Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Người Piltdown: Vụ lừa đảo lớn nhất của thuyết tiến hóa ( Từ daikynguyen.com)

Darwin lúc sinh thời rất lo lắng về sự vắng mặt các hóa thạch cần thiết để chứng minh thuyết tiến hóa của ông. Nhưng thuyết tiến hóa sai. Không có tiến hóa. Không có bằng chứng thật sự của tiến hóa. Vì thế một số người theo thuyết tiến hóa cố gắng tạo ra bằng chứng giả bằng mọi giá. Đây là lý do chủ yếu dẫn tới vụ lừa đảo lớn nhất trong khoa học: Người Piltdown.

104 năm trước, tức là năm 1912, tờ New York Times, một trong những tờ báo lớn nhất thế giới, loan báo một tin mừng đối với thuyết tiến hóa, một khám phá “vĩ đại” – phát hiện “Người Piltdown” ở Sussex, Anh, như một bằng chứng hóa thạch xác nhận học thuyết Darwin.
2
41 năm sau, tức năm 1953, một lần nữa tờ New York Times lại loan báo tin nóng về “Người Piltdown”, nhưng lần này là tin rất buồn: “Người Piltdown” là vụ lừa đảo vĩ đại nhất trong khoa học!
41 năm là một thời gian đủ dài để vụ lừa đảo này làm hỏng nhận thức của rất nhiều thế hệ. Rất nhiều người đã bị tiêm nhiễm những độc hại của vụ lừa đảo này đến khi rời khỏi thế giới. Họ truyền lại cho con cháu họ những nhận thức độc hại đó. Đến lượt con cháu họ cũng rất khó hồi phục tư duy lành mạnh. Quả thật, có những môn đệ của Darwin không muốn tin chuyện lừa đảo về tiến hóa là có thật. Nhưng đó là sự thật. Câu chuyện hôm nay sẽ nói về sự thật đó.

The New York Time 1953

Ngày 21/11/1953, tờ New York Time loan tin: “Trò lừa đảo Người Piltdown đã bị phơi bầy”. Bài báo viết: “Những người có thẩm quyền của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Anh tuyên bố phần hộp sọ của người Piltdown, một trong những hộp sọ hóa thạch nổi tiếng nhất thế giới, là một trò lừa đảo”.
Người Piltdown là cái gì? Vụ lừa đảo này có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta phải quan tâm đến nó?
Trả lời:
“Người Piltdown” là tên gọi được gán cho một loài khỉ-người, hoặc người-khỉ, dựa trên các hóa thạch tìm thấy ở Piltdown thuộc miền đông Sussex của nước Anh. Trong một thời gian rất dài, hơn 40 năm, nó được coi là bằng chứng không thể chối cãi của một mắt xích bị mất tích trong chuỗi tiến hóa từ khỉ lên người. Và do đó, nó đánh dấu một “thắng lợi vĩ đại” của thuyết tiến hóa Darwin. Tất cả những ai tin thuyết tiến hóa và chống thuyết tiến hóa đều nên biết và phải biết sự thật về “người Piltdown”. Nếu không, sẽ tiếp tục bị lừa dối.
4Bấm vào ảnh để phóng to.
Hóa thạch ở Piltdown, bao gồm một phần hộp sọ, một xương hàm, và một vài chiếc răng, được báo cáo là tìm thấy năm 1912. Trong khi dân chúng nghĩ hóa thạch này là của một “người Anh cổ xưa nhất” thì các nhà tiến hóa mừng rõ đón nhận nó như một thắng lợi của thuyết tiến hóa vì đã tìm thấy một mắt xích bị mất tích (missing link) trong chuỗi tiến hóa từ khỉ lên người. Thật vậy, hóa thạch này có những đặc điểm nửa người nửa khỉ, một bằng chứng rõ rệt của một loài khỉ-người hoặc người-khỉ.
Darwin lúc sinh thời từng băn khoăn đặt câu hỏi tại sao không tìm thấy bằng chứng hóa thạch của các loài quá độ chuyển tiếp từ loài này sang loài khác. Ông không ngần ngại bộc lộ suy nghĩ cho rằng nếu không tìm thấy những hóa thạch đó thì lý thuyết của ông sẽ sụp đổ. Ông là người cả gan tuyên bố tổ tiên của người là khỉ, vì thế bằng chứng hóa thạch của loài chuyển tiếp trung gian giữa khỉ và người là đòi hỏi bức thiết của cá nhân Darwin và của tất cả những ai tin vào thuyết tiến hóa. Vì thế tin tức về việc tìm thấy hóa thạch khỉ-người ở Piltdown ắt phải là một tin hết sức quan trọng đối với khoa học. Quả thật, báo chí Anh và thế giới đã háo hức loan tải tin chấn động này. Những ai nghi ngờ thuyết tiến hóa hãy mở mắt ra mà nhìn sự thật. Darwin là một thiên tài, dự đoán của ông chính xác như thần!
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi đào xới được hóa thạch đó. Niềm tin vào sự tồn tại của những mắt xích bị mất tích đã ăn sâu vào đầu óc rất nhiều thế hệ. Số người tin vào học thuyết Darwin vì thế mà tăng lên nhanh chóng, thậm chí thành sự đã rồi, KHÔNG THỂ SỬA CHỮA ĐƯỢC NỮA!
