Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Tứ Đại Nữ Thi Nhân Đời Đường (2) Ngư Huyền Cơ - Đỗ Chiêu Đức

NGƯ HUYỀN CƠ  
 Ngoài TIẾT ĐÀO 薛濤 được vinh xưng là "Đệ Nhất Nữ Thi Nhân Đời Đường" ra, ta còn có "Nữ Trung Thi Thánh NGƯ HUYỀN CƠ 魚玄機", "Nữ Trung Thi Hào LÝ DÃ 李冶" và "Nữ Trung Ca Linh là Cô Đào Ca Múa Giỏi LƯU THÁI XUÂN 劉彩春. 

* Nữ Trung Thi Thánh NGƯ HUYỀN CƠ : 

       NGƯ HUYỀN CƠ 魚玄機 (844-871), vốn tên là Ngư Ấu Vi 魚幼薇, tự là Huệ Lan 蕙蘭, sau khi xuất gia làm đạo cô mới đổi tên là Huyền Cơ 玄機. Theo Bắc Mộng Tỏa Ngôn và Đường Tài Tử Truyện thì Ngư Huyền Cơ xuất thân bần hàn, nhưng tính tình lại thông minh dĩnh ngộ, được sự chỉ dạy của cha, nên tinh thông kinh sách, thích thi ca, năm tuổi đã biết đọc thơ, bảy tuổi đã biết làm thơ và dung mạo thì lại rất xinh đẹp.
Năm Ngư Huyền Cơ lên mười tuổi. Một hôm đại thi sĩ lúc bấy giờ là Ôn Đình Quân 温庭筠 nghe tiếng nàng thông minh và giỏi thơ bèn tìm đến để thử tài. Nhân trên đường thấy cảnh liễu xuân lã ngọn bên bờ sông, bèn lấy đề tài "Giang Biên Liễu (Liễu ven sông)"để làm đề. Huyền Cơ trầm tư giây lát, bèn cất bút viết thành bài thơ Ngũ Ngôn Luật Thi như sau :

                 翠色連荒岸,    Thúy sắc liên hoang ngạn,
                 烟姿入遠樓。    Yên tư nhập viễn lâu.
                 影鋪秋水面,    Ảnh phô thu thủy diện,
                 花落釣人頭。    Hoa lạc điếu nhân đầu.
                 根老藏魚窟,    Căn lão tàng ngư quật,
                 枝低繫客舟。    Chi đê hệ khách chu.
                 蕭蕭風雨夜,    Tiêu tiêu phong vũ dạ,
                 驚夢復添愁。    Kinh mộng phục thiêm sầu !
  Có nghĩa :
                

                     Nối liền sắc biếc bờ hoang ,
                     Dáng như sương khói bàng hoàng lầu xa.
                     Bóng soi gợn sóng thu ba,
                     Trên đầu ngư phủ la đà hoa rơi.
                     Rễ sâu hang cá chơi vơi,
                     Cành mềm rũ xuống buộc lơi con thuyền.
                     Sạt sào mưa gió trong đêm,
                     Giật mình thức giấc gợi thêm mối sầu !

         Bài thơ qúa hay ! Tả về hàng LIỄU bên bờ SÔNG, nhưng không có sử dụng từ LIỄU từ SÔNG nào cả. Ta đọc bài thơ trên bằng văn xuôi như sau sẽ rõ :"Một màu xanh biếc liền nhau bên bờ hoang vắng như sương như khói chạy dài cho đến tận các lâu đài xa xa. Bóng thì soi đầy trên mặt nước thu trong xanh, còn hoa trắng thì bay lả tả trên đầu người ngồi câu cá. Rễ thì ăn sâu đến tận hang của cá ở, còn cành thì vươn dài ra rũ thấp xuống như muốn buộc chặc lấy thuyền khách. Những đêm mưa gió lại sao sát sạt sào làm cho ai đó giật mình thức giấc và càng gợi thêm nỗi sầu". Qúa tuyệt vời ! Đầy một bụng thơ văn như Ôn Đình Quân cũng phải chịu là "Con bé tài thơ quá giỏi !". Từ cảm mến và cảm phục nhau qua thi thơ, mối tình "Chú Cháu" nảy sinh theo thời gian...

       Năm Đại Trung thứ 12 (858) Ngư Huyền Cơ đã là một tiểu mỹ nhân 14 tuổi, xinh đẹp vô cùng. Một lần Ôn Đình Quân từ Hồ Bắc trở về Trường An, cũng nhằm lúc các tân khoa Tiến sĩ mở hội đề thơ để ăn mừng. Ôn đưa Cơ cùng đến dự, sau khi các tân Tiến sĩ đã đề thơ xong, Ngư Huyền Cơ cũng lưu lại một bài thơ cảm tác "Du Sùng Chơn Quán Nam Lâu Đổ Tân Cập Đệ Đề Danh Xứ 游崇真觀南樓睹新及第题名處" (Dạo Đạo quán Sùng Chơn, nhìn nơi các tân khoa đề tên) như sau :

              雲峰满目放春晴,     Vân phong mãn mục phóng xuân tình,
              歷歷银钩指下生。     Lịch lịch ngân câu chỉ hạ sinh.
              自恨羅衣掩詩句,     Tự hận la y yễm thi cú,
              舉頭空慕榜中名。     Cử đầu không mộ bảng trung danh.
  Có nghĩa :
                    Núi mây trước mắt nắng chan hòa,
                    Móc bạc rành rành bút nở hoa.
                    Chỉ hận quần thoa thơ mất lối,
                    Đành thôi hâm mộ chẳng kêu ca !
   Du Sùng Chơn Quán Nam Lâu Đổ Tân Cập Đệ Đề Danh Xứ

       Bài thơ tỏ rõ chí khí cao ngạo và bất phàm của Ngư Huyền Cơ, chỉ hận là phận quần thoa không thể tham gia thi cử, nên đành hâm mộ suông mà thôi; Nếu cũng được dự thi thì trên bảng vàng bảng bạc đó, chắc cũng có tên của ta mà thôi ! Bài thơ của Ngu Huyền Cơ đã đánh động lòng của Tiến sĩ Trạng Nguyên năm đó là Lý Ức 李億. Rồi nhờ vào sự mai mối và kết hợp của Ôn Đình Quân, Lý đã cưới Ngư Huyền Cơ về làm thứ thiếp, vì Lý đã có vợ lớn ở nhà. Đây là khoảng thời gian trăng mật hạnh phúc nhất trong đời của Ngư Huyền Cơ, Lý đã đưa nàng cùng đến trấn nhậm ở đất Tấn Thủy thuộc Sơn Tây. Nơi đây non xanh nước biếc, cảnh trí hữu tình, rất thích hợp cho tài tử giai nhân cùng ngâm nga xướng họa. Nhưng... 
               
       Hồng nhan bạc mệnh, người vợ cả của Lý Ức không thể chịu được cảnh tình chàng ý thiếp ân ân ái ái của Lý và Huyền Cơ, nên tìm hết cách để đày ải dày dò nàng đủ mọi điều, không có được ngày nào yên thân. Cuối cùng, Lý đành phải an bày cho nàng vào ở trong một đạo am là Hàm Nghi Quán 咸宜觀 gần đó. Lúc bấy giờ Ngư Huyền Cơ chỉ mới có 16 tuổi, nàng đã viết những câu thơ thương nhớ chồng rất thắm thiết như sau :

                     楓葉千枝復萬枝,    Phong diệp thiên chi phục vạn chi
                     江橋掩映暮帆遲。    Giang kiều yễm ánh mộ phàm trì.
                     憶君心似西江水,    Ức quân tâm tự Tây giang thủy,
                     日夜東流無歇時。    Nhựt dạ đông lưu vô yết thì !
    Có nghĩa :
Ngàn vạn cành phong vạn nhánh non,
                      Bên sông cầu vắng cánh buồm con.
                      Nhớ chàng lòng thiếp như sông nước,
                      Chảy mãi về đông chẳng mõi mòn.
     hay như...
                      朝朝送别泣花鈿,    Triêu triêu tống biệt khấp hoa điền,
                      折盡春風楊柳烟。    Chiết tận xuân phong dương liễu yên.
                      愿得西山無樹木,    Nguyện đắc tây sơn vô thọ mộc,
                      免教人作泪懸懸。    Miễn giao nhân tác lệ huyền huyền.
    Có nghĩa :
                      Ngày ngày đưa tiễn biếng cài trâm,
                      Bẻ hết liễu dương xuân biệt tăm.
                      Ước được núi tây không cản lối,
                      Để người khỏi phải lệ đầm khăn !

       Tình cảm nhớ thương tha thiết là thế, ươt át khắc khoải da diết là thế, nhưng những cánh thư đi cứ mãi biệt tăm. Suốt ba năm không một lần được hồi âm. Hỏi ra thì mới biết Lý Ức đã cùng gia đình thuyên chuyển đến Dương Châu ngoài ngàn dặm xa xôi để làm quan mất rồi. Thất vọng và đau khổ dày dò khơi dậy lòng căm phẫn bất cần đời của người con gái tài hoa. Nàng quyết định buông thả sống cuộc sống phóng túng và thụ hưởng để... thỏa mãn cuộc đời. 
 Nữ đạo sĩ Ngư Huyền Cơ

       Trước đạo quán của mình, nàng treo một tấm bảng với hàng chữ "Ngư Huyền Cơ thi văn hậu giáo 魚玄機詩文候教" Có nghĩa : "Ngư Huyền Cơ đang đợi chỉ giáo về thơ văn". Tấm bảng vừa treo lên, thì tất cả những văn nhân thi sĩ lũ lượt kéo đến chật cả đạo quán. Ban ngày thì họ cùng uống trà đàm đạo, xướng họa văn thơ với người đẹp; Ban đêm thì bày tiệc tùng cùng nâng chén ngâm nga, làm thi làm phú với giai nhân đạo cô quốc sắc đa tài. Ai may mắn lọt vào mắt xanh thì được Huyền Cơ giữ lại qua đêm để cùng vui vầy cá nước. Cuộc sống buông thả trác táng trụy lạc đó cứ kéo dài mãi, đôi khi sau lúc trà dư tửu hậu, tàn tiệc người tan, nàng cũng tự thấy cảm thương mình :

                  自叹多情是足愁,     Tự thán đa tình thị túc sầu,
                  况当风月满庭秋。     Huống đương phong nguyệt mãn đình thu.
                  洞房偏与更声近,     Động phòng biến dữ canh thanh cận,
                  夜夜灯前欲白头。     Dạ dạ đăng tiền dục bạch đầu.
  Có nghĩa :
                  Than kiếp đa tình khéo lắm sầu,
                  Huống chi trăng gió lạnh màu thu.
                  Động phòng canh đã tàn hương sắc.
                  Đối bóng đêm đêm khiến bạc đầu !

  Hay như hai câu... 
                             殷勤不得语,   Ân cần bất đắc ngữ,
                             红泪一双流。   Hồng lệ nhất song lưu.
  Có nghĩa :
                            Ân cần không nói nên lời,
                     Lệ rơi thành máu song đôi chảy dài ...

       Cho đến một hôm...
       
       Ngư Huyền Cơ gặp lại thần tượng thi ca của mình lúc mới lớn Ôn Đình Quân 温庭筠. Mối "tình chú cháu" lại bùng phát mãnh liệt nhờ vào văn thơ. Ngư Huyền Cơ thương ông chú nầy vì Ôn là nhà thơ nhà từ kiệt xuất của buổi tàn Đường. Luận về dung mạo thì Ôn Đình Quân xấu đến không có người đàn ông nào xấu hơn được. Ôn có ngoại hiệu là Ôn Chung Quì 溫鍾夔 (Chung Quì là ông thần bắt ma qủi, có dung mạo rất xấu xí dữ dằn); còn luận về tuổi tác thì Ôn lớn hơn cơ đến hơn 30 tuổi. Thế mà người đẹp vừa trẻ trung vừa giỏi văn thơ lại đi yêu ông già vừa xấu vừa già là bởi vì đâu ? Truy nguyên thì cũng bởi do thơ văn mà ra; Thế mới biết sức hấp dẫn và quyến rủ của thi ca mãnh liệt biết là bao nhiêu ! Ta hãy đọc bài thơ KÝ PHI KHANH 寄飛卿 (Phi Khanh là tên tự của Ôn Đình Quân) sau đây để thấy Ngư Huyền Cơ yêu thương và mến phục Ôn Đình Quân như thế nào :
階砌亂蛩鳴,     Giai thế loạn cùng minh,
              庭柯烟露清。     Đình kha yên lộ thanh.
              月中鄰樂響,     Nguyệt trung lân nhạc hưởng,
              樓上遠山明。     Lâu thượng viễn sơn minh.
              珍簟凉風著,     Trân điệm lương phong trứ,
              瑶琴寄恨生。     Dao cầm ký hận sanh.
              稽君懒書札,     Kê quân lãn thư trát,
              底物慰秋情。     Đễ vật ủy thu tình ?!
  Có nghĩa :                
                 Trước thêm rỉ rỉ dế than,
                 Trong sân cây lá sương bàng bạc rơi.
                 Trong trăng tiếng nhạc lưng trời,
                 Lầu cao tỏ rõ núi đồi xa xa.
                 Chiếu chăn lạnh gió thu qua,
                 Dao cầm gởi hận quyện hòa đêm thâu.
                 Chàng Kê biếng nhác gởi thư,
                 Lấy gì giải tỏa tình thu canh chầy ?!
      
        Rõ khéo nói nịnh với "ông chú" vừa già vừa xấu, lại ví ông ta với Kê Khang là người đứng đầu trong Trúc Lâm Thất Hiền đời Tấn rất đẹp trai và rất giỏi về đàn; người đã được cụ Nguyễn Du khen là :

                    KÊ KHANG nầy khúc Quảng Lăng,
                 Một rằng lưu thuỷ hai rằng hành vân.

  Nếu không yêu thương và kính phục Ôn Đình Quân hết mực, thì không thể so sánh một cách thiên lệch mĩa mai như thế. Hai người cùng đến với nhau trong thi ca, qua thi ca họ quên hết tuổi tác xấu đẹp cùng hòa lòng vào nhau để thăng hoa cuộc sống thơ văn. Ôn Đình Quân đã để lại những bài thơ bất hủ như Thương Sơn Tảo Hành 商山早行 với các câu :

                   晨起動征鐸,    Thần khởi động chinh đạc,
                   客行悲故鄉。    Khách hành bi cố hương.
                   雞聲茅店月,    Kê thanh mao điếm nguyệt,
                   人迹板橋霜。    Nhân tích bản kiều sương...
  Có nghĩa :
                   Sớm mai lạc ngựa vang vang,
                   Lên đường lữ khách lòng càng nhớ quê.
                   Trăng tàn gà gáy não nề,
                   Cầu sương điếm cỏ người về nơi đâu !...

       Hai câu sau của bài thơ đã được cụ Nguyễn Du mươn để tả lúc Thúy Kiều trốn khỏi Quâm Âm Các của Hoạn Thư với cảnh trí và tâm trạng :

                   Mịt mù dặm cát đồi cây,
             TIẾNG GÀ ĐIẾM NGUYỆT, DẤU GIÀY CẦU SƯƠNG.
                  Canh khuya thân gái dặm trường,
                Phần e đường xá, phần thương dãi dầu!
Còn Ngư Huyền Cơ thì để đời với 2 câu thơ gần như là cách ngôn trong bài thơ Tặng Lân Nữ 贈鄰女 (Tặng cô hàng xóm) là :

                   易求無價寶,   Dị cầu vô giá bảo,
                   難得有情郎。   Nan đắc hữu tình lang.
   Có nghĩa :
                     Dễ cầu vô gía ngàn vàng,
               Khó tìm được đấng tình lang chung tình !

       Cho thấy sự bạc tình của giới mày râu từ xưa đến nay vẫn thế ! "Vô giá bảo dễ cầu, Hữu tình lang khó được !". Ngư Huyền Cơ kết thúc cuộc đời mình khi chỉ mới có 27 tuổi, vì lở tay đánh chết một nữ tì thân cận tên Lục Kiều trong cơn ghen tức, lại bị quan Kinh Triệu là Ôn Chương, người đã từng một thời đeo đuổi theo Huyền Cơ mà không được nàng đáp lại, xử tử hình. 
Lục Kiều
Thế là kết thúc một cuộc đời tài hoa của một giai nhân bạc mệnh !

       Hẹn bài viết tới, Nữ Trung Thi Hào 女中詩豪: LÝ DÃ 李冶.

                                                                                                         杜紹德
                                                                                                Đỗ Chiêu Đức

Mời Xem: Tứ Đại Nữ Thi Nhân Đời Đường : TIẾT ĐÀO (1 )

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...