Chuyện Bữa Cơm Gia Đình
Cuộc sống hiện đại ngày nay hình như khiến mọi người luôn quay cuồng, tất bật với hàng tá vấn đề cần giải quyết mỗi ngày nào là công việc làm, nào họp hành, nào con cháu, đôi khi chúng ta quên mất có những thứ nhỏ nhặt còn bỏ qua một cách đơn giản như bữa ăn cùng gia đình...
... Thời còn nhỏ, nhà tôi nghèo nhưng đông con, chúng tôi hầu như chẳng bao giờ ăn sáng! Buổi ăn trưa thì đều vội vàng tất bật, ăn nhanh để đi học đi làm. Riêng buổi cơm chiều là thong dong nhất. Tôi thường ham chơi với chúng bạn ngoài đường nên thế nào cũng bị má gọi năm bảy lượt mới về. Đang vui chơi mà bị má gọi, tôi hờn trách cả ông trời sao nhanh tối, chưa đói mà má cứ gọi hoài. Có hôm vẫn mải mê chơi nên vào mâm trễ, ba không nói không rằng tán một phát vào màng tang toé lửa. Đau nhưng không dám khóc rồi ba dạy: “Nhà đông người, vào ăn một lượt không thôi không còn đồ ăn, ăn sau thì ai có thời gian đâu mà chờ dọn mâm, rữa chén” . Tôi dạ, ngồi xuống ăn cơm mà nước mắt rưng rưng. Lần ấy, tôi thấy buổi cơm chiều sao thiệt mệt! Nhưng từ đó về sau, dù ham chơi nhưng tôi lo về sớm, còn phụ giúp cơm nước để ba má yên lòng.
Thời thơ ấu, chắc rằng những người đồng niên với tôi cũng từng được lớn lên cùng những hương vị món ăn của mẹ, của gia đình. Ngày còn nghèo khó, bữa cơm đơn giản chỉ là chút thịt hay cá kho quẹt, chút rau luộc và nước canh, chén bát cũng không phải là những bộ hoa văn đẹp đẽ như bây giờ, cả nhà ngồi quây quần cùng nhau bên mâm cơm, kể cho nhau những câu chuyện vụn vặt đời thường. Mâm cơm dọn ra trên chiếc đệm giữa sân lúc trời còn chạng vạng, ai cũng ngồi bẹp, má không cho ngồi chồm hổm sợ thắt bụng khó ăn no. Trong bữa cơm, má nhắc nhở các con chuyện kia, chuyện nọ. Nào là nhường người lớn ăn trước, nào là ăn phải cẩn thận, đừng để đổ tháo, hạt cơm như hạt ngọc trời. Nào là so đũa phải bằng nhau, đừng để chiếc dài, chiếc ngắn. nào là phải sới cơm cho tơi trước khi bới cơm, nào là canh phải dùng muỗng múc vào chén ăn rồi húp chứ đừng húp muỗng chung, đừng cho đũa đang ăn vào trong tô canh chung. Rồi là không được la rầy trong bữa ăn: “Trời đánh tránh bữa ăn”...
Mâm cơm chỉ có rau trái vườn nhà, nấu canh hoặc xào, luộc. Ngon hơn là có được bữa cá đồng kho mặn, mớ tép nấu canh bầu, canh bí. Những lần ấy, bữa cơm chiều sao mà ngon ngọt, thân thương. Tôi hiểu biết thêm nhiều điều qua lời dạy của má trong mỗi bữa cơm! Hương vị của những món ăn trong bữa cơm gia đình có lẽ sẽ khó tìm được khi chúng ta xa gia đình, hương vị ấy ngoài những gia vị thân quen đặc trưng của món ăn còn chứa đựng cả gia vị của sự yêu thương dù đôi khi đó chỉ là những bữa ăn nấu vội. Những bữa cơm ăn cùng nhau cũng là khoảng thời gian đặc biệt của mỗi gia đình, khoảnh khắc được tận hưởng sự đầm ấm, sự gắn kết yêu thương giữa những thành viên và cảm nhận được niềm hạnh phúc gia đình, đó mới là ý nghĩa thực sự và sâu sắc của bữa cơm gia đình. Dù là bậc vĩ nhân hay là người bình thường, ai cũng trân quý gia đình mình bởi đó là nơi ấm áp, an yên nhất. Ở đó có những bữa cơm gia đình, dẫu đủ đầy hay đạm bạc cũng đều đậm đà hương vị tình thân. Ngồi xuống mâm cơm bình dị cuối ngày, gắp cho nhau miếng dưa miếng cá, nói lời an ủi động viên nhau đi qua bao nhọc nhằn dâu bể và cầu mong an lành luôn đến cùng mỗi sớm ban mai!