Nhưng vẫn có những người nghi ngờ. Những người này âm thầm làm việc, cố gắng mang lại sự thật cho thế gian. Rồi cái gì đến phải đến. What wil be, will be.
Năm 1953, xương hàm trong bộ hóa thạch Người Piltdown bị phát hiện là của một loài khỉ hiện đại – rất thích hợp với orangutan – đã bị tẩm chất hóa học để trông giống như một hóa thạch đã nằm dưới lòng đất hàng trăm thế kỷ. Trong khi phần chỏm của hộp sọ vẫn được nghĩ là một hóa thạch thật sự. Tuy nhiên, niên đại của nó xem ra gần với thời điểm hiện tại của chúng ta hơn rất nhiều so với lúc đầu người ta nghĩ.
Tờ New York Times cho biết: “Tuyên bố (của Bảo tàng Tự nhiên Anh)… đã được đưa ra sau 20 năm có những tiếng đồn và những lời phỏng đoán khó chịu giữa những nhà cổ sinh học Âu Châu về tính xác thực của các mẩu xương”. Tờ London Star chạy một hàng tít hét lớn: “VỤ LỪA ĐẢO KHOA HỌC LỚN NHẤT THẾ KỶ!”.
Chao ôi, chuyện lớn rồi. Hóa ra một số nhà khoa học nghiêm túc và rất đáng kính đã bị đánh lừa! Thanh danh của họ mãi mãi bị nhơ nhuốc. Những năm tháng nghiên cứu và suy nghĩ cực nhọc đã bị phí phạm vào việc cố gắng phân tích và lắp ghép một hóa thạch giả sao cho ăn khớp với hồ sơ tiến hóa của loài người. Niềm tin sắt đá vào một học thuyết “thần thánh” đã bị TRẢ GIÁ ĐẮT! Những nhà khoa học ấy là ai? Chúng ta có thể biết rõ, đó là những người có mặt trong bức tranh sau đây:
3
Bức tranh được vẽ năm 1915, tức 3 năm sau khám phá ở Piltdown, thể hiện một lòng tôn kính đối với các nhà khoa học, và đặc biệt, thể hiện lòng ngưỡng mộ của họa sĩ cũng như của người đời đối với học thuyết Darwin. Không rõ họa sĩ này có còn sống đến ngày vụ lừa đảo bị vạch trần hay không? Nếu ông còn sống, ông sẽ nghĩ gì về bức tranh của mình? Dẫu sao thì bức tranh của ông cũng có ý nghĩa lớn: nó đánh dấu một thời kỳ học thuyết Darwin mê hoặc lòng người đến như thế nào. Nhưng để cảm nhận mọi khía cạnh trong vụ bê bối này, tưởng cũng nên biết diễn tiến cụ thể của vụ việc.
Hóa thạch “người Piltdown” được phát hiện bởi một nhóm công nhân trong khi đào hầm hố tại Piltdown. Họ trao những xương cốt đó vào tay Charles Dawson, một luật sư và một nhà địa chất nghiệp dư. Ông đã nhờ một số nhà khoa học giúp đỡ nghiên cứu, gồm Arthur Woodward Smith, Tielhard de Chardin, Arthur Keith, và một số nhà khoa học có tiếng khác – những người rất háo hức với việc phát hiện này. Họ dễ dàng tin rằng những xương cốt này, gồm một hộp sọ dầy có kích thước giống như hộp sọ của một người hiện đại và một xương hàm to giống như của khỉ, là những bộ phận của cùng một cá nhân, vì các yếu tố sinh lý học của hóa thạch có vẻ phù hợp với cái mà họ đang muốn tìm kiếm: những “mắt xích bị mất tích” trong chuỗi tiến hóa. Đặc biệt, việc tìm thấy hóa thạch ở Anh lại càng làm cho họ thỏa mãn, có lẽ nhu cầu ấy đã có sẵn trong tiềm thức của họ.
Tờ New York Times năm 1953 còn cho biết thêm những sự thật trớ trêu, rằng “Ngài Arthur Keith, nhà cổ sinh học nổi tiếng của Anh, đã dành hơn 5 năm trời để nhặt các mảnh xương rồi lắp ghép vào với nhau mà ông mô tả như một khám phá ‘phi thường’. Ông nói phần hộp sọ chứa bộ não ‘về phương diện nào đó còn nguyên thủy nhưng về tất cả mọi phương diện khác thì là con người rõ rệt’. Người Piltdown được đặt tên là Eoanthropus dawsonii, hoặc người Dawn, để vinh danh Dawson, người tìm thấy nó, và các nhà cổ sinh học trên khắp thế giới đều đã có lúc được chạm tay vào nó với sự trân trọng”.
