Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Hồn Nhiên Tuổi Xế Chiều - Lê Trung Ngân

Lão Tử trong Đạo đức kinh đã dùng câu: "Hàm đức chi hậu, bỉ vu xích tử" (người đức dày sống như một đứa trẻ) để miêu tả trạng thái cuộc sống của một đứa trẻ: Không ham muốn, không đấu tranh, thuần khiết và hạnh phúc. Trong thế giới trẻ thơ, cuộc sống là hạnh phúc, điều gì cũng khiến chúng hạnh phúc. Khi lớn lên, tôi và những bạn đồng niên đều mất đi niềm vui hồn nhiên đó. Vì sao chúng không thể giữ mãi tâm hồn trẻ thơ, vui vẻ khoáng đạt?. Mục đích cuối cùng của cuộc sống không phải là vui vẻ sao. Hãy thử nghĩ xem, chúng ta đã bao lâu không cười thật to rồi? Đã từ khi nào chúng đánh mất đi tâm hồn thơ trẻ?

Khi chúng ta vẫn còn là một đứa trẻ, chúng ta cũng từng thích chạy nhảy, đánh lộn, hờn dỗi, hoàn toàn không giống với chúng ta trong hiện tại suốt ngày mệt mỏi với thu nhập, giá cả và những khó khăn của cuộc sống. Lúc còn thơ, cho dù vẫn có áp lực của bài tập và học hành, cho dù vẫn lo lắng thầy cô và ba mẹ quản giáo, nhưng lúc đó chúng ta không hề bị những tâm sự buồn chán của tương lai hành hạ, không hề mất đi phương châm "sống cho hiện tại". Nhưng khi bước vào giai đoạn trưởng thành, chúng ta dần phát hiện ra mình mất đi phương châm đơn giản đó, luôn luôn lo lắng cho tương lai, luôn luôn vì những điều không vui có thể xảy ra ngày mai làm ảnh hưởng đến tâm tình hiện tại. Càng lớn lên, khối óc, trái tim càng nặng nề, càng không thể vô tư chơi đùa như một đứa trẻ nữa..

Trong đời, ai cũng có đôi lần mong cho thời gian quay trở lại. Mà chẳng phải là sự tiếc nuối một khoảnh khắc, một lời nói, một quyết định, hay điều gì còn dang dở, nhiều khi chỉ là niềm thương nhớ chính mình khi xưa, tại thời điểm ấy, khi nụ cười còn vô tư lắm, và ánh nhìn thì vẫn thanh thản trong veo.
Khi tuổi đời chồng chất, người ta bỗng thấy thưở ấu thơ sao tràn đầy sắc màu rực rỡ thế. Cánh đồng xanh mê mải. Trời mây trắng dịu êm. Chuồn chuồn bay trên trời mát dịu. Màu mực trong trang vở tím ngắt. Mèo vàng sưởi nắng lim dim. Trận mưa rào trên mái lá. Da đen nhẻm mà vẫn chạy dưới trưa hè. Cả một thế giới rạng rỡ, tuyệt vời và trong vắt. Để rồi khi lớn lên, cái thế giới ấy chỉ còn là một miền hoài niệm, mà dù người ta có gắng đi tìm, có ngắm nhìn qua một góc kính nào thì cũng không thể nào tái hiện lại được. Không một sắc trắng nào vi vút như gió lùa qua khe cửa ngày đông, không một sắc tím nào bềnh bồng như bằng lăng ngang trời mùa hạ, không một sắc hồng nào khác lạ như nụ hoa mới biết yêu thưở ban đầu …

Khi người ta có tuổi, người ta bỗng thấy lúc bé đời sao đơn giản thế, mà lại tươi đẹp thế. Sao khi lớn lên, người ta có thể ăn bất kỳ món đặc sản cầu kỳ nào, mà lại không thấy vui miệng bằng cây cà rem mút ăn vội trước cổng trường giờ tan học. Người ta có thể mua sắm cho mình bất cứ thứ quần áo hợp mốt nào, mà lại không thấy háo hức bằng lúc khoác lên mình chiếc áo má may cho diện Tết. Người ta có thể đi cùng người yêu trên chiếc xe hơi đắt tiền, mà lại chẳng thấy tim mình xao xuyến như lúc ngồi sau xe đạp của cậu bạn lơ đãng ngày xưa. Thế đấy, người ta có thể đạt được mọi thứ mình muốn, để rồi nhận ra rằng, khi cuộc sống quá dư giả, thì có những giá trị chỉ khi thiếu thốn ta mới có thể cảm nhận được.

Vì khi người ta đủ lớn, thì cái tôi cũng lớn lên theo. Người ta không còn vui được nữa, bởi chính sự kiêu hãnh và định kiến của mình, và của sự dèm pha của những người xung quanh. Người ta rồi tự giới hạn mình trong những định mức, để mọi điều là vừa đủ. Để không quá tha thiết, không quá say mê, không quá cuồng si một cái gì. Ước mơ không theo đuổi, yêu thương chẳng tỏ bày. Làm gì cũng suy tính, sẽ ra sao ngày sau. Rồi bằng lòng cho rằng vậy thì sẽ không buồn khổ. Nhưng rồi làm như thế, có chắc rằng đời đã hạnh phúc hơn không?

Khi người ta đã có tuổi, người ta không còn nhìn thấy những màu sắc là tuyệt đối. Thay vào đó là sự nhập nhằng, lẫn lộn. Trong trắng có đen, ngoài xanh trong đỏ, trong thật có giả, trong gần có xa, trong gặp gỡ có ly biệt, trong nụ cười có âu lo, và trong tình cảm có đắn đo cân nhắc. Rôi người ta cũng tập tành lịch sự, biết giữ những khoảng cách, để rồi thi thoảng bỗng thấy mình quá đỗi cô đơn. Cô đơn không phải là những khi một mình không có ai bên cạnh, mà là khi ở giữa cuộc vui thấy mình lạc điệu, u uẩn; giữa tiếng cười rộn ràng thấy trong lòng mưa rơi; giữa yêu thương thấy dửng dưng vời vợi. Khi không ai thấu hiểu và chia sẻ. Khi thấy mình không thuộc về một nơi chốn hay một người nào cả. Ai cũng muốn gần nhau đấy, mà sao rồi ai cũng rất lẻ loi?

Khi người ta đủ lớn, người ta bắt đầu mong bé lại. Người ta bắt đầu mong trở về là mình những xa xưa. Khi vui buồn thật lòng với những điều nho nhỏ, khi yêu ghét được vô tư tỏ bày, khi thế giới trong sáng là những ô cửa ngập nắng, những ngày xào xạc gió, những đêm học thi mê mải hay những buổi tụ tập bạn bè thật vui.

Nhưng, ngày hôm qua thì đã qua rồi. Như cái cây đã lớn rồi thì không thể nào non trẻ lại, con người đã lớn thì phải học cách đứng vững vàng trong gió trong mưa. Ai cũng có thể nói với bạn rằng niềm vui và hạnh phúc luôn ở quanh ta, chỉ cần ta biết đón nhận. Nhưng không ai có thể nói với bạn rằng niềm vui đang chờ ngay ở kia, ngay chỗ rẽ đấy. Vì không ai biết chính xác lúc nào niềm vui sẽ đến, và đến từ đâu, từ ai. Thế nên ta hãy cứ đi đi, giữ cho mình niềm yêu đời thiết tha, bằng lòng với những điều đẹp đẽ, những dấu ấn nhiều khi bé nhỏ nhưng khó phai trong đời, và đừng bận tâm về những bắt đầu hay sau cuối.

Bởi xét cho cùng, đời thay đổi vì chúng ta thay đổi mà thôi.

Khi người ta đủ lớn, người ta nhận ra trong cuộc sống không phải lúc nào mọi thứ cũng rõ ràng. Không phải lúc nào nhìn lên thì trời cũng xanh, mây cũng trắng. Có những lúc trời bạc một màu quên lãng và có những lúc mây mang màu ngũ sắc như cầu vồng sau mưa. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì chúng ta vẫn sống dưới vòm trời này, trong cuộc sống đầy những điều không rõ ràng này, chúng ta đã tìm thấy nhau, cùng bước đi.

Vì sao chúng ta không còn hồn nhiên như lũ trẻ? Có lẽ, bởi vì ngày càng có tuổi chúng ta có cuộc sống lý tính, vì cái nhìn của người lớn. Kỳ thực, qua những sự lọc lừa của cuộc sống làm cho chúng ta trở nên ích kỷ, chỉ mãi lo nghĩ bản thân như thế nào, không hề nhìn ra xung quanh ra sao; hoặc là chúng ta căn bản càng ngày càng co cụm, ít sẻ chia vui vẻ với mọi người.

Trẻ thơ có thế mạnh khi dùng TRÍ TƯỞNG TƯỢNG để làm cuộc sống của chúng thêm vui vẻ, còn người lớn chúng ta thì thường dùng LỢI ÍCH để đo đếm cuộc sống. Cho nên chúng ta luôn suy tính thiệt hơn, không thể có được niềm vui. Bởi vậy chúng ta nên học tập trẻ thơ, tìm lại tâm hồn thơ bé, tìm lại tư duy vui vẻ, tâm thái hạnh phúc.

Hiện nay, chúng ta đến đâu cũng ngồi ngay ngắn, ăn mặc lịch lãm, nói năng cẩn trọng vì có quá nhiều quy tắc và cấm kỵ mà mình tự ràng buộc. Kỳ thực, trong thâm tâm chúng ta vẫn thích lăn lộn trên thảm cỏ, thích bên mép dính bơ khi ăn nhồm nhoàm một miếng bánh, sâu thẳm trong tâm hồn mỗi chúng ta vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên, vẫn khao khát có thể thoát được tất cả những buồn chán và áp lực. Trong thế giới bề bộn này, xin hãy giữ lấy cái đầu và trái tim thuần khiết như trẻ thơ, khi lý trí và tình cảm của chúng ta không nặng nề nữa, chúng ta sẽ có được nụ cười tươi sáng rạng ngời.

Dù không thể bé lại như xưa thì xin cứ sống vì hiện tại, nói như vậy không có nghĩa là sống buông thả, nhưng phải biết thương mình, tha thứ chính mình, tha thứ cho tha nhân để bỏ đi bức bối xung quanh, hồn nhiên một chút, để thấy đời vẫn rất đẹp tươi!
Lê Trung Ngân

1 nhận xét:

  1. Tuổi già thì hạnh phúc lớn nhất là được làm những gì mình thích

    Trả lờiXóa

Xướng Họa :THƠ THẨN ĐỜI TUI - Lý Đức Quỳnh Và Các Thi Hửu

  Bài Xướng THƠ THẨN ĐỜI TUI (Thơ vui theo tranh) Thơ thẩn, vợ hoài nói xỏ xiên: -Cơm ăn, áo mặc…lấy đâu tiền? Thời đen mượn chữ che đời nợ ...