Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

VƯỜN HỒNG TRONG MÙA DỊCH - Thơ Phương Hoa và Bài Họa Của Các Thi Hửu

VƯỜN HỒNG TRONG MÙA DỊCH

(Vườn Hồng San Jose do Minh Thúy chụp)

Vườn Hồng rực rỡ sắc hoa xinh,
Khóm khóm như cười dưới ánh minh.
Tại bởi hỏa thần nên cảnh lặng,
Do vì Covid khiến trời thinh.
Thênh thang đỏ nắng mơn cành mộng,
Lướt thướt vàng Thu vuốt nụ tình.
Man mác hồn thơ dìu lạc lối,
Giai nhân ẩn hiện bóng bên mình.

Phương Hoa (Sep 26th 2020)

Họa : VƯỜN ẢI, VƯỜN AI…

Hoa xinh thắm bởi chủ vườn xinh
Hương tỏa nhu ngây nét gợi tình
Cánh hé kiêu sa bên mỹ nữ
Sắc khoe diễm lệ dưới bình minh
Hồn say đảo cảnh , chân vui đáo
Mục đắm duyên trời, khách lặng thinh
Phố xá khôn di, vì cấm lệnh
Đây nơi tuyệt cú …để giam mình

CAO BỒI GIÀ
26-09-2020


 Hoạ :NGƯỜI ĐẸP BÊN HOA.

Ngát cả vườn hồng những đóa xinh,
Màu hoa sắc lá ánh bình minh.
Cánh nhung bướm đẹp bay phơi phới,
Tà áo mỹ nhân phất nhẹ thinh.
Bông trắng vàng cam trao cảm súc,
Cành xanh nâu đỏ gửi duyên tình.
Chỉ vì Hán Dịch không người viếng,
Để lỡ phấn hương, tủi phận mình.

Mỹ Ngọc.
Sep. 27/2020.



HỌA: VƯỜN HOA MÙA DỊCH

Sáng rực vườn tươi nở sắc xinh,
Bông khoe hé nụ đón bình minh.
Lá xanh che gốc ôm thân lặng,
Dáng thắm đưa mình đón gió thinh.
Covid lan tràn hung rãi khổ,
Nàng hoa co rút lén đưa tình.
Bướm ngơ ngẩn đáp cành e ngại,
Bóng Dịch hay kia đó bóng mình?

HỒ NGUYỄN (27-9-2020)


Họa vận : Hoa Trong Mùa Dịch Vũ Hán

Bốn mùa cũng thấy đoá hồng xinh
Thung lũng hoa vàng dịch bất minh
Vũ Hán nhiễm lây trời thịnh nộ !
Cô Vy dứt sạch đất im thinh
Năm châu sống lại người an lạc
Thế giới hồi sinh cảnh hữu tình !...
Thí nghiệm tàu phù gây đại nạn (1)
Cứu nhân Bác Sĩ cũng quên mình !

Mai Xuân Thanh
Ngày 27/09/2020

(1) Đại dịch Vũ Hán - coronavirus Vũ Hán bên Tàu



 Họa :VƯỜN HỒNG LẶNG LẼ

Đến chốn vườn Hồng ngắm đẹp xinh
Thu còn chút nắng dậy bình minh
Trông đài rắc đỏ đường im vắng
Ngắm cảnh tô hồng gió lặng thinh
Nhón gót nâng cành say lắm mộng
Dang tay hứng nụ đắm bao tình
Ngàn hoa sắc nở vươn chờ khách
Chỉ tại Cô Vy tủi một mình

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 9/25/3020



 Họa :VƯỜN THU


Vườn thu hoa lá cố vươn mình
Khoe sắc cuối cùng nét đẹp xinh.
Rộn rã bầy ong lưu luyến mật
Lơ thơ cánh bướm vấn vương tình.
Trên cành lướt thướt sương đêm trắng
Dưới giếng mơ màng ánh nguyệt minh.
Hiu hắt nhạc chiều văng vẳng lại
Lạnh lùng khóm trúc đứng làm thinh.

Mailoc
9-26-2020


Họa :NGƯỜI và HOA

Hoa nào sánh được với người xinh
Tâm cảnh tương hòa ánh tuệ minh
Một đóa nhân hương vừa đứng lặng
Cả vườn nhiên sắc phải ngồi thinh
Dung nhan diễm tuyệt do hình tướng
Cốt cách thanh cao bởi tính tình
Đất khách tung bay tà áo Việt
Hồn quê phất phới giữa tim mình.

Lý Đức Quỳnh
27/9/2020


Họa :NGƯỜI ĐẸP BÊN HOA

Ngất ngây ngắm mãi cảnh tươi xinh
Vàng đỏ...ngàn hồng rước đón Minh...
Tha thướt áo vàng say thả mộng
Hồn nhiên nụ thắm mặc trao tình
Nghĩ rằng ...khắp chốn còn im lỉm
Tìm được ...còn nơi chả nín thinh!
Thư thái nhàn du vui ngoạn cảnh
Quên đi Covid vởn quanh mình!

Thanh Hoà



 Họa :VƯỜN HỒNG


Mặc bệnh lan tràn, hoa vẫn xinh
Đua chen khoe sắc đón bình minh
Hồng Nhung lộng lẫy cười kiêu hãnh
Hồng Trắng dịu dàng đứng lặng thinh
Hồng Đỏ xôn xao cùng bướm mộng
Hồng Cam rạng rỡ với ong tình
Rộn ràng sức sống trong ngày mới
Vườn ấy, hội thơ của chúng mình ?

Sông Thu
(27/09/2020 )



 Họa :VIẾNG VƯỜN HỒNG

Đoá đóa muôn màu rực rỡ xinh
Vườn hồng thắm sắc ánh bình minh
Chim muông ngơ ngác nên yên ắng
Hoa lá bần thần chợt lặng thinh
Tài tử hiền hoà vui yến phượng
Giai nhân yểu điệu đẹp duyên tình
Cô Vy bộc phát càng im vắng
Vãng cảnh thần tiên chỉ chúng mình

ThanhSong KimPhú
CA Sep/26/2020



 Họa :NGƯỜI ĐẸP BÊN HOA

Muôn hồng nghìn tía thật là xinh
Thêm có mỹ nhân đứng cạnh mình
Nguyệt thẹn dường như ghen đứng lặng
Hoa nhường có lẽ giận làm thinh
Chung vui sắc đỏ hoà cơn mộng
Yểu điệu áo vàng trộn trí minh
Covid không ngăn ,lòng vẫn nở
Lại còn diễn tuyệt xiết bao tình

Songquang



Họa :NƠI VƯỜN HỒNG LÃM THUÝ

Đào hoa thắm sắc tuyệt vời xinh
Mới thấy dung nhan lộng lẫy mình
Hồng trắng như mây vương mái tóc
Vườn thơm tưởng gió gọi thơ tình
San Jose vàng nắng thu nhè nhẹ
Minh Thuý hồng môi hạ lắng thinh
Tà áo hứng đầy tâm ý mộng
Em tươi rực rỡ dưới bình minh...

Utah 27 - 9 – 2020
CAO MỴ NHÂN



 Họa :MỘT CHÚT ỠM Ờ...

Hoa thắm và em cũng rất xinh!
Dịu dàng che hết ánh dương minh
Hồng tươi để vạn người mê sắc
Nàng đẹp cho muôn kẻ lụy tình
Áo lụa vờn bay trong nắng sớm
Thu vàng nhẹ đến giữa không thinh
Hỏi em xin chớ vờ im lặng
Có thể cho ta đứng cạnh mình ?

Thy Lệ Trang



 Họa :XEM HOA MÙA ĐẠI DỊCH

Cả một vườn hồng đẹp sắc xinh
Thư nhàn trước gió dưới bình minh
Nhặt khoan yểu điệu khi huyên náo
Ngơ ngác yên bình lúc lặng thinh
Du khách mong tìm nơi huyễn mộng
Người xem muốn tới chỗ hương tình
Đâu ngờ phố vắng mùa ôn dịch
Mặc kệ, ai lo trót phận mình ….

Paris, 30/09/2020
TRỊNH CƠ


Sự thật về thuyết tiến hóa: Hình vẽ phôi thai giả của Haeckel, vụ lừa đảo xuyên thế kỷ


Ernst Haeckel là một nhà sinh học người Đức sống cùng thời với Darwin, và là tác giả của nhiều thuật ngữ sinh học nổi tiếng. Trong phần lớn sự nghiệp của mình, Haeckel giữ vị trí giáo sư ngành Giải phẫu so sánh tại trường Đại học Jena, Đức. “Học thuyết về sự lặp lại hình thái” (còn gọi là “Định luật phát sinh sinh vật”) được xây dựng dựa trên các hình vẽ phôi của Haeckel có ý nghĩa rất quan trọng đối với thuyết tiến hóa của Darwin. Haeckel là người đã giúp Darwin và các tác phẩm của ông trở nên nổi tiếng trên khắp nước Đức.

                                         Earnst Haeckel. (Ảnh: metafysica.nl)

 Năm 1868, Ernst Haeckel xuất bản cuốn Lịch sử sáng tạo tự nhiên (Natürliche Schöpfungsgeschichte), trong đó tuyên bố rằng ông đã tiến hành so sánh phôi người, phôi khỉ và phôi chó. Trong các hình do ông vẽ, các phôi gần như giống hệt nhau. Trên cơ sở các hình vẽ đó, Haeckel tuyên bố rằng các giống loài có một nguồn gốc (tổ tiên) chung.

Nhưng sự thực hoàn toàn khác hẳn. Ernst Haeckel thực ra chỉ vẽ hình của một phôi thai duy nhất, rồi dựa vào đó làm ra hình phôi người, phôi khỉ, và phôi chó. Ông đã thêm vào mỗi hình một chút thay đổi. Nói cách khác, đây là một vụ lừa đảo.

Loạt hình trên là các hình vẽ của Haeckel, loạt hình dưới là ảnh chụp trên thực tế, ở giai đoạn phát triển sơ kỳ của phôi cá, kỳ giông, rùa, gà, thỏ, và người. Tuy vụ lừa đảo này đã bị phát hiện từ hơn trăm năm trước, nhưng hiện nay nó vẫn được trình bày trong các sách giáo khoa ở nhiều cấp học tại nhiều nước trên toàn thế giới. (Ảnh: harun yahya)

Những hình vẽ phôi giả của Haeckel: Hàng thứ nhất là giai đoạn sơ kỳ, hàng thứ hai là giai đoạn giữa, hàng thứ ba là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển của phôi. Theo Haeckel, phôi các loài động vật có xương sống khác nhau đều rất giống nhau ở giai đoạn sơ kỳ và chỉ dần dần trở nên khác biệt khi lớn lên, vì thế chúng phải có một nguồn gốc chung. Hình vẽ này có mặt hầu như trong mọi cuốn sách giáo khoa sinh học từ cấp trung học đến cấp đại học ở rất nhiều nước trên thế giới… (Ảnh: harun yahya)


Còn đây là hình chụp các phôi trong thực tế: Hàng thứ nhất là giai đoạn sơ kỳ, hàng thứ hai là giai đoạn giữa, hàng thứ ba là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển của phôi. Có thể thấy các phôi thực sự vô cùng khác biệt, ở tất cả các giai đoạn phát triển của chúng.  Ảnh do nhà phôi học Richardson (một người theo trường phái tiến hóa) cung cấp. Nhấp chuột trái vào ảnh để phóng lớn. (Ảnh: harun yahya)

Trên thực tế, vụ bê bối này đã bị không ít người phát giác, ngay cả trước khi Darwin viết cuốn “Nguồn gốc loài người” (The Descent of Man), tức là trước năm 1871.

“Trò lừa đảo của Haeckel đã quá rõ ràng và quá lớn đến nỗi ông đã bị cáo buộc bởi 5 vị giáo sư khác nhau và bị phán có tội bởi tòa án trường Đại học Jena.”

– Hank Hanegraaff, trong “Điều mà những người theo trường phái tiến hóa không muốn bạn biết”, nhà xuất bản W Publishing Group, 2003, trang 70

Haeckel đã làm giả những hình vẽ đó để ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin. Khi hành vi của ông bị phát giác, lý do duy nhất Haeckel đưa ra để biện hộ cho bản thân là: những người theo trường phái tiến hóa khác cũng cần phải bị xử tội giống ông.

“Sau lời thú tội ‘giả mạo’ đáng hổ thẹn này, tôi tự thấy bản thân đáng bị kết tội và tiêu hủy, nếu tôi không có được sự an ủi khi nhìn thấy bên cạnh hàng trăm đồng bị cáo cùng đứng trước vành móng ngựa, trong đó có nhiều nhà quan sát đáng tin cậy nhất và nhiều nhà sinh vật học được kính trọng nhất. Hầu hết các biểu đồ trong sách giáo khoa sinh học, luận án và tạp chí tốt nhất sẽ phải gánh chịu cùng một tội danh ‘giả mạo’ với mức độ tương đương, bởi tất cả chúng đều không chính xác, và không ít thì nhiều đã bị làm giả, giản lược và ngụy tạo” (Theo cuốn sách “Cái cổ của con hươu cao cổ: Chỗ sai của Darwin”, của Francis Hitching, nhà xuất bản Ticknor and Fields, New York, năm 1982, trang 204)

Để giúp lý thuyết của Darwin đứng vững, những người ủng hộ ông cần phải tuyên bố các bản vẽ của Haeckel thực sự là “bằng chứng của sự tiến hóa”. Bài viết trên tạp chí khoa học Science tiếp tục thảo luận về cách những lời thú tội của Haeckel đã được che đậy ngay từ đầu thế kỷ 20, và làm thế nào các hình vẽ giả mạo này bắt đầu được đưa vào trong các sách giáo khoa, như một “chân lý” khoa học.

“Lời thú tội của Haeckel đã biến mất sau khi những hình vẽ của ông được sử dụng trong một cuốn sách in năm 1901 có tựa đề: “Darwin và hậu Darwin” và đã được phát hành rộng rãi trong tuyển tập các tư liệu sinh học bằng tiếng Anh” (Elizabeth Pennisi, bài viết “Những cái phôi của Haeckel: Tái phát hiện trò gian lận” trên tạp chí Science, ngày 5/9/1997)

… Cho đến “Định luật phát sinh sinh vật” bịa đặt

Sau khi biên bản ghi chép lời thú tội của Haeckel biến mất, Darwin và những nhà sinh học ủng hộ ông vẫn tiếp tục coi các hình vẽ của Haeckel như một nguồn dẫn chứng tham khảo. Và chính vì vậy trong những năm sau đó Haeckel đã tiếp tục ngụy tạo hàng loạt các hình ảnh minh họa so sánh phôi.

Ông ta vẽ sát cạnh nhau hình phôi của cá, kỳ giông, rùa, gà, thỏ và phôi người. Các phôi đó được vẽ hết sức giống nhau và chỉ dần dần cho thấy sự khác biệt trong các giai đoạn sau của quá trình phát triển. Đặc biệt, sự tương đồng giữa phôi người và phôi cá quả là rất ấn tượng, đến mức người ta có thể nhìn thấy cái “mang” trong hình vẽ phôi người, giống như ở hình vẽ phôi cá. Từ đó, Haeckel đưa ra “thuyết về sự lặp lại hình thái” (còn gọi là “định luật phát sinh sinh vật”), với nội dung cơ bản là: trong quá trình phát triển của phôi, tất cả các giống loài đều lặp đi lặp lại “lịch sử tiến hóa”. Lấy ví dụ, ông ta nói phôi thai con người trong tử cung của người mẹ, đầu tiên có khe mang giống như cá, và trong những tuần tiếp theo sẽ giống như bò sát, rồi giống thú, rồi cuối cùng mới “tiến hóa” thành người.

Bây giờ người ta đã biết rằng “những cái mang” xuất hiện trong giai đoạn đầu của phôi thai người, trên thực tế là ống tai giữa, tuyến cận giáp, và tuyến ức đang hình thành. Phần phôi thai trông giống “túi lòng đỏ trứng” là nơi sản xuất máu cho trẻ sơ sinh. Cái “đuôi” trên thực tế là xương sống, và nó trông giống như một cái đuôi chỉ vì nó được hình thành trước khi đôi chân xuất hiện.

phoigia-sgk12vnCác hình vẽ phôi giả của Haeckel vẫn được in trong rất nhiều đầu sách giáo khoa nhiều cấp học trên thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam. (Ảnh: Sinh học lớp 12, trang 105, ấn bản 2015)

Giáo sư bác sỹ Erich Blechschmidt là Giám đốc Viện Giải phẫu học trường Đại học Göttingen, Đức. Ông từng đưa ra kết luận thẳng thắn:

“Cái gọi là định luật phát sinh sinh vật là sai. Không yếu tố ‘nhưng’ hoặc ‘nếu’ nào có thể giảm nhẹ bớt thực tế này”. Ông nói thêm rằng câu chuyện hoang đường về ‘giai đoạn có mang’ này “không hề đúng hay đúng ở một góc độ nào khác… Mà nó hoàn toàn sai”. (Tham khảo: Giáo sư bác sỹ Erich Blechschmidt, “Khởi nguồn của Sự sống nhân loại”, Springer-Verlag, New York, 1977, trang 32).

dinh luat haekelSinh học lớp 12 nâng cao, trang 131. Cái gọi là “định luật phát sinh sinh vật” đã được chứng minh là sai từ những năm 1920 sau một cuộc điều tra học thuật nghiêm túc. Người ta đã chính thức loại bỏ nội dung này kể từ thời điểm đó. Tuy nhiên đến những năm 1950 nó vẫn còn xuất hiện trong nhiều đầu sách giáo khoa trên khắp thế giới.

Quan điểm này của bác sỹ Erich Blechschmidt đã được nhiều nhà phôi học chính thống thừa nhận. Một cuộc tìm kiếm với từ khóa “khe mang” trên các kho dữ liệu liên quan đã cho ra 21 triệu kết quả, phân bổ trong 78 tài liệu. Không có tài liệu nào trong đó nói rằng phôi người có “khe mang”. Tuyệt đại đa số các tài liệu đều chỉ thảo luận về sự phát triển của mang, hay các cuộc nghiên cứu về mang của các loài động vật sống ở biển.

Ngoài ra, giáo sư Blechschmidt đã viết rằng tất cả các cơ quan và cấu trúc từng được nghiên cứu ở phôi người hóa ra đều có chức năng nào đó trong một số giai đoạn phát triển nào đó của phôi. Không hề tồn tại dù chỉ một cơ quan dạng chuyển tiếp, lại giống, hoặc thoái hóa ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của phôi.  (Tham khảo: Giáo sư bác sỹ Erich Blechschmidt, “Khởi đầu của Sự sống con người”, Springer-Verlag, New York, 1977, trang 32 và Giáo sư bác sỹ Erich Blechschmidt và giáo sư tiến sỹ Raymond F. Gasser, “Sinh động học và Sinh động lực học của sự dị biệt hóa ở người; Các nguyên tắc và ứng dụng”, Charles C. Thomas, Springfield, 1978, trang 125).

150px-Eric_BlechschmidtGiáo sư bác sỹ Erich Blechschmidt. Ông là một chuyên gia nổi tiếng về phôi học, nổi tiếng thế giới với bộ sưu tập phôi mang tên mình


Giáo sư tiến sỹ Raymond F. Gasser là một nhà khoa học nổi bật người Mỹ. Ông là nhà sinh học tế bào đồng thời là chuyên gia về phôi học

Cái gọi là khe mang ở phôi người không có liên hệ gì đến mang, và phôi người không hề trải qua một giai đoạn sinh trưởng giống cá hay bất kỳ giai đoạn tiến hóa nào khác. Sự phát triển của phôi người cho thấy một tiến trình vững chắc hướng về một cơ thể người hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng. Trong quá trình phát triển này phôi người sẽ không hấp thụ khí oxy từ nước giống như cá thông qua mang (bởi vì phôi người đã được cung cấp đầy đủ oxy thông qua dây rốn). Trên thực tế, những cái “khe mang” đó thậm chí không phải là khe [mà là các nếp gấp]”.  (Bác sỹ Tommy Mitchell và bác sỹ Elizabeth Mitchell)

Ngay cả các nhà khoa học thuộc phái tiến hóa cũng phải thừa nhận rằng Haeckel đã lừa đảo. Năm 1976, nhà phôi học, sinh học và giải phẫu học người Anh, tiến sỹ William W. Ballard đã viết rằng “chỉ có nhờ các thủ đoạn ngữ nghĩa và cách chọn lọc bằng chứng mang đầy tính chủ quan”, bằng cách “bẻ cong những thực tế của tự nhiên”, thì người ta mới có thể lý luận rằng những giai đoạn đầu tiên của các động vật có xương sống là “tương đồng hơn so với các cá thể trưởng thành”.

Thực ra, giới khoa học đã biết Haeckel lừa đảo từ lâu, ngay cả những người theo phái tiến hóa cũng phải công nhận điều đó.

“Đây là một trong những vụ lừa đảo khoa học tồi tệ nhất. Thật sửng sốt khi phát hiện ra rằng một nhân vật từng được coi là một nhà khoa học vĩ đại lại chủ động lừa đảo. Điều đó làm tôi cảm thấy bức xúc… Điều ông ta [Haeckel] đã làm là lấy một cái phôi người rồi sao chép nó, giả vờ như kỳ giông, lợn và tất cả những loài động vật khác đều trông giống nhau ở cùng một giai đoạn sinh trưởng. Chúng không hề tương đồng… Những hình vẽ đó là ngụy tạo’. (Nigel Hawkes, The Times (London), ngày 11/8/1997, trang 14)

Giáo sư nổi tiếng Keith S. Thomson bày tỏ sự vui mừng khi thấy vụ lừa đảo của Haeckel được phơi bày:

“Chắc chắn định luật phát sinh sinh vật này đã chết hoàn toàn. Cuối cùng nó đã bị loại trừ khỏi các sách giáo khoa sinh học vào thập niên 50. Nó đã là một chủ đề của một cuộc điều tra học thuật nghiêm túc, [và kết quả là] nó đã bị tuyệt chủng” vào những năm 20 của thế kỷ trước. (Keith S. Thomson – giáo sư danh dự trường Đại học Oxford, “Khái lược về sự phát triển và sự Tiến hóa”, tạp chí American Scientist, tập 76, tháng 5&6/1988, trang 273)

Thế nhưng có vẻ Thomson đã quá lạc quan. Thực tế là, nhiều hình vẽ giả của Haeckel vẫn được giảng dạy trong các trường học, và được người ta xem như một “chân lý khoa học”…

Vụ lừa đảo xuyên thế kỷ: 150 năm

Vào tháng 3/2000, một người theo trường phái tiến hóa kiêm nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould từ Đại học Harvard tuyên bố rằng từ lâu ông đã biết đây là trò gian lận. TS Gould nói rằng đây là một thảm họa trong khoa học khi các hình vẽ của Haeckel vẫn tiếp tục được sử dụng:

“Tôi nghĩ chúng ta có quyền cảm thấy kinh ngạc và xấu hổ vì hành vi tái sử dụng cái lý thuyết này một cách mất lý trí trong suốt cả thế kỷ, dẫn đến tình trạng các hình vẽ đó vẫn tồn tại dai dẳng trong một số lượng lớn, nếu không phải là đại đa số, các sách giáo khoa hiện đại”. (Stephen Jay Gould, “Thật tồi tệ!”, Natural History, tháng 3/2000, trang 42)

Ảnh trong cuốn “Sinh học phân tử của tế bào” của Bruce Alberts)

Giáo sư Gavin de Beer, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vương quốc Anh, đã miêu tả cảm nghĩ của mình như sau:

“Hiếm khi có một sự quả quyết nào tương tự như cái ‘thuyết lặp lại hình thái’ của Haeckel: nông cạn, gọn gàng, hợp lý, được chấp nhận một cách rộng rãi mà không bị kiểm chứng kỹ càng. Nó đã gây rất nhiều tác hại cho khoa học”. (Hank Hanegraaff, “Điều mà những người theo trường phái tiến hóa không muốn bạn biết”. Nhà xuất bản W Publishing Group, năm 2003, trang 70)

Nhà sinh học phân tử thuộc Đại học California, tiến sỹ Jonathan Wells nhận xét:

Các hình vẽ phôi của Haeckel dường như là bằng chứng mạnh mẽ cho lý thuyết của Darwin, đến mức người ta có thể tìm thấy một phiên bản nào đó của chúng trong hầu hết các sách giáo khoa hiện đại về chủ đề tiến hóa. Tuy nhiên, các nhà sinh học đã biết việc Haeckel làm giả các hình vẽ của ông ta trong hơn một thế kỷ; phôi của các loài động vật có xương sống chưa từng giống như các hình vẽ của ông ta. Ngoài ra, cái giai đoạn Haeckel gán nhãn là “đầu tiên” trên thực tế lại là giai đoạn phát triển giữa chừng; có sự khác biệt to lớn giữa các phôi ngay từ trước cái giai đoạn đó. Mặc dù chúng ta có thể không bao giờ biết được điều này khi đọc các sách giáo khoa sinh học, nhưng cái ‘bằng chứng mạnh mẽ nhất của Darwin’ này chính là một ví dụ điển hình cho thấy các bằng chứng có thể bị xuyên tạc để trở nên phù hợp với một lý thuyết như thế nào”. (Tiến sỹ Sinh học phân tử Jonathan Wells, “Những biểu tượng của thuyết tiến hóa”, Nhà xuất bản Regnery Publishing, trang 82, 83)

Tiến sỹ Jonathan Wells là tiến sỹ ngành Sinh học tế bào và ngành Sinh học phân tử. Ông là thành viên của nhiều Hiệp hội Khoa học và có nhiều bài viết trên các tạp chí học thuật (Ảnh: jonathanwells.org)

Tại sao những hình vẽ giả mạo của Haeckel vẫn có thể tiếp tục lừa dối rất nhiều người, dù đã được phơi bày ra công chúng từ gần 150 năm trước? Thế giới khoa học đã xác nhận vụ bê bối của Haeckel, nhưng rất nhiều người vẫn giữ thái độ im lặng một cách kỳ lạ, đặc biệt là những người theo phái tiến hóa? Họ rủ nhau im lặng suốt 150 năm như vậy vì mục đích gì? Đây là những câu hỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Mặc dù “thuyết lặp lại hình thái” của Haeckel đã chính thức bị loại bỏ khỏi các sách giáo khoa, nhưng một lượng nhỏ các sách giáo khoa trên thế giới vẫn rao giảng nó. Các hình vẽ phôi bịa đặt của Haeckel – vốn là nền tảng của học thuyết đó – thì thậm chí vẫn tiếp tục được xuất bản đại trà.

“Phải chăng những người theo phái tiến hóa đã và đang lợi dụng hệ thống giáo dục toàn cầu để bảo vệ học thuyết con cưng của họ bằng mọi giá?” Người ta buộc phải nghĩ như vậy sau khi chứng kiến nhiều vụ bê bối tiến hóa bị phanh phui. Trường hợp của Haeckel chỉ là một trong số nhiều vụ lừa đảo tương tự. Đứng trước thực tế này, tiến sỹ Pierre-Paul Grasse, nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từng bình luận:

“Ngày nay bổn phận của chúng ta là tiêu diệt sự hoang đường của thuyết tiến hóa, vốn bị xem như là một hiện tượng đơn giản, đã được hiểu thấu, đã được giải thích xong rồi… Sự lừa dối đôi lúc là vô tình, nhưng không phải luôn như vậy, vì một số người, do khuynh hướng bè phái của bản thân, đã chủ động phớt lờ thực tế và từ chối thừa nhận những thiếu sót và sai lầm trong các quan điểm của họ”.

 – Tiến sĩ Pierre-Paul Grasse, “Sự tiến hóa của các sinh vật sống”, Academic Press, New York, 1977, trang 8

pierre paul grasse
Nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, tiến sỹ Pierre-Paul Grasse. (Ảnh: Wikipedia)

Wolfgang SmithTiến sỹ vật lý và toán học Wolfgang Smith. (Ảnh: Wolfgang Smith)

Ngày càng có nhiều tiến sỹ khoa học, các nhà bác học, các viện sỹ viện hàn lâm khoa học và các nhà khoa học đạt giải Nobel… không còn tin vào thuyết tiến hóa. Đây là điều tất yếu, bởi tri thức khoa học của thế kỷ 21 đã phơi bày những sai lầm trong các quan điểm khoa học sơ khai của thời Darwin thế kỷ 19.

“Ngày càng có nhiều nhà khoa học đáng kính đang rời bỏ phái tiến hóa… hơn nữa, trong đa số các trường hợp, những chuyên gia này từ bỏ thuyết tiến hóa, không phải do niềm tin tôn giáo hay niềm tin vào kinh Thánh, mà dựa trên các nền tảng khoa học nghiêm túc. Trong một số trường hợp, họ đã từ bỏ phái tiến hóa trong tâm trạng đầy ân hận”. –

 TS Wolfgang Smith, nhà vật lý và toán học, trong “Teilhardism và Tôn giáo mới: Phân tích cẩn thận những lời dạy của Pierre Teilhard de Chardin”, Tan Books & Pub. Inc (Mỹ), 1988, trang 1

Bạch Vân tổng hợp


TRĂNG TRUNG THU - Thơ Mai Xuân Thanh


Trăng Trung Thu

Trăng tròn cái bánh trên cành liễu
Một mảnh gương trong chiếu mắt anh
Mười bốn đêm thanh vàng ánh nguyệt
Rằm nay tháng tám trắng bình minh

Nhi đồng thắp nến ngôi sao đỏ
Tuổi trẻ rước đèn dưới bóng trăng
Mỗi miếng thơm ngon em tưởng nhớ
Gia đình bố mẹ sắt son hằng

Nơi ni nhớ bậu trên đồi vắng
Chốn ấy thương ai dưới ánh vàng
Tha thiết tình quê lòng bịn rịn
Luyến lưu cố luý dạ mơ màng !

Mai Xuân Thanh

Ngày 28/09/2020 



Cứ ngỡ khi tuổi già. Thơ Marcelle Paponneau- Hoàng Phong chuyển ngữ

 Hoàng Phong chuyển ngữ

Ta cứ ngỡ tuổi già toàn tẻ nhạt, 
Ngại bốn mùa năm tháng lướt qua nhanh, 
E gió mưa ủ dột đáy lòng ta, 
Ngại tóc thưa, da mồi trên gương mặt. 
 
Bỗng chợt thấy già nua nào có tuổi, 
Chẳng buồn lo, hân hoan lòng tràn ngập. 
Ngày tháng trôi, ra đi từng bước nhỏ, 
Tuyệt vời thay, ngăn ngắn một ngày qua. 
 
Ta cứ ngỡ tuổi già trời ảm đạm,
Xuân không hoa, miệng thiếu cả nụ cười, 
Hoa biếng hát, ủ rũ lá cành khô. 
Trang sách buồn, ngòi bút chừng khô mực. 
 
Nhưng bỗng thấy tuổi già sao thanh thản, 
Phút này đây, chẳng nghĩ đến ngày mai. 
Đếm làm gì, năm tháng cứ trôi đi. 
Mặc thời gian, nâng bút một vần thơ. 
 
Ta cứ ngỡ tuổi già lòng héo úa, 
Còn lúc nào bay bổng với trăng sao? 
Tim khô cằn không một tia lửa ấm, 
Sưởi lòng ta giữa khung trời giá buốt. 
 
Bỗng chợt thấy một đóa hồng nở rộ. 
Say ngắm hoa rạng rỡ dưới trời thu, 
Ta hít mạnh giữ lại mùi hương cũ, 
Sưởi lòng ta trong những buổi chiều thu. 

 
Nguyên bản bằng tiếng Pháp của nữ sĩ Marcelle Paponneau.
Bà đã hơn 70 tuổi và gần như mù loà, thế nhưng đã đạt được nhiều huân chương và bằng khen thưởng)

Bures-Sur-Yvette, 22.01.12
 

Je croyais que vieillir. . . 
Je croyais que vieillir me rendrait bien maussade,
Craignant chaque saison, les années, le tapage,
Le grand vent et la pluie, l’esprit qui se dégrade,
Les cheveux clairsemés, les rides du visage. 

Et puis je m’aperçois que vieillir n’a pas d’âge,
Qu’il ne faut point gémir, au contraire chanter
Et même, à petits pas, les jours ont l’avantage
D’être beaux et trop courts quand ils sont limités.

Je croyais que vieillir c’était le ciel tout gris,
Le printemps sans les fleurs, les lèvres sans sourire,
Les fleurs sans chansons, les arbres rabougris,
Un livre sans histoire, un crayon sans écrire. 

Et puis je m’aperçois que vieillir rendre bien sage, 
Que je vis chaque instant sans penser à demain, 
Que je ne compte plus les années de mon âge, 
Peu importe le temps, le crayon à la main.

Je croyais que vieillir transformerait mon âme,
Que je ne saurais plus contempler les étoiles,
Que mon cœur endurci n’aurait plus cette flamme,
Qui transforme la vie lorsque le ciel se voile.

Et puis je m’aperçois que les plus belles roses
Fleurissent à l’automne et sous mes yeux ravis, 
Je respire très fort ce doux parfum que j’ose
Garder pour embaumer l’automne de ma vie.

 Marcelle Paponneau

 (Từ Cảnh chuyển)

CÂY CHÈ THANH HOÁ VÀ GIỐNG CHÈ NGON YÊN LƯỢC (Phần 2)- HOÀNG TUẤN PHỔ

 



Phía Tây - Tây Bắc huyện Thọ Xuân, một dải đất “Thọ Xuân ba miền”: Trung du, đồng bằng và đồng chiêm trũng. Đó là vùng đất “cao nguyên của Thọ Xuân”, hoang vu mà trù phú, người ta mệnh danh là địa linh nhân kiệt. Đặc biệt vùng “tiền tam Yên, hậu ngũ Phúc”: Yên Trung, Yên Trường, Yên Lược và Phúc Bồi, Phúc Lập, Phúc Địa, Phúc Cương, Phúc Xá, Phúc Tinh.


Các cụ xưa truyền lại: Đây là vùng đất được khai phá trước thời Tiền Lê nhưng cư dân thưa thớt, nhà này bỏ đi, nhà khác đến, không mấy ai bám trụ được lâu. Đầu thế kỷ XV, nhà Minh xâm lược và đô hộ, dân ta bị khốn cùng, chạy đến vùng “Tam Yên” tị nạn, nương náu qua thời. Những năm ông Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa Lam Sơn, trai tráng khắp nơi rủ nhau tham gia. Vùng “Tam Yên” trở thành nơi tạm thời trú quân, vừa luyện tập võ nghệ vừa sản xuất khai hoang để chuẩn bị lương thảo và che mắt quân địch.

Kháng chiến thắng lợi, quét sạch giặc Minh ra ngoài bờ cõi, hai anh em Nguyễn Sính, Nguyễn Lạc đều lập công, nhưng không nhận quan chức, xin Vua Lê Thái tổ cho ở lại để chiêu dân lập ấp vùng đất “Tam Yên” vốn xưa là An Lạc Châu do vị thần tổ Lương Công Đoán khai phá đầu tiên theo thần tích đền thờ làng Yên Lược. Nhưng đời sau dân An Lạc Châu bị phiêu tán bởi giặc giã, mất mùa, bệnh tật, mãi đến đời ông Sính, ông Lạc mới chiêu tập trở lại thành làng Sánh, làng Lược (Sính = Sánh, Lạc = Lược). Người ta thường gọi là Sánh - Lược để chỉ một cộng đồng cư trú trên một mảnh đất từ nghìn xưa với nhau có nhiều duyên nợ, những truyền thuyết thần tiên, nguồn gốc phong phú thú vị. Đất An Lạc Châu cũng là châu An Lạc biến âm thành Yên Lược tức làng Yên Lược. Hai làng có thời hợp nhất rồi lại chia đôi. Điều này dễ hiểu do lịch sử đổi thay, thay đổi theo thời thế, nay thuộc xã Thọ Minh.

Thuộc miền trung du như nhiều làng xã khác, nhưng đặc điểm Yên Lược, đồng ruộng là vết tích sông Chu cũ đổi dòng để lại, địa hình như tấm áo rách vá theo cách ví von của người xưa, địa mạo lồi lõm, nhấp nhô, chỗ quanh queo, ngoặt quẹo, nơi thung lũng bậc thang cao thấp, diện tích eo hẹp, nhưng cũng được gọi là xứ đồng. Mùa mưa, nước trên đồi đổ xuống, đồng cạn hóa đồng sâu trũng, chim cò bay liệng, cá tép đua bơi. Dân đói chẳng còn đường nào khác là lên đồi, ngược mường đào củ, đổi hàng. Thời bấy giờ, nhà cửa họ mở cửa hướng lên đồi. Không phải “được mùa, núi rừng sau lưng, mất mùa núi rừng trước mặt” mà chính là dãy đồi thấp thiên nhiên dành sẵn để cứu tế dân nghèo.

Dãy đồi thấp Yên Lược tiếp giáp các dãy đồi làng xã khác, mênh mông bát ngát cứ như kéo dài vô tận hoặc xa xôi đến tận chân trời. Tất cả đều một màu hoang vu, cỏ vàng áy, rải rác khắp nơi chòm cây bụi, nổi bật những mái những mua, lá xanh cằn cỗi và hoa tím nhạt bền bỉ một sắc núi ngàn hoang dại. Những chú gà gô bay kiếm ăn, từ chòm cây này sang chòm cây khác, chốc chốc vụt lên mấy tiếng “trét đa đa” gợi nhớ câu truyện cổ tích “sét bát quả cà”! Cảnh tượng tất cả đều buồn tẻ, nhưng người Yên Lược thấy mãi thành quen và tìm thấy trong đó lóe lên những niềm vui. Những đồi có tên đều gắn với một sự tích gì đó: Ông Điều, Mã Sặt, Đồng Vông, Bái Đèn, Nước Gáo, Chùa Mõ, Bái Chùa, Nổ Vua, Đồng Lấm, Ông Ngão, Bái Sầm, Mã Trầu, Gò Đạt, Cây Khế... Và nhiều đồi gò bái cao lũng thấp, chưa từng được khua động thuổng cuốc.

Từ sau thế kỷ XV, nhiều đồi thấp, bái cao Yên Lược lẻ tẻ xuất hiện luống mía, hàng chè rồi thi nhau trùng trùng mọc lên khắp nơi, tiến công chòm cây bụi cỏ, đẩy những ngàn mái rừng me lui về xa tít tắp. Giống mía ở đây là giống mía voi thân to, lóng dài, vỏ cứng nhưng nhiều mật ngọt, truyền thuyết kể do nghĩa quân Lam Sơn trồng để ép mật làm thuốc và nuôi voi nên có tên là mía voi. Yên Lược có tới 10 trục ép mía và lò nấu mật. Trước, sau năm “bốn lăm” mật mía gánh đi bán khắp tỉnh nhà, được dân quê tín nhiệm mua trữ từ trước Tết Nguyên đán. Nhưng mật mía cho nguồn lợi không bằng chè xanh.

Ở Trung Quốc người ta biết dùng chè từ trước Công nguyên, tiếp theo các nước Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... Đặc điểm người Việt uống chè tươi, gọi là chè xanh chưa qua chế biến sao khô. Bởi người Việt ở xứ nóng, uống nước chè tươi để giải nhiệt, giải khát và chữa một số bệnh về tiêu hóa, đường ruột. Theo Dược điển Đỗ Tất Lợi: Trong lá chè có chứa tới 20% tanin là một chất có tác dụng làm săn da, sát khuẩn mạnh. Ngoài ra còn chất caffein với tỷ lệ 1,5 - 5%, một số vitamin B1, B2 và C. Đặc biệt tanin trong chè có tác dụng như một vitamin P vì đây là hỗn hợp của catechin và dẫn xuất của catechin có cấu trúc hóa học của vitamin P. Dược sĩ Đỗ Tất Lợi giới thiệu một bài thuốc chữa lỵ sau đây: Chè hương 100g; cam thảo 10g.

Thực ra bài thuốc này chủ vị là chè hương và có thể chỉ dùng độc vị chè hương, vị cam thảo tác dụng điều hòa dược tính thuốc, giảm nhẹ chất caffein ảnh hưởng giấc ngủ đối với người không quen uống cà phê.

Trong dân gian, bài thuốc chữa bệnh đau bụng đi ngoài thường được dùng, gồm: búp chè tươi 9 búp; lộc ngấn hương 5 ngọn; búp ổi tươi 7 búp.

Chủ vị là búp chè. Tất cả đều dùng tươi vì cây cỏ phương Nam các tinh chất đều tập trung ở phần lá ngọn, khác với cây cỏ phương Bắc tinh chất phần nhiều tập trung ở gốc, rễ, củ. Bắc dược sao chế vị thuốc để tăng dương tính. Nam dược không cần sao khô vì trong thân, lá, ngọn, hoa, quả đã hợp đủ. Nếu do yêu cầu sao lên cũng chỉ sao vàng nhưng lại phải hạ thổ để âm dương được điều hòa.

Xứ Thanh nhiều núi đá, cây chè mọc trên núi đá, um tùm như rừng, sống lâu năm thành cổ thụ, người ta đốn làm gỗ, làm củi và tha hồ hái lá nấu nước uống. Lâu dần rừng chè núi đá bị trọc trụi, phải đem cây giống xuống đồi thấp để gieo trồng lấy lá. Cây chè cho hoa trắng nhị vàng mùi thơm mát, kết quả, mỗi quả ba nang nhưng chỉ có một hạt đậu. Vì mọc hoang trên núi đá, chè có khả năng chịu hạn cao, không kén chọn đất đai màu mỡ. Do đó lá chè thiên nhiên sinh ra thể hiện sự khắc khổ, lá nhỏ nhưng dày, màu sắc không xanh mướt, trông mượt mà, một màu xanh phớt vàng đặc trưng, bóp nhẹ bị dập, gãy, phát lên tiếng kêu lắc rắc. Người ta tìm cách hãm cây chè không cho phát triển chiều cao mà tỏa lắm cành ngang cành dọc, búp, lá rậm rà, giữ cho tinh chất đậm đà.

Bởi hữu duyên hay tình cờ, chè rừng núi đá cao um tùm gặp gỡ miền đồi hoang vu ngàn mái ngàn me Sánh Lược trở nên “duyên phận phải chiều”. Dải đồi khô cằn này như có phép thần tiên bỗng chốc hóa thân một vùng đất xanh tươi sự sống. Vắng hẳn tiếng gà gô kêu giọng thảm thiết “sét bát quả cà”. Thay vào là tiếng cười nói, trò chuyện hồ hởi, râm ran khi gần khi xa của đội quân “cô Chín đồi chè” được Bà chúa Thượng Ngàn sai phái đến theo sự tích Đạo Mẫu Tam phủ.

Chè Sánh Lược thường gọi tắt là chè Lược, bén rễ mạnh, nhanh chóng, trải rộng khắp đồi thấp Yên Lược. Sánh Lược mỗi làng có một chợ và thuận sông nước nên cũng có bến bãi mở đường lên ngược xuống xuôi. Chợ Lược mỗi ngày một phiên họp buổi sáng. Chợ Sánh tháng sáu phiên chính họp cả ngày. Hàng hóa phong phú, đủ mặt lâm, thổ, thủy sản. Bà con Mường vượt núi bán măng chua để nấu cá ngạnh sông, đổi củ nâu lấy sợi vải, bán nhựa cánh kiến cho cô gái đồng quê nhuộm răng đen, không quên mua nắm lá chè xanh Sánh Lược, mặc dù đã quen uống chè dung từ lâu đời...

Chè Sánh Lược quanh quẩn chợ làng rồi chợ đàng xa: Chợ Đầm, chợ Mía, chợ Bái Thượng, chợ Thịnh Mỹ... Mặc dù ở đâu cũng trồng chè, nhưng người ta phân biệt chè Yên Lược trước hết bằng đặc điểm bên ngoài: Lá nhỏ, dày, màu xanh thắm phớt vàng, vò vào tay tiếng gẫy giòn kêu lắc rắc. Bà con nông thôn thích uống chè tươi hơn chè sao khô, vì thế thường gọi chè xanh, chè tươi, không dùng loại chè đen qua ủ đã lên men, cho rằng không tốt.

Nước chè xanh, chè tươi Sánh Lược hay Yên Lược nấu vừa chín rót ra bát, bốc hương thơm thơm, tỏa bay lên mấy sợi khói mỏng vương vấn trên màu nước xanh non dìu dịu, pha sắc vàng nhạt, một thứ màu đặc trưng khó tả. Nước chè này đun nấu quá kỹ thì chát, chín vừa độ thì ngon, vị ngòn ngọt, uống nhiều thành quen, nghiện, đến mức thích “nghiền đặc” ngôn ngữ dân gian là “đặc cặm tăm”, răng trắng hóa đen, nhưng đặc vô hại, muốn “cai” không khó.

Hoàng Tuấn Phổ/9/2020

(còn tiếp)

🌸🌸🌸🌸

Mời Xem :CÂY CHÈ THANH HOÁ VÀ GIỐNG CHÈ NGON YÊN LƯỢC (Kỳ 1)

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...