẳng hề cùng tận,
Giáo dạy rành rõ chốn hư linh,
Hà hơi thành cái cầu vòng,
Dựng nên cột trụ dụng công chống Trời.
Biến kiếm báu thành ba phân thước,
Ðủ đở nâng giềng đất Ðịa Cầu,
Góp công Thái Cực ngõ hầu,
Phá huyền quang khiếu thâm sâu trong người.
Chơn Tánh hiệp Vô Vi một thể,
Dẫn Tam Tài trong ý nhiệm mầu,
Nhiều phen ban bố ơn sâu,
Ðộ người trần thế biết bao cho cùng.
Ðại Bi Ðại Nguyện Ðại Thánh Ðại Từ,
Tiên Thiên Chánh Ðạo Nhiên Ðăng Cổ Phật,
Vô Vi Xiển Giáo Thiên Tôn.

(15 câu Kinh Hán Việt, diễn nôm thành 20 câu thơ Song Thất Lục Bát)
II- KINH TIÊN GIÁO
Thái Thượng Đạo Quân Chí Tâm qui mạng lễ
  1. Tiên Thiên khí hóa Thái Thượng Ðạo Quân
  2. Thánh bất khả tri
  3. Công bất khả nghị
  4. Vô vi cư Thái Cực chi tiền
  5. Hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng
  6. Ðạo cao nhứt khí diệu hóa Tam Thanh.
  7. Ðức hoán hư linh
  8. Pháp siêu quần thánh
  9. Nhị ngoạt thâp ngũ phân tánh giáng sanh
  10. Nhứt thân ức vạn diệu huyền thần biến
  11. Tử khí đông lai Quảng truyền Ðạo Ðức
  12. Lưu sa tây độ, pháp hóa tướng tông
  13. Sản Tất Viên Phương Sóc chi bối
  14. Ðơn tích vi mang
  15. Khai Thiên Ðịa Nhơn Vật chi tiên
  16. Ðạo kinh hạo kiếp
  17. Càn Khôn oát vận
  18. Nhựt nguyệt chi quang
  19. Ðạo pháp bao la
  20. Cửu Hoàng Tỉ Tổ
  21. Ðại thiên thế giới dương tụng từ ân
  22. Vĩnh kiếp quần sanh ngưỡng kỳ huệ đức
  23. Ðại Thần, Ðại Thánh, Chí Cực, Chí Tôn
  24. Tiên Thiên Chánh nhứt,Thái Thượng Ðạo Quân Chưởng Giáo Thiên Tôn
Thuở nguyên sơ đất trời chưa có,
Khí Hư Vô sanh hóa Chí Tôn.
Chính đây là khí Tiên Thiên,
Do đây Thái Thượng Ðạo Quân ra đời.
Sự linh thiêng không ai hiểu nổi,
Công đức to hết lối nghĩ bàn.
Vô Vi huyền bí cư an,
Trước ngôi Thái Cực thênh thang nhiệm mầu.
.
Ðến thời kỳ trước sau phân lập,
Ngài đứng cao trên bậc chư Tiên.
Ðạo cao như khí nhứt nguyên,
Diệu huyền biến hóa ra liền Tam Thanh.
Ðức tỏa sáng Hư Linh một cõi,
Pháp mầu trên tất cả chư Tiên,
Tháng Hai âm lịch ngày rằm
Phân thân -Thái Thượng giáng trần độ sanh.
Từ một thân biến thành ức vạn,
Diệu huyền thay phân tán lạ thường,
Vầng mây sắc tím đông phương ,
Ðem Kinh Ðạo Ðức rộng truyền thế gian.
Nhắm phương tây thuận dòng cát chảy,
Pháp biến thành giáo phái hửu hình
Sản sinh Trang Tử Tất Viên
Rồi Ðông Phương Sóc lưu Thần Dị Kinh.
Luyện Kim Ðơn rõ rành phân tách,
Ðạo ban sơ có trước thú người,
Trải qua lắm kiếp nhiễu đời,
Hòa cùng chung với đất trời chuyển xoay.
Như mặt trăng mặt trời chiếu sáng,
Ðạo pháp luôn tỏ rạng bao la.
Ngài là Thủy tổ là Cha,
Chín Vua tiên khởi sinh ra con người.
Cõi Tam Thiên ai ai cũng ngưỡng,
Ðức Từ Ân Thái Thượng Ðạo Quân.
Ðời đời kiếp kiếp quần sanh,
Luôn luôn tôn kính huệ ân của Ngài.
Ðại Thần, Ðại Thánh, Chí Cực, Chí Tôn,
Tiên Thiên Chánh Nhứt, Thái Thượng Ðạo Quân Chưởng Giáo Thiên Tôn
III- KINH NHO GIÁO
  1. Quế Hương nội điện, Văn Thỉ thượng cung
  2. Cửu thập ngũ hồi, Chưởng thiện quả ư thi thơ chi phố.
  3. Bá thiên vạn hóa, bồi quế thọ ư âm chất chi điền.
  4. Tự lôi trữ bính, linh ư phụng lãnh.
  5. Chí như ý từ, tường ư ngao trụ.
  6. Khai nhơn tâm tất bổn, ư đốc thân chi hiếu.
  7. Thọ quốc mạch tất tiên, ư trí chúa chi trung.
  8. Ứng mộng bảo sanh, thùy từ mẫn khổ.
  9. Ðại Nhơn, Ðại Hiếu, Ðại Thánh, Ðại Từ.
  10. Thần Văn, Thánh Võ, Hiếu Ðức Trung Nhơn.
  11. Vương tân sách phụ .
  12. Nho tông khai hóa.
  13. Văn Tuyên tư lộc, Hoằng Nhơn Ðế Quân.
  14. Trừng Chơn Chánh Quang, Bửu Quang Từ Tế Thiên Tôn.
Cung Văn Thỉ trên tầng cao vút,
Ðiện Quế Hương thơm ngát mùi trầm.
Chín mươi lăm kiếp giáng trần,
Nhân lành nên được ở vườn thơ văn.
Trăm ngàn muôn vạn lần vun gốc,
Cây quế già âm đức phước điền,
Văn thơ chứa sấm vang rền,
Nghe như tiếng phượng linh thiêng nhiệm mầu.
Mỗi ý tưởng là câu từ ái,
Lành như tiên ở núi Cự Ngao.
Dạy người hiếu thảo làm đầu,
Phụng thờ cha mẹ, căn cơ cội nguồn.
Muốn đất nước được luôn trường cửu,
Kẻ làm tôi với chúa phải trung.
Gặp người khổ nạn long đong,
Ngay trong mộng vẫn bảo toàn nhơn sanh.
Ðại Thánh Từ Ðại Nhân Ðại Hiếu,
Thần Văn Thánh Võ Ðức Trung Nhân.
Quân Sư các đấng quân vương,
Ðạo Nho khai hóa bốn phương khắp cùng.
Tước Văn Tuyên Ðế Vương phong tặng,
Lo nhơn dân hưởng đặng lộc trời.
Lòng nhân trải rộng muôn nơi,
Chí Tôn phong thưởng đời đời Ðế Quân.

Trừng Chơn Chánh Quang Bửu Quang Từ Tế Thiên Tôn
Nam Mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn

Tài liệu tham khảo:
  1. Đạo Sử, quyển 2, do Nữ Đầu Sư Hương Hiếu biên soạn, Thánh Thất Tộc Đạo Westminter, California, Hoa Kỳ, tái bản năm 1995
  2. Thiện Căn ở tại lòng ta, Tiến sĩ Hồ Đình Chữ, Đặc San Tây Ninh Mến Yêu 2003
  3. Tìm hiểu sơ lược tổ chức về hình thể đạo Cao Đài, Hiền Tài Nguyễn Trung Đạo sưu tầm, Ban Thế Đạo Hải Ngoại Hoa Kỳ xuất bản 2004
  4. Đời sống của người tín đồ Cao Đài, Hiền Tài Nguyễn Long Thành, ấn hành 1974
  5. Tân Luật, Châu Đạo California và tộc đạo Sydney, Úc Châu, tái bản 2004
  6. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Hội Thánh giữ bản quyền, ấn hành 1992
  7. Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Ban Thế Đạo Hải Ngoại xuất bản tại Hoa Kỳ 2000
  8. Giáo Lý, Soạn giả Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng, Ban Thế Đạo Hải Ngoại Hoa Kỳ tái bản 2000
  9. Nữ Trung Tùng Phận của Đoàn Thị Điểm, Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng giới thiệu và chú thích, Châu Đạo California, Hoa Kỳ, tái bản 2003
  10. Lão Tử Đạo Đức Kinh, Hạo Nhiên Nghiêm Toản, NXB Đại Nam Hoa Kỳ tái bản, không ghi năm
  11. Sinh con theo “đơn đặt hàng”, Bác sĩ Vũ Đình Hào, Lausane Thụy Sĩ, Y Học Đời Sống Sydney, Úc Châu, số 33, tháng 7 năm 2006
  12. Đức Phật và Phật Pháp, Narada Thera, nxb Thuận Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Kim Khánh dịch, 1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VUI : ST Trên Mạng : BÊN NÀO CŨNG ĐƯỢC

Trong 1 trận bóng đá, trên khán đài, một cổ động viên gào to: "Chơi cùi chỏ gãy hết răng bọn nó đi". Người ngồi kế bên thắc mắc : ...