Nhưng, tờ báo viết tiếp, “mặc dù hóa thạch này nói chung được chấp nhận như một mẫu vật được biết sớm nhất của người khôn ngoan, đối chọi với mẫu vật người vượn tìm thấy ở Trung Quốc và Java, nhiều nhà nghiên cứu vẫn bảo lưu ý kiến của họ về xương hàm gây tranh cãi”…
Nếu khoa học kỹ thuật không có những tiến bộ mới thì có thể sự thật về hóa thạch “người Piltdown” sẽ mãi mãi nằm trong bóng tối, và thuyết tiến hóa sẽ mãi mãi yên chí rằng nó đã có bằng chứng không thể chối cãi. Nhưng khoa học chính là kẻ thù của thuyết tiến hóa.
Năm 1939, nhà cổ sinh học Kenneth Oakley tìm ra một phương pháp mới phân tích cổ vật bằng hóa học gọi là phương pháp thử nghiệm bằng fluorine. Xương hóa thạch thẩm thấu fluorine từ đất và nước, do đó những xương hóa thạch nằm trong cùng một khu đất và trải qua cùng một thời gian sẽ có cùng một lượng fluorine xấp xỉ như nhau.
Năm 1949, để xác nhận xương hàm và hộp sọ của người Piltdown là những bộ phận của cùng một cơ thể, nhà Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Anh đã đề nghị Oakley, một nhà khoa học không liên quan tới việc phát hiện di tích ở Piltdown, tiến hành xét nghiệm hóa thạch này bằng những kỹ thuật mới của ông.
Kết quả cho thấy các mảnh xương dường như có cùng chỉ số fluorine, có nghĩa là dường như thuộc cùng một cơ thể, nhưng bất ngờ, Oakley phát hiện ra rằng chúng có vẻ trẻ hơn rất nhiều so với đánh giá lúc ban đầu – có lẽ chỉ mới 50.000 năm tuổi thay vì 500.000 năm như đánh giá trước đây. Phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt cổ sinh học liên quan tới vấn đề tiến hóa. Nó không những chỉ ra sai lầm của những nghiên cứu trước đây, mà còn đóng vai trò quyết định trong việc làm thay đổi nhận định đối với hóa thạch “người Piltdown”. Thật vậy:
Trước đây người ta đã tìm thấy những mẫu vật hóa thạch của con người hiện đại, tức là người 100%, để từ đó xác định được một cách chắc chắn rằng loài người xuất hiện từ cách đây ít nhất 50.000 năm. Có nghĩa là “người Pitldown”, nếu quả thật là một loài khỉ-người hoặc người-khỉ, đã chạy giật lùi lại so với mũi tên tìm kiếm của cổ sinh học (mũi tên ngược chiều với thời gian), hay nói cách khác, “người Piltdown” song song tồn tại với loài người hiện đại! Đó là chuyện quái gở, bất hợp lý. Vậy chỉ có thể kết luận rằng hóa thạch Piltdown không phải là hóa thạch của một mắt xích bị mất tích, không phải là hóa thạch của khỉ-người hoặc người-khỉ, mà chỉ có thể là hóa thạch của người 100% hoặc khỉ 100%. Nhưng những nghiên cứu sinh lý giải phẫu học cho thấy rõ ràng đó là hóa thạch vừa có đặc điểm người, vừa có đặc điểm khỉ? Vậy đâu là sự thật? Hóa thạch “người Piltdown” bỗng trở thành một thách đố!
Năm 1953, Joseph Weiner, một giáo sư về sinh lý nhân chủng học, gặp Kenneth Oakley tại một bữa tiệc. Họ trao đổi với nhau về thách đố “người Piltdown”. Sau cuộc gặp, Weiner không thể rời bỏ ý nghĩ về thách đố đó. Ông quyết định xem xét lại toàn bộ hồ sơ nghiên cứu của vụ này, sắp đặt các xương hóa thạch ra trước mặt rồi bắt đầu kiểm tra mỗi mẫu vật từng li từng tí một. Xin nhớ rằng cho đến lúc đó, “người Piltdown” vẫn là một bằng chứng không thể chối cãi của thuyết tiến hóa, tồn tại trong các sách giáo khoa và tài liệu kinh điển của sinh học tiến hóa. Đụng chạm hoặc lật đổ một thần tượng của một học thuyết đã ăn sâu vào xương tủy của mọi người không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế Weiner phải làm việc hết sức thận trọng.
Nỗ lực của Weiner rốt cuộc cũng được đền đáp. Ông ngạc nhiên nhận ra những chiếc răng hóa thạch dường như đã được trồng vào hàm một cách cẩn thận khéo léo với những chỗ bị mài mòn để làm cho chúng thành một mẫu vật thống nhất hoàn hảo. Ông gọi ngay cho Oakley và đề nghị ông này cùng xem xét kỹ lại các mẫu vật bằng kính lúp. Oakley cũng nhận thấy những chiếc răng đã được chỉnh sửa một cách cố ý bằng dao cho ăn khớp với “người Piltdown”.
Sau đó Weiner và Oakley áp dụng những phương pháp phân tích hóa học mới, bao gồm một thử nghiệm bằng một loại fluorine đã được cải tiến, hai ông nhận thấy xương hàm và răng không có cùng độ tuổi với hộp sọ và thậm chí không thể được coi là hóa thạch, mà chỉ là những mảnh xương đã cũ. Một số xương đã được tẩm mầu bằng những chất hóa học và một số khác đã được tô vẽ bằng mầu thông thường để làm cho chúng ăn khớp với nhau và lẫn với mầu đất ở nơi chúng được tìm thấy. Cuối cùng Weiner, Oakley, và nhà nhân chủng học thuộc Đại học Oxford là Wilfrid Le Gros Clark kết luận chắc chắn rằng tập hợp xương hóa thạch Piltdown là đồ giả, và thậm chí đây là một vụ lừa đảo có tính toán, chuẩn bị công phu, kỹ càng.
