Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Tạp Ghi và Phiếm Luận : HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG. (2)

Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

                  HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG  (2)
                                ( Những mối tình oan nghiệt )

Nhà văn KIM DUNG                             
             
     四張機,              Tứ trương cơ,
                  鴛鴦織就欲雙飛,   Uyên ương chức tựu dục song phi,
                  可憐未老頭先白。   Khả lân vị lão đầu tiên bạch.
                  春波碧草,            Xuân ba bích thảo,
                  曉寒深處,            Hiểu hàn thâm xứ,
                  相對浴紅衣。         Tương đối dục hồng y.

        Đó là bài TỪ 詞 của bà Anh Cô 瑛姑 (trước là Lưu Qúy Phi của Đoàn Nam Đế) thêu trên chiếc khăn tay để tặng cho Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông 周伯通. Châu Bá Thông là người không sợ trời không sợ đất, bình sinh ông ta chỉ sợ có hai người : Sư huynh Vương Trùng Dương và... Hoàng Dung, cô em dâu bất đắc dĩ của thằng bạn kết nghĩa vong niên Quách Tĩnh. Mỗi lần muốn khống chế và đối phó với Lão Ngoan Đồng thì Hoàng Dung chỉ cần đọc ba chữ "TỨ TRƯƠNG CƠ..." thì Chu Bá Thông y như là trúng phải tà, như Tông Ngộ Không bị Đường Tăng niệm chú khẩn cô, nhất nhất nói gì cũng nghe theo cả ! Thì ra...
       Sau luận kiếm Hoa Sơn lần thứ nhất, Vương Trùng Dương biết mình không còn sống được bao lâu, nên mới dắt theo sư đệ là Chu Bá Thông đến nước Đại Lý gặp Đoàn Nam Đế để truyền th lại môn Tiên Thiên Công cho Đoàn Nam Đế phối hợp với Nhất Dương Chỉ mà khống chế Tây Độc Âu Dương Phong đang lăm le muốn chiếm đoạt Cửu Âm Chân Kinh để xưng bá võ lâm Trung Nguyên. Trong lúc hai huynh trưởng đang đàm luận trao đổi võ công, thì Chu Bá Thông với tính khí vô tư như trẻ con chạy lung tung trong hậu cung Đại Lý, với tính ham vui và háo thắng Chu Bá Thông đã dạy cho Lưu Qúy Phi môn điểm huyệt, nào ngờ gái xuân trai trẻ, tiếp xúc đụng chạm lâu ngày, Lưu Phi sinh lòng cảm mến yêu thương Chu Bá Thông. Rồi trong một lần đụng chạm thân mật hai người đã làm chuyện không nên làm. Lưu Phi đã tặng cho Chu Bá Thông chiếc khăn tay có thêu đôi uyên ương hí thủy và bài từ nêu trên. Trong bản dịch của Hàn Giang Nhạn ngày xưa đã thoát dịch bài từ trên thành một bài thơ tứ tuyệt thật hay như sau :

                   Liền cánh uyên ương dệt mộng mơ,
                   Lòng xuân tóc trắng điểm bơ phờ,
                   Hương xuân chưa thắm tình trăng gió,
                   Áo đỏ không phai nét hững hờ !


Sự việc đổ bể, Vương Trùng Dương trói Chu Bá Thông đến chịu tội với Đoàn Hoàng Gia. Với tinh thần hiệp nghĩa của võ lâm đồng đạo, Nam Đế chẳng những không bắt tội mà còn gả luôn Lưu Phi cho Chu Bá Thông. Nhưng Chu Bá Thông lại không chịu, vì với tính khí vô tư và thích vui đùa của Chu, ông ta chỉ nghĩ là như một cuộc vui chơi qua rồi thì thôi, chớ không chịu gò bó lập gia đình với đủ điều phiền toái. Ông rút chiếc khăn thêu trả lại cho Lưu Phi và chịu tội chết với Đoàn Hoàng Gia, nhưng lại được tha tội. Ông bỏ đi biệt tích để lại mối hận tình oan nghiệt cho bà Lưu Phi ưu sầu trong cung cấm...
     Vì thế nên hễ nhắc đến bài từ "Tứ trương cơ..." là Chu Bá Thông ta lại cảm thấy áy náy, hối hận, ray rức... nên chịu nghe theo lời Hoàng Dung chỉ cần cô ta không đọc tiếp bài từ đó nữa là được rồi !

     KIM DUNG đã nhặt bài từ trên từ trong dân gian, các bài từ vô danh nhưng rất gợi cảm dễ đánh động lòng người như những câu ca dao dân gian trong bài "Mười Thương" của ta vậy :

                  Một thương tóc bỏ đuôi gà
                  Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
                  Ba thương má lúm đồng tiền,
                  Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua...

     Còn "TỨ TRƯƠNG CƠ" là thể loại TỪ rất thịnh hành trong đời Tống, bài từ trên chỉ là một vế của toàn bài Từ có tên là "CỬU TRƯƠNG CƠ 九張機". Có nghĩa : Chín cái khung cửi dệt vải, là Chín cái máy dệt. Từ "Nhất Trương Cơ" cho đến "Cửu Trương Cơ" là Chín Khung Cửi, bài TỨ TRƯƠNG CƠ là khung cửi thứ tư mà thôi. Nếu dịch đúng theo thể loại của bài từ thì là :

                  Khung cửi tư này,
                  Uyên ương dệt mộng muốn cùng bay,
                  Khá thương xuân sắc đầu đà bạc.
                  Sóng xuân cỏ biếc,
                  Sáng lòng lạnh lẽo,
                  Áo đỏ giặt cùng ai !

     Hoàng Dung cũng đã nhái theo thể loại nầy mà làm hai bài tặng cho Quách Tĩnh là "Thất Trương Cơ 七張機" và "Cửu Trương Cơ 九張機" như sau :

                 七張機,              Thất Trương cơ (Ki),
                 春蠶吐盡一生絲,  Xuân tầm thổ tận nhất sanh ti,
                 莫教容易裁羅綺。  Mạc giao dung dị tài la y.
                 無端剪破,          Vô đoan tiễn phá,
                 仙鸞綵鳳,          Tiên loan thái phụng,
                 分作兩邊衣。       Phân tác lưỡng biên y !
    Có nghĩa :
                 Khung cửi bảy hờ,
                 Tầm xuân nhả hết một đời tơ,
                 Chớ để dễ dàng may áo gấm.
                 Khi không cắt xén,
                 Loan tiên Phụng múa,
                 Chia vạt áo hai bờ !

        Bài "Cửu Trương Cơ" như sau :

                 九張機,               Cửu trương cơ (ki),
                 雙飛雙葉又雙枝,   Song phi song diệp hựu song chi,
                 薄情自古多別離。   Bạc tình tự cổ đa biệt ly.
                 從頭到底,           Tòng đầu đáo đễ,
                 將心縈繫,           Tương tâm oanh hệ,
                 穿過一條絲。        Xuyên quá nhất điều ti.
    Có nghĩa :
                 Khung cửi chín ni,
                 Hai cành hai lá lại song phi,
                 Bạc tình xưa nay lắm biệt ly.
                 Từ đầu đến cuối,
                 Để lòng vấn vít,
                 Vướng mắc sợi tơ chi !
 

Đây là những bài ca bài hát của các cô gái hoài xuân ngồi quay tơ dệt vải bên khung cửi để bày giải nổi lòng tâm tư tình cảm của mình. Kim Dung đã khéo chọn "bài thứ tư" có nội dung ướt át và hợp với hoàn cảnh và chuyện tình oan nghiệt của Lưu Qúy Phi (Anh Cô) và Chu Bá Thông để đưa vào trong truyện. Chỉ có Hàn Giang Nhạn dịch thoát nhưng rất hay, rất gợi tình và lại có tính văn chương mượt mà ướt át, không như những bản dịch sau nầy rất hời hợt và rất dở, rất vụng không có tính văn chương chút nào cả.         
       Mối tình oan nghiệt thứ hai là của Lý Mạc Sầu và Lục Triển Nguyên. Lý Mạc Sầu trốn khỏi Cổ Mộ thâm u để đi ra thế giới bên ngoài. Trước cảnh non xanh nước biếc, mãi vui chơi nên lạc đến nước Đại Lý và tình cờ quen với Lục Triển Nguyên. Hai người yêu nhau, Lục từ giã về quê, hứa sẽ trình thưa với cha mẹ để cưới Lý Mạc Sâu. Không ngờ đợi mãi vẫn không thấy tăm hơi gì cả, bèn lần mò đến Lục gia trang, thì thấy Lục Triển Nguyên đang làm lễ thành hôn với Hà Nguyên Quân là nghĩa nữ của Võ Tam Thông. Lý Mạc Sầu nổi giận định phá tan hôn lễ, nhưng có cao tăng của Thiên Long Tự ngăn cản. Lý Mạc Sầu hẹn mười năm sau khi công phu luyện thành sẽ đến báo thù rửa hận. Qủa nhiên mười năm sau Lý Mạc Sầu đến khủng bố và tàn sát hết cả nhà của Lục Triển Nguyên cả gà chó cũng không chừa. Trong khoảng thời gian hận sầu với mối tình ngang trái nầy Lý Mạc Sầu luôn miệng ngâm nga hai câu thơ sau :

                  問世間,情為何物,  Vấn thế gian, tình vi hà vật,
                  直教生死相許?      Trực giao sanh tử tương hứa ?
Có nghĩa :
             Hỏi thế gian, tình là vật chi, mà khiến cho người ta...
             Phải lấy cái sống chết để hứa hẹn với nhau ?

