Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

CHỬ NHO DỄ HỌC...MÀ HỌC KHÔNG DỄ (Bài 33)- Đỗ Chiêu Đức

Các bô 11 nét ( tt và hết )
                                 鹿    

         Như thường lệ, trước khi bắt đầu bài viết mới, ta giải đoán câu đố của bài viết trước :
                  Ngã vô tha hữu,     我無他有,
                  Thiên vô địa hữu.   天無地有。
                  Hồ vô trì hữu,        湖無池有,
                  Dĩ lệ dã hữu !         迆邐也有。
Có nghĩa :
                    Ta không có hắn có,
                    Trời không có đất có.
                    Hồ không có ao có,
                    Lần lược rồi cũng sẽ có !
Giải Đáp :
      Chữ NGÃ thì không có, chữ THA 他 thì có chữ DÃ 也 bên phải.
      Chữ THIÊN không có, chữ ĐỊA 地 cũng có chữ DÃ 也 bên phải.
      Chữ HỒ không có, nhưng chữ TRÌ 池 thì có chữ DÃ 也 bên phải.
      Chữ DĨ LỆ 迆邐 cũng có chữ DÃ 也 ở bên trên chữ DĨ  迆.
      Bốn câu đều xoay quanh chữ DÃ 也 là CŨNG.
      DÃ là Phó Từ ( Trạng Từ ), như : Nễ khứ, ngã DÃ khứ 你去,我也去 là " Anh đi, tôi CŨNG đi ". Khi nằm ở cuối câu thì DÃ 也 là Trợ Từ, như : Ngã khứ DÃ 我去也!là " Ta đi ĐÂY !". Xem phim Tây Du Ký, trước khi cân đẩu vân bay lên trời, ta hay nghe Tôn Ngộ Không nói : " Lão Tôn khứ dã 老孫去也 !". Có nghĩa là : Lão Tôn đi đây !.
      DÃ 也 là một trong bốn HƯ TỪ của cổ văn mà các thư sinh ngày xưa luôn luôn đọc với cái đầu lắc lư " CHI HỒ GIẢ DÃ 之乎者也 !". Như :
          Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã !
           知  之 為 知 之, 不  知 為  不 知,是  知  也!
Có nghĩa :
      Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, là biết đó vậy !.
Hoặc :
          Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ ?
            有    朋    自   遠     方     來,不   亦   樂   乎?
Có nghĩa :
      Có bạn từ phương xa đến thăm, chẳng vui lắm hay sao ?
Hoặc như :
          Tri ngã giả vị ngã tâm ưu,        知我者謂我心憂,
          Bất tri ngã giả vị ngã hà cầu ?  不知我者謂我何求?
Có nghĩa :
      Người biết ta thì bảo rằng ta buồn, còn...
      Người không biết ta thì bảo ta còn đòi hỏi gì nữa đây ?!
Hoặc như: 
          Học dã hảo, bất học dã hảo !     學也好,不學也好。
          Học giả như hòa như đạo,          學者如禾如稻,
          Bất học giả như cảo như thảo !   不學者如稿如草。
Có nghĩa :
      Học cũng tốt mà không học cũng tốt, nhưng...
      Người có học thì như cây lúa, như hạt lúa, còn ...
      Người không có học thì như rơm như cỏ.

             Image result for 知我者謂我心憂 不知我者謂我何求
                     Bất tri ngã giả, vị ngã hà cầu ?!

