Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Đường Espagne – Lê Thánh Tôn với những dấu chân nghệ sĩ - Pham Công Luận


Con đường Espagne, nay là Lê Thánh Tôn, con đường đi qua ngôi nhà Pháp từng là trụ sở Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, nơi có cửa Bắc chợ Bến Thành, nơi có tiệm vàng danh tiếng Nguyễn Thế Tài và dãy phố bán giày của cộng đồng người Bắc vào Nam từ thập niên 1930.

Đó là con đường gắn với gia đình tôi, vì ông ngoại tôi, Nguyễn Văn Bình làm việc tại Tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương mạng phía Nam ngay góc Hàm Nghi – Lê Lợi từ trước năm 1945. Ông thường lui tới chợ Bến Thành và các tiệm quán chung quanh. Đây cũng là không gian nơi ba tôi làm việc từ 1953 đến 1978 ở cửa Tây ngôi chợ này, tại cửa tiệm Kim Phát chuyên bán sỉ đồ xi mạ bỏ mối khắp Sài Gòn – Gia Định và lục tỉnh.

Có lúc tôi cố gắng phục dựng lại trong tâm trí không gian sống ông ngoại tôi, cư dân Khánh Hội, sinh ra cuối thế kỷ 19 trong một gia đình gốc Minh Hương. Hoạt động thời đó của ông quanh quẩn khu công trường Quách Thị Trang bây giờ và các con phố quanh chợ Bến Thành.

Trên con đường Espagne, ông thường uống cà phê ăn hủ tíu ở tiệm Đức Thành Hưng, không biết có lần nào ông vào quán Quảng Hạp danh tiếng phía sau chợ Bến Thành không? Ông có đến báo quán Nhựt Tân báo và Ere Nouvelle số nhà 112? Ông có may complete ở tiệm may Tân Lợi ở số 120, sau dời về số 134 cùng con đường; hay là tiệm may Hiệp Ninh số 160 bên cạnh nhà hàng Cửu Long Giang – Hotel De Mekong?
Khi còn chơi bóng tròn, nay gọi là đá banh, ông có mua giày ở tiệm đóng và bán giày đá banh Bảo Hòa số 150? Ông và bà ngoại tôi có mấy lần mua nữ trang ở tiệm vàng Nguyễn Thế Tài, ở mặt tiền tượng con cọp to chần vần. Chắc chắn ông có chui vô rạp hát Modern –Cinéma số 212 năm 1930 để coi diễn tuồng mới của gánh Phước Cương là vở Áo người quân tử và để lại câu chuyện trong gia đình mà dì Út tôi từng kể lại. Rạp này đánh dấu sự kiện gánh hát thầy Năm Tú biểu diễn lần đầu ở Sài Gòn vào năm 1922 khi rạp mới khánh thành. Sau này, nơi đây trở thành rạp xinê Lê Lợi.



Tiệm vàng lừng danh Thế Tài (tranh của Trương Ánh Mai)


Trên con đường Espagne ngày xưa còn có tiệm Đức Lợi số 105 gần dinh Xã Tây (sau là Tòa Đô Chánh Sài Gòn) bán tủ ghế salon, tủ thờ, tủ kiếng cẩn, chạm liễn, tranh tứ bình, khay, hộp v.v. bằng trắc và gõ. Bên kia đường, nơi bán rượu lave glát-xê, cùng các thứ rượu chát, nước chanh và lave ngâm sẵn nước đá ướp lạnh, lại bán chung đồ lê-ghim Đà Lạt.


Gần đó là tiệm Nam Hương bán cháo bào ngư danh tiếng ở số 187, 189, 191 nhưng đến năm 1932 bị một trận cháy gây hoảng hốt cả dãy phố toàn cửa hàng tiệm quán, may mà được dập tắt sớm. Vụ này đáng nhớ, nhưng không gây ấn tượng bằng câu chuyện trước đó hai năm, khi báo Công Luận ra ngày 21 Tháng Tám 1930 đưa tin một phụ nữ Hoa chết một cách bí mật ở số nhà 243 đường này, trước rạp chiếu bóng Modern Cinéma. Việc vỡ lở ra mới biết bà là một trong… sáu bà vợ của ông người Hoa ở trong ngôi nhà đó, tất cả cùng sống với nhau khiến ai nấy lắc đầu le lưỡi.

Những năm 1930, đường này đã có một cộng đồng người Bắc sống trong con hẻm ăn thông ra đường Pellerine (sau đổi tên là Pasteur) gần rạp Casino. Họ tổ chức việc đóng giày trong hẻm để gia công cho các tiệm giày càng lúc càng đông phía cánh trái con đường, nhìn từ cửa Bắc chợ Bến Thành.

Các tiệm này, ngoài các tiệm giày còn có tiệm bán vải, vàng y. Có tiếng nhất là đám “anh em họ Cự”, chủ các tiệm có chữ Cự phía trước trên bảng hiệu như Cự Phách, Cự Thành, Cự Tiên… Họ cần mẫn làm từng cái quạt giấy màu tím và dùng kim châm từng lỗ để trang trí cho đẹp, dễ bán. Rảnh còn bày ra việc sơn guốc, làm việc không ngơi tay.

Những viên đá lót lề đường Espagne, khi đường chưa đổi tên thành Lê Thánh Tôn còn in dấu chân một nhà thơ rất nổi tiếng của nền thi ca Việt hiện đại. Trong hồi ký Người xưa mình nhớ, nhà văn Hoàng Tấn có nhắc:

“Mấy năm trước Nam kỳ 40, Hàn Mặc Tử đã cùng thuê chung một căn gác ở đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) với Hoàng Trọng Miên, Thúc Tề và họa sĩ Việt Hồ. Cuộc sống của họ thật đầm ấm chan hòa tình bằng hữu. Hồi này, Hoàng Trọng Miên đang chủ trương tuần báo văn nghệ Người Mới. Thúc Tề đã có nhiều mặt sách trình làng như: Nợ Văn, Phù dung và Nhan sắc… được giới trẻ Sài Gòn mến mộ, còn Việt Hồ là họa sĩ sáng giá đang trình bày cho tờ Paris Match tận Pháp quốc…”.

Theo Hoàng Tấn, thời gian này Hàn Mặc Tử đang cộng tác với ông bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, phụ trách tờ Phụ trương Văn nghệ, đồng thời cũng có thơ đưa Hoàng Trọng Miên đăng trên tờ Dân Quyền… Thời đó, các nhà văn, nhà báo muốn kiếm nhau thật dễ dàng. Cứ đảo một vòng qua các quán (bia) bock ở Place Cuniac (công trường Quách Thị Trang), rẽ qua nhà hàng Thanh Thế, hoặc ngược lên Continental là gặp đủ mặt “anh hùng Lương Sơn Bạc”. Cứ thế lâu ngày thành quen, các vị đã biến những nhà hàng, tửu quán thành nơi làm việc, thành những “tòa soạn lưu động”.

Tùy phái muốn đến lấy bài, thầy cò muốn có “Bon à tirer”, cộng tác viên muốn gặp bỉnh bút, thậm chí công nhân ấn loát muốn xin tạm ứng lương trước… cũng xin mời đến những nơi trên nhất định sẽ gặp người cần gặp… Ông Hoàng Tấn có lần đề nghị Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận nói về Hàn Mặc Tử. Nhà báo kỳ cựu của đất Sài Gòn này nói đại ý:

Hồi đó Hàn Mặc Tử là một thanh niên nhu mì, hiền lành ít nói. Nhà thơ Phong Trần của chúng ta lúc nào cũng chỉ nghĩ đến thơ, đến làm thơ. Hình như đối với thi sĩ, trên đời này ngoài thơ ra, mọi vật đều vô giá trị. Rượu không uống, thuốc lá không hút, trà không dùng, thậm chí thời đó “trự” nào cũng phải có Phù dung nương tử làm bạn đường, đối với Hàn Mặc Tử thì đó là chuyện xa lạ. Và Bút Trà kết luận: “Tôi nhận được thư Hàn Mặc Tử xin thôi việc về Quy Nhơn. Thế là tôi tự xét xem mình có điều chi không phải trong cách ứng xử, khiến một tài năng đã bỏ tôi… thật đáng tiếc”.

Ông Bút Trà tự trách mình, nhưng tạng người nhạy cảm và trên mây như Hàn Mặc Tử có vẻ không hợp đất Sài Gòn ồn ào náo nhiệt, càng không hợp con đường Espagne buôn bán mạnh mẽ, với tiệm chạp phô, tiệm cơm người Hoa, rần rần người qua lại vào các buổi tối nên ông đã bỏ ra Quy Nhơn và mất ở đó.

Con đường này, từ năm 1947, chính phủ Nam Kỳ quốc cắt một đoạn từ đường Catinat (sau đổi thành Tự Do) ra ngã sáu đổi thành đường… Lê Lợi. Nhưng tám năm sau, 1955, sau khi thành lập quốc gia VNCH, chính quyền nhập cả hai đường lại thành đường Lê Thánh Tôn. Cái tên này còn giữ đến nay.
Con đường Espagne – Lê Thánh Tôn luôn ghi dấu ấn nghệ sĩ. Cho đến năm 1937, tiệm cà phê Đức Thành Hưng là nơi lui tới thường xuyên để tham gia đàn ca tài tử của nghệ sĩ Út Trà Ôn, Năm Cần Thơ khi chưa thành danh. Con đường này cũng là nơi cô ca sĩ còn vô danh Khánh Ly gặp chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Một góc Sài Gòn, khoảng 1960 (ảnh: Harvey Meston/Archive Photos/Getty Images)



Trước đó, tại Đà Lạt năm 1964, cô đã gặp Trịnh Công Sơn và qua vài câu chuyện, cả hai trở thành bạn. Nhiều lần Trịnh Công Sơn đề nghị Khánh Ly về Sài Gòn đi hát với ông nhưng cô đều từ chối bởi cô yêu Đà Lạt, khác với Sài Gòn đông người và luôn nhộn nhịp. Đến năm 1967, ca sĩ Khánh Ly tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn khi ông đang ngồi vắt vẻo cùng chúng bạn trên một bờ tường ở đường Lê Thánh Tôn. Vài hôm sau, trên bãi đất rộng sau trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, giọng hát khàn đục và lôi cuốn của Khánh Ly tại Quán Văn đã làm ngẩn ngơ, bàng hoàng, ngất ngây cả một thế hệ với những bản tình ca và Ca Khúc Da Vàng mới lạ của Trịnh Công Sơn.

Trên con đường sầm uất này, tôi lui tới nhiều những năm 1990 để đi rửa phim, làm hình cho nghề báo tại một studio. Vẫn nhớ nhất là hồi còn nhỏ, nếu ra trung tâm Sài Gòn gần sát Tết đúng buổi trưa vắng khách, ba tôi sẽ dắt ra dãy phố bán giày, đến tiệm Trần Rắc hay tiệm giày Hà Nội mua một đôi sandal diện Tết. Ở đó, người bán gọi giày đàn ông là “giày Sừ” (có lẽ từ chữ Monsieur) và “giày Đầm” (Madame) để chỉ giày phụ nữ. Đôi sandal mua ở đó mang rất êm chân, vừa vặn và bền…

Đó là con đường đẹp, không ồn ào, tạo nên linh hồn phố xá Sài Gòn một thời, hiện nay vẫn giữ được phong độ dù có lên xuống qua thời gian và các biến động xã hội trong hơn thế kỷ qua.

 Một góc Sài Gòn 1965 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images

 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...