Còn bây giờ, khi cuộc sống của chúng ta ngày càng hiện đại, gấp gáp, chúng ta bắt đầu xa rời những thói quen cũ, nếp sống vội vã đã làm thay đổi nhiều thứ, cha mẹ mải chạy theo công việc, con cái bận rộn với chuyện học hành, bè bạn, việc quây quần bên mâm cơm gia đình nóng hổi mỗi tối dần trở thành một dịp hiếm hoi và tẻ nhạt dần.
Ở những thành phố lớn, các em bé lứa tuổi mầm non được ba mẹ cho ăn hai bữa ở trường bởi hầu hết các gia đình không có đủ thời gian khi mỗi sáng cho con ăn xong ba mẹ lại vội vã đến công sở, hầu hết đều thấy mất thời gian cho các bé ăn và chỉ muốn tìm cách tiện nhất cho cuộc sống của mình. Các bé lứa tuổi tiểu học, trung học thì tất bật với lịch học cả ngày ở trường, đến tối các buổi học thêm, ngoại khoá dày đặc, đôi khi bữa ăn của các bạn chỉ là ổ bánh mì gặm vội khi ngồi trên xe trên đường tới lớp, hiếm lắm mới có bữa ăn quây quần bên gia đình.
Bỏ qua vấn đề về dinh dưỡng thì chắc chắn rằng một bộ phận không thế hệ trẻ sẽ lớn lên mà không có nhiều ký ức về bữa cơm gia đình, về hình ảnh người mẹ với những món ngon dậy mùi bên trong căn bếp nhỏ của nhà mình, mọi sự gắn kết với gia đình trở nên mờ nhạt.
Đàn ông với nhiều mối quan hệ làm ăn trên bàn nhậu cũng đã đẩy những bữa ăn gia đình đi xa hơn, bữa cơm chiều gia đình dù đơn giản cũng trở nên khó thực hiện hơn. Buổi chiều tối cứ chạy dọc những con đường, chúng ta bắt gặp không ít hình ảnh những người đàn ông - những ông bố - trong những quán nhậu, chẳng mấy ai nhớ thời điểm này là khoảng thời gian tất cả thành viên trong gia đình sum họp bên bữa ăn gia đình sau một ngày dài ư?
Phụ nữ ngày nay hướng ngoại nhiều hơn, công việc và gánh vác trách nhiệm xã hội gần như đàn ông, có thể việc nấu ăn với nhiều người phụ nữ sẽ tốn kém nhiều thời gian của họ nên những bữa ăn gia đình cũng vì vậy mà trở nên ít đi.
Thế hệ trẻ ngày nay ở một số gia đình không còn biết đến bữa cơm gia đình là như thế nào nữa, cơm nước được nấu sẵn, ai đói thì cứ việc tự lấy mà ăn, ai có công việc phải đi sớm thì ăn trước, ai không có việc gì thì ăn sau… Sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên vì vậy mà trở nên lỏng lẻo, mọi sự chia sẻ hầu như không còn.
Tôi nghĩ rằng: Cho dù xã hội hiện đại đến đâu chăng nữa, những giá trị truyền thống tốt đẹp, những bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của chúng ta. Một gia đình hạnh phúc là ở đó mọi thành viên luôn có sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau từ những việc đơn giản. Nếu khó sắp xếp thời gian hằng ngày được thì cố sắp xếp những ngày cuối tuần để có bữa ăn gia đình. Bữa cơm gia đình ấm áp khi mọi người cùng quây quần bên nhau là một hình ảnh bình dị, thân thương đã in sâu trong tâm khảm của nhiều người trong chúng ta. Vì thế, hãy trân trọng những điều giản dị nhưng ý nghĩa, cùng vun vén bữa cơm gia đình. Ăn gì không quan trọng, miễn là ăn cùng nhau!
câu chuyện rất hay
Trả lờiXóa