Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Phan: ĐÔI ĐŨA CẢ ( T.Vấn và Bạn Hửu )

                                       Đôi Đũa Cả – Ảnh (Nguồn: 1946.vn)

Tôi lái xe, trên xe cả đám bạn cũ từ hồi nhỏ đi học trường làng, nhà chung xóm; từ khi chưa phân biệt trai gái nên cứ xưng hô mày với tao vô tư. Rồi lớn lên mỗi người một ngã, vận nước lại không may nên lũ trẻ di dân phiêu bạt hơn đời cha ông trước chỉ di cư từ Bắc vào Nam mà thơ Nguyễn Bính trở thành bất hủ với câu, “quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.” Lũ trẻ mày tao ngày nào bây giờ đổi xưng hô thành ông với bà khi xóm làng đã thành dĩ vãng. Những đứa trẻ quê sau mấy chục năm mới gặp lại những người bạn nhỏ ở một nơi lúc nhỏ cũng không đứa nào biết là Paris. Người bạn thổ địa Paris ngồi phía trước với tôi lái xe để chỉ đường, thật ra cô ấy sang Pháp khi nhỏ nhưng lớn lên đi học bên Đức vì được học bổng, rồi lấy chồng lập nghiệp bên Đức nên trở về Paris ngại lái xe vì đường nhỏ xe đông, lạng lách thấy ớn quá nên bạn tôi nhát tay lái. Bạn bè sau xe không ngớt chuyện ba mươi năm xa cách, những chuyện nghe như cổ tích mà cũng có đứa còn nhớ. Cô bạn hoa tiêu nói với tôi, “tụi mình đã ăn mì vịt tiềm ở quận 13 là ngon nhất Paris rồi, bây giờ ông ghé nhà sách Khai trí. Tôi mua cho mỗi đứa một ổ bánh mì thịt là đủ no sau khi đi thăm bảo tàng, nhà thờ… Xế chiều về nhà ba mẹ tôi ăn ốc sên nướng bơ, uống rượu chát cho đúng Paris. rồi mình về Đức lại. Ông cứ nhậu với thằng em tôi cho đã, nó cũng mong gặp lại ông đã mấy chục năm. Nó bây giờ là đầu bếp của nhà hàng nên nướng ốc khỏi chê. Tôi chỉ cần ra khỏi Paris là lái xe về Đức không thua ông đâu.”

    Đương nhiên tôi nghe lời đầy tớ của nhân dân vì sinh mạng cả đám trong tay tôi nhưng bao tử cả lũ tùy nó bố thí. Tôi vào nhà sách Khai Trí bên Paris rất bồi hồi vì nhớ khi nhỏ đi học ở Sài gòn, chuyện ghé nhà sách Khai Trí không thường như cơm bữa nhưng những hôm không tiền và không bạn thì vào đọc sách cọp chứ biết làm gì cho hết chán cái đời đã không tiền mà bạn cũng không. Ôi tuổi nhỏ tràn về với hai từ “Khai Trí” trên bảng hiệu giữa Paris hoa lệ, nhưng nỗi buồn cũng chóng hiện hữu với những hàng sách đóng bụi thời gian không người mua, người bán cũng không buồn quét váng nhện vì bận bán bánh mì. Khách nườm nượp mua bánh mì chứ không ai mua sách là những quyển gối đầu giường một thuở một thời đã qua. Những tên tuổi đại sư phụ như  Khái Hưng, Nhất Linh, Duyên Anh, Vũ Trọng Phụng nhìn tôi như thằng Xuân Tóc Đỏ tới Paris.

   Bánh mì Khai Trí ở Paris có gì lạ, có gì ngon mà nghe tả đã thèm, “ăn hết ổ bánh mì mà miệng vẫn còn thơm bơ, dư vị ngọt thịt cứ lưu luyến ở cổ họng.” Bạn tôi hơi tròn người từ nhỏ nên tả thức ăn cũng là sở trường. Tôi lạ với bất ngờ người bạn cũ hỏi tôi:

   “Ông còn nhớ đôi đũa cả để xới cơm hồi xưa không?”

   “Làm sao không nhớ, hồi nhỏ tôi ăn đũa cả nhiều hơn ăn cơm. Đừng nói mẹ tôi thương con trai nên hay cho ăn đũa cả, mẹ bà cũng từng cho tôi với thằng anh bà ăn đũa cả phù mình.”

