Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2025

MÀU THỜI GIAN - Thơ Ngọc Ánh

 

Tranh Lê-t-Lựu

MÀU THỜI GIAN

Anh và em hai phương trời khác biệt
Tình bây giờ chỉ một nửa vầng thôi
Dù mai sau có vật đổi sao dời
Mình yêu mãi cho dù trăng có khuyết
Bởi muộn màng nên càng yêu tha thiết
Ở hai đầu che ngọn nắng chang chang
Mùa Hạ về đâu phải để ngỡ ngàng
Em hờn giận vì lòng anh xa cách
Có những ngày trong mưa Xuân tí tách
Bên hàng hiên em nghĩ tới anh luôn
Biết đời của anh vui ít nhiều buồn
Anh không ngại - Bởi tình em rất thật
Nhìn giọt mưa Xuân gió đưa lất phất
Em mơ nhiều về viễn ảnh xa xăm
Có vầng trăng vành vạnh của đêm rằm
Em không ngại - Cằn khô trong nắng hạn
Tình cảm đó không phai vì năm tháng
Anh có em và em sẽ có anh
Gọi Hè sang ve ru ngủ trên cành
Em nhớ lại một mùa trăng hạnh ngộ
Tàng phượng già nắng vàng soi lổ chỗ
Gợi nhớ nhiều trong ký ức tuổi thơ
Thời gian trôi kỷ niệm cũ phai mờ
Đời mình cũng già nua theo gốc phượng
Ngọc Ánh nguoideplongyen

"AN NAM TỨ ĐẠI KHÍ " Là Gì ?

 Những bảo vật này bao gồm: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm.


"An Nam tứ đại khí" là 4 bảo vật nổi tiếng của nước ta trong thời phong kiến bao gồm: Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng phật chùa Quỳnh Lâm

Trong "An Nam tứ đại khí", Tháp Báo Thiên là công trình được xây dựng sớm nhất vào năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông.

     Thiền sư có công xây dựng chùa Quỳnh Lâm là Nguyễn Minh Không.

Thiền sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành, sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình). Ông còn có đạo hiệu Không Lộ, từng tu ở chùa Không Lộ (Nam Định) và được thờ ở núi Không Lộ (chùa Thầy ngày nay).


Chuông Quy Điền được đúc vào năm 1101 bằng 12 nghìn cân (7,3 tấn) đồng. Chuông đúc xong, được treo ở chùa Diên Hựu (chùa Một cột) nhưng lớn quá nên đánh không kêu. Vua cho người vần chuông ra khu ruộng sau chùa. Do thấp trũng, có nhiều rùa nên từ đó gọi là chuông Quy Điền

Vạc Phổ Minh được đúc vào năm 1262 đời Trần Thánh Tông (lúc đó là thái thượng hoàng). Trong lần về chơi Tức Mặc phủ Thiên Trường, vua cho dựng cung Trùng Quang, dựng chùa và đúc Vạc Phổ Minh.


Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bia chùa Quỳnh Lâm chép rằng tượng Phật ở đây cao 6 trượng (20 m), đứng ở bến đò Triều Đông xa gần 5 km còn trông thấy rõ.
"An Nam tứ đại khí" từng là niềm tự hào, phản ánh khát vọng to lớn của người Việt. Đáng tiếc là đến nay cả 4 bảo vật đều không còn. Khi đem quân sang xâm lược nước ta năm 1408, quân Minh đã phá các bảo vật trên để lấy đồng đúc súng.


Xem Thêm :

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Hồ Nguyển Họa Thơ Các Thi Hửu : CHu Ngọc, LCT, LAN, Bửu Tùng , Hưng Quốc

1./ NGƯỜI VỀ

Có một chiều xuân, bước ai dừng
Bên thềm khe khẽ nắng rưng rưng
Người về, dìu dịu thơm hoa trắng
Mang cả mùa xưa, với ngại ngùng

Ta nhớ: người xa biệt dặm trường
Chốn xưa mùa cũ mấy sầu vương
Người đi, bỏ lại miền hoa trắng
Bỏ lại dỗi hờn với buồn thương...

Chuyện cũ qua rồi, tháng năm trôi
Tóc xanh đã nhạt sắc bên đời
Người về, xin gửi sầu hư khúc
Trả lại mùa xưa những đầy vơi...

CHU NGỌC (07-4-2025)

HỌA: LẠI NHỚ?


Xuân sang sao nhớ mãi không dừng?
Càng nhớ càng buồn mắt lệ rưng.
Chốn cũ đìu hiu hoa tuyết trắng,
Đông qua tươi mát khuất tan ngùng.

Ngày xưa gian khổ chốn sa trường,
Rừng rú âm thầm xót kéo vương.
Xa bạn cách tình yêu trống vắng,
Đêm ngày áo trận quyện đau thương.

Ngục tù cải tạo ráng buông trôi,
Mấy chục năm qua nhắc xót đời.
Mái tóc vùi xinh thay sắc trắng,
Nhìn gương mà hận tủi không vơi!

*
Ai làm khổ quá kiếp đời tôi!

HỒ NGUYỄN (09-4-2025)



2./ TIẾNG HỜN VE


Trưa ngồi lặng giữa tiếng hờn ve,
Ngẫm phận đời như buổi nắng hè.
Kiệt cũ tre tàn không mảnh lá,
Quê nghèo chuột ủi mấy hàng me.
Bầy trâu nhớ cỏ non đồng nội,
Đám khỉ ngồi mơ nghĩa một bè.
Chỉ tiếc con người ôm mộng huyễn,
Đang cầm tấm lụa mỏng màn che.

LCT (11-4-2025)


HỌA: HÈ VỀ

Văng vẳng xa rền vọng tiếng ve,
Phượng trường vui đón nắng sang hè.
Gió long lanh thổi quơ cành lá,
Bước hiện lung mờ dưới bóng me.
Khờ khạo đứng nhìn trơ mắt ếch,
Mơ màng trôi nổi sóng xô bè.
Người đi để lại dòng mong đợi,
Hừng hực môi hồng tay nón che!

HỒ NGUYỄN (14-4-2025)



3./ CƯỠI NGỰA XEM HOA

Thư nhàn cưỡi ngựa dạo xem hoa
Lãng tử rong chơi dưới nắng tà
Rực rỡ hồng nhung khoe sắc cánh
Rạng ngời cảnh đẹp thỏa lòng ta
Phất phơ trước gió xinh tươi quá!
Uốn lượn giữa đồng thích thú nha!
Mải ngắm nào hay đà xế bóng
Vội vàng thúc mã bởi đường xa.

LAN (12/04/2025)


HỌA: NGẮM THU BUỒN

Ngồi dưới hiên nhà ngắm lá hoa,
Thu sang mây dạt kéo dương tà.
Gió gào xô đẩy lung lay nhánh,
Kỷ niệm xưa về xót dạ ta.
Môi nhấp cà phê tình quyến luyến,
Thơ vần kết điệu thú vui nha!
Đường xưa lối cũ còn lưu bóng,
Người đã đi rồi! Nhớ xót xa!!
*
Thu về chi nữa xoáy lòng ta!

HỒ NGUYỄN (12-4-2025)


4./ PHI THƯỜNG

Nhà nghèo mẹ trẻ kiếm đồng lương
Đủ tháng sinh con ở giữa đường
Kẻ đỡ em thơ mừng tiếng khóc
Người cầm vải ấm phủ tình thương
Đào tơ phận trải trời mưa nắng
Liễu yếu thân dầm bể gió sương
Cuộc sống dân tôi mầm khó nhọc
Thời nay vẫn thấy cảnh phi thường

Bửu Tùng (04/4/2025)



HỌA: VÙI ĐAU XÓT

Xã hội lan tràn cảnh bất lương,
Khắp nơi dân khổ ngập quanh đường.
Thù than oán trách nghe đau đớn,
Đói rét tiếng gào vọng xót thương.
Bệnh viện không nơi lo bịnh trị,
Công viên đài tượng dựng phơi sương.
Bao năm trãi nhọc chưa vơi phủi,
Nhìn thấy nghe qua thật khác thường.
*
Chừng nào mới hết cảnh thê lương?

