Xóm nhà tôi thời thơ dại cách thị xã hơn năm cây số, nhưng đối với bọn trẻ chúng tôi thời ấy thì đó là quãng đường xa lơ xa lắc. Những đứa trẻ thôn quê ngày ấy, sáng đi học ở trường làng, chiều rong chơi nơi ruộng đồng, gò bãi; hết bắt dế, chăn bò là đến hái trái cây, mò cua, tát cá... Bốn mùa đi qua chỉ biết đồng ruộng, bờ mương, gò mối, bãi cỏ, ao hồ. Những ngày mùa đông gió bấc, nô đùa trong gió lạnh co ro tím tái nhưng vẫn reo cười hẹn nhau tết này bọn mình đi chơi phố thị.
Chờ đợi tết, không chỉ có bộ quần áo mới, có thịt mỡ dưa hành, có bánh in bánh tét, mà quan trọng hơn là được cha mẹ lì xì cho ít tiền để đi chơi, đi xe ngựa xuống phố thị xã!
Phố ngày xưa dẫu còn thưa vắng nhưng dù sao vẫn sầm uất hơn rất nhiều so với chốn thôn quê. Ở đó có những ngôi nhà 2, 3 tầng, điện đèn chớp nháy, những hiệu buôn đủ các món hàng xanh đỏ mà trẻ con chỉ nhìn là mê mẩn. Trong mắt bọn trẻ chúng tôi, phố là nơi đủ đầy, giàu sang phú quý. Ước mơ xuống phố để ngắm nhìn phố, rồi đi xem cho biết phố cứ thường trực trong tâm trí tôi mà phải chờ dịp tết mới đi được!
So với các loại xe cộ thô sơ do súc vật kéo thì xe ngựa chiếm ưu thế hơn. Xe ngựa nhờ vào sức ngựa nên chạy nhanh hơn xe bò, xe trâu. Xe ngựa có mui để che mưa che nắng và chất hàng hóa bên trên, hai bên hông xe có gắn thêm nhiều móc để treo gióng gánh, phía trong có sàn trãi đệm co thể chứa hai dãy người ngồi cố định.
Không biết do đâu mà với người quê chúng tôi, xe ngựa một thời được họ gọi là xe thổ mộ. Cách gọi như vậy tôi nghĩ do khi ngồi xe ngựa, hành khách vừa thấy đất (thổ), vừa thấy hun hút làng quê, cây cối, mồ mả (mộ). Như mọi thứ xe chở khách, xà - ích thường chăm chút và trang trí cỗ xe của mình nhỉnh hơn xe bạn để thu hút khách. Ví như ván thùng xe luôn sạch bong, chiếu trải trên nền thùng là chiếu bông và rèm của thùng xe là vải hoa chẳng hạn. Nhưng những chú ngựa của họ mới đáng nói. Ngựa nâu, ngựa ô, ngựa bạch, đều tráng niên, bờm bóng, đuôi mượt. Ngày thường, xe ngựa dùng để chở hàng hóa và các bà, các chị đi đến các chợ để bán mua. Chiều cuối năm, những chiếc xe ngựa được chà rửa sạch sẽ, chú ngựa được tắm rửa chải lông, lục lạc đeo trên cổ ngựa được lau chùi cho sáng bóng, thùng xe cũng được “tân trang” cho tươi tắn hơn trong vài ba ngày tết. Ngựa và xe như sang trọng hẳn lên để sớm mai xuân sẽ đón chào những hành khách nhỏ!
Những chiếc xe ngựa chở đầy bọn trẻ, nhịp bước chân khua lộc cộc đều đều trên con đường gập ghềnh. Tiếng lục lạc leng keng rộn ràng, tiếng nói cười hò reo vang vọng. Thỉnh thoảng, đang chạy trên đường mà gặp một chiếc xe ngựa khác cũng chở trẻ con đi chơi là tụi nhỏ giục bác xà ích đánh ngựa cho nhanh, kiểu như đua xem ngựa nào chiến hơn vậy!
Như để chiều lòng các cháu, bác lái ngựa ra roi, ngựa phi nhanh hơn, tiếng vó ngựa khua giòn tan liên hồi, tiếng cười reo vang dậy khắp một quãng đường. Riêng tôi chỉ trông mong cho ngựa đi thật chậm để được ngắm nhìn cánh đồng mùa xuân đang xanh mướt, nhìn quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp ven đường. Cũng có khi ngựa đuối sức vì đường xấu gập ghềnh mà còn chở nặng nên không lên dốc nổi. Lúc này, bác tài ngựa cùng mấy đứa lớn hơn nhảy xuống đẩy xe phụ giúp ngựa!
Tôi nhớ lắm phố xá ngày xưa chưa tấp nập, xe ngựa còn được phép đi vào trong nội thị. Cuối chiều, chiếc xe ngựa vẫn đợi chờ bọn trẻ trở về! Chiếc xe thô sơ cũ kỹ với chú ngựa cần mẫn siêng năng, bác xà ích vất vả mưu sinh nhưng giàu lòng nhân hậu, thương bọn trẻ nghèo mà sẵn sàng chở giúp nếu không có tiền trả. Đã thế, bác còn để sẵn phích nước lạnh với một ít bánh in, bánh cốm cho mấy đứa nhỏ. Chiếc xe ngựa như chở đầy ký ức của tuổi thơ.
Có xe ngựa chuyên dụng đi quảng cáo cho hai rạp hát lớn trên tỉnh. Cũng là chiếc xe ngựa vân tải nhưng chỉ treo hai tấm bảng quảng cáo phim hay tuồng hát. Trong mui xe có ba người, một bác xà ích, một bác đáng trống và một bác phát tờ program. Bọn trẻ chúng tôi chen nhau đuổi theo xe để xin cho được tờ program.
Người xưa hoài niệm về xe ngựa lối xưa, luyến lưu hồn cỏ mùa thu vấn vương trên lâu đài nền cũ. Tôi nay bồi hồi nhớ về bóng dáng những chiếc xe ngựa thô sơ cũ kỹ, xa xăm một thời. Dù bộn bề lo toan cơm áo nhưng đôi lúc lòng miên man nhớ: Tuổi thơ háo hức mong chờ/ Tết xưa xe ngựa, bây giờ còn đâu!
Lâu lắm rồi tôi chưa gặp một chiếc xe ngựa trên đường, còn dùng nó để chở trẻ con đi chơi tết thì càng không thấy nữa. Thương nhớ lắm những chiếc xe ngựa ngày xưa!
Mời Xem :
bây giờ hết xe ngựa rồi
Trả lờiXóa