Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Cuộc chiến hồi hương ngành dược phẩm Mỹ

Đại dịch virus corona đã phơi bày một sự thật đáng lo ngại: Các chuỗi cung ứng toàn cầu do các tập đoàn đa quốc gia không quốc tịch vận hành thực sự không đáng tin cậy. Người Mỹ đang học được điều này từ thực tế thời gian thực khi họ chứng kiến nhập khẩu từ Trung Quốc bị cắt, đặc biệt đối với các mặt hàng y tế và dược phẩm quan trọng. Điều đó đã đẩy hàng triệu sinh mạng vào vòng rủi ro vì 90% thuốc generic mà người Mỹ sử dụng hàng ngày là phải nhập khẩu. Thậm chí tệ hơn nữa, 90% thành phần của các loại thuốc generic được sử dụng để điều trị cho người nhiễm virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và an ninh quốc gia Mỹ. Kết quả là, Washington phải khuyến khích hồi hương sản xuất dược, cũng như phải thiết lập các biện pháp đối phó với các mối đe dọa trong tương lai như phương pháp điều trị bằng thuốc, vắc-xin, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân.
Chính quyền Trump đã thực hiện bước đi khôn ngoan đầu tiên trong lộ trình này. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh gần đây đã trao hợp đồng 354 triệu USD về sản xuất thuốc generic cho Công ty Dược phẩm Phlow có trụ sở tại bang Virginia. Phlow cam kết sử dụng công nghệ sản xuất dược tiên tiến để sản xuất thuốc trong lục địa Mỹ. Công ty này sẽ bắt đầu sản xuất các loại thuốc kê đơn và thành phần dược phẩm, kể cả các loại thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19.
Động thái đầu tiên đó của chính quyền Trump đánh dấu một sự khởi đầu tốt hướng tới thúc đẩy sản xuất thuốc tại Mỹ. Tuy nhiên, vẫn cần phải có những phản ứng toàn diện và toàn chính phủ. Chẳng hạn, có thực tế là ba loại kháng sinh tiêu chuẩn gồm azithromycin, ciprofloxacin, và piperacillin được sử dụng trong điều trị cho người nhiễm virus corona, đều có thành phần dược phẩm xuất xứ Trung Quốc. Mỹ cũng nhập 80% tá dược từ nước ngoài, đa phần là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Và ngay cả những loại thuốc phổ biến trong mỗi gia đình Mỹ như uprofen và acetaminophen cũng đến từ Trung Quốc. Đáng lý chúng ta đã phải bắt đầu hồi hương các nhà máy sản xuất dược về Mỹ từ lâu rồi.
Trung Quốc chắc chắn nhận ra lợi thế của họ. Theo báo cáo của Horizon Advisory, Bắc Kinh hy vọng đại dịch virus corona sẽ “đảo ngược mọi tiến bộ mà Mỹ đã đạt được trong việc đối phó với sự lũng đoạn ngành dược phẩm toàn cầu của Trung Quốc”. Nói cách khác, Bắc Kinh đang có khả năng cắt nguồn cung dược phẩm cần thiết vào bất cứ thời điểm nào để tạo ra một điểm nghẽn chiến lược, có lợi cho họ.
Mỹ phải rất tích cực khôi phục lại sản xuất dược phẩm trong nước. Và điều hữu ích mà Quốc hội có thể làm là áp đặt chính sách “Mua hàng Mỹ” nhằm bắt buộc các cơ quan liên bang phải mua thuốc sản xuất trong nước bất cứ khi nào có thể. Điều đó sẽ giúp giảm phụ thuộc vào tá dược Trung Quốc. Các nhà sản xuất trong nước nên được trao các hợp đồng cung ứng dài hạn để họ yên tâm đầu tư vào công nghệ hiện đại mà không lo sợ bị các công ty nhà nước Trung Quốc đấu thầu mất hợp đồng.
Quốc hội Mỹ hiện cũng đang có các bước chuẩn bị rồi. Dân biểu Dân chủ John Garamendi của bang California và Dân biểu Cộng hòa Vicky Hartzler của bang Missouri đã giới thiệu ra Hạ viện dự luật, áp đặt yêu cầu “Mua hàng Mỹ” đối với Bộ Quốc phòng và Cục Cựu chiến binh khi các cơ quan này mua các sản phẩm y tế cho quân nhân. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa. Mỹ cũng phải tái thiết lập khả năng sản xuất các thành phần dược phẩm cơ bản dùng trong các loại thuốc thông thường. Để làm được việc này, một số nhà lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện đang tìm cách cung cấp các khuyến khích tài chính cho các công ty dược phẩm nội địa.
Một vấn đề lớn hơn nữa là Trung Quốc vẫn duy trì đan xen lợi ích mạnh mẽ trong ngành sản xuất dược tại Mỹ. Hiện nay, nếu một hộp thuốc thành phẩm được đóng gói tại Mỹ nhưng dùng thành phần dược phẩm sản xuất tại Trung Quốc, thì hộp thuốc thành phẩm này vẫn được coi là “Sản xuất tại Mỹ”. Điều đó cho phép các công ty Mỹ sử dụng thành phần dược phẩm sản xuất tại Trung Quốc để đóng gói thành thuốc thành phẩm và họ vẫn tuyên bố sản phẩm đó là “Sản xuất tại Mỹ”. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio của bang Florida đã giới thiệu ra Thượng viện một dự luật để bịt lỗ hổng pháp lý này và trong đó cũng yêu các cơ quan liên bang chỉ mua các loại thuốc mà thành phần tá dược được sản xuất hoàn toàn tại nội địa Mỹ.
Các tập đoàn đa quốc gia không quốc tịch chuyên nhập khẩu dược phẩm chắc chắn sẽ phản đối những nỗ lực lập pháp nêu trên. Năm 2019, giá trị nhập khẩu dược phẩm của Mỹ đạt tổng cộng 127,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia đó ước tính rằng chỉ cần nhập khẩu khoảng một nửa giá trị dược phẩm như trên có thể tạo được thêm 804.000 việc làm cho lao động Mỹ trong năm đầu tiên, đồng thời đóng góp vào GDP hàng năm tới 200 tỷ USD. Dù vậy, sản xuất dược trong nội địa Mỹ cũng có tác dụng phụ hữu ích là làm cho người mỹ an toàn hơn nhờ giảm được các sự cố đáng tiếc như thuốc heparin nhập từ Trung Quốc bị nhiễm độc khiến 81 người Mỹ thiệt mạng vào năm 2008.
Virus corona đã phơi bày sự phụ thuộc đầy rủi ro của Mỹ vào các nhà cung cấp nước ngoài. Việc hồi hương các ngành quan trọng như sản xuất thuốc và tá dược sẽ giúp khôi phục sự an toàn cho các chuỗi cung ứng dược phẩm Mỹ, tái thiết lập an ninh quốc gia về ngành y tế Mỹ và đưa người Mỹ trở lại làm các công việc lành nghề, lương cao.  Washington phải thực hiện các bước quan trọng này ngay bây giờ và phải đưa sản xuất dược phẩm từ Trung Quốc về Mỹ trước khi xảy ra đại dịch tiếp theo.

Tác giả: Michael Stumo – CEO của Liên minh vì Nước Mỹ Thịnh vượng
Biên dịch: Xuân Thành


(Bài viết tiếng Anh đăng lần đầu trên Daily Caller.)

1 nhận xét:

  1. Như vậy qua mùa dịch bệnh này, Mỹ mới thấm thía nỗi đau do Mỹ đã trừng phạt Trung Quốc về kinh tế

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...