Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

NGƯỜI BẠN TRI KỶ TRONG ĐỜI


Có được tri kỷ trong đời mới là điều đáng giá nhất.
        Trên đời, tìm được người thấu hiểu mình mới thực là hạnh phúc lớn nhất.
Trong cuộc sống có được người bạn tri kỷ mới thật là trân quý! Tri kỷ cũng như một thứ tình cảm ấm áp không lời, một thứ đồng hành giản dị nhưng quý báu vô ngần.
       Có câu chuyện kể rằng:
       Ngày xưa, có một phú ông rất thích thưởng thức trà, mỗi khi có khách đến nhà, dù là người giàu sang, quý phái hay nghèo hèn ông đều ra lệnh cho gia nhân ra mời trà.
       Một ngày nọ, có lão ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông. Lão ăn mày không xin tiền, cũng không xin cơm, mà chỉ đến xin bát nước trà. Gia nhân bèn cho lão vào nhà rồi đun nước pha trà và mời lão ăn mày.
      Lão ăn mày liếc qua rồi nói: “Trà này không ngon”.
      Gia  nhân nhìn ông ta lấy làm lạ rồi đổi một bát trà ngon khác. Lão ăn mày ngửi ngửi, rồi nói: “Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong”.
      Gia nhân nghĩ rằng hắn cũng có chút hiểu biết,  liền đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
      Lão ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía trước núi đón nắng nên chất củi xốp, còn sau núi chất củi mới cứng”.
       Kẻ hầu người hạ trong nhà cho rằng người này tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi vào mời lão gia ra tiếp đón. Sau khi trà được mang lên, phú ông và lão ăn mày đối ẩm một bát. Lão ăn mày nói: “Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn”.
       Phú ông nói: “Đây là chiếc ấm pha trà tốt nhất của ta”.
       Lão ăn mày lắc đầu rồi cẩn thận lấy từ trong áo ra một chiếc ấm quý làm bằng đất sét tử sa. Khi trà mới được mang lên, phú ông nhấp thử mùi vị thấy quả nhiên không tầm thường, lập tức đứng dậy chắp tay thi lễ với tên ăn mày:
     “Ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được”.
       Nhưng lão ăn mày vốn nâng niu chiếc ấm tử sa như báu vật, nhất định không muốn bán nên nói: “Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán”. Nói rồi lão ăn mày vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm.
      Phú ông vội vã ngăn lại, nói:
     -“Thôi được rồi, ta đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ông”.
      Lão ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói:
     Thôi, ta đổi toàn bộ tài sản để lấy chiếc ấm của ông”.
      Lão ăn mày nghe vậy bèn cười lớn rồi nói: “Nếu không phải vì tiếc chiếc ấm này thì tôi cũng không lâm vào bước đường cùn như ngày hôm nay”. Nói xong lão ăn mày quay người bỏ đi. Phú ông sốt ruột nói:
     “Như thế này đi, ấm là của ông, ông hãy ở lại nhà ta, ta ăn gì thì ông ăn đó. Nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào cũng phải cho ta nhìn chiếc ấm, ông thấy thế nào?”.
       Vì quá yêu thích chiếc ấm nên trong lúc cấp bách phú ông bèn nghĩ ra cách đó.
       Lão ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà túng quẫn, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý? Nghĩ vậy lão vui vẻ nhận lời phú ông.
       Cả hai vui vẻ thuận ý, rồi lão ăn mày ở lại nhà phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông. Hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà quý, chia sẻ với nhau thời gian quý báu, thưởng trà ẩm rượu, vô cùng ăn ý. Cứ thế nhiều năm qua đi, hai người trở thành hai lão niên tri kỷ thấu hiểu nhau.
       Một hôm, phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình:
     “Ông không có con cháu nối dõi, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, chi bằng sau khi ông đi rồi, hãy để tôi giúp ông bảo quản chiếc ấm này, ông thấy thế nào?”.
       Lão ăn mày cảm động rưng rưng nước mắt gật đầu đồng ý. Không lâu sau, lão ăn
mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn có được chiếc ấm tử sa.
      Những ngày đầu phú ông chìm trong cảm giác vui sướng vì có được chiếc ấm tử
sa như mong muốn. Nhưng rồi cũng đến một ngày, khi đang ngắm nghía chiếc ấm quý này, phú ông đột nhiên cảm thấy trong lòng thiếu vắng thứ gì đó, không nói ra được. Mỗi lúc đưa chén trà lên miệng cũng không còn thơm ngon như trước nữa. Trước mắt ông hiện lên hình ảnh những tháng ngày vui vẻ cùng người bạn ăn mày thưởng trà.
      Hiểu rõ tất cả rồi, phú ông hai mắt nhòa lệ thả rơi chiếc ấm xuống đất…
                                                                 *            *
                                                                        *
      Câu chuyện kết thúc đầy bất ngờ, đến mức có thể khiến người ta không thốt nên lời. Bởi vì theo thời gian, có rất nhiều thứ sẽ đổi thay, tình nghĩa giữa phú ông và lão ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà – thứ dù có tốt đến đâu nhưng nếu không có ai
cùng thưởng thức thì cũng mất đi ý nghĩa của nó - và thứ dù đáng giá đến đâu nhưng cũng không thể sánh với tấm lòng tri kỷ. Vậy thì suy cho cùng, cái thứ gì mới là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn?
       Có lẽ chính là người cùng bạn giao tâm thưởng trà! Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ mới thật là trân quý! Đây là điều mà bao người từng trải đã đúc kết ra được. Tri kỷ như một thứ tình cảm ấm áp không lời, một thứ đồng hành giản dị nhưng quý báu vô ngần. Tri kỷ thật sự là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, chan chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói cầu kỳ, bay bướm, chải chuốt.
       Tri kỷ không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ. Cuộc sống có một loại tình cảm không tác động vào thế giới mỗi người, mà chỉ đồng hành trong tâm hồn; không trở ngại cuộc sống mỗi người, mà chỉ mang cùng tiếng nói từ con tim. Tiếng nói con tim thì chân thật, một nhịp đập bằng ngàn lần trau chuốt, đánh bóng, khoe khoang, chuẩn bị…v..v
                      TIẾNG NÓI CON TIM         
Tiếng nói con tim trãi mật nồng,
Không cần trau chuốt đẹp như bông.
Đồng tiền chức phận che gian dối,
Chân thật cảm thông giữ nghĩa hồng.
Lợi lộc quyền cao nhanh chóng mất,
Thương yêu nghĩa cả vững như đồng.     
Con tim nhịp thở cùng chung hướng,
Tri kỷ ngàn năm quý sáng trong.
HỒ NGUYỄN (26-5-17)           Tài liệu do Ngô Kim Chi sưu tầm.
Hồ Xưa trình bày và kính chuyển______
 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                      Chữ TÂM   TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên...