Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Cọp Trong Văn Chương Việt Nam -GS Nguyễn Châu (tiếp )

 Mời Xem :

GS NGUYỄN CHÂU, NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP

 

Cuộc xướng họa giữa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ

Chiêu Hổ tên thật là Phạm Ðình Hổ (1768-1839), một danh sĩ thời Lê Cảnh Hưng. Ông là bạn văn thơ với Hồ Xuân Hương chủ nhân của Cổ Nguyệt đình (trong Hán tự chữ “cổ” ghép với chữ “nguyệt” là chữ “Hồ). Do đó, khi Chiêu Hổ nói “ghẹo nguyệt” là ám chỉ Hồ Xuân Hương. Cuộc xướng họa trêu ghẹo nhau gồm nhiều bài, ở đây chỉ xin dẫn ra hai bài có liên quan đến chữ Hổ, Hùm tức là cọp.

Trách Chiêu Hổ
Anh đồ tỉnh, anh đồ say,
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày ?
Này này chị bảo cho mà biết.
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Hồ Xuân Hương
 
Chiêu Hổ họa lại:
 
Này ông tỉnh! Này ông say!
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!
Hang hùm ví bẵng không ai mó,
Sao có hùm con bỗng trốc tay ?

Trong truyện Lục Vân Tiên:

“E khi họa hổ bất thành
Khi không mình lại xô mình xuống hang” (câu 123-124)
“Trước cho hùm cọp ăn mầy
Hại Tiên sau dựng mưu này mới xong” (câu 885-886)
(Hán Minh lập mưu hại Vân Tiên)

Trong Chinh Phụ ngâm:

“Ðã trắc trở đòi ngàn xà hổ
Lại lạnh lùng những chỗ phong sương” (câu 85-86)

Tôn Thọ Trường trả lời Phan Văn Trị:

“Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay...”

Trong truyện Trinh Thử:

“Trong nhà hắc hổ trấn bùa
Sinh con, sinh cái nuôi cho dễ dàng”
  Trong "Việt Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa":

 Hùm kia vốn hiệu Sơn Quân
Lại có nhân hổ khả gần khả quen”
(Thiên “Mao Trùng Ðệ Tam Thập Nhị)
 
 “Khó khăn ở chợ leo teo
Bà, cô, ông, cậu chẳng điều hỏi sao
Giàu sang ở tận nước lào
Hùm tha rắn cắn tìm vào cho mau”

Trong Hò Mái Nhì - Huế:

“Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khách âu ca thái bình...”
 
"Thanh Long - Bạch Hổ" là tên một “thế đất” trong khoa Ðịa lý Phong thủy.
Theo sách Tả Ao, thì mỗi thế đất có một kiểu riêng, tùy theo địa thế mà mắt nhìn thấy giống hình gì thì lấy hình dạng đó mà gọi kiểu đất. Chẳng hạn có kiểu gọi là “lục long tranh châu” sáu con rồng giành hạt ngọc; kiểu “phượng hoàng ẩm thủy” chim phượng hoàng uống nước; kiểu “tê ngưu vọng nguyệt” Tê giác nhìn trăng; kiểu “quần tiên hội ẩm” Các vị tiên cùng uống rượu; kiểu “nhất hổ trục quần dương” một cọp đuổi bay dê; kiểu kim quy, cá chép, voi ngựa, kiếm, cờ vân vân.
 
Thế đất gọi là Ðại địa phải hội đủ các hình thế “khởi, phục, nghênh, tống... như thế nào. Thông thường khi thế đất ở chỗ có hai giòng nước giao nhau thì mới là huyệt trường. Huyệt trường cần phải có “tiền án, hậu trẫm, tả long, hữu hổ” Nơi “sơn cùng thủy tận” gọi là tuyệt địa; chỗ “huyền võ tàng đầu” (rùa giấu đầu) là hung địa vân vân. (Việt Nam Phong Tục - Phan Kế Bính, tr.221-222)
* Tả Ao là một thầy địa lý danh tiếng của Việt Nam, tên Nguyễn Ðức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, sinh vào đời nhà Lê, được qua Tàu học phép phong thủy rồi trở về nước làm nghề coi đất.

 Trong Lịch Sử Việt Nam:


 Có hai nhân vật tên Hổ. Ðó là:

1.- Lê Như Hổ, sinh năm Nhâm Ngọ (1522) là một quan Văn thời nhà Mạc, người làng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Không rõ tên thật là gì. Ông họ Lê này chẳng những có văn tài mà còn có sức mạnh hơn người. Ông ăn khỏe nhất nước, nên người đương thời gọi là Như Hổ (do câu “Nam thực như hổ”: người nam ăn mạnh như cọp). Ông đỗ Tiến sĩ đời Mạc Phúc Hải (1541) lúc 39 tuổi, được phong chức Tả Thị Lang, và cử đi sứ nhà Minh để triều cống. Ði sứ về được thăng Thượng thư, tước Xuân Giang Hầu.
Tương tuyền lúc đi sứ sang Tàu, ông học được nghề làm dù và về dạy lại cho người trong nước, nên người Việt coi ông là Tổ sư nghề làm dù tai Việt Nam.

2.- Tăng Bạt Hổ, sinh năm Mậu Ngọ (1858, mất năm Bính Ngọ (1906).

Tên thật là Lê Thiệu Hổ, hiệu là Ðiền Bát Tử, tự là Sư Triệu, quê làng An Thường, xã An Thạnh, huyện Hoài An, tỉnh Bình Ðịnh. Khoảng năm 1872, ông tham gia phong trào chống thực dân Pháp trong hàng ngũ tướng Lưu Vĩnh Phúc, nhóm Cờ Ðen. Khoảng năm 1885 Tăng Bạt Hổ tham gia phong trào Cần Vương tại Bình Ðịnh do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Năm 1887, phong trào Cần Vương Bình Ðịnh bị tan rã, Tăng Bạt Hổ trốn qua Trung Hoa, Thái Lan... theo nghề hàng hải, làm thủy thủ cho tàu buôn đi qua nhiều nước. Năm 1903, ông trở về nước và một năm sau ông đưa đường cho Phan Bội Châu và Ðặng Tử Kính sang Nhật Bản thành lập Phong Trào Ðông Du. Năm 1905, Tăng Bạt Hổ đem bài Khuyên Thanh Niên Du Học của Phan Bội Châu về truyền bá trong nước. Ông đội lốt nhà sư làm thầy thuốc để đi khắp nơi mà vận động. Năm 1906, ông từ trong Nam ra Huế thì lâm bịnh nặng, được các đồng chí tận tình chăm sóc và che giấu. Nhưng không qua khỏi, ông từ trần trong một chiếc thuyền trên giòng Hương Giang, hưởng dương 49 tuổi. Hai đồng chí của ông Võ Bá Hạp và Dương Bá Trạc đã chôn cất tại một khu đất ở dốc Nam Giao, thành phố Huế, bia do Phan Bội Châu viết là “Lê Thiệu Dần chi mộ”. Theo Võ Như Nguyện (Hội Quảng Tri - Huế) cách đề bia mộ này là để qua mặt mật thám Pháp. Dần là năm Cọp ám chỉ chữ Hổ).

Và  một nhân vật "đả hổ", tay không đánh cọp, đó là ông Lê Văn Khôi.

 Lê Văn Khôi tên đúng là Nguyễn Hữu Khôi, nguyên là một thổ hào ở Cao Bằng (Bắc Việt) trước là họ Bế sau đổi thành Nguyễn Hữu Khôi. Ông có sức mạnh phi thường và rất can đảm, được Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) nhận làm con nuôi và cho lấy họ Lê. Khi Tả Quân Lê Văn Duyệt được Vua Gia Long giao chức Tổng Trấn thành Phiên An (Vùng Gia Định cũ, nay thuộc Sài Gòn), Lê văn Khôi được đi theo vào Nam với chức Phó Vệ Úy. Vào thời đó, ở thành Phiên An, Tả Quân có một chuồng nuôi cọp.
Nhân dịp có Sứ Thần Xiêm La (tức Thái Lan) qua thăm Việt Nam. Tả Quân Lê Văn Duyệt muốn khoe tài sức của Lê Văn Khôi nên bày ra trò chơi "ngưới đấu võ với cọp". Sân đấu đặt sát cạnh chuồng cọp. Võ sĩ là Lê Văn Khôi. Lệnh truyền thả ra một con cọp... Vừa ra khỏi chuồng, thấy người, cọp liền nhảy tới vồ vào Lê Văn Khôi. Võ sĩ Khôi trách được rồi thuận tay có gậy sắt, đánh lại một gậy, cọp chết ngay. Sứ Thần Xiêm La vừa lên tiếng hoan hô thì Tả Quân liền quát lên rằng "Mau bắt Khôi đém chém!" Sứ Thần lấy làm lạ đưa mắt hỏi. Tả Quân nói là võ sĩ phải bắt sống cọp, chứ không được đánh chết. Lê Văn Khôi quỳ lạy xin tha tội, Sứ Thần cũng nói giúp nên Tả Quân cho phép đấu lại.
Một con cọp khác được thả ra và cuộc đấu bắt đầu. Cọp nhảy tới vồ Lê Văn Khôi, vị võ sĩ nhanh nhẹn nhảy lùi tránh né... khiến cọp vồ hụt nhiều lần. Lừa thế... chờ cọp nhảy tới Lê Văn Khôi đá một cái cọp ngã lăn ra... Lê Văn Khôi nhảy lên lưng cọp, đè mạnh, rút dây đeo sẵn ở thắt lưng, trói cọp lại... vác lên nộp cho Tả Quân.
Sứ Thần Xiêm hết sức thán phục và khen ngợi, hỏi tên họ và chức tước của võ sĩ. Tả Quân cười, đáp rằng "Bọn tiểu tốt của tôi chưa có chức tước gì nhưng đều có sức vật cả cọp, có gì lạ đâu."
(Theo Nguyễn Bảo Tụng).

 "Võ Tòng Đả Hổ"

Chuyện Lê Văn Khôi tay không đấu với cọp gợi nhớ chuyện Tàu "Võ Tòng Đả Hổ".
Võ Tòng là một nhân vật trong truyện Thủy Hử (tiểu thuyết võ hiệp viết về các anh hùng Lương Sơn Bạc). Theo cốt truyện, Võ Tòng xuất thân từ huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông. Cha mẹ mất sớm, Võ Tòng được anh ruột là Võ Đại Lang nuôi dạy. Lớn lên Võ Tòng là người tráng kiện, oai hùng, mắt sáng, lông mày rậm, ngực rộng, bắp thịt cuồn cuộn, cao 8 thước...Võ nghệ cao cường, thích uống rượu và hành hiệp cứu giúp người, nổi tiếng là người nghĩa khí.
Võ Tòng là anh em kết nghĩa với Tống Giang và Tống Thanh là hai anh hùng Lương Sơn Bạc.
Chuyện kể rằng: Trên đường về quê thăm anh ruột, khi đi ngang qua huyện Dương Cốc, Võ Tòng ghé vào một quán rượu. Ở cửa quán có ghi câu "Uống ba chén không nên qua đồi". Võ Tòng là người thích uống rượu không hạn chế, thấy câu dòng chữ ấy rất khó chịu, liền hỏi nguyên do. Chủ quán nói trên đồi Cảnh Dương có con hổ thành tinh, hung dữ, chuyên ăn thịt người, vì vậy ai uống quá say không nên đi qua đồi ấy. Nghe vậy, Võ Tòng lấy làm tức giận. Ông uống một mạch hết rượu trong Tửu Quán.
Chiều hôm đó, đang trong cơn ngà say, Võ Tòng cầm gậy một mình lên đồi tìm hổ. Đến sáng mới gặp hổ, ông cầm gậy vờn với mãnh hổ đến chiều tối... bất phân thắng bại. Đến lúc trời chạng vạng, sau khi dùng đủ mưu kế mà không thành, Võ Tòng vứt gậy, một tay đè đầu hổ xuống đất, một tay đấm, con hổ bị vỡ đầu, chết. Nhờ việc này, Tri Phủ Hàng Châu đã phong cho Võ Tòng chức Đô Đầu (có nhiệm vụ xem xét các vụ án hình sự).

 Một Số Từ Ngữ Có Chữ “Cọp” Hoặc Hổ

 Hổ tướng: vị tướng tài giỏi và đầy uy dũng thời nhà Tùy và nhà Ðường bên Tàu (khoảng năm 791-862) nổi tiếng nhất là Dương Kiên và Lý Thế Dân.
Hổ trướng: nơi đóng bản doanh của tướng soái ở mặt trận.
Hổ quyền: một địa danh tại Cố Ðô Huế. Hổ quyền là sân đấu dành cho Hổ và Voi được xây dựng năm 1830 thời nhà Nguyễn, tọa lạc ở phía nam sông Hương, tại thôn Trường Ðá, Thủy Bìều-Huế (hiện còn di tích xem hình).
 Hổ quyền còn có nghĩa là các thế võ của Cọp.
Hổ phụ sinh hổ tử: ý nói cha oai hùng con cũng oai hùng - Cha nào con ấy -
Dưỡng hổ vi hoạn: nuôi cọp có ngày gặp việc chẳng lành.
Hổ cốt: xương cọp (thường dùng để nấu cao “hổ cốt” bổ gân xương, tăng lực)
Hổ cáp (scorpion) con bò cạp (trong tử vi Tây phương)
Hổ huyệt: hang cọp “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử” (Ban Siêu-nhà Hán): Không vào hang cọp sao bắt được cọp con, ý nói phải vào nơi nguy hiểm mới làm nên việc lớn.
Hổ bảng: bảng ghi tên tân khoa Tiến sĩ võ (đời nhà Thanh)
Hổ bảng danh đề: Tên được ghi trên Bảng Hổ, tức là đã thi đỗ Tiến Sĩ về Võ nghệ. Theo "Tầm Nguyên Từ Điển (Etimology): xưa có ba loại Bảng để ghi tên thí sinh đỗ Tấn Sĩ, Cử Nhân và Tú Tài. Bảng Long (có hình Rồng/Long Bảng) dành cho bậc Tiến Sĩ, Hổ Bảng (có hình Cọp) dành cho người đỗ Cử Nhân và Mai Bảng (hình cây hoa mai) dành cho bậc Tú Tài. Ở Việt Nam thời xưa triều đình dùng Bảng Vàng để ghi tên những người thi đỗ không dùng Long, Hổ, Mai như Trung Hoa.
Hổ khẩu: miệng cọp
Hổ cứ: điểm chiến lược
Hổ phù: tấm quân hiệu đúc bằng đồng tượng trưng cho Quyền Điều Binh Khiển Tướng mà Vua trao cho các Tướng lãnh cao cấp. Quân hiệu có hình dáng một con hổ, mặt con hổ ngậm một hoặc hai thanh kiếm. Quân hiệu Hổ Phù được chia làm hai nửa (hai mãnh có thể ghép liền và ăn khớp với nhau) Mãnh phù bên Hữu do chính quyền Trung Ương Triều đình/Vua) giữ, mãnh bên Tả được giao cho vị tướng cầm quân. Khi Vua cần điều động quân đội, sẽ sai người đem mãnh phù Hữu đến với vị tướng, nếu hai mãnh ráp lại khít khao thì Tướng mới chấp hành lệnh điều quân. Hổ Phù được dùng phổ biến vào thời Chiến Quốc. Tướng bị mất Hổ Phù không thể điều quân. (Ngày nay một số nhà phong thủy đã dùng Hổ Phù để trấn yễm - tên dùng không đúng.)
 Hổ uy: oai cọp.
"Hồ giả hổ uy": Chồn mượn oai cọp để hù các loài thú khác - Cáo mượn oai hùm)
Điển tích: Vào thời Chiến Quốc, Sở Tuyên Vương lấy làm lạ, không hiểu tại sao người dân phương Bắc lại quá sợ viên tướng Chiêu Hề Tuất của vua. Vua bèn hỏi các quan trong triều xem có ai biết lý do, tại sao? Đại thần Giang Ất đã dùng một ngụ ngôn để tâu trình lên vua Sở, rằng: Có một con hổ bắt được một con hồ ly (loại chồn đen, đuôi dài, chân ngắn). Hồ ly rất giảo hoạt, xảo quyệt, nói với hổ "ta được trời sai xuống quản lý các dã thú. Nếu bây giờ ngươi ăn thịt ta, ngươi sẽ làm Thượng đế nổi giận. Nếu không tin thì đi theo đằng sau ta, ngươi sẽ thấy tất cả dã thú đối với ta sẽ uy phục như thế nào." Hổ đồng ý để xem sự việc diễn ra như thế nào. Quả nhiên, từ đàng xa... thấy hổ...các dã thú đã tìm cách chạy trốn thật nhanh. Nhưng hổ không biết là các dã thú tháo chạy là vì sợ mình chứ không phải sợ hồ ly. Hiện nay binh quyền của Đại vương do Chiêu Hề Tuất nắm giữ, nhân dân phương Bắc sợ, chẳng qua vì sợ binh quyền của Đại vương mà thôi."
Hổ lửa: tên một loại rắn hổ
Hổ mang: một loại rắn
Hổ lang:chỉ loài hung dữ, tính hung dữ (Lang: chó sói)
Hổ lốn: các thức ăn khác nhau bỏ chung làm một món - không thuần nhất, pha trộn nhiều thứ với nhau.
Hổ phách: nhựa của một loại cây lá hóa thạch (tên khoa học Succium)- Màu hổ phách: màu vàng ánh da cam
Hổ danh: làm mất giá trị tên tuổi, mât danh dự.
Hổ ngươi: cảm thấy xấu và ngượng vì việc làm không thích đáng của bản thân mình (Xấu hổ)
Hổ thẹn: cảm thấy bị tồn thương khi ý thức việc làm sai trái, tội lỗi của mình, hoặc khi bị người ngoài phát giác ra.
“Họa hổ họa bì, nan họa cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm”: ý nói biết người chỉ biết bề ngoài chứ không thể biết được trong lòng cũng như vẽ hình cọp chỉ vẽ lông da mà thôi khó mà vẽ được bộ xương.
Họa hổ bất thành: ý nói làm việc lớn mà không xong.

Cọp Mà Không Phải Cọp

Cọp cái: chỉ người đàn bà hung dữ
Cọp-pi: chép lại bài của người khác (do chữ Pháp “copier” bị Việt hóa)
Ði cọp: đi xe hoặc tàu mà trốn mua vé
Ðọc cọp, xem cọp: đọc hoặc xem (sách, báo) mà không chịu mua.
Cọp má: chỉ khuôn mặt bị teo, lõm vì tuổi già.

Hùm

“Râu hùm hàm ém mày ngài”: tả tướng mặt Từ Hải
“Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”: tả nỗi lo sợ của Thúy Kiều tại Quan Âm Các (câu 2016)
“Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”(2516)
“Mèo tha miếng thịt xôn xao
Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”

Thành ngữ

“Một rừng không thể có hai cọp” (Nhất sơn bất tàng nhị hổ): chỉ sự kỵ nhau giữa hai người tài giỏi, hai vị tướng, hai lãnh tụ.
“Thả cọp về rừng”(Tung hổ quy sơn): tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho kẻ ác tiếp tục hoạt động.
“Vuốt râu hùm”- "Xĩa răng cọp": làm chuyện nguy hiểm, hành động táo bạo một cách dại dột.
"Cọp dữ không ăn thịt con": ý nói tình ruột thịt cha mẹ con cái rất thiêng liêng, ngay cả cọp dữ cũng không ăn thịt cọp con. [Thế nhưng trong lịch sử loài người đã có nhiều trường hợp sống với nhau tàn ác hơn dã thú! Cha con, vua tôi, anh em ruột... vì quyền lợi riêng, danh vọng hão... đã tàn sát lẫn nhau không nương tay!]
"Mãnh hổ nan địch quần hồ": Cọp mạnh khó thể chống với bầy sói - Ý nói sức mạnh của một người không thể đối lại với sự đoàn kết của nhiều người.
"Điệu hổ ly sơn": Dụ cọp ra khỏi núi - một kế trong binh pháp Tôn Tử.
"Dưỡng hổ di họa": Nuôi cọp là nuôi mầm rủi ro, tai họa.
 “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận” ý nói vùng đất hoang vu, nhiều nguy hiểm.
Theo sử sách thì vào giai đoạn tiền bán thế kỷ thứ 19, vùng đất Khánh Hòa rừng núi hoang vu, có nhiều dã thú, nhiều nhất là cọp. Các quan chức người Pháp đã ghi nhận rừng Khánh Hòa nhiều cọp dữ. Họ từng tổ chức đi săn và đã ghi nhật ký về sự kiện này. Qua nhật ký của Toàn Quyền Pháp Paul Doumer thì quân lính gọi Khánh Hòa-Nha Trang là "Vùng Hổ". Sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" cũng nói vùng đất Khánh Hòa (cực Nam Trung Bộ) là nơi rừng núi rậm rạp có nhiều cọp dữ.
 
Còn "Ma Bình Thuận" có lẽ ám chỉ vùng đất Phan Thiết là nơi có những hồn oan của người Chiêm quốc đã bị quân Đại Việt tàn sát, diệt chủng. Trong bài thơ "Trên Đường Về", thi sĩ Chế Lan Viên đã mô tả một cảnh ma khá thê lương:
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn,
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui !
 
Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận,
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.
(Trên Đường Về - Chế Lan Viên -1937)

 Thần Thoại "Long Hổ Tranh Hùng"

 Vào thời mới tạo thiên lập địa, Rồng thấy mình uy dũng và nhiều tài năng hơn Cọp nên có tham vọng làm Chúa tể muôn loài. Vì vậy mà xảy ra cuộc Tranh Hùng Long Hổ.
Cuộc giao đấu kinh thiên động địa nhưng kết quả bất phân thắng bại, nên Ngọc Hoàng Thượng Ðế mới quyết định đứng ra phân xử cho hai bên.
Khi nghe được tin này, Rồng trở nên lo lắng. Lo là vì ngoại hình của Rồng lúc đó trông không được hùng vĩ lắm, vì chưa có hai cái gạc (sừng). Chỉ có con gà trống mới có sừng nên trông rất dũng mãnh. Con rết đã gợi ý Rồng mượn tạm sừng của gà trống để đi trình diện Ngọc Hoàng. Lúc đầu gà trống từ chối, nhưng vì Rết đưa ra lời cam kết bảo đảm sự chân thật của Rồng và các bạn của rết cũng cam kết, nên gà bằng lòng cho mượn.
Khi Rồng và Cọp đến trước Ngọc Hoàng để chờ phán quyết, cả hai đều trông rất kinh khiếp và hung tợn. Ngọc Hoàng liền cử Rồng làm vua của Thủy Giới và Cọp làm vua Ðịa Giới.
Hổ đã có sẵn biểu hiệu của sinh vật rồi, nên Ngọc Hoàng cũng ban cho Rồng một dấu hiệu tương đương với Cọp. Vì đã lỡ mang sừng khi nhận biểu hiệu chức vụ, nên bất đắc dĩ, Rồng không trả lại sừng cho gà trống.
Tức giận, gà trống đuổi theo rết. Rết chui vào lòng đất. Do đó, cho đến ngày nay, gà trống vẫn hận thù rết. Tiếng gà gáy mỗi buổi sáng... nghe vang vọng đó là sự tố cáo Rồng cướp sừng từ hàng ngàn năm trước. Ngày nay, những người chẳng may bị rết cắn, bị nhức đau không có thuốc trị, nhưng chờ đến khi gà gáy sáng... thì cơn đau nhức do rết cắn biến mất.
Chuyện Cọp còn nhiều, nhưng xin dừng lại ở đây.

Kính chúc một năm Nhâm Dần An Lành, Thịnh Ðạt.

 NGUYỄN CHÂU (San Jose, CA / 2022)

 

 

 

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...