6Ngày 20/11/1953, ba nhà khoa học đó báo cáo những phát hiện của mình trên tạp chí của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh. Họ giải thích rằng các nhà khoa học của 40 năm trước là nạn nhân của “một vụ lừa đảo được chuẩn bị công phu và cẩn thận nhất từ xưa tới nay. Việc làm giả xương hàm dưới đạt trình độ khéo léo đến mức đáng kinh ngạc, và hành vi lừa đảo này dường như hoàn toàn bất lương và không thể giải thích được, và trong lịch sử khám phá cổ sinh học không có vụ nào tương tự”.
Ngay hôm sau báo chí đã tường thuật lại câu chuyện lừa đảo này cho khắp thế giới được biết. Cho đến lúc ấy hộp sọ vẫn được tin là có 50.000 năm tuổi. Tuy nhiên năm 1959, người ta đã sử dụng kỹ thuật carbon 14 mới khám phá gần đây để xác định lại tuổi của hộp sọ. Kết quả thật bất ngờ: hộp sọ chỉ mới có khoảng từ 520 đến 720 năm tuổi, và xương hàm còn trẻ hơn một chút! Những kẻ lừa đảo đã qua mặt được rất nhiều nhà khoa học tài ba trong suốt 47 năm, huống chi những người nhẹ dạ cả tin vào khoa học, tin vào thuyết tiến hóa, đặc biệt là những người đã chót lấy hóa thạch “người Piltdown” làm căn cứ để thuyết phục và nhồi sọ trẻ em ở trường học rằng thuyết tiến hóa là một lý thuyết khoa học có bằng chứng vững chắc!
Trong khi một số cá nhân khác nhau đã bị kết tội là thủ phạm vụ lừa đảo, vẫn chưa có kết luận rõ ràng thủ phạm chính là ai. Bí mật này kéo dài mãi cho tới…. hôm nay.

84 năm sau vụ lừa đảo

Ngày 24/05/1996, một tờ báo đưa tin: “Cuối cùng đã biết được thủ phạm của vụ lừa đảo Người Piltdown là ai” (Perpetrator of Piltdown Man hoax might be known at last).
Bài báo viết: “Sau 84 năm, kẻ đứng đằng sau vụ lừa đảo lớn nhất trong khoa học – trong đó một hộp sọ được coi như một bằng chứng tiến hóa của một mắt xích bị mất tích trong chuỗi tiến hóa từ khỉ lên người – đã được xác định danh tính. Theo Brian Gardiner, giáo sư cổ sinh học nghiên cứu hóa thạch tại đại học King’s College London, thủ phạm lộ rõ là Martin A.C. Hinton. Hinton là người phụ trách động vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Anh khi cái gọi là hộp sọ của Người Piltdown được đào xới lên”.
Bài báo trên cho biết tạp chí Nature, một tạp chí có uy tín bậc nhất trong khoa học, đã thông báo việc tìm thấy một chiếc hòm của Hinton cất giấu trên một chiếc giá của bảo tàng trong đó chứa những xương động vật bị nhuộm mầu giống y như kiểu đã làm trên mẫu hóa thạch giả Người Piltdown. Theo tạp chí này, Hinton là thủ phạm duy nhất, và Dawson là kẻ bị đánh lừa.
Nhưng nhận định của tạp chí Nature không đầy đủ. Tin tức trên tờ The Guardian ở Anh năm 2012 sẽ cung cấp cho chúng ta thông tin đầy đủ hơn.

The Guardian 2012

Năm 2012, nhân kỷ niệm tròn 100 năm vụ lửa đảo “Người Piltdown”, xã hội Anh dấy lên dư luận đòi hỏi một kết luận rõ ràng, đầy đủ và dứt khoát về vụ lừa đảo gây tai tiếng, mất thể diện cho nền khoa học Anh. Ngày 05/12/2012, tờ The Guardian ở Anh đã đã có một bài viết khá chi tiết về vấn đề này, trong đó cho biết:
Các nhà khoa học Anh mới đây đã quyết định sẽ dùng máy nội soi hồng ngoại, tia laser và kính quang phổ để xác định chính xác các chất hóa học đã được ngâm tẩm hoặc tác động vào từng di vật trong bộ hóa thạch giả “Người Piltdown”. Mục đích của việc nghiên cứu lần này là giải đáp một bí mật đã làm hỏng nền khoa học Anh trong suốt 100 năm qua: xác định chính xác danh tính của các thủ phạm vụ lừa đảo khoa học lớn nhất thế giới – vụ lừa đảo “Người Piltdown” đã đánh lừa được các nhà cổ sinh học hàng đầu của Anh.
Giáo sư Chris Stringer thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, người lãnh đạo chương trình nghiên cứu mới lần này nói vụ lừa đảo đó đã “hủy hoại nền khoa học của nước Anh”. Tờ The Guardian nói rõ:
“Hơn 30 cá nhân bị kết tội là kẻ lừa đảo trong vụ Piltdown” (more than 30 individuals have been accused of being Piltdown hoaxers), trong đó những người thuộc diện đáng ngờ nhất gồm:
– Charles Dawson, một luật sư kiêm khảo cổ học nghiệp dư, người đầu tiên tìm thấy những mảnh xương;
– Pierre Teilhard de Chardin, một nhà triết học tôn giáo ủng hộ thuyết tiến hóa, trực tiếp giúp Dawson đào xới tìm di vật ở Piltdown;
– Smith Woodward, nhà khoa học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, người chấp nhận các di vật do Dawson tìm thấy và lập luận rằng chúng thuộc một loài mới của con người thời tiền sử;
– Arthur Keith, nhà giải phẫu học, người nhiệt liệt ủng hộ khám phá của Dawson;
– Martin Hinton, một nhà động vật học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Khoảng 10 năm sau khi Hinton mất (1961) người ta tìm thấy chữ ký của ông trên một chiếc hòm du lịch giấu trên một giá đựng của bảo tàng, trong đó chứa những những chiếc răng và xương động vật được nhuộm mầu và khắc bằng dao đúng theo kiểu đã làm trên những “hóa thạch người Piltdown”.
Nhà địa hóa học Justin Dix thuộc Đại học Southampton, người sẽ thực hiện những phân tích hóa học trong đợt nghiên cứu mới sắp tới, nói: “Điều phiền phức rắc rối là ở chỗ sau 100 năm chúng ta vẫn chưa biết rõ danh tính hoặc động cơ của những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ lừa đảo này. Đã đến lúc chúng tôi phải làm điều đó”.
Diễn biến chính của vụ lừa đảo này đã được tờ The Guardian tường thuật lại như sau:
Sáng ngày 15/02/1912, Arthur Smith Woodward, người trông coi về địa chất học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nhận được một bức thư của một người bạn là Charles Dawson, một luật sư và một nhà khảo cổ nghiệp dư. Dawson thông báo cho Woodward biết ông phát hiện thấy “một phần của một hộp sọ người” tại một hố đào ở gần một làng có tên là Piltdown. Lá thư của Dawson là thông tin đầu tiên loan báo về “hóa thạch Người Piltdown”.
Dawson là người có biệt danh “Phù thủy của Sussex” vì có tài khám phá các di chỉ khảo cổ quanh vùng Sussex. Trong thư gửi Woodward, ông kể rằng trong một bữa ăn chiều tại Barkham Manor ở Piltdown, ông đã đi thả bộ và bỗng nhận ra những viên đá lửa vung vãi trên mặt đất. Đó là những thứ bị hất lên mặt đất từ những cuộc đào xới để làm đường xá. Dawson liền nói với đám thợ đào hố rằng trong lúc đào xới nếu thấy bất kỳ cái gì thú vị thì hãy mang đến cho ông ta, và sẽ được thưởng. Thế là một người thợ đã đưa cho ông ta “một mẩu sọ người… rất dầy”. Sau đó ông luật sư đến chỗ đào xới và tìm thấy những mẩu khác của hộp sọ. Trong thư ông không nói rõ ngày tháng tìm thấy những thứ đó.
5Ba tháng sau, Smith Woodward làm ra bộ kiểm tra những mảnh xương sọ Piltdown và kết luận rằng chúng thuộc một giống người tiền sử trước đây chưa hề biết, và đặt tên là Eoanthropus dawsonii – tức là người tiền sử của Dawson, để vinh danh người đã tìm thấy nó.
Ngày 21/11/1912, tờ Manchester Guardian chạy một hàng tít lớn loan báo: “Người cổ xưa nhất: Khám phá phi thường tại Sussex” (The Earliest Man: Remarkable Discovery in Sussex), trong đó cho biết những chi tiết của hộp sọ, và ước tính tuổi của nó nằm trong khoảng từ 500.000 năm đến 1.000.000 năm, và đó là “dấu vết xa xưa nhất của con người tìm thấy ở Anh”.
Vài tuần sau, tại Hội Địa chất, Smith Woodward chính thức thông báo các chi tiết của vụ khám phá này cho cộng đồng khoa học để tìm sự chấp thuận chung. Chỉ có một nhà khoa học duy nhất lên tiếng nghi ngờ, đó là nhà giải phẫu học David Waterson. Ông nhận xét hộp sọ trông giống của người, còn xương hàm trông giống của một con đười ươi (chimpanzee). Nhưng không ai hưởng ứng ý kiến này.
Nhà khoa học Miles Russell, tác giả cuốn “Piltdown Man: The Secret Life of Charles Dawson” (Người Piltdown: Cuộc sống bí mật của Charles Dowson), nhận xét: “Không ai thực hiện bất kỳ một kiểm chứng khoa học nào. Nếu họ tiến hành kiểm chứng, họ sẽ nhận thấy những chất nhuộm hóa học và việc trồng răng vào hàm. Đây rõ ràng không phải một sản phẩm tạo tác thứ thiệt. Cộng đồng khoa học thời đó chấp nhận nó vì họ rất muốn có hóa thạch đó”.
