Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Thơ Thu Hà : THỜI GIAN,ĐỢI GÌ GIỜ ĐÂY...?, NẾU BIẾT


 1./ THỜI GIAN
 
Thời gian như cơn gió
Nó làm mát cỏ cây
Và làm phai màu má
Cho nét trẻ nhạt nhòa
Thời gian như con đò
Đưa tiễn khách qua sông
Rồi một ngày mong ngóng
Bóng hồng của thuở xưa
Thời gian như thoi đưa
Không bao giờ dừng lại
Quay nhìn về tuổi dại
Nghe thời xuân đi xa!!!
 
 2./ ĐỢI GÌ GIỜ ĐÂY....?
 
Hoàng hôn phủ xuống ven mây
Chợt nghe nỗi nhớ đâu đây vọng về
Khi xưa ước hẹn giao kề
Giờ tình như sóng vỗ về trôi xa
Hoàng hôn phủ xuống quanh ta
Mà sao lại thấy xót xa cuộc tình
Khi xưa hứa mãi bên mình
Giờ như ngọn gió đầu ghình bay qua
Hoàng hôn dần phủ trong ta
Nắng buông theo bóng chiều tà mà đi
Bây giờ tìm lại được chi?
Hoàng hôn ơi hởi! Đợi gì giờ đây???


3./NẾU BIẾT...

Nếu biết được cuộc tình xa dịu vợi
Thì trong lòng sẽ chẳng đợi chờ nhau
Để giờ đây nghe bao nỗi thương đau
Len nhè nhẹ đi vào con tim mãi
Nếu biết được cuộc tình không suông chảy
Thì buổi đầu đừng trao ái xẻ ân
Để giờ đây nỗi nhớ mãi cứ dâng...
...Trào dần mãi làm nỗi buồn tê dại
Nếu biết được cuộc tình kia ngang trái
Ngay buổi đầu đừng nhận lấy tình ai
Để giờ đây lòng chẳng thấy chua cay
Nghe nỗi nhớ phôi phai từng kỉ niệm!!!
 
Mời Xem :
 

U Ơ TIẾNG MẸ RU CON - THÂN TRỌNG SƠN

Ầu ơ ( à ơi ) là tiếng đưa hơi trước hoặc sau mỗi đoạn hát ru, với giọng ngân nga kéo dài. Tiếng hò ru con có nhạc điệu chậm buồn, êm ái, du dương, gắn liền với những mái nhà tranh nhỏ, khu vườn xanh. Tiếng hò vẳng lên giữa trưa vắng hay đêm tối. Mẹ ru con khi bé còn ẵm trên tay, lắc nhẹ qua lại khi cất tiếng hò. Bé lớn lên tí nữa, mẹ sẽ cho vào võng hoặc phổ biến hơn là nôi, chiếc nôi nhỏ xinh đan bằng mây, có bốn sợi dây cột ở bốn góc, treo thẳng lên hoặc kéo sang hai bên. Sợi dây đó gọi là “tao”.
Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng tao dùi tao nhớ tao thương
Tao thì báo bổ mẫu thân
Tao thì kết nghĩa Châu Trần với anh.
Mẹ lắc nhẹ chiếc nôi đong đưa và cất tiếng ru. Nếu là nhà gỗ thì nôi treo cao trên giường để mẹ vừa ru vừa làm việc khác.
Hát ru rất quan trọng vì tâm hồn và thể xác của bé được nuôi dưỡng từng ngày, nghe tiếng ru à ơi bé sẽ ngủ ngon, rồi dần dà bé sẽ không ngủ nếu thiếu vắng tiếng hò ru quen thuộc.
Tùy theo người ru là mẹ, chị hay bà của bé, ta có thể gặp ở những lời ru những sắc độ tình cảm khác nhau, có khi hồn nhiên thơ ngây, có khi nặng trĩu tâm sự, lời ru buồn làm ta rung động về những hình ảnh quen thuộc của quê hương, về những tâm tình mộc mạc, hiếu thảo, chan chứa yêu thương của người phụ nữ Việt Nam.
Có thể là những câu ai cũng biết:
Ru em em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi Chợ Quán, Chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ mua trầu Chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Rồi từ “ kim “ mà hát tiếp:
Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê
Trải qua dấu thỏ đàng đê
Chim kêu vượn hú bốn bề nước non.
Mấy câu này là của truyện Lục Văn Tiên.
Và từ hình ảnh chim kêu vượn hú mà bắt sang câu:
Má ơi đừng đánh con đau
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ.
Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi.
Hình ảnh con chim làm mẹ liên tưởng rồi hát tiếp:
Chim xa rừng thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi
Chẳng thà không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn.
Rồi dây dưa hát tiếp:
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời không thấy người thương.
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.
Nhớ người thương, thêm nỗi nhớ nhà:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai.
Nhớ quê hẳn là nhớ hình ảnh con cò bay lả bay la:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng có con.
Còn bao nhiêu câu nữa có hình ảnh con cò, tiếng hò vẫn miên man.
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
Và:
Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái vạc đổ thừa cho tôi
Chẳng tin ông bắt cả đôi
Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia.
Lại còn:
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mờ mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.
Có thể bé đã ngủ nhưng tiếng hò ru vẫn tiếp:
Cái cò là cái cò ca
Bắt về làm thịt lấy ra ba phần
Miếng nạc thì để phần chồng
Miếng xương mẹ gặm miếng lòng phần con.
Tiếng hò vẫn chưa dứt:
Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ tối nằm với ai
Có đánh thì đánh sớm mai
Đừng đánh chặp tối chẳng ai cho nằm.
Câu này nối sang câu khác. Bé nghe quen rồi đâm ghiền! Có khi là tâm sự buồn, nghe như lời than thân trách phận:
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.
Chàng ơi xin chớ lo phiền
Tóc xe trăm ngọn em liền gỡ xong
Rối tơ em gỡ còn suôn
Rối đầu có lược, rối lòng có em.
Yêu nhau chả lấy được nhau
Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già
Bao giờ sum họp một nhà
Con lợn lại béo, cau già lại ngon.
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông.
Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
Hết tâm sự buồn lại đến chuyện hiếu thảo:
Cây khô chưa dễ mọc chồi
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta
Non sông bao tuổi mà già
Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.
Ngậm đắng nuốt cay thương thay lòng mẹ
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn
Con ăn con ngủ mẹ đỡ băn khoăn
Khi con trở trời hơi gió, mẹ chẳng an tâm chút nào.
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông
Làm nên phải nhớ tổ tông ông bà
Đạo con chớ có hững hờ
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
Ăn chi ngon bằng cơm với cá
Ai thương bằng tình mẹ thương con
Bao giờ cá lý hoá long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Nếu là chị ru em, đã có những câu phù hợp hơn:
Em tôi buồn ngủ buồn nghê
Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà,
Buồn ăn bánh đúc, bánh đa
Củ từ, khoai nướng cùng là cháo kê
Em tôi buồn ngủ buồn nghê
Con tằm đã chín, con dê đã muồi
Con tằm đã chín thì để lại nuôi
Con dê đã muồi thì để em ăn.
Chị thuộc nhiều bài ca dao dài hơn nên đem ra hò, những bài đại khái như:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen…
Tiếng hò ru con, miền nào cũng có, nghe là biết ngay:
May mô may chút nữa em lầm
Khoai lang khô xắt lát em tưởng Cao ly sâm bên Tàu.
Thiếu chi rau mà ăn rau bát bát
Thiếu chi bạc mà tiêu bạc Đông dương?
Thiếu chi người thương mà thương người bảo vệ
Thiếu chi người tử tế mà em lại lấy Tây?
Dao vàng mà rọc trầu vàng
Đem têm cánh phượng gát ngang khay cừ
Ba bốn nơi tới nói không ừ
Quyết tâm đợi bạn bây chừ tới đây.
Vô Nam bộ thì nghe:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời.
Ví dầu cá bống đánh đu
Tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu
Ví dầu ví dầu ví dâu
Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng.
Ví dầu ví dẫu ví dâu
Ví qua ví lại ví trâu vô rừng
Vô rừng bứt một sợi mây
Đem về thắt võng cho nàng đi buôn
Đi buôn không lỗ thì lời
Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng.
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ về năm
Hỡi chàng chàng ơi
Em nhớ tới chàng…
Rồi có khi chị ru những câu thiệt khó:
Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc
Địa sanh thảo hà thảo vô căn
Một mình em đứng giữa lòng thuyền
Dưới nước trên trăng
Biết cùng ai trao duyên gởi phận
Cho bằng với thế gian.
Chị không cần ai có hiểu hay không:
Trời sinh người, người nào mà không có lộc,
Đất sinh cỏ, cỏ nào mà không có rễ
(ý nói ai cũng có phước riêng, lộc riêng của Trời cho)
Hơn không hơn cũng kiếm cho bằng,
có đâu thua bạn, bạn hòng cười chê.
Rồi chị hò tiếp:
Tiền tài như phấn thổ
Nhân nghĩa tựa thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người thương ở bạc
Nỏ kiếm với tìm mần chi.
Câu hò mang ý nghĩa “ tiền bạc rồi sẽ như bụi đất, chỉ có tình nghĩa còn mãi với thời gian."
Ai kia xin đừng thắc mắc liệu những câu hò đó có ai nghe ai hiểu không. Có đấy: chính người ru, ru cho bé mà cũng ru cho chính mình!
Tiếng ru là tiếng tự tình của dân tộc, của quê hương, lúc nào nghe cũng thấy da diết. Không còn nghe tiếng ru thấy như mất đi cái gì quí giá lắm. Thôi, hoài niệm vẫn còn đấy.
Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gió
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông.
Đọc lại và chia sẻ với nhà thơ Xuân Quỳnh để yên lòng hơn vậy.
THÂN TRỌNG SƠN
( tháng 3 - 2023 ).
 
TQĐ chuyển

 

SUY NGHĨ VỀ BA BÀI HÁT “LÀNG TÔI” TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM - NS. Nguyễn Quốc Đông

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có ba bài hát mang tên Làng tôi thì đều tuyệt mỹ rất hay, bất tử với thời gian. Ba bài đó kể theo thứ tự thời gian thì bài Làng tôi của Văn Cao là có trước nhất, ông sáng tác vào năm 1947, kế đến bài Làng tôi của Hồ Bắc sáng tác năm 1949 và cuối cùng là bài Làng tôi của Chung Quân được sáng tác vào năm 1952, như vậy trong 5 năm chúng ta có ba bài hát hay về làng quê, thật là một sự kiện hiếm có trong làng âm nhạc Việt Nam

Trước tiên xin nói đến bài hát Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao được sáng tác vào năm 1947. Trong một tự truyện của họa sĩ Văn Thao (con trai của nhạc sĩ Văn Cao) đã kề lại, bài “Làng tôi” của Văn Cao sáng tác dành tặng cho người vợ của mình, cũng là món quà cưới duy nhất tặng cho vợ.

Về hoàn cảnh ra đời bài hát, thì đầu năm 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Văn Cao cùng các văn nghệ sỹ tản cư đi kháng chiến về đóng quản rải rác tại các thôn xóm thuộc huyện Ứng Hòa - Hà Đông. Trong một lần đi công tác, con đò chở ông xuôi trên sông Đáy, hai bên bờ sông rợp bóng tre xanh dưới nắng chiều nhẹ êm. Bỗng một hồi chuông từ nhà thờ ngân lên…, tiếng chuông tỏa lan trên mặt nước hòa trong tiếng mái chèo khua nước. Tiếng chuông khiến tâm hồn nhạy cảm của Văn Cao bồi hồi sao xuyến đưa ông về với miền quê thân thương đầy ắp những kỷ niệm…từ những cảm xúc đó ông viết ra bài Làng tôi:

Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền, một dòng sông.
Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995)

Bài hát mô tả cảnh làng quê Việt Nam đang sống trong yên vui, thanh bình thì bỗng đâu giặc Pháp tràn đến đốt phá, tàn sát người dân lành:

Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà
Ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn
Đường ngập bao xương máu tơi bời
Đồng không nhà trống tan hoang.

Với lòng căm thù giặc, quân và dân đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương, tin tưởng mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng:

Ngày diệt quân Pháp tan
Là lúc tiếng chuông ngân
Tiếng chuông nhà thờ rung
Làng tôi cùng đoàn quân chiến thắng
Đánh tan lũ quân thù về làng xưa
Dân tưng bừng chặt tre phá cầu
Cùng lập chiến lũy đào hào sâu
Giặc chưa tan chiến đấu không thôi
Đồng quê chào đón ngày mai

Bài hát được viết ở nhịp 6/8, điệu valse nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm, bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Nét nhạc chủ đạo phỏng theo nhịp điệu đung đưa của tiếng chuông nhà thờ. Bài hát gồm có 3 lời, như một câu chuyện kể có mở đầu, có dẫn dắt tình tiết và có phần kết thúc đầy lạc quan và tin tưởng vào ngày mai sáng lạng. Từ điệu luân vũ cung đình sang trọng của Châu Âu, Văn Cao đã biến thành một điệu valse bình dị làng quê Việt Nam thật nhẹ nhàng sâu lắng. Có thể nói ông là vua nhạc valse thời thập niên 40 với những bài hát valse nổi tiếng thuộc vào hàng kinh điển Việt Nam như Ngày mùa, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Làng tôi...


Từ những ngày đầu Giải phóng năm 1976 khi lên dạy học vùng Biên giới Tây Ninh tôi đã dạy các em hát bài nầy, các em rất thích thú khi lần đầu biết đến nhạc Cách mạng. Làng tôi của Văn Cao xứng đáng là một bài hát có giá trị, có sức sống lâu bền trong đời sống âm nhạc của nhân dân ta. Nhạc sĩ Văn Cao qua đời vào năm 1996 tại Hà Nội

Bài Làng tôi thứ hai là bài của Hồ Bắc, chỉ sau bài Văn Cao ba năm, bài hát Làng tôi được ông viết năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc. Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8 tháng 10 năm 1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã là cán bộ Việt Minh phụ trách Thiếu nhi tuyên truyền cách mạng. Sau đó Hồ Bắc vào bộ đội và là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông để lại dấu ấn với nhiều ca khúc nổi tiếng về đề tài Cách mạng, quê hương như: như Làng tôi (1949), Bên kia sông Đuống (phỏng thơ Hoàng Cầm - 1950), Gặt tay nhanh (1952), Giữ mãi tuổi xuân (1954), Giữ biển trời Xô viết Nghệ An (1965), Trên đường Hà Nội (1966) Gửi anh chiến sĩ thông tin đảo (1966), Sài Gòn quật khởi (1968), Bến cảng quê hương tôi (1970)...

Nhạc sĩ Hồ Bắc (1930-2021)

Từ năm 1956, Hồ Bắc chuyển về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Bắc đã viết một số hợp xướng như Ca ngợi tổ quốc, Dáng đứng Việt Nam, Tổ quốc yêu thương. Ông cũng viết nhạc cho các phim truyện, tài liệu và hoạt hình. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Bến cảng quê hương tôi. Tác phẩm từng được bình chọn là 1 trong 10 bài hát hay nhất về ngành giao thông vận tải.

Bài hát Làng tôi của Hồ Bắc viết trên cung trưởng nhịp ¾ cấu trúc gồm 3 đoạn. Vô đầu đoạn nhạc sáng lên với những nốt cao vang xa...diễn tả một làng quê thanh bình khuất sau lũy tre mờ xa...

Làng tôi sau lũy tre mờ xa
Tình quê yêu thương những nếp nhà
Làng tôi yên ấm bao ngày qua Những chiều đàn em vui hòa ca
Làng tôi bát ngát cánh đồng mỗi khi thu sang nắng vàng bông lúa chín
Làng mạc vui sống êm đềm,
Người nông dân hăng hái tăng gia cho đời no

Đoạn hai (B) tác giả khéo dùng các dấu lặng đen để diễn tả sự bất ngờ, thảng thốt khi quân giặc tràn về cày xới quê hương hoang tàn 

“Nhưng ngày nào quân cướp tràn qua đốt phá tan hoang quê nhà tôi xơ xác
Có những người chiến sĩ xa quê hương súng bên mình cùng tiến bước lên đường”

và đoạn ba kết thút (C) tác giả hạ cao độ xuống nét nhạc trầm lắng nhưng vẫn thể hiện một hình ảnh chiến thắng hào hùng của bộ đội chiếm đồn giặc trong đêm khuya, giai điệu lôi cuốn tạo hình ảnh âm nhạc rõ nét đầy chất thơ: rộn ràng tiếng quân đi, bóng mẹ già nhìn theo mến thương, những người con xa quê hương, người con gái đón quân về...

Trong đêm tàn đồn giặc cháy kinh hoàng
Nghe xa xa dồn dập đoàn quân tiến
Có những nàng ra đứng bên kia sông
Đón quân về giải phóng quê mình

Đây là bài nhạc valse rất hay của Hồ Bắc, thường thì các bài hát điệu valse lente (chậm) với cấu trúc âm hình các nốt trắng, nốt đen rất dễ tạo sự đơn điệu (monotone) nghe không hấp dẫn dễ nhàm chán nhưng Hồ Bắc đã biến hóa nhịp điệu rất tự nhiên hài hòa và sinh động, lôi cuốn, tác giả đã khéo sử dụng các cung bậc, các quãng lên xuống nghe âm điệu khác nhau nghe rất cuốn hút rất hòa quyện sinh động nhất là đoạn cuối đầy hình ảnh vừa hào hùng vừa lãng mạn “Có những nàng ra đứng bên kia sông, đón quân về giải phóng quê mình”

Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 cho chùm ca khúc "Làng tôi", "Giữ mãi tuổi xuân", "Ca ngợi Tổ quốc" (hợp xướng), "Sài Gòn quật khởi" và "Bến cảng quê hương tôi" (2001). Ông mất ngày 8/02/2021 tại Hà Nội hưởng thọ 92 tuổi

Cuối cùng là bài hát thứ ba, bài Làng tôi của Chung Quân, những giai điệu êm đềm của bài hát đã đi vào tâm thức của biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Bài hát Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân đã có tuổi đời qua 70 năm, ít người biết là được khi sáng tác lúc đó tác giả mới có 16 tuổi. Nhạc sĩ Chung Quân tên thật là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1936. năm 1952 khi mới 16 tuổi, trong một dịp tình cờ Công ty điện ảnh, tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội tổ chức dự thi tìm bài hát cho bản nhạc nền bộ phim Kiếp hoa, ông đã viết bài tham gia và bản Làng tôi của ông đã giành được giải, đây một trong số ít những phim Việt Nam thực hiện trong thời kỳ này. Từ đó bài hát nổi tiếng được mọi người yêu thích và lan tỏa đi khắp nơi.

Nhạc sĩ Chung Quân (1936-1988)

Bài hát viết với nhịp 4/4, danh từ hành điệu là Moderato Espressivo (biểu cảm), vô đầu nét nhạc đã hiện lên một làng quê Việt Nam rất quen thuộc thanh bình:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng

Giai điệu bài hát rất Việt Nam, gần gũi với dân ca khi tác giả khéo dùng các nốt luyến rất tinh tế:

Bài hát có giai điệu êm ả, mềm mại, duyên dáng dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc với lời ca mộc mạc, dung dị, giàu chất thơ:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
có sông sâu lờ lững vờn quanh
êm xuôi về Nam.
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau.
Bóng tre ru bên mấy hàng cau.
đồng quê mơ màng!

Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn

Là bao vấn vương tâm hồn
người bốn phương

Đoạn kết bài hát tác giả dùng các biến âm bất thường, sử dụng rất nhuyễn những quãng nghịch thật “đắt” (Quãng 2 trưởng, quãng 2 thứ, quãng 7 thứ...) tạo cảm giác lâng lâng khó tả cho ta thấy một hình ảnh làng quê, dòng sông, cây cầu, lại thấy như nét duyên dáng thiếu nữ che nghiêng nón lá hay tưởng tượng được một điệu múa dân gian mềm mại:

Tuy là tác giả của ca khúc nổi tiếng nhưng Chung Quân không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp mà cả đời ông làm nghề dạy học. Sau năm 1954, Chung Quân theo gia đình vào cư trú ở Sài Gòn. Đang có bài hát nổi như cồn, ông được Bộ Giáo dục Sài Gòn cho dạy nhạc ở các trường Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Học trò của ông có những người về sau cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Nam Lộc…Khi chưa xuất dương du học, ông vẫn dạy nhạc, sau khi có bằng tiến sỹ văn chương ở Anh, ông về nước dạy văn. Giáo sư Chung Quân luôn để lại cho học trò sự tôn kính, quý trọng...
Bản nhạc “Làng Tôi” của Chung Quân.

Tuy rằng bài hát sanh sau đẻ muộn nhưng rất thịnh hành từ trong nước và ngoài nước. Ngày trước từ người trẻ đến người già, từ thính giả ở nông thôn đến thành thị, từ trong nước đến Việt kiều ở nước ngoài ai cũng có thế hát lên: "Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam…". nó đã sống trong lòng người yêu nhạc 70 năm qua, cho thấy giá trị tác phẩm như thế nào? bài hát được chơi với nhiều điệu blues, slow, ballad... đều hay

Sau nầy ông tiếp tục dạy học ở Huế cho đến ngày qua đời (năm 1988)

Trong ba bài hát tuyệt mỹ Làng tôi thì theo tôi bài Làng tôi của Chung Quân mang đậm chất Việt Nam hơn, gần gũi với tâm hồn người Việt, có thể nói ba bài hát Làng tôi là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, thể hiện sự tinh tế của nghệ thuật. Cho đến nay đã qua bảy thập kỷ mà sức hút của các bài hát vẫn còn mạnh mẽ, người ta vẫn dàn dựng nhiều, vẫn hát, vẫn múa, vẫn chơi, vẫn yêu thích như ngày nào...Đúng là những tác phẩm âm nhạc trác tuyệt bất hủ trong làng nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông

BÁNH ĐÚC LÁ DỨA MIỀN TÂY

Miền Tây có hai loại bánh đúc, bánh đúc mặn và bánh đúc lá dứa hay còn gọi là bánh đúc ngọt. Nếu như bánh đúc mặn đậm đà thì bánh đúc ngọt lại có hương vị rất thanh mát, tao nhã. Nguyên liệu chính của bánh là gạo tẻ trắng, ngâm với nước cốt lá nếp trong nhiều giờ. Sau đó xay thành bột. Bột làm từ gạo ngâm lá nếp có màu xanh tự nhiên đẹp mắt, mùi thơm dễ chịu. 

Cho bột và nước vào nồi nấu sôi, khuấy đều tay để bột nhuyễn và không vón cục. Sau khi bánh chín thì cho bánh vào bát để bánh có hình dạng đẹp mắt, khi ăn ta ăn kèm với dừa nạo và nước cốt dừa, đậu phộng rang giã nhỏ. Bánh đúc ngọt dẻo dẻo dai dai ăn cùng nước cốt dừa ngậy béo, mùi lá dứa cùng hương dừa hoà quyện tạo nên một hương vị dễ chịu. Một món ăn tuy bình dị nhưng cũng vô cùng đặc sắc và tinh tế 


 

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

CHÓ TÂY, CHÓ TA - Lê Đức Luận

 Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó, ” “cái đồ chó đẻ!”.
 
Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao(?) Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
 
Trời sinh ra con chó có được cái tính bẩm sinh: thính tai, thính mũi, khôn ngoan, thân thiện, gắn bó, thủy chung với chủ. Người ta nuôi chó coi như một bạn đồng hành giúp ích được nhiều việc như: giữ nhà, săn bắt, dẫn dắt người mù… ở Bắc Cực còn bắt chó kéo xe. Ngày nay, một số người nuôi con chó nhỏ để làm cảnh, coi như thú cưng trong nhà vì nó luôn luôn quấn quít, thân thiện, trung thành giúp họ bớt cô đơn và có được những giây phút mơn trớn, vuốt ve, dịu dàng làm bớt đi những căng thẳng.
 
Mỗi con chó sinh ra đều có một phần số: “chó tây” có đời sống khác với “chó ta” - “chó ta” được nuôi ở miền Bắc khác con “chó ta” nuôi ở miền Nam.
 
Đọc những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, mô tả “cậu Vàng” của Lão  Hạc, Cái Chết Của Con Mực… hay Kim Lân kể về Con Chó Xấu Xí, ta cảm thấy số phận con “chó ta” sao mà thê lương đến não lòng – dù hết lòng trung thành với chủ, cuối cùng vẫn bị bạc đãi - người ta bán đi hay giết thịt. Thật khốn nạn cho cuộc đời con “chó ta”.
 
Trong văn học cổ Việt Nam còn lưu lại bằng chữ Nôm câu chuyện “Lục Súc  Tranh Công”: trâu, chó, ngựa,dê, gà, và lợn - viết theo thể “nói lối”. Con chó  tranh công với trâu và kể lể với chủ: “Trời đã sinh các hữu kỳ tài/ Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ… Vốn như đây ốm yếu chân tay/ Cũng hết sức gia trung xem xét … Kẻ đầu kia, người việc nọ/ Đứa coi ngoài, có đứa giữ trong/ Đêm năm canh con mắt như chong/ Đứa đạo tặc, nép oai khủng động/ Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống/Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh… Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh/ Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc/ Bao quản chui gai, lước góc/ Chi này múa mỏ, lòn hang/ Anh trâu sao chẳng biết thương/ Nỡ lại ra lời sanh nạnh… Ăn thì cơm thừa, canh cặn, môn sượng, khoai sùng/ Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều/ Có cũng rằng, không cũng chớ… Vốn như đây gia tài ủy ký/ Mà chủ không tốn kém đồng nào/ Nên không  muông coi trước, giữ sau/ Thì của ấy về tay kẻ trộm…”
 
Con “chó ta” bị hắt hủi, nó phải kể lể như trên. Con “chó tây” cũng đi vào văn học Âu - Mỹ từ xa xưa, nhưng lại được ca ngợi và tôn vinh qua câu chuyện rất cảm động và thâm thúy sau đây:
 
Năm 1870, Luật sư George Graham West (1830 – 1904) đã đọc một bài “bào chữa” chỉ có 375 chữ ca ngợi con chó trong vụ kiện của người thợ săn kiện người chăn cừu đã giết con chó của mình. Bài bào chữa có tên “A Tribute to The Dog” đã thuyết phục toàn thể Bồi Thẩm Đoàn và thân chủ ông đã thắng kiện. Sau đó, bài bào chữa này được lưu truyền trong văn học Mỹ và được tờ New York Times bình chọn là bài diễn văn hay nhất thế kỷ. Ngày nay, trước tòa án Warrensburg, bang Missouri người ta dựng tượng đài con chó Old Drum với bài “A Tribute to the Dog” để ghi nhớ sự kiện lịch sử này. George Graham West nổi tiếng trong lịch sử Mỹ nhờ bài diễn văn này.
Đọc một đoạn trong bài diễn văn (đã dịch ra Việt ngữ) làm ta suy ngẫm và ngậm ngùi:
 
….” Trên thế gian vụ lợi ích kỷ này, con người chỉ có thể có được một người bạn vô tư không điều kiện, một người bạn không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ vô ơn bạc nghĩa, không bao giờ phản bội, đó là con chó của ta.
 
* Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta, dù ta giàu sang hay ta nghèo khó, dù ta khỏe mạnh hay ta ốm đau bệnh tật. Nó ngủ dưới nền đất lạnh, bất chấp giá rét mùa đông hay bão tuyết, miễn sao được ở gần ta. Nó vẫn hôn vào bàn tay ta dù ta không còn  thức ăn gì cho nó. Nó liếm vào những vết thương và những chỗ ta đau đớn khi va chạm với sự tàn bạo của cuộc đời. Nó canh giấc ngủ cho ta khi ta là kẻ khốn cùng cũng giống như khi ta là một ông hoàng.
 
* Khi tất cả bạn bè đều rời xa ta, riêng con chó thì ở lại.
 
* Khi ta mất hết của cải, thân bại danh liệt, thì tình yêu thủy chung của con chó đối với ta vẫn ngời sáng như ánh mặt trời xuyên thấu chín tầng mây.
 
* Nếu chẳng may ta bị cuộc đời ruồng bỏ, rơi vào cảnh không bạn bè không nhà cửa, thì đối với con chó trung thành, không có một đặc ân nào cao cả hơn là được ở bên cạnh ta, để bảo vệ ta chống lại những hiểm nguy, chống lại kẻ thù.
 
* Và đến lúc cuộc đời ta kết thúc, thần chết rước ta đi và thân xác ta nằm dưới lòng đất lạnh, khi người thân bạn bè đưa tiễn đã quay về để tiếp tục bận rộn với cuộc sống của họ, thì con chó cao quý vẫn còn nằm bên nấm mồ ta, đầu gục xuống giữa hai chân, đôi mắt đau buồn nhưng vẫn mở to cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã chết.”
 
Đọc những truyện kể về con chó, tôi nhớ đến “con Đớm” nhà tôi.
 
Năm đó bà chị dâu của tôi có bầu trên năm tháng, anh tôi xin một con chó con của nhà ông Lý Bản về nuôi, gọi nó là “con cún”, trông nó mũm mĩm rất dễ thương, nhưng lại làm nhiệm vụ “dọn bãi” cho đứa con sơ sinh của anh chị - mỗi lần bà chị dâu gọi: “cún… cún… chậc…chậc…” Nó lăng xăng chạy đến ngoắc đuôi lia lịa “dọn bãi” một cách cần mẫn, tận tình – tôi thấy nó hèn hạ và dơ dáy! Cho nên mỗi lần nó đến gần, tôi cho nó một đá - đuổi đi… Nhiều lần như thế, nó biết phận, đứng xa xa, nhìn tôi với ánh mắt lấm lét, nhưng cái đuôi vẫn ve vẩy hững hờ. Hình như nó mong đợi tiếng tôi gọi nó. Nhưng chưa bao giờ! Rồi nó lặng lẽ bỏ đi…
 
Khi đứa con của bà chị dâu lên hai, con “cún” không còn làm nhiệm vụ “dọn bãi” nữa. Lúc này thân hình nó tròn trịa, cao to, hai tai vểnh lên, hai đớm trắng trên mi mắt rõ nét, trông rất ngộ. Anh tôi đặt tên cho nó “con Đớm” và bắt đầu huấn luyện cho nó săn chuột, canh giữ chuồng gà, không để chồn, cáo vào bắt gà ban đêm. Ban ngày, khi trải lúa ra sân phơi, “con Đớm” nằm đuổi bọn gà đến ăn lúa. Có mặt “con Đớm”, bọn gà không dám bén mảng. Khi nó lang thang đâu đó mà anh tôi gọi: “Đớm… ô… ô! Đớm… ô… là nó chạy đến ngoắt đuôi - chờ lịnh. Nó hiểu và làm được những việc anh tôi sai bảo.
Anh tôi thương và quý “con Đớm”, nhưng tôi vẫn còn mặc cảm với nó. Nhưng có một lần con Đớm làm tôi cảm động và thích thú. Chuyện thế này:
Thằng Thương ở trong xóm, nuôi một con chó Vện - con chó này nổi tiếng khôn ngoan và hung dữ - thấy ai lạ là nó nhe răng gầm gừ, như muốn xông đến cắn người ta, nhưng khi thằng Thương tỏ vẻ niềm nỡ với khách thì nó liền tỏ ra thân thiện, ngoắt đuôi, mừng! Thằng Thương hãnh diện về con Vện của mình, đi đâu cũng dẫn con Vện theo cùng. Một hôm tôi gặp thằng Thương ở đầu ngõ, con Vện vừa trông thấy tôi, nó gầm gừ … Con Đớm từ trong nhà chạy ra đứng cạnh tôi, sủa vang và nghênh con Vện. Thương là thằng ngổ ngáo, chẳng những nó không la con Vện mà còn “sịt… sịt…” chỉ tay cho con Vện xông vào con Đớm. Hai con chó cắn nhau dữ dội. Thằng Thương vỗ tay reo…
Nhưng sau một hồi cắn đấu kịch liệt, con Vện của thằng Thương cúp đuôi bỏ chạy. Thằng Thương tiu nghỉu bỏ đi. Con Đớm chạy lại bên tôi, tôi cúi xuống vuốt ve nó – lông nó ướt đẫm, trên mũi và chân trước bị cắn chảy máu . Tôi vào nhà giã củ nghệ, kêu nó lại, lấy nghệ đắp lên vết thương, nó ngoan ngoãn nằm yên. Từ đó tôi thương con Đớm - đi đâu tôi cũng cho nó đi theo. Và cũng từ đây con Đớm là bạn thân thiết nhất của tôi thời thơ ấu ở làng quê Vĩnh Phú.
 
Đến một ngày có lệnh diệt chó để ngừa bệnh “chó dại”. Hằng ngày có một toán đi diệt chó, họ rảo quanh làng rình rập, bắt chó… Họ mang theo gậy, búa, và dây thòng lọng. Anh tôi thương con Đớm, anh tỉ tê với nó thế nào mà nó hiểu - mỗi khi nghe tiếng người, nó chạy vào gầm giường trốn biệt. Nó cũng không theo tôi ra khỏi nhà. Nó thoát nạn một thời gian. Nhưng sau đó Ủy Ban Hành Chánh xã ra thông báo: “Nhà nào còn lén lút nuôi chó mà không khai báo, coi như có hành vi phản động.” Hồi đó, ở trong vùng Việt Minh kiểm soát, ai cũng sợ bị ghép vào thành phần phản động hay Việt gian – bị ghép vào hai thành phần này, sớm muộn gì cũng bị cho đi “mò tôm”. Bởi vậy, anh tôi đành chỉ chỗ con Đớm trốn cho toán diệt chó. Sáng hôm ấy anh tôi đem đến cho con Đớm đĩa cơm có chan nước thịt và mấy lát thịt heo. Anh tôi vuốt ve nó, nhìn nó ăn, anh tôi khóc! Rồi anh ra khỏi nhà trước khi toán diệt chó đến. Anh tôi không muốn thấy cảnh đau lòng…
 
Khi toán diệt chó đến, con Đớm chạy trốn dưới gẩm giường, họ xông ngay vào chỗ nó đang trốn. Nó hết đường tẩu thoát… Lúc ấy ở nhà chỉ có mình tôi, tôi nhìn họ hung bạo như quân cướp. Tôi sợ họ như con Đớm đang sợ - nó co dúm lại, run run, không kháng cự. Họ lấy cây gậy dài đè vào cổ, một tên khác đưa dây thòng lọng vào cổ, kéo nó ra… Hai chân trước con Đớm cố bám vào sàn nhà, miệng kêu ẳng ẳng, mắt nhìn tôi như cầu cứu… Tên bắt chó chẳng chút xót thương, hắn lôi xệch con Đớm ra cửa. Khi cái dây thòng lọng siết chặt cổ, lưỡi con Đớm thè ra, không còn kêu được nữa, nhưng mắt nó hướng về phía tôi, ướt đẫm… Nước mắt tôi cứ tuôn ra, tôi khóc nức nở…cho đến lúc bọn họ lôi con Đớm ra khỏi ngõ, tôi kêu lên Đớm ơi trong tiếng khóc nghẹn ngào.
 
Vào thời đó, ở làng tôi chưa biết ăn thịt chó. Họ giết con Đớm và đem chôn nó bằng cách nào, tôi không được chứng kiến, nhưng cách họ bắt con Đớm lôi đi quá tàn nhẫn. Hình ảnh đó ám ảnh tôi trong một thời gian dài. Sau này nghe anh tôi kể: - Họ ra lịnh diệt chó để ngừa bệnh dại chỉ là cái cớ - mục đích chính là để ban đêm cán bộ rình rập các nhà địa chủ, phú nông nghe ngóng tin tức, không bị lộ (lúc đó chính sách cải cách ruộng đất bắt đầu ló dạng ở Liên Khu 5).
 
Năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, Chính quyền Quốc Gia tiếp quản Liên Khu 5. Bấy giờ tôi đã qua thời thơ ấu – tôi rời làng quê ra tỉnh theo việc học hành. Chuyện tiếc thương con Đớm rồi cũng phôi pha theo năm tháng.
 
Tiếp theo, đời tôi nổi trôi theo vận nước với bao thăng trầm, khổ nhục, vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Cho đến một ngày, thời cuộc đẩy đưa, tôi được định cư trên nước Mỹ.
 
Từ đây, cuộc đời đưa tôi đi vào ngã rẽ mới. Những ngày đầu tiên sống trên đất Mỹ, với tôi không biết bao nhiêu điều lạ lẫm - phải tìm hiểu, học hỏi mới quen dần. Chuyện “con chó ở xứ Mỹ” là một trong những câu chuyện được nghe người ta ví von nhiều nhất: “ Xã hội Mỹ xếp hạng đàn bà số một, thứ hai là chó mèo, đàn ông đứng hàng thứ ba.” Chớ có quen tật bạo hành phụ nữ; ngược đãi, hành hạ chó mèo. Loạng quạng phạm vào những điều căn bản đó, cảnh sát còng tay đưa ngay về bót - phải trái: hạ hồi phân giải. Học được điều đó, nên biết thân phận của mình, tôi không dám to tiếng với vợ; tránh xa chó mèo để khỏi mang họa vào thân.
 
Nhưng càng sống lâu trên đất Mỹ, tôi thấy thuơng cho thân phận cho con “chó ta”. Vì thấy con chó Mỹ sướng quá! Con “chó ta” thì: “Ăn cơm thừa, canh cặn, môn sượng, khoai sùng…Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều/ Có cũng rằng, không cũng chớ…” Còn con chó Mỹ được luật pháp bảo vệ. Theo “Texas Penal Code # 420”: Người nuôi súc vật trong nhà phải có bổn phận cho ăn, cho uống, cho chỗ ở. Thiếu một trong các điều nêu trên và cố ý hành hạ, bỏ bê, giết hại chó mèo sẽ bị bỏ tù một năm và số tiền phạt có thể lên tới bốn chục ngàn dollar.
 
Thỉnh thoảng báo chí Mỹ đưa tin về những vụ như ông Dennis, ở Tennessee bị bỏ tù 9 tháng vì bỏ đói, bỏ lạnh và xích con chó ngoài vườn cho đến chết. Những tin như thế có làm tôi xúc động, nhưng rồi cũng chỉ thoáng qua vì lúc đó còn nhiều công việc khác phải lo toan, chuyện chó mèo coi như phù phiếm.
 
Đến một hôm, tôi nghe nhiều người “kháo” nhau về chuyện chó - đây là chuyện “chó Mỹ”. Nguồn tin loan truyền rằng: “Một người Việt Nam tỵ nạn, sang Mỹ hơn một năm, chỉ làm công việc dẫn chó đi chơi, đi ị, hốt cứt chó…mà kiếm được tiền mua nhà.” Ở cái xứ Hiệp Chúng Quốc này, có những chuyện mới nghe rất khó tin, nhưng rồi có thật, nên tôi để ý theo dõi và tìm hiểu… Thì ra chẳng ai xa lạ - thằng Tuất bạn cùng quê với tôi, qua Mỹ theo diện HO3 đã tạo nên câu chuyện này.
Hôm gặp nhau ở Cali, nó mời tôi về nhà chơi, đãi đằng cơm nước chu đáo. Tôi chăm chú nhìn căn nhà, tuy không lớn lắm, nhưng có sân trước, vườn sau – cây trái sum suê, mát mẻ, êm đềm. Tôi biết nó có được cơ ngơi như thế này là nhờ công việc “dẫn chó đi chơi, đi ị...” đúng như người ta đã “kháo”. Nhưng chẳng lẽ hỏi hết ngọn ngành, tôi tế nhị, nói:
- Mày giỏi thật!
- Giỏi giang gì - trăm chuyện cũng nhờ con chó. Nó trả lời.
- Thì tao cũng nghe thiên hạ nói thế, nhưng chưa biết công việc cụ thể thế nào? Mày có thể kể cho nghe, được không?
Nó thành thật kể hết đầu đuôi: 
- “Khi mới sang đây, gia đình tao được hưởng trợ cấp xã hội, lại được cho thêm tiền Food Stamps - đủ sống. Hai đứa con đi học được xe đưa đón, ăn trưa ở trường miễn phí, tao đi học ESL. Vợ tao muốn có thêm chút tiền mua sắm này nọ, nên xin vào làm nhà hàng, mỗi tháng kiếm được năm, sáu trăm. Với tao như thế là Thiên Đàng. Nhớ lại những ngày cơ cực trước đây, tao thầm cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang. Nhưng phải tính chuyện tương lai, khi hết được hưởng trợ cấp xã hội, phải lo tìm việc, nên hằng ngày sau giờ học ESL, tao đi tìm tin tức đó đây, thì vận may đưa đến: chiều hôm ấy trên con đường vắng, tao gặp một bà già Mỹ, một tay chống gậy, một tay cầm dây dắt chó. Con chó của bà to và khoẻ, nó cứ lăng quăng chạy nhảy, cái dây xích đã kéo ra hết cỡ, nó vẫn muốn chạy xa hơn, kéo bà già xiêu xiêu muốn ngã và trông bà có vẻ mệt lắm, tao bèn xổ tiếng Anh mới học được: - May I help you? Bà già vừa thở vừa đưa đầu dây xích cho tao.
Lúc này tao muốn kêu con chó trở lại. Tiếng Việt mình thì gọi “ô... ô…” hay “chấc… chấc”, còn tiếng Mỹ không biết nói làm sao, tao bèn dùng thứ ngôn ngữ “ba rọi”- tao lấy tay ngoắc ngoắc, miệng kêu chấc… chấc… rồi nói: - come here. Ấy vậy mà con chó hiểu, nó chạy đến bên tao, ngoắc đuôi, mừng, rồi nhảy cửng lên người tao. Tao bế nó vuốt ve, nó nằm yên. Bà già Mỹ nói: “Hai ngày mới cho nó ra ngoài chơi một lần, nên mỗi lần được ra khỏi chuồng nó chạy nhảy lung tung - tên nó là Johnny - cứ kêu tên là nó chạy về.”
Thằng Tuất nhấp ngụm nước, tiếp tục kể:
- Bà già gọi: “Johnny, go home”. Con chó nhảy ra khỏi tay tao, lon ton chạy trước.
Bà già quay sang hỏi tao: “Nhà anh ở đâu?” Tao cho bà ta địa chỉ. Mặt bà ta có vẻ vui, bả nói: “Vậy là rất gần nhà tôi”. Rồi bả hỏi tao đủ thứ chuyện: về gia cảnh, về lý do được định cư ở Hoa Kỳ và cuộc sống hiện tại ra sao? Tao kể hết sự thật. Bà ta tỏ ra xúc động. Bà nói rất nhiều, nhưng tao chỉ hiểu đại ý. Khi về trước cổng nhà, bà mở ví đưa tao hai chục đô, tao không nhận, bà nài nỉ, nhưng tao nhất định không nhận. Tao cúi xuống, đưa bàn tay ra, con Johnny đưa chân trước lên bàn tay tao như kiểu bắt tay từ giã. Tao đứng lên, chào bà với câu vừa học được – “Bye bye, see you tomorrow.” Bà ta nở nụ cười thân thiện, rồi bảo: - “Nếu anh không bận việc, mỗi ngày đến đây dẫn Johnny đi chơi vài giờ, tôi sẽ trả thù lao 20 dollar.” Tao OK liền. Ngày hôm sau tao đến, bà vui mừng, chỉ tao cách dẫn chó đi chơi ở nơi nào và chỉ cách hốt cứt chó khi con Johnny làm xấu. Thế là từ đó tao có cái nghề mới “dẫn chó đi chơi… đi ỉa…” kiếm mỗi tháng gần năm trăm đô.
 
