Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Tiểu Lục Thần Phong: MẶT TRÁI CỦA CÔNG NGHỆ CAO (T.Vấn Và Bạn Hửu )


Năm 2023 có đến 22.000.000 bài văn của sinh viên do AI viết, tỷ lệ giáo viên, giáo sư dùng AI để chấm bài cũng tăng thêm 23%. Hiện nay AI đã và đang xâm nhập vào mọi mặt của đời sống con người, làm thay con người, trợ giúp và cả làm hại con người. AI có thể viết sách, vẽ tranh, chụp hình soạn nhạc, lái máy bay, tàu chiến để bỏ bom một cách chính xác và theo như số liệu tin tức vừa nói ở trên thì tương lai sắp đến học sinh – sinh viên sẽ không làm bài, không viết bài, không làm luận văn nữa, giáo sư cũng không cần phải đọc bài, chấm bài… tất cả dùng AI khỏi tốn công tốn sức.

Nếu cứ cái đà này thì con người không cần suy nghĩ, tư duy, động não. Con người chẳng cần cảm xúc, rung động từ tâm hồn hay trái tim nữa. AI làm thay tất cả cho người.

Công nghệ cao là thành tựu của loài người nhưng mặt trái của nó cũng không hề nhỏ và cái hậu quả như thế nào con người cũng chưa lường hết được. Các nhà khoa học, các nhà sáng chế phát minh, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đạo đức, làm luật, học giả… vẫn cãi cọ bất đồng ý kiến với nhau về vấn đề này. Tất cả tranh luận mà chưa có hồi kết và dĩ nhiên cũng chưa có một tiếng nói chung nào. Duy có một điều là con người không thể thành robot được! Con người là sự kết hợp của thể xác và tâm hồn, nếu con người được cấy chíp vào não để điều khiển tự động hóa, hành xử như người máy thì liệu cái giá trị nhân văn, đạo đức, tư duy, thẩm mỹ… còn là gì? Chuyện này quả thật nan giải, tuy nhiên xưa nay hễ mỗi lần cải cách, có phát minh mới mang tính quyết định thay đổi vẫn thường đem đến xáo trộn là lẽ đương nhiên. Vì vậy việc sử dựng AI cũng không ngoại lệ, có lẽ thời gian sẽ có câu trả lời dù sớm hay muộn.

AI sẽ thay con người làm mọi việc, con người mất việc làm. AI sáng tác thay con người (thực sự thì AI không thể sáng tác ra mà là tổng hợp nguồn tư liệu khổng lồ có sẵn trên NET rồi chọn lọc, cắtt, ghép… để cho ra sản phẩm theo cái chủ đề mà người ta muốn.

Có một vị giáo sư sinh học nói vui rằng: “Con người nhờ lao động mà hoàn thiện nhân dáng như hôm nay. Hai chân để đi, hai tay để cầm công cụ lao động để làm việc, tư duy để phát triển trí năng, xúc cảm từ trái tim để thăng hoa tâm hồn. Ngày nay công nghệ cao, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến con người không còn lao động nặng, chỉ còn dùng các ngón tay quẹt quẹt trên màn hình, dùng con mắt để chăm chú vào màn hình… Biết đâu tương lai con người sẽ tiến hóa đến độ hai tay chỉ còn như cái que đủ để quẹt quẹt, hai con mắt sẽ to và lộ hẳn ra ra ngoài như mắt cua để thích nghi với thực tế…”. Tuy là lời nói chơi nhưng không phải là không có lý khi mà chúng ta chưa biết hết hậu quả mặt trái của công nghệ cao: IT, AI

Mặt trái của công nghệ cao có thể còn chưa rõ ràng lắm nhưng thử xem hậu quả nhãn tiền của nó với người Việt ta thử xem.

Khi mạng Internet ra đời, đây là một thành tựu mang tính cách mạng của loài người. Mạng Internet làm thay đổi sâu sắc bộ mặt thế giới, thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc, thương mại, vui chơi, giải trí… của loài người. Hiện nay nhiều người có thể ngồi nhà làm việc, giải trí, kiếm tiền, mua bán, họp hành, học hành, thi cử… thậm chí ăn uống và tình dục cũng có thể thông qua.
Rồi khi những mạng xã hội ra đời: Twitter, Face Book, Instagram, Tiktok, Weibo, Zalo… đã làm ảnh hưởng hầu hết nhân loại. Mọi người dính chặt vào các trang mạng xã hội, trên ấy mọi người có thể tung lên mọi thứ từ thượng vàng hạ cám, sạch – dơ, đúng – sai, phải – quấy… thậm chí càng xàm, càng nhảm nhí lại được người ta xem nhiều, bấm “like”, bấm Subrible”. Mạng xã hội là môi trường lý tưởng cho những kẻ tung ra thuyết âm mưu để lũng đoạn thao túng tâm lý con người. Mạng xã hội làm tầm thường hóa văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức… bằng những clip, video, reel… nhảm nhí, rẻ tiền, xàm xí. Mạng xã hội như một cánh đồng ngập tràn cỏ dại, cỏ dại thì không cần chăm sóc vẫn phát triển, thậm chí phát triển tốt, trong khi ấy lúa, hoa màu… chăm sóc kỹ vẫn èo uột không phát nổi!

Chúng ta thử lướt qua một ít trên Face Book, Tiktok, Youtube… sẽ thấy người dùng mạng xã hội người Việt thật kinh khủng, phải nói là cả một tập thể hỗn loạn, bầy đàn thô bỉ. Cả người đăng và người xem, người bình. Họ hùa theo đám đông ra sức nói bậy, nói xàm, chửi rủa, mạ lỵ, mạt sát… những ai mà họ không thích. Họ cắt, ghép, lồng, ép… và đăng những gì tệ hại nhất để bêu xấu, làm nhục những ai mà họ ghét. Người Việt trên mạng xã hội đang tạo khẩu nghiệp và ý nghiệp vô cùng tồi tệ. Họ dùng những từ ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhất mà họ có thể nghĩ ra. Họ không phân biệt phải – trái, trắng – đen, đúng -sai… cứ hùa nhau mà chửi. Cái cộng đồng dùng mạng xã hội người Việt là cả một đám làm bậy, tin nhảm, nói xàm. Thậm chí người ta còn đặt ra cái khái niệm “Văn hóa chửi”, mạnh ai nấy chửi, người nào chửi mạnh miệng, chửi hung tợn, chửi dài hơi… thì được xem như người “giỏi”, người “của công chúng”. Cái này phải nói là người ngoài vĩ tuyến chửi dữ dội nhất. Người ta còn vui vẻ đi ăn “cơm chửi, bún mắng, phở quát”. Các diễn viên hài cũng là những kẻ cổ xúy mạnh mẽ cho cái gọi là “văn hóa chửi”. Hài Việt toàn là chửi bậy nói xàm, quanh quẩn những tiết mục giả gái nhái giọng và chửi.

Có không ít những nhà văn hóa, trí thức, học giả, hoạt động xã hội… lên tiếng về việc văn hóa xuống cấp, đạo đức suy đồi, băng hoại… nhưng hình như tiếng nói của họ rơi vào hư không, không có bất cứ hồi đáp nào. Hiện tượng hài nhảm nhí, nói xàm, chửi tục được lăng xê phát triển mạnh mẽ trên không gian mạng khiến cho già, trẻ, nam nữ đều xem, xem lâu ngày nên nhiễm… Cái thứ “văn hóa chửi” này giờ từ Bắc chí Nam đều thịnh hành. Có nhiều lần những cộng đồng mạng nước ngoài phản ảnh, than phiền cư dân mạng “Citizennet” người Việt quá hung hăng, thô lỗ và tục tằn… Cứ như thế này thì văn hóa người Việt sẽ đi về đâu? Một điều cũng cần nên nói thêm là những cư dân mạng gốc Việt, Việt Citizenet hầu như quanh năm suốt tháng họ không đọc lấy một trang sách. Tất cả chúi mắt chúi mũi vào điện thoại cầm tay quẹt quẹt các mạng xã hội và tung ra những lời chửi bới vô tội vạ.

Công nghệ cao, AI, mạng xã hội là một tiến bộ vượt bậc của loài người nhưng mặt trái của nó cũng quả thật đáng để lo lắng lắm thay.

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 0624


 

Xem Thêm :

Trí tuệ nhân tạo - lợi ích và những nguy cơ chủ yếu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THĂM CAO BỒI GIÀ -Thơ Minh Thúy Thành Nội và Thơ .Họa

THĂM CAO BỒI GIÀ Hay người trở bệnh lại giờ đây Kẻ sĩ tài năng đáng bậc thầy Bóng tối bao vây nào ngắm cảnh Sương mù khuất kín chẳng nhìn mâ...