Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

CHÀO NHÂM DẦN - Thơ Nhất Hùng,Hồ Nguyễn Họa

CHÀO NHÂM DẦN

Chào mừng năm mới, chào Nhâm Dần,
Hy vọng bừng lên đón chúa Xuân.
Khởi mối an hòa toàn thế giới,
Gieo mầm hạnh phúc khắp nhân quần.
Cầu dân Nam đổi đời muôn vẻ,
Mong nước Việt thăng tiến vạn lần.
Văn nghệ sĩ phùng thời đắc vận,
Như rồng hổ gặp hội phong vân.

Nhất Hùng


 HỌA: NHÂM DẦN ĐANG ĐẾN

Rón rén đầu thôn bóng chú Dần,

Nhe hàm răng nhọn đón mừng Xuân.
Dịch ghê hoảng vía văng Virus,
Hán giặc khiếp kinh vứt áo quần.
Thế giới tưng bừng vui khắp chốn,
Nhà Nam hớn hở gắp muôn lần.
Trẻ con ca hát vang inh ỏi,
Bô lão khề khà rượu ngắm vân.

HỒ NGUYỄN (27-01-2022)

Cọp Trong Y Học - BS Nguyễn Thượng Chánh


Nguyễn Thượng Chánh, DVM


Cọp là chúa sơn lâm. Mạnh như cọp và dữ như cọp là những điều không ai có thể chối cãi được.


Cọp trong y học cổ truyền


Từ cả ngàn năm nay, y học cổ truyền Trung Quốc đã xem cọp như một loài vật vô cùng hiếm quý để cung cấp nguyên liệu dùng làm thuốc.
Chính lý do nầy là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của giống cọp trong một tương lai sắp tới.
Mặc dù cọp được tổ chức quốc tế CITES (Convention on International Trade in Endangered Species) bảo vệ, ngăn cấm việc mua bán đổi chác các phần và bộ phận lấy từ cọp nhưng nguy cơ bị tuyệt chủng vẫn còn đe dọa trước mắt.
Lý do chánh yếu vẫn là dân tộc Á Châu còn bị bị tiêm nhiễm nặng ý tưởng về khả năng trị liệu vô song của loài cọp. Có lẽ đây là một nét văn hóa đặc thù đã có từ cả ngàn năm nay nên không thể nào một sớm một chiều gột bỏ đi được. 
Trung Quốc và Việt Nam đều là hội viên của CITES. 
Hai quốc gia nầy đều có ban bố những điều luật khắt khe nghiêm cấm việc mua bán, đổi chác sang nhượng, sử dụng nguyên liệu lấy từ cọp để sản xuất thuốc. 
Dân chúng cũng được giáo dục để họ có ý thức hơn trong việc bảo tồn giống cọp, đồng thời được khuyến khích nên sử dụng dược liệu rẻ tiền hơn và hữu hiệu hơn là cao hổ cốt để trị bệnh đau nhức.
Nhưng thực tế cho thấy, ngoài đời khó áp luật dụng một cách cho có hiệu quả được cũng tại vấn đề $$$ quá hấp dẫn mà thôi!

Cọp dùng để trị bệnh gì?
Y học cổ truyền Trung Quốc rất mạnh về việc sử dụng các bộ phận của cọp để làm thuốc. 
Ngược lại, y học phương Tây thì chống lại vấn đề trên vì thiếu khảo cứu khoa học chính chắn và xem đây là một nguyên nhân làm tuyệt chủng loài cọp trên thế giới.
Theo Đông y, hầu như tất cả các phần và bộ phận của cọp đều có thể dùng để làm thuốc được.
Qua tài liệu Tây phương, nói về vấn đề y học cổ truyền Trung Quốc đã sử dụng các phần của cọp thì đại khái:
Animal parts & Chinese medicine
http://factsanddetails.com/china.php"itemid=331&catid=13&subcatid=83
- Râu cọp: trị nhức răng và tăng cường sức khỏe;
-Mắt cọp: trị co giật convulsion, kinh phong epilepsy, sốt rét malaria, cườm mắt cataract, an thần kinh (nervousness);
- Mũi cọp: trị kinh phong;
- Đuôi cọp: dùng trị bệnh ngoài da;
- Răng cọp: dùng làm đồ trang sức đeo ở cổ để trừ tà ma, đạn bắn không trúng (")
Răng được dùng để trị bệnh dại, hen suyễn, đau ở thằng nhỏ;
- Óc cọp: trị uể oải, làm biếng;
- Huyết cọp: giúp tăng sinh lực;
- Da cọp: trị bệnh tâm thần;
- Thịt cọp: trị sốt rét, tăng cượng sinh lực, ói mửa;
- Dái cọp: trị ho lao;
- Mật cọp: trị co giật ở trẻ em;
- Sạn mật cọp: trị mệt mỏi, chảy nước mắt;
- Phân cọp: trị co giật, sốt rét, ung loét…
Tại Đài Loan, một chén cháo cọp bán ra với giá 320$US, quảng cáo nói là đại bổ giúp cho các ông cường tráng, múa lân hay và còn múa lâu nữa, múa hoài mà không biết mệt là gì...
Thịt cọp ăn có mùi tương tợ như thịt heo, nhưng chứa nhiều nạt hơn thịt heo.
** Xương cọp hay hổ cốt: xay thành bột, ngâm rượu, nấu cao trị phong thấp, viêm khớp, tăng lực cơ, kéo dài tuổi thọ.
** Rượu hổ cốt tiger bone wine: tạo sinh lực, cường tráng.
Cọp trưởng thành cho lối 12kg xương. 
Cũng như các loài động vật khác, xương cọp chứa chính yếu chất phosphorus, calcium và chất sắt.
Theo khoa học Tây phương, thì xương cọp chả có một giá trị gì cả trong trị liệu. 
Đây là chưa kể có thể là hàng dỏm, làm từ xương chó, hoặc đôi khi được trộn thêm các loại thuốc Tây, v.v.


Về mặt Đông Y, người viết xin quý bạn đọc bài sau đây:
Bs Lê Văn Lân: Hổ cốt: Cao & Rượu đăng trong trang KhoaHoc .net
http://www.khoahoc.net/baivo/levanlan/hocotcaovaruou.htm
“…Xương cọp và vuốt cọp cùng lông bàn chân cọp làm bùa cho con nít đeo. Xương cọp treo trên nóc nhà thì đuởi quỉ ma khiến người nhà không bị ác mộng. Hình vẽ cọp treolàm bùa gọi là Hắc hổ trấn phủ (búa cọp đen) như phong tục VN ngày xưa thường làm để cho con nít dễ nuôi, khỏi sài đen hay ma quỉ bắt. Đôi khi dân ta còn treo bùa Ngũ hổ(5 ông thần cọp) với đủ 5 sắc của ngũ hành: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen.
Hổ cốt được coi là thuốc quí trong những thứ khác trong ý niệm dân Á Đông. Điều nầy đã phản ảng và liệt kê rõ ràng tron văn chương của cuốn Trinh Thủ.
Tìm Thầy Biển Thước lập phương
Mã đề, qui bản, sà sàng, lộc nhung
Nhân sâm liên nhục, mật ong
Pha cao hổ cốt,ban long luyện hoàn
Bổ trong ngũ nội đã an
Vợ chồng lục vị, thập toàn uống chung.
Hổ cốt có thể được điều chế theo những phép thôn thường như sau:
-Thang (nấu sôi lấy nước)
-Tán (nghiền thành bột)
-Cao (nấu cô lại thành bánh)
- Hoàn (lấy bột vò viên)
- Tửu (ngâm rượu)
Ngâm rượu, nấu cao và luyện viên là nhũng cách thường nghe nói nhất.
Những khảo sát thực nghiệm về hổ cốt:
Hổ cốt có chứa: collagen, mỡ, calcium phosphate, calcium carbonate, magnésium phosphate, kalium carbonate. Collagène là hoạt chất chánh. Gélatine của hổ cốt chứa 17 amino acids.
Ở Hoa lục, người Tàu đã làm nhiều khảo sát, tuy nhiên tính chất chính xác, khoa học của sự khảo sát và sự hiệu nghiệm trên dược lực học và áp dụng lâm sàng ra sao, thế giới bên ngoài chưa đủ dữ kiện và bằng chứng để đánh giá vì tất cả những khảo sát đều thi hành trong nội địa khép kính của nước Trung Hoa. Người ta chắc còn phải chờ đợi và đọc thêm nhiều tài liệu thư tịch từ các xứ khác.
Cuốn sách mà tôi tra cứu duy nhất là cuốn Pharmacology and applications of chinese materia medica ấn hành do World Scientific Publishing Co, 1987 do hai tiến sĩ Hsou Mou Chang v2 Paul Pui thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Dược Liệu Trung Y của The Chinese University of HongKong. Theo sự khảo sát về dược học trên loài vật trong phòng thí nghiệm thì hổ cốt có những công hiệu rõ: kháng viêm chỉ thống, an thấn, và làm lành xương gẫy. Còn về khảo sát lâm sàng thì hổ cốt trị được viêm khớp do phong thấp và nhiều dạng phong thấp khác và trường hợp gẫy xương với kế quả rất cao từ 65- 92%...» Bs Lê Văn Lân

Làm sao biết cọp thật cọp giả"
Kiểu Việt Nam ta
Mời các bạn đọc bài sau đây của Thạc Sĩ Hoàng Khánh Toàn (báo Khoa Học & Đời Sống) 
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Suc-Khoe/Cach-Phan-Biet-Cao-Ho-Cot-That-Gia.html
“...Thực ra, với mắt thường rất khó phân biệt đâu là cao hổ thật và đâu là cao hổ giả. Trong dân gian, người ta có một số cách thử như: nếu là cao hổ thật thì ngọn cỏ tươi cắm trên mặt cao phải héo úa, chó ngửi thấy phải bỏ chạy hoặc cho chó tiếp xúc với bộ xương hổ chó sẽ rên hư hử và rúm ró toàn thân, người uống cao sẽ cảm thấy một luồng khí nóng chạy khắp cơ thể. Tuy nhiên những cách thử này xem ra cũng thiếu căn cứ khoa học. 
 Phương pháp thử nghiệm khoa học theo kiều Tây phương 
Để biết sản phẩm có chứa chất liệu thật sự của cọp hay không, các nhà khoa học Anh đã sử dụng đến phương pháp DNA, chính là để tìm vết tích của di thể đặc thù của loài cọp gọi là cytochrome b gene fragments. Mục đích là để có đủ bằng chứng pháp lý để truy tố con buôn ra tòa. Được biết Cọp là loài thú được tổ chức CITES bảo vệ. Cấm mua bán hoặc đổi chác.
http://www.fsigeneticssup.com/article/PIIS1875176808001546/fulltext

Chuyện râu cọp theo kiểu ta
Trong dân gian Việt Nam, thường nghe nói đến huyền thoại về chuyện râu cọp làm chết người…
Râu cọp cấy vào mụn măng non, khi măng già đi thì nơi cấy sẽ sinh sản ra một con sâu ỉa ra cứt đen. 
Đây là một loại độc tố vô cùng lợi hại. Chỉ cần lấy một tí phân bằng đầu cây tăm bỏ vô lu nước cũng đủ giết chết cả nhà người ta. 
Bạn có tin hay không" 
Riêng người viết chắc chắn là không tin rồi.
Vì vậy, hễ mỗi khi vừa bắn hạ được một con cọp thì việc đầu tiên của người thợ săn có lương tâm phải dùng lửa thui hết các sợi râu quanh miệng con vật để kẻ gian ác không thể sử dụng làm thuốc độc để ám hại người khác (").

Các nhà chuyên môn nói gì về việc sử dụng bộ phận cọp để trị bệnh
Các vị bác sĩ chuyên khoa tại Singapore đều đả phá huyền thoại dương vật cọp có tính năng tăng cường khả năng tình dục, và trị được bệnh liệt dương ở các ông. 
Đó chỉ là một huyền thoại, là một yếu tố tâm lý giả tạo placebo mà thôi! 
Chẳng có một căn bản khoa học ráo trọi nào cả!
http://www.indonesiatraveling.com/National%20Parks%20Indonesia/Animal%20protection/Animals%20for%20medical%20use.htm
Three urology specialists dismissed the belief that problems like erectile dysfunction (ED) can be cured by consuming tiger genitalia. 
'It consists of nothing extraordinary except muscle, blood vessels and fats with no real remedy. What we recommend is a proper history and physical examination,' said Dr Lim Kok Bin, registrar of Singapore General Hospital's urology department. 
Dr James Tan of Tan Tock Seng Hospital, who was the principal researcher in Singapore's first major study on ED, said it's all 'very mythical'. 
'Drying or cooking the tiger penis, or soaking it in wine, will denature the hormones, so there will be no effect.' 
Adjunct professor Peter Lim, medical director of Gleneagles' Andrology Urology and Continence centre, agreed: 'Even if you eat it raw, it will just be digested. 

 Viagra có thể là cứu tinh của loài cọp không"

Thăm dò của một số nhà chuyên môn thực hiện tại Hồng Kông, cho thấy phần lớn những người đàn ông từ trước tới giờ vẫn thường hay dùng sản phẩm mắc tiền như cao hổ cốt, hoặc dương vật hổ để giúp họ trị đau nhức và phong thấp, đồng thời cải thiện được khả năng tình dục bết bát của họ... 
Nay họ nói sẽ sẵn sàng chuyển qua các loại thuốc Tây như Viagra. 
Xin nói rõ, là Viagra thứ thiệt giá cũng phải 10$US/viên mua tại Hoa Kỳ, và nó không phải là thuốc làm tăng sự ham muốn tình dục (libido), nhưng chỉ là thuốc giúp thằng nhỏ được cương cứng lên mà thôi.
Bởi lý lẽ trên mà có nhiều người lạc quan, trong đó phải kể đến nhà bào chế Pfizer hy vọng viên thuốc màu xanh sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc gián tiếp giúp cho Ông 30 khỏi bị tuyệt chủng!
Phải chăng Viagra sẽ giúp cọp khỏi rơi vào nguy cơ bị tuyệt chủng"
http://www.news-medical.net/news/2005/10/10/13664.aspx
Riêng cá nhân người viết nghĩ rằng Viagra chẳng có thể giúp ích gì trong việc ngăn ngừa loài cọp khỏi bị tuyệt chủng đâu, vì đa số người Á Châu nói chung, và dân Việt Nam chúng ta nói riêng vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nét văn hóa cổ truyền, xem cái gì của con cọp cũng là số một number one hết trọi!

Thực đơn thịt cọp tại Mã Lai

Vào năm 2004 vừa qua, báo chí có cho biết là một số nhà hàng tại Mã Lai có bán thịt cọp. Nguồn cung cấp đồ quốc cấm nầy là vùng rừng rậm phía nam của bang Johor, thuộc về Mã Lai.
Món thịt cọp đã thu hút được khá nhiều khách đến từ Singapor, một quốc gia lân cận với Mã Lai.
Giá bán 1kg thịt cọp bán ra lối 1.000 ringgits (263$US), xương cọp 600 ringgits (200$US). 
Mỗi con cọp săn được, thổ dân bộ lạc Orang Asli sẽ được trả 15.000 ringgits tương đương (4.000$US), và phần các người trung gian môi giới thì được trả nhiều hơn gấp bội.
Kết luận
Phải ít nhứt 100 năm nữa, đến thế hệ cháu chắt chúng ta, tư duy con người mới có thể thay đổi được, và huyền thoại về cọp trong trị liệu pháp mới hy vọng được chấm dứt trong quên lãng, vì lúc đó loài cọp hoang dã đã bị tuyệt chủng từ lâu, lâu lắm rồi vậy!
Vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải có bổn phận bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ loài cọp vì chúng là một thành phần quan trọng của sinh thái./.

 Tham khảo:

- Adrian Linacre. On the Trial of Tigers-Tracking Tigers in Traditional East Asian Medicine
http://www.fsigeneticssup.com/article/PIIS1875176808001546/fulltext
- International Tiger Coalition. Facts of Tiger & Farming
http://www.endtigertrade.org/pdf/Tiger_Farming_facts_en.pdf

- Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh

 Montreal, Dec 30



🌼

 

TẠI SAO NGƯỜI NHẬT CÓ RẤT NHIỀU HỌ? - Nguyễn Sơn Hùng (Diển Đàn Khai Phóng )

 

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

  1. Số họ của người Nhật

Dân số của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Đại Hàn vào năm 2020 lần lượt là 1,439 triệu , 126 triệu, 97 triệu và 51 triệu người. Trong khi đó số họ, family name trong tiếng Anh và 名 字 (myoji) trong tiếng Nhật, của người dân trong các quốc gia nói trên lần lượt là khoảng 5 ngàn, 200 ngàn, 1 ngàn (số họ của người Kinh chỉ khoảng 165) và 300 họ. Số họ của Nhật Bản nhiều hơn Trung Quốc 40 lần, Việt Nam 200 lần và Đại Hàn 900 lần.

Họ Kim của Đại Hàn chiếm 20% dân số, và nếu thêm 2 họ Lý và họ Phác chiếm khoảng 50 % dân số. Ba họ đứng đầu của Trung Quốc là Vương, Lý và Trương đều chiếm khoảng 7% dân số nên cộng lại khoảng 21%. Ba họ đứng đầu của Việt Nam là Nguyễn (khoảng 38%), Trần khoảng 21 %, Lê khoảng 9%, tổng cộng khoảng 68 % dân số. Trong tổng số 3 họ đứng đầu của Nhật Bản TakahashiSuzuki và Satô chiếm không đến 1%.

   Từ số liệu trên chúng ta có thể thấy Nhật Bản là một trong những quốc gia đặc biệt có rất nhiều họ trên thế giới. Ở đây người viết xin được giới thiệu sơ lược quá trình lịch sử thành lập và biến đổi về họ ở Nhật Bản để quý độc giả có thể thấy lý do tại sao quốc gia này có rất nhiều họ và qua đó hiểu được một vài đặc điểm của dân tộc này.

  1. Trước thời Nara (~710)

Vào thời cổ đại Nhật Bản đã có chế độ thị tínhThị 氏 (uji) để chỉ huyết thống của một tập đoàn con người có cùng dòng máu của tổ tiên. Có các thị tộc nổi tiếng như Trung Thần 中 臣 (Nakatomi) giỏi về việc cúng thần tế lễ; thị tộc Thổ Sư 土 師 (Haji) giỏi về việc xây cất mộ; thị tộc Vật Bộ 物 部 (Monobe), Đại Bạn 大 伴 (Ômoto) nổi tiếng về việc quân sự và hình phạt.

Tính 姓 (kabane) là danh hiệu được thiên hoàng ban phong cho. Vào năm 646 do cải cách Đại Hóa, 8 cấp bậc của tính được đặt ra: Chân Nhân 真 人(Mahito), Triều Thần 朝 臣 (Ason) , Túc Nỉ 宿 禰 (Sukune), Kị Thốn忌 寸 (Imiki) , Đạo Sư道 師 (Michinoshi) ,Thần 臣 (Omi), Liên 連 (Muraji), Đạo Trí 稲 置 (Inagi).

  1. Thời đại Heian (794~1185)

Vào thời đại này các trọng thần hầu hết do 4 thị tộc, Nguyên 源 (Minamoto), Bình 平 (Taira, Hei), Đằng Nguyên 藤 原 (Fujiwara) và Quất 橘 (Tachibana) đảm nhiệm. Thị tộc Nguyên và Bình xuất thân từ huyết thống thiên hoàng. Thị tộc Đằng Nguyên có nhiều người làm hoàng hậu. Bởi vì thiên hoàng ban phong hoặc nâng cấp cho những người có công với triều đình nên bốn thị tộc này đều có tính là Triều Thần nên chế độ phân biệt thân phận, địa vị bằng tính không còn giá trị trên thực tế.

   Trong 4 thị tộc trên, thị tộc Fujiwara là có thế lực to lớn và đông người nhất. Do đó vào cuối thời Heian, danh tự (họ) 名 字 (myoji) được dùng để phân biệt gia tộc trongthị tộc. Một người cha có nhiều con trai có cùng thị nhưng lập gia đình ra ở riêng, nơi trú ngụ khác nhau và theo nghề nghiệp khác nhau. Thị tộc Fujiwara có rất nhiều người, nhiều gia đình nên sinh ra nhu cầu dùng họ để phân biệt giữa các gia đình (gia tộc) trong cùng thị tộc.

  1. Họ của quý tộc

Quý tộc Fujiwara lấy tên địa danh của nơi cư trú trong kinh đô Kyoto làm họ cho các gia tộc. Nhất Điều一条 (Ichijô) , Nhị Điều 二 条 (Nijô)…Cửu Điều 九 条 (Kujô), Ưng Ti 鷹 司 (Katatsuka), Cận Vệ 近 衛 (Konoe) đều là các gia tộc đều thuộc thị tộc Fujiwara.

Các thị tộc như MinamotoTaira và Tachibana cũng có khuynh hướng tương tự. Như vậy vào thời kỳ này họ gồm có 2 loại: loại họ giữ nguyên tên của thị tộc và loại họ mới lấy từ tên địa danh cư trú sinh sống.

  1. Họ của võ sĩ (samurai)

Trong thành phần quý tộc cũng có người trở thành võ sĩ để hành nghề bảo vệ an ninh cho các quý tộc hoặc đi địa phương để khai thác đất đai mới lập nghiệp. Thành phần này thường lấy tên thị tộc của tổ tiên hoặc tên nơi sinh sống lập nghiệp làm họ.

Trước thời Nam Bắc Triều (1337~1392), gia sản được chia cho các người con nhưng các gia tộc của con thứ phải chịu quản lý của con trưởng hay người con được chỉ định thừa kế. Từ thời Nam Bắc Triều gia sản chỉ truyền lại cho con trưởng hoặc người con được chỉ định thừa kế để tài sản không bị phân tán làm thế lực gia tộc bị suy yếu. Các người con không được kế thừa phải đi đến địa phương khác hay làm con nuôi của các thị tộc để lập sự nghiệp. Các người này sẽ có họ mới không còn giữ họ ban đầu và lập ra một thị tộc mới.

Việc không chia đều tài sản cho con cái để tránh phân tán tài sản đưa đến suy giảm thế lực không những trong giới võ sĩ mà cũng được lan rộng trong giới thương mại.

   Thí dụ vào thời Nam Bắc Triều, thế lực của 2 võ sĩ Túc Lợi Tôn Thị 足 利 尊 氏(Ashikaga Takauji) và Tân Điền Nghĩa Trinh 新 田 義 貞(Nitta Yoshisada) tranh nhau. Hai người này vốn xuất xứ từ thị tộc Nguyên 源 (Minamoto) nhưng Takauji có lãnh địa tên là Ashikaga nên tên địa danh này trở thành họ của ông. Trường hợp của Yoshisada cũng tương tự. Do đó, ở Nhật Bản người cùng huyết thống cách nhau vài đời tranh đấu nhau là chuyện thông thường. Nếu không thay đổi giữa các thế hệ thì họ Nguyên (Minamoto) có thể tương tự với họ Nguyễn ở Việt Nam và họ Kim ở Đại Hàn.

   Tổ của dòng họ Tân Điền (Nitta) vốn là Nguyên Nghĩa Trọng 源 義 重 (Minamoto Yoshishige) có 4 con trai: trưởng nam thành lập thị tộc Lý Kiến 里 見 (Satomi), con thứ hai lập thị tộc Sơn Danh 山 名 (Yamana), con thứ ba kế thừa thị tộc Tân Điền (Nitta), con thứ tư lập thị tộc Đức Xuyên 徳 川 (Tokugawa). Thời Kamukura chủ yếu do thị tộc Nguyên (Minamoto) làm Tướng Quân lập ra mạc phủ Kamakura; thời Muromachi do thị tộc Túc Lợi (Ashikaga) làm Tướng Quân lập ra mạc phủ Muromachi và thời Edo do thị tộc Đức Xuyên (Tokugawa) làm Tướng Quân lập ra mạc phủ Edo. Các Tướng Quân nói trên đều xuất xứ từ thị tộc Nguyên (Minamoto), một thị tộc phát sinh từ huyết thống của thiên hoàng Nhật Bản.

  1. Thời đại Kamakura (1185~1333)

Vào thời đại Kamakura giới quý tộc và giới võ sĩ bắt đầu có nhận thức xem họ (myoji) là đặc quyền của 2 cấp bậc này, mạc phủ ra luật cấm nông dân có họ.

  1. Thời đại Muromachi (1336~1573)

Tuy nhiên vào thời Muromachi nông dân khởi loạn, thời đại hạ khắc thượng bắt đầu, thế lực mạc phủ suy yếu và nông dân có ảnh hưởng đến giới võ sĩ nên giới võ sĩ bắt đầu cho cho nông dân theo họ của mình. Luật cấm nông dân có họ của mạc phủ trở nên thất bại.

  1. Thời đại Azuchimomoyama (1573~1603)

Võ sĩ Toyotomi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản bắt đầu chính sách phân chia thân phận giữa võ sĩ và nông dân. Họ (myoji) lại được xem như đặc quyền của giới thống trị và nông dân dần dần tự ý thức hạn chế việc dùng họ.

  1. Thời đại Edo (1603~1868)

Vào thời Edo, họ (myoji) được dùng như chứng minh thân phận. Năm 1801 lệnh cấm thứ dân có họ và mang đao được ban hành. Họ được xem là đặc quyền của cấp bậc võ sĩ trở lên và một số thứ dân như võ sĩ trở thành nông dân hoặc các thương gia có thương hiệu.

Trên sổ sách hành chính nhà nước thứ dân không có họ nhưng trên sổ sách tư nhân họ có thể được dùng. Do đó, cho đến thời Edo người thường dân Nhật Bản không có họ trên phương diện công cộng chính thức nhưng có thể có họ ở mặt tư nhân. Số họ của giai cấp võ sĩ trở lên trong thời đại này khoảng 10 ngàn.

  1. Thời Meiji (1868~1912)

Ngày 19 tháng 9 năm 1870 (Minh Trị năm thứ 3) lệnh thường dân được phép có họ được ban hành. Tuy nhiên thường dân e ngại có họ sẽ phải đóng thuế nên ít người chịu đăng ký.

Năm 1871 luật Hộ Tịch được ban hành. Cùng năm chính phủ ra luật phế bỏ dùng tính (kabane), chỉ được dùng họ và tên thật.

Năm 1872 luật cấm dùng nhiều tên được ban hành, nghĩa là chỉ được dùng một thứ tên, tên thường gọi (tự 字(azana)) hoặc tên thật (húy 諱 (imina)).

Thời xưa tên họ đầy đủ được viết như sau cho cho trường hợp 織 田 信 長: 平 朝 臣 織 田 三 郎 信 長, nghĩa là gồm có thị (平 Taira no) )- tính (朝 臣 Ason)- họ 織 田 (Oda) – tự (三 郎 Saburô)) )- húy (信長 Nobunaga).

Cùng năm ban hành luật cấm đổi họ đã đăng ký để tránh việc đổi họ dễ dàng.

Ngày 13 tháng 5 năm 1875 chính phủ ra luật bắt buộc phải sử dụng họ vì việc đăng ký họ không được phổ cập tốt. Để giúp người không biết đặt họ, chính phủ đưa ra một số họ để có thể chọn.

Các cách sử dụng họ sau đây đã được sử dụng:

  • Dùng họ đã được cho phép từ thời Edo.
  • Dùng họ đã có trước thời Edo nhưng đã không sử dụng chính thức.
  • Dùng họ của các nhân vật quan trọng trong thôn.
  • Tự mình đặt ra.

  Các cách đặt họ mới được dùng như sau:

  • Lấy từ tên địa danh.
  • Lấy từ địa hình hoặc phong cảnh.
  • Lấy từ phương hướng hay vị trí.
  • Lấy từ nghề nghiệp.

Năm 1898 luật vợ chồng phải cùng họ được ban hành.

Lời kết

  Lược qua quá trình lịch sử thành lập họ ở Nhật Bản chúng ta có thể thấy vài đặc điểm như sau:

  1. Trước thời Minh Trị, họ được xem là một cách để phân biệt thân phận, giai cấp xã hội, và giai cấp thống trị xem như một đặc quyền của họ.
  2. Sau thời Nam Bắc Triều người Nhật có khuynh hướng không phân chia đều tài sản cho các con để tránh suy yếu thế lực cả trong giới võ sĩ và thương gia.
  3. Họ có mối quan hệ mật thiết với nơi sinh sống. Do đó người Nhật Bản dùng từ nhất sở huyền mệnh 一 所 懸 命 (isshokenmei), nghĩa là dồn hết sức lực sinh mạng của mình vào một địa điểm, một địa phương để diễn tả tư thế nỗ lực cố gắng. Ngày nay “một địa điểm” không còn thích hợp nên người Nhật đổi 所 (sho) thành 生 (shô) nghĩa là gắng sức cả đời.
  4. Ngày xưa người Nhật Bản có khuynh hướng tạo lập cho dòng dõi (thị tộc) mới có sắc thái khác hoặc tốt hơn dòng dõi (thị tộc) của đời trước để xứng đáng với việc lập ra những gia tộc mới hoặc thị tộc mới.
  5. Ngày xưa do cách ghi chép tên họ phức tạp bao gồm cả thị, tính, họ, tự và húy và tích cực ghi chép gia phả nên người Nhật Bản biết được nguồn gốc huyết thống của mình.

Nguyễn Sơn Hùng, 21/1/2022

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trang web của công ty Kaju (tiếng Nhật): https://ka-ju.co.jp/column/myoji
  1. Kasaya Kazuhiko: Tinh Thần Sử của Võ Sĩ Đạo 武 士 道 の 精 神 史 (nội dung: sơ lược về diễn biến lịch sử của tinh thần võ sĩ đạo) (tiếng Nhật), Chikumashobo, 2017.

 

GIA ĐÌNH ẤM ÊM ! - Fb Vũ Tiến Thất


Hôm nay bố lĩnh lương, bố được bạn bè kêu góp gió ra ngoài quán mới khai trương làm vài chén... Tối mịt bố đờ đẫn vào nhà, mẹ chạy ra đỡ bố và ôn tồn nói:
- Anh có mệt không, anh ngồi nghỉ, em pha chanh nóng cho anh uống nhé.

Thấy lạ tôi hỏi mẹ:
- Bố uống say bí tỷ như thế, bỏ công việc nhà, bỏ mẹ con mình, sao mẹ không sạc bố, lại còn nói nhẹ nhàng vậy?
Mẹ tôi bảo:
- Bố con, lâu lâu vui vẻ với bạn bè tí mà, việc gì phải ầm ĩ lên? Nói lời yêu thương, nhẹ nhàng hay hơn lời cáu gắt con à....
Chiều đó, mẹ tôi nấu nồi canh chua mặn chát, thế mà bố tôi vẫn chan cơm thêm tí nước sôi vào và ăn ngon lành.
Tôi hỏi bố?
Sao mẹ nấu cơm canh như thế mà bố ăn được cũng tài nhỉ, con thì con chịu đấy?

Bố tôi bảo:
- Mẹ mệt cả ngày rồi, làm được mâm cơm cho bố con mình ăn, còn hơn ăn cơm hộp, mẹ lỡ tay cho nhiều mắm muối thôi mà, chỉ cần chan thêm chút nước sôi là sẽ nhạt ra, hãy ăn thoải mái để gia đinh yên ấm hơn là chê trách móc, con nhé.

Đã là 1 gia đình, hãy khoan dung để người thân có cơ hội sửa đổi, thay vì làm quan tòa phán xét tội đồ, vẫn hay hơn.
                                       

🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸
       

Đã là một gia đình, hãy biết lắng nghe, nín nhịn để luôn hạnh phúc.
 

Fb Vũ Tiến Thất

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Đã xác định được độ tuổi bất hạnh nhất của con người.

