Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 58 : LA LÀ LÁ

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 58 : 
                                      
     
                                   
                                        Thế trong dù lớn hơn ngoài,
                                    Trước hàm sư tử gởi người ĐẰNG LA.

          ĐẰNG LA 藤蘿 : Đằng 藤 là Dây mây, LA 蘿 là Dây leo. Nên ĐẰNG LA nói chung là dây leo, là ô rô cóc kèn sống chùm gởi bám vào thân cây lớn. Trong văn học cổ thường dùng để chỉ người vợ sống nương tựa vào chồng, nhất là dùng để chỉ những người vợ lẻ, tiểu thiếp sống bám vào ông chồng để nhờ sự che chở. Như khi Thúc Sinh muốn chuộc Thúy Kiều về làm vợ lẻ, thì cô Kiều đã e ngại khôn khéo mà rào đón rằng :"Như chàng có vững tay co, mười phần cũng lắp liếm cho một vài", nhưng nếu :

                                       Thế trong dù lớn hơn ngoài,
                                  Trước hàm sư tử gởi người ĐẰNG LA.
Có nghĩa : 
                Thế trong nhà của vợ chàng lớn hơn cái thế bên ngoài của chàng (Ý nói nếu chàng "sợ vợ"), thì chẳng khác nào đem thân phận nhỏ nhoi của thiếp mà gởi vào cái hàm sư tử Hà Đông dữ dằn của vợ chàng). Như thế thì dù cho có :

                                       Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
                                  Giấm Chua lại tội bằng ba Lửa Nồng.

        GIẤM CHUA là sự hành hạ do ghen tuông cay nghiệt của vợ lớn; còn LỬA NỒNG là chỉ cuộc sống ngột ngạt đọa đày của các kỹ nữ như đang ở trong hầm lửa nóng của địa ngục vậy.
         
        LA 蘿 là Dây leo, nhưng nếu bỏ Thảo Đầu 艹 ở trên đi thì LA 羅 có nghĩa là Lụa Là. Như LA CÂN 羅巾 : là chiếc khăn tay bằng lụa là của các bà các cô ngày xưa, gọi tắt là KHĂN LÀ, như khi hẹn ước và trao đổi tín vật với Thúy Kiều, Kim Trọng đã :

                                         Vội về thêm lấy của nhà,
                               Xuyến vàng đôi chiếc KHĂN LÀ một vuông.
 Áo của các bà các cô ngày xưa cũng được may bằng lụa là, như khi Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền  Đường  để quyên sinh, được sư Giác Duyên thuê ngư phủ giăng chài kéo lên, thì thấy :


                                       Trên mui lướt mướt ÁO LÀ,
                               Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương.

        QUẦN LÀ ÁO LƯỢT là thành ngữ chỉ ăn mặc sang trọng của người giàu ngày xưa, như trong ca dao dân gian có câu :
                                       Người giầu má đỏ, mày xanh, 
                                 QUẦN LÀ ÁO LƯỢT đua tranh lên đường.

         Quần Là chữ Nho là LA QUẦN 羅裙 chỉ quần bằng lụa, như trong bài Thái Liên Khúc 採蓮曲 (khúc hát hái sen) của nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường :

                荷葉羅裙一色裁,     Hà diệp LA QUẦN nhất sắc tài,
                芙蓉向臉兩邊開。     Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai.
                亂入池中看不見,     Loạn nhập trì trung khan bất kiến,
                聞歌始覺有人來。     Văn ca thủy giác hữu nhân lai !
Có nghĩa : 
                       Lá sen quần lụa xếp hai hàng,
                    Mặt tựa phù dung mới điểm trang.
                    Lẫn khuất trong ao nào ai thấy,
                    Nghe ca mới biết có người sang !.

        Về LÁ, thì trong văn học cổ của ta có LÁ DƯƠNG TÊN BẮN, có xuất xứ từ thành ngữ Bách Bộ Xuyên Dương 百步穿楊 do tích sau đây :

        Theo Chiến Quốc Sách, quyển Tây Chu.  Có người nước Sở tên là Dưỡng Do Cơ có thể ở ngoài trăm bước, giương cung lắp tên bắn trúng được lá dương liễu, trăm lần không sai một. Do tích nầy ta lại còn có thêm được một thành ngữ nữa là BÁCH PHÁT BÁCH TRÚNG 百發百中. Cả hai thành ngữ đều dùng để chỉ tài bắn cung (bắn súng) giỏi.                                       

        Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ những tay thiện xạ, sau dùng rộng ra để chỉ làm việc gì đó luôn luôn thành công mà không hề thất bại. Như hễ đi thi thì đỗ ngay, trăm lần như một, thì cũng có thể gọi là Bách Phát Bách Trúng ! Trong tác phẫm văn học thơ Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng của ta có câu : 
                                      LÁ DƯƠNG một phát đưa TÊN BẮN,
                                      Đèn sách cho cam thuở học hành !
Sau Lá Dương , ta có LÁ GIÓ CÀNH CHIM, có nghĩa "Lá thì đun đưa theo gió, còn cành thì đón chim  đến đậu" theo như tích sau đây :
       

      Tiết Đào (768-831), tự là Hồng Độ 洪度, có bản ghi là Hoằng Độ 宏度, là nữ thi nhân, ca kỹ, nhạc kỹ. Người đất Trường An (Tây An, Thiểm Tây ngày nay). Cha là Tiết Vân 薛鄖, làm quan ở đất Thục. Theo Danh Viện Thi Quy 名媛詩歸 ghi lại : Tiết Đào lúc tám chín tuổi đã biết làm thơ, rất thông minh và lại tinh thông âm luật. Một hôm, đang ngồi hóng mát với cha ở trung đình, ông cha bèn chỉ vào cây ngô đồng bên miêng giếng mà đọc rằng :

                    庭除一古桐,    Đình trừ nhất cổ đồng,
                    聳杆入雲中。    Tủng cán nhập vân trung.
Có nghĩa : 
                Trong sân cao ngất ngô đồng,
                Vương cao cành lá lẫn trong mây trời.
    
