Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Người Bình Định - Võ Phiến

Nguyễn Mộng Giác với tôi cùng một quê, nhưng tôi lưu lạc đã lâu, thỉnh thoảng gặp nhau tôi có nhiều điều để hỏi thăm anh: tình hình an ninh ở làng này quận nọ, cảnh sinh hoạt độ này so với độ trước, những chuyện buồn vui đã xảy đến cho ông nọ bà kia, v.v. Cứ thế chúng tôi lần lần cùng nhau đi vào những nghĩ ngợi lan man về chỗ quê hương.

Võ Phiến

 

Xưa kia, tổ phụ chúng tôi đã đến lập nghiệp tại Bình Định trong những điều kiện không biết khác biệt ra làm sao mà tự dưng tách rời hẳn đồng bào xứ Quảng về nhiều phương diện như thế. Tiếng nói khác nhau: những tiếng răng, rứa, chừ, mô, v.v.  từ Quảng Bình tiến vào đến Quảng Ngãi, bỗng dưng dừng lại tất cả ở chân đèo Bình Đê. Kể từ Bình Định vào Nam: một giọng nói khác, một loạt tiếng nói khác.

Nhà ở khác nhau: người Bình Định đã đem từ đâu đến cái kiểu nhà lá mái? Và tại sao kiểu nhà ấm cúng đẹp đẽ đấy rồi không hề chịu đi đâu cả, không ra ngoài tỉnh?

Thế rồi đến cái khác nhau trong tâm hồn. Nói về đất cách mạng ngoài Trung, người ta thường nhắc đến hai vùng: Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi. Sát bên cạnh bà con Nam Ngãi lúc nào cũng sẵn sàng phản kháng, đứng lên, vùng dậy, v.v., người Bình Định tính tình bỗng dưng “thuần hậu” hẳn đi. Mặt khác, người Quảng thiên về lý trí, có tài biện luận, “hay cãi”: Phan Khôi, Phan Thanh, Phan Chu Trinh, v.v.; người Bình Định dường như thiên về tình cảm, tưởng tượng nhiều hơn, trong văn học có nhiều thơ hơn là văn.

Ngoài chuyện người Bình Định khác người các nơi, lại còn có chuyện người Bình Định khác người Bình Định.

Hai thế kỷ trước, lớp người của Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, v.v. ngang tàng lẫm liệt; cuối thế kỷ này, tục ngữ địa phương xác nhận rằng người Bình Định “hay lo”, nói cách khác là an phận thủ thường, không hay tranh hơn tranh thua, là chín bỏ làm mười.

Từ lập quốc tới giờ, nước ta có bao nhiêu là vua, vua nào rồi cũng chết; vậy mà chỉ có một nhà vua chết được vợ lưu lại hậu thế tiếng than khóc nỉ non: tức vua Quang Trung. Từ hồi nào tới giờ, tướng lãnh vẫn chịu thưởng thức cái hồng nhan lắm; vậy mà chỉ có mấy ông tướng Tây Sơn ra Thăng Long được thi hào Nguyễn Du khen là có cốt cách. Hai thế kỷ trước, vua quan nhà Tây Sơn không biết đã đối xử ra sao mà được yêu đương, thương tiếc, được ngợi khen như thế; cuối thế kỷ này, người Bình Định dường như không còn cái tình tứ ấy: trong vòng bốn năm mươi năm nay văn học nước ta từng trải qua những thời kỳ thật mộng mơ lãng mạn, vậy mà Bình Định chỉ đóng góp được một tác giả xuất sắc về tình yêu là Xuân Diệu.

Mất đi cả khí phách ngang tàng (tức cái đáng trọng) lẫn phong cách tình tứ (tức cái đáng yêu): sự mất mát thật là lớn lao. Không biết cái gì đã xảy đến trong đời sống của người dân Bình Định trong vòng hai trăm năm ấy. Có người đã nghĩ đến cuộc trả thù, đến chính sách trấn áp của triều đình nhà Nguyễn Gia Miêu đối với vùng quê quán của họ Nguyễn Tây Sơn.

Dẫu sao, đó mới chỉ là một giả thuyết.

* * *

Người của địa phương này không giống người địa phương khác, đó là cái dị biệt qua không gian; người của thời nay khác người thời xưa, đó là cái diễn biến theo thời gian.

Chuyện ấy không có gì lạ thường, đáng nói.

Nhất là khi sự diễn biến lại đưa đến những mất mát thua thiệt thì lẽ ra tôi không dám nói: phải tránh sự nổi giận của người đồng hương chứ! Khi cả lớp người hiện tại cảm thấy bị chạm tự ái mà quyết hỏi tội thì các lớp tiền nhân được xưng tụng đâu có hiện về để che chở cho mình được.

Tuy nhiên, sở dĩ dám nói là vì chúng tôi không nghĩ trong khoảng hai thế kỷ chỉ có giản dị một sự mất mát: thực ra trong đời sống tinh thần của người địa phương sự diễn biến thật phức tạp. Và sự diễn biến cũng đã đưa tới những kết quả đáng quý. Chẳng hạn, Quách Tấn.

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam ông Hoài Thanh có lần thử chia các nhà thơ ra từng xóm.

Trong cái “Xóm Bình Định”, ông kể vài tên: Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên.

Cả hai vị được kể tên đều không phải là người Bình Định, họ chỉ lớn lên ở Bình Định. Đối với các văn thi sĩ gốc địa phương họ có mối giao tình thâm thiết, có những kỷ niệm sâu đậm, kể cả những kỷ niệm về văn chương nghệ thuật, có thể họ chia sẻ quan điểm sáng tác, v.v.

Đối với cảnh vật và sinh hoạt địa phương, họ có lòng quyến luyến, lòng quyến luyến đã khiến cảnh vật ấy và sinh hoạt ấy lưu lại nhiều hình ảnh đẹp đẽ trong tác phẩm của họ. . Tuy nhiên, trong tâm hồn họ không đồng hóa với địa phương.

Hàn Mạc Tử với Chế Lan Viên có lối phát biểu rất mạnh mẽ; hoặc họ la:

“Ta cởi truồng ra, ta cởi truồng ra:
Ngoài kia trăng sáng chảy bao la.”
(trích “Tắm Trăng”, Chế Lan Viên)

hoặc họ kêu:

“Đương cầu nguyện ọc thơ ra dường sữa
Ta ngất đi trong khoái lạc hồn đau”
(trích “Đêm xuân cầu nguyện”, Hàn Mạc Tử)

Ở những nhà thơ người Bình Định, đồng thời với họ, bạn thân của họ, như Quách Tấn, như Yến Lan, tôi không gặp những giọng ấy, những cái làm kinh động sững sờ. Và có lẽ cảm tưởng của Hoài Thanh cũng không khác. Ông bảo:

“Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù (…) Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông, và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định.” Ông lại bảo: “Theo gót nhà thơ (Quách Tấn), tôi đi dần vào một thế giới huyền diệu. Ở đây người ta nói rất khẽ, bước rất êm. Những tiếng khóc rộn ràng, những lời reo vui vẻ đều kiêng (…) Rồi tất cả lại trở lại trong mờ mờ.”

Mờ mờ, êm êm, khe khẽ: thế giới thi ca ở đây như vậy đó.

Không thể bảo Quách Tấn hay Yến Lan không có xôn xao, tha thiết: làm gì có những nhà thơ dửng dưng, bình thản. Tuy nhiên, ở đây bao nhiêu xôn xao đều bị dằn xuống, hãm lại.

Quách Tấn cũng sầu cũng nhớ ghê gớm, nhưng:

“Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gửi vào thơ nghĩ tội thơ.”

“Nghĩ tội thơ!”, cái nhân ái đến rụt rè ấy, ở địa phương gọi nó là đức tính “thuần hậu”.

Con người thuần hậu vốn dè dặt, kín đáo, âm thầm trong sự sầu đau thương nhớ; chính con người ấy mới càng “tội” đa!

Ngày Quách Tấn còn là một thanh niên trong tuổi đôi mươi mà ông đã như thế, đã yêu hồ ghét bể (theo lời Chế Lan Viên); càng về già ông càng lặng, càng kín. Trong mấy mươi năm làm thơ ông ngại, ông tránh thể ngũ ngôn vì nó là thứ “âm đoản” không “dễ rung cảm lòng người nghe”[22],  thế mà sau này ông làm rất nhiều thơ ngũ ngôn, lại chuyên về thơ tuyệt cú: tình cảm chỉ gói ghém trong hai mươi chữ. Hai tập Mộng Ngân sơn và Giọt trăng toàn một loại thơ ấy: nhỏ nhắn, tinh vi như những hài cú Nhật Bản. Lúc ông về già, tâm hồn ấy và thể thơ ấy đâm ra hợp nhau. Thơ vắn tắt, người ít lời; thơ cô đọng, người kín nhẹm:

“Nhân thế nguôi tình thương
Ôm thu nằm Khánh dương
Rừng trăng đôi lá rụng
Lành lạnh gió đem hương.”

Sao mà đìu hiu, se sắt, tịch mịch, cô quạnh quá chừng. Sao mà “tội thơ”, tội người quá trời! Ấy, Quách Tấn là vậy, xóm thơ Bình Định là vậy: là tình cảm lịm vào trong, là bề ngoài dè dặt, lim lỉm, nhưng bên trong chất chứa u tình.

* * *

 Thế rồi, non nửa thế kỷ sau Quách Tấn, cũng vẫn không gặp được những người Bình Định sung sướng.

“Theo mây đi một buổi
Trời đất nhẹ phiêu phiêu
Va đầu tưởng đụng núi
Chỉ đụng bóng sương chiều
Một mặt trời lầm lũi
Trên trần gian tiêu điều.”
(Đường vô núi)

Võ Chân Cửu, người thi sĩ đồng hương với ông Quách, viết ra những lời thơ ấy cũng trong tuổi đôi mươi. Và cũng như ông Quách giữa thời thanh xuân, Võ Chân Cửu không mấy khi đề cập tới chuyện yêu đương hạnh phúc trong suốt hai thi phẩm đã xuất bản, và dường như cũng không hề hứa hẹn một đề tài như thế trong các thi phẩm tương lai. Tiếng chuông vọng trong mây, chùa cổ bên sông, sương trắng trước thềm, đời như ảo mộng, sinh tử hai bên còn lộn lạo, v.v. những cái đó dìm người thanh niên này vào những suy tư triền miên.

Ở Nguyễn Mộng Giác cũng vậy. Ngay từ những thiên truyện ngắn đầu tiên, anh đã có cái phong độ chín chắn, mực thước, đã có cái kín đáo, âm thầm, anh đã lim lỉm vào những suy nghĩ lo lắng.

Tuổi trẻ nào mà không có ái tình? Tiếng chim vườn cũ cũng có tình đấy, nhưng tình ở đây chỉ là cái cớ cho bao nhiêu vất vả ưu tư. Bão rớt cũng có tình nữa, nhưng cũng là cái cớ cho bao nhiêu ẩn ức éo le…

Từ vấn đề nọ đến vấn đề kia, Nguyễn Mộng Giác khổ tâm tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, rồi dựng truyện: không có bao giờ anh được thảnh thơi ung dung- viết một câu chuyện tùy hứng. Anh không có cái sung sướng đó.

Ơ! Nhưng tôi đang làm gì thế này? Bắt đầu nêu lên nào những anh hùng hào kiệt trong lịch sử, để rồi cuối cùng tôi đi đến… một người bạn! Bất luận là để chứng minh điều gì, sự hỗn xược ấy không thể tha thứ được. Nếu không dừng lại kịp thời.

10-1973

Võ Phiến

Trích Quê Hương Tôi

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...