Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

TRI KỶ - Thơ Đức Hùynh




Quen biết đầy thiên hạ
Tri kỷ có mấy người?
Thế gian mua bán nụ cười
Thấu hiểu con người sao quá khó?

Sĩ vị tri kỷ giả tử
Nữ vị duyệt kỷ giả dung * (1)
Sống trên đời muôn sự của chung
Sao nhận biết anh hùng hay khiếp nhược?

Tri thiên mệnh, còn lo chi mất được (2)
Chỉ dửng dưng nhìn ngắm sự đời
Giữ cho lòng im lắng, thảnh thơi
Thấu hiểu có, vài ba tri kỷ…

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất cơ đầu bán cú đa.         (3)
Thất hiền xưa, nương náu Trúc Lâm (4)
Mặc thế sự, tỉnh say say tỉnh…

Chàng Nguyễn Tịch, mắt xanh mắt trắng
Lưu Linh say bất kể đêm ngày
Khúc Quảng lăng, này hỡi Kê Khang (5)
Có giữ được, tuyệt tác này cho hậu thế?

Quản Di Ngô dẫu tài năng tuyệt thế
Ai nhận ra, nếu không có Bảo Thúc Nha (6)
Ở trên đời không thiếu kẻ tài ba
Tìm Tri Kỷ, hiểu ta chừng không dễ…
Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân giả
Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ? * (7)
Than ôi! Tri Kỷ mấy người…


Note: Nguồn Internet

(1) Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ
Người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình.
Sách Sử ký ghi lại, Dự Nhượng vốn là người nước Tần đến nước Tấn. Trước ông theo hầu họ Phạm, sau lại thờ họ Trung Hàng nhưng đều chỉ là bậc khách thường, không ai biết tới. Họ Phạm và họ Trung Hàng bị diệt, Dự Nhượng tới thờ Trí Bá Dao, người đứng đầu họ Trí có quyền lực lớn nhất ở nước Tấn, và được Trí Bá Dao hết mực khoản đãi như bậc thượng khách.
Năm 455 TCN, Trí Bá đem quân đánh họ Triệu, một gia tộc lớn khác ở nước Tấn, nhưng bị Triệu Tương tử lập kế liên kết cùng họ Hàn và họ Ngụy đánh cho đại bại. Họ Trí bị diệt, phần đất của họ Trí bị ba họ còn lại chia nhau lập nên Tam Tấn, riêng Trí Bá Dao bị Triệu Tương tử giết rồi lấy đầu lâu sơn lại để làm đồ đựng rượu vì oán hận Trí Bá Dao.
Dự Nhượng biết tin chủ bị giết đành phải trốn vào núi và thề trả thù cho họ Trí, Sử ký đã ghi lại lời của ông như sau:
“           Than ôi! Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ! Người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình. Nay Trí Bá biết ta, ta phải liều chết báo thù để đền ơn, có thế hồn phách ta mới khỏi xấu hổ!            ”
Quyết tâm trả thù, Dự Nhượng thay tên đổi họ rồi xin vào làm người hầu trong cung, trong người luôn mang theo chủy thủ để tìm cơ hội hành thích Triệu Tương tử. Tuy nhiên Triệu Tương tử cảm thấy bất an bèn bắt Dự Nhượngtra hỏi và phát hiện ra âm mưu báo thù của ông, coi Dự Nhượng hành động như vậyl à kẻ hiền, Triệu Tương tử tha chết cho ông và thả cho Dự Nhượng đi.
Không chịu bỏ cuộc, Dự Nhượng tự hủy hoại dung nhan và giọng nói khiến cho đến vợ ông cũng không thể nhận ra chồng khi Dự Nhượng giả làm ăn xin ngoài chợ. Biết tin Triệu Tương tử ra khỏi cung, Dự Nhượng giả dạng ăn mày nấp dưới cầu định thừa cơ hành thích, tuy nhiên khi xa giá của Tương tử tới nơi thì con ngựa của Tương tử bất chợt sợ hãi, Triệu Tương tử đoán ngay rằng đây là Dự Nhượng đang định hành thích mình. Dự Nhượng bị bắt, khi Triệu Tương tử hỏi ông rằng tại sao đã thờ ba đời chủ mà vẫn hết lòng trả thù cho Trí Bá Dao như vậy, Dự Nhượng đáp:


“           Tôi thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, họ xem tôi là hạng người thường nên tôi báo đáp họ theo lối người thường. Còn như Trí Bá đối đãi với tôi như người quốc sĩ, nên tôi phải báo thù theo lối quốc sĩ.          ”
Triệu Tương tử nghe vậy biết rằng mình không thể lung lay quyết tâm báo thù của Dự Nhượng nên đành phải cho quân sĩ giết ông. Trước lúc chết, Dự Nhượng xin Tương tử đưa áo đang mặc để ông đâm vào đó cho thỏa lòng báo thù, chết khỏi ân hận. Tương tử đưa áo, Dự Nhượng bèn đâm vào đó mấy lần rồi đâm cổ tự vẫn. Kẻ sĩ nước Triệu nghe chuyện Dự Nhượng chết ai nấy đều không khỏi bùi ngùi.
(2) Ngũ thập tri thiên mệnh: Tuổi 50 mới biết mệnh trời.
(3) Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
      Thoại bất cơ đầu bán cú đa.  
Nghĩa là: Uống rượu gặp người tri kỷ thì ngàn chén vẫn ít; nói chuyện với người không tâm đầu ý hợp thì nửa câu đã là nhiều.     
Có bản khác viết là:
Thoại bất đầu cơ bán cú đa hay Thoại bất đồng tâm bán cú đa.  
Đó là hai câu đầu trong bài tứ tuyệt của nhà thơ Âu Dương Tu đời Tống.
(4) (5) Trúc Lâm Thất Hiền là thành ngữ dùng để chỉ bảy người hiền sinh sống vào khoảng cuối đời nhà Ngụy, đầu nhà Tấn ở bên Tàu ngày xưa, vào thời gian giữa những năm 200 - 300 sau Tây Lịch. Bảy người hiền đó là các ông: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung,Nguyễn Hàm
Gọi là Trúc Lâm Thất Hiền vì bảy ông này hay gặp nhau ở rừng trúc đàn ca, ngâm vịnh, bàn bạc văn chương và say túy lúy.

                                 
Xin được nói sơ qua về bảy ông hiền :

Ông Nguyễn Tịch , chú của ông Nguyễn Hàm trong Thất Hiền,  làm quan đời nhà Tấn rồi cáo bệnh về ở ẩn . Ông thích đánh đàn và uống rượu nên đã từng xin vào làm việc nấu rượu trong quân đội . Có lần ông uống say bí tỉ trong vòng sáu mươi ngày, gọi là"cuồng Túy" .  Tròng mắt ông có thể đổi màu . Thích ai thì ông nhìn với con mắt màu xanh, ghét ai thì ông nhìn với lòng mắt màu trắng . Thành ngữ "mắt xanh" có từ điển tích này đây. Ý niệm về xã hội của ông là một chính thể không vua, không bày tôi, không người giàu, không người nghèo . Theo ông xã hội đó không bị thiên lệch, không tham, không oán .  Tuy ông có ý nghĩ khi quân nhưng vua Tấn để ông ở yên . Ý niệm về xã hội này của ông Nguyễn Tịch chỉcó thể có  trên giấy tờ hay chỉ có thể có được khi con người đã bị chích thuốc mê để hết "tham, sân, si" . Ý niệm này không phải là một xã hội vô chính phủ (anarchie) mà theo triết gia Plato người Hy Lạp thì xã hội này có thể có . Nó đi từ chế độ dân chủ (démocracie) qua chế độ mỵ dân (populisme) rồi đến vô chính phủ  (anarchie) .Ngày nay trên thế giới, tại các nước văn minh vật chất, chúng ta đang sống trong chính thể mỵ dân . 

Ông Kê Khang, tên thật là Khuê Khang, sống trong thời nhà Nguỵ, lúc Tư Mã Chiêu đang chuyên quyền . Sau vì có chuyện thù hằn nên ông bỏ vào ở ẩn ở núi Kê nên gọi là Kê Khang . Ông có biệt tài cầm, kỳ, thi, họa tuy rằng ông không thụ giáo ai . Một ngày kia ông gặp một dị nhân hàn huyên về âm nhạc và dạy lại cho ông bài Khúc Quảng Lăng, đánh lên nghe rất êm ái như nước chảy, mây trôi . Người sau nghĩ rằng hai bài Lưu Thủy , Hành Vân phôi thai từ đây . Ông Nguyên Khang chủ trương khinh Khổng Giáo và trọng đường lối của LãoTử, Trang Tử . Khinh vua Thang, Võ vương, Văn vương, Khổng Tử . Về sau triều đình viện vào cớ này mà kết ông bị án tử hình . Khúc Quảng Lăng đã mất từ đây.  Tuy ông Nguyễn Tịch và Kê Khang sinh cùng thời, cả hai cùng giả cuồng si để sống nhưng ông Nguyễn Tịch thì sống vì cuồng mà ông Kê Khang lại chết vì cuồng .

Ông Lưu Linh, tự là Bá Lân, hình dung xấu xí , uống rượu không bao giờ say  và có tửu lượng hơn hẳn sáu ông hiền kia . Lưu Linh coi sự vật đều nhỏ thó và hay uống rượu để quên đời . Bài thơ "Tửu Đức Tụng" ông viết hàm chứa nhiều ý nghĩa sống của Lão Tử .

Ông Sơn Đào học rộng hơn sáu ông hiền kia . Làm quan dướithời nhà Ngụy rồi nhà Tấn, rất được vua Tư Mã Viêm tin tưởng . Ông có tài nhìnngười và hay tiến cử người hiền .  Có lầnông dâng sớ tiễn dẫn ông hiền Kê Khang nhưng Khi Kê Khang biết được liền viếtbài "Tuyệt Giao Sơn Đào" để mỉa mai Sơn Đào ham danh lợi rồi tuyệtgiao . Sơn Đào không vì thế mà giận hờn Kê Khang một mẩy .

Ông Hướng Tú, tự Tử Kỳ, bạn thơ ấu với Sơn Đào . Hướng Tú học rộng, biết nhiều , đã từng viết sách chú giải sách Nam Hoa Kinh của TrangTử .

Ông Vương Nhung có con vừa mãn đời, bạn là Sơn Giản đến thăm thấy Vương Nhung khóc mới khuyên đừng khóc . Vương Nhung trả lời : Thánh nhân đã quên hết tình cảm nên không khóc, thứ dân chưa bao giờ biết đến tình cảm .Bọn ta còn biết tình cảm tất phải khóc . Sơn Giản khóc theo .

Ông Nguyễn Hàm, cháu Nguyễn Tịch . Cả hai thích uống rượu .Khi hai chú cháu gặp nhau uống từng vò . Thú vật thích uống hai ông cũng để yên cho uống, không xua đuổi . Hai ông coi mọi vật bình đẳng .

Trúc Lâm Thất Hiền giỏi văn thơ, uống rượu để quên đời,ngông cuồng, ngạo mạn để che mắt triều đình . Họ chi trích Khổng Giáo, đề cao Lão Tử, Trang Tử . Tư tưởng và cách sống của họ tạo nên một trường phái lãng mạn gọi là Phong Lưu .

(6) Đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tự là Trọng, vốn người có tài kinh bang tế thế. Ngày còn hàn vi chưa gặp thời, thường cùng bạn là Bảo Thúc Nha đi buôn chung. Lúc chia lời, Quản Trọng thường lấy phần hơn. Người ngoài thấy thế bất bình, nhưng Bảo Thúc Nha vui vẻ nói:
- Quản Trọng không phải tham mà lấy tiền ấy, chỉ vì gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ nên ta cũng bằng lòng nhường cho hắn.

Quản Trọng ở chỗ chợ búa thường bị lắm kẻ dọa nạt, hà hiếp mà không một lời phản kháng. Mọi người cười cho là hèn mạt, nhu nhược, nhưng Bảo Thúc Nha cho bạn là người khoan dung.

Quản Trọng thường đàm luận cùng Bảo Thúc Nha nói nhiều điềusai lầm. Thúc Nha nói:
- Đó là con người chưa gặp vận, chớ lúc gặp thời thì trăm việc không hỏng việc nào.

Lúc theo việc quân, mỗi khi ra trận thì Quản Trọng đi sau,khi thu quân về thì Quản Trọng đi trước. Mọi người đều chế giễu cho là nhát.Bảo Thúc Nha nói:
- Quản Di Ngô nào phải nhát gan, chỉ vì người còn mẹ già nên phải giữ thân thể để phụng dưỡng mẹ.

Quản Trọng ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, người người đều khinh. Nhưng Thúc Nha nói:
- Di Ngô không phải là kẻ không ra gì, vì chưa gặp thời,chưa gặp được vua hiền mà thôi.

Về sau, Quản Trọng phò công tử Củ, Bảo Thúc Nha phò công tử Tiểu Bạch. Công tử Củ và công tử Tiểu Bạch vốn là anh em khác mẹ tranh ngôi nhau. Công tử Củ thất bại ở nước Lỗ, bị vua nước Lỗ giết chết. Vua Lỗ lại bắt Quản Trọng và Thiệu Hốt là người phò công tử Củ nộp cho Tiểu Bạch tức Tề Hoàn công đương làm chúa nước Tề.

Thiệu Hốt tự tử. Còn Quản Trọng thì chịu làm tên tù, và chịu tội với Tiểu Bạch vì trước kia đã bắn vào đai bụng của Tiểu Bạch. Mến tài của Quản Trọng và do Thúc Nha tiến cử, Tiểu Bạch dùng Quản Trọng làm tướng quốc.

Người ta chê Quản Trọng không giữ được khí tiết như ThiệuHốt. Nhưng Thúc Nha lại bảo:
- Di Ngô nhẫn nhục thờ Hoàn công không phải vô sỉ mà làngười không câu chấp những tiểu tiết thường tình. Đó chính là kẻ có chí làm lợi cho cả thiên hạ.

Sau này, khi Quản Trọng sắp chết, vua Tề hỏi có nên cử BảoThúc Nha làm tể tướng thay vào vị trí của Quản không, thì Quản Trọng liền bác đi: Làm tể tướng phải giỏi chính trị, mà chính trị vốn hay trí trá; Bảo Thúc Nha là bậc quân tử, yêu điều thiện, ghét điều ác, tà chính phân minh, không thể làm chính trị được, vậy chớ nên giao chức tể tướng.

Có người trách Quản Trọng vong ân bạc nghĩa với bạn, thì BảoThúc Nha liền nói:
- Đó là anh Quản Trọng biết lấy nghĩa công đặt trên tình riêng, vì nước chứ không vì bạn. Chẳng uổng công ta đã tiến cử anh ấy với vua.

Những lời Bảo Thúc Nha thanh minh cho mình thì Quản Trọngđều biết rõ.
 Cho nên Quản Trọngrất cảm khái than rằng:
 "Sinh ra ta ấy là cha mẹ, nhưng hiểu ta trên đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi" (Sinh ngã giả, phụ mẫu dã; tri kỷ giả, Bảo Thúc Nha dã).
Câu nói nổi tiếng của Quản Trọng đã đi vào sử sách trong khoảng gần 2.500 năm nay. Hai chữ tri kỷ ở Trung Hoa và Việt Nam trở thành một từ rất đẹp; sống trên đời này ai có được bạn tri kỷ thì sung sướng, hạnh phúc vô cùng, vì đó là người hiểu được hết tâm tư, tình cảm sâu kín của mình.
(7) Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân giả
      Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ? *
Trích Luận Ngữ Lời Khổng Phu Tử có nghĩa là:
( Đừng lo người không biết mình, hãy lo là mình không biết người
 Người không biết ta, ta không oán trách, há chẳng phải là quân tử sao? ).

Cảm ơn đã đọc Note dài dòng này.- ĐỨC HÙYNH

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                      Chữ TÂM   TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên...