Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

CẢM XÚC CỦA NGUYỄN DU QUA BÀI THƠ: "Điếu La Thành ca giả 吊羅城歌者 " (Viếng ca nữ đất La Thành) /Nguyễn Cang


Bối cảnh lịch sử:
Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵戶), Nam Hải điếu đồ (南海釣屠), là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam. Ông được người Việt kính trọng tôn xưng là "Đại thi hào dân tộc".
Tác phẩm Truyện Kiều của ông được xem là một kiệt tác văn học, một trong những thành tựu tiêu biểu nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam .
Sau "10 năm gió bụi" , Nguyễn Du trở về làng cũ Tiên Điền năm 1794, làng nằm bên bến sông cạnh Giang Định để tiếp nhận vật lệu xây cất , dựng lại từ đường họ Nguyễn Tiên Điền. Nguyên khi xưa lúc Nguyễn Quýnh khởi nghĩa , đình làng, cầu tiên, chùa Trường Ninh bị đốt phá, từ đường gia tộc của ông cũng bị hư hại nặng nề. Việc sửa chữa do Nguyễn Ức điều khiển. Cũng tại Nghệ An năm 1790 , Quang Trung Nguyễn Huệ cho xây Phượng Hoàng Trung Đô, bên bờ sông Dũng Quyết. Lúc nầy thì Nguyễn Du đã viết gần xong tập truyện Kiều nên lòng đầy hứng khởi, thương tiếc cho những người kĩ nữ mà điển hình là Đạm Tiên trong truyễn Kiều của ông. Có 3 bài bằng chữ Hán của Nguyễn Du( Long Thành cầm giả ca, Điếu La Thành ca giả, Độc Tiểu Thanh Ký) được giới chuyên môn đánh giá là những thi phẩm mang một sắc thái đặc biệt, bộc lộ niềm thương xót cho hạng người bất hạnh sống kiếp đọa đày nhất là phụ nữ bị hành hạ khổ đau, vùi dập trong xã hội phong kiến đầy bất công.

Nguyên tác:     Phiên âm:
吊羅城歌者       Điếu La Thành ca giả     

一枝濃艷下蓬瀛    Nhất chi nùng diễm há Bồng Doanh(2),
春色嫣然動六城    Xuân sắc yên nhiên động lục thành.
天下何人憐薄命    Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh ?
塚中應自悔浮生    Trủng trung ưng tự hối phù sinh.
胭脂不洗生前障    Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng
風月空留死後名    Phong nguyệt không lưu tử hậu danh.
想是人間無識趣    Tưởng thị nhân gian vô thức thú,
九泉去伴柳耆卿    Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Khanh(3).
  (阮攸)           (Nguyễn Du)


Chú thích:1. La Thành: chỉ thành Nghệ An, tương truyền do tướng nhà Minh là Trương Phụ sang xâm lược đắp thành ở bến Phú Thạch, nơi sông La và sông Lam gặp nhau.
2. Bồng Doanh là Bồng Lai và Doanh Châu. Truyền rằng ở trong Bột Hải có ba hòn đảo là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Chung quanh ba hòn này nước biển rất yếu không đỡ nổi một hột cải, nên ghe thuyền tới đó đều chìm. Người ta gọi là Nhược Thủy. Nơi non Bồng nước Nhược chỉ có tiên đến được thôi. Bồng Doanh chỉ cõi tiên.
3. Liễu Kỳ Khanh (987?-1053?), tức Liễu Vĩnh, một danh sĩ nổi tiếng về từ, ở đời Tống. Tuổi già mới thi đỗ tiến sĩ, và giữ một chức quan nhỏ ở Trường An. Buổi thiếu thời thường lui tới xóm ca nhi và soạn nhiều bài từ tả nỗi đau khổ của nàng ca kĩ. Ông tỏ ra thương cảm , đồng điệu với người đau khổ và ước mong họ sống hạnh phúc như mọi người. Tương truyền khi Liễu Vĩnh chết, kĩ nữ góp tiền chôn cất và tổ chức bảy ngày viếng mộ  gọi là Hội Viếng Liễu.

Chú thích từ ngữ:
Diễm (艷 ): Cũng như diễm 豔.
Xinh đẹp, tươi tắn, óng ả, lộng lẫy. Kim Bình Mai 金瓶梅: Phụ nhân phấn trang ngọc trác, kiều diễm kinh nhân 婦人粉妝玉琢, 嬌豔驚人 (Đệ thập thất hồi) Người đàn bà hương phấn ngọc ngà, xinh đẹp lộng lẫy kinh người.
Yên nhiên (嫣然): xinh đẹp, thường chỉ vẻ tươi cười. ◇Phù sanh lục kí 浮生六記: Tương thị yên nhiên 相視嫣然 : Nhìn nhau mỉm cười.
Động(動) 1/: Bất cứ vật gì, tự sức mình, hay do sức bên ngoài mà chuyển sang chỗ khác, hay ra khỏi trạng thái yên tĩnh, đều gọi là động 動. Trái với tĩnh 靜. 2/:làm ( như cử động) 3/:nổi dậy 4/: tự động.
hà(何) 1/: (Đại từ chỉ nơi chốn): Chỗ nào, ở đâu. 2/: (Đại từ): Ai.3/: Tính từ: gì, nào, như: hà cố 何故: cớ gì? hà thì 何時:lúc nào? 4/:(Phó từ): Tại sao, vì sao; há, nào đâu.
hà nhân : ai người...
liên(憐): Động từ: Thương, thương tình. Như: đồng bệnh tương liên 同病相憐: cùng bệnh cùng thương.
trủng(塚) (Danh từ): Mồ, mả.  Cũng như trủng 冢. Nguyễn Du 阮攸: Vãng sự bi thanh trủng 往事悲青塚 (Thu chí 秋至): Chuyện cũ chạnh thương mồ cỏ xanh.
ưng(應 ) nên, nên thế. Ưng tu: nên phải. Chỉ ưng : chỉ nên. Một âm nữa là ứng : (Động từ): Đáp lời, thưa// Nhận chịu, cho// Tiếp nhận.
yên chi(胭脂) Danh từ ghép: son( thoa má, môi). Yên chi phấn: đàn bà xoa phấn son lên má, lên môi để trang sức. Chi phấn 脂粉: phấn sáp.
chướng( 障) Động từ: Cản trở, ngăn//Che lấp, xóa // Bảo hộ, phòng vệ.//Danh từ: Màn che cửa, bình phong.
tưởng(想) Động từ: Nghĩ, suy nghĩ//Mong, muốn, hi vọng, dự định.// Nhớ, nhớ nhung, hoài niệm.//Cho rằng.//Tựa như, giống như//(Danh từ): Ý nghĩ, ý niệm.
thức(識) Danh từ: Sự hiểu biết, kiến văn, kiến giải// Tư tưởng, điều suy nghĩ bên trong// (Động từ): Biết, phân biệt.
thú(趣) Danh  từ: Điều vui thích//Việc làm, hành động.//Khuynh hướng // Ý, ý vị.
khứ(去)Động từ: Đi//Từ bỏ, rời bỏ.//Cách khoảng//Vứt bỏ.(Tính) Đã qua, như: khứ niên 去年 năm ngoái.

Xuất xứ bài thơ :
Điếu La Thành ca giả làm theo thể thơ Đường luật, dạng thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ, tổng cộng 56 chữ), nằm trong tập Thanh Hiên thi tập, được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian 1796-1802, tức là ở giai đoạn tác giả ở dưới chân núi Hồng, theo cách phân chia của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.
Theo GS. Phan Văn Các, thì bài thơ này (và một số bài thơ khác) đã cho ta thấy Nguyễn Du (qua thực tế của đời ông, trong gia đình ông, và những điều ông chứng kiến nhan nhản trong xã hội) đã tỏ ra xót thương sâu sắc và thông cảm chân thành với những người phụ nữ bất hạnh bị vùi dập trong xã hội phong kiến. Vì vậy, hình ảnh người ca nữ La Thành có một ý nghĩa điển hình sâu sắc.
Đại ý bài thơ

Nói tâm sự tác giả khi viếng mộ nàng ca kĩ đất La Thành, cảm thương cho thân phận một người nhan sắc tuyệt trần, một thời danh tiếng lừng lẫy mà mệnh bạc.  Nàng như một cành hoa đẹp từ trên trời rơi xuống. Nét đẹp kiêu sa quyến rũ làm rung động sáu thành !

Dịch nghĩa:
Như cánh hoa tươi thắm từ cõi tiên xuống,
Sắc đẹp quyến rũ làm rung động cả sáu thành.
(Thử hỏi) Thiên hạ ai kẻ thương người bạc mệnh?
Dưới mồ, chắc nàng cũng hối hận cho kiếp phù sinh.
Lúc sống, phấn son không rửa được nghiệp chướng,
Chết rồi chỉ để lại tiếng gió trăng mà thôi.
Hẳn nghĩ rằng trên đời không ai hiểu được mình,
Nên xuống suối vàng làm bạn với ông Liễu Kỳ Khanh.

Dịch thơ :
Viếng ca nữ đất La Thành
Một cành hoa đẹp chốn Bồng Doanh
Hương sắc kiêu sa vọng lục thành
Dương thế ai thương người bạc mệnh
Dưới mồ tự hối kiếp phù sanh
Phấn son không xóa sạch oan chướng
Trăng gió còn lưu mãi hậu danh
Hẳn nghĩ trần gian ai thấu hiểu
Suối vàng kết bạn Liễu Kỳ Khanh.
Nguyễn Cang
(28/2/18)

1 nhận xét:

Thông Tin Từ 𝐂ơ 𝐐𝐮𝐚𝐧 𝐏𝐡ướ𝐜 𝐓𝐡𝐢ệ𝐧 - 𝐓𝐨à 𝐓𝐡á𝐧𝐡 𝐓â𝐲 𝐍𝐢𝐧𝐡 24/4/2024

  𝐓𝐡ứ 𝐭ư, 𝐧𝐠à𝐲 𝟐𝟒/𝟒/𝟐𝟎𝟐𝟒 ( âm lịch ngày 16/3/ Giáp Thìn)   𝐂ơ 𝐐𝐮𝐚𝐧 𝐏𝐡ướ𝐜 𝐓𝐡𝐢ệ𝐧 - 𝐓𝐨à 𝐓𝐡á𝐧𝐡 𝐓â𝐲 𝐍𝐢𝐧𝐡 tiế...