Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Góc Việt Thi : Thơ vua LÊ THÁNH TÔNG (7)

31. Bài thơ LỴ NHÂN THỔ NỮ :

  蒞仁土女                    Lỵ Nhân Thổ Nữ
高塘春近雨風寒,   Cao đường xuân cận vũ phong hàn,
秦女燕姬笑語歡。   Tần nữ Yên cơ tiếu ngữ hoan,
溪上千紅芳思暖,   Khê thượng thiên hồng phương tứ noãn,
遊蜂無意不相干。   Du phong vô ý bất tương can !

       * Chú thích :
  - Lỵ Nhân Thổ Nữ 蒞仁土女 : THỔ NỮ chỉ những người con gái ở một địa phương nào đó (cũng như THỔ SẢN 土產 chỉ Sản phẩm hay hàng hóa của riêng một nơi nào đó). Nên LỴ NHÂN THỔ NỮ chỉ những người con gái của đất Lỵ Nhân (LỴ NHÂN là huyện Lý Nhân, Hà Nam hiện nay).
  - Cao Đường 高塘 : là Trên bờ đê cao cao.
  - Tần Nữ Yên Cơ 秦女燕姬 : Chỉ các cô gái đẹp, lấy ý theo 4 câu cuối trong bài thơ "Cổ Ca 古歌" của Thẩm Thuyên Kỳ 沈佺期 đời Đường là :

            燕姬綵帳芙蓉色,   Yên cơ thái trướng phù dung sắc, 
            秦女金爐蘭麝香;   Tần nữ kim lô lan xạ hương; 
            北斗七星橫夜半,   Bắc đẩu thất tinh hoành dạ bán, 
            清歌一曲斷人腸.    Thanh ca nhất khúc đoạn nhân trường. 
  Có nghĩa :
     Tấm màn có hoa văn của cô gái nước Yên màu hoa phù dung, Chiếc lò vàng của cô gái nước Tần có mùi hương lan, xạ; Bảy ngôi của chòm sao Bắc Đẩu lúc nửa đêm đã nằm vắt ngang bầu trời. Một tiếng ca trong trẻo vút lên cao khiến người nghe như đứt từng khúc ruột.
  - Khê Thượng 溪上 : Trên bờ khe suối.
  - Phương Tứ Noãn 芳思暖 : Cái vẻ xuân thơm tho nồng ấm.
  - Du Phong 遊蜂 : Chỉ Những con ong bay lượn nhởn nhơ.
  - Bất Tương Can 不相干 : Không liên quan gì đến cả. Không màng đến.

* Nghĩa bài thơ :
                    Các Cô Gái Đất Lỵ Nhân
       Mặc dù đã gần đến mùa xuân, nhưng trên bờ đê cao cao gió mưa xuân vẫn còn lành lạnh. Các cô gái đẹp như những Tần nữ Yên cơ đang cười nói vui vẻ. Trên khe suối muôn hồng ngàn tía tỏa ra cái dáng xuân thơm tho nồng ấm. Nhưng các con ong cứ bay nhởn nhơ như chẳng thèm chú ý gì đến cả ! 

Diễn Nôm :

                     LỴ NHÂN THỔ NỮ

                Đê cao  lành lạnh  gió mưa xuân,
                Tần nữ Yên cơ cười nói rân,
                Khe suối muôn hồng ngàn tía ngát,
                Ong kia bay lượn cứ như không !
    Lục bát :
                Chớm xuân mưa lạnh đê cao,
                Yên cơ Tần nữ lao xao nói cười.
                Hoa thơm khe suối khoe tươi,
                Nhởn nhơ ong nọ vui chơi chẳng màng !
                                                       Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
    
32. Bài thơ MẶC  :

       墨                               MẶC
祖父惟從易水津,   Tổ phụ duy tòng Dịch thủy tân,
詞場贊劃掃千軍。   Từ trường tán hoạch tảo thiên quân.
可憐萬杵魚胞熟,   Khả lân vạn chử ngư bào thục,
仰見經天緯地文。   Ngưỡng kiến kinh thiên vĩ địa văn.

        

* Chú thích :
  - MẶC 墨 : là Thỏi mực Tàu; Mực của ngày xưa dùng để viết bút lông.
  - Câu đầu TỔ PHỤ 祖父là Ông Nội, ý chỉ Tổ Tiên; DUY TÒNG 惟從 là Chỉ đi theo; DỊCH THỦY TÂN 易水津 : là Bến sông Dịch; nên câu đầu có nghĩa : Tổ tiên của mực chỉ theo hai bên bờ của dòng sông Dịch mà truyền đi... Vì, một dãy của Thái Hành Sơn quanh bờ sông Dịch sản xuất loại thông ba lá cho nhựa và khói thật đen, thật mịn, thật bóng để làm thành những thỏi mực Tàu ngày xưa. 
  - Tán Hoạch 贊劃 : Tán đồng giúp đỡ cho các trù hoạch tính toán.
  - Vạn Chữ Ngư Bào Thục 萬杵魚胞熟 : CHỮ là Cái chày giã; NGƯ BÀO là Bong bóng cá (có nhiều chất nhựa); THỤC 熟 " là Chín, là nhuyễn. Nên VẠN CHỮ NGƯ BÀO THỤC có nghĩa : Giả một muôn lần cho bóng bóng cá nhuyễn ra (đễ làm chất nhựa pha vào mực). Theo như thơ của Khất Triết Đốc 契哲篤 đời Nguyên :
               魚胞萬杵成玄玉, NGƯ BÀO VẠN CHỮ thành huyền ngọc,
               應是柯仙得妙傳。 Ưng thị Kha tiên đắc diệu truyền. 
    Có nghĩa :
               Giã muôn lần cho bong bóng cá nhuyễn ra thành ngọc đen,
               Đó là do Kha Tiên truyền cho bí kíp kỳ diệu đó.
  - Kinh Thiên Vĩ Địa 經天緯地 : KINH là Kinh tuyến, là đường dọc; VĨ là Vĩ Tuyến, là đường ngang; cho nên KINH THIÊN VĨ ĐỊA là Trời dọc đất ngang, như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói :

                        Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc !

* Nghĩa bài thơ :
                                           MỰC
       Tổ tiên (của MỰC) vốn dĩ được truyền dọc theo bờ sông Dịch (trong dãy núi Thái Hành Sơn). Đã giúp đỡ cho các văn thơ thêm sức mạnh có thể quét sạch trăm ngàn quân lính. Khá thương thay phải trải qua muôn ngàn lần chày giã bóng cá cho nhuyễn (để hòa vào mực), nên mới có được những áng văn dọc ngang trời đất để cho người đời ngưỡng mộ !

Diễn Nôm :
                                MẶC
                Dịch Thủy tổ tiên dọc bến sông,
                Giúp văn từ mạnh quét ngàn quân.
                Khá thương chày giã muôn muôn lượt,
                Mới được dọc ngang trời đất văn !
    Lục bát :
                Tổ tiên sông Dịch theo bờ,
                Quét ngàn quân địch văn nhờ vào đây.
                Muôn lần chày giã thương thay,
                Dọc ngang trời đấy văn bài từ ta !
                                           Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm  

33. Bài thơ NGUYỆT HẠ TÚY ẨM  :

  月下醉飲             NGUYỆT HẠ TÚY ẨM
皎皎懸天頭戴一,  Hạo hạo huyền thiên đầu đới nhất,
翻翻伴我影成三。  Phiên phiên bạn ngã ảnh thành tam.
攻腸濁酒無刀箭,  Công trường trọc tửu vô đao tiễn,
聒耳煩心士不堪。  Quát nhĩ phiền tâm sỹ bất kham.

       
* Chú thích :
  - Nguyệt Hạ Túy Ẩm 月下醉飲 : Uống say dưới trăng là Dưới ánh trăng uống đến say sưa.
  - Hạo Hạo 皎皎 : Sáng vằng vặc.
  - Huyền Thiên 懸天 : là Treo lơ lửng trên trời.
  - Phiên phiên 翻翻 : là Chập chờn, chấp chới.
  - Trọc Tửu 濁酒 : Không phải là rượu dơ, mà là rượu chưa được lọc kỹ.
  - Quát Nhĩ Phiên Tâm 聒耳煩心 : Tai ù tim rối; Tai thì lù ù, tim thì đập loạn xạ; ý chỉ không còn tỉnh táo minh mẫn nữa.
  - Sĩ Bất Kham 士不堪 : là Không kham nổi là kẻ sĩ nữa; tức là không còn giữ được bản chất của kẻ sĩ nữa. 

* Nghĩa bài thơ :
                         UỐNG SAY DƯỚI TRĂNG
       Một vầng sáng vằng vặc treo lơ lửng trên đầu là một; Chập chờn bên cạnh là bóng của ta nữa là ba. Công phá ruột gan cái thứ đồ rượu cặn nầy không cần dùng đến cung đao, mà cũng làm cho kẻ sĩ đầu choáng mắt hoa tai ù tim loạn không ra thể thống gì cả !

      Đọc bài thơ nầy của ông vua làm cho ta nhớ lại 2 câu trong bài Nguyệt Hạ Độc Chước 月下獨酌 (Chuốc rượu một mình dưới trăng) của Thi Tiên Lý Bạch 李白 :

                   舉杯邀明月, Cử bôi yêu minh nguyệt,
                   對影成三人。 Đối ảnh thành tam nhân.
      Có nghĩa :
                   Nâng ly mời trăng sáng,
                   Đối bóng nữa ba người !
     

     Nhưng, Thi Tiên nói lên sự hào sảng phóng khoáng của đệ tử Lưu Linh, uống rượu một mình rồi mời trăng mời bóng, nên cũng vui vẻ và thoải mái như thường; Còn ông vua của ta có ý chê trách kẻ sĩ uống rượu vào sẽ mất tư cách vì tai ù tim loạn, đầu choáng mắt hoa nên trông gà hóa cuốc, thấy trăng thấy bóng như chập chờn lởn vởn bên mình !

* Diễn Nôm :
                     NGUYỆT HẠ TÚY ẨM

                          Một vầng vằng vặc đỉnh đầu ta,
                Lởn vởn quanh mình bóng nữa ba.
                Rượu phá ruột gan không giáo mác,
                Tai ù kẻ sĩ mắt thì hoa !
     Lục bát :
                Đỉnh đầu vằng vặc một vầng,
                Chập chờn bóng của riêng mình nữa ba.
                Rượu công gan ruột xót xa,
                Bất kham kẻ sĩ mắt hoa tai ù !
                                               Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm           

34. Bài thơ NGỰ CHĐỀ LỤC VÂN ĐỘNG  :

 御制題綠雲洞         NGỰ CHẾ ĐỀ LỤC VÂN ĐỘNG
 
綠雲深洞碧巑岏,   Lục vân thâm động bích toàn ngoan,
名利塵消宇宙寬。   Danh lợi trần tiêu vũ trụ khoan.
夕照溪山花掩暎,   Tịch chiếu khê sơn hoa yểm ánh,
春開楊柳鳥間關。   Xuân khai dương liễu điểu gian quan.
清泉洗耳猿心靜,   Thanh tuyền tẩy nhĩ viên tâm tĩnh,
幽室懸燈鹿夢寒。   U thất huyền đăng lộc mộng hàn.
無相虛靈機事少,   Vô tướng hư linh cơ sự thiểu,
壼天日月不勝閒。   Hồ thiên nhật nguyệt bất thăng nhàn.

 
* Chú thích :
  - NGỰ CHẾ ĐỀ LỤC VÂN ĐỘNG 御制題綠雲洞 : Thơ của vua đề Lục Vân động. LỤC VÂN ĐỘNG là Động có mây màu xanh lục (có thể do có nhiều cây cỏ). Bài thơ này được khắc trên vách núi tại xã Nga Thiện, Nga Sơn, Thanh Hoá. Lạc khoản đề “Hữu Thiên Nam hoàng đế đề; Hồng Đức kỷ nguyên chi nhị thập ngũ xuân tam nguyệt cát nhật; Trung thư giám Trung thư Xá nhân Nguyễn Công Trực phụng thư; Ngự dụng giám san thư cục chính Phạm Bảo phụng tuyên” 右天南皇帝題,洪德紀元之二十五春三月吉日,中書監中書舍人阮公直奉書,御用監山書局正范寶奉鐫 (Thiên Nam hoàng đế đề; Ngày lành tháng 3 năm Hồng Đức 25 (1494); Trung thư giám Trung thư xá thân Nguyễn Công Trực vâng mệnh viết chữ; Ngự dụng giám san thư cục chính Phạm Bảo vâng mệnh khắc).
  - Toàn Ngoan 巑岏 : Núi nhọn cao chót vót; lẽ ra phải đọc là "Tán Hoàn", âm Quan Thoại là [cuánwán], cũng có thể đọc là "Toản Ngoan"; đọc là TOÀN NGOAN để cho ăn Luật và ăn Vận mà thôi.
  - Trần Tiêu 塵消 : Tiêu tan như bụi bặm.
  - Yễm Ánh 掩暎 : Chấp chới ẩn hiện.
  - Gian Quan 間關 : Líu lo, oang oác (tiếng chim hót).
  - Viên Tâm 猿心 : Lòng của con vượn. Thiền gia ví cái tâm của con người hay động loạn như tâm con vượn hay nhảy nhót lung tung.
  - Lộc Mộng 鹿夢 : Giấc mộng đuổi bắt con nai, là giấc mộng tranh danh đoạt lợi. Theo "Sử Ký. Hoài Âm Hầu Liệt Truyện 史記˙淮陰侯列傳":  Giềng mối của nhà Tần đã hết nên lỏng lẻo, đất Sơn Đông đại loạn, các họ khác đều nổi lên, anh hùng các nơi tập hợp. Tần như làm sổng mất con nai, nên thiên hạ đều cùng đuổi bắt, gọi là "Trục Lộc Trung Nguyên 逐鹿中原", vì thế, ai tài giỏi và nhanh chân thì sẽ bắt đựơc. Các lộ anh hùng nổi lên lại tiêu diệt lẫn nhau, cuối cùng Lưu Bang dành được thiên hạ, lập nên nhà Hán kéo dài hơn bốn trăm năm.

* Nghĩa bài thơ :
                       Thơ Đề LỤC VÂN ĐỘNG của Nhà Vua
       Động Lục Vân sâu thăm thẳm trên vách núi cao dựng đứng màu xanh biếc. Trước cảnh vũ trụ bao la thì lòng danh lợi cũng tiêu pha như bụi trần. Ánh nắng chiều chiếu trên hoa lá bên khe núi chập chờn như ẩn như hiện; Mùa xuân đã ngự đến trên cành dương liễu đang rộn ràng tiếng chim hót líu lo. Tiếng suối nước trong như rửa sạch tai làm cho lòng thích động loạn nhảy nhót như con vượn cũng phải yên ắng lại. Trong căn phòng thâm u với ngọn đèn treo khi mờ khi tỏ cũng làm cho nguội lạnh đi cái lòng hám danh lợi quyền uy "trục lộc Trung nguyên". Không còn sắc tướng, chỉ có hư linh nên những huyền cơ cũng ít đi (Ý nói không còn gì để ham muốn theo đuổi, chỉ là hư không nên ít phiền toái). Như mặt trăng mặt trời trong một cái bầu riêng biệt (Ý nói có riêng một góc trời) nên cảm thấy rất là nhàn tản.

* Diễn Nôm :
                     NGỰ CHẾ ĐỀ LỤC VÂN ĐỘNG

                              Thẳm thẳm Lục Vân mờ núi biếc,
                  Lợi danh như bụi vút trời cao.
                  Nắng chiều khe núi hoa khoe sắc,
                  Xuân đến liễu dương chim hót chào.
                  Suối rửa sạch tai lòng vượn tịnh,
                  Phòng im đèn lạnh mộng nai chao.
                  Tâm không vướng bận không phiền toái,
                  Nhật nguyệt riêng bầu nhàn tản sao !
       Lục bát :
                  Lục Vân Động, núi biếc xanh,
                  Bao la vũ trụ lợi danh bụi trần.
                  Nắng chiều hoa cỏ chập chờn,
                  Xuân tươi dương liễu chim cành hót vang.
                  Suối trong tai sạch vượn an,
                  Phòng đơn trục lộc đèn tàn mộng tiêu.
                  Sắc không thế sự ít nhiều,
                  Bầu trời riêng một, tiêu diêu thanh nhàn !
                                                                  Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

35. Bài thơ NHA TƯỜNG NGUYỆT THI  :

  牙檣月詩              NHA TƯỜNG NGUYỆT THI
銀魄當天刻漏長,   Ngân phách đương thiên khắc lậu trường,
溶溶玉鏡掛牙檣。   Dung dung ngọc kính quải nha tường.
山河滿目光如晝,   Sơn hà mãn mục quang như trú,
倚遍欄杆夜未央。   Ỷ biến lan can dạ vị ương !


 
* Chú thích :
  - NHA TƯỜNG NGUYỆT THI 牙檣月詩 : NHA là Ngà Voi, TƯỜNG là Cột Buồm; nên NHA TƯỜNG là Cột buồm được trang trí bằng ngà voi. Vì thế NHA TƯỜNG NGUYỆT THI là "Bài thơ trăng treo cột buồm".
  - Ngân Phách 銀魄 : là Cái đĩa bằng bạc, chỉ mặt trăng tròn và sáng.
  - Dung Dung 溶溶 : là Tan chảy hòa vào nhau. Quải 掛 : là Treo.
  - Trú 晝 : là Ban ngày, nên Quang Như Trú 光如晝 có nghĩa "Sáng như ban ngày".
  - Ỷ 倚 là Dựa vào; Biến 遍 là Khắp cùng.  
  - Dạ Vị Ương 夜未央 : VỊ ƯƠNG là Chưa đến cao điểm; nên DẠ VỊ ƯƠNG là Đêm chưa đến lúc cao điểm, nghĩa là chưa đến giờ Tý, vì giờ Tý là giờ cao điểm của giữa đêm.

* Nghĩa bài thơ :
                     Bài thơ Trăng Treo Cột Buồm
       Một cái đĩa bạc lơ lửng trên bầu trời, thời khắc của cái đồng hồ cứ nhỏ giọt dài dài. Ánh trăng hòa vào không gian như chiếc gương ngọc treo lơ lửng trên cột buồm được nạm ngà voi. Cảnh núi sông bày ra trước mắt sáng rực như ban ngày. Ta đã lần lượt vựa hết lan can quanh thuyền để ngắm trăng, mà đêm vẫn còn chưa về khuya chút nào cả !

* Diễn Nôm :
                     NHA TƯỜNG NGUYỆT THI
                  

                 Đĩa bạc giữa trời khắc lậu trôi,
                 Cột buồm gương ngọc lửng lơ rồi.
                 Núi sông trước mắt như bừng sáng,
                 Tựa hết lan can đêm chửa vơi !
       Lục bát :
                 Đêm trôi đĩa bạc giữa trời,
                 Trong như gương ngọc chơi vơi cột buồm.
                 Non sông bừng sáng khác thường,
                 Tựa lan can ngắm đêm trường mênh mang !
                                                            Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

     Hẹn bài dịch tới :
                        Thơ vua LÊ THÁNH TÔNG (8)

                                                                    杜紹德
                                                                  Đỗ Chiêu Đức

          🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸                                            





Ngân Bình: Bao giờ nghe tiếng chân quen (T.Vấn và Bạn Hửu )

 

Tranh minh họa – Bảo Huân

   Gặp tôi gặp trong phòng vệ sinh, Lệ kề tai hỏi nhỏ:

-Bà thấy cái đám cưới này ra sao?

Không hiểu rõ ý Lệ nên tôi dè dặt đáp:

-Ừ!… thì … sang trọng, hoành tráng và vui nhộn.

Chị ngả đầu ra phía sau, đôi mày hơi nhíu lại:

-Ngoài cái mặt nổi đó, bà không thấy gì nữa hả?

-À!…không.

Lệ hạ giọng:

-Vậy… cái bụng chình bình của cô dâu không làm bà thắc mắc sao?

-Chắc tại con bé mặc cái áo đầm hơi rộng nên tôi không để ý.

-Ðó, bà thấy chưa, từ trước tới giờ, cô dâu nào cũng mặc áo bó sát để khoe thân hình thon thả, cái bụng phẳng phiu, chứ đâu có ai mặc áo rộng thùng thình như áo bầu.

Trở ra phòng tiệc, ghé qua bàn -chỗ tôi ngồi- trao đổi vài câu thăm hỏi sức khỏe với chị Linh xong, Lệ đổi giọng thì thầm:

-Hai chị ở lại tiếp tục ăn nha, tôi về trước.

Chị Linh trố mắt ngạc nhiên:

-Ủa! sao về sớm vậy, nhà hàng mới dọn có ba món mà. Bận chuyện gì hả?

-Có bận gì đâu, nhưng…

Ðưa mắt tìm kiếm một vòng, sau cùng Lệ hất ánh mắt về phía cô dâu vừa bước ra từ phòng thay áo:

-Nói thiệt, nể tình chị Khánh… chứ đi đám cưới kiểu này xui xẻo lắm. Mà công nhận bà Khánh hay thiệt, cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, chứ con gái tôi mà vậy, chắc tôi đuổi cổ ra khỏi nhà. Mất mặt thấy mồ còn tổ chức rình rang làm chi cho thêm nhục…

Lệ chưa nói hết lời, chị Linh đã lên tiếng hối thúc:

-Có muốn về thì dọt sớm đi, người ta chuẩn bị chào bàn rồi kìa.

-Ừ! tôi đi đây. Sẽ điện thoại nói chuyện sau nha.

Nhìn theo cái dáng nhún nhẩy của Lệ, tôi thở hắt ra như vừa trút một gánh nặng. Chị Linh gắp miếng đùi gà bỏ vào chén tôi, từ tốn nói:

-Ai có số phận nấy, phê phán làm gì cho thêm tội cái miệng.

Tôi nhìn chị cười nhẹ với cái gật đầu đồng tình.

-Thât ra, mỗi người có cách suy nghĩ khác nhau.Tôi thì khác với Lệ. Nếu con cái có lỡ dại, tôi sẽ không bỏ nó. Theo tôi, chị Khánh là người mẹ tuyệt vời. Tình thương và sự bao dung của chị dành cho con đã vượt trên mọi thứ tầm thường như thể diện, mặt mũi. Thật ra, đây là lúc đứa con lầm lỗi cần sự tha thứ và nâng đỡ của gia đình, nhất là sự chỉ bảo, săn sóc của mẹ trong lần thai nghén đầu tiên. Thiên hạ khen cũng một tiếng, mà chê cũng một tiếng, hơi đâu bận lòng cho mệt. Quan trọng là tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái vẫn tràn đầy, ấm áp.

Tàn tiệc, tôi ra về với tâm trạng buồn bã, bất an. Ánh đèn vàng trên suốt con đường dài hun hút như nhòe nhạt trong dòng nước mắt ngậm ngùi rơi xuống, vì thương xót, vì ân hận, khi tôi nghĩ đến Nhã Quyên, đứa con gái duy nhất của mình. Từng lời nói của chị Linh xoáy vào tai, chạm vào tim như một cú sốc mãnh liệt, để tôi chợt nhận ra mình đã không có được tình thương và sự bao dung của một người mẹ nhân lành như chị Khánh, mà lại hành động nông nổi và nhẫn tâm như lời phê phán đầy ác ý của Lệ, là xua đuổi đứa con khốn khổ của mình ra khỏi nhà khi nó đang xanh xao, vàng vọt vì bị  thai hành. Những bước chân xiêu vẹo của Nhã Quyên không làm tôi nao lòng, vì cơn tức giận đang sùng sục như biển lửa đang ngùn ngụt cháy.

Thật ra, cũng vì thương con nên tôi muốn Nhã Quyên có chồng giàu sang để sung sướng tấm thân, khỏi phải triền miên lo lắng, vất vả như tôi, hơn nửa cuộc đời phải chật vật mưu sinh, thiếu trước hụt sau, cái ăn, cái mặc chẳng bằng ai, đôi khi còn bị người khác khinh khi vì thân phận mang lấy chữ nghèo. Với suy nghĩ đó, tôi đã  xen vào chuyện tình cảm của con gái mình một cách quá đáng.Tôi buộc Nhã Quyên phải ưng người này, bỏ người kia. Tôi đã đem tình yêu của Nhã Quyên lên bàn cân để so đo vật chất. Và khi mọi chuyện đảo ngược không theo ý mình, tôi đã xua đuổi con một cách không thương tiếc. Người ta thường nói, thời gian là liều thuốc nhiệm mầu sẽ xoa dịu những vết thương lòng. Nhưng với tôi thì không. Cứ mỗi lần gặp bạn bè hỏi thăm Nhã Quyên, tôi lại có cảm tưởng họ đang chế giễu, đang chê cười tôi  -vì  có đứa con gái, chưa làm đám cưới đã mang bầu với người chẳng có một mảnh bằng trong tay. Thế là nỗi tức giận lại bừng bừng trỗi dậy. Quỳ khuyên tôi hãy mở lòng tha thứ để vợ chồng, con cái Nhã Quyên được trở về sống gần gũi cha mẹ. Tôi rắn giọng phản đối:

-Nó về đây thì em dọn đi nơi khác. Có nó thì không có em. Thứ con cái bất hiếu, cãi cha, cãi mẹ, anh tiếc làm gì?

Quỳ lắc đầu ngao ngán:

-Em chẳng thua gì bà mẹ ghẻ cay độc.

Mặc cho Quỳ mỉa mai, châm biếm, tôi quyết không thay đổi lập trường. Vậy mà hôm nay, những lời nói nhẹ nhàng của chị Linh như đâm thấu trái tim tôi. Thật ra, khi đứng trước ngưỡng cửa tử sinh trong cơn bệnh nguy cấp cách đây một tháng, tôi đã nhớ Nhã Quyên đến quặn lòng. Niềm khao khát duy nhất trong phút giây mà tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể nào qua khỏi, là được nắm lấy bàn tay mềm mại và ấm áp của Nhã Quyên, đứa con gái thân yêu, từ thuở lên sáu đã biết  quậy nước chanh mật ong cho mẹ mỗi khi tôi bị cảm sốt. Ly nước có khi chua lè, có khi ngọt gắt cổ họng làm lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc. Tôi yêu thương Nhã Quyên bằng tấm lòng dạt dào của người mẹ. Nhã Quyên là bảo vật quý giá nhất trên đời và tôi hằng cầu mong con gái mình sẽ có cuộc sống phủ phê, sung sướng hơn những bạn bè cùng trang lứa. Nhưng cuối cùng, chính tay đứa con gái xinh đẹp mà tôi đã đặt biết bao kỳ vọng đã phá vỡ niềm mơ ước đó.

Tôi không hiểu tại sao Nhã Quyên lại rời bỏ Tấn, người tôi đã từng xem như chàng rể tương lai đã mang đến cho tôi niềm hãnh diện tột cùng, khi Tấn tự đứng ra tổ chức bữa tiệc sinh nhật năm mươi tuổi của tôi, với món quà là sợi dây chuyền cùng có hột xoàn lấp lánh giữa đóa hoa năm cánh xinh xắn. Một món trang sức tôi ao ước từ lâu, nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được.

Một năm sau, khi tôi vẫn chưa hết giận vì quyết định nông nổi của Nhã Quyên, thì nó lại hẹn hò với người bạn trai mới. Không phải là chủ nhân của một cơ sở thương mại bề thế như Tấn, Vịnh chỉ là một anh thợ làm công cho tiệm sửa xe khiêm nhường ở góc phố, gần lối rẽ vào con đường nhà tôi. Không thể tả hết nỗi thất vọng của tôi. Và sự đau đớn của tôi lên đến cao độ khi Nhã Quyên vừa khóc, vừa thú nhận… “con đã có thai”. Tôi lảo đảo như người bị hụt chân rơi vào khoảng không vô tận. Cơn giận dữ khiến tôi không còn kiểm soát được mình. Cầm chiếc kéo cắt vải đang có sẵn trên tay, tôi phóng vào người Nhã Quyên, khi con bé đang đứng nơi góc nhà. Thằng rể không được tôi công nhận, ôm choàng lấy Nhã Quyên, đưa lưng che chở. Cũng may, sức tôi yếu, nên chiếc kéo bay đi chưa được nửa đoạn đường đã rơi xuống đất. Lúc đó, tôi chỉ muốn làm sao để thỏa mãn cơn giận điên người, chứ không cần biết đến hậu quả.

– Ðứa con gái hư hỏng, mất nết… ra khỏi nhà ngay tức khắc.

Tiếp theo đó là bao nhiêu từ ngữ xấu xa tôi lôi ra hết để rủa xả thằng con trai đã khiến Nhã Quyên  của tôi trở nên mù quáng, mê muội. Rồi mặc cho Quỳ can ngăn, tôi ném tất cả đồ đạc của Nhã Quyên ra đường và cấm nó không được bước chân về nhà.

Nghe Quỳ kể, những ngày tôi nằm ở bệnh viện trong tình trạng mê man, Nhã Quyên có bế con vào thăm. Nhưng khi tôi bắt đầu tỉnh táo thì Quỳ khuyên ngăn Nhã Quyên đừng đến nữa, vì sợ tâm lý tôi chưa ổn định sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Tuy trong lòng đã có chút nguôi ngoai, nhưng ngoài mặt tôi vẫn dửng dưng, lạnh lùng như chẳng hề quan tâm đến Nhã Quyên. Cũng không biết tại sao tôi lại che giấu tình cảm, che giấu nỗi nhớ thương thôi thúc trong tâm hồn. Ðể rồi, có lần đi dự hội chợ tết, nhìn đứa bé gái ba tuổi xúng xính trong bộ áo dài màu hồng với đôi guốc gỗ quai da quá dễ thương, tôi lại liên tưởng đến cháu ngoại của mình, khi nghe nó thỏ thẻ “Ngoại ơi! Ti muốn ăn kẹo”. Và khi cầm gói kẹo trên tay, con bé ôm cổ bà cười rúc rích “Ti thương bà ngoại nhất trên đời”. Suốt buổi hội chợ, tôi như cái đuôi của hai bà cháu họ, cứ lẽo đẽo theo sau để nhìn và để tưởng tượng đứa cháu chưa lần thấy mặt trong niềm ao ước bất chợt vừa dấy lên.

Sau khi sức khỏe phục hồi, Quỳ muốn tôi nghỉ việc, dưỡng bệnh một thời gian. Những ngày lẩn quẩn ở nhà, nhìn tới nhìn lui chỉ có mình, tôi cảm nhận được sự hiu quạnh đáng sợ, nhất là những cuối tuần Quỳ phải lái xe đi giao hàng ở tiểu bang khác. Nhiều lúc ngồi đơn độc nơi phòng khách, tôi bỗng thèm nghe những bước chân quen thuộc của đứa con gái yêu quý, như ngày nào nó thường rón rén để hù cho tôi giật mình. Và khi tôi la hoảng lên vì sợ hãi thì nó ôm chầm lấy tôi hôn rối rít.

Nhớ quá là nhớ kỷ niệm ngọt ngào của những ngày hai mẹ con quấn quýt bên nhau từng giờ, từng phút, nhưng vì tự ái, vì cái tôi quá lớn, chưa bao giờ tôi thố lộ với Quỳ điều này.

 


Ðồng hồ thong thả gõ hai tiếng, tôi trở mình mấy lượt rồi ngồi bật dậy, bước ra khỏi giường.

Tần ngần trước phòng Nhã Quyên một lúc lâu, tôi đưa tay xoay nhẹ chốt cửa, chầm chậm bước vào. Lâu lắm rồi tôi chẳng hề để mắt đến căn phòng này. Cầm tấm ảnh gia đình trong ngày Nhã Quyên tốt nghiệp đại học, tôi đưa tay chạm nhẹ vào khuôn má bầu bĩnh của con. Vậy mà bốn năm rồi. Không biết bây giờ con tôi ra sao? Với những bận rộn lo toan, với trách nhiệm làm vợ và làm mẹ nặng nề, nó có còn xinh đẹp, liếng thoắng nói cười như ngày xưa? Và không biết, vợ chồng nó có hạnh phúc hay không? Bốn năm qua, với sự giận hờn cố chấp, tôi luôn xua đuổi hình ảnh Nhã Quyên ra khỏi đầu óc, quyết không bận tâm đến cuộc sống mà nó đã tự lựa chọn. Nhưng cái đám cưới vừa dự cùng những chia sẻ của chị Linh như thức tỉnh tôi. Sao mình lại có thể là người mẹ hẹp hòi như thế? Hình như chẳng bao giờ tôi nghĩ như chị Linh đã nghĩ “Ngày con gái theo chồng, tôi đã tự nhủ, dù bây giờ hay đến khi già yếu, lúc nào tôi cũng dành sẵn một bờ vai cho con gái tôi nương tựa những lúc nó gặp khó khăn trong cuộc sống, hay sóng gió trong đời sống vợ chồng”.

Lau nhẹ những giọt lệ vừa lăn xuống, tôi đưa tay cầm lấy lá thư gác trên khuôn ảnh. Bao nhiêu năm qua, Quỳ vào ra để làm công việc giữ gìn căn phòng luôn sạch sẽ, chính tay anh đã sắp xếp mọi thứ cho gọn gàng, nhưng lá thư này thì vẫn nằm ở vị trí đầu tiên -Có lẽ vậy!. Hẳn anh hy vọng một ngày nào đó, tôi bước vào đây cầm lấy và mở ra, để có thể nhìn thấu tâm sự của “đứa con gái ba thương nhất trên đời” mà thuở Nhã Quyên còn bé, anh vẫn thường âu yếm nói khi ôm nó trong vòng tay rắn chắc.

 Kính thưa mẹ,

Con ngồi đây hàng giờ trước trang giấy trắng và cây bút trên tay mà không biết phải viết thế nào để mẹ hiểu được nỗi lòng của con. Con rất muốn làm một đứa con hiếu thảo, tuân theo sự sắp xếp của mẹ như mẹ vẫn từng nói, “Bây giờ không phải là thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhưng đứa khôn ngoan biết nghe lời cha mẹ thì sẽ được hạnh phúc, sung sướng. Còn cứ cho rằng mình đủ khôn ngoan, đủ sáng suốt để quyết định lựa chọn chuyện chung thân, thì sau này có ngậm đắng, nuốt cay cũng một mình gánh chịu”. Mẹ nói không sai. Nhưng thưa mẹ, con và mẹ, hai thế hệ và hai cách suy nghĩ khác nhau. Con đặt hạnh phúc trên tình yêu. Còn mẹ chỉ nhìn nó ở khía cạnh vật chất, nên con không có cơ hội để được chia sẻ cùng mẹ niềm vui, nỗi buồn của con.

Chuyện giữa con và anh Tấn  -cho  đến bây giờ- mẹ vẫn không tin là con chia tay với anh Tấn không phải vì một người khác. Con không biết phải giải thích thế nào để mẹ hiểu lý do khiến con quyết định xếp lại chuyện tình bốn năm. Con yêu anh Tấn, vì anh có nhiều điểm giống ba. Hiền lành. Siêng năng. Thông minh. Nhưng điều làm cho con cảm thấy thất vọng là anh quá bận rộn với công việc và dần dần con không còn quan trọng để anh Tấn gọi con, nói câu  “good night” mỗi tối. Càng ngày, con càng nhận ra rằng, anh Tấn không quý trọng mối liên hệ tình cảm của hai đứa. Và con chợt nghĩ, nếu trở thành vợ anh, thì con sẽ có rất nhiều buổi tối cô đơn, một mình bên mâm cơm nguội lạnh, vì Tấn quá đam mê công việc, nể nang bạn bè, không biết từ chối khi nên từ chối. Ngay bây giờ, vì việc làm, vì tiền, anh Tấn có thể bỏ hẹn với con, để đi ăn hoặc đi chơi với một người khách hàng hay người làm ăn chung như mẹ  đã nhiều lần nhìn thấy, nhưng vẫn bênh vực và cho rằng người đàn ông thành công là người đàn ông đặt sự nghiệp lên trên.

Mẹ ơi! con cần tình yêu, cần sự quan tâm, săn sóc của Tấn hơn là cái nhà đồ sộ mà anh đang có, hay chiếc xe bảy, tám chục ngàn mà Tấn hứa sẽ mua cho con, sau khi hai đứa thành hôn. Mẹ mắng con ngu si không biết tính toán. Nhưng đối với con, tình yêu mà có sự tính toán thì đó không phải là tình yêu đúng nghĩa.  Mẹ đâu biết rằng, khi quyết định chia tay với Tấn, con đã đau khổ đến thế nào. Mẹ đâu biết rằng có nhiều đêm, nước mắt con rơi không ngừng. Con khóc, khóc cho đến khi mỏi mòn chìm vào giấc ngủ. Mẹ cũng đâu biết rằng, có những ngày đang làm việc, con phải lén vào phòng vệ sinh để giấu những giọt lệ buồn tủi vì dang dở mối tình đầu.

Mẹ không nhìn thấy nỗi lòng tan nát của con, nên cứ mãi trách móc con ngu si, đần độn. Con biết mẹ đánh giá người tình của con qua tiền tài và địa vị, nên bây giờ, khi con gặp được Vịnh, người đàn ông tha thiết  yêu con bằng sự quan tâm và  trân trọng thì mẹ lại phản đối, chỉ bởi một lý do duy nhất “Nó chỉ là thằng thợ sửa xe”. Thợ sửa xe thì có gì xấu  khi Vịnh mang đến cho con niềm hạnh phúc tràn đầy. Vịnh thương yêu và nâng niu con như báu vật. Anh săn sóc, chăm lo cho con từng chút nhỏ. Cái nhăn mặt của con cũng làm anh cuống quýt âu lo. Sự vui vẻ, phấn chấn của con cũng làm anh an tâm mãn nguyện. Như thế con còn mong ước gì hơn hở mẹ?……

Tôi buông lá thư xuống, đầu óc hoang mang, không biết những gì mình đã làm là đúng hay sai? Và… bốn năm trôi qua, những gì Nhã Quyên mô tả về người đàn ông nó dành trọn trái tim có giữ được tất cả những điều tốt đẹp mà con gái tôi đã tận hưởng thuở còn là tình nhân của nhau.

Tôi ngồi xuống mép giường, lòng tự hỏi lòng, sẽ có ngày nào tôi nghe lại bước chân quen của đứa con gái mà đã có lần tôi chỉ tay ra đường, hét lên trong cơn giận dữ “Ði ra khỏi nhà và đừng bao giờ trở lại” không? Tôi nhớ câu hỏi của Quỳ khi anh mở khóa cửa, đưa tay bật công tắc điện và bắt gặp ánh mắt còn vướng ngấn lệ của tôi.

-Thấy đám cưới con gái người ta rồi chạnh lòng nhớ con mình phải không? Ngà à! ngày nào em biết chấp nhận những điều xảy ra không như mình mong muốn, thì ngày đó em mới thật sự tìm thấy hạnh phúc trong sự bình an.

 Ngân Bình


 

" NIỀM VUI TRONG TÂM" Thơ Trần Quốc Bảo



NIỀM VUI TRONG TÂM    Thơ Trần Quốc Bảo   
     
Tuổi vàng, cánh hạc thăng hoa,

Gừng kia vốn dĩ, “càng già càng cay”!

Thì vui cho trọn hôm nay,

Túi thơ bầu rượu, tỉnh say với đời!



Ngày mai, còn thấy mặt trời,

Tạ ơn Thượng Đế, mỉm cười an vui!

Chốn này, cõi tạm mà thôi,

Dẫu lưu luyến mấy, nữa rồi cũng đi!

 

 Hơn thua, đã chẳng xá gì,

Lợi danh buông bỏ, có chi bận lòng ?.!

Cứ thơ thẩn, cứ thong dong…

Mặc cho Con Tạo chuyển vòng thế nhân!

 

Đ
ã đành cuộc sống phù vân,

Cỏ cây kia vẫn ân cần nở hoa. 

Chim đàn rộn rã tiếng ca,

Cuộc nhân sinh, vẫn chan hòa thái dương!

 

Đẹp thay, hạnh phúc bình thường!

Vòng tay ôm trọn tình thương đất trời.

Niềm vui trong tim mỗi người,

Giữ tâm tịnh lạc cho đời an nhiên. (*)    

 

          Trần Quốc Bảo

                  Richmond, Virginia

            Địa chỉ điện thư của tác giả:

          quocbao_30@yahoo.com

  

(*) “Tịnh lạc tâm”  là môt “Niệm” của “Thiền hành”

 

VUI VỚI BẠN THƠ -Thơ Chung Văn,Họa :Hồ Nguyễn


VUI VỚI BẠN THƠ

Còn chi là vui thú,
Khi tóc bạc da mồi.
Những chiều trên đảo vắng,
Nghe sóng vỗ xa xôi.

Nghe bạn xa thông báo,
Có vần thơ sáng ngời.
Ví vừa được cánh nhạc,
Nâng lên chín tầng trời!

Ta cười theo người cười,
Tưởng mình cũng tới nơi:
Chốn quần tiên dự lễ,
Dạ Hội NHẠC THƠ đời.

Cảm ơn cô bạn nhỏ,
Cảm ơn cả mọi người.
Được vui lây niềm hạnh,
Thay chuyện DỊCH đang thời!

CHUNG VĂN (14/08/2021)


HỌA: KÝ ỨC

Còn có gì thích thú,
Da khô tóc bạc mồi.
Giọng khàn trơ xốc khốc,
Như sóng vổ xa xôi.

Trời mây buông giăng báo,
Nắng phủ dáng sáng ngời,
Gió hắc hiu nhạc sáo,
Lung linh vọng vang trời.

E thẹn mỉm môi cười,
Bóng ai nào thấy nơi,
Một mình trên góc vắng,
Lẩn thẩn nghĩ về đời.

Kỷ niệm khi còn nhỏ,
Ta bên ta với người.
Dư âm còn son trẻ,
Như tợ thuở đương thời.

Hồ Nguyễn


HỌA Ý: TUỔI GIÀ MÙA DỊCH

Kỷ niệm xa vời loáng thoáng khơi,
Tim như se thắt nhớ bao lời.
Chiều trên phố vắng vai se khít,
Sáng dưới nắng hồng ta bước đôi.
Tuổi lão đêm đêm chờ thi xướng,
Sức mòn ngày tối đợi vần khơi.
Ngoài hiên vắng bóng trong mùa dịch,
Ngồi có một mình thơ họa chơi.

HỒ NGUYỄN (16-8-2021)


YÊU KIỂU NGA!

 

 
Khi bà Clavia Novicova mất ở tuổi 94 tại làng Progress (Tiến bộ) vùng Viễn Đông, Nga, tiễn đưa bà chỉ có dăm ba người, không có người thân, không có bạn bè vì tất cả đã từ lâu về bên kia thế giới.
Chỉ ở Nhật Bản, các hãng truyền hình lớn nhất đã đưa tin đậm: Người vợ Nga của ông Yasaburo đã mất!
Ở đất nước mặt trời mọc, bà Clavia đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sự hy sinh: sống chung 37 năm, bà đã khuyên chồng trở về nước, về với người thân, về với người vợ Nhật đã chờ ông hơn nửa thế kỷ...
Clavia và Yasaburo gặp nhau năm 1959 khi cả hai đều trải qua trại tập trung của Stalin. Bà bị kết án 7 năm tù vì tội "hoang phí tài sản XHCN", còn ông phải 10 năm "bóc lịch" vì là "gián điệp Nhật".
Cả hai lại cùng có nỗi đau riêng: bà đã có chồng, sinh con trai và chờ chồng trở về từ mặt trận. Nhưng khi bà bị kết án đưa đi vùng khỉ ho cò gáy là Kolyma thì chồng bà trở về đã lập gia đình khác. Ông cũng không kém bi kịch: sau khi cưới vợ ở Nhật Bản đã cùng vợ trẻ đến sống ở Triều Tiên và ở đó họ sinh 2 con, 1 trai, 1 gái
Vào mùa thu năm 1945, hồng quân Liên Xô tiến vào Triều Tiên, đã bắt gần như tất cả người Nhật và đưa về Liên Xô cải tạo với tội danh "làm gián điệp chống Liên Xô". Yasaburo ngồi tù cùng Clavia ở gần thành phố Magadan. Khi ông ra tù, người ta lại quên không đưa ông vào danh sách tù binh chiến tranh để trao trả về Nhật. Thêm nữa, ông tuyệt vọng vì cứ nghĩ vợ con mình đã chết và sợ hãi không biết đi đâu về đâu, nên rốt cục quyết định nhận quốc tịch Liên Xô, đổi tên thành Yakov Ivanovich.
Họ gặp ngẫu nhiên. Nàng Clavia thấy một người đàn ông gày gò với khuôn mặt không có nét Nga, mắt thì ngập tràn nỗi buồn mênh mang nên trái tim bỗng thắt lại vì thương cảm. Sau đó, bạn gái bà rủ bà đến sống ở làng Tiến Bộ, vùng Viễn Đông. Bà tạm biệt ông rời đi.
Yasaburo viết thư cho bà, nài nỉ đến sống cùng bà ở nơi mới. Ban đầu bà từ chối vì sợ liên lụy khi quan hệ với một hàng binh Nhật, nhưng rồi tình yêu đã thắng và họ sống chung gần 40 năm. Ông làm nghề cắt tóc, chụp ảnh và châm cứu, bà thì trồng cà chua, dưa leo, nuôi dê. Cả hai sống cơ hàn, nhưng êm ấm, hạnh phúc. Ông không bao giờ to tiếng với bà, nhưng chỉ tiếc là hai ông bà không có con.
Bà thổ lộ: "cả vùng không thể kiếm ra người đàn ông thứ hai: không uống rượu 🍷, không hút thuốc lá 🚬".
Yasaburo đã mua về 2 cỗ quan tài để nếu có chết cả hai sẽ cùng chết một ngày.
Khi bắt đầu Cải tổ và tấm màn sắt buông xuống, một người thân đã kể cho các bạn hàng Nhật về một người Nhật kỳ lạ sống với vợ Nga ở làng Tiến Bộ. Họ về Nhật kiếm tìm người thân của ông Yasaburo, tìm thấy em trai ông, con gái ông và sau đó là người vợ Nhật tên là Hisako. Bà Hisako đã từ Triều Tiên về nước và vẫn chung thủy chờ chồng (con trai họ đã mất ở Triều Tiên). Bà hành nghề y tá và cả đời ky cóp đồng lương ít ỏi để xây cho mình và cho người chồng thất lạc một căn nhà nhỏ. Dù không chắc chắn ông còn sống hay đã mất, bà Hisako vẫn để tên chồng là người sở hữu nhà và tài khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Khi tìm ra thì con gái họ đã ngoài 50 tuổi.
Sau đó, em trai và con gái ông sang Nga đến làng Tiến Bộ khuyên ông về nước, song ông đã từ chối nói với người vợ Nga "anh không bỏ em, em là tất cả với anh".
Bà Clavia đã quyết định đưa ông về lại Nhật vì ở đó điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn với người già và nhất là thương cảm người vợ Nhật mòn mỏi chờ chồng, mòn mỏi sống với mong ước được thấy lại mặt chồng, được ôm chồng lần cuối...
Một mình bà Clavia đã xoay sở làm cho ông hộ chiếu xuất ngoại, tự bà rút tiền tiết kiệm đổi ra đô la mua vé máy bay và chi phí ăn ở, đi lại cho ông... Và lại còn ly dị ông để ở Nhật Bản ông có lương hưu cũng như có quyền sở hữu và thừa kế tài sản.
Tháng 3 năm 1997, bà mãi mãi chia tay với người chồng Nhật. Yasaburo vẫn thường gửi đồ từ Nhật về cho bà, hàng tuần cứ vào thứ bảy ông lại gọi điện thăm bà...
Sau khi biết được mối tình xuyên biên giới qua báo chí và cả phim tài liệu, truyện ký, người Nhật đã tổ chức quyên góp tiền cho chuyến đi tới Nhật của "bà Clavia".
Bà đến Nhật lúc đã ngoài 80 tuổi và lập tức trở thành nữ anh hùng ở đất nước này. Bà gặp người vợ Nhật của ông, cả hai ôm nhau khóc, họ hiểu nhau không cần phiên dịch.
Sau đó, bà còn 2 lần đến Nhật, lần cuối là có mặt dự ra mắt vở kịch viết dựa trên câu chuyện về mối tình giữa người phụ nữ Nga và một hàng binh Nhật. Ông Yasaburo và bà Hisako đều muốn Clavia ở lại Nhật Bản, song bà đã từ chối vì muốn Yasaburo của mình "được sống đàng hoàng" và bà đã quen với cuộc sống đạm bạc ở Nga.
Hay tin bà mất, chàng Yasaburo lúc đó đã rất yếu viết thư gửi về làng bằng tiếng Nga
"Clavia! Anh biết em đã mất và nỗi buồn tràn ngập trong anh. Anh đã định gọi điện cho em ngày 30/8 nhưng anh không còn sức. 40 năm sống cùng em ở Nga, em luôn bên anh, chăm sóc cho anh. Cảm ơn em về tất cả. Anh về được Nhật là nhờ những nỗ lực của em. Anh cám ơn em vô ngần. Anh còn nhớ chúng mình đã đóng quan tài cho cả hai. Giá còn sức khỏe, anh đã lao về bên em, ôm chặt em...nhưng anh không còn sức lực. Hãy ngủ ngon, Clavia yêu dấu!
Yakov của em"
 
Từ fb Tuan Mai SG
Clavia và Yasaburo

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...