Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Saturnin – một kiệt tác của văn học Séc (Văn Việt )

Ondrej Slowik

Ngoài các tác phẩm của Franz Kafka (được viết bằng tiếng Đức), của Jaroslav Hašek và Milan Kundera, Saturnin là một trong các tác phẩm người nước ngoài hay tìm đọc khi bắt đầu quan tâm đến văn học Cộng Hoà Séc nói riêng và Tiệp Khắc nói chung

Điều này có hai lý do: một là Saturnin đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, cụ thể, bản tiếng Việt là bản dịch sang ngoại ngữ thứ 11, lý do thứ hai và là lý do chính là người Séc coi Saturnin như một đặc sản của nền văn học Séc. Các nhà phê bình văn học có thể phản đối rằng Zdeněk Jirotka chỉ sao chép tác phẩm của một số tác giả của Vương Quốc Anh như Jerome Klapka Jerome và đặc biệt Jeeves and Wooster của P. G. Wodehouse. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không thể nhìn nhận Saturnin chỉ đơn thuần là một Jeeves thứ hai. Xã hội Anh vốn rất nổi tiếng về sự phân tầng. Là một người hầu phòng, Jeeves không bao giờ có thể đứng ngang hàng với một nhà quý tộc như Bertie Wooster. Quan hệ giữa hai nhân vật này chưa bao giờ khác các mối quan hệ thông thường giữa ông chủ và nhân viên. Cho dù Jeeves thường xuyên giúp Bertie Wooster tránh các vụ rắc rối, họ chẳng thể thân thiện với nhau bao giờ vì tập quán xã hội tại nước Anh không cho phép. Nhưng Saturnin thì hoàn toàn không phải chỉ là một người phục vụ bình thường cho ông chủ. Có thể nói, Saturnin đã trở thành người bạn của người dẫn chuyện (độc giả không biết tên của anh), nhiều khi Saturnin gần như đã là người thầy dẫn dắt cho ông chủ mình và cuối cùng, sau khi bắt đầu làm việc cho “Văn phòng chuyên dẫn giải các câu chuyện từ tiểu thuyết cho đúng với thực tế”, anh chàng còn cho ông chủ sống luôn trên con tàu của anh. Điều này xảy ra là bởi vì đã từ rất lâu xã hội Tiệp Khắc không thích sự phân biệt tầng lớp. Hơn nữa, khác với Bertie Wooster, ông chủ của Saturnin không phải là nhà quý tộc, ông vẫn phải làm việc tại một văn phòng kế toán. Nếu Wooster chưa từng có nhu cầu phải đi làm và chỉ ngồi cả ngày ở các câu lạc bộ quý tộc, hay đi ăn, hoặc đi uống trà với họ hàng, bạn bè hay là với các phụ nữ trẻ mà trong tương lai có thể lấy làm vợ, thì ông chủ của Saturnin hơi thấy xấu hổ vì đã trở nên sang trọng đến mức có một người hầu phòng. Cách họ nhìn nhận phụ nữ cũng rất khác nhau. Mấy lần bị ép lấy vợ mà Bertie Wooster toàn tìm cách trốn, và anh chỉ coi phụ nữ như một món đồ vật hay đồ gỗ gì đó. Ông chủ của Saturnin thì yêu cô Barbora dù hơi nhút nhát, anh mơ ước, hai người sẽ thành vợ thành chồng. So với thời đại mà cuốn sách ra đời, các mô tả cho thấy cô Barbora rất hiện đại, và cô ý thức rất rõ sự bình đẳng giới. Phụ nữ mà chơi thể thao, đi làm, hút thuốc lá và lái xe hơi chắc chắn không phải là người phụ nữ thường gặp trong thập kỷ 40 của thế kỷ 20 tại Tiệp Khắc. Trên thực tế, đó cũng không phải là người phụ nữ thường gặp tại Việt Nam chính trong thế kỷ 21 này.

Vậy độc giả Việt Nam sẽ hiểu Saturnin như thế nào đây, khi mà đa số người Việt chưa bao giờ được nếm thứ bánh nướng nhân mứt và cũng chưa bao giờ tản bộ qua đêm trong rừng?

Họ có thể giống nữ dịch giả mà đọc Saturnin như cuốn tiểu thuyết đầu tiên để khám phá văn hoá Tiệp. Song tôi dám cho rằng tâm tính của hai dân tộc khá giống nhau vì nhiều yếu tố.

Cả hai đều có một nước láng giềng hùng mạnh sát kề bên và lịch sử của họ cũng có nhiều nét tương đồng. Người Việt đã phải chiến đấu một cách dũng cảm với Trung Quốc, Pháp và Mỹ để bảo vệ và giữ gìn đất nước của mình. Người Tiệp cũng đã phải vượt qua thời thống trị của Đế quốc Áo-Hung, của Đức và Liên Xô, cho dù không may là sự dũng mãnh của họ không so sánh được với cái dũng cảm của các dân tộc Việt. Hơn nữa, cả người Tiệp và người Việt đều biết hài hước. Saturnin được xuất bản vào năm 1942, chỉ 8 năm sau khi Vũ Trọng Phụng cho ra mắt Số Đỏ. Mặc dù hai cuốn tiểu thuyết này có rất nhiều điều khác nhau, song về cơ bản đó là hai đầu sách đầy hài hước về hai đôi trẻ trải qua bao khó khăn để rồi cuối cùng cũng đến được với nhau. Vì vậy, dù cho bánh nướng nhân mứt không được ăn bằng đũa hay là chấm nước mắm, tôi vẫn hy vọng, độc giả Việt Nam sẽ thấy Saturnin là một tác phẩm rất “ngon”.

Tiếng Tiệp và tiếng Việt vốn là hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, cho nên dịch Saturnin là một việc không đơn giản. Zdeněk Jirotka cho cô Katerina sử dụng nhiều thành ngữ mà đôi khi khó lòng tìm được thành ngữ tương ứng trong tiếng Việt. Nhưng tôi cho rằng nữ dịch giả đã làm việc khá kỹ và công phu để độc giả có thể hiểu rõ hơn. Một yếu tố rất quan trọng trong tiếng Séc là các từ với ý nghĩa được giảm nhẹ. Ví dụ câu “Sluníčko pálilo a já jsem si všiml, že slečna Barbora má trochu spálený nosík” có nghĩa là “Mặt trời bắt đầu thiêu đốt, tôi để ý, tiểu thư Barbora đã hơi rám nắng trên sống mũi xinh xinh” mà “sluníčko“ và “nosík“ không chỉ mang ý nghĩa bình thường như “mặt trời” và “mũi”. Cả hai từ này đều đồng thời có thêm ý nghĩa “dễ thương” và “đáng yêu”. Đây là sự khác biết giữa “slunce x sluníčko“ và “nos x nosík“ mà cả tiếng Việt hay tiếng Anh đều rất khó mô tả. Tuy nhiên, đó cũng là một nét đặc trưng của văn học dịch.

Là nhà báo, trong một thời gian dài, Jirotka đã viết báo và viết khá nhiều tác phẩm bao gồm cả kịch truyền thanh, ông cũng viết cả tiểu thuyết trinh thám Muž se psem (Người đàn ông và con chó, 1944), song các độc giả yêu quý ông chủ yếu là vì Saturnin.

Mặc dù Saturnin được viết trong thời Chiến tranh thế giới thứ 2, khi Tiệp Khắc bị Đức Phát xít chiếm đóng, nội dung cuốn sách không thể hiện bất cứ thái độ phản ứng nào với vấn đề này. Một mặt, ủy ban kiểm duyệt chắc chắn sẽ không cho xuất bản một cuốn sách phê bình chế độ, và mặt khác, Jirotka muốn người dân Séc tạm thời quên đi các vấn đề xã hội chính trị bằng cách thưởng thức một tác phẩm hài hước, dễ thương. Trên thực tế, đó cũng là một nét đặc thù của người Tiệp trong lịch sử: mỗi khi Châu Âu hay thế giới gặp khó khăn người Tiệp ngồi nhà và chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra. Một cách hành xử không mấy dũng cảm, không mấy tự hào. Ý thức của người Tiệp hơi giống ý thức của người Hobbit của J.R.R. Tolkien nhưng nó là sự cần thiết cho một dân tộc nhỏ tại Trung Âu để có thể tồn tại lâu dài.

(Trích lời bạt Saturnin – Tiểu thuyết của Jaroslav Hašek, Mai Nguyenová dịch, Domino Books & Nxb Đà Nẵng 2021)

Đôi lời về tác giả

Zdeněk Jirotka (1911-2003) là bậc thầy về thể loại văn trào phúng, ông là tác giả của nhiều vở kịch truyền thanh, các truyện ngắn châm biếm. Ông nổi danh nhờ Saturnin – một tác phẩm được các độc giả Tiệp khắc vô cùng yêu thích mà đã được dịch ra hơn mười hai thứ tiếng.

Gia nhập quân đội khi còn trẻ, ông phục vụ tại các miền đất mà sau này đã bước vào các trang sách của ông khi ông đến với nghề viết. Dưới thời phát xít chiếm đóng, Zdeněk Jirotka làm việc tại Bộ Xã hội, song từ năm 1940 ông bắt đầu cộng tác chặt chẽ với thời báo Lidové noviny. Sau khi Saturnin được xuất bản năm 1942 và gây được tiếng vang, ông dành toàn bộ thời gian cho việc sáng tác. Từ năm 1950, ông làm biên tập viên tại Đài truyền thanh Tiệp khắc và tại tuần báo châm biếm mang tên Dikobraz (Con nhím).

Các tác phẩm của ông được bạn đọc rộng rãi biết đến là hai cuốn Saturnin và Người đàn ông với con chó. Cả hai tác phẩm này đều được lấy cảm hứng từ các tác phẩm hài hước kiểu Anglo-Saxon của các nhà văn như Jerome K. Jerome và P. G. Wodehouse. Thông qua văn học trào phúng kiểu Anh, ông học được một cách viết mà là một hình thức phản kháng: cả hai đầu sách nổi tiếng của ông đều ra đời dưới thời phát xít chiếm đóng.

Jirotka cũng được coi là sự tiếp nối truyền thống trào lộng đặc trưng tại Tiệp khắc và là người tiếp bước các nhà văn tiền bối như Jaroslav Hašek, Karel Čapek, hay Karel Poláček. Tương tự họ, ông cũng phê phán tâm lý tỉnh lẻ, thói hợm hĩnh, giả tạo. Các tiểu thuyết của ông đều được viết theo một phong cách đặc trưng – gần với lối viết tản văn – điển hình bởi các tình huống bất thường, ngôn ngữ lịch lãm và lối chơi chữ đặc thù – và cũng là một kiểu chế nhại các hình thức và thể loại văn học khác nhau. Cả hai tác phẩm Saturnin và Người đàn ông với con chó đều được chuyển thể thành công sang kịch và phim.


1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...