Thật vậy, vào thời điểm đó, có lý thuyết cổ sinh học cho rằng nếu khỉ tiến hóa thành người thì phần não phải tiến hóa trước, vì đặc điểm của người là bộ não phát triển. Hóa thạch “người Piltdown” đáp ứng đúng lý thuyết đó – hộp sọ của “người Piltdown” giống như hộp sọ của người hiện đại.
Đến năm 1915 thì “Người Piltdown” đã trở thành một sự thật khoa học được xác nhận hoàn toàn. “Người Piltdown” là một bằng chứng không thể chối cãi của thuyết tiến hóa Darwin. Một không khí hân hoan phấn khích bao trùm, niềm tin vào thuyết tiến hóa của Darwin trở thành thiêng liêng hơn bao giờ hết, đúng như tờ The Guardian ở Anh ngày 05/02/2012 đã viết:
Bức tranh ‘Một cuộc thảo luận về hộp sọ Piltdown’ (A Discussion of the Piltdown Skull) của họa sĩ John Cooke (vẽ năm 1915) mô tả các nhà khám phá hộp sọ trong một bầu không khí rất thiêng liêng. Keith thì ngồi trong khi Smith Woodward đứng đằng sau ông ta trước một cái bàn trên đó bầy những mảnh của hộp sọ. Một người khác cũng đứng, đó là Charles Dawson, đằng sau ông ta là bức tranh chân dung Charles Darwin. Miles Russell bình luận: “Bố cục của họa sĩ gợi ý rằng Darwin đang trao chiếc áo khoác của ông cho Dawson. Bậc tiền bối tạo ra lý thuyết, kẻ hậu bối cung cấp bằng chứng,….
Bình luận của Russell rõ ràng là muốn kết tội chủ yếu cho Charles Dawson – ông này thèm khát vinh quang, mơ ước trở thành kẻ nối nghiệp Darwin. Tất nhiên phải là kẻ sùng bái Darwin ghê lắm mới có cái khát vọng đó. Ý nghĩ của Russell phù hợp với đánh giá của nhiều nhà khoa học khác.
Tất nhiên là Dawson, “Phù thủy của Sussex”, còn đi xa hơn nhiều. Ông được vinh danh như một trong những nhà khảo cổ học vĩ đại nhất thế giới và có thể sẽ được phong hiệp sĩ như Arthur Keith và Smith Woodward nếu ông không bị mất vì bệnh nhiễm trùng máu vào năm 1916. Với vẻ hiền lành và dáng dấp tròn trịa mập mạp, khuôn mặt của Dawson trông rất đĩnh đạc, thể hiện phẩm chất của một luật sư thành công và một chuyên gia khảo cổ tài ba. Nhưng thực ra đằng sau khuôn mặt đáng kính ấy là những bí mật chỉ lộ ra ánh sáng vài chục năm sau khi ông mất. Thật vậy, những điều tra gần đây cho thấy phần lớn những phát hiện khảo cổ của “nhà phù thủy” này hóa ra đều là lừa đảo.
Miles Russell nói: “Ông ta thực ra là một kẻ làm hàng loạt đồ giả mạo. Tôi đã đếm được ít nhất 38 thứ mà ông ta phát hiện trước vụ Piltdown đều là những đồ lừa đảo hoặc giả mạo. Ông làm giả những chiếc rìu, những bức tượng nhỏ, những chiếc búa cổ, những mái ngói thời La-mã và nhiều đồ cổ khác như thật, nhờ đó mà ông ta đã trở thành hội viên Hội Địa chất và hội viện Hội Đồ Cổ của Anh. Russell nói: “Người Piltdown không phải là một công trình làm một lần rồi thôi, mà là công trình tột đỉnh trong đời của ông ta”.
Kẻ lừa đảo đáng ngờ thứ hai là ai? Còn ai đáng ngờ hơn Martin Hinton, nhà khoa học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London? Đó là kẻ mà sau khi ông ta chết hơn chục năm, người ta tìm thấy trong hòm rương của ông những thứ thuốc nhuộm và chất hóa học giống như những thứ đã dùng để nhuộm “hóa thạch người Piltdown”. Hinton cũng là kẻ hợp tác chặt chẽ với Arthur Keith và Smith Woodward, những người nhiệt tình nhất trong việc xác nhận “Người Piltdown”. Vậy câu hỏi đặt ra là Hinton và Dawson là hai kẻ lừa đảo độc lập với nhau hay hợp tác với nhau trong vụ “Người Piltdown”?
Smith Woodward và Arthur Keith (người mặc áo blouse trắng trong bức tranh “Cuộc thảo luận về hóa thạch Piltdown) cũng đáng ngờ, vì cả hai đều là những người ủng hộ mạnh mẽ lý thuyết cho rằng khỉ tiến hóa thành người thì phải phát triển bộ não trước khi phát triển những bộ phận khác, và do đó hai ông là những người ủng hộ bằng chứng “Người Piltdown” mạnh mẽ nhất.
