Vũ Thành Sơn
Lúc ba giờ hai mươi phút chiều một con ruồi hấp hối. Với sức tàn còn lại nó cố bám vào bức tường quét vôi trắng. Những cái chân nhỏ xíu của nó co giật, giãy giụa một cách tuyệt vọng để níu giữ sự sống cho đến tận giây phút cuối cùng. Tình cờ vào lúc ấy nhà văn Marguerite Duras có mặt. Ngay lúc đó bà nghĩ có thể làm lơ, bỏ đi, nhưng bà đã quyết định ngồi xuống và im lặng theo dõi. Toàn bộ diễn biến lặng lẽ nhưng khốc liệt dẫn đến cái chết từ từ kéo dài khoảng mười phút; chỉ mười phút thôi nhưng đó một là khoảng thời gian nặng nề, ngạt thở cho đến lúc bà nhìn thấy con vật rớt ra khỏi bức tường trắng và rơi xuống sàn nhà. Cái chết đã đặt một dấu chấm hết lên cuộc sống của con vật nhưng cảm xúc mạnh mẽ đến nỗi bà ngồi nguyên một chỗ, toàn thân bị tê liệt bởi điều khủng khiếp vừa trải qua. Sau đó một người bạn đến chơi, bà kể lại và chỉ cái chỗ trên tường mà con ruồi vừa mới chết. Nhưng với người bạn câu chuyện của Duras quá ngớ ngẩn và hài hước đến nỗi đã phải cười ngất. Chính tiếng cười chế giễu đó đã làm cho bà giữ kín câu chuyện trong suốt hai mươi năm cho đến khi viết cuốn Écrire bà mới kể lại và suy nghĩ về mối tương quan giữa cái chết và hành động viết.
Écrire là một tản văn về chuyện viết lách của nhà văn Marguerite Duras, trong đó bà hé lộ công việc cũng như suy nghĩ của mình về hành trình đơn độc của nhà văn trong sáng tác. Bối cảnh của câu chuyện là ở Trouville, một thành phố nhỏ ven biển thuộc vùng Normandie miền bắc nước Pháp, nơi bà sống một mình trong một tòa nhà rộng bốn trăm mét vuông. Chính ở đó bà đã chứng kiến cái chết của con ruồi. Câu chuyện ngắn ngủi nhưng theo tôi, đó là phần rất thú vị.
Duras viết: “Người ta thấy một con chó chết, người ta thấy một con ngựa chết, và người ta nói cái gì đó, ví dụ, con vật đáng thương… Nhưng một con ruồi chết, người ta chẳng nói gì, người ta chẳng viết gì, chẳng có gì.”
Điều đáng nói có lẽ là ở đó: Chẳng có gì.
Những sinh vật bé nhỏ như con ruồi, con kiến hay con sâu… chẳng bao giờ có vị trí trong bản đồ đời sống của con người. Tuy vậy, khi cái chết xảy ra, sự bình đẳng vốn có giữa các loài được tái lập. Cái chết trong ý nghĩa là “một sự kết thúc nào đó của thế giới” mà tất cả các sinh vật, không phân biệt, đều là đối tượng, đã đồng thời đặt một dấu chấm hết cho tất cả.
Trong tiểu thuyết Đập ngăn Thái Bình Dương, Duras cũng mô tả khá xúc động cái chết của một con ngựa già. Một cái chết, cho dù là cái chết của một con vật hay của con người, nếu không có sự chứng kiến cũng chỉ là một cái chết vô danh, vô hình, một giọt nước tan vào trong đại dương, thuần túy là một tiến trình hủy hoại sinh học tự nhiên. Nhưng khoác lên cái nhìn của Duras (hay của Nietzsche, chẳng hạn) cái chết của con ngựa đó bỗng chốc tạo ra sự khác biệt; nó trở thành một sự kiện, hay nói cách khác, có một lịch sử và một câu chuyện để kể. Văn chương ở góc nhìn đó đã làm cho cái chết được hiển thị và trở thành bất tử.
Có lẽ Marguerite Duras quá tự tin chăng? Cái chết có cần phải được sự chứng thực của con người qua hoặc bằng văn chương mới trở thành bất tử?
Nguồn: FB Vũ Thành Sơn
Nhà văn Marguerite Duras - Ảnh: ernacooper.com
Mỗi người có một quan điểm riêng và họ sống với cảm xúc của chính họ
Trả lờiXóa