Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Tiếng Xưa = Lê Trung Ngân

Tiếng Xưa…(Viết ngày 9/7/2018
 
Hôm qua, Trần Anh Bố từ Mỹ về có gọi cho tôi đi uống nước. Qua trao đổi, Bố cho hay bạn của Bố là Nguyễn Hồng Hải (Kỹ sư nông nghiệp) vừa mất. Bố nói thêm về một số bạn bè cũ đến nay đã ra đi vĩnh viễn trong đó có nhắc đến Trịnh Ngọc Sương. Tôi chợt hồi tưởng lại trường hợp của Sương...
 
 
Hè năm 1969, khoảng cuối năm học, cả trường Trung học Tây Ninh lúc đó đang chuẩn bị nghĩ hè mà đánh dấu chấm hết năm học bằng lễ phát phần thưởng. Tôi thấy cũng khá rỗi rãnh, vì giờ học thì lai rai có thầy bận việc này nọ nên trống giờ, tôi tản bộ lên phòng Khánh tiết chơi. Tại đây, tôi khá bất ngờ và ấn tượng khi nghe một cô nữ sinh vóc người nhỏ nhắn, mặc áo dài trắng đang hát bài: “Tiếng Xưa” của Dương Thiệu Tước để hát trong lễ phát thưởng. Đứng sau và cạnh cô bé là thầy Đỗ Văn Hóa đang thả hồn theo tiếng đàn violon réo rắt đệm cho giọng hát trong trẻo của cô bé:
“Hoàng hôn lá reo bên thềm
Hoàng hôn tơi bời lá thu
Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh
Bâng khuâng phím loan vương tình …”
 
Người nữ sinh ấy là một cô bé đẹp, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, gương mặt trái xoan, mày sắc, có nét ranh mãnh, “đanh đá” của con gái Bắc Kỳ, nhưng thật ra cô là người Nam Kỳ. Giọng ca khá điêu luyện, da diết sâu thẳm.
Tôi muốn khóc. Tôi nhớ về những hoài niệm mông lung xưa cũ… Hỏi ra mới biết cô bé là Trịnh Ngọc Sương học sau tôi 2, 3 lớp.
Đến năm 1971, chiến cuộc đã đi vào giai đoạn khốc liệt, tôi rời trường xuống Sài Gòn học đại học và cố học để không vướng vào vòng quân dịch chết chóc của thanh niên thời đó, nên tin tức quê nhà ít khi được nắm bắt. Rồi đến năm 1975 về sau, cuộc sống quá khó khăn nên ai cũng lo cho mình và gia đình nên bạn bè cũ mà có khi ở gần còn không gặp được huống chi xa.
Từ ngày có internet, tôi có khi nghe lại bài Tiếng Xưa và chạnh lòng nhớ lại thời điểm đầu tiên tôi nghe Ngọc Sương hát. Thú thật, tôi thấy không ai hát bài này hay như Ngọc Sương:
 
“…Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường
Phai tàn một thời liệt oanh xa đưa gió may lạnh lùng
Chiều thu nhớ nhung vì đâu, thắm đôi giòng Châu
Tiếc thay tại sao đành lỡ làng
Man mác khói hương bay dịu dàng như tóc mây vương
Dáng liễu mơ màng cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương ai đó tri âm biết cùng…”
 
Những năm sau nửa, có lần tôi đi công tác nghĩ đêm ở Mỹ Tho, nghe nói Ngọc Sương ở đó, tôi định đến thăm thì cô nàng đi công tác ở Cà Mau nên không gặp nửa. Đầu năm 2015, tôi được mấy bạn học của Ngọc Sương cho hay vừa tiển Ngọc Sương đến nơi an nghĩ cuối cùng… Âu cũng là phần số.
Những năm 2010 trở đi, sau nhiều năm xa lìa nhau và xa lìa trường Trung học Tây Ninh, thầy trò cũ của chúng tôi có dịp gặp lại nhau. Có lần gặp mặt, một người bạn cất tiếng hát:
 
“… Hoàng hôn gió sương lạnh lùng
Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung
thiết tha đàn rung tiếng tơ
vấn vương trôi theo mây mờ
đâu khúc cô liêu duyên dáng tiêu điều
dư âm chìm theo giòng Châu tràn lan sóng vương mạch sầu…”
 
Có cô bạn rưng rưng nước mắt nắm lấy tay tôi, khẽ nói: “Ngày xưa, tôi yêu thích bài hát này…”
Ngày xưa ấy, gần 50 năm trước, thầy và cô cùng dạy tôi, có thầy, cô chưa lập gia đình. Rồi cùng xa rời. Giờ đây, tóc của học trò đã điểm bạc, huống chi tóc của thầy cô…
Tôi nhắm mắt, nghe giọng ca ngân dài, ngân dài vào dĩ vãng, hư ảo hiện về…. Giọng hát Ngọc Sương như còn đâu đó trong tôi.
 
“…Đàn ơi thiết tha vì đâu, tiếng xưa trầm ngâm lắng rung đường tơ bao mơ màng
Lưu luyến hương thu thêm dịu dàng
Ai có hay chăng Say khúc ưu tư, gió sương chiều thu buồn mơ ai đó tri âm hững hờ…”
 
Cách đây mấy tháng, cô Vương Thanh Tú về Việt Nam và thăm mẹ của cô trên nhà cô ở Bảo Lộc. Cô muốn vợ chồng tôi lên chơi với cô ở Bảo Lộc vài ngày rồi cùng về Tây Ninh. Tôi bận việc nên định để vợ tôi lên Bảo Lộc. Bà điện cho Đỗ Văn Hà (em ruột thầy Đỗ Văn Hoá) hiện làm vườn ở Bảo Lộc để nhờ Hà đưa đi khi lên Bảo Lộc. Gặp Hà mới hay thầy Đỗ Văn Hoá mất đột ngột năm 2017. Thôi rồi tiếng đàn violon réo rắc của thầy cũng trở thành tiếng xưa mãi mãi như giọng hát Ngọc Sương…

Lê Trung Ngân

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...