Nhưng có một sự thật khó hiểu: sau khi Dawson mất (1916), người ta không tìm thấy thêm bất cứ thứ gì ở Piltdown nữa. Điều này làm cho sự nghi ngờ hướng chủ yếu vào Dawson. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có sự thông đồng lừa đảo giữa nhiều người, bao gồm tất cả những người đã nêu trên.
Rốt cuộc, cho đến hôm nay, khi những dòng chữ này chạy trước mắt độc giả, thủ phạm chính trong vụ lừa đảo “Người Piltdown” vẫn chưa có kết luận cuối cùng, mặc dù Chris Stringer, người lãnh đạo cuộc nghiên cứu năm 2012 tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy dấu vân tay trên tất cả mọi thứ vật liệu tìm thấy ở Piltdown và xác định xem có bao nhiêu mẫu vân tay đã có – bao nhiêu cá nhân đã dính líu vào những “hóa thạch” này. Bằng cách đó chúng tôi có thể biết có một thủ phạm hay nhiều thủ phạm”.
Khu vực xưa kia là nơi khám phá ra “hóa thạch người Piltdown” nay đóng cửa im ỉm, ít người qua lại. Một quán ăn địa phương xưa kia lấy tên là “Người Piltdown” nay đã đổi tên là “The Lamb” (Con cừu con). Người ta thấy xấu hổ vì vụ lừa đảo nổi tiếng nhất thế giới này. Nhà khoa học khám phá ra vụ lừa đảo này Joseph Weiner, nói: “Người Piltdown đã mất chỗ đứng của nó trong xã hội tử tế”.

Kết luận

7Vụ lừa đảo đã xẩy ra từ hơn 100 năm trước. Nay tất cả những người liên quan đều đã mất. Rất khó xác định thủ phạm chính. Tuy nhiên, có thể thấy rõ một thủ phạm vô hình. Đó là:
Nỗi khát khao tìm thấy một bằng chứng hóa thạch để chứng minh cho cái gọi là “missing link” – những mắt xích bị mất tích trong chuỗi tiến hóa từ khi lên người!
Darwin lúc sinh thời từng coi sự vắng bóng các hóa thạch là điểm yếu nhất trong lý thuyết của ông. Các môn đệ của ông cũng biết rõ điều đó. Họ không tìm được hóa thạch thuyết phục, vì thế họ nẩy ra “sáng kiến” là “chế tạo” ra hóa thạch, miễn sao cho thiên hạ tin vào lý tưởng mà họ theo đuổi!
Để kết câu chuyện về vụ lừa đảo đáng xấu hổ này, xin nhắc đến một sự kiện liên quan đến thuyết tiến hóa và “Người Piltdown”. Đó là vụ án Scopes ở Mỹ năm 1925.
Vụ án Scopes (Scopes Trial) là vụ án xẩy ra tại tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ, năm 1925, trong đó John Thomas Scopes, một giáo viên trung học dạy môn sinh học, bị đưa ra tòa xét xử vì bị kết tội là đã vi phạm bộ luật Butler của tiểu bang Tennessee – bộ luật này cấm việc dạy môn học tiến hóa của con người tại các trường công (trường do chính quyền tiểu bang cấp kinh phí hoạt động).
Bất chấp luật của tiểu bang, Scopes đã dạy môn tiến hóa người theo học thuyết Darwin cho học sinh, vì anh ta tin đó là khoa học chân chính.
piltdownLuật sư nổi tiếng Clarence Darrow được mời bênh vực cho bị cáo John Scopes. Trong tranh tụng, ông đã dùng “Người Piltdown” như một bằng chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của học thuyết tiến hóa, để chứng minh rằng John Scopes chẳng làm điều gì khác là nói lên sự thật của tự nhiên! Cuối cùng Scopes thắng kiện.
Vụ án đó đã đi vào lịch sử như cột mốc chiến thắng “vĩnh viễn” của học thuyết tiến hóa. Đó cũng là cột mốc để học thuyết Darwin xâm lăng vào mọi nhà trường trên khắp thế giới, trở thành một sai lầm rất khó sửa chữa của khoa học và giáo dục. Tiếng tăm của Clarence Darrow lại càng vang dội hơn nữa sau vụ án lịch sử đó. Ông mất năm 1938, tức là 15 năm trước khi “Người Piltdown” bị vạch trần bộ mặt lừa đảo. Nếu chết không phải là hết, liệu linh hồn Clarence Darrow có thấy xấu hổ vì vật chứng giả mà ông đã sử dụng trong tranh tụng hay không? Tất nhiên chúng ta có thể thông cảm với ông, bởi xét cho cùng ông cũng là một nạn nhân của sự lừa đảo này – vụ lừa đảo vĩ đại nhất trong lịch sử khoa học mà nạn nhân của nó đến hôm nay đang có mặt trên khắp thế giới vẫn không biết rằng mình đã và đang bị lừa đảo.