4. BỘ MA  :
    MA : là cây ĐAY, cây GAI, Miền Nam gọi là cây BỐ. MA 麻 là chữ Hội Ý theo diễn tiến của chữ viết như sau :
      Nét viết       Kim Văn      Đại Triện     Tiểu Triện     Lệ Thư
  筆 順
金文大篆小篆
 隸書
Ta thấy :
     Từ Kim Văn đến Đại Tiểu Triện đều viết theo bộ Nghiễm 广 là cái Chái nhà, bên dưới là 2 chữ Mộc 木 chỉ rất nhiều cây được thu hoạch để lấy vỏ chế biến và kéo sợi dây đay, chỉ đay ( dây bố ) ... dùng để dệt vải, dệt chiếu... Nên, MA 麻 chỉ chung các loại cây Đay, cây Bố...
     MA 麻 còn là Vừng, Miền Nam gọi là Mè; Muối Vừng là Muối Mè.
     CHI MA 芝麻 : là từ kép chỉ Hạt Mè. Ta có 2 loại Mè Đen và Mè Trắng. Chè Mè Đen rất nổi tiếng ở các quán bán đồ ngọt của người Hoa mà ta quen gọi là " Chí-mà-Phủ ", đó là phiên âm theo tiếng Quảng Đông của từ CHI MA HỒ 芝麻糊 : là Hồ được khuấy bằng Mè Đen, vì có đường ngọt nên ta gọi là Chè !
     Ngoài " Chí-Mà-Phủ " ra ta còn có MA TƯƠNG 麻酱 là Tương Mè và MA DU 麻油 là Dầu Mè, 2 món gia vị không thể thiếu của nhà bếp, nhất là đối với món Mì khô và "Hoành Thánh 雲吞", nếu không có Dầu Mè sẽ không ngon tí nào cả !
    MA 麻 còn là chất gây tê, ta có từ MA MỘC 麻木 là Tê Cứng (như cây ). MA TÚY 麻醉 là Gây tê, gây mê. MA TÚY DƯỢC 麻醉藥 là Thuốc gây mê. MA TÚY còn là chất làm cho thần kinh của con người rơi vào trạng thái lơ lơ lửng lửng. Ta có thành ngữ :
    MA MỘC BẤT NHÂN 麻木不仁 : là Lương tâm đã bị chay cứng, mất hết lòng nhân từ, Ta nói là " Lương tâm bị chó tha rồi !". 
    MA KIỂM 麻臉 : Không phải là Mặt Mè, mà là Mặt Rổ. Dân miền Bắc nói là " Mặt rổ hoa mè !". Người Miền Nam thì phân biệt, rổ ít thì nói là " Mặt rổ duyên !", còn rổ nhiều thì nói là " Mặt rổ chằn !".
    Khi được xấp đôi lên thành MA MA 麻麻 thì có nghĩa như MỜ MỜ ( Hình dung từ ) của ta vậy. Ví dụ :
    MA MA HẮC 麻麻黑 : là Mờ Mờ Tối ( Trời chưa tối hẵn ).
    MA MA LƯỢNG 麻麻亮 : là Tờ Mờ Sáng ( Trời vừa hừng sáng ).
    Image result for cây đay dệt vải Image result for cây đay dệt vải 
             Cây Đay để Kéo sợi và để lấy chỉ dệt vải

        Có tất cả 8 chữ được ghép bởi bộ MA nầy. Tiêu biểu có :
   HUY 麾 : là Lá cờ dùng để chỉ huy quân đội. Như :
   HUY CHÚNG 麾眾 : là Chỉ huy quần chúng.
   HUY QUÂN 麾軍 : là Chỉ huy quân đội.
   HUY QUÂN TIỀN TIẾN 麾軍前進 : là Phất cờ Chỉ huy cho quân đội tiến lên ! Theo Nam Sử, Lương Võ Đế Kỷ Thượng có câu :
   VỌNG HUY NHI TẤN, THÍNH CỔ NHI ĐỘNG ,  : là Nhìn theo lá cờ chỉ huy mà tiến lên, nghe theo tiếng trống mà điều động quân binh.
  
5. BỘ MẠCH   :
    MẠCH : là Lúa Mạch, lúa Mì. MẠCH 麥 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của cây lúa mạch, lúa mì, cây bắp. MẠCH 麥 là một trong ngũ cốc quan trọng để nuôi sống con người.
     MẠCH 麥 là lúa Mì, cho ta Bột Mì để làm Bánh Mì và các thực phẩm được chế biến bằng bột mì. Mộng của lúa mạch còn cho ta Mạch Nha 麥芽 để làm đường làm kẹo. Lúa Mạch còn dùng để ủ  thành MẠCH TỬU 麥酒 là Rượu mạch như rượu nếp của ta vậy.
     MẠCH PHẠN ĐẬU CANH 麥飯豆羹 : là Cơm bằng lúa mì Canh bằng Đậu, Chỉ bửa ăn đạm bạc của nhà nông mà ta thường nói là : Cơm Canh Đạm Bạc.
   
                                          
     MẠCH PHIẾN 麥片 : là lúa mạch non ép thành thực phẩm khô như Cớm dẹp của ta, có thể châm nước sôi hoặc nấu thành thực phẩm mặn ngọt đều được cả. Ở Mỹ gọi là Oatmeal là thực phẩm ăn sáng hoặc tối rất tốt cho sức khoẻ của người già và trẻ em.
     MẠCH GIA 麥加 : là Mecca tên đầy đủ là Makkah al-Mukarramah. Tiếng Ả Rập: مكّة المكرمة) là thành phố thánh địa của đạo Hồi, thuộc lãnh thổ Ả Rập Xê Út.
       Theo quy định của đạo Hồi, mỗi giáo dân ít nhất một lần trong cuộc đời phải hành hương về thánh địa Mecca bằng chính kinh phí của bản thân mình và trước khi đi phải chuẩn bị thức ăn thức uống cho người thân (những người ở nhà, không đi hành hương) trong thời gian mà họ đi vắng. Vào tháng Ramadan, người Hồi giáo hành hương về đây (và chỉ có người Hồi giáo mới được về đây). Sau khi hành hương đến Mecca, tín đồ đạo Hồi sẽ có được danh hiệu là "Haj" hoặc "Haji".
        Với dân số 1.700.000 (2008), thành phố có vị trí 73 km (45 dặm) từ nội địa Jeddah trong một thung lũng hẹp ở độ cao 277 m (909 ft) trên mực nước biển.
        Mỗi năm, hàng triệu người Hồi giáo thực hiện Hajj hành hương đến Mecca đi bộ bảy lần quanh tòa nhà khối lập phương Kaaba và hơn 13.000.000 người thăm Mecca hàng năm. 
 
           Image result for Nước Mecca 
                    Thánh địa Mạch Gia : Mecca

     ĐAN MẠCH 丹麥 : (tiếng Đan Mạch: Danmark) là một quốc gia thuộc vùng Scandinavia ở Bắc Âu và thường được gọi là Vương quốc Đan Mạch. Đan Mạch nằm ở vùng cực nam của các nước Nordic, nằm phía Tây Nam của Thụy Điển, phía Nam của Na Uy và cũng giáp với Đức về phía Nam. Đan Mạch giáp cả biển Baltic và biển Bắc. Đan Mạch bao gồm một bán đảo lớn, Jutland (Jylland) và nhiều đảo khác, được biết đến nhiều nhất là Zealand (Sjælland), Funen (Fyn), Vendsyssel-Thy, Lolland, Falster, Bornholm, và hàng trăm đảo nhỏ thường được gọi là quần đảo Đan Mạch. Đan Mạch từ lâu đã kiểm soát cửa ngõ vào biển Baltic. Trước khi có kênh đào Kiel, nước chảy vào biển Baltic qua ba eo biển được gọi là những eo biển Đan Mạch.
                                     Đất nước Đan Mạch

       Có tất cả 18 chữ được ghép bởi bộ MẠCH nầy, tiêu biểu có chữ :
     MIẾN 麵 : là Mì. Ta có các dị bản của chữ MIẾN như sau :
                    麵,   麪,   麫,   糆,   麺,   面,   靣.
     MIẾN PHẤN 麵粉 : là Bột mì.
     MIẾN BAO 麵包 : là Bánh Mì, chớ hổng phải Bánh Bao, Vì bánh bao gọi là  BAO TỬ 包子.
     MIẾN ĐIỀU 麵條 : là Mì sợi.

6. BỘ ĐIỂU  :
    ĐIỂU   : là Chim. ĐIỂU 鳥 là chữ Tượng Hình, theo diễn tiến của chữ viết như sau :
 Nét viết金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Kim Văn đến Đại Triện đều là hình tượng của con chim đang đậu trên cành, mỏ hướng về phía trước, nhưng sang Tiểu Triện thì con chim quay đầu nhìn lại phía sau. ĐIỂU 鳥 là từ chỉ chung tất cả các loài chim. Như : Phụng Điểu 鳳鳥, Đà Điểu 鴕鳥 ...
     ĐIỂU SÀO 鳥巢 : là Ổ Chim. Yến Sào 燕巢 là Tổ Én.
     ĐIỂU THÚ TRÙNG NGƯ 鳥獸蟲魚 : là CHIM THÚ SÂU CÁ. Là Chim chóc, Muông thú, Sâu bọ và Cá tôm. Bốn loại cầm thú sâu bọ sống chung quanh với đời sống con người. 
     ĐIỂU NGỮ HOA HƯƠNG 鳥語花香 : Ta nói là : Hoa thơm Chim hót, thành ngữ dùng để tả cảnh đẹp của mùa xuân.
     ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG 鳥盡弓藏 : Chim hết cất cung, là Chim đã hết rồi thì Cung đã không còn được dùng nữa, nên đem đi cất. Đã hết lợi dụng được nữa thì cất đi. Câu nầy nghe còn nhẹ hơn câu " Vắt chanh bỏ vỏ " của ta nhiều, nhưng tích của nó thì nghe phũ phàng thảm khốc hơn cả " Vắt chanh bỏ vỏ " bội phần ...
      Theo Thuyết Lâm Huấn của sách Hoài Nam Tử có câu : " Giảo thố đắc nhi liệp khuyển phanh, Cao điểu tận nhi cường nổ tàng 狡兔得而猎犬烹,高鸟尽而强弩藏 ". Có nghĩa " Đã bắt được con thỏ giảo quyệt rồi thì nướng con chó săn luôn. Con chim bay cao đã bị bắn rớt rồi thì cất đi cây cung nỏ mạnh ". Và theo Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia của Sử Ký kể :
       Phạm Lãi là tướng mạnh và là một trong những mưu thần chủ yếu của Việt Vương Câu Tiễn. Ông đã cùng với Văn Chủng, một mưu sĩ bậc nhất, giúp Câu Tiễn lên kế hoạch phục thù, kiêm cả ngầm huấn luyện chỉ huy quân đội tiêu diệt Ngô Vương Phù Sai,xưng bá trung nguyên. Sau khi diệt Ngô, vì là mưu sĩ và là công thần bậc nhất, nên Việt Vương Câu Tiễn phong Phạm Lãi là Thượng Tướng Quân và Văn Chủng là Thừa Tướng. Phạm Lãi đã không nhận tước phong, từ quan ra đi, ẩn cư ở nước Tề. Vì lo cho số phận của Văn Chủng, Phạm Lãi đã lén cho người đem thư về khuyên bạn hãy từ quan mà ra đi như mình, vì Câu Tiễn là người tâm địa hẹp hòi, chỉ có thể cùng chung hoạn nạn chứ không thể cùng chung phú qúy được. Phải luôn nhớ là " Phi điểu tận, lương cung tàn. Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh 飛鳥盡,良弓藏,狡兔死,走狗烹 ( Bắn hết chim bay thì cung cất lại. Bắt hết thỏ thì nướng chó săn)". Nhưng, Văn Chủng không tin là Việt Vương Câu Tiễn sẽ hại mình. Ông nghĩ, mình đã lập được công lớn như vậy, đây chính là lúc mình phải được hưởng thụ, sao lại phải bỏ đi, nên ông kiên quyết ở lại. Ít lâu sau, Câu Tiễn sai người ban cho Văn Chủng thanh kiếm mà Ngô Vương Phù Sai bắt Ngũ Tử Tư phải tự sát, kèm theo câu nói : " Tiên sinh dạy cho Qủa nhân 9 biện pháp để đối phó với nước Ngô. Qủa nhân chỉ mới dùng có 3 biện pháp thì đã tiêu diệt được nước Ngô rồi ! Bây giờ phiền tiên sinh đem 6 biện pháp còn lại xuống nói cho tiên đế biết đi !". Đến nước  nầy, Văn Chủng mới hỡi ôi, hối hận vì đã không chịu nghe lời khuyên của Pham Lãi. Sau tiếng than dài, ông ta bèn hươu gươm tự sát.
       Phần Phạm Lãi ẩn vào vùng Ngũ hồ kinh thương, thành một thương lái giàu có ở Động Đình Hồ, lại đổi họ tên thành Đào Chu Công. Theo truyền thuyết dân gian, Phạm Lãi khi từ quan đã lén dắt theo người đẹp Tây Thi để cùng ngao sơn ngoạn thủy, vui hưởng lạc thú nhân gian, thưởng ngoạn hết cảnh đẹp của vùng Ngũ hồ xinh tươi như tranh vẽ.

     
            






Câu Tiễn            

     Văn Chủng             Phạm Lãi

     KINH CUNG CHI ĐIỂU 驚弓之鳥 : là Chim đã từng sợ cung, ý nói Chim đã bị chết hụt vì cung một lần rồi. Theo tích sau đây :
      Theo Sở Sách Tứ của Chiến Quốc Sách kể về kế Hợp Túng thời Chiến Quốc như sau : Sứ của Triệu là Ngụy Gia gặp Xuân Thân Quân của nước Sở để bàn kế đánh Tần. Ngụy Gia hỏi :
   - Ngài đã có đại tướng chưa ? Xuân Thân Quân đáp :
   - Có ! Đại tướng của ta là Lâm Võ Quân. Ngụy Gia nói :
   - Lúc nhỏ tôi thích bắn cung, xin được lấy việc bắn cung làm ví dụ.
   - Được, nhà ngươi cứ nói. Ngụy Gia kể :
   - Xưa nước Ngụy có một thần tiễn thủ tên là Canh Doanh. Một hôm đang nói chuyện cùng Ngụy Vương, bỗng thấy có một con nhạn bay từ đông sang tây, ông ta bèn giương thẳng cung bắn mạnh một cái, không có tên, nhưng con nhạn vẫn rơi xuống đất. Ngụy Vương qúa ngạc nhiên hỏi : " Nhà ngươi không có bắn tên ra, sao con nhạn lại rơi xuống đất ?". Canh Doanh đáp rằng : " Con nhạn nầy bay rất thấp, tốc độ bay lại rất chậm, tiếng kêu lại bi thiết, nên tôi đoán là con nhạn bị lạc bầy, lại bị tiễn thương chưa lành, nên mới cố tình kéo mạnh dây cung cho bậc ra thành tiếng, con nhạn nghe tiếng dây cung bậc mạnh, hoảng qúa, cố vổ cánh để bay cao lên, nên vết thương vỡ ra không bay nổi nữa mà rớt xuống thôi !". Ngụy Vương cho lượm con nhạn tới xem thì qủa đúng như lời Canh Doanh đã nói. Nay Lâm Võ Quân đã từng là bại tướng của quân Tần, giống như con nhạn kia đã một lần bị thương vì tên rồi, trong lòng đà hoảng sợ; giờ lại cử ông ta đem binh đánh Tần, trong lòng ông ta đã ái ngại, lòng quân lại không yên, tôi nghĩ là chỉ có thua chớ không thể thắng được !.
       Xuân Thân Quân nghe xong, ngẫm nghĩ thấy có lý bèn thôi không cử Lâm Võ Quân đi đánh Tần nữa.
        

                   Kinh Cung chi Điểu : Chim đã sợ cung
     





(ảnh Lưu Khẩm Hưng
 Ta còn có câu :
       KINH CUNG CHI ĐIỂU KIẾN KHÚC MỘC NHI CAO PHI 驚弓之鳥見曲木而高飛。Có nghĩa: Con chim sợ cung (Bị cung tên bắn chết hụt một lần rồi ), nên thấy làn cây cong tưởng là cung cũng sợ mà bay cao lên. Trong Truyện Kiều lúc Bạc Bà khuyên Kiều lấy chồng, nàng đã đáp rằng:
                        Thiếp như con én lạc đàn,
                   Phải tên giờ đã sợ làn cây cong!      

     TỈ DỰC CHI ĐIỂU 比翼之鳥 : là Đôi chim so cánh cùng bay, ta nói là Đôi chim liền cánh, ý chỉ đôi chim khắn khít với nhau cùng bay cùng đậu, chớ không phải đôi chim có cánh dính liền với nhau. Thành ngữ nầy phát xuất từ 2 câu thơ áp chót của bài thơ trường thiên nổi tiếng của Bạch Cư Dị là Trường Hận Ca, tả lại mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi :
             Tại thiện nguyện tác tỉ dực điểu,  在天願作比翼鳥,
             Tại địa nguyện vi liên lý chi.        在地願為連理枝.
Có nghĩa :
     Trên trời thì nguyện làm đôi chim liền cánh để cùng bay,
     Dưới đất thì nguyện làm cây liền cành nhau để cùng đứng.
           
                       Chim liền cánh, Cây liền cành
                   
      Có tất cả 313 chữ được ghép bởi bộ ĐIỂU 鳥 nầy, tiêu biểu có chữ :
    CƯU 鳩 : Một loại chim sống theo con nước ven sông như Bìm Bịp, Tu Hú, có tiếng kêu oang oang như trong Kinh Thi, chương Quốc Phong, bài QUAN THƯ như sau :
                 關關雎鳩,   Quan quan thư cưu,
                 在河之洲。   Tại hà chi châu.
                 窈窕淑女,   Yểu điệu thục nữ,
                 君子好逑。   Quân tử hảo cầu.
Có nghĩa :
         Con chim thư cưu kêu oang oang trên các cồn bãi trên bến sông. Nàng con gái nhà lành yểu điệu đẹp đôi cùng chàng quân tử đàng hoàng.
                      Bìm bịp oang oác ven sông,
                 Nước lớn nướn ròng, ở giữa bãi xa.
                      Dịu dàng con gái nết na,
                Sánh cùng quân tử một nhà tốt đôi !