Thằng Tuất nheo mắt, cười cười, hỏi tôi:
- Ở Mỹ có nhiều chuyện “khó tin mà có thật”, đôi khi “làm chơi mà ăn thiệt”. Mày có thấy như vậy không?
- Chỉ có mày may mắn, chứ tao cày bở hơi tai mới kiếm được đồng dollar.
Nó kể tiếp: 
- Một hôm dẫn chó đi chơi về, tao thấy vườn cỏ nhà bà cao, tao ngõ ý cắt giùm cho bả. Bà ta bảo: “Trước đây có thằng Xì, cứ hai tuần đến cắt cỏ một lần, mỗi lần nó lấy $30,00, nhưng cả tháng nay không thấy nó trở lại, có lẽ nó về xứ. Bây giờ anh muốn giúp tôi thì lấy máy cắt cỏ trong kho ra cắt, tôi sẽ trả tiền công như thằng Xì.
Tao Ok liền! Tao cắt cỏ xong còn dọn dẹp, tỉa cây gọn gàng, sạch sẽ.
Tao làm việc cần mẫn, bà ta thích lắm, khi ra về bả đem cho tao lon coca với 40 dollar, nhưng tao chỉ lấy $25,00. Tuần sau, bả giới thiệu cho tao cắt cỏ hai nhà bên cạnh, cứ thế tiến lên… thêm mấy nhà. Thế là bây giờ tao có hai nghề: “cắt cỏ và dẫn chó đi chơi”, mỗi tháng kiếm trên ngàn đô. Tao dành dụm gần một năm, có được số tiền kha khá, gặp lúc nhà hạ giá, điều kiện dễ dàng, chỉ cần down 10% là có thể mua được nhà. Thế là tao liều mua căn nhà này với giá dưới trăm ngàn.
 
Ngồi nghe nó kể mà thấy thèm, lúc đó tôi ở Tiểu bang Maryland, xin được việc làm trong tiệm 7- Eleven, lương $6.00 một giờ, chuyện mua nhà chỉ là giấc mơ - chắc phải chờ đến kiếp sau. Nhưng trong lòng vẫn có cái ước mơ và hy vọng - biết đâu cũng có được cái may mắn như nó, nên tôi hỏi:
- Hai cái việc này có dễ tìm không?
- Tìm việc cắt cỏ không khó lắm, nhưng cái Job “dẫn chó đi chơi…” phải tùy cái duyên, cái nghiệp. Nó trả lời như thế, rồi kể tiếp:
- Mấy ngày đầu tao dẫn chó đi chơi, dân ta nhìn tao với con mắt thiếu thiện cảm. Họ bảo tao “học làm sang”. Nhưng khi biết tao “dẫn chó thuê”, họ thông cảm. Nhưng khổ nỗi, con Johnny, thấy người Việt là nó sủa vang trời. Tao chửi thầm trong bụng: “bố khỉ, chó mà cũng kỳ thị chủng tộc…” Nhưng không phải thế, một vài người nó lại tỏ ra thân thiện, như hôm gặp thằng Hóa, một phật tử thuần thành, nó ngoắc đuôi, mừng! Cũng hôm ấy, đi một đoạn đường gặp thằng Phong, dân Bắc kỳ, mới đi lễ nhà thờ ra, con Johnny lại sủa vang, tao lại chửi thầm: “con chó này kỳ thị tôn giáo” Nhưng cũng không phải thế. Có người nó thân thịện, có người nó sủa vang. Cuối cùng tao khám phá một điều kỳ diệu nơi con chó: hễ người nào không ăn thịt chó thì con Johnny tỏ ra thân thiện; ngược lại những người đã ăn thịt chó thì con Johnny tỏ ra căm thù, tránh né và sủa không ngừng.
 
Về lại Maryland, tôi cố lân la với mấy ông bà già dẫn chó đi chơi, may ra tìm  được cái Job “thơm” như thằng Tuất, nhưng khi tôi đến gần, mấy con chó nhảy dựng lên, sủa vang trời. Nhớ lại chuyện thằng Tuất kể: “con chó căm thù những nguời đã ăn thịt đồng loại của nó.” Thế là tôi không còn hy vọng gì với cái nghề “dẫn chó đi chơi…” Vì trước đây, đã mấy lần theo bạn bè xuống Ngã Ba Ông Tạ nhậu thịt chó. Bấy giờ tôi nghiệm ra cái nhân duyên và nghiệp quả trong kiếp nhân sinh. Tôi an phận với công việc hiện tại của mình.
 
Rồi ngày tháng trôi qua, tôi đến tuổi về hưu, các bạn già đồng hương rủ nhau họp mặt ở nhà thằng Tuất. Bây giờ thằng Tuất giàu sụ, mua nhà mới, rộng rãi thênh thang. Bạn bè gặp nhau, mừng vui kể lại những thăng trầm trong cuộc sống và rồi “chuyện chó” được nhắc đến. Một ông bạn kể về con chó của đứa cháu ngoại. Ông bảo: “con chó Mỹ, nó sung sướng đến độ tôi phải ganh. Này nhé: nó được đưa đi tỉa lông, cắt móng, khám bịnh định kỷ; ăn toàn đồ organic, ngủ thì chiếu hoa nệm gấm… Khi con cháu đi du lịch xa gởi chó vào khách sạn chó (animal shelter), bịnh thì vào nhà thương chó (Animal Hospital), có bác sĩ thú y chăm sóc. Tính ra tiền chi phí nuôi con chó còn nhiều hơn tiền già của tôi” Rồi ông ta kết luận: “Sau khi chết, nếu có sự đầu thai, tôi sẽ xin đầu thai làm con chó.”
Một ông già ngồi cạnh, cười khẩy và nhắc nhở:
- Ông cẩn thận khi xin đầu thai - phải xin ghi vào sổ là “chó tây” ở trên nước Mỹ mới được - Chứ để lọt vào danh sách “chó ta” mà ở Việt Nam thì bỏ mẹ cuộc đời!
 
LÊ ĐỨC LUẬN (tháng 2-2023)

 

Hoa Huỳnh chuyển

TIN BUỒN Và PHÂN ƯU (Phu quân chị Ngũ Ngoc Phu Tạ Thế 24/3/ 2023 )


Nhận được tin buồn : Phu quân của chị Ngũ  Ngoc   Phu (CHS.Trung học Tây Ninh khóa 1956...) là anh :

 

 LÊ PHƯỚC LUẬN,Pháp Danh Tâm Đạt

 

Vừa từ trần ngày thứ sáu 24 tháng 3 năm 2023,nhằm ngày mùng 3 tháng 2 Quý Mão tại Houston-Texas,hưởng thọ 84 tuổi.

Linh cửu quàng  tại Levingstone Funeral Home số  2001,Nall Street,Port Neches-Texas.

Tang lễ cử hành  ngày thứ Bảy 1 tháng 4 năm 2023.