Bình luận bổ sung:
1/ Ngoài vụ lừa đảo người Piltdown, còn nhiều vụ lừa đảo khác làm bằng chứng giả cho thuyết tiến hóa, như vụ “phôi thai Haeckel”, vụ “Chim khủng long”, vụ “Bướm đêm”, v.v. Lịch sử thuyết tiến hóa chứa đựng rất nhiều vụ lừa đảo, có lẽ là nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực khoa học. Cần có một thống kê đầy đủ số lượng những vụ lừa đảo của thuyết tiến hóa. Cần chỉ rõ vụ lừa đảo nào đến nay vẫn đang tiếp tục đánh lừa được nhiều người, đặc biệt là học sinh. Việc này rất cần thiết, vì một khi tuổi trẻ bị tiêm nhiễm những kiến thức sai lầm sẽ rất khó sửa chữa sau này. Thực tế là có nhiều người lớn bị tiêm nhiễm thuyết tiến hóa từ thời học sinh, đến khi được cảnh báo rằng đã bị đánh lừa, họ vẫn không muốn tin là mình bị đánh lừa, do đó đã vô tình ngoan cố chống lại sự thật.
2/ Phải chất vấn các nhà tiến hóa rằng nếu thuyết tiến hóa đúng, tại sao phải ngụy tạo bằng chứng để lừa đảo?
3/ Số lượng lớn những vụ lừa đảo trong thuyết tiến hóa cho thấy nỗi lo lắng của Darwin là hoàn toàn đúng – Darwin đã tỏ ra vô cùng lo lắng khi thấy không có bằng chứng hóa thạch ủng hộ lý thuyết của ông, đến nỗi ông đã dành hẳn 2 chương trong cuốn “Về nguồn gốc các loài” để thảo luận về vấn đề này.
4/ Những vụ lừa đảo về tiến hóa đã bị che đậy trên sách báo, trong sách giáo khoa, trên các đài truyền hình,… vì thế rất nhiều người không biết gì về những vụ lừa đảo này, tiếp tục tin tưởng thuyết tiến hóa. Hiện tượng này đã trở thành một xu hướng chống khoa học (anti-sciencific) ngay trong giới khoa học.
5/ Rất nhiều người tin vào thuyết tiến hóa đã không đủ dũng cảm nhìn vào những sự thật phản bội lại niềm tin của họ, vì thế họ chống lại sự thật bằng những lý lẽ ngoan cố, né tránh những câu hỏi của những người phê phán thuyết tiến hóa. Họ cãi rằng những vụ lừa đảo về tiến hóa là lỗi lầm của một số cá nhân, thay vì của thuyết tiến hóa. Họ cố tình bịt mắt trước một sự thật rõ như ban ngày rằng thuyết tiến hóa không có bằng chứng nên phải bịa ra bằng chứng. Đây là truyền thống của thuyết tiến hóa.
6/ Tôi rất kính trọng nhà sinh học tiến hóa Stephen Jay Gould khi ông tuyên bố: “Tôi nghĩ chúng ta có quyền cảm thấy kinh ngạc và xấu hổ vì hành vi tái sử dụng cái lý thuyết này một cách mất lý trí trong suốt cả thế kỷ, dẫn đến tình trạng các hình vẽ đó vẫn tồn tại dai dẳng trong một số lượng lớn, nếu không phải là đại đa số, các sách giáo khoa hiện đại”. Theo tôi biết, Jay Gould đã phủ nhận thuyết tiến hóa Darwin khi ông phủ nhận sự tiến hóa liên tục – tiến hóa dần dần từng tí một trải qua một thời gian vô cùng dài hàng trăm triệu năm dẫn tới biến đổi loài. Gould đưa ra một kiểu tiến hóa mới, đó là tiến hóa theo kiểu “đâm chồi” từng đợt. Mặc dù kiểu tiến hóa do Gould nêu ra cũng SAI, nhưng với tư cách là một nhà tiến hóa có uy tín lớn trên thế giới, việc ông phủ nhận kiểu tiến hóa liên tục của Darwin đã đủ để chứng tỏ thuyết tiến hóa là SAI. Nói cách khác, sự chia rẽ trong các nhà tiến hóa hiện nay là bằng chứng cho thấy thuyết tiến hóa chỉ là một GIẢ THUYẾT, không có chứng minh khoa học vững chắc. Một lý thuyết khoa học thực sự không thể gây ra chia rẽ lớn đến như thế, kéo dài hơn 150 năm nay.
7/ Dựa trên những căn cứ khoa học đã biết, dựa trên toán học, dựa trên ý kiến của nhiều nhà khoa học đáng kính về chuyên môn và đạo đức, tôi tiên đoán: Thuyết tiến hóa sẽ bị khai tử trong nửa đầu thế kỷ 21. Hiện nay nó đang ốm – ốm ngày càng nặng rồi. Ngày cáo chung của nó không xa, như tuyên bố của nhà sinh học Thụy Điển Soren Lovtrup: “one day the Darwinian myth will be ranked the greatest deceit in the history of science” (đến một ngày câu chuyện hoang đường của Darwin sẽ được xếp hạng như sự lừa đảo lớn nhất trong lịch sử khoa học).
Tác giả: Gs Phạm Việt Hưng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vùng đất cuối cùng của vương quốc Champa nay là hai tỉnh nào của nước ta?

Vanvn - Tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận nguyên là vùng đất Panduranga – phần lãnh thổ cuối cùng của vương quốc cổ Champa (hay còn gọi l...