Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Dùng kháng sinh vô tội vạ: Hại sức khỏe bản thân, hại cả xã hội

Dương Minh Tuấn
Đây là trường hợp bệnh nhân thứ 5 mình gặp trong một tháng tại khoa với kết quả cấy đàm làm kháng sinh đồ ra vi khuẩn kháng mở rộng (còn chủng vi khuẩn đa kháng thì quá nhiều), hiểu nôm na là kháng hầu hết các nhóm kháng sinh được thử. Tại các bệnh viện lớn ở nước ta những năm gần đây cũng không ít lần ghi nhận và cảnh báo về trường hợp xuất hiện chủng vi khuẩn toàn kháng (kháng hết tất cả các nhóm), như vậy vi khuẩn ngày càng có xu hướng đề kháng kháng sinh nhanh hơn, nhiều hơn và đề kháng đồng thời nhiều kháng sinh ở mức độ cao.
Nhớ Tết vừa rồi về Hà Nội có qua hiệu thuốc đúng ngày mồng một, thấy phải đến hai chục người xếp hàng rất nghiêm túc. Lần lượt từng người bước đến đọc triệu chứng, chủ yếu là xổ mũi, ho, nhức đầu, tiêu chảy... và em dược sĩ trong quầy không cần nghe hết đã chạy đi lấy thuốc, mình ngó qua thấy trong mỗi túi thuốc luôn có một loại kháng sinh được kê thường là 3-5 ngày rất tuỳ tiện. Ai nhận thuốc rồi đều mừng rỡ cảm ơn rồi vui vẻ ra về. Giống kiểu hiệu thuốc thần tiên. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây đề kháng kháng sinh tăng cao. Bữa đó mình có chạy vào góp ý với quầy thuốc nhưng mọi người ở đó đều gạt đi. Họ bảo rằng nếu có kháng kháng sinh thì họ chịu chứ mình có phải chịu đâu mà sợ? Họ không hề hiểu một khi việc họ sử dụng kháng sinh không hợp lý vô tình tạo ra một chủng vi khuẩn đề kháng mới thì chủng vi khuẩn này hoàn toàn có thể gây bệnh cho bất kỳ ai chứ không riêng gì họ.
Một trong những nguyên tắc sử dụng kháng sinh hàng đầu mà mỗi bác sĩ lâm sàng đều phải nắm rõ là: "Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn. Không điều trị kháng sinh khi không có bệnh nhiễm khuẩn, ngay cả khi người bệnh yêu cầu. Phải lựa chọn đúng kháng sinh và đường cho thuốc thích hợp." Vậy nên mong các cô chú, anh chị em, bạn bè của mình nếu ai cảm thấy cơ thể không được khoẻ, kể cả những trường hợp mọi người cho là đơn giản như ho, xổ mũi, đau họng,... thì xin cứ bớt chút thời gian đi khám bác sĩ thay vì chạy ra hiệu thuốc nhờ dược sĩ kê luôn cho tiện. Cũng mong các anh chị làm dược có tâm nếu có gặp những trường hợp như trên thì khuyên họ nên đi khám bác sĩ trước, có chẩn đoán, có đơn thuốc rồi hãy bán. Và cuối cùng mong các anh chị đồng nghiệp suy nghĩ thật kỹ mỗi khi đặt bút kê kháng sinh cho người bệnh.
Sức người có hạn (trong việc nghiên cứu ra các loại kháng sinh mới) trong khi thủ đoạn của vi khuẩn thì có thừa (trong việc đề kháng kháng sinh mà một phần do mỗi chúng ta). "No action today, no cure tomorrow." - Không hành động hôm nay, ngày mai sẽ không có thuốc chữa. (Tổ chức Y tế thế giới )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                      Chữ TÂM   TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên...