Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN



          
 CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN
        Con thú rừng có tên “Mển” hay“Mang”, còn gọi là hoẵng, kỉ, là một dạng hươu, nai thuộc chi Muntiacus. Mang có lẽ là loại hươu xuất hiện cổ nhất được biết đến, xuất hiện vào khoảng 15-35 triệu năm trước, căn cứ trên di tích hóa thạch tìm thấy trong các trầm tích của thế Miocen tại PhápĐức.
       Các loài ngày nay còn sống có nguồn gốc nguyên thủy ở vùng Đông Nam Á cũng như ở Ấn Độ. Bản địa của loài mễn bao gồm cả vùng Hoa Nam, Đài Loan, Việt Nam và các hải đảo thuộc Indonesia. Mang hay mễn Reeves được du nhập sang Anh và nay đã sinh sản, phổ biến ở một số khu vực ở Anh quốc.
       Mang là một loại động vật nhiệt đới, không có chu kỳ động dục theo mùa thời tiết nên khi chuyển sang các khu vực ôn đới có thể cho giao phối ở bất kỳ thời gian nào trong năm. Mang đực có các gạc ngắn có thể mọc lại nhưng có xu hướng cắn xé nhau bằng răng (có răng nanh dài chĩa xuống) để bảo vệ vùng đất sống của chúng.
        Mang là loại động vật được chú ý trong các nghiên cứu về sự tiến hóa do các biến thể lớn trong bộ nhiễm sắc thể của chúng cũng như các phát hiện về các loài mới trong thời gian gần đây.
       Con Mang (Tên khoa học là: Muntiacus muntjak annamensis) là một phân loài của loài Mang đỏ (Muntiacus muntjak) phân bố tại Việt Nam ở các khu vực miền Đông Nam Việt và một số khu vực ở tỉnh Lâm Đồng. Trong tiếng Việt, chúng còn được gọi với những cái tên địa phương như mang, hoẵng, kỉ (ở miền Bắc), mển, mễn (trong miền Nam), con cả lẹp, con đỏ hay còn gọi là con quảy, con quảy chà (là những con hoẵng có sừng dài). Chúng là loài đặc hữu của Đông Dương. Ở Việt Nam, có ở Kon Tum (Sa Thầy), Di Linh, Đồng Nai, Tây Ninh.
       Mang có tên là Hoẳng Nam Bộ có thân thon mảnh, chúng cùng loài với nai, hươu, giống như con con nặng khoảng 30 kg trung bình nặng độ 20–25 kg, nhìn bề ngoài chúng giống hệt con hươu nhưng bé hơn. Nhìn chung, chúng là loài thú cỡ nhỏ, thân hình thon nhỏ, vóc chúng có con chỉ to bằng con chó lớn. Chúng có bộ lông mầu vàng sẫm, có con lông màu vàng nâu bụng trắng giống như các phân loài hoẵng khác, chỉ khác các phân loài hoẵng vó đen và hoẵng vó vàng là bốn chân mầu vàng, giữa hai móng guốc có vệt trắng rõ rệt, đuôi ngắn. Lông hoẳng vàng sậm mướt trên lưng, trắng dưới bụng và sau đít, đầu nhỏ và lanh lợi như đầu , bốn chân trời sinh ra để chạy nhảy và rất nhanh nhẹn, nó chỉ cần vài cái nhảy là đã ở vị trí rất xa.  Chúng ăn lá, quả, cây, cỏ. Mùa sinh sản vào hai thời kỳ trong năm, từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 6 đến tháng 8. Con cái có chửa từ 189 đến 200 ngày và mỗi năm đẻ một lứa mỗi lứa một con (rất ít trường hợp đẻ hai con). Chúng thường sống trong những cánh rừng thưa, rừng quanh nương rẫy, đồi cây, trảng cỏ cây bụi, thịt mềm ăn rất ngon. Nơi ở quang đãng thoáng mát, khô ráo ven rừng và không cố định lâu dài. Chúng hoạt động ban đêm từ chập tối đến gần sáng. Vùng hoạt động cá thể nhỏ 01 đến 02 km2.
        Có một điều mà ít ai lưu ý đến, sự xuất hiện của con mển thường đem đến điều không tốt hay xui xẻo. Từ trước đến nay, tôi là người viết bài nầy có trực tiếp chứng kiến 3 lần, cả 3 lần đều thấy con mển đem đến tai nạn cực kỳ đau thương:
1- Lần thứ nhứt: Chợ LONG HOA là một ngôi chợ trù phú và lớn nhất của tỉnh Tây Ninh, nằm cách Tòa Thánh Cao Đài về phía Nam chừng một (1) cây số, do Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc của Đạo Cao Đài ra lịnh xây dựng từ ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Thìn  (DL: 28/12/1952).
        Vào thời điểm đó, khu vực nầy còn là vùng rừng rú, hoang dã, có nhiều loài thú như nai, heo rừng, mễn, thỏ sóc…và cây cối, gò mối um tùm, rậm rạp. Khi đang khởi công xây dựng, thú rừng thỉnh thoãng cũng chạy ra đường. Có một lần, một con mễn chạy ra sụp lỗ cống ở khu chợ cũ Long Hoa, bị dân chúng bắt được. Chỉ hai tháng sau, chính tại nơi con mễn bị bắt, đã xãy ra vụ cháy nhà làm chết một cụ già người Hoa đang kẹt trên gác, ngôi nhà nầy nằm phía sau tiệm cà phê Thái Nguyên ngày nay. Lúc đó người viết bài nầy đang học lớp Một (Đồng Ấu) trường Cực Lạc Cũ vùng Tòa Thánh, tỉnh Tây Ninh.
2- Lần thứ hai: Vào khoãng năm 1965, lúc đó tôi đang dạy học tại một trường nằm trong quận Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương. Các thầy cô giáo được chủ một đồn điền cao su người Pháp cấp cho hai khu nhà ở một nam, một nữ nằm canh trường trong khu vực nhà máy chế biến cao su. Một hôm, hai cô giáo tên Hương và Cưu, trên đường đi xe đạp đến chợ mua đồ nấu cơm trưa, bỗng thấy một con mển bị chó săn rượt đuổi. Mển bị đuối sức sụp lỗ mương, đang cựa quậy. Không bỏ cơ hội, hai cô giáo quăng xe đuổi theo, nhảy đè trên con mển và bắt được nó. Một cô giữ yên mển, một cô lấy dây kẽm trên cây cao su trói chân và nhờ người đi đường chạy về cho chúng tôi hay. Tôi chạy xe đạp ra và phụ chở mển về nhà trong khu cư xá thầy cô giáo. Sau đó, chúng tôi nhờ một người chuyên xẻ thịt heo bán trong vùng đến giúp làm thịt rồi chia cho các thầy cô, kể cả phụ huynh học sinh ở gần đó đem về dùng. Một tiệc vui tưng bừng cũng đã được tổ chức.
        Nhưng chỉ vài ngày sau, máy bay Mỹ thả bom lầm vào ngay trong khu dân cư và nhà máy của đồn điền nơi chúng tôi ở. Chỉ 5 phút sau, biết đánh lầm mục tiêu, gần 10 chiếc trực thăng Mỹ đáp xuống sân sau của trường để cứu cấp người bị thương. Sáu người chết và hàng chục người bị thương. Chúng tôi chạy ra phụ giúp, hướng dẫn người bị thương ra phi cơ tải thương đem đi cứu cấp. Hình ảnh các người chết và bị thương, mình mẩy đầy máu, trong đó có một học sinh và cha mẹ các em, đến nay tôi vẫn còn mang nổi cảm giác kinh hoàng.
3- Lần thứ ba: Sau biến cố 30-4-1975, vào thời điểm năm 1976, lúc đó tôi bị bắt đi tù trong trại cải tạo Cây Cầy A, vùng rừng sâu trong tỉnh Tây Ninh. Một hôm, có một con mển từ ngoài rừng chạy qua hàng rào vào trong khu trại cán bộ ở và bị cán bộ bắn chết.
        Cách hai tuần lễ kế đó, khoãng giữa trưa, khi chúng tôi đang ăn cơm, sau giờ đi lao động cực nhọc ngoài khu canh tác hay đốn cây trong rừng, bổng có trận hỏa hoạn đốt cháy khu “căn tin” của trại ngay nơi con mển bị bắn chết. Lửa bốc cháy lan sang khu nhà ở của cán bộ. Lựu đạn cất trong nhà phát nổ kinh hoàng. Lúc đó cán bộ quản giáo gọi các tù nhân cải tạo phải bỏ ăn cơm trưa chạy lên cứu chửa.
        Khi tôi chạy từ dưới trại lên, thân thể mệt nhoài, nên dừng lại đi chậm để thở thì một cán bộ chỉa súng trung liên vào chúng tôi và hét to: “Nhanh lên, đốt trại mà còn chậm chạp hả, tao bắn nát sọ hết cả đám tụi bây liền nè! Nhanh lên mau!”.
        Chúng tôi phải cố rán chạy.
        Càng đến gần căn nhà đang cháy thì lựu đạn lại nổ, chúng tôi phải nhảy xa ra.
        Khi lửa được dập tắt thì 5 căn nhà tranh cán bộ đã bị hủy hoại. Người bạn tù của chúng tôi tên Nguyễn văn Mang, Trung úy Đơn vị Phòng Tai của Hải quân, vì bị bịnh không thể đi lao động, đã được phân công ngồi giữ gạo tại khu căn tin cháy nên bị bắt và sau đó bị kết án tử hình. Nhưng có cán bộ tên 6 Trương, một Thượng úy, đã yêu cầu chờ đợi điều tra thêm cho kỷ để “bắt thêm đồng bọn” vì anh Mang không có tội nên không khai ai là “đồng bọn” hết.  Hơn tuần lễ sau đó, kết quả cuối cùng cuộc điều tra đã phát hiện ra kẻ chủ mưu lại là một cán bộ quản lý căn tin, cùng tình nhân là cô thư ký tên Tuyết, thâm lạm tài sản số tiền quá cao nên đốt căn tin để phi tang. Tên cán bộ và tình nhân bị bắt đưa đi tù. Cán bộ trại cải tạo xuống hầm giam xin lỗi anh Mang và mở khóa còng thả anh. Anh thoát chết trong gang tấc, sau hơn hai tuần bị giam giữ khắc nghiệt.
        Trên đây là 3 trường hợp mà tôi chứng kiến sự xuất hiện con mển là điềm báo cho sự không may mắn sẽ xảy ra. Thịt mển ngon mà lại kèm theo điềm hung dữ khủng khiếp, không lường được.                             
        Quả thật:       Mển mềm sớ thịt ngọt thơm tho,
                              Nhưng mển đem xui xẻo khó dò.  

Bài viết của Hồ Xưa_____________________________________________________

12 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  2. Ăn giả ác báo nếu không tham lam ăn thịt những con thú rừng vô tội một cách tàn nhẫn như vậy thì ông đã không trừng trị tội nghiệt của mấy người rồi. Một khi đã tạo nghiệt thì đừng nên than trời oán đất .

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi cũng kinh nghiệm 2 lần gặp con này và làng tôi 2 lần cháy trong chiến tranh đều có sự xuất hiện của con mang, nên ta có câu "mang lạc nát làng".

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  10. Tôi cũng nghe gặp Mang thì xui .Nhưng thời gian đi kinh tế mới gặp mấy lần .Cả đội sản xuất đuổi bắt vui lắm .Hô hào om sòm.Và chỉ một thoáng là con mang chạy mất.Không thấy xui xẻo gì .Có lẽ do không bắt được để thịt.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi cũng nghe họ nói ăn mó xui xẻo ,nhung ở que toi họ vũng ă nhing ko thay có gì

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...