Các nhà khoa học tại Đại học Dartmouth và Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Mỹ) đã xác định được ở độ tuổi nào con người sống trong giai đoạn bất hạnh nhất cuộc đời.
Các chuyên gia đã nghiên cứu dữ liệu từ 132 quốc gia. Những người ở các độ tuổi khác nhau được yêu cầu đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống của họ. Hóa ra giai đoạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời của con người là khi họ 18-20 tuổi, sau đó tình hình xấu đi và bị khủng hoảng lúc khoảng 47-48 tuổi.
Cần lưu ý rằng cư dân các nước phát triển gặp khủng hoảng ở tuổi 47, ở các nước đang phát triển là 48 tuổi 2 tháng, ở Nga, Trung Quốc và Mexico là 43 tuổi. Trạng thái này kéo dài đến 60 tuổi, sau đó bắt đầu thăng hoa và ở tuổi 70 người ta lại đạt được sự hài lòng lớn nhất trong ​​đời.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng điều này không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, mà phụ thuộc vào quá trình sinh hóa trong cơ thể và mức độ hormone.
Trước đó, nhà thần kinh học Rustem Gaifutdinov của Nga cũng giải thích khả năng nhanh chóng quên đi những ký ức xấu của con người. Theo ông, những ký ức tiêu cực vẫn còn lưu trong trí nhớ, nhưng khả năng tiếp cận chúng bị hạn chế. Chuyên gia lưu ý rằng con người có thể nhớ tất cả mọi thứ đã xảy ra nếu bạn cố gắng. Đối với điều này, có những thực hành đặc biệt trong pháp y.
“Ý thức của con người có những cơ chế giúp chúng ta tránh nhớ đến những gì tiêu cực. Nếu chúng ta thường xuyên trải qua những kinh nghiệm tiêu cực, điều này sẽ không kéo dài tuổi thọ và sẽ không khiến chúng ta thành công. Trong những khoảnh khắc trải nghiệm tiêu cực, con người dễ bị tổn thương về mọi mặt. Bộ não đã cung cấp cơ chế bảo vệ, để không cố ghi lại những gì tiêu cực và chuyển sang tích cực, lạc quan, để tiếp tục sống. Đây là một thuộc tính của ý thức, là khả năng tồn tại của nó. Đây là cơ chế hỗ trợ thích nghi”, ông Rustem Gaifutdinov nói.
 
Sciences.


Dung HoKhanh chuyển

CUỐI NĂM NHÌN LẠI - Thơ Songquang và 4 Bài Họa Của Các Thi Hửu + 1 bài Cảm Ý



CUỐI NĂM NHÌN LẠI…
(Đưa ông Táo về Trời)

Cuối năm nhìn lại chuyện thằng tôi,
Làm được gì không cái phận người ?
Việc nước làng nhàng….rồi lỡ dỡ,
Chuyện nhà lạng quạng …cũng thường thôi.
An vui cuộc sống nhằm quên tủi,
Đọc sách thơ văn để hiểu thời.
Ngày tháng qua đi thành lão giả,
Thẹn mình sao xấu một đời trôi.
songquang (2022/01/25)

 

HỌA 1 : CHUYỆN NHÂN GIAN

Lắm chuyện trần gian lụy đến tôi,
Quanh năm cứ mãi bận do người.
Ngày bao tin tức la xòm mãi,
Đêm lắm phê bình rống tiếng thôi.
Mặc kệ thế nhân chi vướng tục,
Xuôi tình thiên hạ phủi qua thời.
Cuối năm đưa Táo quy Trời tấu,
Không thẹn lòng thành kiếp nổi trôi.
HỒ NGUYỄN (24-01-2022)

 

HỌA  2 : ĐỜI TÔI

Quay nhìn, ngẫm lại cuộc đời tôi,
Thấm thoát gần xong một kiếp người.
Sự nghiệp, công danh nào khá mấy,
Cửa nhà, tiên bạc tạm thời thôi.
Lên voi, nhàn nhã đà bao chốc,
Xuống chó, lao đao cũng một thời.
May mắn tinh thần luôn ổn định,
Tháng ngày tiếp nối cứ dần trôi.
Sông Thu (25/01/2022)
 

 Họa 3 :NHÌN LẠI

Chẳng hận buồn chi cái lão tôi
Chín hai xuân chẵn nước dòng trôi
An bài định mệnh đành theo thế
Hơn thiệt chẳng qua một chữ thời
Thấm thoắt thời gian đang xiết lại
Giơ tay cố níu phận con người
Mai kia trở lại thành hư ảo
Thì cứ vui đi rồi cũng thôi ....
Chung Văn
25/1/2022


 

Họa 4 :TÁO NHÀ THƠ.
 

Ba ông bà táo giã từ tôi
Phóng thẳng lên không, bỏ cõi người
Tháng chạp băng mây thường vẫn thế
Hăm ba vượt gió thật quen thôi
Phi thuyền đời mới vui đang thủa
Cá chép muôn xưa đã lỗi thời
Trình tấu Ngọc Hoàng Thượng Đế rõ
Rằng nhà nghệ sĩ sống buông trôi ...
Los Angeles 25 - 1 - 2022
CAO MỴ NHÂN



Bài Cảm Ý

NHÂM DẦN TỰ THỌ
Bạch câu quá khích hiện Nhâm Dần,
Bạch phát tiêu sơ đáo cửu tuần.
Phiền não bất bình kiên quyết trục
Hân hoan tống cựu ngã nghinh xuân
Đào hoa phô sắc tâm thanh thản.
Vân Cẩu hoạ đồ mạc khán quan.
Phát huy công đức lưu hậu thế,
Kim thanh mộc đạc xiển nhân luân.
Đỗ Quang Vinh
壬 寅自壽
白 駒 過 隙 見
白 髮 蕭 疏 到 九 旬
煩 惱 不 平 堅 決 逐
欣 歡 送 舊 我 迎 春
桃 花 鋪 色 心 清 坦
雲 狗 畫 圖 莫 看 觀
發 輝 功 德 留 後 世
金 聲 木 鐸 闡 仁 倫
杜光荣
 
NHÂM DẦN ĐẾN THẤY MÌNH SỐNG LÂU
Thời gian thấm thoắt tới Nhâm Dần
Tóc trắng lưa thưa đã ngũ tuần.
Nỗi khổ chẳng ưng, quên hết thảy,
Bỏ qua chuyện cũ, đón mừng xuân.
Hoa đào khoe sắc lòng thư thái,
Tranh vẽ Bạc Tình chẳng ngắm luôn.
Công đức đời nay truyền đời khác,
Gióng chuông gõ mõ đắp nhân luân.
Đỗ Quang Vinh


TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI GIÀ - Đặng Thị Thanh An


 Trăm năm trong cõi người già
Chuyện gần nhớ ít, chuyện xa nhớ nhiều.
Chuyện từ thời bé tẻo teo
Nhớ từng chi tiết chẳng điều nào quên.

Thế mà chuyện mới kề bên
Chưa ra khỏi ngõ đã quên mất rồi.
Mắt đang đeo kính hẳn hoi
Bà tưởng mất kính khắp nơi bà tìm.

Tờ báo ông để ngăn trên
Ông lục ngăn dưới nên tìm chẳng ra.
Chìa khóa bà để trên nhà
Bà chạy xuống bếp tìm ba bốn lần.

Dép, giày ông để ngoài sân
Gầm giường ông kiếm nên lần không ra.
Gặp người hàng xóm chào qua
Nghĩ hoài không nhớ ông, bà tên chi.

Thẫn thờ ngồi trước ti vi
Mắt tuôn đầy lệ bờ mi ướt nhòe.
Thương người, cám cảnh, nhớ quê

Chuyện nhà, chuyện nước khó bề ngồi im.

Xem ra cảm xúc đầy mình
Dễ hờn, dễ tủi, nặng tình nghĩa nhân!
Tai nghe phải nhắc nhiều lần
Tập trung cố gắng mười phần hiểu ba.

Mắt nhìn mờ đến tối đa
Trông gà hóa cuốc, quạ thành đa đa.
Lương hưu tưởng đã đưa bà
Ông yên chí cất đến ba, bốn ngày.

Hết tiền bà giục đi vay
Giật mình thảng thốt: tiền đây thưa bà.
Bà lườm ông chỉ cười xòa
Quên tiền thì có, quên bà thì không.

Đặng thị Thanh An  



Xem Thêm :Tại sao người già cô đơn thế? - Phan Mỷ Chi

4 thói quen hàng ngày gây thiếu máu não trầm trọng, muốn khỏe mạnh hãy từ bỏ ngay hôm nay

Triệu chứng thiếu máu não rất hay gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Nếu không được điều trị rất dễ dẫn đến tình trạng đột quỵ, tai biến… nhất là trong thời tiết lạnh.
Sự kiện: Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe

Thiếu máu não là tình trạng thiếu máu cung cấp cho các tế bào não. Các triệu chứng của tình trạng thiếu máu não rất hay gặp nhưng dễ bị bỏ qua.

Các dấu hiệu sớm nhận biết bệnh thiếu máu não lúc đầu có vẻ nhẹ nhàng nhưng tiến triển khá nhanh. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh và mức độ quan tâm đến sức khỏe của người bệnh. Khi xuất hiện dấu hiệu gây bệnh, đừng nên chần chừ mà hãy đến những cơ sở y tế khám để có hướng điều trị kịp thời. Nếu để tình trạng kéo dài, rất dễ dẫn đến tình trạng đột quỵ, tai biến… nhất là trong thời tiết lạn

Ðể  phòng bệnh, cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao vừa sức và có chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế mỡ động vật, tăng cường đạm thực vật, rau và hoa quả cung cấp các chất tham gia tạo máu. Ðồng thời cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, tránh thay đổi thân nhiệt đột ngột.

Ngoài ra, 4 thói quen gây bệnh dưới đây cần được thay đổi sớm

 1/ Không gối đầu quá cao

Kê gối cao khiến đầu cao hơn thân người quá nhiều nên cản trở máu lưu thông từ tim lên não. Hơn nữa, khi kê gối quá cao, cổ của bạn sẽ bị gấp khúc ngay đốt sống cổ làm chèn ép dây thần kinh ở gáy nên ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu lên não lâu dần gây ra tình trạng thiếu máu não nguy hiểm.

Do đó, khi ngủ bạn không nên chọn gối quá cứng, đặc biệt độ cao gối chỉ nên khoảng 8 - 10cm là tốt nhất. Gối cao hơn 15cm sẽ rất hại sức khỏe.

 2/ Không dùng nhiều điện thoại, máy tính

Dùng điện thoại và máy tính cả ngày cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não. Do khi bạn ngồi và chỉ chăm chú nhìn về một hướng, cơ cổ không được vận động nên ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu não. Do đó, khi ngồi máy tính lâu, bạn nên đặt máy tính ngang tầm nhìn và thường xuyên vận động cơ cổ, xoa bóp cổ, xoay cổ qua trái phải nhiều lần cũng giúp máu lưu thông tốt hơn.

 3/ Không ăn nhiều chất béo

Nếu bạn là người thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm nhiều chất béo xấu, nhiều dầu mỡ sẽ dễ dẫn đến tình trạng hình thành các mảng xơ vữa trong thành mạch. Các mạch máu bị xơ vữa sẽ gây hẹp lòng mạch nên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tuần hoàn máu. Máu lưu thông khó khăn lâu ngày không đủ để cung cấp cho não nên dẫn đến tình trạng thiếu máu não nguy hiểm.

 4/ Lười vận động

Lười vận động là nguy cơ cao dẫn đến huyết mạch ứ trệ, quá trình lưu thông máu trở nên ì ạch, chậm chạp. Và đó là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng thiếu máu ở não. Do đó, không cần bài tập gì quá nặng, bạn chỉ cần mỗi ngày bỏ ra 15-30 phút khởi động tay chân, đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông... là cũng đủ cho khí huyết lưu thông tốt và nuôi dưỡng não tốt hơn.

Nguồn:
https://giadinh.net.vn/4-thoi-quen-hang-ngay-gay-thieu-mau-nao-tram-trong-muon-khoe-manh-hay-tu-...

 

 

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Radio FM974 Úc Châu : Người Lượm Tiền Trên Bải Đậu Xe Robert Barrett

    Mới chập chững vào những ngày đầu Thu mà trời hình như lạnh sớm. Cũng như thường lệ, trên đường làm ca đêm, đi bộ về, từ đầu góc công viên Barrett, theo lối mòn nhỏ nằm giữa hai hàng cây thông chưa đủ cao, chạy đổ dài dọc xuống cánh đồng cỏ, cuối bờ sông Maribyrnong, Ngữ băng ngang bải đậu xe phía Nam khu thương mại High Point để về nhà trọ. Sương giăng mù cả một khoảnh trời sáng sớm, lờ mờ chuyến xe điện từ hướng Moonee Ponds lặng lẽ ngang qua, trên xe không thấy ai và ở trạm đón cũng không có bóng người. Người đàn bà trong chiếc áo lạnh lùng thùng, tay dắt con chó nhỏ màu trắng ngà đi ngang, gật đầu chào buổi sáng, Ngữ đáp lại như mọi ngày, không buồn nhìn mặt nhau. Người đàn bà và con chó khuất dần ở cuối ngõ ra công viên từ lâu nhưng không thấy bóng dáng bác Tư, người đàn ông lớn tuổi mà sáng nào Ngữ cũng gặp khi đi làm về ngang, lang thang trên bải đậu xe. Ngữ đứng lại, đảo mắt nhìn kỹ dưới những gốc cây khuynh diệp, có tàng lá lớn ướt đẩm hơi sương bao quanh nơi này, không một bóng người, ngoại trừ hai ba con chim Hải Âu đuổi nhau giành đôi miếng ăn thừa, mà người đi mua sắm vứt lại sau buổi chiều ra về muộn. Rải rác đâu đó, hơn một chục cái xe đẩy mua hàng của mấy cửa hàng lớn và siêu thị Woolworth, nằm bừa bải trên mấy lối đi dành cho người đi bộ.

Maribyrnong River

    Ngữ quen bác Tư vào một sáng đầu Thu năm ngoái, trong những ngày đầu, mới đi làm ca đêm cho một xưởng sản xuất ghế ngồi an toàn, gắn trong xe hơi cho trẻ em ở Tottenham sau khi hảng điện tử cũ, nơi Ngữ vào làm từ ngày đến Úc đóng cửa, dời về Queensland, môt tiểu bang khác, cách đây hơn mấy ngàn cây số. Trước đó vài hôm, ngày nào cũng vậy, trên đường đi bộ về nhà trọ, băng qua bải đậu xe này, cũng vào giờ này, Ngữ đều thấy một người đàn ông đi đứng khập khễnh, trông có vẻ già tuổi, trong bộ quần áo cũ nhàu nát, đội cái nón vải rộng vành đen màu bạc như sương, lũi thũi đẩy từng cái xe mua hàng, bằng sắt bạc của siêu thị, xếp nối hàng dài nhau trong khung cọc sắt dành cho khách hàng trả lại, sau khi chất đồ vào xe hơi rải rác trên bải. Ông cứ lầm lũi đẩy, cúi gầm mặt xuống đất không ngó ai, nhưng cũng không có mấy người qua vì trời còn quá sớm. Ngữ nhìn ông trong mệt rã, sau một đêm thức trắng làm công, vội vã về để còn kịp ngủ bù lại cho đêm nay.

    Buổi sáng đầu Thu năm ngoái đó, trên đường đi bộ về, bất chợt trời đổ mưa lất phất như sương mang theo cái lạnh giao mùa khó chịu. Người đàn ông với bộ quần áo nhàu nát và cái nón vải củ bạc màu sương mà Ngữ gặp mấy hôm trước, đã có trên bải đậu xe từ hồi nào rồi, hình như ông mới đẩy một hai xe mua hàng, vì còn thấy nhiều cái khác còn nằm rải rác, chắn ngang những lằn vạch sơn trắng chia ô đậu xe. Đi ngang qua, ông không buồn nhìn lên, Ngữ cũng không buồn ngó lại, ở phía dưới đồi cỏ, con sông Maribyrnong lặng thinh chờ mặt trời lên đâu đó. Chưa kịp bước qua phía bên đường, có tiếng kêu “trời ơi” nghe thật rõ, át tiếng mưa, Ngữ khựng người quay lại, ông trợt té nằm ngã dưới đất, bên cạnh cái xe mua hàng cũng lật nghiêng, bất động.

    Ngữ quăng túi xách, ngồi bệt xuống, cố dùng hết sức đở ông lên. Toàn thân ông run từng chập, Ngữ cởi cái áo khoát của mình ra, choàng qua người ông, rồi một lần nữa đở ông đứng dậy. Qua màn mưa lất phất, cả hai ướt sũng, ông cố nhìn xuống đất, trên mặt đường nhựa, rãi rác hai ba đồng bạc cắc ngay chỗ ông té hồi nãy. Ngữ nhặt túi xách lên, dìu ông chầm chậm qua bên kia đường, ngồi xuống cái băng gỗ dài đặt một bên hành lang cửa ra vào khu thương mại. Ông thì thầm hai tiếng cám ơn trong lúc Ngữ đưa tay vuốt nước mưa đang chảy dài xuống mặt mình. Ngữ nhìn ông cười mà không nói gì hết. Đã có một chút mặt trời lưa thưa vài chỗ ngoài bải đậu xe, khu thương mại vẫn chưa tới giờ mở cửa. Hai người ngồi lặng thinh, không ai nói lời nào, Ngữ quen ông từ ngày hôm đó và cũng biết ông đã làm cái việc đi lượm tiền bạc cắc từ các cái xe đẩy mua hàng của siêu thị, trên bải đậu xe của khu thương mại High Point từ lâu lắm rồi nhưng chưa hề hỏi tại sao và để làm gì.

Hỉnh Minh Họa Only!

    Từ ngày đó, Ngữ không hỏi tên hay tuổi ông mà chỉ gọi hai tiếng bác Tư. Trước ngày mất nước, Ba Mươi Tháng Tư năm Một Chín Bảy Năm, bác là xã trưởng của một xã nhỏ, thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường, gần cầu Long Định. Vợ bác có một sạp bán trái cây trong nhà lồng chợ khá đông khách. Bác có hai đứa con, một trai trạc cở bằng tuổi Ngữ và một gái học ở trường tiểu học quận. Cuộc sống gia đình bác lúc bấy giờ tương đối an bình dù chiến cuộc xem ra ngày càng tăng hơn trước. Quân du kích thường rình mò về phá rối tại các ấp trong xa, nhất là những vùng nằm kề cận phía Mộc Hóa, Kiến Tường.

 Một ngày giữa tháng 3 năm 1974,  súng cối 82 ly pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy lúc xế trưa, đúng ngay giờ đang ra chơi, giết chết 32 em trong đó có hai đứa con của bác Tư và gần 50 em khác bị thương nặng. Vợ bác cũng không may, trúng đạn chết vì mấy trái đạn pháo khác lạc qua làm sập khu đầu chợ gần trường không xa, nơi sạp trái cây bà ở đó. Cả trời Cai Lậy phủ mờ một màu tang và nước mắt trên từng nấm mộ của trẻ thơ vô tội. Sau ngày chôn cất, bác có ý định về lại quê cũ ở Chợ Gạo, Bến Tranh nhưng trong nổi đau mất mác tột cùng này, bác lại rơi vào tình cảnh, đi không nở mà ở cũng không đành. Biết là bác sẽ buồn, nhưng bác chỉ buồn có một, mà vợ con đang nằm dưới ba tấc đất kia sẽ buồn tới mười, bác không muốn người ta gọi là những nấm mồ vô chủ. Bác quyết định ở lại xã, ở lại Cai Lậy nơi bác đã lớn lên và sống một phần đời với mùi bùn của đồng chua nước mặn từ những ngày sau đó

    Miền Nam thua cuộc, cùng với nhiều người khác, bác bị quận Cai Lậy bắt tập trung nhốt vào trại tù cải tạo ở khu Bến Đá, Mộc Hóa mênh mông trời nước, sau lần cúng giỗ đầu cho vợ con. Căn nhà bác ở cũng nhanh chóng đặt dưới quyền quản lý của họ, ngay khi bác ôm cái túi xách đựng mấy bộ quần áo bước ra khỏi cửa. Giữa mùa nước lụt hơn ba năm sau, bọn họ buộc phải dời trại tù và cũng là lúc họ cho tràn bộ đội vào đất Miên, thêm hàng ngàn thanh niên buộc đi làm “nghĩa vụ quân sự”, bác cùng hai ba người bạn tù khác trốn trại trên đường di chuyển bằng ghe xuồng, trà trộn vào đám thanh niên qua được tới vùng người Việt sinh sống quanh Biển Hồ. Định mạng một lần nữa không cho bác một sự chọn lựa nào khác hơn, đành làm người thất hứa, đành phải sống mà bỏ đi, vợ con bác ở lại dưới những nấm mồ vô chủ. Đã không còn nữa nước mắt mà khóc, bác sống vất vưỡng theo đó, ăn nhờ ở đậu, làm thuê làm mướn, lần mò cũng lên được tới miệt biên giới phía bắc và cuối cùng nhập đoàn vào nhóm người vượt biên bằng đường bộ từ Sài Gòn lên vào đất Thái Lan. Ở trại tỵ nạn chưa tới hai năm, bác được một hội từ thiện Tin Lành người Úc, bảo trợ đưa qua định cư ở tiểu bang Tasmania, một cái đảo nằm chếch cận Nam cực của lục địa Úc trong một ngày đầu Đông buốt lạnh.

Australian Baptist Church

    Không học hành nhiều, tiếng Anh tiếng u ngọng nghệu, người Việt lại không có bao nhiêu, bác Tư theo vài người mới quen từ trại tỵ nạn, trên cùng chuyến máy bay Qantas ngày qua Tasmania, bỏ nơi này vào đất liền, tìm một chỗ ở đậu nhờ trong cái nhà phụ, dựng phía sau mà người ta gọi là cái “băn-ga-lô”của ông mục sư Tin Lành khá già người Úc, chủ tế cái nhà thờ cây cũ kỹ nghèo nàn, ở vùng ngoại ô thành phố Ascot Vale, thuộc tiểu bang Victoria, một tiểu bang có số người Việt sinh sống đông thứ nhì và thành công, giàu có có tiếng trên xứ Úc này. Cũng may, Bác tìm được việc làm tại hảng vỏ xe hơi Dunlop sau ngày đến Melbourne không lâu, một việc làm cần tay chân, ra dấu nhiều hơn là nói năng và cũng không may, tại chỗ làm, không bao lâu, một ngày đó, khi dùng cần trục bằng điện kéo cuộn cao su lớn khoảng thùng phuy đựng dầu, để thay cho cái vừa hết, thanh sắt ngang, tuột khỏi dây xích, rớt đè đánh trúng vào ống chân, bác té quỵ, không có máu nhưng đau đớn không thể tả. Xe cứu thương đưa bác vào bệnh viện, nằm ở đó gần một tháng trời, cuối cùng bác bị gảy xương ống chân và trở thành một người tàn tật vĩnh viễn.

    Một hôm sáng sớm trời giữa Hạ, bác quen một ông già người Úc, hình như cũng bệnh hoạn lắm, quần áo cũng rách nát tả tơi, lang thang bước mất bước còn, đi lượm tiền bạc cắc, bằng cách đẩy mấy cái mấy cái xe mua hàng của siêu thị xếp nối hàng vào nhau, để tiền rớt ra từ ổ khóa, trên bải đậu xe ở công viên Barrett, khi ngồi nghỉ chân bên cạnh ông già, dưới gốc cây thông rậm bóng, chờ xe điện về nhà, trên sân cỏ úa màu trời rám nắng không xa bải đậu xe bao nhiêu. Hai người ba xí ba tú quơ tay gục gặc nói với nhau bằng tay chân, không biết có hiểu hết những gì mình nói hay không nhưng người ta thấy họ lúc thì gật đầu, lúc thì lắc đầu, nhìn nhau cười khoái chí. Ông già người Úc, dẫn bác Tư tới chỗ mấy cái xe đẩy, chỉ cho bác làm sao lấy tiền bạc cắc ra và đưa cho bác vài đồng, vừa kiếm được sáng nay, ra dấu chỉ vào chai nước nhỏ bằng mủ mà hai người đang uống, bảo bác cầm lấy. Rồi sáng nào cũng vậy, bác cũng đến công viên, gặp ông già người Úc, hai người lầm lũi loanh quanh từ bải đậu xe bên này đến bải đậu xe phía bên kia đường Rosamond cho đến giờ trung tâm thương mại mở cửa. Không lâu sau ông già người Úc qua đời vì xuất huyết mạch máu não và từ đó bác Tư thui thủi một mình.

2.   

    Ngữ đi nhanh hơn thường lệ, cố nhìn quanh quất một lần nữa trong màn sương mờ mờ đục, tới gần cuối rào của bải đậu xe, nơi giáp ranh với một khoảng đất rộng, đầy cỏ hoang khoảng chừng cái sân đá banh, bỏ trống từ mấy năm qua và con đường tráng xi măng, dùng để xe hàng loại lớn chất bỏ đồ đạc xuống cho cửa hàng bách hóa Target. Lố nhố hai ba người đứng lên ngồi xuống chỉ chỏ dưới đất, trước vĩa hè của tiệm bán máy may, dưới gốc cây to có nhiều hoa tim tím nhỏ, có cái gì đó hơi lo, Ngữ chạy vội đến, bác Tư nằm im bất động, hơi thở xem ra ngắn và từng cơn một, một hai cái xe đẩy mua hàng nằm rải rác sát bờ tường. Một trong mấy người này, người đàn bà lớn tuổi cho Ngữ biết, họ chạy bộ thể dục ngang, thấy ông đang đi té ngã xuống, nên dừng lại xem, chắc là bị “đứng tim” nên dùng điện thoại di động gọi xe cứu thương rồi. Chưa kịp hỏi thêm câu nào, thì xe cứu thương tới với tiếng còi hụ kéo dài, vang lanh lãnh cả một khu phố còn lặng im ngáy ngủ. Hai nhân viên cứu cấp, kéo băng ca, nhanh nhẹn dùng ống nghe, vừa khiêng bác lên xe vừa ra sức đè tay lên ngực bác liên tục. Theo thủ tục, với sự đồng ý của mình, họ điền tên Ngữ là người thân trên phiếu bệnh nhân, Ngữ nghe lời họ nhảy vội theo xe, tiếng còi một lần nữa ré lên, chiếc xe chạy bất kể đèn đường xanh đỏ về hướng bệnh viện Western General, bác Tư vẫn còn thoi thóp. Tới bệnh viện, người ta đưa bác vào phòng cấp cứu, Ngữ ở lại đó cho tới quá trưa, rồi ra về trong nổi buồn cay mắt, cô y tá trực không quên xác nhận lại số điện thoại di động của Ngữ trước khi nói tạm biệt. Quá nửa khuya của ca làm đêm, bệnh viện gọi điện thoại cho Ngữ báo tin bác Tư mất trước đó chừng hơn một tiếng đồng hồ.  Ngồi bất động, có chút nước mắt vội ứa ra mằn mặn trên môi, nổi đau vằn vặt kéo chùng lòng mình xuống, Ngữ chợt biết mình vừa khóc, trước mặt, cái máy đúc khuôn ghế đã ngưng chạy từ lâu, Ngữ vẫn ngồi yên ở đó.

    Ông mục sư già người Úc đem bác Tư đi chôn tại khu đất nhỏ gọi là nghĩa địa của hội nhà thờ, có mấy cây Phượng tím và cánh đồng hoa dại vàng rộng mênh mông, mà ông là người cai quản, ở một vùng nông thôn hẻo lánh. Đám tang chỉ có năm người vỏn vẹn, ông mục sư, một bà cụ già bưng đồ lễ, hai người đàn ông lo việc đào đất và Ngữ. Chờ ông mục sư làm dấu thánh giá kết thúc phần nghi lễ cầu nguyện, như đã nói với ông, Ngữ gom hết những gì ở cái “băn-ga-lô” gọi là của riêng bác Tư, bỏ xuống huyệt, trong đó có cái bao vải màu nâu bạc sờn nếp nhăn với tấm hình đen trắng hoen màu loang lỡ, chụp vợ chồng bác và hai đứa con trước cổng trụ sở xã với lá cờ ba sọc đỏ phía sau, hai đồng tiền cắc 50 xu của VNCH đã đen hơn phân nửa và một cái lon nhỏ đầy các đồng bạc cắc Úc mà bác đã lượm nó trong vài năm qua. Hai người đàn ông phụ việc lặng thinh, nhẩn nại cúi người đấp từng lớp đất một. Nắng trở mình, chạy dài từng vệt nhỏ về từ phía cuối cánh đồng, bóng ông mục sư già nghiêng theo hình cây thánh giá nằm vắt ngang nấm mộ mới đấp.

Thánh Giá

    Một lần nữa, ông mục sư sờ tay lên trên lớp đất cao và cái mộ bia bằng gỗ xám, làm dấu thánh giá và lâm râm đôi lời trước khi lên xe, ở đó mấy người đi theo đang chờ. Ngữ ngồi xuống, đưa tay vuốt trọn tên bác Tư trên mộ bia, thì thầm, vĩnh biệt và cầu mong bác tư ra đi bình yên, sớm gặp lại gia đình ở nơi không còn oan nghiệt và ở đó, bác sẽ mừng vui vô hạn, mang về cho con mình những đồng tiền bạc cắc mà bác đã chắt chiu đi lượm trên công viên Barrett. Chiếc xe hơi cũ chỡ người đi đám tang, nặng nề khuất dần sau hàng cây thông già ngoài đường cái.  Ở một phía xa đằng sau nghĩa địa mây kéo nhau về một màu xám ngắt, trời bất chợt nổi gió.

Thuyên Huy

 

Cọp Trong Văn Chương Việt Nam -GS Nguyễn Châu (tiếp )

 Mời Xem :

GS NGUYỄN CHÂU, NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP

 

Cuộc xướng họa giữa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ

Chiêu Hổ tên thật là Phạm Ðình Hổ (1768-1839), một danh sĩ thời Lê Cảnh Hưng. Ông là bạn văn thơ với Hồ Xuân Hương chủ nhân của Cổ Nguyệt đình (trong Hán tự chữ “cổ” ghép với chữ “nguyệt” là chữ “Hồ). Do đó, khi Chiêu Hổ nói “ghẹo nguyệt” là ám chỉ Hồ Xuân Hương. Cuộc xướng họa trêu ghẹo nhau gồm nhiều bài, ở đây chỉ xin dẫn ra hai bài có liên quan đến chữ Hổ, Hùm tức là cọp.

Trách Chiêu Hổ
Anh đồ tỉnh, anh đồ say,
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày ?
Này này chị bảo cho mà biết.
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Hồ Xuân Hương
 
Chiêu Hổ họa lại:
 
Này ông tỉnh! Này ông say!
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!
Hang hùm ví bẵng không ai mó,
Sao có hùm con bỗng trốc tay ?

Trong truyện Lục Vân Tiên:

“E khi họa hổ bất thành
Khi không mình lại xô mình xuống hang” (câu 123-124)
“Trước cho hùm cọp ăn mầy
Hại Tiên sau dựng mưu này mới xong” (câu 885-886)
(Hán Minh lập mưu hại Vân Tiên)

Trong Chinh Phụ ngâm:

“Ðã trắc trở đòi ngàn xà hổ
Lại lạnh lùng những chỗ phong sương” (câu 85-86)

Tôn Thọ Trường trả lời Phan Văn Trị:

“Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay...”

Trong truyện Trinh Thử:

“Trong nhà hắc hổ trấn bùa
Sinh con, sinh cái nuôi cho dễ dàng”
  Trong "Việt Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa":

 Hùm kia vốn hiệu Sơn Quân
Lại có nhân hổ khả gần khả quen”
(Thiên “Mao Trùng Ðệ Tam Thập Nhị)
 
 “Khó khăn ở chợ leo teo
Bà, cô, ông, cậu chẳng điều hỏi sao
Giàu sang ở tận nước lào
Hùm tha rắn cắn tìm vào cho mau”

Trong Hò Mái Nhì - Huế:

“Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khách âu ca thái bình...”
 
"Thanh Long - Bạch Hổ" là tên một “thế đất” trong khoa Ðịa lý Phong thủy.
Theo sách Tả Ao, thì mỗi thế đất có một kiểu riêng, tùy theo địa thế mà mắt nhìn thấy giống hình gì thì lấy hình dạng đó mà gọi kiểu đất. Chẳng hạn có kiểu gọi là “lục long tranh châu” sáu con rồng giành hạt ngọc; kiểu “phượng hoàng ẩm thủy” chim phượng hoàng uống nước; kiểu “tê ngưu vọng nguyệt” Tê giác nhìn trăng; kiểu “quần tiên hội ẩm” Các vị tiên cùng uống rượu; kiểu “nhất hổ trục quần dương” một cọp đuổi bay dê; kiểu kim quy, cá chép, voi ngựa, kiếm, cờ vân vân.
 
Thế đất gọi là Ðại địa phải hội đủ các hình thế “khởi, phục, nghênh, tống... như thế nào. Thông thường khi thế đất ở chỗ có hai giòng nước giao nhau thì mới là huyệt trường. Huyệt trường cần phải có “tiền án, hậu trẫm, tả long, hữu hổ” Nơi “sơn cùng thủy tận” gọi là tuyệt địa; chỗ “huyền võ tàng đầu” (rùa giấu đầu) là hung địa vân vân. (Việt Nam Phong Tục - Phan Kế Bính, tr.221-222)
* Tả Ao là một thầy địa lý danh tiếng của Việt Nam, tên Nguyễn Ðức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, sinh vào đời nhà Lê, được qua Tàu học phép phong thủy rồi trở về nước làm nghề coi đất.

 Trong Lịch Sử Việt Nam:


 Có hai nhân vật tên Hổ. Ðó là:

1.- Lê Như Hổ, sinh năm Nhâm Ngọ (1522) là một quan Văn thời nhà Mạc, người làng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Không rõ tên thật là gì. Ông họ Lê này chẳng những có văn tài mà còn có sức mạnh hơn người. Ông ăn khỏe nhất nước, nên người đương thời gọi là Như Hổ (do câu “Nam thực như hổ”: người nam ăn mạnh như cọp). Ông đỗ Tiến sĩ đời Mạc Phúc Hải (1541) lúc 39 tuổi, được phong chức Tả Thị Lang, và cử đi sứ nhà Minh để triều cống. Ði sứ về được thăng Thượng thư, tước Xuân Giang Hầu.
Tương tuyền lúc đi sứ sang Tàu, ông học được nghề làm dù và về dạy lại cho người trong nước, nên người Việt coi ông là Tổ sư nghề làm dù tai Việt Nam.

2.- Tăng Bạt Hổ, sinh năm Mậu Ngọ (1858, mất năm Bính Ngọ (1906).

Tên thật là Lê Thiệu Hổ, hiệu là Ðiền Bát Tử, tự là Sư Triệu, quê làng An Thường, xã An Thạnh, huyện Hoài An, tỉnh Bình Ðịnh. Khoảng năm 1872, ông tham gia phong trào chống thực dân Pháp trong hàng ngũ tướng Lưu Vĩnh Phúc, nhóm Cờ Ðen. Khoảng năm 1885 Tăng Bạt Hổ tham gia phong trào Cần Vương tại Bình Ðịnh do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Năm 1887, phong trào Cần Vương Bình Ðịnh bị tan rã, Tăng Bạt Hổ trốn qua Trung Hoa, Thái Lan... theo nghề hàng hải, làm thủy thủ cho tàu buôn đi qua nhiều nước. Năm 1903, ông trở về nước và một năm sau ông đưa đường cho Phan Bội Châu và Ðặng Tử Kính sang Nhật Bản thành lập Phong Trào Ðông Du. Năm 1905, Tăng Bạt Hổ đem bài Khuyên Thanh Niên Du Học của Phan Bội Châu về truyền bá trong nước. Ông đội lốt nhà sư làm thầy thuốc để đi khắp nơi mà vận động. Năm 1906, ông từ trong Nam ra Huế thì lâm bịnh nặng, được các đồng chí tận tình chăm sóc và che giấu. Nhưng không qua khỏi, ông từ trần trong một chiếc thuyền trên giòng Hương Giang, hưởng dương 49 tuổi. Hai đồng chí của ông Võ Bá Hạp và Dương Bá Trạc đã chôn cất tại một khu đất ở dốc Nam Giao, thành phố Huế, bia do Phan Bội Châu viết là “Lê Thiệu Dần chi mộ”. Theo Võ Như Nguyện (Hội Quảng Tri - Huế) cách đề bia mộ này là để qua mặt mật thám Pháp. Dần là năm Cọp ám chỉ chữ Hổ).

Và  một nhân vật "đả hổ", tay không đánh cọp, đó là ông Lê Văn Khôi.

 Lê Văn Khôi tên đúng là Nguyễn Hữu Khôi, nguyên là một thổ hào ở Cao Bằng (Bắc Việt) trước là họ Bế sau đổi thành Nguyễn Hữu Khôi. Ông có sức mạnh phi thường và rất can đảm, được Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) nhận làm con nuôi và cho lấy họ Lê. Khi Tả Quân Lê Văn Duyệt được Vua Gia Long giao chức Tổng Trấn thành Phiên An (Vùng Gia Định cũ, nay thuộc Sài Gòn), Lê văn Khôi được đi theo vào Nam với chức Phó Vệ Úy. Vào thời đó, ở thành Phiên An, Tả Quân có một chuồng nuôi cọp.
Nhân dịp có Sứ Thần Xiêm La (tức Thái Lan) qua thăm Việt Nam. Tả Quân Lê Văn Duyệt muốn khoe tài sức của Lê Văn Khôi nên bày ra trò chơi "ngưới đấu võ với cọp". Sân đấu đặt sát cạnh chuồng cọp. Võ sĩ là Lê Văn Khôi. Lệnh truyền thả ra một con cọp... Vừa ra khỏi chuồng, thấy người, cọp liền nhảy tới vồ vào Lê Văn Khôi. Võ sĩ Khôi trách được rồi thuận tay có gậy sắt, đánh lại một gậy, cọp chết ngay. Sứ Thần Xiêm La vừa lên tiếng hoan hô thì Tả Quân liền quát lên rằng "Mau bắt Khôi đém chém!" Sứ Thần lấy làm lạ đưa mắt hỏi. Tả Quân nói là võ sĩ phải bắt sống cọp, chứ không được đánh chết. Lê Văn Khôi quỳ lạy xin tha tội, Sứ Thần cũng nói giúp nên Tả Quân cho phép đấu lại.
Một con cọp khác được thả ra và cuộc đấu bắt đầu. Cọp nhảy tới vồ Lê Văn Khôi, vị võ sĩ nhanh nhẹn nhảy lùi tránh né... khiến cọp vồ hụt nhiều lần. Lừa thế... chờ cọp nhảy tới Lê Văn Khôi đá một cái cọp ngã lăn ra... Lê Văn Khôi nhảy lên lưng cọp, đè mạnh, rút dây đeo sẵn ở thắt lưng, trói cọp lại... vác lên nộp cho Tả Quân.
Sứ Thần Xiêm hết sức thán phục và khen ngợi, hỏi tên họ và chức tước của võ sĩ. Tả Quân cười, đáp rằng "Bọn tiểu tốt của tôi chưa có chức tước gì nhưng đều có sức vật cả cọp, có gì lạ đâu."
(Theo Nguyễn Bảo Tụng).

 "Võ Tòng Đả Hổ"

Chuyện Lê Văn Khôi tay không đấu với cọp gợi nhớ chuyện Tàu "Võ Tòng Đả Hổ".
Võ Tòng là một nhân vật trong truyện Thủy Hử (tiểu thuyết võ hiệp viết về các anh hùng Lương Sơn Bạc). Theo cốt truyện, Võ Tòng xuất thân từ huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông. Cha mẹ mất sớm, Võ Tòng được anh ruột là Võ Đại Lang nuôi dạy. Lớn lên Võ Tòng là người tráng kiện, oai hùng, mắt sáng, lông mày rậm, ngực rộng, bắp thịt cuồn cuộn, cao 8 thước...Võ nghệ cao cường, thích uống rượu và hành hiệp cứu giúp người, nổi tiếng là người nghĩa khí.
Võ Tòng là anh em kết nghĩa với Tống Giang và Tống Thanh là hai anh hùng Lương Sơn Bạc.
Chuyện kể rằng: Trên đường về quê thăm anh ruột, khi đi ngang qua huyện Dương Cốc, Võ Tòng ghé vào một quán rượu. Ở cửa quán có ghi câu "Uống ba chén không nên qua đồi". Võ Tòng là người thích uống rượu không hạn chế, thấy câu dòng chữ ấy rất khó chịu, liền hỏi nguyên do. Chủ quán nói trên đồi Cảnh Dương có con hổ thành tinh, hung dữ, chuyên ăn thịt người, vì vậy ai uống quá say không nên đi qua đồi ấy. Nghe vậy, Võ Tòng lấy làm tức giận. Ông uống một mạch hết rượu trong Tửu Quán.
Chiều hôm đó, đang trong cơn ngà say, Võ Tòng cầm gậy một mình lên đồi tìm hổ. Đến sáng mới gặp hổ, ông cầm gậy vờn với mãnh hổ đến chiều tối... bất phân thắng bại. Đến lúc trời chạng vạng, sau khi dùng đủ mưu kế mà không thành, Võ Tòng vứt gậy, một tay đè đầu hổ xuống đất, một tay đấm, con hổ bị vỡ đầu, chết. Nhờ việc này, Tri Phủ Hàng Châu đã phong cho Võ Tòng chức Đô Đầu (có nhiệm vụ xem xét các vụ án hình sự).