    UYÊN ƯƠNG 鴛鴦 : là một loài thủy điểu, có tên khoa học là  Aix galericulata, tiếng Anh gọi là Mandarin duck ( một loại vịt Tàu ), có hình dáng giống như con nhạn, nhưng mắt là mắt vịt; thường đi thành từng đôi : Một Trống một Mái. Con trống là UYÊN 鴛, con mái là ƯƠNG 鴦. Thường xuất hiện trong văn học cổ để chỉ sự khắng khít yêu thương, không nở xa rời của tình chồng vợ. Trong Truyện Kiều, tả đoạn Thúc Sinh thương nhớ Kiều khi cô đã bị Khuyển Ưng bắt về Vô Tích, cụ Nguyễn Du đã viết :
                       Lâm Truy từ thuở UYÊN bay,
              Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân.
                       Mày ai trăng mới in ngần,
                Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa !
       Thúc Sinh ngỡ Kiều đã bị thiêu chết, nên mới nhớ Kiều mà buồn, cụ Nguyễn Du lại hạ câu : " Lâm Truy từ thuở UYÊN bay ", nhưng UYÊN là con Trống. Lẽ ra câu thơ phải là : " Lâm Truy từ thuở ƯƠNG 鴦 bay" thì mới đúng hơn !
       Trong Quan Âm Thị Kính cũng có câu :
                         Nửa chăn để bụi đã dày,
                 Uyên Ương ước lại sum vầy nhơn duyên.
      Đọc Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung, không ai là không thích nhân vật Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, tuy già, võ công lại thuộc hàng sư tổ, mà tánh tính thì lại thích vui như trẻ nhỏ, nhưng khi nghe bà Thần Anh Cô đọc bài " Tứ Trương Cơ " thì lại xanh mặt chạy có cờ ! Thì ra, tuy mang tiếng Ngoan Đồng, nhưng Châu Bá Thông vẫn không thể thoát khỏi một chữ " tình ". " Tứ   Trương Cơ là một trong " Cửu Trương Cơ " một liên khúc từ nổi tiếng của đời Tống, như sau :
            四張機,                 Tứ trương cơ,
            鴛鴦織就欲雙飛,      Uyên ương chức tựu dục song phi,
            可憐未老頭先白。      Khả lân vị lão đầu tiên bạch.
            春波碧草,曉寒深處,Xuân ba bích thảo, hiểu hàn thâm xứ,
            相對浴紅衣。           Tương đối dục hồng y.
Có nghĩa :
      TỨ TRƯƠNG CƠ 四張機 là 4 máy dệt cùng dệt, mà cũng có nghĩa là : Mở máy dệt ra lần thứ Tư. 
        Cặp uyên ương vừa được dệt xong như muốn cùng chấp cánh bay lên, khá thương thay chưa già mà đầu đà bạc trắng. Giữa cảnh sóng xuân cỏ biếc hữu tình nầy, trong một buổi sáng trời còn se se lạnh ở chốn vùng sâu, ta cùng nhìn nhau mà giặt dãi yếm đào.
        Đây là bài ca tình tứ của đôi trai gái nhớ nhung và yêu nhau thắm thiết, chả trách khi nghe đến là Châu Bá Thông co giò lên chạy tuốt chẳng dám ngoảnh đầu nhìn lại.
                   Tứ trương cơ,
                   Uyên ương dệt mộng muốn cùng bay,
                   Chưa già tóc bạc khá thương thay.
                   Sóng xuân cỏ biếc, sương lạnh vơi đầy,
                   Yếm đào dạ ngất ngây !
    Image result for 鴛鴦 Image result for 鴛鴦織就欲雙飛
                        Uyên ương chức tựu dục song phi

      AM THUẦN 鵪鶉 : là Chim Cút, một giống chim hình như con gà con, đầu nhỏ đuôi ngắn, tính nhanh nhẩu, hay nhảy nhót, con trống tính háo đấu, nuôi quen cho đá nhau chơi được. Giống chim nầy lông đuôi thường trụi lủi, trông như vá víu, nên gọi "thuần y" 鶉衣 hay "thuần phục" 鶉服 là quần áo rách rưới tả tơi, còn gọi là "huyền thuần" 懸鶉. Trong Liêu Trai Chí Dị 聊齋志異 của Bồ Tùng Linh, truyện Phiên Phiên 翩翩có câu : "Mệnh sinh giải huyền thuần, dục ư khê lưu 命生解懸鶉, 浴於溪流" : là Bảo chàng cởi áo rách ra, rồi ra khe suối mà tắm.    
      PHỤNG HOÀNG 鳳凰 : Còn đọc là Phượng Hoàng và còn được gọi là Đan Điểu ( Chim Đỏ ), Hỏa Điểu ( Chim Lửa ), tiếng Anh gọi là  Chinese Phoenix, là con chim được tôn xưng là vua của các loài chim theo truyền thuyết của Trung Hoa, và được xếp ngang hàng với loài Rồng trong văn hóa cổ đại. Phụng Hoàng có bộ lông vàng đỏ rực rỡ rất đẹp, Phụng là con Trống còn Hoàng là con Mái. Trong văn học cổ nổi tiếng với bản đàn " Phụng cầu kỳ Hoàng " của Tư Mã Tương Như làm cho giai nhân Trác Văn Quân nửa đêm phải cuốn gói đi theo. Cụ Nguyễn Du cũng đã mược bản đàn nầy để khoe tài đàn giỏi của Thúy Kiều là :
                       Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
                  Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?
       Tương truyền, Phượng Hoàng thường đậu trên cây Ngô Đồng, vì Ngô Đồng là vua của các loài cây, còn Phượng Hoàng là vua của các loài chim, đây là sự phối hợp đương nhiên, nhịp nhàng, hợp lý theo phong cách cổ điển. Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh có một câu hát vui như thế nầy :
                       Phượng Hoàng đậu nhánh sa kê,
               Ông thần sao không vật mấy thằng dê cho rồi !
      Không có Ngô Đồng nên Phượng Hoàng phải đậu tạm nhánh sa kê mà thôi ! Ngoài Phụng Hoàng ra ta còn có chim ...
      LOAN 鸞 : là một loại chim thuộc giống Phượng Hoàng, thường chỉ con mái, giống như chữ hoàng. Phượng thì có bộ lông màu đỏ thẳm, còn Loan hay Hoàng thì có bộ lông màu xanh. Ta thường gặp  thành ngữ dùng để chúc đám cưới là :

LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 : là Loan Phụng cùng hòa chung tiếng hót, chỉ vợ chồng hòa hợp vui vẻ thuận thảo với nhau.
     Image result for 鸞鳳和鳴 Image result for 鳳凰棲梧桐 Image result for 鳳凰棲梧桐  Image result for 鳳凰于飛
               Loan phụng hòa minh      Phụng hoàng vu phi

     LOAN 鸞 còn dùng để chỉ những cái gì thuộc về phái nữ, như : LOAN PHÒNG 鸞房 : là Phòng của các phu nhân, tiểu thơ ngày xưa. LOAN XA 鸞車 : là Xe Loan của Hoàng Hậu đi. 
PHƯỢNG LIỄN LOAN NGHI 鳳輦鸞儀 : Phượng Liễn là Xe của Hoàng Hậu đi có chạm hình chim phượng. Loan Nghi là các dàn giá quạt lộng dùng cho Hoàng Hậu có thêu hình chim loan. Khi đã xưng vương, Từ Hải cho giàn giá đi đón Thúy Kiều với :
                  Sẵn sàng PHƯỢNG LIỄN LOAN NGHI,
                  Hoa quan chấp chới, hà y rỡ ràng !
7. BỘ NGƯ  :
    NGƯ   : là Cá. NGƯ 魚 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của con cá được vẽ lại khá chi tiết, đủ cả đầu, mắt,  mình, kì,  vi,  đuôi... Nên, NGƯ 魚 chỉ chung các loài cá, là một trong những thức ăn chính thức để nuôi sống con người từ ngàn xưa đến nay. Ta có thành ngữ :
      NGƯ MỄ CHI HƯƠNG 魚米之鄉 : là " Quê hương của gạo và cá ".  Hai thứ thực phẩm chủ yếu để nuôi sống con người. Hồi xưa, người Hoa di cư sang Việt Nam ở nhiều vì Trung Hoa trong thời kháng chiến chống Nhật thường bị nạn đói dày dò, người bị chết đói rất nhiều. ( đọc truyện ngắn " ĂN CƠM CHƯA của Bình Nguyên Lộc " thì sẽ rõ ) Nên khi di cư sang Miền Nam Việt Nam với đồng lúa bạt ngàn, với tôm cá đầy rẫy cả sông rạch, khí hậu lại nóng bức, suốt năm chỉ vận có cái quần " xà-lỏn " cũng sống qua ngày được. Không bao giờ sợ đói ăn thiếu mặc, nên họ gọi Miền Nam là NGƯ MỄ CHI ĐỊA 魚米之地, là " Mảnh đất của gạo và cá ". Ông Nội tôi ngày xưa cũng thường nói : " Miền Nam là mảnh đất lành, kể cả những đứa làm biếng nhất cũng không bị chết đói bao giờ !".
      NGƯ TIỀU CANH ĐỘC 漁樵耕讀 : là 4 cái nghề mà ngày xưa khi về hưu ông cha ta thường chọn một để an thân hưởng nhàn, không tranh đua với đời nữa. Còn 4 ngành nghề phổ biến trong dân gian gọi là Tứ Dân, gồm có SĨ NÔNG CÔNG THƯƠNG 士農工商.
         
             Ngư Tiều Canh Độc và Sĩ Nông Công Thương
      TRÌ NGƯ LUNG ĐIỂU 池魚籠鳥 : là Cá trong ao, chim trong lồng. Ta nói là " Cá Chậu Chim Lồng ". Tù túng vì không gian hoạt động chỉ có bấy nhiêu thôi.
      TRÌ NGƯ ĐẮC THỦY 池魚得水 : là Cá trong ao tù gặp được nước. Chỉ đang lúc tù túng cấp bách mà được chu cấp giúp đỡ. Ta nói là Như Cá Gặp Nước, còn dân Miền Nam thường nói là " Như buồn ngủ gặp chiếu manh " vậy ! Khi đón Kiều về dinh, Từ Hãi đã hỏi nàng :
                       Cười rằng cá nước duyên ưa,
                  Nhớ lời nói những bao giờ hay không ?

      TRÌ NGƯ CHI ƯƠNG 池魚之殃 : là Cái Tai họa của cá ở trong ao. Thành ngữ nầy do câu tục ngữ trong Tăng Quảng Hiền Văn mà ra :
                  Thành môn thất hỏa,   城門失火,
                  Ương cập trì ngư.        殃及池魚。
Có nghĩa :
        Cửa thành bị hỏa hoạn, người ta cần lấy nước dưới ao để cứu chửa, nên nước dưới ao bị cạn, làm cho ...
        Mấy con cá ở dưới ao cũng bị họa lây !
        Chuyện của người khác, nhưng có ảnh hưởng tới mình. Ta nói là " Bị văng miểng ". Như : Chủ phá sản, sập tiệm, thì làm cho nhân viên phải bị thất nghiệp theo.  
      NGƯ MỤC HỔN CHÂU 魚目混珠 : là Tròng mắt của cá lộn vào với những hạt trân châu. Ý nói lấy đồ giả bỏ lộn xộn vào với đồ thật để gạt người khác, mà cụ Nguyễ Du nói là :
                        Mập mờ đánh lận con đen,
      và ...  Mạt cưa mướp đắng hai bên một phường !
      Mắt cá bỏ lộn vào các hạt chuổi cũng giống như trộn mạt cưa vào cám, trộn mướp đắng vào với mướp thường để gạt người khác vậy !
                 