       Đây là hai câu mở đầu trong bài "Nhạn Khâu Từ 雁丘詞" của Nguyên Háo Vấn 元好問 (1190-1257) là nhà văn học, sử học ở giữa đời Kim và Nguyên của Trung Hoa. Lúc nhỏ thông minh dĩnh ngộ, nổi tiếng là thần đồng. Năm 16 tuổi, trên đường lai kinh ứng thí, ông gặp một người thợ săn giương cung bắn một cặp nhạn đang bay. Một con nhạn bị bắn rơi xuống đất, con nhạn kia bèn xếp cánh cắm đầu rớt xuống chết theo. Cảm động trước tấm tình thủy chung của đôi chim nhạn, Nguyên Háo Vấn đã hỏi mua xác của đôi chim và chôn cùng một nấm mộ, đề là NHẠN KHÂU 雁丘, rồi làm bài từ theo điệu Mạc Ngư Nhi 摸魚兒 lấy tên là NHẠN KHÂU TỪ 雁丘詞 là "Mồ Chôn Chim Nhạn"như sau :

                問世間,情為何物,     Vấn thế gian, tình vi hà vật,
                直教生死相許 ?          Trực giao sanh tử tương hứa ?
                天南地北雙飛客,        Thiên nam địa bắc song phi khách,
                老翅幾回寒暑。           Lão xí kỷ hồi hàn thử.
                歡樂趣,離别苦,        Hoan lạc thú, ly biệt khổ,
                就中更有痴兒女...        Tựu trung cánh hữu si nhi nữ...
Có nghĩa :
             Hỏi thế gian tình là vật gì,
             Mà đem chết sống hứa nhau chi ?
             Trời nam đất bắc cùng là khách,
             Ấm lạnh cánh già mòn mõi.
             Vui hoan lạc, khổ biệt ly,
             Chỉ riêng nhi nữ mối tình si...

Bài từ còn dài (16 câu nữa), nhưng phần sau không ăn vào những tình tiết câu truyện nên Kim Dung không có trích. Mỗi lần ngâm các câu thơ trên với mối hận bạc tình, Lý Mạc Sầu đã ra tay giết cả nhà Lục Triển Nguyên một cách tàn độc không thương xót, cho thấy đau khổ vì thất tình đã biến con người trở nên vô cảm biết chừng nào !
                         
      Sau đây là các kiểu ghen, các kiểu hận tình của các người đẹp trong truyện THIÊN LONG BÁT BỘ 天龍八部.  Đầu tiên là ...

      - CHUNG PHU NHÂN (CAM BẢO BẢO 甘宝宝) : mẹ của Chung Linh. Bị người yêu đẹp trai hào hoa phong nhã là Đoàn Chính Thuần phụ rẫy. Bà quyết định lấy một người chồng "Xấu như ma, Mặt dài như ngựa" để trả thù người yêu. Chồng bà là Chung Vạn Cừu, lấy hiệu là VẠN CỪU ĐOÀN, tức coi họ Đoàn là kẻ thù muôn thuở. 
      - TU LA ĐAO 修羅刀 TẦN HỒNG MIÊN 秦红棉 : Bị Đoàn Chính Thuần phụ rẫy khi đã có thai, nên khi sanh ra Mộc Uyển Thanh thì bảo là nhặt được con hoang bên đường, chỉ cho con gọi mình là sư phụ. Dạy cho con giỏi võ công để đi giết người yêu và vợ cả của Đoàn Chính Thuần là Vương Phu Nhân và Đao Bạch Phượng.
      - VƯƠNG PHU NHÂN (LÝ THANH LA 李青蘿) : Hận Đoàn Chính Thuần bạc tình, nên hận luôn cả những người nào mang họ Đoàn. Hễ gặp người mang họ Đoàn là giết chết không tha, ngay cả những người của nước Đại Lý hay ở gần nước Đại Lý cũng giết luôn để chôn xác làm phân cho Mạn Đà La Hoa (tên riêng của Trà Hoa) mà người tình phụ bạc của mình... Đoàn Chính Thuần rất yêu thích !
      - NGUYỄN TINH TRÚC 阮星竹 : Không giỏi võ công, chỉ giỏi thủy tính, bơi lội rất giỏi, là mẹ của A CHÂU và A TỬ. Bà là người hời hợt nhất, dễ dãi nhất, nên cũng hạnh phúc nhất. Đoàn Chính Thuần phụ bạc thì khi đẻ con ra bà cho người khác nuôi; Khi gặp lại chỉ cần năn nỉ vài câu là bà tha thứ cho Đoàn Chính Thuần ngay và hai người lại vui vẻ ở bên nhau.
      - MÃ PHU NHÂN (KHANG MẪN 康敏) : Bà là người thâm hiễm, độc ác và có dã tâm nhất trong các người tình của Đoàn Chính Thuần. Bị Đoàn phụ rẫy, bà lấy Phó Bang chủ Cái Bang là Mã Đại Nguyên, hy vọng sẽ được làm Bang Chủ Phu Nhân, nhưng Bang Chủ lại lọt vào tay của Kiều Phong, bà bèn quay sang gạ gẫm Kiều Phong. Nhưng Kiều Phong là bản sắc anh hùng chính hiệu chỉ biết giao du với bằng hữu và uống rượu mà không màng đến nhi nữ thường tình. Bà đâm ra hận Kiều Phong bèn lén lúc tư tình với Chấp Pháp Trưởng Lão Bạch Thế Kính và Thập Phương Tú Tài Toàn Quán Thanh, để cùng moi móc nguồn gốc Khất Đan của ông với mục đích là làm cho ông thân bại danh liệt, vì ông đã dám coi thường mối tình si của bà dành cho ông. Về phần Đoàn Chính Thuần khi gặp lại, bà đã gài cho họ Đoàn uống phải Thập Hương Nhuyễn Cân Tán cho mất hết sức lực, rồi nhắc lại lời thề năm xưa nếu phụ bạc thì sẽ bị muôn đao phân thây. Bà kể cho Đoàn Chính Thuần nghe : Lúc nhỏ nhà nghèo, Tết đến thấy cô bé nhà bên khoe có bộ đồ mới mua. Bà tức lắm đêm đó thừa lúc mọi người ngủ say, bà lẻn qua nhà cô bé, lục ra bộ đồ mới, rồi lấy kéo cắt xuôi cắt ngược, cắt cho không còn vá lại được nữa mới thôi. Rồi bà kết luận rằng : "Cái nào mà bà không có được, thì sẽ tìm cách huỷ hoại nó đi, chớ không để cho người khác có được". Nói xong, bà hôn Đoàn Chính Thuần từ đầu đến vai một cách âu yếm, rồi hé miệng cắn cho một phát phun máu và rớt một miếng thịt ra. Bà nói là ở đây không có muôn đao phân thây, bà sẽ... cắn Đoàn Chính Thuần từ từ cho đến chết !
     - ĐAO BẠCH PHƯỢNG 刀白鳳 là chính phi của Đoàn Chính Thuần, là mẹ của Đoàn Dự. Vì chịu không nổi tính trăng hoa lăng nhăng của chồng mà xuất gia làm đạo cô, hiệu là Ngọc Hư Tản Nhân 玉虛散人. Ngoài việc giận chồng xuất gia làm đạo cô ra, trong lúc ghen tương qúa độ bà đã làm nhục chồng bằng cách lấy một người ăn mày hèn hạ; chẳng ngờ gả ăn mày hèn hạ dơ dáy kia chính là Thái tử Diên Khánh, người đứng đầu TỨ ÁC NHÂN sau nầy là ÁC QUÁN MÃN DOANH. Cũng nhờ thế, mà theo tập tục của nước Đại Lý lúc bấy giờ, Đoàn Dự có thể lấy hết các cô em chú bác 2 đời như Chung Linh, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên một cách hợp lệ.
 
Cái hay của Kim Dung là đã HƯ CẤU ra rất nhiều chuyện tình mà không chuyện nào giống chuyện nào cả. Tâm lý nhân vật cũng vậy, muôn hình vạn trạng, nhưng lại rất nhân bản rất thực tế giống như là cuộc sống của ta trước mắt. Trong số các tình nhân của Đoàn Chính Thuần thì Nguyễn Tinh Trúc là người vô tư, ít chủ kiến và hiền lành nhất. Bà ta không thông minh và biết tiến thoái như Cam Bảo Bảo; cũng không sắc sảo và oán hận như Tần Hồng Miên; càng không kiêu ngạo và bá đạo như Vương Phu Nhân; và càng không ngông cuồng ác độc nham hiễm như Mã phu nhân Khang Mẫn. Nên...
       Mặc dù không có nét đặc sắc nào cả, nhưng lại là một người đẹp đầy nữ tính và rất hồn nhiên, chính những nét rất bình thường đó đã làm cho nàng ta sống những ngày tháng hạnh phúc nhất, lâu dài nhất bên cạnh Đoàn Chính Thuần hào hoa phong nhã.

       Hẹn bài viết tới !
                                                                              杜紹德
                                                                          Đỗ Chiêu Đức

Mời Xem :

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...