 Một Số Từ Ngữ Có Chữ “Cọp” Hoặc Hổ

 Hổ tướng: vị tướng tài giỏi và đầy uy dũng thời nhà Tùy và nhà Ðường bên Tàu (khoảng năm 791-862) nổi tiếng nhất là Dương Kiên và Lý Thế Dân.
Hổ trướng: nơi đóng bản doanh của tướng soái ở mặt trận.
Hổ quyền: một địa danh tại Cố Ðô Huế. Hổ quyền là sân đấu dành cho Hổ và Voi được xây dựng năm 1830 thời nhà Nguyễn, tọa lạc ở phía nam sông Hương, tại thôn Trường Ðá, Thủy Bìều-Huế (hiện còn di tích xem hình).
 Hổ quyền còn có nghĩa là các thế võ của Cọp.
Hổ phụ sinh hổ tử: ý nói cha oai hùng con cũng oai hùng - Cha nào con ấy -
Dưỡng hổ vi hoạn: nuôi cọp có ngày gặp việc chẳng lành.
Hổ cốt: xương cọp (thường dùng để nấu cao “hổ cốt” bổ gân xương, tăng lực)
Hổ cáp (scorpion) con bò cạp (trong tử vi Tây phương)
Hổ huyệt: hang cọp “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử” (Ban Siêu-nhà Hán): Không vào hang cọp sao bắt được cọp con, ý nói phải vào nơi nguy hiểm mới làm nên việc lớn.
Hổ bảng: bảng ghi tên tân khoa Tiến sĩ võ (đời nhà Thanh)
Hổ bảng danh đề: Tên được ghi trên Bảng Hổ, tức là đã thi đỗ Tiến Sĩ về Võ nghệ. Theo "Tầm Nguyên Từ Điển (Etimology): xưa có ba loại Bảng để ghi tên thí sinh đỗ Tấn Sĩ, Cử Nhân và Tú Tài. Bảng Long (có hình Rồng/Long Bảng) dành cho bậc Tiến Sĩ, Hổ Bảng (có hình Cọp) dành cho người đỗ Cử Nhân và Mai Bảng (hình cây hoa mai) dành cho bậc Tú Tài. Ở Việt Nam thời xưa triều đình dùng Bảng Vàng để ghi tên những người thi đỗ không dùng Long, Hổ, Mai như Trung Hoa.
Hổ khẩu: miệng cọp
Hổ cứ: điểm chiến lược
Hổ phù: tấm quân hiệu đúc bằng đồng tượng trưng cho Quyền Điều Binh Khiển Tướng mà Vua trao cho các Tướng lãnh cao cấp. Quân hiệu có hình dáng một con hổ, mặt con hổ ngậm một hoặc hai thanh kiếm. Quân hiệu Hổ Phù được chia làm hai nửa (hai mãnh có thể ghép liền và ăn khớp với nhau) Mãnh phù bên Hữu do chính quyền Trung Ương Triều đình/Vua) giữ, mãnh bên Tả được giao cho vị tướng cầm quân. Khi Vua cần điều động quân đội, sẽ sai người đem mãnh phù Hữu đến với vị tướng, nếu hai mãnh ráp lại khít khao thì Tướng mới chấp hành lệnh điều quân. Hổ Phù được dùng phổ biến vào thời Chiến Quốc. Tướng bị mất Hổ Phù không thể điều quân. (Ngày nay một số nhà phong thủy đã dùng Hổ Phù để trấn yễm - tên dùng không đúng.)
 Hổ uy: oai cọp.
"Hồ giả hổ uy": Chồn mượn oai cọp để hù các loài thú khác - Cáo mượn oai hùm)
Điển tích: Vào thời Chiến Quốc, Sở Tuyên Vương lấy làm lạ, không hiểu tại sao người dân phương Bắc lại quá sợ viên tướng Chiêu Hề Tuất của vua. Vua bèn hỏi các quan trong triều xem có ai biết lý do, tại sao? Đại thần Giang Ất đã dùng một ngụ ngôn để tâu trình lên vua Sở, rằng: Có một con hổ bắt được một con hồ ly (loại chồn đen, đuôi dài, chân ngắn). Hồ ly rất giảo hoạt, xảo quyệt, nói với hổ "ta được trời sai xuống quản lý các dã thú. Nếu bây giờ ngươi ăn thịt ta, ngươi sẽ làm Thượng đế nổi giận. Nếu không tin thì đi theo đằng sau ta, ngươi sẽ thấy tất cả dã thú đối với ta sẽ uy phục như thế nào." Hổ đồng ý để xem sự việc diễn ra như thế nào. Quả nhiên, từ đàng xa... thấy hổ...các dã thú đã tìm cách chạy trốn thật nhanh. Nhưng hổ không biết là các dã thú tháo chạy là vì sợ mình chứ không phải sợ hồ ly. Hiện nay binh quyền của Đại vương do Chiêu Hề Tuất nắm giữ, nhân dân phương Bắc sợ, chẳng qua vì sợ binh quyền của Đại vương mà thôi."
Hổ lửa: tên một loại rắn hổ
Hổ mang: một loại rắn
Hổ lang:chỉ loài hung dữ, tính hung dữ (Lang: chó sói)
Hổ lốn: các thức ăn khác nhau bỏ chung làm một món - không thuần nhất, pha trộn nhiều thứ với nhau.
Hổ phách: nhựa của một loại cây lá hóa thạch (tên khoa học Succium)- Màu hổ phách: màu vàng ánh da cam
Hổ danh: làm mất giá trị tên tuổi, mât danh dự.
Hổ ngươi: cảm thấy xấu và ngượng vì việc làm không thích đáng của bản thân mình (Xấu hổ)
Hổ thẹn: cảm thấy bị tồn thương khi ý thức việc làm sai trái, tội lỗi của mình, hoặc khi bị người ngoài phát giác ra.
“Họa hổ họa bì, nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm”: ý nói biết người chỉ biết bề ngoài chứ không thể biết được trong lòng cũng như vẽ hình cọp chỉ vẽ lông da mà thôi khó mà vẽ được bộ xương.
Họa hổ bất thành: ý nói làm việc lớn mà không xong.

Cọp Mà Không Phải Cọp

Cọp cái: chỉ người đàn bà hung dữ
Cọp-pi: chép lại bài của người khác (do chữ Pháp “copier” bị Việt hóa)
Ði cọp: đi xe hoặc tàu mà trốn mua vé
Ðọc cọp, xem cọp: đọc hoặc xem (sách, báo) mà không chịu mua.
Cọp má: chỉ khuôn mặt bị teo, lõm vì tuổi già.

Hùm

“Râu hùm hàm ém mày ngài”: tả tướng mặt Từ Hải
“Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”: tả nỗi lo sợ của Thúy Kiều tại Quan Âm Các (câu 2016)
“Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”(2516)
“Mèo tha miếng thịt xôn xao
Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”

Thành ngữ

“Một rừng không thể có hai cọp” (Nhất sơn bất tàng nhị hổ): chỉ sự kỵ nhau giữa hai người tài giỏi, hai vị tướng, hai lãnh tụ.
“Thả cọp về rừng”(Tung hổ quy sơn): tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho kẻ ác tiếp tục hoạt động.
“Vuốt râu hùm”- "Xĩa răng cọp": làm chuyện nguy hiểm, hành động táo bạo một cách dại dột.
"Cọp dữ không ăn thịt con": ý nói tình ruột thịt cha mẹ con cái rất thiêng liêng, ngay cả cọp dữ cũng không ăn thịt cọp con. [Thế nhưng trong lịch sử loài người đã có nhiều trường hợp sống với nhau tàn ác hơn dã thú! Cha con, vua tôi, anh em ruột... vì quyền lợi riêng, danh vọng hão... đã tàn sát lẫn nhau không nương tay!]
"Mãnh hổ nan địch quần hồ": Cọp mạnh khó thể chống với bầy sói - Ý nói sức mạnh của một người không thể đối lại với sự đoàn kết của nhiều người.
"Điệu hổ ly sơn": Dụ cọp ra khỏi núi - một kế trong binh pháp Tôn Tử.
"Dưỡng hổ di họa": Nuôi cọp là nuôi mầm rủi ro, tai họa.
 “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận” ý nói vùng đất hoang vu, nhiều nguy hiểm.
Theo sử sách thì vào giai đoạn tiền bán thế kỷ thứ 19, vùng đất Khánh Hòa rừng núi hoang vu, có nhiều dã thú, nhiều nhất là cọp. Các quan chức người Pháp đã ghi nhận rừng Khánh Hòa nhiều cọp dữ. Họ từng tổ chức đi săn và đã ghi nhật ký về sự kiện này. Qua nhật ký của Toàn Quyền Pháp Paul Doumer thì quân lính gọi Khánh Hòa-Nha Trang là "Vùng Hổ". Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" cũng nói vùng đất Khánh Hòa (cực Nam Trung Bộ) là nơi rừng núi rậm rạp có nhiều cọp dữ.
 
Còn "Ma Bình Thuận" có lẽ ám chỉ vùng đất Phan Thiết là nơi có những hồn oan của người Chiêm quốc đã bị quân Đại Việt tàn sát, diệt chủng. Trong bài thơ "Trên Đường Về", thi sĩ Chế Lan Viên đã mô tả một cảnh ma khá thê lương:
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn,
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui !
 
Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận,
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.
(Trên Đường Về - Chế Lan Viên -1937)

 Thần Thoại "Long Hổ Tranh Hùng"

 Vào thời mới tạo thiên lập địa, Rồng thấy mình uy dũng và nhiều tài năng hơn Cọp nên có tham vọng làm Chúa tể muôn loài. Vì vậy mà xảy ra cuộc Tranh Hùng Long Hổ.
Cuộc giao đấu kinh thiên động địa nhưng kết quả bất phân thắng bại, nên Ngọc Hoàng Thượng Ðế mới quyết định đứng ra phân xử cho hai bên.
Khi nghe được tin này, Rồng trở nên lo lắng. Lo là vì ngoại hình của Rồng lúc đó trông không được hùng vĩ lắm, vì chưa có hai cái gạc (sừng). Chỉ có con gà trống mới có sừng nên trông rất dũng mãnh. Con rết đã gợi ý Rồng mượn tạm sừng của gà trống để đi trình diện Ngọc Hoàng. Lúc đầu gà trống từ chối, nhưng vì Rết đưa ra lời cam kết bảo đảm sự chân thật của Rồng và các bạn của rết cũng cam kết, nên gà bằng lòng cho mượn.
Khi Rồng và Cọp đến trước Ngọc Hoàng để chờ phán quyết, cả hai đều trông rất kinh khiếp và hung tợn. Ngọc Hoàng liền cử Rồng làm vua của Thủy Giới và Cọp làm vua Ðịa Giới.
Hổ đã có sẵn biểu hiệu của sinh vật rồi, nên Ngọc Hoàng cũng ban cho Rồng một dấu hiệu tương đương với Cọp. Vì đã lỡ mang sừng khi nhận biểu hiệu chức vụ, nên bất đắc dĩ, Rồng không trả lại sừng cho gà trống.
Tức giận, gà trống đuổi theo rết. Rết chui vào lòng đất. Do đó, cho đến ngày nay, gà trống vẫn hận thù rết. Tiếng gà gáy mỗi buổi sáng... nghe vang vọng đó là sự tố cáo Rồng cướp sừng từ hàng ngàn năm trước. Ngày nay, những người chẳng may bị rết cắn, bị nhức đau không có thuốc trị, nhưng chờ đến khi gà gáy sáng... thì cơn đau nhức do rết cắn biến mất.
Chuyện Cọp còn nhiều, nhưng xin dừng lại ở đây.

Kính chúc một năm Nhâm Dần An Lành, Thịnh Ðạt.

 NGUYỄN CHÂU (San Jose, CA / 2022)

 

 

 

Thơ Xướng Họa :THÁNG NGÀY CÒN LẠI - Vũ Linh Duy Và Các Thi Hửu

                                               Đồng Cỏ-Tranh của Vua Hàm Nghi THÁNG NGÀY CÒN LẠI Ngày tháng thoi đưa cứ tiếp liên, Sống vui,...