Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

PHIÊN TOÀ NGÀY 30-•Trần Mộng Tú ( Trưng Vương 2020 )


 Theo âm lịch hôm đó là ngày 30 Tết. Sáng mai sẽ là ngày Tân Niên.
Người Á Đông vào ngày cuối năm này, không ai muốn ra tòa cả. Họ còn lo
dọn cửa nhà, bày bàn thờ tổ tiên để đón năm mới. Nhưng người Mỹ thì
ngày nào cũng là ngày làm việc, trừ ngày lễ và ngày cuối tuần. Ngày 30
Tết của mình không phải ngày lễ lạt nào của dương lịch cả. Và phiên xử
đã định ngày.

Muốn hay không cả bị cáo lẫn nguyên đơn đều phải ra đôi chứng trước tòa.

Phiên tòa “Dân Sự Tố Tụng” ngoài luật sư, chánh án, còn có cả người
ngoài vào tham dự. Những người Việt ở thành phố này háo hức đi xem vì
bà Hằng là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, một người ở đây
từ năm 1975 và tương đối có một cuộc sống dung dị, khiêm nhường, nhất
là sau khi chồng bà qua đời thì bà lại ít giao thiệp hơn. Phần đông họ
biết bà là người có nhà cho thuê phòng.

Bốn người ở trọ trong nhà bà thì một người, con chở tới, để làm nhân
chứng thưa bà Hằng, ba người kia cũng chở nhau hoặc nhờ người khác chở
đến xem phiên tòa xử bà Hằng.

Bà Nguyễn Thị Hằng bị ông Trần Văn Định, con trai của ông Trần Văn Nam
thưa về tội bà lợi dụng bố ông để làm chuyện vợ chồng và đòi số tiền
bồi thường là ba trăm ngàn. Đây là số tiền tương đương với căn nhà bà
Hằng đang sở hữu. Nếu thua kiện, bà Hằng có thể phải bán đi ngôi nhà
này.

Sau đây là lời khai của bà Nguyễn Thị Hằng:

– Tôi năm nay đã ngoài năm mươi. Góa chồng mười năm, không con cháu.
Chồng tôi mất để lại cho tôi tiền hưu bổng, quỹ an sinh của anh cộng
vào của riêng tôi, cũng giúp tôi sống thoải mái tuổi già. Tôi có một
ngôi nhà khá rộng, nhà bốn phòng ngủ ba phòng tắm. Ngôi nhà này chúng
tôi mua sau khi ở Mỹ được mười năm. Bây giờ chồng mất, một mình tôi ở
cũng thấy trống trải quá. Bạn bè khuyên tôi nên bán đi mua một căn
chung cư ở cho tiện, khỏi phải lo sân trước vườn sau. Nhưng tôi cứ
tiếc bao nhiêu kỷ niệm đã có với ngôi nhà này nên không bán. Hai năm
sau ngày chồng mất, tôi sửa lại nhà, thêm hai buồng nữa và một buồng
tắm rộng, xây theo kiểu cho người già có thể đẩy xe lăn vào tắm. Đã
tám năm nay, tôi cho thuê phòng. Tôi cho những người già trên 50 tuổi
thuê, phải là không có bệnh tật, tự lo cá nhân được, chỉ muốn ở riêng
không phiền con cháu. Nếu ai không thích nấu nướng, tôi cũng nấu ăn
cho ngày hai bữa: bữa điểm tâm và bữa cơm chiều. Nhà sáu phòng, cho
thuê bốn. Tôi ở một phòng, một phòng làm thư phòng, để sách vở, báo
chí, máy truyền hình.

Trong tám năm có kẻ ra người vào. Có cặp vợ chồng già, giận con tưởng
bỏ đi được, đến xin ở. Vài tháng nhớ cháu lại làm lành với con xin về.
Có người được con đưa đến gửi vì cả ngày con cháu đi làm, đi học không
có ai nói tiếng Việt, họ nói: gửi mẹ cháu ở đây cho có bạn, cuối tuần
đón về. Một hai tháng đầu còn đón, sau quên luôn. Có người ở tiểu bang
khác tới chưa kiếm được nhà, nói ở tạm, rồi ở luôn. Trong tám năm
không lúc nào có buồng trống cả. Khách trọ có người làm thân với nhau
nhanh chóng, có người ở cả tháng không nói với nhau câu nào. Cũng có
người ở được một tháng rồi dọn ra ngay, nói là, không quen chung đụng
với người lạ. Họ đến và đi như thế, người này ra thì người kia vào.
Cũng có một hai người qua đời vì tuổi già.

Cuối năm thứ bảy bước sang năm thứ tám, tôi nhìn vào danh sách khách
trọ: Cả bốn người đều là đàn ông không có vợ, một ông 68, một ông 70,
một ông 72 và một người còn trẻ, mới ngoài 20. Cả bốn người này không
có bệnh gì trầm trọng, đã ở thuê trong nhà tôi được từ hai đến bốn
năm.

Có một điều đáng nói là cả bốn người này họ có một điểm giống nhau là
khi ngủ họ hay mê sảng và kêu hét. Ban đầu thì chỉ có một người mê
sảng, sau không hiểu sao mà dần dần cả bốn người thay nhau la hoảng
suốt đêm. Có khi một tối hai, ba người cùng mê sảng. Nhưng cơn mê của
họ phải gọi là ác mộng vì họ la hét hoặc khóc lóc. Có hôm cả đêm tôi
phải dậy đập cửa từng phòng, nơi phát ra tiếng động để kéo họ ra khỏi
cơn ác mộng.

Sáng hôm sau, người mê hoảng đêm trước thường không nhớ gì về giấc mơ
cả, hoặc có nhớ thì chỉ nhớ rất mơ hồ hoặc có thể họ nhớ nhưng vì
ngượng ngùng họ không muốn nhắc lại. Tôi coi như họ đã quên hết những
giấc mơ đêm trước.

Lần đầu nghe một khách trọ mê sảng như thế, tôi không chịu nổi vì mất
ngủ suốt đêm theo họ. Rồi kế tiếp cả bốn phòng đều thay nhau, người
đêm này, kẻ đêm khác cất tiếng khóc, nói mê ban đêm xảy ra rất thường.
Tôi đã có ý định mời họ dọn ra. Nhưng khi mở hồ sơ của họ thì một
người không có họ hàng thân thích, một người con bỏ vào đây rồi dọn đi
tiểu bang khác. Một người con ở gần nhưng may ra một năm gọi hay thăm
một lần. Muốn mời họ dọn ra không dễ, hình như con cái họ muốn giao họ
cho tôi làm vú già như kiểu ở Việt Nam ngày xa xưa. Họ vẫn gửi tiền
tháng nhưng không liên lạc, nếu cha mẹ họ chưa chết. Không lẽ chỉ đuổi
một người thứ tư là người trẻ nhất, không vợ, không con.

Chánh Án:

– Theo đơn khởi tố của ông Trần Văn Định thì bà có vào giường của bố
ông ấy là: Trần Văn Nam sáng ngày mồng 8 tháng 4. Bà lợi dụng ông già
70 để làm chuyện vợ chồng và ông Định bắt gặp tại chỗ. Có đúng không?

Nguyễn Thị Hằng:

– Tôi có vào giường ông Trần Văn Nam để dỗ ông ta, vì ông ta khóc rống
lên rất thống khổ. Tôi phải trèo vào giường ôm ông ấy nằm xuống, vì
ông ta hốt hoảng nhổm dậy như muốn đập đầu vào tường. Mới kéo được ông
ấy nằm xuống và đang ôm cho ông ấy hạ cơn mê thì ông Định mở cửa ló
đầu vào.

Trần văn Định:

– Bố tôi ở đó đã hơn ba năm, tôi không đón bố tôi về nhà chơi thường
được vì vợ chồng tôi bận làm ăn; chỉ trừ dịp Tết, nghỉ lễ, nếu tôi
không bận công việc. Có đến hơn một năm rồi tôi mới quay lại đây, tối
hôm trước tôi có gọi cho bà Hằng, nói, tôi sẽ đến sớm để đón Bố tôi
cho ra tiệm ăn sáng vì tôi rất bận và tôi không thể đón bố tôi về chơi
được. Bấm chuông mãi không thấy bà Hằng ra mở cửa, tôi xoay xoay tay
cầm thì thấy cửa không khóa, ngó đầu vào thấy nhà không thắp đèn, trời
mới mờ mờ sáng. Tôi đi thẳng vào buồng có tên bố tôi, khẽ đẩy cửa ló
đầu vào thì thấy bà Hằng nằm trên giường cùng với bố tôi, bà ôm bố tôi
như người vợ ôm chồng và đang nói nho nhỏ:

“Không sao, không sao, ngủ đi, em đây, em đây.”

Bà ấy cứ lặp đi lặp lại nho nhỏ như thế và không để ý đến sự có mặt
của tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đang lợi dụng bố tôi để làm chuyện không
đẹp. Tôi tiếc là quên không lấy phôn ra chụp hình làm bằng chứng.

Chánh Án:

– Bà Hằng, những lời ông Trần Văn Định vừa nói có đúng không?

Nguyễn Thị Hằng:

– Đúng hoàn toàn, hôm đó tôi khó ngủ, thức giấc từ 3 giờ vì ông Trần
Văn Nam mê sảng cả đêm, tôi phải chạy sang lay ông và dỗ cho ông ngủ
lại, gần 5 giờ mới hơi yên. Biết là ông Định sẽ đến vào sáng sớm, nên
trước khi về phòng mình, tôi mở khóa sẵn cho ông Định, cửa chỉ đóng
nhưng không khóa vì tôi không muốn mới ngủ lại mà bị đánh thức. Nhưng
ông Nam đâu có để tôi yên, khoảng một giờ sau ông ấy lại mê sảng khóc
rống lên, gọi tên bà Vân (tôi đoán là vợ ông, vì mỗi lần mớ ông đều
gọi tên bà Vân này.) Tôi phải chạy sang và nằm luôn vào giường ôm ông
ấy dỗ như dỗ một người chồng bệnh tật.

Chánh Án:

– Tại sao bà lại dỗ như dỗ một người chồng? Ông ấy đâu phải chồng bà.
Bà làm như thế này mấy lần rồi?

Nguyễn Thị Hằng:

– Tôi làm nhiều lần rồi. Không phải chỉ với một mình ông Nam mà còn
với cả ba người khách trọ kia nữa.

Cả phòng xử nhao nhao lên một tiếng “Ồ” thật to. Ông Lê Văn Thành, ông
Nguyễn Anh Tuấn, Ông Bùi Văn Lai đều giật mình đánh thót lên. Cả ba
ông khách trọ còn lại thảng thốt nhìn nhau như tự hỏi: “Bà Hằng vào
nằm ôm mình lúc nào mà mình không biết nhỉ?” Ông Bùi Văn Lai trẻ nhất,
ngồi im lặng, tính anh vẫn ít nói nhưng hai ông già ngoài 70 tuổi thì
cúi đầu vào nhau thì thầm, mặt co lại vì suy nghĩ.

Trần Văn Định:

– Ồ đấy, cả tòa đã nghe rõ chưa, bà Hằng không phải chỉ ngủ với bố tôi
mà còn ngủ với tất cả khách trọ của bà. Thật là tội lỗi.

Chánh Án:

– Xin bà nói lại cho rõ. Bà cho khách thuê nhà, ngoài việc nấu cho

ăn, bà không có dự phần chăm nom cá nhân gì cho những người ở trọ, tại
sao bà lại vào giường ôm người ta ngủ?

Nguyễn Thị Hằng:

– Đúng, tôi chỉ là một người chủ cho thuê nhà, nhưng không biết từ lúc
nào tôi trở thành: người vợ, người mẹ và ngay cả người con của mấy
người khách trọ này. Đây là tình trạng những người hiện tại tôi cho
thuê phòng trong nhà tôi:

•Ông Lê Văn Thành, 72 tuổi, con mang tới bốn năm rồi, không hề ghé lại
thăm ngoài việc gửi tiền đều đặn hàng tháng và một năm đôi lần gọi,
hỏi một câu ngắn ngủi xem cha mình còn sống hay không? Ông Thành là
một sĩ quan pháo binh, đi cải tạo, sang Mỹ theo diện H.O. Ông mang vào
nhà tôi một gánh ký ức ở những trại tù Bắc Việt Nam, vợ chết từ khi
ông đi tù về. Trong những cơn ác mộng ông gọi tên người con trai duy
nhất, rồi khóc nức nở, rồi cười hực hực. Có khi tôi làm vợ ông, vào
nằm đưa tay mình ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông trong đêm tối,
rồi nhận là vợ ông. “Anh ơi ngủ đi, khuya rồi, ngủ đi mai dậy mình
mang con về nội”. Có khi tôi làm người con trai, tôi kéo ông nằm thấp
xuống cho ngả đầu vào vai tôi rồi dỗ: “Ba tựa vào vai con nè, con đến
đón ba về nhà chơi với mấy đứa nhỏ nè.”

Tôi lừa ông một lúc thì ông ngủ. Ông ngủ say rồi mà tôi vẫn thức, tôi
thương ông quá đỗi, tôi không dám kéo cái vai gầy của tôi ra, tôi thấy
giận người con trai của ông đã bỏ rơi người bố khốn khổ. Tôi đóng vai
con ông, vợ ông không phải một mà rất nhiều lần rồi.

•Ông Nguyễn Anh Tuấn, 68 tuổi. Vượt biển năm 1985, vợ và hai con gái
chết ngoài khơi trước khi thuyền kéo được vào bờ. Ông cuối cùng vào
được Mỹ, tưởng rằng có việc làm, chốn ở, ông sẽ làm lại đời mình.
Nhưng không, ông vẫn sống với những ám ảnh kinh hoàng đó. Ông phải đi
điều trị tâm thần. Tuy hồ sơ bệnh lý của ông không trầm trọng, nhưng
ông sống vật vờ như xác không hồn, ông có đi làm việc một thời gian
dài rồi nghỉ việc, rồi lại đi làm, rồi lại nghỉ.

Ông đi ở trọ nhiều nơi, chính phủ cũng đã có lần cấp nhà cho ông. Bây
giờ ông đi qua cả tuổi hưu trí rồi mà vẫn không biết xếp hồ sơ của ông
vào tình trạng nào vì có lúc đầu óc ông rất sáng suốt, thông minh, có
lúc ông hoàn toàn như vuông vải mục bị ngâm thuốc tẩy lâu ngày. Ông
đến thuê trọ nhà tôi ba năm nay. Những đêm mê sảng ông gọi tên vợ, gọi
tên hai cô con gái, giọng ông như người đang chết ngạt trong nước.
Không phải nước biển mà là nước mắt. Tôi ôm ông, có khi nhận là vợ,
nói: “Em đây, mình ngủ đi.” Có khi nói: “Ba ơi, con gái ba đây, ba ngủ
đi nghe.” Ông hơi khó dỗ, ông hay hỏi lại tôi: “Bé Mi hay Bé Na đấy?”
Khi ông ngủ là lúc tôi nằm khóc ướt cả cái gối của ông. Nhập vào trong
cơn mê sảng đau thương của ông, nhiều đêm tôi tưởng mình là con gái
ông thật, mặc dù tôi chỉ kém ông mươi tuổi.

•Ông Bùi Văn Lai, trẻ tuổi nhất lai Mỹ đen, thì lúc nào cũng cần mẹ.
Anh bị mẹ cho vào cô nhi viện từ khi còn bé, đến khi anh lớn thì cô

nhi viện đem bán anh cho một gia đình để làm con nuôi. Cả gia đình đó
sang Mỹ theo diện con lai. Sang đến Mỹ được hơn một năm, đời sống gia
đình họ ổn định, họ không muốn có một người con Mỹ đen trong nhà, anh
bị đuổi khéo. Anh lang thang, tự kiếm việc và tìm nơi dung thân mình
từ lúc 15 tuổi. Anh vào nhà tôi được hai năm. Năm nay anh hai mươi.

Anh thèm mẹ lắm, tôi tin như thế vì khi anh mê sảng, anh cứ khóc rống
lên gọi mẹ.

Tôi bắt đầu còn đứng ở đầu giường anh lay lay vai anh, sau phải trèo
vào giường anh, ôm cái đầu tóc quăn quăn của anh vào bộ ngực còm cõi
của mình dỗ dành: “Mẹ đây, mẹ đây, ngủ đi con, ngủ đi con” và nước mắt
tôi cũng ứa ra làm ướt cả mấy sợi tóc quăn đó. Tôi ôm anh cho đến khi
anh chìm vào giấc ngủ vì tin mình có mẹ nằm bên.

•Ông Trần Văn Nam, bố của ông Trần văn Định cũng là một người thèm
con, nhớ vợ. Mặc dù ông Định ở không xa nhưng lúc nào ông cũng nói là
công việc làm ăn rất bận.

Vợ con ông thì tôi chưa hề gặp bao giờ. Tối hôm đó tôi phải vào với
ông hai lần, tôi mất ngủ cho đến sáng. Và ông Nam đã khóc trong lòng
tôi, ông gọi tên Định vì tưởng con đến đón ông về. Sau ông lại mê sảng
gọi tên bà Vân, tưởng tôi là bà Vân, vợ ông. Tôi dỗ dành mãi ông mới
yên và tôi cũng mệt quá, vừa thiếp đi thì ông Định đến.

Bà Hằng ngưng một lúc, nhìn xuống bốn người khách trọ trong nhà mình,
nói như chỉ để nói với bốn người đó:

– Tại sao cả bốn ông không cùng đem tôi ra tòa, cùng thưa tôi đòi bồi
thường một thể? Có phải các ông sau những cơn ác mộng ban đêm, sáng ra
đã nhìn tôi như nhìn một người vợ, một người con và một người mẹ hay
không? Tôi không nghĩ là các ông hoàn toàn quên hẳn giấc mơ đêm trước.

Cả phòng xử im lặng, người ta có cảm tưởng nghe được cả tiếng tim đập
nhanh trong lồng ngực của cả bốn người đàn ông trước mặt.

Phiên tòa đến đây tạm ngưng vì hết giờ. Chánh Án không hỏi thêm câu
nào nữa và vụ kiện sẽ được xử tiếp vào một ngày khác.

Đêm ba mươi hôm ấy, bà Hằng không nghe thấy một tiếng mê sảng nào phát
ra từ buồng ngủ của khách trọ.

Sáng mồng một Tết, bà Hằng bày hương hoa trên bàn thờ chồng, làm một
mâm cơm cúng tân niên mời bốn người ở trọ tham dự. Họ vui vẻ chúc Tết
nhau. Không ai nhắc đến chuyện ngày hôm qua nữa.

Và cả những đêm kế tiếp sau đó mọi người hình như được uống thuốc ngủ.
Họ ngủ yên lành, không mê sảng nữa. Họ yên lặng đến nỗi bà Hằng phải
thắc mắc tự hỏi: “Liệu trước đây họ có thật sự mê sảng không? Hay họ
chỉ cần một vòng tay, một tình thương yêu của người vợ, người con,
người mẹ mà họ bật lên những tiếng kêu đó, để gọi bà vào?”

Sau đó hai tuần bà Hằng nhận được giấy của luật sư ông Trần Văn Định,
báo tin ông Định đã bãi nại, xin rút lại đơn khởi tố bà Nguyễn Thị
Hằng, nên vụ kiện được xếp lại hoàn toàn.

Có người biết chuyện, kể lại rằng: “Ông Trần Văn Định, sau đó coi như
giao luôn bố cho bà Hằng, không thấy đến và cũng không thấy gọi nữa.
Cả bốn người đó cùng ở với bà Hằng cho đến cuối đời như trong một gia
đình: ông Lê Văn Thành, ông Trần Văn Nam thì đến khi qua đời, mới được
con đến nhận xác của cha trong bệnh viện về chôn cất, ông Nguyễn Anh
Tuấn không có thân nhân thì được bà Hằng kêu gọi bạn bè phụ với bà ma
chay. Người trẻ nhất, ông Bùi Văn Lai là người cuối cùng ở lại, anh
săn sóc bà Hằng khi bà già yếu và đã chôn cất bà như một người mẹ.

Trước khi bà Hằng mất, bà giao ngôi nhà đó cho anh và anh tiếp tục
công việc cho thuê phòng, đặc biệt cho những người già Việt Nam bị con
bỏ rơi trên quê người.”

Đời người bi kịch tha hương

Lòng sao cảm thấy vừa thương vừa buồn.


•Trần Mộng Tú

Hoa Huỳnh chuyển

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...