   “Ờ đúng. Anh tôi có kể nghe chuyện đó. Chồng tôi, con tôi, vợ anh tôi, con anh tôi, mọi người cười muốn vỡ bếp nhà bà nội bà ngoại khi nghe anh tôi kể chuyện đó. Mẹ tôi cũng cười và hỏi thăm ông, ‘cái thằng mập con bác Hai ấy, không biết lớn lên có bớt ngang ngược chứ hồi nhỏ thì nó chẳng biết sợ’.”

   “Tôi nhớ về quê cũ, bạn cũ trường xưa, không nhớ bà nhiều như thằng anh bà với thằng em bà cũng là băng đảng của tôi, chúng tôi quậy thật là đáng nể hồi nhỏ. Hôm đó tôi qua nhà bà, định nhờ anh bà đi giúp tôi phục thù thằng Đeo con ông Tư Thắng, bà nhớ không? Tôi lang thang một mình, ngang nhà thằng Đeo, thấy nó vụt chạy từ trong nhà ra đường lộ, má nó rượt đuổi ra tới ngõ, tay còn lăm lăm chổi lông gà, chửi nó om xòm. Nó đứng giữa đường lộ, tuột cái quần xà lỏn của nó xuống tới gối, cố ngoái đầu xem vết chổi lông gà trên mông nó bầm tím cỡ nào mà đau quá vậy ta? Tôi mắc cười quá thì cười, ôm bụng cười khi chú Tám Khỏe đi ngang và nói, ‘má mày đánh bên đây mà coi bên kia thì làm sao thấy hả Đeo?’ Nó ngoái đầu sang mông bên kia, ngoái trẹo xương sườn. Tôi cười nó đau quá nên khùng rồi vì bị đánh bên nào cũng hết biết luôn. Nó nổi điên nên bất thần giộng cho tôi một giộng tá hoả tam tinh. Tôi bỏ chạy là huề vì tôi cười nó thì giộng tôi một giộng là huề rồi, nhưng cơn khùng của nó chưa nguôi, nó rượt tôi, vật tôi xuống đám cỏ trước nhà bác Ba Bò, đập cho tôi một trận rêm mình. Tôi quyết phải phục thù nhưng mình nhỏ hơn nó thì làm sao đánh lại, tôi sang nhà bà nhờ anh bà đi giúp một tay. Tôi nghe mùi sườn chiên sả ớt thơm quá, mà gần trưa ăn cơm rồi nên đói bụng nữa. Tôi theo mùi hương dẫn đường xuống bếp, thấy mẹ bà mới bắc chảo sườn chiên sả ớt xuống khỏi bếp, bác bắc nồi nấu canh lên bếp. Tôi nhón chân đi nhẹ sau lưng nên bác không nghe gì, tôi bưng luôn chảo sườn chiên và chuồn êm lên nhà trên, mới lấp ló ngó ra sân trước xem có ai không để tẩu thoát thì thằng anh bà đi chơi rong cũng đã về nhà vì tới giờ đói bụng. Nó hỏi tôi ‘mày bưng gì đó, thơm quá vậy?’ Tôi nghĩ đến thằng Đeo mới đập cho mình một trận, cần phải ăn sườn chiên muối sả ớt cho lại sức. Bây giờ mà thằng Bình-anh bà đập cho một trận nữa thì tôi chết chắc nên tôi nói, ‘mẹ tao mới chiên sườn muối sả ớt, ngon lắm! Tao định rủ mày ăn để no bụng đi giúp tao trả thù thằng Đeo mới đánh tao.’ Hai thằng tôi bưng nguyên chảo ra bờ mương, ngồi dưới gốc dừa và quên hết sự đời vì quá ngon. Bất thần mẹ bà đi tìm chảo sườn, thấy hai thằng tôi đang ngạo nghễ khinh đời, ăn trộm, ăn cắp mà ăn không cảnh giác, cứ như trời cho ai nấy hưởng. Bác giận quá nên tiện tay đang cầm đũa cả, chắc mới xới nồi cơm chín tới bếp bên kia nên phát hiện ra chảo thịt đã mất. Thế là bác gái vụt thằng anh bà tới tấp vì bác nghĩ nó dám rinh nguyên chảo sườn cho cả nhà ăn thì thật là quá đáng. Nó thì mới trên trời rớt xuống để ăn sườn chiên ai dè ăn đòn phù mình. Hồi nó nói được là tôi cho nó ăn thì bác hiểu ra chuyện, quay sang tôi vụt đũa cả quắn mông tôi, không cần biết con nhà ai.”

   “Sao hồi nhỏ ông gan quá vậy?”

   “Không phải là gan mà là ngu, như con đà điểu vục đầu xuống cát là hết ai thấy mình, đâu có biết là mình hết thấy ai. Tôi nghĩ bưng chảo chạy trốn khỏi mắt mẹ bà thì chảo thịt là của tôi. Tôi nghĩ lúc đó là tôi bị bác gái đánh oan vì lúc tôi lấy bác đâu có thấy! Tôi nghĩ vậy đó. Còn việc tùy cơ ứng biến, gạt anh bà trơn tru là vía nói, vía nào nói tôi cũng không biết chứ tôi nhỏ xíu thì biết lường gạt ai?”

   “Nhưng ông có tin là đôi đũa cả mà mẹ tôi quất ông với anh Bình tôi còn ở trên đời này không?”

   “Khó trả lời bà quá! Vì khả năng tôi bây giờ lý luận là còn cũng được mà không còn cũng được.”

   “Thôi khỏi. Ba mươi năm mới gặp lại ông. Tôi mừng ông đã là một con người không khác gì hồi nhỏ với tính thảo ăn, có ăn là kêu bạn bè. Nhưng cái ngang ngược hồi nhỏ lại không còn mới là may. Bây giờ ông biết điều hơn nhiều. Tôi mừng. Nói cho ông biết, hồi gia đình tôi lặng lẽ trốn đi vượt biên. Ba tôi nói mẹ tôi soạn hành lý gọn nhẹ nhất có thể. Hồi tới đảo, quần áo anh em tôi không đủ mặc, ba tôi tức giận hỏi mẹ tôi, ‘em đem theo đôi đũa cả này để làm gì?’. Mẹ tôi không trả lời được, nhưng ba tôi với đám con đều hiểu là đừng hỏi nữa. Tôi không biết diễn tả gương mặt mẹ tôi nhìn cha tôi. Rồi mọi chuyện đi vào quên lãng khi gia đình tôi được bác tôi bảo lãnh sang Pháp. Ba mẹ tôi đi làm, anh em tôi lớn lên đi học xa từng đứa theo học bổng có được chứ tiền đâu đi học trường mình chọn. Đến Giáng sinh năm đó, anh Bình đưa cô bạn gái về nhà ba mẹ ra mắt, là đánh dấu anh em tôi đã trưởng thành, không lâu tôi đưa ông xã là bạn trai hồi xưa từ bên Đức về nhà bên Pháp ra mắt ba mẹ, lần lượt đến em tôi., đến nhà chỉ còn lại ba mẹ tôi quen sống ở Pháp, không thích qua Đức sống với tôi hay qua Hoà Lan sống với anh tôi, em tôi cũng mong ba mẹ qua Ý sống với vợ chồng nó. Tất cả là không mà theo tôi hiểu là ra nước ngoài, cha mẹ về già không muốn phiền con cái nên có dịp là tôi về thăm ba mẹ, không cần lễ lộc gì hết. Một lần tôi đi công tác bên Bỉ cả tuần, có hai ngày nghỉ giữa kỳ công tác nên tôi vọt qua Pháp thăm ba mẹ. Nhà ba mẹ là nhà tôi dù tôi đã sống riêng bao năm thì suy nghĩ đó vẫn vậy. Tôi không gọi điện thoại trước để ba mẹ tôi được vui bất ngờ. Tôi lái về nhà, đậu xe trước sân rồi lòn tay vô mở cửa rào, nhìn vô cửa sổ, ba tôi đang lim dim trên ghế bành nghe tin tức trên truyền hình chứ mắt có xem đâu; mẹ tôi buông đôi que đan với cuộn len bên cạnh, chắc mỏi mắt. Hai tay mân mê đôi đũa cả, rồi thả mắt nhìn xa xăm bên ngoài khung cửa, không biết nghĩ gì. Tôi thật sự chỉ muốn lặng lẽ biết đời sống ba mẹ mình lúc tuồi già có quá buồn không vì con cái toàn ở xa, nhưng lần đó tôi có cảm giác đôi đũa cả có một sự gì đó với mẹ tôi nên bà không trả lời ba tôi hôm bên đảo, ‘em đem theo đôi đũa cả này làm gì?’ và sao mẹ giữ đến hôm nay đã mấy chục năm như bảo vật, thỉnh thoảng lấy ra lặng lẽ nhìn.

   Tôi quên hết đi để gõ cửa ba tiếng, áp mặt vào kính cửa sổ cho mẹ tôi nhận diện ra mở cửa. Ba tôi thức giấc chập chờn, rất vui khi thấy tôi bất ngờ về thăm ba mẹ. Cuộc vui sum họp bất ngờ tới khuya, ba tôi đi nghỉ trước. Tôi với mẹ dọn dẹp nhà rồi ngồi trò chuyện, tôi cầm đôi đũa cả còn trên ghế mẹ tôi ngồi đan, tôi hỏi, ‘Mẹ, đôi đũa cả này có bí mật gì mà mẹ giữ hoài vậy? Bên trong có hột xoàn không, cho con đi. Giờ có con với mẹ thôi, không ai biết đâu?’ Mẹ tôi cười ra nước mắt với con ngốc này, làm sao bỏ hột xoàn trong thanh tre được, nhưng nó lại qúy hơn hột xoàn. Tôi biết bí mật gần hé lộ nên giả ngoan dụ bà già, Mẹ tôi từ từ kể lai lịch đôi đũa cả, tóm tắt là ông ngoại tôi vót đôi đũa cả đó, làm quà tặng cho con gái đi lấy chồng, ông ngoại dặn mẹ tôi là vợ chồng phải như đôi đũa cả vì đũa ăn cơm là đàn con, nhỡ không may mất đi một đôi, một chiếc thì cũng còn những đôi đũa khác, nhưng đũa cả mất đi một chiếc là gia đình tiêu tan, mất đi một đôi là đàn con mồ côi mồ cút. Làm vợ phải tùy chuyện cứng rắn với chồng để giữ vững gia đình, nhưng cũng có chuyện lờ đi như tạm thời xới nồi cơm với một chiếc đũa cả khi chiếc kia trong thau rửa bát chưa rửa. Tuyệt nhiên không để lạc mất chiếc đũa của đôi đũa cả.   

   Rồi hoạ cộng sản đến miền Bắc, phải di cư. Ông ngoại không thể bỏ mồ mả ông bà mà đi nên chỉ dặn mẹ tôi đem theo đôi đũa cả vào Nam để nhớ lời dặn của bố, không cần đem của cải làm gì cho người ta chú ý, vợ chồng cứ lặng lẽ ẵm con đi người không như đi thăm họ hàng là hy vọng thoát khỏi làng. Đó là lý do mẹ tôi cứ giữ đôi đũa cả như lời trăn trối của ông ngoại để sống với ba tôi tới trọn đời. Mẹ tôi kể tiếp cho tôi nghe, sau lần Giáng Sinh anh Bình tôi kể chuyện ông với anh ấy ăn đũa cả phù mình vì chảo sườn chiên sả ớt. Có hôm anh ấy cũng tiện đường làm ăn, ghé qua nhà thăm ba mẹ, ăn cơm, ngủ lại một đêm. Anh ấy bỗng hỏi đôi đũa cả mẹ đem qua đảo, có còn không? Anh ấy mới nói ra bí mật chuyện gia đình tôi lặng lẽ đi vượt biên như ba mẹ tôi lặng lẽ rời làng đi di cư hồi trước chỉ có ông bà ngoại biết thì ông với thằng Đeo là hai người duy nhất biết gia đình tôi đi vượt biên vì anh Bình có mời ông với thằng Đeo đi nhậu chia tay.”

   “Đúng đó, tôi nghe bà kể chuyện hết nửa xa lộ xuyên lục địa già. Tôi biết nhà bà đi vượt biên chứ thằng Đeo không biết đâu vì hôm đó anh Bình của bà bỗng gọi tôi đi với tao, tôi xách xe đạp theo anh ta mà chưa biết đi đâu, cứ đạp theo thôi. Bỗng anh ta ghé nhà thằng Đeo, gọi nó đi cùng. Ba đứa âm thầm đạp trong trời chạng vạng chiều, rồi Bình bỗng ngoặt tay lái vào quán lòng bò gần bến đò, bà còn nhớ không? Bình nói hôm nay tao có tiền, đãi hai thằng bay một bữa, uống đã mới thôi. Ba thằng uống bia quên thôi dù tôi mới học lớp mười, thằng Đeo chờ đi nghĩa vụ quân sự như anh Bình của bà vì hai tay đó đã xong trung học mà không đậu đại học. Thằng Đeo chỉ nghĩ đơn giản là chúng tôi lớn rồi, không đánh nhau như xưa nữa mà là bạn cùng xóm, bạn cùng trường từ nhỏ nên chia tay nhau hôm nay rồi nó với Bình biết là đi Tây Bắc đánh Trung cộng hay Tây Nam đánh Pôn Pốt. Rồi thằng nào về, thằng nào không, thằng nào thà đừng về còn hơn về báo hại gia đình với tấm thân tàn phế. Nói chung là tâm trạng buồn của bữa nhậu chia tay không biết bao giờ gặp lại nên thằng Đeo uống tới quắc cần câu, gục tại bàn. Anh Bình của bà cứ dặn tôi ở lại phải cắn răng mà nhịn, đừng manh động thiệt thòi chứ không làm được gì đâu! Nhưng hôm sau tỉnh bia tôi nghĩ lại, anh ấy không hề quan tâm tới chuyện đi nghĩa vụ quân sự mà sao chia tay tôi thấm thiết đậm đà tới vậy? Vì anh bà nên tôi cũng gọi là anh khi trò chuyện với bà cho lịch sự chứ bà cũng dư biết tôi với Bình và Đeo vẫn mày tao như hồi nhỏ. Tôi đoán là gia đình bà sắp đi vượt biên, chỉ cần một sáng vào lớp không thấy bà xuất hiện là tôi biết mình chỉ còn việc cầu nguyện cho gia đình bạn mình đi đến nơi, nhưng tôi tuyệt đối không hỏi thăm bà vì Bình đã dặn tôi đừng nói gì với bà về việc ba đứa tôi đi nhậu chia tay. Mọi việc diễn ra đúng y như vậy, chỉ vài hôm sau bà thôi đi học. Nhà bà khoá cửa vài hôm thì hàng xóm bắt đầu cạy cửa hôi của, hàng xóm không tham nhưng không hôi của thì để cho công an lấy thôi. Mất sạch. Thói quen của người xóm mình là cả nhà về quê thăm nội ngoại, hay đi chơi xa vài hôm thì nhờ hàng xóm trông nhà. Còn thời ấy đi không nói, không gởi nhà cho hàng xóm là đi vượt biên chứ đi đâu! Cuối cùng công an biết vì hôi của không người nhà cản trở là gia đình bà đã đang ngoài biển hay đến đảo rồi.”

   “Ông có tin là anh Bình tôi ghé nhà thăm ba mẹ, hỏi đôi đũa cả mà mẹ đã đánh con với thằng Mập nhà bác Hai một trận quá trời vì chảo sườn chiên sả ớt… lúc tối ăn cơm xong thì sáng hôm sau anh ấy đi sớm, mẹ tôi pha cà phê cho anh ấy lái xe tỉnh táo, anh ấy nói với mẹ tôi, ‘ba mẹ làm di chúc để lại tài sản cho mấy đứa em con hết nha, không để cho con gì hết. Con chỉ xin đôi đũa cả. Nhưng khi nghe mẹ tôi kể chuyện ấy, tôi cũng muốn không lấy gì hết, chỉ xin đôi đũa cả.”

Bạn bè sau xe nói cười đã chuyện thì đói bụng, lấy bánh mì ra ăn. Một bạn hỏi, “hai đứa bay phía trước lái xe, nói chuyện gì mà tao nghe đũa cả, đũa cả hoài vậy?” Một bạn khác tiếp lời, “thì tụi nó mua bánh mì đũa cả cho bọn mình ăn nè. Bánh mì gì mà dài như chiếc đũa cả.’ Đến con gái của bạn tôi hỏi bạn của mẹ nó, “cô nói đũa cả là gì vậy?’ Cả xe cười ồ lên, cô bé hỏi tiếp, ‘sao các cô chú cười con?’.”

   Tôi tiếp tục lái, ăn ổ bánh mì baguettes Pháp dài như đũa cả. Giá bán mắc gấp bốn năm lần ổ bánh mì thịt của Việt nam bên Mỹ nhưng chỉ hài lòng ở mỗi điểm ăn hết ổ bánh mì lúc lái xe mà không có vụn bánh rớt xuống quần áo vì vỏ bánh có giòn nhưng không giòn quá đến rơi rớt vụn bánh lúc ăn. Người ta bỏ bơ ngay trong bột bánh mì nên ăn bánh không cũng thơm bơ và béo, thật đáng đồng tiền là chưa kể đến những thịt, bơ bên trong ổ bánh mì mang hương vị Pháp, khác hẳn hương vị Mỹ thường ăn bên đây.

   Các bạn ăn no, thấm mệt đường xa nên tôi lặng lẽ lái xe trên những xa lộ Đức quốc thênh thang như bên Mỹ khi đã trở về Đức. Không còn ai trò chuyện với tôi nên tôi nói tôi nghe mà người ta gọi là suy nghĩ riêng.

   Đôi đũa không thể nói là biểu tượng quốc gia, di sản văn hoá như Trống đồng Ngọc Lữ, đôi đũa bình thường trong đời sống dân dã người Việt như cái muỗng, cái nĩa trên bàn ăn phương tây. Nhưng đôi đũa ngoài giá trị sử dụng trên bàn ăn, tính chất một đôi của đôi đũa được khai thác ý nghĩa ẩn dụ rất phong phú trong ca dao, tục ngữ Việt, nghe ai nói “đừng vơ đũa cả nắm.” người ngoại quốc biết tiếng Việt vẫn cho là một câu vô nghĩa nhưng người Việt chính tông hiểu liền, trong đám cà chớn vẫn có người biết lý lẽ, hiểu phải trái nhưng do một lý do ngoài ý muốn, một hoàn cảnh không thề đứng ngoài mà người đó có mặt trong đám cà chớn.

   Ôi đũa trong ca dao, tục ngữ Việt mang ẩn dụ thâm sâu, lời giáo huấn của tiền nhân thì nhiều vô kể. “Đũa mốc mà chòi mâm son” Khuyên đừng thấy sang bắt quàng làm họ, không ra gì đâu dù xã hội đả kích phân chia giai cấp, tầng lớp nhưng tự thân cuộc sống hình thành giới văn học nghệ thuật không cùng mâm với giới đâm thuê chém mướn được. Đưa thằng giang hồ vặt ngoài bến xe vào bàn sư với sĩ thì nó nói chuyện gì, im lặng cũng không hiểu người ta nói chuyện gì mà không nghe ai chửi thề!

   Ca dao còn đó, “Tôi đã bảo mẹ rằng đừng/ mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào/ bây giờ chồng thấp vợ cao/ như đôi đũa lệch so sao cho vừa.” Đôi đũa lệch chiếc cao chiếc thấp thì gắp vẫn được nhưng khó coi quá. Thức ăn là để ăn nhưng đôi đũa gắp cũng cần coi được như câu ca dao nói về đôi đũa chỉn chu, “Đôi ta như đũa trong kho/ không tề, không tiện, không so cũng bằng’; Đôi đũa ta thán duyên phận cũng bẽ bàng thay, “Đôi ta là bạn thong dong/ như đôi đũa ngọc nằm trên mâm vàng/ bởi chưng thày mẹ nói ngang/ cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau.” Vui buồn, khen chê, oán trách, xưng tụng. đều có thể vận dụng hình ảnh đôi đũa để ẩn dụ, đôi đũa quá quen trong đời sống, đặc biệt là tính chất một đôi không thể tách ra nên chuyện đôi lứa cũng dùng hình ảnh đôi đũa để nói lên tiếng lòng, “Tình mới lớn phải không em rất mỏng/ cách tập tành nào cũng dễ hư hao/ thuở đầu đời cầm đũa thấp cao/ và nâng chén, dĩ nhiên đổ vỡ.” Nguyễn Tất Nhiên thật khéo đưa đôi đũa bình thường trong đời sống vào tình yêu tan vỡ với những câu thơ cũng bình dân như đũa nhưng nỗi đau mộng ước không thành thì to lớn như trời như bể.

    Truyện cổ tích “cây tre trăm đốt” Bụt cho anh Khoai câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” để có cây tre trăm đốt làm quà thách cưới con gái phú ông. Biến ước mơ của anh trai nghèo thành hạnh phúc lứa đôi rất vừa lòng dân dã nên lưu truyền mãi. Đôi đũa thành hình ảnh đôi vợ chồng, hai chiếc đũa luôn đi liền với nhau một cặp như hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực sẽ tát cạn biển Đông. Hai vợ chồng mà ta thán “bây giờ chồng thấp vợ cao/ như đôi đũa lệch so sao cho bằng.” là tình duyên trắc trở, nhân duyên tan vỡ.

    Miệng đời tham ăn cũng không vừa, “vợ dại không bằng đũa vênh.” Phải đôi đũa vênh coi như mất ăn bữa tiệc. Miếng ăn là miếng tồi tàn/ không ăn một miếng lộn gan lên đầu nên kẻ tham ăn ví đôi đũa vênh còn tệ  hại hơn cô vợ dại.

   Chuyện đôi đũa không phải di sản văn hoá dân tộc vì cũng nhiều dân tộc dùng đũa ăn cơm như người Việt, nhưng sự gắn bó trong đời sống người Việt với đôi đũa tới chuyện gì cũng có thể mượn đôi đũa để nói đến chuyện một cách ần dụ, đưa ra lời khuyên răn, nhắn nhủ ý tình thật phong phú qua ca dao tục ngữ. Nghĩ lung đến cùng là nghĩ thật, thế hệ tôi có lẽ là thế hệ cuối cùng còn biết đôi đũa cả là đôi đũa dùng để xới cơm, người trong nam nói là bới cơm. Dù đã bao năm xài nồi cơm điện với cái dầm chèo bằng nhựa để bới cơm. Con của bạn tôi hỏi cô chú bạn của mẹ, “đũa cả là gì vậy cô?” Coi như đôi đũa cả đã đi vào dĩ vãng, còn chăng còn trong ký ức thế hệ cuối cùng xới cơm bằng đôi đũa cả. Đôi đũa cả thay lời cha bên người con gái về nhà chồng, lời giáo huấn nhường nhịn trong đạo vợ chồng có lẽ mẹ bạn tôi là người con gái cuối cùng được nhận đôi đũa gia huấn nên bác gái sống để bên mình chết mang theo. Thật vui khi hai người bạn nhỏ là anh em một nhà, là con của bác gái hàng xóm muốn thừa kế đôi đũa gia huấn của ông ngoại hơn tiền của cha mẹ để lại.

   Bỗng thèm ngang xương trên xa lộ Đức quốc, thèm cái cảm giác đau điếng khi bị mẹ phết cho một đũa cả vào mông khi người nói không nghe, cãi ngang, cãi bướng. Đũa cả phết vào bắp tay thì nổi một lằn đỏ như thánh tử đạo ra trận quẹt vệt son uy hiếp quân thù. Đặc biệt đũa cả gõ lên đầu cái cóc, tim muốn khóc nhưng nhoẻn miệng cười vì đau kỳ ngộ hơn roi mây hay chổi lông gà, chổi chà đánh như gãi ngứa mấy thằng lì như trâu thì nhằm nhò gì.

   Viết bao năm rồi bỗng duyên cớ gì trưa nay đọc lại, mưa tháng sáu ngoài trời khơi nguồn nhớ mênh mang. Không biết bác gái bên Paris còn hay đã mất như mẹ tôi khuất núi lâu rồi. Đôi đũa cả nhà tôi đã hoá kiếp về đâu? Khi tôi không còn ở nhà với gia đình thì đôi đũa cả vẫn còn trong những bữa cơm về thăm nhà, thăm mẹ. Tôi xa xứ, mẹ mất, những đau buồn đọng lại hình ảnh đôi đũa cả gắn liền với tuổi thơ lì lợm, nghịch ngợm. Đôi đũa cả nhà bạn mà tôi đã từng được bác gái cho ăn phủ phê phù mình phù mẩy nay thuộc về bạn Bình hay em gái anh ta? Vật tầm thường trong đời sống cũng mang một ý nghĩa vô giá với người có tâm, lòng thành kính với, mang ơn tiền nhân không vô tâm như cái nồi cơm điện hư cái này mua cái khác, cái vá bới cơm bằng nhựa như cái dầm chèo, người ta còn làm hột hột nổi cộm lên bề mặt để bới cơm không dính. Thương lời mẹ dạy trước khi xới nồi cơm phải nhúng đôi đũa cả vào nước cho không dính, không nhớ nên nghe cái cóc đũa cả gõ lên đầu. Thèm quá mẹ ơi, thèm nỗi đau tuổi thơ đã mất, mẹ ở trên trời có biết.

PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Xem :Về Ngày 4/tháng 7 Của Hoa Kỳ

1 ./ LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ (THE 4 Th OF JULY)   2. /  Ai là Tổng Thống Đầu Tiên Của Hoa Kỳ?​ ​ Trần Văn Giang​  3./