Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

MÙ U VÀ GÒN - Thường Duy

 Mù u và Gòn là hai loại cây vô cùng quen thuộc ở vùng nông thôn. Có khi là chúng tự mọc dại, có khi là được người dân trồng để lấy bóng mát, lấy gỗ. Hầu như không một đứa trẻ nào lớn lên ở quê mà không biết tới Mù u và Gòn. Nhưng tôi đoán rằng giờ đây, chắc sẽ không còn nhiều bạn trẻ được biết một mối liên hệ thú vị khác giữa Mù u và Gòn, ngoài hai công dụng vừa được kể đến.


Cây và trái Mù U.

Tôi được biết điều thú vị này từ bà của mình.

Hồi nhỏ, có một lần tôi hỏi bà: “Nội, hồi chưa có đèn điện với đèn dầu thì người ta đốt bằng cái gì dạ Nội?” Đó là lần tôi thấy rằng câu hỏi của mình có giá trị nhất. Vì sau đó, tôi có thêm một món đồ chơi mới- Đuốc Mù u.

Như mọi loại đuốc khác, đuốc Mù u là một cây gậy có một đầu được bọc vật liệu dễ cháy, khi được đốt lên sẽ tạo ra nguồn sáng. Kích thước lớn hay nhỏ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của người làm đuốc. Đuốc càng to thì lửa cháy càng lớn và ngược lại. Theo như bà tôi kể, ngày xưa người ta thường làm những cây đuốc Mù u với kích thước nhỏ để đỡ hao. Vì Mù u chỉ cho trái theo mùa mà nhu cầu thắp sáng lại là quanh năm. Ở khu vực nông thôn của chúng tôi thời đó, mười nhà thì đã có hết chín nhà sử dụng đuốc Mù u để đốt vào buổi tối. Hiếm hoi lắm mới có một nhà đủ dầu thắp sáng quanh năm. Vì nghe đâu số lượng dầu mà hợp tác xã bán cho mỗi hộ gia đình là có hạn. Do vậy, ở thời đại đó, người ta rất quý Mù u. Đến sau này nữa, khi dầu được bán rộng rãi trên thị trường, đuốc Mù u mới dần dần mất đi ưu thế. Và đến giai đoạn tuổi thơ của tôi, khi mạng lưới điện đã được mở rộng đến khu vực nông thôn thì chỉ có những đứa trẻ rảnh rỗi như tôi mới chịu bỏ hàng giờ liền làm đuốc Mù u.
                           Trái Mù U
Nhà tôi có vài cây Gòn và Mù u, chúng mọc rải rác quanh các mé mương. Gòn lấy bông. Mù u lấy trái. Trái Mù u già đem tách ruột ra, trộn chung với một ít bông Gòn khô, giã nhuyễn, nặn vào một nhánh cây rồi đem đi phơi khô là được đuốc Mù u. Lửa cháy đượm và lâu tắt. Hơn nữa, khi dầu Mù u bắt lửa sẽ tạo ra một mùi thơm rất dễ chịu, y như mùi thịt nướng. Tôi mê lắm cái cảm giác được cầm cây đuốc Mù u trong tay, xem nó cháy và ngửi mùi hương thơm phức ấy.

Cứ như thế, đuốc Mù u đã gắn bó với tôi trong suốt một thời trẻ dại. Cả gia tài thời đó, không gì quý hơn mấy trái Gòn và Mù u khô. Có khi tôi phải lần mò thật lâu dưới mấy gốc Mù u để tìm những trái còn sót lại sau nhiều trận càn quét liên tục. Cũng có khi chẳng còn trái nào để vớt vát nên phải ngóng cổ đợi mùa Mù u già, Mù u rụng.


                        Cây và trái gòn
Vậy mà ngày tôi lớn, mấy trái Mù u nằm lềnh dưới gốc, chẳng được đoái hoài. Lâu dần, chúng tự ôm lấy đất, mọc lên thật nhiều cây con. Tôi đã từng thấy phiền và bực bội vì phải mất công dọn (do rễ Mù u cắm xuống đất rất sâu). Còn trái Gòn khô, nó vẫn được hái và cất trong nhà nhưng không phải để trộn với Mù u, mà để làm ruột gối. Gối Gòn mềm và êm hơn nhiều loại gối khác. Một thời gian dài, tôi vẫn coi đó như một lẽ đương nhiên.

Phải chăng càng lớn, người ta lại càng chú tâm hơn tới vật chất, chỉ biết khai thác giá trị sử dụng của cây cối mà dần lờ đi những giá trị tinh thần chúng có thể mang lại?

Một sự thay đổi thật đáng buồn! Tiếc là chẳng có mấy ai nhận ra điều đó. Hoặc giả, cũng có khi họ vẫn nhận ra nhưng lại nghĩ rằng mình đã quá “già” để có thể làm những “trò con nít”. Và cứ thế, họ để mình thật sự già đi, già đi từ trong chính tâm hồn.


Trái gòn.

Cũng may, tôi đã kịp nhận ra điều đó, trong một sự tình cờ. Tôi nhớ rất rõ, đó là một ngày thứ bảy trong tuần. Tôi xách thùng vòi ra vườn tưới cây, lúc ngang qua cây Mù u, do đi nhanh quá nên trượt chân, suýt nhào đầu. Nhìn lại thủ phạm, hai trái Mù u! Một trái nguyên, một trái đã nát ngấu, ruột lòi ra sau lớp vỏ vỡ. Tôi nhìn lên cây Mù u, trên vòm lá xanh mướt, những bông hoa trắng muốt đang nở rộ, vài con ong vo ve muốn hút mật. Tôi lại nhìn mấy trái Mù u khô nằm lăn lóc dưới chân thật lâu. Lòng xốn xang đến lạ. Trước kia, vào mùa Mù u trổ bông, làm gì kiếm được một trái Mù u khô nằm yên dưới gốc…

Chiều hôm đó, cây ngoài vườn không được tưới.

Hì hục tới chạng vạng, tôi cầm cây đuốc Mù u đem khoe với cha. Ông nhìn cây đuốc trong tay tôi, vừa cười vừa nói chưa từng thấy ai làm đuốc kiểu đó. Người ta toàn làm thân đuốc bằng tre hoặc trúc khô để dễ bắt lửa. Rồi ông hỏi tôi phải phơi cây đuốc tới bao giờ. Tôi nhìn cây đuốc làm bằng nhánh Bình bát tươi xanh trong tay, ừ nhỉ, kiểu này thì bao giờ mới đốt cháy?
Cũng may, tôi đã kịp nhận ra điều đó, trong một sự tình cờ. Tôi nhớ rất rõ, đó là một ngày thứ bảy trong tuần. Tôi xách thùng vòi ra vườn tưới cây, lúc ngang qua cây Mù u, do đi nhanh quá nên trượt chân, suýt nhào đầu. Nhìn lại thủ phạm, hai trái Mù u! Một trái nguyên, một trái đã nát ngấu, ruột lòi ra sau lớp vỏ vỡ. Tôi nhìn lên cây Mù u, trên vòm lá xanh mướt, những bông hoa trắng muốt đang nở rộ, vài con ong vo ve muốn hút mật. Tôi lại nhìn mấy trái Mù u khô nằm lăn lóc dưới chân thật lâu. Lòng xốn xang đến lạ. Trước kia, vào mùa Mù u trổ bông, làm gì kiếm được một trái Mù u khô nằm yên dưới gốc…

Chiều hôm đó, cây ngoài vườn không được tưới.

Hì hục tới chạng vạng, tôi cầm cây đuốc Mù u đem khoe với cha. Ông nhìn cây đuốc trong tay tôi, vừa cười vừa nói chưa từng thấy ai làm đuốc kiểu đó. Người ta toàn làm thân đuốc bằng tre hoặc trúc khô để dễ bắt lửa. Rồi ông hỏi tôi phải phơi cây đuốc tới bao giờ. Tôi nhìn cây đuốc làm bằng nhánh Bình bát tươi xanh trong tay, ừ nhỉ, kiểu này thì bao giờ mới đốt cháy?

      Cây rọi Mù U
Ngày hôm sau, tôi quyết tâm “phục thù”. Trời vừa hửng sáng đã bật dậy để làm đuốc. Gặp hôm nắng tốt nên đến xế chiều đã đốt được. Tôi định đem khoe với cha nhưng nghĩ ông không lạ gì trò này thế là chạy đi tìm mẹ: “Mẹ, mẹ, nhìn nè mẹ! Mẹ nghe mùi gì không? Giống thịt nướng không mẹ?” Mẹ nhìn cây đuốc đang cháy trên tay tôi, gật đầu rồi thở dài: “Không biết chừng nào mày mới lớn được con!”. Tôi cười hì hì, tiếp tục ngắm lửa cháy và ngửi mùi “thịt nướng”. Thầm nghĩ: Mình đâu thể già nếu luôn giữ được một tâm hồn thơ trẻ. Và khi mình còn trẻ, thì có gì cản được việc mình chơi những trò “con nít”.

Thường Duy

Mù u và gòn là một tản văn viết về kỉ niệm với cây mù u gắn liền với tuổi thơ tác giả, những giá trị mà nó mang tới với mỗi chúng ta cùng con người vượt qua thời kì nghèo khó, gian khổ. Tuy vậy, sau khi giàu có hơn, con người dần bỏ quên người bạn thân thuộc này để rồi bất chợt một ngày, tác giả bỗng nhận ra sự vô tâm của con người và dành thời gian chơi đùa cùng ‘người bạn’ ấy.

Các bạn cũng đã từng trải qua tuổi thơ đáng nhớ với Mù u và gòn không?

Theo: Văn Học Trẻ

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...