                 Thành môn thất hỏa    Ngư Mục Hổn Châu
 
      Có tất cả 313 chữ được ghép bởi bộ NGƯ 魚 nầy, tiêu biểu có :
   SA NGƯ 鯊魚 : là Cá Nhám, Cá Mập. 
   BÀO NGƯ 鮑魚 : là một loại ốc biển trong chi Haliotis, còn có tên là Ốc Cửu Khổng ( Ốc có 9 cái lổ ), vì từ mép vỏ gần miệng có khoảng 7-9 gờ, xoắn tạo thành các lổ (lý do tên gọi ốc cửu khổng) để thở với sự thoát nước từ mang, là một trong những thứ sơn hào HẢI VỊ đắt tiền.
   VƯU NGƯ 魷魚 : là Con Mực, tên gọi chung các loại Cá Mực.
   LÔ NGƯ 鱸魚 : Còn đọc là LƯ NGƯ : Cá lư. Cổ nhân gọi là Ngân Lư hay Ngọc Hoa Lư . Xuất sản ở Tùng Giang gọi là Tứ Tai Lư ( cá có 4 cái mang ) là một giống cá rất ngon.
   TỨC NGƯ 鯽魚 : là Cá Diếc, còn đọc là Cá GIẾC, một loại cá vảy trắng mình dẹp, đuôi màu đỏ thì gọi là cá He, đuôi màu trắng thì gọi là cá Mè Vinh. Nên TỨC NGƯ là một loại cá rất thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Có lẽ đây là  con cá " HỨC " của cụ Nguyễn Du trong hai câu :
                          Thú quê THUẦN HỨC bén mùi,
                      Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.
      THUẦN 蒓 hay 蓴 là tên một loại rau như rau Nhúc của ta, còn âm HỨC thì từ Hán Việt không có chữ nào cả, chỉ có âm TỨC 鯽 là cá Mè Vinh, cá He của ta. Nên THUẦN TỨC 蒓鯽 là Một loại Rau và một loại Cá bình thường của quê nhà. Câu " Thú quê THUẦN HỨC bén mùi " là chỉ Thúc Sinh ở quê với vợ đã lâu, đã ngán đã nhàm chán  cảnh sống ở quê nhà với vợ rồi. Thiết nghĩ là " THUẦN TỨC " chớ không phải là " THUẦN HỨC 蒓  ". Vì " HỨC 䱛 " từ Hán Việt không có, mà chữ Nôm cũng không biết cá HỨC là Cá Gì ?! !
      Trong bài thơ "Vịnh Cái Giếng" của bà Hồ Xuân Hương cũng có 2 câu luận như sau :
                    Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
                    Cá GIẾC le te lách giữa dòng.
              
             TỨC NGƯ : Cá DIẾC: là Cá He hoặc Cá Mè Vinh
             
   TIÊN 鮮 : Đây là chữ Hội Ý : Bên trái bộ Ngư 魚 chỉ CÁ, bên phải bộ Dương 羊 là Dê chỉ Thịt, cá hay thịt đều phải tươi ngon mới ăn  được, nên TIÊN là Tươi. TÂN TIÊN 新鮮 : là Tươi Mới. Người Miền Nam nói là TƯƠI RÓI, Tươi roi rói. Dị thể của chữ TIÊN 鮮 là 鱻 ( 3 chữ NGƯ 魚 chồng lên nhau, ý nói Cá mà không TƯƠI thì không ăn được ).

       Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đoán một chữ cho vui.
           洋在右邊,鯨在左臂。Dương tại hữu biên, Kình tại tả tí.
           一在地上,一在水裡。Nhất tại địa thượng, nhất tại thủy lý.
           同在一起,味美新奇。Đồng tại nhất khởi, mỹ vị tân kỳ !
Có nghĩa :
                Biển ở bên phải, Cá voi ở bên cánh tay trái.
                Một ở trên mặt đất, một ở dưới nước.
                Cùng ở với nhau, tươi ngon như cao lương mỹ vị !

          Qua 4 câu trên, cùng đoán một chữ đã được học qua.

          Hẹn bài viết tới : Các bộ 12 nét.
          
                                                         Đỗ Chiêu Đức
      

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                      Chữ TÂM   TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên...