Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

" Nhớ Mẹ Hiền " thơ Trịnh Cơ và Bài Họa Của Mai Xuân Thanh,Thanh Hòa


NHỚ MẸ HIỀN
Năm tháng nào quên từ mẫu hiền
Ôi ! thời thơ dại tuổi thần tiên
Tóc xanh êm ấm ngày xuân trẻ
Đầu bạc u hoài tuổi ấu niên
Nắng sớm mưa chiều cam vất vả
Thức khuya dậy sớm gánh ưu phiền
Sữa nuôi con chảy như dòng suối
Ơn Mẹ cao dày...thật hiển nhiên !
TRỊNH CƠ

Họa vận :  Thương Bố Mẹ Hiền
Mẹ là Bồ Tát rất ư hiền
Sống thọ, đời con trẻ tựa tiên
Cúc dục sinh thành khi bé bỏng
Cù lao nuôi dưỡng lúc trung niên
Tía chăm sóc kỹ đầy lo lắng
Má ẳm bồng luôn chẳng muộn phiền
Chỉ dạy khôn ngoan nên học giỏi
Huyên đường vui vẻ khỏe đương nhiên !
Mai Xuân Thanh
Ngày 09/05/2020

Họa :Ơn Nghĩa Mẹ .
Nguồn tuôn : ơn nghĩa mẫu thân hiền
Được ấp trong lòng ,sướng tựa tiên!
Tính đủ áo cơm từ tấm bé
Lo tròn học vấn tới thành niên
Trải bao hiểm họa đâu buồn nản
Vượt bấy gian nan chả não phiền
Che chở gia đình qua biến động
Chờ con khôn lớn,dạ an nhiên
Thanh Hoà
Mời Xem Thơ Trịnh Cơ :NƯỚC MẮT NGÀY TAO NGỘ

6 dấu hiệu của nhiễm trùng thận: Nhận ra bằng mắt thường, chỉ cần bạn quan sát kỹ

Nhiệm vụ chính của thận là loại bỏ chất thải và nước dư thừa từ máu. Bộ phận rất quan trọng trong cơ thể này là một phần của hệ tiết niệu, vốn tạo ra nước tiểu và loại bỏ nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Các cơ quan ở hệ tiết niệu bao gồm: Thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái (bàng quang), niệu đạo (dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ niệu đạo để thải ra ngoài).
Nếu bất kỳ bộ phận nào kể trên bị nhiễm vi khuẩn, bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Thông thường, khi bàng quang bị nhiễm, nó có thể gây đau nhưng không thật sự quá nghiêm trọng.
Nhưng nếu những con vi khuẩn này tấn công vào niệu đạo, bạn sẽ gặp một vấn đề sức khỏe nguy hiểm hơn nhiều, đó là nhiễm trùng thận. Các bác sĩ thi thoảng gọi là”viêm đài bể thận”.
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng thận có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, trong đó có thể khiến bạn bị tử vong.Căn bệnh này bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng ở đường tiểu dưới.

Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng thận

Thông thường, căn bệnh này bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng ở đường tiểu dưới (ở bàng quang và niệu đạo) sau đó vi khuẩn sinh sôi và di chuyển lên phía trên theo đường tiểu và gây nhiễm trùng thận.
Mặc dù rất nhiều vi khuẩn và virus có thể gây nhiễm trùng thận, nhưng vi khuẩn Escherichia coli thường là nguyên nhân chính.
Còn rất hiếm khi bạn bị nhiễm trùng thông qua làn da, vi khuẩn đi vào máu rồi di chuyển đến thận. Bạn có thể bị ó vi khuẩn sinh sôi và di chuyển lên phía trên theo đường tiểu và gây nhiễm trùng thận.
Mặc dù rất nhiều vi khuẩn và virus có thể gây nhiễm trùng thận, nhưng vi khuẩn Escherichia coli thường là nguyên nhân chính.
nhiễm trùng sau khi phẫu thuật thận nhưng đây cũng là trường hợp không phổ biến.

Dấu hiệu của nhiễm trùng thận

  • Có mủ hoặc có máu trong nước tiểu.
  • Sốt và ớn lạnh
  • Chán ăn
  • Đau ở lưng, hông và vùng bụng dưới
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Mệt mỏi
Bạn cũng có thể thấy xuất hiện các triệu chứng giống với triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang như: Rát hoặc đau khi đi tiểu, đi tiểu liên tục, cảm giác phải đi tiểu ngay và không thể nhịn tiểu và nước tiểu có mùi hôi.
Bạn nên đi khám nếu bạn đang được điều trị nhiễm trùng tiết niệu nhưng các dấu hiệu và triệu chứng không được cải thiện hoặc nếu bạn gặp một hoặc nhiều triệu chứng điển hình của bệnh.
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng thận có thể gây tổn thương đến thận hoặc nhiễm trùng máu, một căn bệnh có thể đe dọa đến tính mạng. Nếu bạn đang mang thai, bệnh nhiễm trùng thận cũng có thể ảnh hưởng tới em bé trong bụng.
                                                   Phụ nữ bị dễ bị nhiễm trùng bàng quang nhiều hơn nam giới.

Những người có nguy cơ cao bị bệnh

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng thận, nhưng thường phụ nữ bị dễ bị nhiễm trùng bàng quang nhiều hơn nam giới nên nguy cơ họ bị nhiễm trùng thận cũng cao hơn.
Nguyên nhân là do niệu đạo của nữ ngắn hơn nhiều so với nam giới, do đó vi khuẩn có thể dễ dàng đi từ bên ngoài cơ thể đến bàng quang.
Phụ nữ đang mang thai cũng dễ bị nhiễm trùng bàng quang bởi vì bào thai gây áp lực lên niệu quản của người mẹ và dòng chảy nước tiểu bị chậm lại.
Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ nhiễm trùng thận:
  • Tắc nghẽn ở đường tiết niệu: Khi dòng chảy của nước tiểu chậm hoặc khả năng làm trống bàng quang giảm, vi khuẩn có thể dễ dàng di chuyển lên đến niệu quản, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận.
  • Sỏi thận.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: chẳng hạn do các bệnh tiểu đường hay HIV.
  • Tổn thương dây thần kinh xung quanh bàng quang.
  • Dùng ống thông niệu đạo kéo dài.

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng thận

Thông thường, đầu tiên là bạn phải sử dụng kháng sinh, kéo dài 1 hoặc 2 tuần, phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, tình trạng sức khỏe chung và các vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu.
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng thận có thể dần dần biến mất trong vòng một vài ngày điều trị. Nhưng hãy uống kháng sinh đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu nhiễm trùng nặng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn phải nhập viện. Bạn có thể được truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
Nếu nhiễm trùng thận tái phát nhiều lần, bạn cần phải đến các chuyên gia về thận và đường tiết niệu để tìm nguyên nhân gây tái phát.

Cách giảm triệu chứng của nhiễm trùng thận

  • Uống nhiều nước để giúp cơ thể tống vi khuẩn ra ngoài qua dòng nước tiểu. Tuy nhiên, bạn không nên uống cà phê.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Nên ngồi lên bệ nhà vệ sinh, không nên ngồi xổm.
  • Sử dụng thuốc giảm đau
  • Chườm nóng bằng cách đặt một miếng khăn nhúng với nước ấm lên bụng, lưng hoặc bên hông để giảm cảm giác đau và nặng vùng bụng.

Cách phòng ngừa bệnh nhiễm trùng thận

  • Tránh thuốc xịt khử mùi hoặc thuốc nhuộm ở bộ phận sinh dục.
  • Không nên sử dụng bao cao su hoặc màng chắn chứa chất diệt tinh trùng. Nó có thể khiến vi khuẩn phát triển. Nhưng bạn có thể sử dụng bao cao su bôi trơn, vì không có chất bôi trơn, nó có thể kích thích niệu đạo, gây nhiễm trùng.
  • Uống nhiều nước.
  • Đi tiểu ngay mỗi khi có cảm giác buồn tiểu.
  • Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.
  • Lau từ trước ra sau mỗi khi đi vệ sinh.

Theo Trí Thức Trẻ

Mơ Bốn Người Yêu- Thơ Nguyên Trần

              Mơ Bốn Người Yêu
Người tôi yêu có tên là THƠ
Nàng đã bắt tôi phải đợi chờ
Những lúc hẹn hò nơi phố vắng
Để nàng thêu dệt mấy cung tơ


Người tôi yêu có tên là VĂN
Tôi chớm yêu không chút ngại ngần
Dù có những đêm trường khắc khoải
Để nàng viết truyện ngắn phù vân


Ngườ́i tôi yêu có tên là MÂY
Hoa tím tôi giăng khắp lối nầy
Chờ đón Nữ Hoàng khoe bóng săc
Để nàng chắp cánh cao xa bay


Người tôi yêu có tên là TRĂNG
Vóc dáng tiên nga giống chị Hằng
Cung ái cài then ngăn lãng tử
Để nàng lơ lửng dưới mưa giăng./.
  Toronto 26/5/2020
      Nguyên Trần
Mây trắng ngang trời - Đà Nẵng Online
                 Ngồi buồn nhìn mây trắng bay
     Mà thương thân phận tháng ngày trầm luân

🌸🌸🌸🌸🌸

Xem Thêm :      Eternal Love - Thơ song ngữ - Nguyên Trần




     

Người đàn ông đi thuyền 14 giờ mỗi tuần để mua nhu yếu phẩm cho cả thị trấn


Ảnh: Facebook Toshua Parker, Toshco Icy Strait Wholesale.


Tại vùng đất Alaska xa xôi, một người bán tạp hóa đang vượt lên mọi khó khăn để cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong làng trong đợt dịch Viêm phổi Vũ Hán.
Mỗi tuần một lần, anh Toshua Parker, chủ nhân của cửa hàng tạp hóa Icy Strait Wholesale, ở thị trấn Gustavus thức dậy trước lúc bình minh, khởi hành chuyến đi suốt 7 tiếng trên chiếc thuyền nhỏ để mua những đồ dùng thiết yếu cho người dân trong làng của mình.

Thị trấn Gustavus hẻo lánh

Gustavus là một thị trấn hẻo lánh ở Alaska, nơi mà những con nai còn vượt quá số người dân. Mãi tới năm 1985, thị trấn mới có điện và cho đến tận hôm nay, không có con đường nào kết nối nơi này với thế giới bên ngoài. Muốn đến đây, người ta phải bắt máy bay hoặc đi tàu, Calvin Casipit, thị trưởng tình nguyện của thị trấn cho biết.
Là cửa ngõ của Công viên Quốc gia Glacier Bay, thị trấn này phụ thuộc rất lớn vào lượng khách du lịch vào 3 tháng hè. Tuy nhiên vì lệnh phong tỏa do dịch Viêm phổi Vũ Hán năm nay, nền kinh tế địa phương của khu vực đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Parker đã mở cửa hàng này được 10 năm. Tuy nhiên, bởi khoảng cách địa lý xa xôi nên việc nhập hàng cũng rất khó khăn. Cách duy nhất để vận chuyển là bằng sà lan hoặc máy bay tư nhân, vậy nên khi hàng hóa cập bến thị trấn, giá cả của chúng đã đội lên rất nhiều. Ví dụ như một galoon (khoảng 3,8 lít) sữa có giá 5 đô thì khi đến tay người dân thị trấn đã lên mức 12 đô la.
Thấy khoảng tiền chênh lệch quá lớn nên anh Parker đã vận chuyển hàng bằng phà do nhà nước trợ cấp. Khi cửa hàng phát triển, anh Parker cùng cha đã cho ra mắt công ty vận tải của riêng mình, mua trạm xăng của thị trấn và 2 chiếc tàu. Điều này cho phép anh chủ động đi lại mua bán, vận chuyển hàng hóa.

Vượt qua khó khăn, cung cấp hàng hóa cho cả làng

Mùa đông năm 2019, các nhà lập pháp Alaska đã cắt dịch vụ phà tới Gustavus. Sau đó, ngay khi bắt đầu bùng phát viêm phổi Vũ Hán, bến tàu duy nhất của thị trấn đã đóng cửa để sửa chữa trong 4 tháng. Điều này đẩy giá thực phẩm lên cao, bởi vậy anh Parker quyết định mình sẽ đích thân vượt biển mua nhu yếu phẩm về cho người dân địa phương.
Vậy là mỗi tuần, Parker sẽ đi thuyền vượt biển để mua đồ cho dân làng, mỗi lần quãng đường di chuyển cả đi cả về phải mất tới 14 giờ. Tuy nhiên anh chỉ thu lại lợi nhuận rất nhỏ, gần như mức hỗ trợ cộng đồng.
Ví dụ, anh nhập khay trứng với mức giá 4,5 đô thì chỉ bán lại với mức 7,99 đô. 3,5 đô còn lại không phải chi phí lưu trữ, tiền thuê nhân viên mà để chi trả cho phí vận chuyển, nhiên liệu, đóng gỡ hàng và các phí hậu cần khác.
Việc vận chuyển cả đi cả về mất tới 14 giờ và một sai lầm nhỏ có thể ảnh hưởng tới toàn bộ cộng đồng. Ví dụ như có lần nhà cung cấp quên không đóng gói thịt vào đơn hàng. Sau đó họ chấp nhận trả phí vận chuyển bằng máy bay, nhưng thời tiết xấu làm chuyến bay bị hoãn 3 ngày. Khi vận chuyển tới nơi thì thịt đã hết hạn.
Trong khi cộng đồng Gustavus vô cùng biết ơn những nỗ lực của Parker trong việc duy trì cuộc sống bình thường cho người dân, anh lại dành lời khen ngợi thực sự cho những nhân viên của mình vì đã “đi làm mỗi ngày trong đại dịch để đảm bảo thị trấn của chúng tôi được cung cấp đủ nhu cầu”.
Bất kể trở ngại, Parker cho biết thị trấn của anh sẽ luôn tìm cách sống sót.
“Chúng tôi đã vượt qua đại dịch này tốt hơn rất nhiều nơi. Chúng tôi không bao giờ hết giấy vệ sinh hoặc bất kỳ nhu yếu phẩm nào. Chúng tôi còn khá đầy đủ mọi thứ trong kho”, Parker chia sẻ. Thậm chí một số người trong khu vực còn chuyển đồ cho người nhà ở xa bởi họ không thể mua đủ nhu yếu phẩm.

CÁI CHẾT CỦA CON RUỒI LÚC BA GIỜ HAI MƯƠI PHÚT CHIỀU

Vũ Thành Sơn
Lúc ba giờ hai mươi phút chiều một con ruồi hấp hối. Với sức tàn còn lại nó cố bám vào bức tường quét vôi trắng. Những cái chân nhỏ xíu của nó co giật, giãy giụa một cách tuyệt vọng để níu giữ sự sống cho đến tận giây phút cuối cùng. Tình cờ vào lúc ấy nhà văn Marguerite Duras có mặt. Ngay lúc đó bà nghĩ có thể làm lơ, bỏ đi, nhưng bà đã quyết định ngồi xuống và im lặng theo dõi. Toàn bộ diễn biến lặng lẽ nhưng khốc liệt dẫn đến cái chết từ từ kéo dài khoảng mười phút; chỉ mười phút thôi nhưng đó một là khoảng thời gian nặng nề, ngạt thở cho đến lúc bà nhìn thấy con vật rớt ra khỏi bức tường trắng và rơi xuống sàn nhà. Cái chết đã đặt một dấu chấm hết lên cuộc sống của con vật nhưng cảm xúc mạnh mẽ đến nỗi bà ngồi nguyên một chỗ, toàn thân bị tê liệt bởi điều khủng khiếp vừa trải qua. Sau đó một người bạn đến chơi, bà kể lại và chỉ cái chỗ trên tường mà con ruồi vừa mới chết. Nhưng với người bạn câu chuyện của Duras quá ngớ ngẩn và hài hước đến nỗi đã phải cười ngất. Chính tiếng cười chế giễu đó đã làm cho bà giữ kín câu chuyện trong suốt hai mươi năm cho đến khi viết cuốn Écrire bà mới kể lại và suy nghĩ về mối tương quan giữa cái chết và hành động viết.
Écrire là một tản văn về chuyện viết lách của nhà văn Marguerite Duras, trong đó bà hé lộ công việc cũng như suy nghĩ của mình về hành trình đơn độc của nhà văn trong sáng tác. Bối cảnh của câu chuyện là ở Trouville, một thành phố nhỏ ven biển thuộc vùng Normandie miền bắc nước Pháp, nơi bà sống một mình trong một tòa nhà rộng bốn trăm mét vuông. Chính ở đó bà đã chứng kiến cái chết của con ruồi. Câu chuyện ngắn ngủi nhưng theo tôi, đó là phần rất thú vị.
Duras viết: “Người ta thấy một con chó chết, người ta thấy một con ngựa chết, và người ta nói cái gì đó, ví dụ, con vật đáng thương… Nhưng một con ruồi chết, người ta chẳng nói gì, người ta chẳng viết gì, chẳng có gì.”
Điều đáng nói có lẽ là ở đó: Chẳng có gì.
Những sinh vật bé nhỏ như con ruồi, con kiến hay con sâu… chẳng bao giờ có vị trí trong bản đồ đời sống của con người. Tuy vậy, khi cái chết xảy ra, sự bình đẳng vốn có giữa các loài được tái lập. Cái chết trong ý nghĩa là “một sự kết thúc nào đó của thế giới” mà tất cả các sinh vật, không phân biệt, đều là đối tượng, đã đồng thời đặt một dấu chấm hết cho tất cả.
Trong tiểu thuyết Đập ngăn Thái Bình Dương, Duras cũng mô tả khá xúc động cái chết của một con ngựa già. Một cái chết, cho dù là cái chết của một con vật hay của con người, nếu không có sự chứng kiến cũng chỉ là một cái chết vô danh, vô hình, một giọt nước tan vào trong đại dương, thuần túy là một tiến trình hủy hoại sinh học tự nhiên. Nhưng khoác lên cái nhìn của Duras (hay của Nietzsche, chẳng hạn) cái chết của con ngựa đó bỗng chốc tạo ra sự khác biệt; nó trở thành một sự kiện, hay nói cách khác, có một lịch sử và một câu chuyện để kể. Văn chương ở góc nhìn đó đã làm cho cái chết được hiển thị và trở thành bất tử.
Có lẽ Marguerite Duras quá tự tin chăng? Cái chết có cần phải được sự chứng thực của con người qua hoặc bằng văn chương mới trở thành bất tử?

Nhà văn Marguerite Duras - Ảnh: ernacooper.com

Úc với giải pháp chống dịch Covid-19 vô cùng hiệu nghiệm và … kỳ lạ!


Thủ tướng Úc Scott Morrison trong một bài phát biểu ngày 26/5 (ảnh chụp màn hình Youtube/SBS News)
.


Tác giả Ling Xiaohui có một bài luận hôm 25/5 trên tờ The Epoch Times, đề cập đến nguyên nhân sâu xa mà theo cô, nước Úc có thể đẩy lùi dịch Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả đến vậy. Dưới đây là toàn văn bài viết.
Hôm 12/3 giới chức y tế bang New South Wales của Úc tuyên bố rằng họ dự kiến ​​sẽ có 20% trong số 8 triệu cư dân của bang có thể nhiễm Covid-19. 
Ngoại suy từ mô hình dữ liệu này, có tới 5,1 triệu người dân trên khắp nước Úc có thể bị tác động bởi làn sóng lây nhiễm trên toàn quốc đầu tiên, vốn có thể kéo dài từ 12 đến 22 tuần.
Tuy nhiên, hơn hai tháng sau, tổng số ca nhiễm virus được xác nhận ở Úc chỉ vào khoảng 7.079, và ghi nhận 100 trường hợp tử vong, tính đến ngày 20/5. Sự khác biệt giữa con số ước tính và thực tế là rất rõ ràng.

Một cách thức hiệu quả để đẩy lùi dịch bệnh

Trong hội thảo trực tuyến về Covid-19 do Viện Khoa học Y tế và Sức khỏe Úc ngày 29/4, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sharon Lewin quy tỷ lệ tử vong thấp này là do quyết định của Thủ tướng Scott Morrison trong việc cấm hoặc cách ly người đến từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/2. Giáo sư Shitij Kapur từ ĐH Melbourne, người chủ trì hội thảo, đồng tình với quan điểm của ông Lewin. Ông đã đối chiếu tình trạng giữa Úc và Canada. Ông nói, “trong 16 ngày đầu tiên của đại dịch, chúng tôi [Úc và Canada] đều ghi nhận dưới 10 trường hợp … nhưng sau đó một số thứ đã thay đổi vào cuối tháng ba”.
“Hôm nay Canada ghi nhận tới 45.000 trường hợp và chúng tôi chỉ có 6000. Chỉ một tháng trước, cả hai nước đều có khoảng 4000 trường hợp. Điều này cho chúng ta thấy hoàn cảnh đã thay đổi nhanh chóng như thế nào”, ông Kapur nói.
Kết luận của các chuyên gia trên được rút ra dựa trên quan sát các hiện tượng bề mặt, rằng việc giấu dịch của ĐCSTQ đã khiến virus lây lan ra toàn cầu.
Tôi cho rằng, một yếu tố khác góp phần vào số ca lây nhiễm và tử vong thấp đến bất ngờ ở Úc, một yếu tố rất tiềm năng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, là: phân tách khỏi ĐCSTQ và tiết lộ sự thật về nguồn gốc nCoV.
 Hành động vạch trần sự xâm nhập và đe dọa của ĐCSTQ của chính phủ Úc và các phương tiện truyền thông Úc đã góp phần ngăn chặn chính quyền Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước. Gần đây, sự quyết tâm của chính phủ Úc trong việc thúc đẩy chiến dịch điều tra nguồn gốc virus chính là điều kiện thiết yếu để đẩy lùi đại dịch. Đây là một động thái quan trọng để phơi bày sự thật rằng đại dịch được kích khởi bởi sự che đậy vào giai đoạn ban đầu của ĐCSTQ.

Sự thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập

Thủ tướng Morrison đã quyết tâm kêu gọi thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc Covid-19 vì hai lý do. Ông nhấn mạnh Úc cam kết điều tra sự lây lan và nguồn gốc của Covid-19. Nếu cuộc điều tra được tiến hành, vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ được xem xét kỹ lưỡng vì phản ứng chậm chạp của nó trong giai đoạn đầu bùng phát dịch.
Và Thủ tướng Morrison đã không chần chừ trong việc tìm kiếm những tiếng nói ủng hộ cho một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch. Ông đã gọi điện thoại qua đêm cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Thủ tướng Morrison tin rằng một cuộc điều tra độc lập là một gợi ý rõ ràng và thường tình. Rốt cuộc, kể từ khi dịch bệnh được báo cáo lên WHO vào ngày 31/12, Covid-19 đã gây ra hơn 5 triệu ca lây nhiễm và hơn 300.000 ca tử vong trên toàn cầu.
Theo tờ South China Morning Post, dữ liệu của chính phủ đại lục từ ngày 17/11/2019 cho thấy trường hợp tử vong được xác nhận đầu tiên có thể là một cư dân Hồ Bắc 55 tuổi.
Khi thế giới sốt sắng tìm hiểu sự thật về Covid-19, chính quyền này đã phản ứng một cách kịch liệt. Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp cảnh báo việc Úc theo đuổi một cuộc điều tra Covid-19 toàn cầu có thể châm ngòi cho một cuộc tẩy chay ngành du lịch và nông nghiệp Úc của Trung Quốc.
Đáp lại lời đe dọa từ đại sứ Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết các bình luận này quả thật “gây thất vọng”, tuy nhiên lập trường của Úc sẽ không thay đổi. 
“Úc sẽ không thay đổi lập trường về một vấn đề sức khỏe cộng đồng mang tính chủ chốt trước áp lực kinh tế hoặc các đe dọa [từ Bắc Kinh], cũng giống như chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm chính sách của mình về các vấn đề an ninh quốc gia”, ông Birmingham nói.
Bộ trưởng Thương mại cũng xác nhận rằng người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Thương mại ông Frances Adamson, cũng đã gọi cho đại sứ Trung Quốc để khẳng định lập trường của mình.
Ngày 27/4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cũng phản đối “bất kỳ quan điểm nào cho rằng việc đe dọa kinh tế là một phản ứng phù hợp đối với lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nguồn gốc virus, nhất là trong bối cảnh điều cần nhất bây giờ là một sự hợp tác mang tính toàn cầu”.
Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt cũng cho rằng một cuộc điều tra độc lập như vậy sẽ phục vụ cho lợi ích của Úc và của toàn thế giới.
Người phát ngôn các vấn đề đối ngoại Penny Wong cũng cho biết Đảng Lao động đối lập cũng ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ trong việc này. “Thế giới muốn tìm hiểu nguồn gốc Covid-19, và thế giới có quyền được biết điều này”, ông Wong nói, đồng thời nói thêm rằng cuộc điều tra là “một điều đúng đắn cần phải làm” cho nhân loại.
Lãnh đạo Đảng Lao động Anthony Albanese cũng ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ xem xét nguồn gốc virus. Tờ PerthNow trích lời ông:
“Nhân tố nền tảng cho mối quan hệ hợp tác song phương là sự minh bạch. Úc muốn có một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng nó phải được xây dựng dựa trên sự tin cậy và minh bạch”.
Tờ Daily Telegraph của Úc đã đăng một bài viết trích dẫn một hồ sơ dài 15 trang của liên minh tình báo Five Eye, cho biết tài liệu này hé lộ “Trung Quốc đã cố tình che đậy bằng chứng cảnh báo sớm về virus [Covid-19] thuần túy là do sự bất cẩn”. Tài liệu chỉ rõ hành vi che đậy của Trung Quốc đã “giáng một đòn vào tính minh bạch quốc tế”.
Phát biểu với kênh CNBC, chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho biết bà muốn thấy Trung Quốc hợp tác với EU cùng các tổ chức khác để tìm hiểu đến tận cùng nguồn gốc đại dịch.
Sự lan rộng và phát triển của Covid-19 thành đại dịch toàn cầu có nguyên nhân là do sự bưng bít của ĐCSTQ vào thời điểm ban đầu. Do đó, nhu cầu trên toàn cầu đối với một cuộc điều tra nguồn gốc virus là chính đáng. Mặt khác, lập trường mạnh mẽ của chính phủ Úc trong việc phải tiến hành một cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 tự nó cũng là một cuộc điều tra đối với các tội ác của ĐCSTQ, và ĐCSTQ biết rất rõ điều này.

Nhận ra bản chất xấu xa của ĐCSTQ

Ngày 28/4, ký giả Peter Hartcher của tờ The Sydney Morning Herald đăng một bài bình luận, trong đó có đoạn: 
“Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp đã làm một điều tuyệt vời cho Úc .. khi cho chúng ta thấy bộ mặt thật của chính phủ Trung Quốc đối với Úc”.
“Trong nhiều năm Đảng cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực phá hoại chủ quyền nước Úc một cách có hệ thống. Họ muốn ‘tiếp quản’ hệ thống chính trị của chúng ta – theo cách nói của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Úc và cựu giám đốc Cục Tình báo Úc, ông Duncan Lewis”. 
“Tuy nhiên [ở bề mặt], chính quyền Trung Quốc luôn giữ một bộ mặt tươi cười của tình hữu nghị song phương. Như Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu trước Quốc hội Úc năm 2014, hai nước nên là những người láng giềng hài hòa, gắn bó với nhau trong cả thời điểm tốt lẫn xấu”.
“Vâng, thời điểm xấu ấy đang đến với chúng ta, nhờ vào cái đại dịch ‘made in China’ này. Và đại diện chính thức của Trung Quốc tại Úc đã làm gì? Đại sứ Thành đã công khai đe dọa Úc bằng các vụ tẩy chay thương mại”.
“Ông ấy đã nói rằng một cuộc điều tra là một ý tưởng rất ‘nguy hiểm’. Sự ngu ngốc trong quan điểm của đại sứ Thành, nó đã bị nhân lên gấp ba”.
“Đầu tiên, ông ấy đã khá dại dột khi tự bóc trần ý định thực tế của Bắc Kinh đối với Úc. ĐCSTQ tìm kiếm sự thống trị, thông qua mọi thủ đoạn”.
“Nhưng giờ đây, các nhân viên của đảng này (ĐCSTQ) luôn đe dọa và gây áp lực nhưng luôn làm một cách lén lút và không công khai. Nhưng hiện nay tất cả chúng ta đều đã thấy sự thật – trong đó hoàn toàn không có thiện chí, chỉ là cách hành xử kiểu xã hội đen”.
“Thứ hai, ‘đó là một phần nhỏ trong chính sách ngoại giao Chiến Lang, ông đại sứ tỏ vẻ hậm hực nhưng điều đó không là gì bởi ngôi nhà đã sụp đổ rồi – Trung Quốc đã gây thiệt hại cho nền kinh tế chúng ta [thông qua đại dịch] lớn hơn bất kỳ đòn tẩy chay kinh tế nào sau đó’, ông Rory Medcalf, hiệu trưởng trường đại học an ninh quốc gia Úc ANU, nói.
“Và thứ ba, những bình luận của đại sứ Thành thật ngu ngốc, bởi vì một nỗ lực công khai đe dọa Thủ tướng Morrison chỉ có thể khiến người dân Úc đoàn kết lại xung quanh ngài Thủ tướng hơn mà thôi”.
Giám đốc Ngân khố Josh Frydenberg đã mô tả những chỉ trích mới nhất của Trung Quốc về Úc là một sự lố bịch.
“Chúng tôi sẽ không khuất phục trước sự cưỡng chế kinh tế của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng vì lợi ích quốc gia Úc, và chúng tôi sẽ không đánh đổi mục tiêu sức khỏe vì mục tiêu kinh tế”, ông nói với Sky News.
Trước đó, đã có báo cáo về việc các tập đoàn bất động sản toàn cầu khổng lồ được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn hoặc thuộc sở hữu của Trung Quốc như Greenland Group và Risland Australia, đã vận chuyển nhiều tấn vật tư y tế thiết yếu đến Trung Quốc trong suốt tháng 1 và 2 – một ví dụ điển hình trong chiến dịch thu gom ồ ạt vật tư y tế toàn cầu để sau đó bán lại cho thế giới nhằm trục lợi dưới chỉ thị của ĐCSTQ.
Điều gì đã tạo ra bước ngoặt trong việc kiềm chế dịch của Úc?
Yuanhua Li, một học giả hiện đang sinh sống tại Úc, nhận định rằng đại dịch toàn cầu đã khiến người dân và chính phủ Úc thức tỉnh trước những lời dối trá và hành vi kiểu xã hội đen của ĐCSTQ. 
Thật vậy, thảm họa gây ra bởi sự dối trá của ĐCSTQ đã mang đến tác động hủy diệt đối với Úc. Nó đã thúc đẩy sự thức tỉnh nhanh chóng của cả một quốc gia.

Phân tách khỏi ĐCSTQ là phân tách khỏi Covid-19

Có thể thấy rằng các quốc gia và khu vực có quan hệ gần gũi với ĐCSTQ đã gặp phải vấn đề lớn hơn với Covid-19 so với những nước còn lại. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Việc phân tách khỏi ĐCSTQ là một chiến lược hiện đang được nhiều nước xem xét. Phân tách khỏi ĐCSTQ về mặt kinh tế, chiến lược và đạo đức có ý nghĩa trên nhiều cấp độ.
Đối với bất kỳ ai ở bất kỳ quốc gia nào, việc lên án và nói không với ĐCSTQ – dù là công khai hay chỉ đơn giản trong nội tâm – sẽ là một bước tiến lớn đến một tương lai tươi sáng, đặc biệt tại thời điểm bước ngoặt và quan trọng này.
Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả Ling Xiaohui trên tờ The Epoch Times và không nhất định phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên. Bài viết do Hương Thảo dịch & biên tập.

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Thảo Nhân - Chuyện Ngắn của Phạm Nguyên Định


    Thứ sáu, tan sở làm sớm, chưa xế trưa hẳn, trời đổ mưa bất chợt, cơn mưa đầu thu lành lạnh, không nặng hột nhưng cũng đủ làm đường phố ươn ướt, đứng trú mưa gần sát khung cửa kiếng, cùng với năm sáu người, dưới mái hiên chênh vênh cao của dãy phố, trước căn tiệm bán thực phẩm người mình, vậy mà nước cứ mặc tình tát nghiêng tạt ngã vào, chuyến xe điện về nhà vẫn chưa tới, mặc dù người xuống xe lửa từ Melbourne, phía trong nhà ga Footscray đã túa ra, băng qua đường đông nghẹt, Hiển lắc đầu, hết nhìn mưa, mưa làm thinh trút nước, rồi nhìn cuối phố, phố đông người, người vội vã đi người lầm lũi đếm bước, từ dưới này cho tới đầu ngã ba trên.   
    Người con gái, tóc ngang lưng, tay kéo vạt áo che đầu đứa bé gái nhỏ độ ba bốn tuổi, cũng hai tay đưa lên tóc xuýt xoa, tay dắt nó chạy lẹ vào mái hiên, có chỗ trống sát hông tường, nơi Hiển đang đứng, nghĩ vẫn nghĩ vơ, anh không quay nhìn mà xê qua chút xíu một bên, cứ xem là chuyện bình thường vậy thôi, không màn để ý là ai. Trên ngã ba, có tiếng xe điện tới, mưa bớt nặng hột, lất phất như bụi phấn, cũng như đám người trốn mưa nãy giờ, Hiển vừa bước ra trạm chờ vài ba bước, nghe tiếng con bé nói tiếng Việt khá rành “mẹ ơi con khát nước”, Hiển đứng quay lại nhìn, hai mẹ con phía sau lưng, cúi xuống nói với con nhỏ nhỏ gì đó, rồi ẳm con bé lên, con bé cười ôm hôn tới tấp vào mặt, chị ngước nhìn theo, Hiển giựt cả mình, trố mắt, chị  không khác gì anh, Hiển đứng khựng lại “chị Nhân”, chị cũng buột miệng “Hiển hả”, xe điện vừa ngừng ở trạm, không thêm được lời nào, lặng thinh, cả hai rươm rướm mắt, mưa tạnh hẳn, có chút nắng xế rựng lên ở phía ngã ba, lửng lờ vắt ngang mái lầu dãy nhà hàng bên kia đường, phố xá đông người trở lại. 
    Hai chị em dẫn nhau vào cái tiệm bán nước giải khát nhỏ góc phố, trời thôi âm u buồn, nắng buông từng vạt sáng trên đường, con bé ngây thơ, nhảy bước thấp bước cao, nắm tay mẹ cười toe toét, chiếc xe điện lúc nãy chầm chậm qua ngang, hai chị em cùng cười nhìn theo, nói thầm “thôi mình chờ chuyến sau”. 
*
    Trưa thứ bảy, lang thang ra chợ Sài gòn, đi lên đi xuống, nhìn thiên hạ, trai gái quần là áo lụa, dập dìu tài tử giai nhân cho bớt chút buồn chút tủi, gió mang hơi nước sông mát từ bến Bạch Đằng lùa lên làm cái nằng đầu hạ có phần nào dịu bớt đi, đường lên Lê Lợi, đường xuống Nguyễn Huệ ngập người, băng qua bên này, Hiển tấp vô cái xe nước mía Viễn Đông, nơi góc đi về phia chùa Chà Và, hông bộ Công chánh, vắng khách nên không phải chờ lâu, cầm bịch nước mía, chợt nghĩ tới chuyện quần áo Hiển lững thững thả bộ ngược lên dãy sạp bán vải dài cùng bên này đường Nguyễn Huệ, không có mấy người mua, sấp vải “ga-bạc-din”màu xanh dương đậm, màu mà anh thích, treo lủng lẳng trên khung kệ cây nhỏ, trước cái sạp không xa chỗ xe nước mía bao nhiêu, làm Hiển ngừng ngay lại, trố mắt nhìn chăm chú, chần chừ bước đi bước ở.    
    Gia đình Hiển tạm đủ ăn, chỉ còn hai mẹ con, ba mất sớm, nhà ở phía đầu dốc ngã ba Liên Hiệp, ngó ra đường đi Đơn Dương, mẹ Hiển có cái sạp bán rau cải bên hông chợ Tùng Nghĩa, nhờ trời buôn may bán đắt nên nhà cũng có chút đồng ra đồng vô. Đậu tú tài hai, Hiển vào Đại học Sư Phạm Sài Gòn, một thân một mình, nhớ mẹ ngoài đó cực nhọc, để bớt gánh nặng cho bà, nhờ vào vốn liếng toán lý hóa kha khá của những năm trung học Trần Hưng Đạo, Hiển tìm được vài chỗ dạy kèm nên cũng đở phần nào. Mỗi khi muốn may thêm cái quần cái áo cho bảnh chút xíu thì phải suy đi nghĩ lại, tính trước tính sau, tiền ăn tiền ở, tiền vải tiền may rồi mới dám nghĩ tới.
   Chị chủ sạp, chắc chừng trên dưới ba mươi, khá đẹp, bỏ cuốn sách đang đọc ngó ra, cười chào, nụ cười duyên nhìn là có cảm tình liền thật trọn, Hiển cũng  ngài ngại chào lại,  nửa đùa nửa thật “dạ muốn mua sấp vải này mà không đủ tiền, chị cho em thiếu mai mốt trả được không?”, mà thật vậy, thứ bảy tuần tới Hiển mới nhận tiền trả công dạy kèm cho đám con mấy gia đình bên cư xá Bắc Hải, trong túi còn độ hơn vài chục, muốn lắm nhưng chưa biết tính sao, chị vui vẻ đứng lên, đi ra gần anh “được mà, cứ lấy đi, chừng nào trả cũng được”, rồi kéo cái ghế dư, làm dấu “em ngồi chơi, coi đi, mua hay không mua cũng không sao”. 
    Chút xíu rồi quen sau vài ba câu hỏi qua hỏi lại, chuyện này chuyện nọ, chị Nhân, chủ sạp vải, quê quán Thủ Thừa, Long An, chị còn cô em tên Hậu, năm nay học lớp đệ nhị trường Phan Sào Nam, nhà ở cái hẻm nhỏ sát bên hông rạp hát Long Vân, Hiển cũng cho chị biết đang học năm thứ ba Đại Học Sư Phạm, đang ở trọ chung nhà với vài người bạn ở gần chợ Nancy, quê Tùng Nghĩa Đà Lạt, thấy ở cũng hơi lâu, Hiển, chưa kịp đứng dậy, chị đã nhanh nhẹn xếp sấp vải, bỏ vào bao, đưa tận tay, Hiển ngại quá, chưa biết tính sao, chị tươi cười “nè, em lấy đi, chừng nào có tiền, nếu nhớ thì trả quên thì thôi”, Hiển ngỡ ngàng, đành cầm lấy, rồi móc cái thẻ sinh viên ra “em gởi lại cái này làm tin, tuần tới em sẽ ghé, cám ơn chị nhiều lắm”, chị gạt ra cười ngặt nghẻo.
    Sáng chủ nhật tuần sau đó, Hiển đón xe buýt ra chợ thật sớm, phố xá hàng quán đã rần rần rộ rộ, trới chưa có nắng, lãng đãng một chút sương đêm, xe xích lô xe ba gát ồn ào cả một góc chợ Bến Thành, Hiển băng qua bồn binh, nhanh chân về phía dãy sạp vải, đã có ngưới mua người bán rồi, vừa tới chỗ sạp chị Nhân, Hiển hơi khựng lại, không phải chị mà là cô gái trẻ, nhìn giống chị Nhân, chắc là cô em tên Hậu, anh đứng ngờ ngợ hỏi, cô em nhanh nhẩu cười “chị em đi mua gì đó, nếu không gấp thì anh ngồi chơi chút đi, chị về bây giờ”, Hiển cũng gật đầu cười, cô em Hậu đây rồi, Hiển loay hoay hỏi vài ba câu, chị Nhân về tới, vồn vã mời vào trong ngồi, có người tới hỏi mua, Hậu bước ra tiếp, chị nhìn theo rồi quay qua Hiển “con Hậu, em chị đó”. 
     Sau ngày đó, ngày càng thân càng mến, đời bớt cô đơn hơn, Hiển thường ra sạp vải ngồi tán dốc, khi thì với chị Nhân khi thì cả hai chị em, Hậu không còn thẹn thùng bẽn lẽn như hồi mới gặp, nhất là từ nhũng ngày Hiển ghé nhà hàng tuần dạy thêm cho cô nàng chuẩn bị thi tú tài Một, Hậu dễ thương, như chị mình, lúc nào cũng cười, ít khi thấy buồn, gần gũi rồi mến nhau, anh anh em em dịu dàng êm ái. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với bà ngoại già, nhà nghèo học hành dang dỡ, với mớ tiền dành dụm có sau những ngày buôn gánh bán bưng, chị dắt em lên Sài Gòn hy vọng sẽ đở hơn, sau vài ngày ở đậu nhà của vợ chồng  cũng dân Thủ Thừa chị may mắn tìm được công việc phụ bán cho sạp vải, rồi với mớ tiền có được, vừa đủ sang lại sạp vải này giá qua loa khi ông bà chủ về Tuy Hòa mở tiệm thuốc tây gì đó, chí thú, chịu khó chị mua được căn nhà nhỏ mà hai chị em ở hiện giờ. 
    Lần hồi, mấy thằng bạn trọ chung nhà cũng theo Hiển, mua chịu mua thiếu vải vóc sạp chị Nhân, trả trước trả sau sòng phẳng, đôi khi chị vui vẻ bớt cho vài chục, đủ tiền uống cà phê lề đường, nhìn người qua lại, ngay cả mấy thằng bạn con nhà giàu ở Sài Gòn này cũng khoái chí tới mua, có tiền trả liền, rẽ hơn chỗ khác, không đủ tiền lần tới, không sao, đám họ ra tới sạp thì ôi thôi, một chị Nhân hai chị Nhân ngọt sớt, sạp chị ngày càng vui hơn, khách hàng  không chỉ bao nhiêu đó mà còn thêm mấy cô bạn gái của đám bạn này, rộn rịp ồn ào, không kể gì thứ bảy chủ nhật hay ngày thường, trời mưa mịt mù hay nắng nung lửa hấp. 
*
    Cuối năm ra trường Hiển lên dạy trên trung học Pleime ở Pleiku, Hậu cũng xin được vào đệ nhất trường nữ Lê Văn Duyệt, không còn ở trường cũ vì có điểm khá cao của tú tài Một. Sáng ngày rời Sài Gòn về Tùng Nghĩa thăm nhà, trước khi lên nhận nhiệm sở, hai chị em chị Nhân đưa Hiển ra tận bến xe lô Sài Gòn- Đà Lạt, ngồi chờ giờ khởi hành, bên nhau mà không nói được gì nhiều, Hậu mắt rươm rướm đỏ, đường phố thưa người, cuối hè trời ngấp nghé lạnh, đôi chút sương đêm vẫn còn lầm tấm vài hạt mong manh trên cành lá hàng phượng bên kia đường, khẳng khiu hoa tím  bầm lưa thưa tàn, chờ thu đến. Hiển đi rồi, trên đường về, chị Nhân chợt thương cho em, nhìn Hậu buồn thiu, chị biết em mình đã thầm thương trộm nhớ gì đây rồi.
    Dạy được vài tháng, Hiển nhận thư của Hậu từ Sài Gòn gởi ra, cái thư không dài lắm, nhắc đủ chuyện vui, chuyện buồn từ ngày mới gặp cho đến ngày biết mến biết thân, những chiều mưa chờ ở cổng trường những sáng nắng hanh vàng chủ nhật, bên nhau đuổi lá me bay ven lề Lê Thánh Tôn trên đường ra sạp vải, kể vậy thôi chứ không viết thêm gì khác, và báo tin đám cưới chị Nhân, nhắc ráng về dự nếu được. Hiển cũng muốn lắm nhưng tình hình chiến trận sau mùa hè năm 1972, tưởng có phần lắng dịu nhưng xem ra dữ dội hơn trước, đường bộ đi lại khó khăn, nội chuyện về Tùng Nghĩa thăm mẹ cũng không trơn tru cho lắm, nên thôi, Hiển viết thư trả lời ngay, cám ơn hai chị em đã dành cho mình nhiều thương mến, thân tình và cầu chúc chị Nhân trăm năm hạnh phúc. 
    Gẩn cuối năm 1974, tình hình cuộc chiến ác liệt hơn, miền Nam mất đi một số tỉnh vùng biên giới Cao Miên, Ai Lao, quân Bắc Việt với xe tăng đại pháo Trung cộng Nga sô tiến càng ngày càng sâu vào lãnh địa còn lại mặc cho quân VNCH ra sức chống đở mãnh liệt, dân chúng miền trung, từ Quảng Trị xuống vào tới Đà Lạt Nha Trang hoảng loạn, rục rịch bồng bế nhau xuôi nam, rồi thì, không còn gì trong tay, quân VNCH đành rút bỏ triệt thoái về miền xuôi, đất miền Nam cũng từ ngày đó lọt vào tay quân Bắc Việt từng nơi một, từ vùng Một xuống vùng Hai. Về Tùng Nghĩa thăm nhà, ở nán lại nghe ngóng tình hình, qua Tết định trở lên Pleiku thì tin Ban Mê Thuộc mất, rồi giữa tháng ba năm 1975, cao nguyên di tản, Đà Lạt cũng theo chân, Hiển cùng mẹ theo đoàn người chạy loạn trên đường ra Nha Trang nhưng không may, mẹ Hiển bị bệnh nên đành phải đưa bà quay lại Tùng Nghĩa rồi, kẹt ở đó tới ngày miền Nam sụp đổ Ba Mươi tháng Tư Bảy Lăm. 
*
       Sáng chủ nhật, trời Melbourne những ngày giữa thu, cái lạnh cũng lạnh lùng lạnh như mấy mùa thu trước, hôm gặp lại mẹ con chị Nhân ở trạm xe điện Footscray, cả tuần rồi, xong việc ở chỗ làm, được xếp cho nghĩ xã hơi, hẹn đến thăm chị, hôm nay mới đi được, trước khi tới, Hiển không quên chạy ra tiệm bánh quen người mình mua vài thứ, làm quà tái ngộ nhứt là con bé, có cái tên Thảo Nhân ngồ ngộ dễ thương, không thương không được. Con đường Maribyrnong giờ này vắng tanh nhưng hai bên chạy dọc bờ sông, người đi người chạy đông nghẹt len nhau dưới cái nắng sớm, “làm bộ làm điệu” rực lên từng vạt hâm hấp ấm mong manh “tơ liễu buông mành”. Người đi lễ sáng đã tấp nập tới từ lâu, Hiển đành phải đậu xe xa ngoài ngã ba đường Epsom. 
    Nhà chị ở cũng dễ kiếm, căn nhà gỗ nhỏ màu vôi vàng nhạt, nằm ngay góc đường St Leonards, cách nhà thờ St Mary không mấy xa, hai mẹ con đứng trước sân cỏ, ngay cái cổng rào sắt bạc màu đen, đám hoa “băng –xê” dọc hiên nhà nở rộ một màu tím tím thẳm, chị đi qua đi lại, con bé Thảo Nhân, lắc lư bước sau, thì Hiển vừa tới, con bé chạy ùa ra “chú Hiển, chú Hiển”, Hiển bồng nó lên chào, chị Nhân mừng muốn khóc. Chợt nhớ gì đó, bỏ con bé xuống, đưa cho nó cầm cái túi giấy đựng bánh, con bé cười nức nẻ, hai người đi vào, Hiển nhìn quanh, như hiểu ý, chị Nhân cười “Hậu mới chạy ra phố mua gì đó, chắc cũng sắp về”.
    Hậu bước vào nhà, con bé không ngồi chung với mẹ mà ngồi sát Hiển trên ghế sa lông trong phòng khách, chị Nhân im lặng chờ, Hậu đứng chết trân, gói đồ đi mua hồi sáng run run theo từng nhịp run của tay, Hiển đứng dậy, không bước thêm bước nào, vẫn đứng đó, cánh cửa vẫn mở, Hậu mừng rỡ òa lên khóc, nghẹn ngào, chị Nhân nhìn cô nàng, cười mà rưng rưng “ai đây, có quen hôn”, Hậu đưa tay lau vội lau vàng nước mắt “ anh Hiển”, con bé Thảo Nhân tròn xoe mắt chạy lại nắm tay dì “dì Hậu dì Hậu”. 
*
    Hiển ngồi nghe chị, và được chị cho xem tấm hình chụp ngày cưới, không ngờ chồng chị là anh Nguyễn Trọng Thảo, quê ở Bình Long, sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, anh chết ngày 20 tháng 3, khi 3 ngàn quân TQLC thuộc Lữ đoàn 147 tập trung tại bải biển Thuận An, xã An Dương, Phú Vang, Huế chờ tàu hải quân đón nhưng không có chiếc nào đến, quân Bắc cộng truy kích và tàn sát gần như toàn bộ lữ đoàn, một số tử thương, tự sát, và những người còn lại đều bị bắt, chiến cuộc chấm dứt, sau đó người dân An Dương đã chôn cất vội vàng những người lính TQLC này trên bải biển.    
    Hiển gặp anh Thảo lần đầu năm lên lớp đệ ngủ trung học, buổi sáng hôm đó, trời giữa thu Đà Lạt mù sương lạnh, vào lớp không bao lâu, thầy giám thị tới lớp Hiển, có một người sĩ quan cấp bực Thiếu Úy, mặc đồ lính TQLC còn trẻ đi theo, muốn gặp Hiển một chút. Hiển rời lớp, vừa sợ vừa ngơ ngơ vì không quen, đi ra, theo anh ngồi trên cái băng ghế đá dưới cây thông già cuối sân trường, không dám nhìn, lo lắng chờ, anh đã ghé qua nhà dưới Tùng Nghĩa thăm mẹ mới biết Hiển học ở đây.
    Lúc ba Hiển chưa có mẹ, còn bôn ba thời vận ở miệt đồn điền cao su Xa Cam Hớn Quản, gặp ông, cô tư Cúc, người Bình Long phải lòng rồi thương nhau, quên tính toán, lỡ cô mang thai, gia đình cô tư không chịu cho lấy nhau vì lý do gì đó, ba Hiển đau buồn lang thang lên Đà Lạt, làm nhân viên cho nhà ga xe lửa, một hai năm sau, ông gặp mẹ Hiển khi bà đi buôn hàng từ Phan Thiết về, lần này ông ngược về Mỹ Tho, đem ông bà nội lên Tùng Nghĩa, hai người cưới nhau, sinh ra Hiển. Sau đó không lâu, ông trở lên Bình Long, cô tư Cúc lấy chồng, một người giáo viên trường tiểu học tỉnh, tốt bụng, biết chuyện nhưng không phàn nàn, không nhắc tới, cô Cúc sinh anh Thảo ra, giống hệt ba, ông đến thăm anh Thảo, lúc đó vừa thôi nôi, rồi thôi, vì ông không muốn làm gia đình cô tư xào xáo vô ích, không may ba Hiển mất vì bệnh viêm phổi khá nặng năm Hiển lên bốn, cho tới ngày Hiển lớn, mẹ không hề nhắc gì tới chuyện này, chuyện con riêng của ba và Hiển có một người anh cùng cha khác mẹ. 
     Anh kể lại chuyện, hỏi Hiển học hành ra sao, mẹ thế nào rồi đưa cho một số tiền vài trăm đồng, bảo cất kỹ, ăn bánh uống nước, Hiển ngồi nghe mà ngớ người ra, tới khi trở lại lớp học, trước hành lang, anh Thảo ôm hôn lên đầu, bảo sẽ về thăm, ráng học, ráng giúp mẹ, anh chào cô giáo, một lần nữa, vò đầu Hiển, rồi bỏ đi, thình thoảng quay lại vẫy tay làm dấu bảo Hiển vào lớp, dưới trời sương lạnh mù mờ, nhìn theo, bỗng dưng Hiển muốn khóc và bấy giờ mới thì thầm hai tiếng “anh Thảo”, anh đi xa rồi. Hiển gặp lại anh Thảo lần thứ hai, ở Tùng Nghĩa, ngày Hiển đậu tú tài một, và cũng là những ngày chiến trận diễn ra ác liệt khắp nơi, những ngày người dân thành phố biết sợ tiếng đại pháo, tiếng bom rơi, hôm đó áo quần, giày đinh bám đầy bụi đỏ, anh không ở lâu, vội vàng không như lần trước, anh cũng đưa cho mẹ gói quà, rồi vội vã ra đi, hỏi anh chuyện thư từ, anh cho số KBC đơn vị nhưng dặn là đừng viết vì anh cứ theo quân rày đây mai đó, rừng sâu núi thẳm, đồng hoang sông nước, khi nào rãnh anh sẽ về thăm.
    Chị Nhân mân mê tấm hình, nghe Hiển kể phần mình, Hậu ngồi kế bên, hai chị em nhìn nhau rồi nhìn xa xăm ra đường, lặng thinh buồn vời vợi, ngưng chuyện vừa lúc con bé Thảo Nhân chạy loanh quanh đâu đó trở lại chỗ ba người, Hiển đứng dậy, ôm trọn nó vào tay mình cười mà rươm rướm “Thảo Nhân, cháu của tôi đây mà”, con bé chẳng biết ất giáp gì, cười ngặt nghẻo “chú Hiển, chú Hiển”. 
*
    Buổi sáng, trời bỗng dưng có nắng ấm sớm, cái nắng hiếm hoi của những ngày cuối đông xứ này, cả nhà dắt nhau thả bộ ra tiệm ăn Mac Donald ở ngã ba đường, con bé Thảo Nhân chạy lúp súp trước, quẹo ngả đường Ferguson, Hiển và Hậu theo sau, chị Nhân tủm tỉm cười đi sau cùng, ngang qua trường tiểu học St Mary, do hội nhà thờ St Mary quản trị, phía sau hông nhà thờ nơi Hậu đang dạy lớp Mẫu giáo, tới cổng, cái cổng sắt cao đóng kín, sân trường vắng tanh, chỉ toàn là chim với chim, từng đám đuổi nhau tắm nắng, mùa này học trò đã nghỉ cuối năm, con bé đứng lại, chờ  ba người lên, nắm tay Hậu chỉ vào trong “dì Hậu dì Hậu”, Hậu cười, ẳm nó lên nựng càm “mai mốt Thảo Nhân đi học trong đó hả”, con bé khoái chí gật đầu lia lịa. 
   Chị Nhân đi lên trước, con bé nắm tay mẹ, nhảy cò cò bước thấp bước cao ngoáy cổ nhìn lại, mẹ con trước, hai người sau cũng tay nắm tay níu cười, nắng bất chợt rực ấm, ấm như lòng người vừa có mà họ đã chờ từ lâu lắm, ở một góc sân vườn, trước nhà ai đó, hai con bướm vàng vươn đôi cánh nép liền bên nhau trên cành bụi hoa cúc nở rộ, cũng một màu vàng thẳm, long lanh sáng dưới những hạt sương đêm, nấn ná chưa vội tan.
    
Thuyên Huy

Mượn tên và chút chuyện thật của một người, các nhân vật khác, địa danh, tình tiết được tự dựng bằng tưởng tượng để nhớ người đã nằm xuống ở chiến trường miền Trung cho tôi có được hơn hai mươi năm bình yên, hạnh phúc.
Melbourne, những ngày hạ cháy rừng 2019.

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA Của Trang Trình Và Vô Danh Tiểu Bối

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA   1 -THÚ NHÀN * TRẠNG TRÌNH Nguyễn Bỉnh Khiêm   Một mai một cuốc một cần câu Thơ thẩn nào ai vui thú nào! ...