Phát tang và cầu siêu từ 9 giờ đến 11 giờ sáng

Thăm viếng từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều

Hỏa táng vào ngày thứ hai 3 tháng 4 năm 2923 lúc 11 giờ

Xin Thành thật Phân Ưu  cùng chị Ngũ Ngọc  Phu và Tang Quyến

Cầu Nguyện Phật A Di Đà Phong Quang tiếp độ Hương Linh Anh Lê Phước Luận-Pháp Danh Tâm Đạt về Miền Cực Lạc Quốc 

 

 Bạn Bè Cựu Hoc Sinh Trung Hoc Tây Ninh Trong và Ngoài Nước


THANH TỊNH BUỔI CHIỀU TÀ - Thơ Nguyễn Quốc Nam




 Mời Xem : VỀ NÚI RỪNG GẶP NGƯỜI EM GÁI RẮC-LÂY - Nguyễn Quốc Nam


CDC cảnh báo về bệnh nấm nguy hiểm đang lan rộng khắp Hoa Kỳ với ‘tốc độ đáng báo động’

Bức ảnh không đề ngày tháng này do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cung cấp cho thấy một chủng nấm Candida auris được nuôi cấy trong đĩa petri tại phòng thí nghiệm của CDC. (Ảnh: The Canadian Press/Shawn Lockhart-CDC qua AP)
 

Tác giả Katabella Roberts

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đang cảnh báo về một loại nấm mới nổi, gia tăng nhanh chóng và kháng thuốc mà cơ quan y tế này cho biết là một “mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng.”

Theo các quan chức y tế, Candida auris là một bệnh nấm hiếm gặp, dễ lây lan qua tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn hoặc từ người sang người và có thể gây bệnh nặng ở các bệnh nhân nhập viện và những người có hệ miễn dịch yếu.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, loại nấm này có thể xâm nhập qua đường máu của bệnh nhân và lây lan khắp cơ thể, gây ra các ca nhiễm trùng nấm candida xâm lấn nghiêm trọng, vốn có thể ảnh hưởng đến máu, tim, não, mắt, xương, và các bộ phận khác của cơ thể và có thể gây tử vong.

Dữ liệu từ một số bằng sáng chế hạn chế cho thấy 30% đến 60% những người được chẩn đoán mắc bệnh nấm này đã tử vong. Tuy nhiên, những người khỏe mạnh thường không mắc bệnh do loại nấm này.

CDC cho biết họ lo ngại về chủng nấm Candida auris vì ba lý do chính: bệnh này thường kháng nhiều loại thuốc, khó xác định bệnh bằng các phương pháp phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, và bệnh đã nhanh chóng gây ra các đợt bùng phát trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, những người đã nhập viện tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong thời gian dài — đặc biệt là những người đang được đặt ống thở, ống cho ăn, và ống thông tĩnh mạch trung tâm đi vào cơ thể họ — dường như có nguy cơ nhiễm nấm Candida auris cao nhất.

Dữ liệu ban đầu cho thấy các yếu tố rủi ro khác thường tương tự như các yếu tố rủi ro đối với các loại nhiễm trùng nấm Candida khác. Những rủi ro như vậy bao gồm phẫu thuật gần đây, bệnh tiểu đường, và sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm gần đây.

Dữ liệu CDC cho thấy số ca nhiễm gia tăng.

Các quan chức y tế cho biết nhiễm trùng nấm Candida auris (còn được gọi là C. auris) đã được tìm thấy ở các bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, từ trẻ sinh non đến người cao niên.

Theo dữ liệu của CDC, loại nấm kháng thuốc này, được phát hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ hồi năm 2016, đã lây lan “với một tốc độ đáng báo động” ở những bệnh nhân nhập viện trong những năm gần đây, với các ca bệnh lâm sàng do loại nấm này này tăng gần gấp đôi hồi năm 2021 và vẫn tiếp tục tăng hồi năm 2022.

Theo thống kê của CDC, có ít nhất 2,377 ca lâm sàng nhiễm nấm Candida auris được xác nhận tại Hoa Kỳ hồi năm 2022, tăng từ 1,474 ca hồi năm 2021 và 757 ca hồi năm 2020.

Dữ liệu cho thấy bệnh nấm này hiện đã xuất hiện ở hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ.

Dữ liệu khác từ CDC được công bố trên tập san Annals of Internal Medicine hôm 20/03 cũng cho thấy rằng các ca sàng lọc — trong đó loại nấm này được phát hiện ra nhưng không gây nhiễm trùng — đã tăng gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2021, từ 1,310 lên 4,041 ca.

CDC cho biết họ lo ngại về việc số ca kháng thuốc echinocandin đã tăng gấp ba lần vào năm 2021. Echinocandin là một loại thuốc chống nấm và thường là phương pháp điều trị đầu tiên đối với nấm Candida auris.

Các quan chức của CDC cho biết trong một thông cáo báo chí rằng mặc dù những nỗ lực tăng cường để phát hiện các ca nhiễm nấm Candida auris cũng đã có thể góp phần vào sự gia tăng số ca nhiễm, nhưng sự gia tăng này có thể là do nhiều nguyên nhân khác. Một nguyên nhân trong số đó là tình trạng kiểm soát và phòng chống nhiễm trùng nói chung tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe là yếu kém.

“Thời điểm gia tăng và những phát hiện từ các cuộc điều tra sức khỏe cộng đồng này cho thấy sự lây lan của C. auris có thể đã trở nên tồi tệ hơn do hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng phải chịu những căng thẳng trong đại dịch COVID-19,” các quan chức của CDC cho biết thêm.

Rủi ro đối với dân số chung vẫn ở mức thấp.

Tiến sĩ dịch tễ học Meghan Lyman của CDC, tác giả chính của bài báo nói trên, cho biết: “Sự gia tăng nhanh chóng và lây lan về mặt địa lý của các ca bệnh đang gây lo ngại và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục giám sát, mở rộng năng lực phòng thí nghiệm, các xét nghiệm chẩn đoán nhanh hơn, và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm đã được chứng minh.”

Candida auris lần đầu tiên được xác định vào năm 2009 tại Nhật Bản, mặc dù chẩn đoán hồi cứu cho thấy biến chủng sớm nhất của bệnh này xuất hiện vào năm 1996 tại Nam Hàn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người có nguy cơ nhiễm nấm candida xâm lấn nghiêm trọng nhất bao gồm những người mắc bệnh ung thư, HIV/AIDS, cấy ghép nội tạng, bệnh hô hấp mãn tính, và nhiễm trùng lao sau nguyên phát. WHO đã đưa Candida auris vào “danh sách mầm bệnh nấm ưu tiên” trong số các loại nấm có khả năng đe dọa tính mạng.

WHO cho biết trong một thông cáo báo chí hồi tháng 10/2022: “Bằng chứng xuất hiện cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và phạm vi địa lý của các bệnh nấm đều đang mở rộng trên toàn thế giới do sự nóng lên toàn cầu cũng như do sự gia tăng về du lịch và thương mại quốc tế.”

CDC cho biết việc sàng lọc nấm Candida auris có thể giúp bảo vệ những người có rủi ro cao tránh khỏi bị nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bất chấp những lo ngại của CDC và WHO về sự gia tăng các ca bệnh và khả năng kháng echinocandin, Tiến sĩ Ashley Lipps, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Tiểu bang Ohio nói với Healthline rằng đa phần các ca bệnh vẫn có thể điều trị được bằng những loại thuốc kháng nấm.

“Nếu ai đó bị nhiễm C. auris, thì loại nấm này sẽ cần được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra độ nhạy cảm nhằm xác định loại thuốc chống nấm nào sẽ có tác dụng tốt nhất để điều trị bệnh đó,” cô Lipps cho biết. “Rủi ro đối với dân số nói chung vẫn rất thấp.”

Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

 

Sài Gòn, cà phê và nhạc sến - Vũ Thế Thành

  …Tách cà phê ấm môi, Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi… (Hai Mùa Mưa) Thằng bạn ở Thụy Sĩ về chơi Việt Nam, trên đư...