HỒ NGUYỄN (11-4-2025)



5./ MỸ NỮ TRẦN GIAN

Tàn đông ấm áp Tết Nguyên Tiêu
Người đẹp du xuân nét mỹ miều
Rạng rỡ dung nhan xinh tuyệt diễm
Dịu dàng vóc dáng đẹp yêu Kiều
Như hoa tươi thắm chờ người thưởng
Tựa quả thơm lừng gợi khách trêu
Mỹ nữ trần gian tiên giáng hạ
Khiến tâm nhân thế đảo điên nhiều

Hưng Quốc (Texas 3-31-2025)


HỌA: NỮ HOÀNG TRONG TÔI

Tết đến vang rền tiếng nguyệt tiêu,
Lung linh ai đẹp vẻ nhung miều.
Dung nhan bóng bẩy khoe nhô ửng,
Dáng vẻ bền ghi đắm diệu kiều.
Tươi thắm như rung rung ghẹo dạ,
Vui vui tợ kéo bám tim trêu.
Nữ hoàng tiên nữ sa trần thế,
Khiến kẻ nầy đây đậm lụy nhiều.
*
Âm ỉ tôi thầm gọi tiếng “yêu!”

HỒ NGUYỄN (02-4-202)


Cây Chuối Buồn - Linh Bảo

CÂY CHUỐI BUỒN



(Trích trong tuyển tập Mây Tần)



Ông Hải thức dậy lúc 9 giờ sáng, ngày nào đúng giờ ấy, nắng cũng như mưa. Đáng lẽ ông còn ngủ nữa, nhưng tiếng hát của ai ở phòng tắm bên cạnh, lẫn tiếng nước chảy rào rào, làm mất yên tĩnh buổi sáng, mất giấc ngủ nướng của ông. Ông Hải rất ghét mấy anh chàng lúc nào khác không hát, chỉ đợi vào buồng tắm mới hát, ý hẳn hát dở quá, không dám để ai nghe, phải đợi có tiếng nước chảy át đi, “ ca sĩ” mới dám mở miệng.
Ngủ không được nữa, ông dậy thay áo để đi ăn sáng. Bắt đầu cuộc sống “Một ngày như mọi ngày” như lời ca sĩ diễn tả.
Ông Hải đã sống ở đây gần ba muơi năm nay, từ ngày cái phố Tàu của Cựu Kim Sơn còn thưa thớt vắng vẻ, cho đến bây giờ nhà cửa sát vách nhau, chen lấn chồng chất lên nhau, cả đến không khí cũng có vẻ khan hiếm. Một đám đông ngồi gần nhau tưởng như mình hít vào cái hơi của anh chàng bên cạnh vừa thở ra. Thế nhưng ông không muốn dời đi đâu hết. Thành phố này bây giờ là quê hương làng xóm, căn phòng trọ là nhà của ông, những người bán rau quả, các tiệm đồ chơi, đồ ăn, các chủ phòng trà, khách sạn, ông đều quen mặt biết tiếng hết. Trừ một ít du khách qua lại, những người sống lẩn quẩn ở Phố Tàu nhiều năm như ông có thể gọi tên nhau thân mật như bà con.
Cùng một lứa với ông, có những ông già bạn thân khác. Những A Wòng, A Lỵ, A Txần, A Yuun, mỗi ngày gặp mặt nhau nói chuyện gẫu. Nơi hội họp của các ông là phòng đợi của bất cứ khách sạn Tàu nào. Những khách sạn này phần nhiều mở cửa suốt ngày đêm. Ở phòng đợi ngay từng dưới, ngoài vài thứ báo hằng ngày, còn có cả Ti vi cho mọi người xem. Các ông cứ đến ngồi đấy đọc báo, hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác. Sau khi nghiến đến tả tơi báo của một khách sạn rồi, để thay đổi cảnh vật, các ông kéo nhau đến một nơi mới mở xem có gì lạ không. Lắm lúc chán báo các ông ngồi xem tướng tất cả những ai qua lại trên đường. Có người vội vàng, có người chậm rãi, có người đầy vẻ lo âu, có người vui vẻ thỏa mãn trào ra trên khóe mắt, nụ cười . . . Các ông xem tướng giầu sang, tướng vất vả rồi đánh cuộc với nhau, đếm xem có bao nhiêu bộ mặt quen . . .
Các vũ nữ thoát y, các nữ chiêu đãi đồng phục bikini, các diễn viên “ một mảnh”, “nửa mảnh” của thành phố Tàu ban đêm, dưới ánh mặt trời, các cô nương này cũng qua lại trên đường phố , cũng đi chợ mua rau mua cá về nấu cơm cho gia đình, trông họ lương thiện và quen thuộc như những bà vợ hiền.
Các ông ngồi đếm hết người lạ đến người quen không hề chán. Những hôm trời mưa, các ông chơi trò đánh cuộc xem ngoài cửa sổ có bao nhiêu giọt mưa rơi thẳng và bao nhiêu giọt rơi vương vào cửa kính.
Các ông cần cái phố Tàu này để làm quê hương, cũng như phố Tàu cần có các ông để làm cảnh vậy. Ông tưởng tượng giá phố Tàu không có các hàng hoa quả rau cải bày lan ra trên vĩa hè như các đường phố bên Tàu, cũng như không có những ông già rảnh việc như các ông, mũ ni che kín tai kẻo sợ gió, hai tay ủ vào nhau, bàn tay này thọc vào tay áo kia, đi thơ thẩn hết phố này sang phố khác, ngồi đọc báo hết phòng này đến phòng khác, đi uống trà hết tiệm trà này đến tiệm trà khác. Tất cả đều rất quan trọng, nếu thiếu bất cứ một thứ thì còn gì là phố Tàu nữa!

Ngày xưa, đã có một dạo, ông luôn luôn mơ ước ngày về nước, nhưng bây giờ . . . hết rồi. Ông cúi nhận số phận, ngao ngán đến nỗi không còn muốn thở nữa! Lắm lúc ông Hải cũng thấy nhớ quê hương một cách lạ lùng. Những lúc ấy, ông vội vàng mặc áo khoác, chống gậy đi tìm mấy ông bạn già, để khỏi chìm đắm trong nhớ nhung.
Quê ông Hải ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Hàng Châu, nơi nổi tiếng gấm vóc, tơ lụa đẹp nhất nước Tàu, nơi có phong cảnh tuyệt vời như tranh vẽ, nơi có cái hồ to hai bờ trồng toàn liễu rũ, trong hồ hàng trăm du thuyền, bên hồ người dạo cảnh đông như hội, mộ thi sĩ Tô Đông Pha nằm ngay bên cạnh, tăng thêm giá trị lịch sử. Hồ là nơi gặp gỡ của giai nhân tài tử, nơi thề hẹn của những đôi tình nhân, nơi giải trí của cả gia đình, nơi thu hút du khách từ nghìn dặm xa xôi . . . Một nơi như thế, mà ông phải rời bỏ từ gần ba mươi năm nay rồi !
Người Tàu rất chịu khó đi làm ăn xa và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu công việc khá hơn, thì dù có phải đến một nơi non cao nước độc, khỉ ho cò gáy, họ cũng không từ chối. Nếu thấy người bản xứ chất phác luơng thiện, buôn bán có lời, là họ chịu khó đem bà con bạn bè đến lập nghiệp ngay.

Ba mươi năm trước, ông theo một số bạn bè đến Cựu Kim Sơn mở tiệm ăn. Ông ra đi với giấc mộng sẽ trở về với một túi vàng cho vợ con sung sướng. Nhưng ông không ngờ là có những giấc mơ chỉ để mà mơ thôi.
Ở Mỹ được vài năm, Trung Hoa đổi chủ. Đối với ông, nước Tàu vẫn còn đó là được, chính thể nào, ông không cần biết. Ông tưởng cứ lo làm việc để dành tiền, thì một ngày kia, nếu ông không về, vợ con ông sang Mỹ cũng vui. Ông đã bảo vợ ông nhiều lần nhưng bà không chịu đi, nhất định xin ông để bà ở lại lo tậu ruộng đất, sửa sang nhà cửa, xây lăng đắp mã thay cho ông. Ông muốn dưỡng già và chết ở quê hương nên tin bà, tháng tháng làm được bao nhiêu đều nộp cho bà hết. Những số tiền này, ông nhờ một ngân hàng trung gian tại Hongkong chuyển. Thỉnh thoảng họ đưa tin giúp ông. Ông muốn về nước, nhưng vợ ông cũng không chịu, một hai bắt ông ở Mỹ, cứ cố kiếm thực nhiều tiền gửi về đều đều mà thôi.
Ông sống sung sướng với giấc mơ hồi hương đoàn tụ gia đình vợ con, cho đến khi một người bạn thân từ lục địa trốn ra được HongKong cho biết sự thực: vợ ông đã thành một cán bộ xã, và với số tiền ông gửi về hàng tháng suốt bao nhiêu năm, bà tậu được một ông chồng cán bộ huyện từ lâu.
Ông nghe chuyện, rầu rĩ bỏ hẳn ý định hồi hương. Giấc mộng mua nhà, mở tiệm ở Hongkong để vợ chồng tái hợp lập nghiệp dưỡng già, thế là tiêu tan theo mây theo khói.
Giờ đây, ông đã thành một ông già lẩm cẩm. Nhà hàng đã cho ông nghỉ để thuê những người giúp việc khác, trẻ trung nhanh nhẹn hơn. Có như thế, không khí trong nhà bếp mới hoạt động. Các cô nữ chiêu đãi mặc áo trắng ra vào tấp nập, gọi tên món ăn, treo mảnh giấy lên cái đinh trước mặt người bếp chính. Anh bếp phụ cất tiếng nhắc lại thực đơn. Tiếng hô tiếng đáp vang lên, thỉnh thoảng lẫn đôi tiếng cười, mắt liếc. Đó là cách giữ các anh bếp chính, vốn là nguồn sống của tiệm, và để giữ các cô nữ chiêu đãi viên, cũng là nguồn sống quan trọng hơn. Rồi thỉnh thoảng lại thấy một cặp nữ chiêu đãi và bếp chính từ giã chủ nhân để thành chủ nhân của một tiệm nhỏ ở một thành phố hẻo lánh khác.
Ông cũng đã từng mơ ước như thế, nhưng bây giờ già rồi, mộng tàn trước khi thành hình. Ông ở trong một khách sạn nhỏ, chuyên cho thuê dài hạn ngay tại trung tâm thành phố Tàu này. Căn phòng ông đã thuê từ ngày xửa ngày xưa, nên giá tiền không lên nhiều, so với các nơi khác đã tăng hàng chục lần theo với giá sinh hoạt. Phòng ông không lớn, chỉ vừa để một cái giường, Ông đóng một mảnh ván mỏng ngăn đôi gian phòng, bên kia có một bàn ăn nhỏ, lò điện để nấu nướng và một cái tủ thấp đựng chén bát, đồ làm bếp. Muốn dùng phòng tắm hay rửa tay, phải ra ngoài hành lang, có phòng chung cho tất cả mọi người cùng một từng lầu.
Những khách trọ khác phần nhiều có việc làm quanh quẩn ngay trong thành phố. Suốt ngày đi vắng, họ chỉ cần một chỗ đặt lưng từ đêm khuya đến sáng, nên không thuê nơi có phòng tắm riêng đối với họ không cần thiết.
Đồ đạc của ông Hải rất giản dị. Ông không có gì ngoài hai cái va li, vài bộ quần áo cũ, vài món đồ dùng nhà bếp. Vì thế, gian phòng tuy nhỏ mà đối với ông vẫn rất rộng và tạm gọi là đủ tiện nghi. Ông thích nhất xuống đến đường là phố, đi thêm vài trăm bước có thể gọi là chợ . Tất cả các hàng thực phẩm, quà bánh, hoa quả gì cũng có, mọi thứ bày la liệt, tràn cả ra ngoài hè phố, giống hệt một thành phố Tàu ở Tàu. Mỗi ngày, ông mua vài hào rau, vài hào thịt, thế là đủ lương thực tươi ngon trong một ngày. Nếu lười nấu, ông mua đồ ăn chín như thịt xa xíu, gà vịt quay, hay bất cứ món gì đã xào nấu sẵn, ăn tạm qua loa cho xong bữa.
Mỗi ngày ông dậy lúc 9 giờ sáng cùng tiếng hát . Nhưng có một hôm không phải là “ Một ngày như mọi ngày” . . . . . .
Hôm ấy trở trời, mưa lâm dâm và âm u, không có nắng đẹp như những ngày trước. Ông thấy người ê ẩm, đau nhức từng lóng tay lóng chân, đang ngần ngại không biết nên ở nhà nằm lì trong chăn hay dậy đi đọc báo với mấy ông bạn già, thì bà Thu gõ cửa. Thu đến tìm ông với một bức thư của một bà bạn cũ, quen với chị dâu Thu. Sợi giây liên lạc tuy có hơi lỏng lẻo nhưng khi người ta đến một xứ lạ, muốn tìm một chỗ đặt chân, sợi giây lắm khi còn vô lý và mong manh hơn nữa.
Sau khi đọc xong thư giới thiệu Thu mang đến. Ông Hải thấy khỏe hẳn lại. Ông nhanh nhẹn mặc áo tơi, đội mũ, chống gậy dẫn Thu đến khách sạn Bách Lạc.
Ông được biết Thu vừa mới góa chồng, nàng vốn ở một tiểu bang khác, bây giờ dắt đứa con trai độc nhất xuống miền Nam tìm nắng ấm và tìm việc làm.
Ông vừa đi bộ vừa cắt nghĩa cho Thu tình hình và cuộc sống ở phố Tàu. Lần đầu tiên ông cảm thấy mình quan trọng đối với một người, nhất là một người đàn bà trẻ và đẹp. Hơn nữa, người ấy đang cô đơn ở một thành phố xa lạ, với đứa con lên năm. Nàng cần chỗ ở, cần việc làm, cần sự giúp đỡ của rất nhiều người. Thế mà nàng chỉ biết có một mình ông, chỉ có thể hy vọng nhờ cậy được vào ông thôi. Ông thấy hãnh diện như một người hùng sắp xắn tay áo lên che chở giai nhân
Ông tưởng tượng ông sẽ giúp Thu tìm khách sạn ở tạm, rồi tìm nhà, tìm việc. Thu sẽ giữ cho Thu không bị ai lừa dối làm khổ nàng ở cái thành phố xa lạ đầy cạm bẫy và quyến rũ này.
Ông đưa Thu đến khách sạn Bách Lạc vì đó là một khách sạn gần nơi ông ở nhất và cũng là nơi ông thích ngày ngày đến đọc báo chùa nhất. Ông nói cho Thu biết khách sạn tuy cũ nhưng to lắm, giá tiền lại rẻ. Ngoài ra, có một điều đặc biệt, là phần nhiều du học sinh Đông Nam Á đều trọ ở đây khi họ phải chờ máy bay để đến nơi được huấn luyện hay về nước.
Trong khi ngày ngày Thu đọc báo tìm nhà, đi xem nhà và tìm việc, ông tự nguyện trông con cho Thu. Thấy Thu và con phải đi ăn tiệm tốn nhiều, ông đề nghị Thu mua đồ ăn đem về nhà ông nấu, như thế vừa rẻ vừa ngon hơn. Ông Hải nói đúng: cơm nhà nấu ngon thực. Ngày xưa ông Hải đã từng làm đầu bếp nên biết xào nấu rất khéo. Ông không cho Thu làm gì hết, bảo nàng cứ ngồi nghỉ, để ông nấu một mình, vì ông thích được trổ tài như thế.

Một hôm, bé Tân vào phòng ông phá phách một lúc, chạy ra bảo mẹ:
• Bác Hải thế mà hư mẹ ạ.
• Sao thế con?
• Con thấy bao nhiêu là báo “ người ta không có áo quần “ trong phòng của bác.
Thu mắng con:
• Lần sau không được tò mò lục đồ của người khác, nghe không.
Thằng bé còn không chịu, phụng phịu:
• Tại sao con lượm báo có hình đó chơi thì không được, người khác thì được?
Thu phải dỗ dành con:
• Con lớn lên mới xem báo ấy được. Ai lại mùa đông mà không mặc quần áo, lạnh chết. Con có nhớ cái hình ba treo trong phòng ngủ ngày xưa không. Cô đó không mặc áo, me sợ cô ấy lạnh bị cảm, nên phải quàng thêm một cái khăn voan bên ngoài.
Bé Tân nghe có lý nên thôi không cãi nữa, tìm trò chơi khác.
Trong khi Thu ngồi chờ cơm, nàng nhận thấy có một sự thay đổi trong phòng.
Mấy hôm trước, nhà cửa trông bẩn thỉu, bây giờ được quét dọn sạch sẽ. Nồi xoong được đánh bóng sáng loáng hẳn lên. Cả cái bàn ăn xiêu vẹo, cũ kỹ, long chân, hôm qua còn nham nhở mốc meo, bây giờ được trải một tấm khăn ny lông mới. Thu mỉm cười nhìn ông già đang lụm cụm nấu ăn. Nét mặt răn rúm đau khổ già nua, cách đây ba hôm, nàng còn thấy những nét bơ vơ lạc lõng trong ánh mắt, thì giờ đây, hình như có một niềm tin vui tỏa ra.

Trong góc phòng, một cây chuối con trồng trong chậu cảnh. Cây chuối của xóm làng Trung Hoa là một thứ cây mọc tràn đồng, một trong những loại không cần săn sóc và có thể mọc ở bất cứ bờ bụi nào. Nhưng ở đây, cây chuối được cưng chiều, được nằm trong chậu sứ, được nâng niu như cành vàng lá ngọc. Cây chuối của ông Hải gầy gầy, lá nhỏ mong manh, trông thanh cảnh như một cô gái cấm cung. Ngày ngày, ông Hải tưới cho cây chuối một chén nước, mỗi tháng, ông cho bột chất bổ của cây vào nước một lần.
Những hôm trời âm u, nắng không xuyên qua cửa sổ vào phòng được, ông bưng cả chậu lên sân thượng sưởi, đến tối phải nhớ đem vào kẻo sợ sương lạnh ban đêm làm hại loại cây nhiệt đới. Cây chuối tuy bé nhỏ nhưng trông già dặn như một cây lớn. Nó cũng có những bẹ khô xơ xác, như tà áo nâu tơi bời bao quanh những bẹ tươi non. Trong góc phòng, cây chuối chiếm một chỗ to rộng nhất, vì nó tượng trưng cho một bầu trời quê hương của ông. Cây chuối này, mấy hôm trước, lá đục mờ vì bụi, hôm nay, lá cũng được lau chùi sacïh sẽ, bóng hẳn lên và trong sáng một màu lục như cẩm thạch.
Trong chốc lát, Thu thấy tội nghiệp ông già. Những hôm trời mưa, không đi xem nhà được, Thu ngồi yên lặng nghe ông kể chuyện . Hình như ai cũng có một chuyện đời bất công, uất ức để kể, miễn có người chịu nghe và có không khí thuận tiện để tâm tình. Bên chén trà nóng trong phòng trọï, ông già kể và nhỏ từng giọt nước mắt vào chén trà thơm mà không biết.

Chiều hôm sau, trong lúc Thu và ông Hải đang xem báo tìm nhà,tìm việc ở phòng khách của khách sạn, thì có một nhóm sĩ quan đi vào. Trông thấy Thu, họ dừng lại chào hỏi rất niềm nở. Thu vui vẻ nói chuyện với họ, và hình như quên ông vẫn còn đang chăm chú xem báo trong một góc phòng.
Tối hôm ấy, Thu và con đi ăn cơm nhà hàng với các bạn mới của nàng. Ông biết bọn họ là sĩ quan ở Đài Loan mới sang, đang đợi máy bay để đi các khu huấn luyện. Ngồi một mình với các món xào nấu ở nhà, ông thấy nuốt không xuống. Cuộc đời niên thiếu của ông chỉ biết làm việc. Cuộc đời già nua ông đã quen sống với chua chát cô đơn. Trong mấy ngày gần đây, bỗng dưng xáo trộn hẳn lên. Căn phòng lạnh lẽo hiện ra bóng dáng của một người đàn bà đi ra đi vào. Bên bàn ăn nổi lên tiếng cười đùa, câu hỏi ngây thơ của trẻ con. Tất cả những thứ này đem hạnh phúc cho đời ông, và cũng những thứ này, thiếu nó, sóng gió nổi lên trong lòng ông.
Mấy người sĩ quan trẻ tuổi kia, mới quen Thu đã đưa mẹ con nàng đi đâu mất. Ông thấy lo sợ cho Thu. Không biết cái bọn đàn ông tinh ranh quỉ quyệt kia quyến rũ nàng đến chốn nào, nàng có bị dỗ dành, có bị lợi dụng không? Ông muốn nói cho Thu biết đàn ông là giống đáng sợ lắm. Họ nhìn đàn bà với cặp mắt ngưỡng mộ bên ngoài, với ý nghĩ chiếm đoạt bên trong, cùng một lúc sắp sẵn chương trình xa chạy cao bay . . . . Ông cảm thấy cần phải giúp đỡ bảo vệ Thu như một đứa con gái của ông. Ừ, con gái của ông cũng trạc tuổi Thu, nếu nó lưu lạc sang đây, nó cũng có thể ở trong một khách sạn, và cũng có thể bị những chàng trai mặt mày sáng sủa nhưng tâm hồn âm u quyến rủ. Ai sẽ bảo bọc, che chở cho con gái ông?
Ông Hải nghẹn ngào trước bát cơm còn nguyên, bỏ đũa, mặc áo khoác xuống phố tìm . Biết bọn Thu đi ăn, ông chỉ quanh quẩn mấy tiệm lớn có tiếng. Ông Hải đảo qua hai ba nhà hàng, nơi nào ông cũng bước vào nhìn khắp các phòng, nhưng không thấy Thu đâu cả. Đến tiệm trước kia Thu vẫn thích ăn cũng không thấy ông đâm lo. Mắt ông dáo dác nhìn quanh, chân này đá lẫn chân kia, cứ thế ông đi suốt mấy con đường bán thực phẩm và đồ chơi, quần áo. Lúc đi qua một tiệm rượu, ông chợt trông thấy bé Tân đứng chơi ngoài cửa. Mừng quá, ông chạy vội đến hỏi:
• Me đâu ?
• Me trong kia, đang mua đồ.
• Tối nay cháu ăn có no không, có ngon không?
• No, ngon lắm. Bác đi đâu đấy ?
Ông Hải lúng túng:
• Bác đi dạo một lúc trước khi đi ngủ.
Ông Hải đã định gặp Thu sẽ mắng Thu một trận. Sẽ nói cho Thu biết những cái nguy hiểm ở thị thành. Ai lại mới quen mấy người này, mà đã dám đi ăn, đi chơi phố la cà như vậy. Ông có nhiều điều cần phải khuyên bảo Thu lắm, thế nhưng bây giờ trông thấy Thu đứng trong tiệm, ông không dám vào gặp Thu, và ông cũng không nghĩ đến chuyện dạy bảo gì cả.
Ông tự hỏi ông là ai ? Ông là gì của Thu mà được dạy bảo và mắng nàng ?
Nếu ông là một đồng hương, thì những người kia cũng là đồng hương của Thu như ông vậy. Họ có thể trò chuyện hay mời Thu đi chơi, đi ăn. Thu muốn đi đâu hay làm gì, ông không có quyền cấm đoán can thiệp vào việc riêng của nàng.
Ông Hải đứng lui vào một góc, giả vờ xem các món hàng, để nhìn vào bên trong. Thu cầm hai chai rượu Mai Quế Lộ, đang cười cười nói nói với các bạn mới.
Ông Hải kinh ngạc đến cực điểm:
• Thu uống rượu ? Thu mà cũng uống rượu ? Thế này thì hỏng! Mấy hôm nay, mỗi bữa ăn, ông đều uống một cốc nhỏ để khai vị, hay nói cho đúng hơn, ông muốn tận hưởng hoàn toàn cái hạnh phúc đến bất ngờ với ông: cái hình ảnh mà suốt đời ông không bao giờ dám ngờ sẽ xảy ra – cái hình ảnh của một người đàn bà và một đứa trẻ con ở trong nhà. Vì thế, ông tự khao một cốc rượu nhỏ trước mỗi bữa cơm. Ông đã mời ép Thu nhiều lần, nhưng bao giờ nàng cũng từ chối. Giờ đây chính Thu mua rượu. Thu sẽ uống với ai? Bọn thanh niên chăng? Ông thấy uất hờn dâng lên tận cổ, không biết những thằng ranh con kia, đứa nào đã xui giục Thu mua rượu, để rồi đêm nay sẽ chuốc cho nàng say ?
Ông theo bọn Thu về đến khách sạn, thấy Thu lấy chìa khóa ở bàn người thư ký, rồi bế con lên gác. Các sĩ quan mang xách hộ nàng những gói lớn, gói con. Họ theo nàng vào đến tận phòng. Ông Hải thấy chân tay bủn rủn, ông ngồi xệp xuống cầu thang, giả vờ mở một tờ báo ra đọc để chờ xem bọn kia bao giờ mới về.
Ông nhìn vào tờ báo mà không trông thấy chữ. Tiếng cười, tiếng nói vọng ra như những mũi kim đâm nhói vào tim ông. Bỗng dưng ông Hải thấy giận dỗi. Ông đang sống yên tĩnh với cái làng xóm Phố Tàu của ông. Nguồn sống của ông là tiền già, cộng với chút vốn còn sót lại, ông giao cho một nguời bạn thân buôn bán chia lời. Mỗi tháng, người ấy đưa cho ông một số tiền nhỏ, đủ ăn tiêu và trả tiền phòng. Ông đã tưởng đời thế là hết sóng gió rồi. Không ngờ, chỉ trong mấy ngày, một người đàn bà xa lạ và một đứa bé con đã làm sống dậy tất cả ham muốn và dục vọng ông chôn chặt từ lâu. Oâng thấy ông có quyền được sống như mọi người, có quyền được sung sướng như mọi người. . .
Những cô nương, thái thái Trung Hoa ở đây, ai cũng sang trọng quá, kiêu kỳ quá. Ông nhìn họ như nhìn những nàng tiên hay những bà công chúa ở một thế giới khác. Một cô gái, dù không phải là dòng dõi thượng lưu, cũng vẫn kiêu kỳ. Dù chỉ là một cô hầu bàn, cô cũng có giấc mơ của một bà công chúa. Trong giấc mơ ấy, chàng Hoàng Tử đẹp trai là anh đầu bếp chính, nấu ăn khéo, khỏe mạnh, để một ngày kia cô cũng sẽ trở thành bà chủ tiệm như ai. Nếu là một cô thư ký, thì giấc mơ của cô cũng cao hơn các đồng sự bạn trai của cô nữa. Thứ “ đại trượng phu” như ông, chỉ được coi ngang hàng với rơm rác.
Đời ông Hải chưa từng được nói chuyện lâu với một nguời đàn bà nào bao giờ. Dù lạ dù quen chẳng có ai rảnh rang để liên lạc với một ông già nghèo nàn, lẩm cẩm, ốm yếu như ông. Thế mà người đàn bà này đã ngồi nghe ông kể chuyện hàng giờ, hết giờ này sang giờ khác. Nàng không kiếm cớ bỏ đi lảng, không ngáp vặt, không nhìn trời nhìn đất, không lo ra. Người này nghe bằng tai, bằng mắt, bằng óc và cả bằng tim nữa.
Nhớ đến lúc ông đem từng bức thư của vợ ra đọc. Ông quá cảm động tim đập mạnh từng hồi. Thu im lặng và lắng nghe ông, như uống những lời tâm sự. Ông tưởng Trời Phật sai người đàn bà này xuống làm cho cuộc đời ông sáng lại, để đền bù những nỗi bất công ông đã phải chịu trong mấy chục năm trường.
Thế mà . . . nghĩ đến mất Thu, đêm ấy ông Hải ngủ một giấc ngủ chập chờn hốt hoảng và đầy ước mơ lẫn với lo sợ.
Sáng hôm sau, khi ông Hải dậy thì đã mười giờ. Ông vội vàng thay quần áo đi tìm Thu. Đến trước khách sạn, ông thấy Thu đang đứng chờ tắc xi với một đống hành lý ngổn ngang. Trông thấy ông, Thu chạy vội đến gần, mừng rỡ:
• Kìa bác đã đến. Cháu tưởng bác còn ngủ, không muốn làm phiền bác. Định để giấy lại cho bác hay, rồi hôm khác sẽ trở lại thăm bác.
Ông Hải run rẩy hỏi:
• Các người định dọn đi đâu đấy?
• Cháu thuê được một từng lầu ở dưới phố rồi. Hôm nay cháu phải đi sớm, kẻo chốc nữa quá giờ, khách sạn sẽ tính thêm một ngày tiền phòng.
• Bà có cần tôi giúp gì không ?
Thu chỉ các sĩ quan:
• Thôi, không dám phiền bác. Có các bạn cháu đây nhân tiện sắp đi trình diện, mạnh tay, mỗi người giúp cháu mang vài món được rồi.
Ông Hải ngước mắt nhìn bọn con trai. Bọn họ trông khỏe mạnh thực. Người nào cũng cao lớn khôi ngô, mặc quân phục chỉ vàng, chỉ bạc lủng lẳng đầy người.
Thu đưa cho ông một cái gói bảo:
• Cháu không biết mua gì biếu bác, có thứ này chắc bác thích.
Ông Hải đỡ lấy cái gói, không nói gì. Mắt ông nhìn quanh, đầy vẻ hờn oán và kinh ngạc, vì mọi việc xảy ra mau chóng ngoài sức tưởng tượng của ông.
Thu chia đồ đạc ra hai phần, các sĩ quan cùng đi ngồi hai xe. Trông họ mang xách gọn gàng và nói tiếng Anh nhanh như gió, ông Hải thấy tủi thân. Ông không được như họ, thì còn mong gì giúp Thu, dù chỉ xin đi theo để dọn đồ.
Một lần nữa, ông cảm thấy đời thực vô nghĩa. Sống vật vờ không gia đình, không tình yêu, không bà con họ hàng, không thạo tiếng nói bản xứ. Có quê hương nhưng sẽ không bao giờ được về. Ông chỉ còn cách thu nhỏ mình lại, như một vật để làm cảnh cho phòng đọc sách của các khách sạn cũ kỹ, bám chặt lấy cái thành phố Tàu trên đất Mỹ này.
Thu đã lên xe, mọi người cùng đưa tay vẫy chào ông. Ông vẫy chào lại, mắt mờ đi. Chân ông run run, đầu gối mỏi như muốn gẫy gập. Ông ngồi bệt xuống vỉa hè, mở cái gói của Thu tặng ra xem. Bên trong có hai chai rượu Mai Quế Lộ, một cái áo len dày, một tá bít tất và một cái khăn quàng. Ông cầm chai rượu dằn mạnh xuống đất, giận dữ:
• Hừ, người ta trả công cho tôi như thế này sao?
Món quà đáng giá, đền công ông giúp đỡ, được rồi. Nhưng còn trái tim của ông, tấm lòng của ông, thì giá nào mà đền cho được!
Ngồi thẫn thờ một lúc, ông nhặt gói quà, ôm chặt vào lòng một cách âu yếm, đi về phía chợ. Ông định mua đồ nhắm, về nhà uống một bữa cho thực say.
Không làm khác được, ông muốn tự làm khổ mình để trả thù, mà cũng không biết bằng cách nào, trả thù gì và trả thù ai.
Về đến nhà, ông ngồi vội xuống bàn, lấy hai cái cốc đổ đầy hai cốc rượu, ông uống một cốc, còn một cốc tưới vào gốc cây chuối, thì thầm:
• Tao chỉ có mày thôi. Uống với tao một cốc cho vui.
Uống hết, ông lại rót ra hai cốc rượu khác, nhấm nháp dần dần, và cũng đổ từ từ vào gốc cây chuối.
• Mày biết không ? Ai cũng bỏ tao cả. Tao không còn gì ở trên đời này nữa, trừ mày ra. Mày đừng đi đâu hết nghe không? Uống đi! Uống thêm vài cốc nữa với tao mới là bạn tốt chớ.
Cứ thế, từng cốc, từng cốc, ông vừa nhấm nháp vừa đổ cho cây chuối.
Khi ông Hải tỉnh dậy, thấy gian phòng mờ mờ tối. Ông không biết rõ là ngày hay đêm, mà cũng không muốn biết. Ông Hải thấy mình nằm vắt trên bàn, chung quanh, chai cốc ngổn ngang, dưới chân ông, cây chuối cũng bị ngã nghiêng. Cây chuối bây giờ không còn màu lục non xanh tươi nữa, lá nó xàu và thân cây mềm hẳn đi.
Ông Hải dựng cây chuối dậy, vỗ về:
• Chết chưa, mày uống nhiều rượu quá! Mày say đấy à? Tại sao mày héo thế này? Mày buồn phải không? Ừ phải, mày buồn cho tao cũng được, nhưng nhớ đừng có chết nghe không! Mày buồn thôi, chứ đừng bỏ tao mà chết!
Những tiếng cuối cùng, ông vừa nói lầm thầm, vừa nhổ cây chuối, bước vào phòng trong nằm vật xuống giường ngủ lại. Cây chuối, ông đặt nằm gối lên cánh tay ông, khe khẽ bảo:
• Đừng buồn nghe không! Thôi đừng buồn nữa, tao sẽ săn sóc mầy . . Đừng buồn nữa . . . nghe cưng… . . .
Tiếng ông lẫn với tiếng ú ớ, rồi im hẳn.

Giọng hát của ca sĩ trong phòng tắm mỗi 9 giờ sáng nhự đồng hồ báo thức lại văng vẳng vang lên. Nhưng không biết giọng ai đó có còn ma lực hấp dẫn dục ông Hải thức dậy để tiếp tục cuộc sống ” Một ngày nhự mọi ngày “ nữa không.

Linh Bảo – 1962

Xem 

Thêm :

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2025

HƯU NON -Thơ Vu Sơn và Thơ Họa

 

hưu non

ngắm riết gỉa sơn cũng thấy nhàm
tìm vui trò mới thử cho cam!
làm thơ... niêm luật mù không dám
soạn nhạc... nốt cung tịt chẳng kham
võ vẽ... múa hoài dăm miếng giảm
hát hò... rống mãi chẳng bàì ham
hưu non rảnh rỗi buồn thê thảm
sáng rượu tối chè bám tựa sam

vu sơn

Thơ Họa:


1./ TRỒNG CAM

Vú sữa dù ngon riết cũng nhàm
Ra vườn dọn đất quyết trồng cam
Dầm sương dãi nắng, ưa thì chịu
Tưới nước làm bồn, muốn phải kham
Lủng lẳng treo cành, non đã khoái
Là đà trĩu nhánh, chín càng ham
Da ngời láng mịn, thơm lừng múi
Sướng ngập lòng già…ngỡ chú Sam

Lý Đức Quỳnh
13/4/2025


2./ BỎ QUÁCH…


Giận dỗi răn đe nhỏ nhẹ… nhàm
Trăng hoa cái tính dính nào cam
Ra đường váy ngắn nhìn cơ khổ
Xuống phố chân dài liếc tiếc ham
Rửa mắt! Ừ thôi, thôi mặc kệ
Liếm môi! Chết khựng, khựng nào kham
Chèn ơi! l Lỡ gặp chồng như rứa
Bỏ quách thà là cưới chú Sam

Kiều Mộng Hà
April.12.2025


3./ VỀ HƯU...VÔ DỤNG !

Cuộc sống nhàn thơi mãi cũng nhàm
Tháng ngày vô vị riết nào ham !
Chân tay vẫn khỏe, rời không nỡ
Đầu óc chưa mòn, phế chẳng cam
Mặc cảm nặng đeo dường tảng đá
Nỗi buồn chặt bám tựa đuôi sam
Rằng ta vô dụng, đời quên lãng
Nổi loạn một mình dạ bất kham.

Sông Thu
( 13/04/2025 )


4./ VỀ HƯU.

Non tuổi hưu rồi thiệt chẳng ham
Ở nhà tù túng khó mà cam
Vào ra thơ thẩn,sầu luôn bám
Suy nghĩ miên trường,nẫu cứ kham
Tâm sự não nùng nơi cõi tạm
Tinh thần u uất cuộc đời nhàm
Ưu tư, hờn tủi như đeo ám
Buồn bực,chán chường quấn tợ sam!

LAN.
(14/02025).



5./ HỌA: SỐNG KIẾP CON SAM

Hưu non sống thấy quá là nhàm,
Cố gắng tạm thời ráng khó cam.
Nhớ bạn tìm mail chưa thể dám,
Thích thơ tập thử ngại không kham.
Cơm nhà mùi khét sao ghê sợ,
Phở xóm thơm tho nhớ vẫn ham.
Tuổi tác chưa mòn giờ quá thảm,
Hưu non trót lỡ kiếp loài sam.
*
Bám quá lâu ngày sợ khó kham!!

HỒ NGUYỄN (13-4-2025)


6./ Kính Họa Vận : LUỐNG TUỔI-HƯU NON 
     (Bát Vỹ Đồng Âm)

Cô Kiều điểm sắc ngắm không nhàm…!
Liếc mắt ngó hoài mấy cũng cam
Thục nữ lưng ong mơ…chẳng dám 
Thuyền quyên đáy thắt mộng…không kham 
Hưu non luống tuổi ăn tiêu giảm 
Dưỡng sức tra người hát hỏng ham
Rảnh rỗi chơi cờ thua quá thảm 
Tre già măng mọc tóc đuôi sam…!

MAI XUÂN THANH 
Silicone Valley, April 14, 2025

7./ TÂM SỰ NGƯỜI HƯU TRÍ


Hưu trí rảnh rang riết cũng nhàm 

Vợ chồng quấn quýt tựa như sam

Nhất thời vui vẻ tuy không chán

Lắm lúc muộn phiền lại khó cam

Quanh quẩn làm vườn ngân tạm ổn

Lang thang du lịch bạc nào kham

Biết rằng mọi thứ sao vừa ý

Tri túc thường hằng chớ quá ham


Hưng Quốc 

Texas 4-15-2025


BỤI THỜI GIAN - Thơ Đặng Quang Tâm

                 

  

                    BỤI THỜI GIAN 

Phủi bụi thời gian thấy lại mình 

Tang thương theo vận nước điêu linh 

Ra đi chỉ có bàn tay trắng 

Gồng gánh trên vai chữ nhục vinh 


Mới đó mà qua mấy chục năm

Xứ người lận đận đã bao lần

Quê nhà càng lúc càng xa lắc

Kẻ mất người còn đứa biệt tăm


Buồn quá đêm nay nằm không ngủ 

Nghe tiếng mưa rơi lại nhớ nhà

Có trở về quê thăm chốn cũ

Người xưa chưa chắc đã như xưa


Tóc đã thưa đi đầu đã bạc

Còng lưng chống chỏi với phong sương 

Ngồi đây ghép mãnh đời tan nát

Kẻ sống tha hương nhớ cố hương


Biết nói gì đây buổi cuối đời

Hơn thua cho lắm cũng vậy thôi

Có đi mới biết đường đi khó

Bể khổ chưa qua chưa tới nơi


Như vậy là xong một kiếp người 

Trách ai xui vận nước nổi trôi

Lỡ sanh nhầm lúc thời lý loạn

Có trách ai chăng chỉ trách Trời


ĐẶNG QUANG TÂM

4-14-2025

Mời Xem :

💦CHÂN LÝ - Thơ Đặng Quang Tâm

💤😨
 LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH BỊ SUY TIM - BS.Đặng Quang Tâm

Sự kính ngưỡng khiến hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ như thế nào?

Loại thuốc nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một sự thay đổi tinh tế trong góc nhìn để phát huy tác dụng? Chúng tôi mời bạn khám phá mối quan hệ thường bị bỏ qua giữa đức hạnh và sức khỏe – ‘Mỹ đức y học’.
Sự kính ngưỡng khiến hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ như thế nào? (Ảnh: Shutterstock)

Và những điều đáng kính ngưỡng phổ biến nhất có thể làm bạn phải ngạc nhiên. Đây là phần 5 trong loạt bài “Mỹ đức y học”. (Phần 4)

“Sự kính ngưỡng là cảm giác được ở trong sự hiện diện của một thứ gì đó to lớn vượt qua sự hiểu biết hiện tại của bạn về thế giới”, Giáo sư Dacher Keltner viết trong cuốn sách “Awe: The New Science of Everyday Wonder and How It Can Transform Your Life” (Sự thán phục: Nghiên cứu khoa học mới về sự kinh ngạc hàng ngày và cách nó có thể thay đổi cuộc sống).

Cảm giác này thường gắn liền với việc quan sát sự hùng vĩ trong thiên nhiên: những ngọn núi hùng vĩ, cây cối, cồn cát rộng lớn hoặc đường chân trời đại dương rộng lớn.

Tuy nhiên, thiên nhiên không phải là nguồn cơn đem đến cảm giác kính ngưỡng duy nhất và phổ biến nhất. Hơn nữa, sự kính ngưỡng còn vượt xa cảm giác ngạc nhiên hay cảm hứng nhất thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo ít nhất 5 cách.
Nguồn cơn gây ra sự kính ngưỡng

Mọi người có thể cảm thấy kính ngưỡng trước những hiểu biết về triết học, khám phá khoa học, âm nhạc, thiết kế trực quan, tâm linh, tôn giáo, nhận thức cá nhân, chiến công ấn tượng và sự giác ngộ. Ngay cả việc chỉ đơn giản là tìm hiểu về những người thú vị khác cũng kích thích sự kính ngưỡng. ‌Nghiên cứu ‌cho thấy rằng, việc xem video về những người truyền cảm hứng như Mẹ Teresa có thể khơi dậy lòng tôn kính của những người tham gia.

Để xác định nguồn cơn phổ biến nhất của sự kính ngưỡng, Giáo sư Keltner đã tiến hành một thí nghiệm, yêu cầu những người tham gia trên toàn thế giới viết những câu chuyện khiến họ cảm thấy kính ngưỡng.

Trong số 2.600 câu chuyện được thu thập, sự kính ngưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới đến từ vẻ đẹp đạo đức: sự đức hạnh và tính cách đặc biệt thể hiện sự trong sáng, ý tưởng và hành động hàm chứa lòng tốt bụng. Điều này bao gồm việc chứng kiến ​​lòng dũng cảm, lòng tốt, sức mạnh hoặc khả năng vượt qua khó khăn của người khác. Ví dụ, những câu chuyện về những người liều mạng để cứu người lạ hoặc những hành động tử tế trong thảm họa.

Vẻ đẹp đạo đức cũng bao gồm cách mọi người cảm thấy đầy kính ngưỡng trước sự khởi đầu hoặc kết thúc của cuộc sống. Nhiều bà mẹ lưu ý rằng, sinh con là nguồn cảm hứng quan trọng nhất. Giáo sư Keltner ghi lại trong cuốn sách của mình về một người mẹ đến từ Nhật Bản: “[Tôi] vô cùng xúc động trước nhận thức và trách nhiệm khi trở thành cha mẹ, cũng như sự quý giá của cuộc sống. Từ giờ trở đi, tôi cảm thấy mình sẽ sống hết mình chỉ để bảo vệ cuộc sống này”.

Một người mẹ đến từ Nga bày tỏ rằng, cô ấy chỉ “muốn ôm cả thế giới” sau khi sinh con. Những người cha cũng cảm thấy được tiếp thêm nguồn cảm hứng. Một người đàn ông đến từ Indonesia đã viết,“Tôi không thể tin được rằng Chúa đã ban tặng cho vợ tôi một món quà tuyệt vời và đẹp đẽ đến thế, và tôi không thể ngừng mỉm cười, cảm thấy hứng khởi và biết ơn Chúa vì đã ban cho chúng tôi một đứa con trai.”

Theo Giáo sư Keltner, tiền bạc và tài sản không góp phần tạo nên sự kính ngưỡng. Trong nghiên cứu này, không ai đề cập đến máy tính xách tay, Facebook hoặc điện thoại thông minh của mình. Cũng không ai đề cập đến đôi giày Nike, Tesla hoặc chiếc túi Gucci mới của họ. Giáo sư Keltner viết: “Sự kính ngưỡng xuất hiện trong một thế giới tách biệt với thế giới vật chất, tiền bạc, sự mua sắm và sự phô trương địa vị trần tục – một thế giới vượt ra ngoài thế giới phàm tục mà nhiều người gọi là thiêng liêng.”
Ngôn ngữ mà mọi người đều nói

Một bài báo đăng trên Nature (Tập san Tự nhiên) phát hiện ra rằng, ở 12 khu vực khác nhau trên thế giới, sự kính ngưỡng tạo ra các biểu cảm khuôn mặt độc đáo, phổ biến như thích thú, hài lòng và đau đớn.

Về mặt văn hóa, khi sự kính ngưỡng dâng trào trong một ai đó, chẳng hạn như khi xem pháo hoa hoặc sao băng, khuôn mặt của họ sẽ biến đổi – lông mày nhướn cao, mắt mở to như thể đang cố gắng hấp thụ mọi chi tiết của cảnh tượng tráng lệ. Hàm của họ chùng xuống, miệng há hốc, đông cứng trong khoảnh khắc kinh ngạc không nói nên lời. Nụ cười nhẹ nhàng nở trên khóe môi họ, đầu hơi ngả ra sau như thể bị kéo bởi một sợi chỉ vô hình.

Một nghiên cứu đã thử nghiệm về sự bộc phát của phát giọng nói cho 16 cảm xúc, bao gồm sự thán phục, tức giận, sợ hãi và buồn bã, trên 10 nền văn hóa và thậm chí cả ở một ngôi làng xa xôi ở Bhutan. Những âm thanh thể hiện sự thán phục như “whoa” và “wow” được dễ dàng nhận ra với độ chính xác đến 90%, khiến sự thán phục trở thành một trong những cảm xúc được công nhận rộng rãi nhất.
Sự kính ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào

Sự kính ngưỡng giúp tăng cường sức khỏe theo 5 cách. Đầu tiên là thông qua sự thay đổi trong hệ miễn dịch.

Cytokine là chất truyền tin hóa học báo hiệu cho hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh hơn. Chúng rất quan trọng đối với phản ứng viêm để tiêu diệt mầm bệnh và chữa lành vết thương. Tuy nhiên, phản ứng cytokine tăng hoạt động có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém và các rối loạn như viêm khớp, Alzheimer và trầm cảm lâm sàng. Đáng chú ý nhất là trong những năm gần đây, từ “cơn bão cytokine” trong COVID-19 đồng nghĩa với bệnh nặng và kết cục xấu.

Các nghiên cứu mới nổi đang bắt đầu thừa nhận vai trò của cảm xúc tích cực đối với sức khỏe thể chất. Một nghiên cứu đăng trên Emotion (Tập san Cảm xúc) năm 2015 đã chứng minh rằng, một số cảm xúc tích cực, chẳng hạn như niềm vui và tình yêu, làm giảm mức cytokine interleukin-6 (IL-6), một chỉ số về mức độ viêm.Cảm xúc tích cực làm giảm IL – 6. (Ảnh minh hoạ: The Epoch Times)

Tuy nhiên, yếu tố dự báo lớn nhất về mức cytokine giảm, cao hơn tới 3 lần so với niềm vui – là cảm giác kính ngưỡng.

Một nghiên cứu theo chiều dọc kéo dài 22 ngày được công bố trên Scientific Reports (Tập san Báo cáo Khoa học) đã quan sát những người lớn, chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19 và phát hiện ra rằng, những người càng thể hiện nhiều sự kính ngưỡng hàng ngày thì họ càng ít bị căng thẳng và ít có các triệu chứng sức khỏe về thể chất (ví dụ như đau đầu và khó ngủ).

Các nghiên cứu này cho thấy sự kính ngưỡng có thể có lợi cho những người bị viêm, trong thời kỳ căng thẳng cấp tính và mạn tính, chẳng hạn như đại dịch COVID-19.

Sự kính ngưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua việc gia tăng hòa nhập xã hội, tính hướng ngoại, cảm thụ ý nghĩa [cuộc sống] và giảm ý thức về bản thân.
Hạ thấp bản ngã

Giáo sư Yang Bai của Đại học California–Berkeley và nhóm của bà đã tiến hành một nghiên cứu tại Công viên quốc gia Yosemite. Trong vài ngày, họ đã tiếp cận hơn 1.100 du khách từ 42 quốc gia. Trong khi ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn của Thung lũng Yosemite, những người tham gia được yêu cầu vẽ bản thân trên giấy và viết chữ “tôi” bên cạnh bức vẽ.

Trong điều kiện đối chứng, những người tham gia được yêu cầu làm điều tương tự tại Bến tàu Fisherman ở San Francisco, một điểm đến du lịch nổi tiếng.

Những người ở Yosemite tự vẽ mình nhỏ hơn tới 33% và chữ “tôi” cũng nhỏ hơn. Theo các nhà nghiên cứu, kích thước của bản thân được vẽ và độ lớn của chữ “tôi” là những chỉ báo khá đúng về mức độ tập trung vào bản thân của cá nhân đó.Sự kính ngưỡng dẫn đến một bản ngã nhỏ bé hơn. (Ảnh minh hoạ: The Epoch Times)

Sự thay đổi trong nhận thức về bản thân này dẫn đến những hành vi xã hội có ý nghĩa. Trong một thí nghiệm, những người tham gia dành một phút để nhìn vào những cây cao có nhiều khả năng giúp đỡ người làm rơi bút hơn là nhóm đối chứng dành một phút để nhìn vào một tòa nhà khoa học hiện đại.Sự kính ngưỡng dẫn đến hành vi đạo đức. (Ảnh minh hoạ: The Epoch Times)

Những người đã trải nghiệm sự kinh ngạc cũng nhận ít tiền hơn khi tham gia nghiên cứu và cho biết, họ cảm thấy ít đòi hỏi về quyền lợi và giảm sự tự tôn hơn. Điều này cho thấy cảm giác kính ngưỡng có thể làm tăng hành vi hướng ngoại, giảm tính ích kỷ và sự tập trung vào lợi ích cá nhân.

Bà Anousheh Ansari, một du khách vũ trụ, đã chia sẻ sự kính ngưỡng vô hạn của mình đối với không gian vũ trụ: “Trải nghiệm thực tế vượt quá mọi kỳ vọng và là điều khó có thể diễn tả thành lời… Nó thu hẹp mọi thứ xuống đến mức mà bạn nghĩ rằng mọi thứ đều có thể quản lý được… Tất cả những điều này có vẻ to lớn và không thể… Chúng ta có thể làm được. Hòa bình trên Trái đất không còn là vấn đề. Ngắm nhìn không gian vũ trụ mang lại cho mọi người loại năng lượng đó… loại sức mạnh đó, và tôi đã trải nghiệm điều đó”.

Vậy thì có lẽ không có gì ngạc nhiên khi sự kính ngưỡng thúc đẩy chúng ta trở nên tâm linh hơn. Một nghiên cứu năm 2013 đã phát hiện ra rằng, những người tham gia nhìn thấy điều đáng kính ngưỡng có điểm số tâm linh cao hơn những người chưa từng nhìn thấy.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, những trải nghiệm đầy cảm hứng làm tăng động lực của chúng ta để hiểu thế giới. Điều này có thể kích hoạt niềm tin vào siêu nhiên.

Sự kích thích tinh thần này làm tăng thêm sức khỏe tinh thần và thể chất.Sự kính ngưỡng là con đường dẫn đến sự khỏe mạnh về tinh thần và thể chất. (Ảnh minh hoạ: The Epoch Times)

“Cơ thể chúng ta phản ứng với vẻ đẹp lành mạnh đáng kính ngưỡng của thiên nhiên giống như với một bữa ăn ngon bổ dưỡng, một giấc ngủ ngon, một thức uống giải khát hoặc một cuộc tụ họp vui vẻ với bạn bè hoặc gia đình: chúng ta cảm thấy được nuôi dưỡng, mạnh mẽ, có năng lực và năng động”, bà Keltner viết. Nó cũng làm giảm khả năng mắc bệnh tim mạch, bệnh tự miễn, tiểu đường, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và lo âu, cũng như những cơn đau nhức hàng ngày.

“Sự kính ngưỡng hàng ngày là nhu cầu cơ bản của con người”, bà Keltner lưu ý. Chúng ta có thể lấy lại cảm giác này bằng cách tiếp cận cuộc sống một cách tò mò – tìm kiếm những điều kỳ diệu thường bị bỏ qua của thiên nhiên và những hành động cảm động thể hiện lòng tốt của mọi người xung quanh.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Khánh Ngọc biên dịch.

MÀU THỜI GIAN - Thơ Ngọc Ánh

  Tranh Lê-t-Lựu MÀU THỜI GIAN Anh và em hai phương trời khác biệt Tình bây giờ chỉ một nửa vầng thôi Dù mai sau có vật đổi sao dời Mình yêu...