Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Giai Thoại Văn Chương : NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ (8)

 
 
 Giai Thoại Văn Chương :

                               NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ  (8)
                                               Liễn Xuân
                                      Thầy đồ dõm :Đỗ Chiêu Đức

                                                                           Mỗi năm gom giấy bút,
                                                                           Tạo dáng ông đồ già.
                                                                           Nhưng lòng người không cũ,
                                                                            Dửng dưng lại đi qua!

      Để mở đầu cho câu đối đón Tết trong mùa đại dịch đang chìm trong biến thể Omicron kỳ nầy, xin kính chúc mọi người đều được như câu đối mừng xuân dưới đây :

                 日日日日平安日,   Nhựt nhựt nhựt nhựt bình an mhựt,
                 春春春春如意春。   Xuân xuân xuân xuân như ý xuân !

 

                                                                           
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                                   Thầy Đồ dõm và Bà Xã

     - NHỰT 日 : là Ngày; 4 chữ NHỰT đi liền nhau có nghĩa là : Hết ngày này qua ngày khác, hết ngày nọ đến ngày kia. Tương tự...
     - XUÂN 春 : là Mùa Xuân; 4 chữ XUÂN đi liền nhau có nghĩa là : Hết xuân nầy qua xuân khác, hết xuân nọ đến xuân kia. Nên, câu đối trên có nghĩa :

        - Hết ngày này qua ngày khác đều là những ngày bình an,
        - Hết xuân nọ đến xuân kia đều là những mùa xuân như ý !
     
      Cầu mong cho mọi người đều có được một cái Tết, một mùa Xuân bình an như ý !
     Chuyện kể, có một ông họ Vương nọ, ngày thường tiêu pha hoang phí vô độ, nên đến Tết đâm ra túng quẩn. Đêm ba mươi Tết, để "ăn năn" cho sự hoang phí của mình ông ta đã viết đôi liễn Tết như sau để dán lên trước cổng :

                  行節儉劃,  Hành tiết kiệm hoạch,
                  過淡泊年。  Qúa đạm bạc niên.    
Chú thích :
           Ta gọi là ĂN TẾT, còn người Hoa gọi là QUÁ NIÊN. Ví dụ : Ta nói "Năm nay anh ĂN TẾT ở đâu?", thì người Hoa nói "Năm nay anh QUÁ NIÊN ở đâu?". Nên câu đối trên...
Có nghĩa :
               Thực hành kế hoạch tiết kiệm, 
               Ăn Tết một cách đạm bạc thôi !

         Qủa là nước tới trôn mới nhảy, lối xóm có người "cắc cớ" thêm cho mỗi câu một chữ. Sáng mồng một vừa mở cửa ra ông ta đã đọc thấy :

                  早行節儉劃,  TẢO hành tiết kiệm hoạch,
                  不過淡泊年。  BẤT qúa đạm bạc niên.
  Có nghĩa :
                  Nếu sớm biết thực hành kế hoạch tiết kiệm, thì...
                  Không phải ăn Tết một cách đạm bạc (như năm nay!)   
                      
                             Ảnh minh họa Giải Tấn và  đôi câu đối  
         
        Lại nói về GIẢI TẤN 解缙, người ở Trấn Văn Phong, huyện Cát Thủy, tỉnh Giang Tây, là một văn tài đời nhà Minh. Tương truyền, trước khi đậu Tiến sĩ, ông còn là một bạch diện thư sinh, nhà ở đối diện với một khu vườn trúc (Trúc 竹 là từ Hán Việt, có nghĩa là cây Tre). Vì là một thư sinh áo vải nhà nghèo, nên chiều ba mươi Tết, ông chỉ viết một đôi liễn dán lên trước cổng để đón giao thừa mà thôi, đôi liễn như thế nầy : 
                  
                  Môn đối thiên can trúc,         門對千竿竹,
                  Gia tàng vạn quyển thư.       家藏萬卷書。
Có nghĩa :
         - Đối diện trước cửa nhà là ngàn cây trúc, còn ...
         - Trong nhà thì cất giữ hàng vạn quyển sách.

        Ý của ông là muốn tỏ rõ cho mọi người biết mình là một thư sinh quân tử thanh cao như là vườn Trúc trước nhà, và là một thư sinh hiếu học với cả vạn quyển sách chứa trong nhà.

       Ngày xưa, Trúc được xem như là biểu tượng của người quân tử, được phong tặng là "Tiết trực tâm hư 節直心虛". TIẾT là các mắt, các lóng tre, TRỰC là thẳng, TÂM là cái Ruột tre, HƯ là trống không. Nên TIẾT TRỰC TÂM HƯ có nghĩa là : Các mắt tre thì thẳng tuột mà ruột tre thì bọng không, như biểu tượng cho khí tiết của người quân tử : Thẳng thắn mà không vụ lợi. Nhất là khi đã xuất sĩ để làm quan. Ta nhớ lại, lúc về Việt Nam chấp chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dùng cả một bụi tre để làm biểu tượng cho chính quyền của mình, tất cả những con dấu từ Trung Ương đến Địa phương đều có hình bụi tre ở giữa với ý nghĩa Chính trực thanh liêm và  không vụ lợi !  
                    
      Trở lại với...
      Câu đối của Giải Tấn. Sáng mùng một Tết, tên địa chủ của vườn trúc thấy đôi câu đối của ông, bèn nổi giận nghĩ rằng : Vườn trúc của ta để cho nó  tự ví mình là người thanh cao học rộng, thật đáng ghét ! Bèn cho gia nhân đốn hết vườn trúc xuống, xem mi còn viết được liễn hay không ?! Đến chiều khi Giải Tấn ra cửa, thấy trúc đã bị đốn ngang, nhưng còn khúc gốc ngăn ngắn, ông chỉ mĩm cười chẳng nói chẳng rằng. Đêm đó, ông viết thêm mỗi bên một chữ nối vào đôi liễn trên như sau :
                
                Môn đối thiên can trúc ĐOẢN,          門對千竿竹短,
               Gia tàng vạn quyển thư TRƯỜNG.     家藏萬卷書長。
Có nghĩa :
            - Cửa đối ngàn cây trúc NGẮN,
            - Nhà còn muôn quyển sách DÀI.

      Ý càng mĩa mai hơn, Trúc của ông đã ngắn rồi, nhưng sách của nhà ta thì lại cứ dài thêm ra (nhiều thêm ra!). 
      Sáng mùng 2 Tết, tên địa chủ nhìn thấy 2 chữ mới thêm vào của Giải Tấn càng sôi máu hơn, ông ta ra lệnh cho đám gia nhân đào hết cả các gốc tre lên, thử xem "mầy" có gở đôi liễn xuống không cho biết ! Giải Tấn trông thấy việc làm của ông ta, chỉ cười thầm. Tối đêm đó, ông lại thêm vào mỗi bên một chữ nữa như sau :
              Môn đối thiên can trúc đoản VÔ,          門對千竿竹短,
              Gia tàng vạn quyển thư trường HỮU.    家藏萬卷書長
Có nghĩa :
         - Cửa đối ngàn cây trúc tạm không (đoản vô : chỉ một thời gian ngắn không có, có nghĩa Tạm thời không có, trúc sẽ mọc lại mà thôi !)
         - Nhà giữ muôn quyển sách dài dài (trường hữu : Có một cách lâu dài trường cữu, là Có dài dài thêm !).

      Ý muốn nói, Tre của ông có thể không có, chớ sách của ta thì luôn có dài dài ở trong nhà !
      Sáng sớm mùng 3 Tết, tên địa chủ đọc được 2 chữ mới thêm vào của Giải Tấn, tức muốn ói máu, nhưng lại không làm gì được anh ta, mà vườn trúc nhà mình thì đã bị mình ra lệnh cho đốn sạch và moi cả gốc rể lên rồi !.....
        Chữ nghĩa văn chương lắm lúc cũng mạnh mẽ, hay ho, lý thú là thế ! Nên ngày xưa, người ta có lệ dán liễn từ ngoài cổng cho đến... cầu tiêu sau hè ! 
               
       Ngày xưa không có Toilet hay restroom vừa khang trang, vừa vệ sinh, vừa thơm phức như bây giờ. Giới bình dân nghèo khó cứ đi ra đồng tìm một chỗ nào vắng vẻ là... xề xuống "giải quyết vấn đề" một cách thoải mái. Còn ở các thị tứ thì Nhà Xí được cất ở phía sau khá xa khu nhà ở để tránh mùi hôi thối. Đối với những gia đình giàu sang khá giả thì cũng được lợp mái và có cửa nẻo hẵn hoi và ... dĩ nhiên cũng được dán đôi liễn như những nơi khác. Sau đây là một đôi liễn độc đáo nhất được dán ở ... Cầu Tiêu Công Cộng :

                  Lai thời thập phân cấp,       來時十分急,
                  Khứ hậu nhất thân khinh.   去後一身輕。
Có nghĩa :
         - Khi đến vội vả mười phần, (lính qua lính quính).
         - Lúc đi nhẹ nhỏm một thân. (đã trút được bầu tâm sự).
                 
                                                         
     Tin rằng trong đời chắc ai cũng có một lần lính qua lính quính quính quáng tìm chỗ để giải quyết vấn đề... sinh lý nầy !

      Câu đối trên tuy rất thưc tế, tả chân, nhưng còn thiếu tính chất... văn chương. Sau đây, xin mời tất cả cùng đọc một câu đối dán trước nhà xí của người đứng đầu trong Giang Nam Tứ Đại Tài Tử 江南四大才子 là Đường Bá Hổ 唐伯虎 như sau :

                           且 看 来 客 多 情, 甘 解 衣   不 悔;
               Thả khan lai khách đa tình, Cam giải y đái chung bất hối;
                           莫 道 此 物 無 用, 化 作 春 泥 更 護 花。
               Mạc đạo thử vật vô tình, Hoá tác xuân nê cánh hộ hoa !
Có nghĩa :
       - Hãy xem khách đến rất đa tình, cởi bỏ xiêm y không hối hận;
       - Đừng bảo vật thải nầy vô dụng, hoá thành phân đất vẫn ươm hoa !

     Với giọng điệu của một Giang Nam phong lưu tài tử ra vào kỹ viện hằng ngày, Đường Bá Hổ đã thi vị hóa việc đi nhà xí như khách đa tình đi vào kỹ viện, sẵn sàng tháo thắt lưng để cởi xiêm y ra mà không hề hối hận chút nào, và đừng bảo là những vật thải ra là vô dụng khi nó đã trở thành những thứ đất của mùa xuân thì cũng sẽ sẵn sàng ươm và giữ cho hoa được tươi thắm hơn và đẹp đẽ hơn mãi mãi !
       Thi vị hóa cho việc đi nhà xí đến thế là cùng !
             
        Lại kể, cũng đất Giang Nam ngày xưa có một gia đình, người cha xuất thân là một Tiến Sĩ, gia đình rất có học thức, nhưng nhân phẩm thì lại tệ hại vô cùng. Thường ỷ lại vào gia đình khoa bảng mà chèn ép, khinh thường và ức hiếp lối xóm hương thân. Nên mọi người đều dám giận mà không dám nói. Trời xui đất rủi làm sao mà năm đó thằng con trai lớn lại thi đậu Tiến Sĩ nữa, nên Tết năm đó ông cha hớn hở viết đôi liễn treo lên như sau :

                     父 進 士, 子 進 士, 父 子 皆 進 士;
               Phụ Tiến Sĩ, Tử Tiến Sĩ, Phụ tử giai Tiến Sĩ;
                      婆 夫 人, 媳 夫 人, 婆 媳 均 夫 人。
              Bà phu nhân, Tức phu nhân, Bà Tức quân phu nhân.
Có nghĩa :
            - Cha Tiến sĩ, Con Tiến sĩ, Cha con đều là Tiến sĩ;
            - Mẹ chồng phu nhân, Nàng dâu phu nhân, Mẹ chồng nàng dâu đều là phu nhân.

            * BÀ là BÀ BÀ 婆婆 : là Mẹ chồng, là Bà già chồng.
            * TỨC là TỨC PHỤ 媳婦 : là Nàng dâu, là Con dâu.

      Hàng xóm trông thấy khoe khoang thân phận một cách lộ liễu, hống hách. Giận lắm nhưng không làm gì được ông ta. Tình cờ Đường Bá Hổ đi ngang qua xóm, nghe lóm được bà con oán thán về gia đình ông Tiến Sĩ hống hách kia. Đêm đó đợi khi mọi người ngủ cả mới đến trước cửa của cha con nhà Tiến sĩ thêm vài nét bút vào. Sáng hôm sau mùng một Tết, khi vừa mở cửa nhà ra, ông Tiến sĩ đã thấy lô nhô những người xì xào chỉ trỏ vào cửa nhà mình cười nói xôn xao. Quá ngạc nhiên, ông mới bước ra xem thì thấy đôi liễn Tết nhà mình đã bị ai đó thêm vào mấy nét; Chữ SĨ 士 bị kéo dài nét dưới ra thành chữ THỔ 土 là Đất; mà Tiến Thổ là tiến vào đất , là chết, là Nhập Thổ. Còn chữ PHU 夫 bị thêm một dấu phẩy bên trái thành chữ THẤT 失 là Mất; Chữ NHÂN 人 thêm vào hai nét ngang thành chữ PHU 夫 là Chồng. THẤT PHU là Mất chồng. Câu liễn Tết thành ra :

                         父 進 土, 子 進 土, 父 子 皆 進 土;
              Phụ Tiến THỔ, Tử Tiến THỔ, Phụ tử giai Tiến THỔ;
                         婆 失 夫, 媳 失 夫, 婆 媳 均 失 夫。
               Bà THẤT PHU, Tức THẤT PHU, Bà Tức quân THẤT PHU.
Có nghĩa :
       - Cha nhập thổ, con nhập thổ, cha con đều nhập thổ (chết hết!);
       - Mẹ chồng mất chồng, con dâu mất chồng, Mẹ chồng và con dâu đều mất chồng (Mẹ chồng và con dâu đều trở thành góa bụa !).

      Chỉ cần thêm có vài nét, câu đối huênh hoang tự hào của một gia đình khoa bảng liền trở thành câu đối buồn thảm tang tóc cho cả gia đình. Thế mới biết ngòi bút của văn nhân thi sĩ lợi hại biết chừng nào !
       
      Để kết thúc cho bài viết này, kính mời tất cả cùng đọc một câu đối Tết thay lời "CHÚC XUÂN" sau đây :

                 有地有天皆麗日,  Hữu địa hữu thiên giai lệ nhật,
                 無人無處不春風。  Vô nhân vô xứ bất xuân phong !
   Có nghĩa :
            - Hễ nơi nào có đất có trời là nơi đó có nắng đẹp (của mùa xuân),
            - Không có người nào, không có nơi nào là không được gió xuân thổi đến (có nghĩa : Mọi người mọi nơi đều được hưởng cái ấm áp tràn đầy sinh lực của gió xuân !).
 

 
     Cầu chúc cho tất cả mọi người, mọi nơi trên thế giới nầy đều có được một mùa xuân NHƯ Ý và đều VUI VẺ KHỎE MẠNH để vượt qua cơn dịch thế kỷ đang biến chứng thành Omicron nầy !

     Hẹn bài viết tới !

                                                                   杜紹德
                                                              Đỗ Chiêu Đức

 

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thuy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...