Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo cần phải tuân thủ nghiêm ngặt lệnh phong tỏa để chống lại sự lây lan của COVID-19, thì Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc tin rằng, điều này sẽ dẫn đến tình trạng nghèo đói toàn cầu và COVID-19 có thể sẽ giết chết nhiều người hơn nữa vào cuối năm 2020.
Ông David Beasley, giám đốc điều hành của WFP từng lên tiếng cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, đại dịch virus corona có thể sẽ gây ra nạn đói và khủng hoảng lương thực lan rộng với quy mô như mô tả trong “Kinh Thánh”.
“Trong khi đối phó với COVID-19, chúng ta cũng đang trên bờ vực của dịch đói”, ông Beasley nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Còn có một mối nguy hiểm thực sự là nhiều người có khả năng chết do ảnh hưởng kinh tế của COVID-19 hơn là chết vì virus”.
Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, đã có dự đoán rằng năm 2020 có nguy cơ sẽ trở thành năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II, do các cuộc chiến đang diễn ra ở những nơi như Yemen, Syria và Nam Sudan cùng với các thảm họa thiên nhiên như nạn châu chấu sa mạc đang hoành hành trên khắp châu Phi.
Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, dịch bệnh đã khiến nhiều nước phải phong tỏa nhiều khu vực trên quy mô lớn, từ đó có thể dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới, hàng loạt người bị mất việc và dầu giảm giá.
“Chúng tôi có thể dự đoán số người chết trên thế giới do hậu quả của COVID-19 lớn hơn so với sự tấn công của virus. Chương trình Lương thực Thế giới hiện ước tính rằng 265 triệu người sẽ đứng trước bờ vực đói vào cuối năm nay”, Ian Bradbury, Giám đốc điều hành của tổ chức nhân đạo 1st NAEF có trụ sở tại Canada cho biết.
Vào đầu năm 2020, khoảng 130 triệu người đã phải đối mặt với sự đói khát khủng khiếp. Con số đó giờ đây có thể tăng gấp đôi khi ước chừng số người phải chịu đói lên tới 265 triệu người vào cuối năm nay.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hiện tại có 820 triệu người trên thế giới không đủ ăn, trong đó có 22 phần trăm trẻ em dưới 5 tuổi được cho là “thấp còi” do suy dinh dưỡng. Gần 700 triệu người, chiếm khoảng 9 phần trăm dân số thế giới sử dụng thực phẩm không an toàn ở mức độ nghiêm trọng, và gần hai tỷ người, chiếm một phần tư dân số thế giới sử dụng thực phẩm không an toàn ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng.
Thống kê trên dự kiến sẽ tăng lên trong đại dịch khi việc trồng, thu hoạch và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm bị giảm bớt và gần 400 triệu trẻ em phụ thuộc vào các bữa ăn miễn phí ở trường học nhưng giờ đây không thể đến trường. Theo cảnh báo từ các chuyên gia, trong khi nạn đói đã xuất hiện từ lâu ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu thì chưa bao giờ nó lại diễn ra trên quy mô toàn thế giới như hiện nay.
“[Tác động] mà căn bệnh này tạo ra đối với chúng tôi là mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, và vì vậy số tiền chúng tôi kiếm được không đủ để đáp ứng nhu cầu hàng tháng của chúng tôi”, Suleiman Hussein Suleiman, 22 tuổi, nhân viên hậu cần ở làng Hemo ở Syria nói.
“Trước đây, chúng tôi đã sống trong khó khăn và bây giờ thậm chí còn khó khăn hơn. Thật khó cho chúng tôi để có thức ăn mỗi ngày. Nếu mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy, cơn giận của mọi người sẽ phun trào như núi lửa – họ sẽ nói: ‘Thà rằng chúng ta quay trở lại làm việc và chết vì virus corona còn hơn là con cái chúng ta chết đói!'”, Suleiman cho biết.
Tại Venezuela, đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, đại dịch đã làm tăng thêm sự khốn khổ trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
“Tôi sống trong nỗi sợ hãi thường trực, nghĩ rằng nếu tôi bị lây bệnh, tôi sẽ truyền nó cho con gái tôi, nhưng nếu tôi không đi làm, con gái tôi sẽ chết đói. Điều này thật đáng sợ”, Maria Teresa Herrera, một quản trị viên 39 tuổi sống ở thủ đô Caracas của Venezuela cho biết.
Trong khi đó, ở Afghanistan, nhiều người cho biết cuộc sống đã trở nên vô cùng khốn khó.
“Đã ba tháng nay tôi không nhận được bất kỳ khoản lương nào từ văn phòng, và tôi sống rất khó khăn…. Công việc kinh doanh của anh tôi cũng xuống dưới 0 vì lệnh phong tỏa”, Zaki Nadry, 27 tuổi, một quan chức chính phủ ở Kabul nói.
Ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở Châu Phi tuy đã tránh được sự tấn công trực tiếp từ virus nhưng các hạn chế nghiêm ngặt vẫn được áp dụng. Trong khi Zimbabwe chỉ ghi nhận 32 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4 trường hợp tử vong thì việc phong tỏa đất nước vẫn được áp dụng do nỗi sợ căn bệnh này có thể nhanh chóng đánh sập các hệ thống y tế vốn đã suy yếu – và việc đó sẽ kéo theo hàng ngàn người bị đói.
Ông Dominique Burgeon, giám đốc cơ quan Khẩn cấp và Phục hồi của Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), cũng đã đưa ra cảnh báo kêu gọi các chính phủ làm mọi cách có thể để các hành lang thương mại và chuỗi cung ứng hoạt động, ông cũng nhấn mạnh rằng “hơn bao giờ hết, chúng ta cần hợp tác quốc tế và đưa ra những kế hoạch mềm mỏng để bảo vệ tính linh hoạt của thị trường lương thực toàn cầu”.
Các chuyên gia an ninh lương thực cũng than phiền rằng nguồn tài trợ từ các quốc gia, tổ chức và cá nhân đang cạn kiệt nhanh chóng do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra trên khắp thế giới.
WFP ước tính rằng họ cần bổ sung ngay 350 triệu USD để duy trì hoạt động.
“Chúng tôi phải duy trì các chương trình an ninh lương thực của mình, không chỉ vì nhu cầu gia tăng từ COVID-19 mà còn vì chiến tranh và bạo lực vẫn tiếp diễn và những nhu cầu tồn tại từ trước vẫn còn đó”, Elizabeth Shaw, phát ngôn viên của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết.
Ông Beasley cũng nhấn mạnh rằng hiện tại không đủ thời gian và kêu gọi tất cả các nước hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Theo Fox News
Vanessa Đỗ dịch và biên tập
Vanessa Đỗ dịch và biên tập
Chúng ta đều dễ dàng nhận thấy hậu quả do covid 19 để lại khủng khiếp như thế nào; vì vậy không được chủ quan trước dịch bệnh
Trả lờiXóa