Kiệt tác thế giới là
chuyên mục thời báo Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tới độc giả
những đỉnh cao văn hóa nghệ thuật nhân loại, được minh chứng qua dòng
chảy thời gian với các tác phẩm hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn
học…kiệt xuất – những dấu ấn lịch sử đặt định nên chuẩn mực giá trị nghệ
thuật và nhân sinh quý báu cho toàn thể nhân loại.
Giao hưởng “Anh hùng ca” của Beethoven đã được bầu chọn là bản giao hưởng vĩ đại nhất mọi thời đại vào ngày 05/08/2016. Các nhà soạn nhạc Đức và Áo chiếm 8 trên 10 vị trí hàng đầu trong một cuộc thăm dò ý kiến các nhạc trưởng hàng đầu thế giới do tạp chí Âm nhạc BBC thực hiện…
Cuộc bầu chọn lịch sử của 151 nhạc trưởng lớn nhất thế giới…
Ngày 05/08/2016, tạp chí Âm nhạc của Đài BBC loan báo Bản giao hưởng số 3
của Ludwig van Beethoven đứng đầu danh sách các bản giao hưởng vĩ đại
nhất mọi thời đại. Cụ thể, danh sách 10 bản giao hưởng đứng đầu là:
- Giao hưởng số 3 (Anh hùng ca / Eroica) của Beethoven (1803)
- Giao hưởng số 9 của Beethoven (1824)
- Giao hưởng số 41 của Mozart (1788)
- Giao hưởng số 9 của Mahler (1909)
- Giao hưởng số 2 của Mahler (1894, viết lại 1903)
- Giao hưởng số 4 của Brahms (1885)
- Giao hưởng Fantastique của Berlioz (1830)
- Giao hưởng số 1 của Brahms (1876)
- Giao hưởng số 6 của Tchaikovsky (1893)
- Giao hưởng số 3 của Mahler (1896)
Đây là kết quả thăm dò ý kiến của 151 nhạc trưởng lớn nhất thế giới hiện
nay, do Tạp chí Âm nhạc của Đài BBC tiến hành. Mỗi nhạc trưởng được đề
nghị nêu lên 3 bản giao hưởng hàng đầu theo thẩm định riêng của mình, từ
đó Tạp chí Âm nhạc sẽ xếp hạng căn cứ theo số phiếu bầu của các nhạc
trưởng. Thí dụ, trong số các nhạc trưởng được hỏi có:
Simon Rattle, bầu 3 bản giao hưởng là: giao hưởng số 3 của Beethoven,
giao hưởng số 8 của Bruckner, giao hưởng Das Lied von der Erde của
Mahler
Marin Alsop, bầu giao hưởng số 2 của Barber, giao hưởng số 3 của Brahms, giao hưởng số 2 của Mahler
Sakari Oramo (giao hưởng số 3 của Beethoven, giao hưởng số 3 của Mahler, giao hưởng số 5 của Sibelius)…
Người ta không ngạc nhiên khi thấy Beethoven thống trị danh sách nói trên với hai kiệt tác bất hủ top 1 và 2 trong danh sách bình chọn.
Đại Kỷ Nguyên sẽ lần lượt có các bài giới thiệu tới độc giả về từng tác phẩm trong số 10 tác phẩm vĩ đại này.
Về tác phẩm Anh hùng ca: một trải nghiệm lớn lao về sức mạnh và niềm vui của cuộc sống!
Oliver Condy, biên tập viên của Tạp chí Âm nhạc, nhận xét: “Các
nhạc trưởng thích chỉ huy dàn nhạc chơi bản giao hưởng này. Họ thích nó
vì có quá nhiều điều để nói về nó, có quá nhiều điều xảy ra…. và rằng
phẩn mở đầu làm người nghe choáng váng”.
Người ta cũng nhận xét rằng tinh thần anh hùng ở Beethoven là hiếm có. Condy nói: “Sau
này các nhà soạn nhạc thường nói nhiều về nỗi phiền muộn và cay đắng
của cuộc đời, nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều này ở Beethoven. Nghe
nhạc của ông bạn sẽ có trải nghiệm về sức mạnh và niềm vui của cuộc sống”.
Nhiều người ban đầu phỏng đoán giao hưởng số 9 của Beethoven phải đứng
đầu danh sách, không chỉ vì tính chất hoành tráng, hào hùng, phấn khởi
của nó, mà còn vì giai điệu Ode to Joy (khúc khải hoàn), đã được chọn
làm quốc ca cho Liên minh Âu Châu EU, nêu cao tình thần hữu ái, đoàn kết
giữa các dân tộc. Nhưng rốt cuộc nó vẫn phải nhường vị trí số 1 cho bản
“Anh hùng ca”.
Bản “Anh hùng ca” được Beethoven viết vào năm 1803, với ý định ban đầu
dành tặng cho Napoléon, người được coi là đại diện của tinh thần anh
hùng và giải phóng các dân tộc Âu Châu khỏi ách nô lệ. Nhưng khi nghe
tin Napoléon tự phong mình lên ngôi hoàng đế (02/12/1804), Beethoven đã
nổi giận, ông xóa lời đề tặng Napoléon trong bản nhạc và nói “Thì
ra ông ta cũng chỉ là một con người tầm thường! Bây giờ y sẽ chà đạp
lên mọi nhân quyền, sẽ chỉ phục tùng lòng hiếu danh của mình, y sẽ đứng
cao hơn tất cả và sẽ trở thành một tên bạo chúa“. Sự tức giận của Beethoven đến nay vẫn còn để lại dấu vết: Lời đề tặng Napoléon “Tặng Bonaparte” bị xóa kỹ đến nỗi khoét thành một lỗ thủng trên bản nhạc. Tuy nhiên, âm hưởng anh hùng ca vẫn còn nguyên vẹn.
Có thể nói không ngoa rằng nếu “mê âm nhạc” mà chưa biết Beethoven thì cái mê ấy còn nông nổi lắm.
Ludwig van Beethoven là tác giả của 9 bản giao hưởng và rất nhiều tác
phẩm âm nhạc nổi tiếng khác, kể cả những tác phẩm trữ tình. Giao hưởng
số 3 là Anh hùng ca, Giao hưởng số 9 là “Choral” (đại hợp xướng), bao
gồm “Ode to Joy” (Giao hưởng khúc khải hoàn) được dùng là quốc ca của
EU. Giao hưởng số 5 còn được gọi là giao hưởng chiến thắng, vì số 5
trong chữ La Mã là V, được phiên dịch thành “Victory” (chiến thắng).
Giao hưởng só 6 còn được gọi là bản “Pastoral” (giao hưởng đồng quê) có
giai điệu rất đẹp, dịu dàng, da diết, triền miên, thể hiện nép đẹp đồng
quê Châu Âu rất rõ ràng.
Nhận định của Traikopxki: Bản giao hưởng Anh hùng ca đã bộc lộ sức mạnh to lớn tuyệt vời của nhạc sĩ thiên tài Beethoven!
Đây là một bản giao hưởng cách tân trong nghệ thuật của chủ nghĩa cổ điển. “Trong bản giao hưởng này… đã bộc lộ sức mạnh to lớn tuyệt vời của nhạc sĩ thiên tài Bethoven”,Traikôpxki đã nhận định như vậy.
Chúng tôi muốn mượn lời của tờ “Tập san Âm nhạc” viết vào tháng hai năm 1807 để kết thúc phần giới thiệu bản giao hưởng này: “Có
những yếu tố kỳ diệu, mới mẻ và tuyệt vời… xu hướng nhất quán đáng khâm
phục… Chỉ có thiên tài chân chính mới sáng tạo được những tác phẩm như
vậy…”
Chương I – Allegro con brio,
soạn bằng hình thức sonata, bắt đầu bằng hai hợp âm chụm, mạnh mẽ như
nhắc mọi người chú ý, sau đó là chủ đề chính ở bè trầm tiến hành theo
kiểu giai điệu phăng pha.
Toàn chương phát triển căng thẳng không ổn định. Ở phần phát triển cũng
có thêm chủ đề mới, đó là một trường hợp hiếm có trong âm nhạc cổ điển.
Đó là qui mô đồ sộ và tính kịch mạnh mẽ, Xêrôp (1820-1871) – nhạc sĩ
Nga, nhà phê bình âm nhạc đã gọi chương I là chương Allegro “Đại bàng”.
Chương II là
một chương nhạc rất độc đáo, xuất hiện một bản hành khúc tang lễ giọng
đô thứ, hình thức 3 đoạn phức, có hai chủ đề. Chủ đề một tiết tấu đều
đều gợi lên hình tượng bước chân của những chiến hữu, theo sau linh cữu
đưa người anh hùng đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Từ chủ đề một xuất hiện chủ đề hai có tính chất hiệu triệu, khí thế mạnh mẽ.
Phần trung gian của ba đoạn phức được chuyển sang giọng trưởng càng làm
tăng thêm tính bi tráng hào hùng. Âm hưởng kèn đồng đầy tính kịch đưa
lên cao trào. Sau phần trio (phần trung gian của 3 đoạn phức) là một tái
hiện giả (tái hiện chủ đề chưa bằng điệu tính chính), rồi đến tái hiện
thật và kết thúc bởi một coda tổng kết môtip của chủ đề một cùng với sự
xuất hiện một giai điệu êm ả thanh bình như là một sự nghỉ ngơi tạm thời
của người chiến sĩ trên con đường tranh đấu. Chương nhạc này và chương
II của bản sonata piano si giáng thứ của Chopin là những chương hành
khúc tang lễ vô cùng sâu sắc.
Chương III Skerzo cũng viết bằng hình thức ba đoạn phức, nổi lên một chủ đề tươi vui diễn tấu bởi bộ dây.
Chương kết là một bản biến tấu theo phong cách giao hưởng hóa ngôn ngữ piano, có bè trầm cố định làm động lực phát triển (basse ostinato), chủ đề này rất gần gũi với chủ đề chính chương I và chủ đề 2 chương hành khúc tang lễ.
Để
có thể thưởng thức giao hưởng một cách sống động mỹ mãn nhất, chúng ta
nếu không thể ngồi trực tiếp trong nhà hát lớn một cách trang nghiêm
chăm chú, thì với link nhạc hay đĩa CD như ở đây, độc giả hãy cố tạo cho
mình 1 không gian tĩnh lặng riêng, đeo tai nghe, nhắm khẽ mắt để có thể
thưởng thức tương đối trọn vẹn những kiệt tác này của nhân loại ….
Kim Cương – Hà Phương
Bản này rất tuyệt vời
Trả lờiXóa