      Tiết Đào nghe xong, bèn đọc hai câu tiếp rằng :

                    枝迎南北鳥,   Chi nghinh nam bắc điểu,
                    葉送往来風.    Diệp tống vãn lai phong.
Có nghĩa :
                Lá thì theo gió lả lơi,
                Cành thì nam bắc rủ mời chim qua.
 Ông cha nghe xong rất ngạc nhiên cho tài thông minh nhanh nhạy của con gái, nhưng lại lắc đầu buồn bã vì ý thơ phóng túng buông thả, báo cho điềm xấu về cuộc đời của con gái sau nầy. Qủa nhiên, sau nầy cha mất sớm. Mới 16 tuổi Tiết Đào đã trở thành danh kỹ nổi tiếng ở đất Trường An.

       Khi tả cuộc sống của Thúy Kiều ở lầu xanh, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :

                           ...Biết bao bướm lả ong lơi
                     Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
                             Dập dìu LÁ GIÓ CÀNH CHIM,
                    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh

       Sau Lá Gió Cành Chim, ta có LÁ NGỌC CÀNH VÀNG, là Lá bằng Ngọc, còn Cành thì bằng Vàng. Có xuất xứ từ thành ngữ KIM CHI NGỌC DIỆP 金枝玉葉, từ Cổ kim Chú. Dự Phục 古今注·舆服. Có nghĩa : Cỏ cây hoa lá rất mượt mà xanh tươi đẹp đẽ. Thường dùng để chỉ gia quyến, con cái của nhà vua hay của  hoàng tộc, theo như bài từ Điều Tiếu Lệnh. Hồ Điệp 調笑令·蝴蝶 của Vương Kiến đời Đường :

                     胡蝶,胡蝶,      Hồ điệp, hồ điệp,
                    飛上金枝玉葉。    Phi thượng kim chi ngọc diệp.
                    君前對舞春風,    Quân tiền đối vũ xuân phong.
                    百葉桃花樹紅。    Bách diệp đào hoa thọ hồng.
                     紅樹,紅樹,      Hồng thọ, hồng thọ,
                    燕語鶯啼日暮。    Yến ngữ oanh đề nhật mộ !
Có nghĩa :
                   Bướm vàng, bướm vàng,
                   Đậu trên LÁ NGỌC CÀNH VÀNG.
                   Trước vua gió xuân ca múa,
                   Đào hồng lá đỏ ngàn cây.
                   Lá đỏ, lá đỏ,
                   Oanh ca én hót chiều nay !

       Trong "Hà Thành Chính Khí Ca" của Ba Giai (cặp đôi của Tú Xuất), bài ca ca ngợi gương chiến đấu hy sinh oanh liệt của danh tướng Tổng Đốc Hoàng Diêu và lên án những người mang tiếng là KIM CHI NGỌC DIỆP mà không biết bảo vệ đất nước giang sơn như Án Sát Tôn Thất Bá :

                                       Kìa Tôn Thất Bá Niết Công,
                               KIM CHI NGỌC DIỆP, vốn dòng tôn nhân,
                                       Đã quốc tộc, lại vương thần,
                                  Cũng nên hết sức kinh luân mới là...

                                           Tổng Đốc Hoàng Diệu

       Còn trong truyện Nôm khuyết danh Hoàng Trừu - Công Chúa Đội Đèn của ta cũng có câu :
                   
                            Xem bằng LÁ NGỌC CÀNH VÀNG,
                            Bỗng sao mà phải cơ hàn bấy lâu.
       
         Cuối cùng ta có LÁ THẮM CHỈ HỒNG là do thành ngữ điển tích Hồng Diệp Xích Thằng 紅葉赤繩 mà ra. Xem thành ngữ điển tích  1 và 2. 
          Sau khi đã "Tình trong như đã mặt ngoài còn e" với người đẹp Thúy Kiều trong hội Đạp Thanh xong, thì hôm sau Kim tìm đến nhà Kiều định có dịp để làm quen, nhưng lại đụng phải :

                                  Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
                              Cạn dòng LÁ THẮM dứt đường chim xanh.

          Khi đã nhận lời tỏ tình của Kim Trọng xong rồi, Thúy Kiều cũng đã khôn khéo mà nhắn nhủ với người tình mới rằng :

                                   Dù khi LÁ THẮM CHỈ HỒNG,
                              Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. 
               
          Còn trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì gọi Lá Thắm là LÁ HỒNG :

                                     Gớm nơi ngôi bảng duềnh khơi,
                                 LÁ HỒNG bỗng đến chi nơi nổi chìm.

          Trong "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải thì gọi là THƠ BÀI LÁ ĐỎ như sau : 

                                        Thực nhân tình THƠ BÀI LÁ ĐỎ,
                                         Mạch sầu kia biết tỏ cùng ai ?


           Xin được kết thúc bài viết LA, LÀ, LÁ  ở đây. Hẹn bài viết tới !

                                                                                                              杜紹德
          🌷🌷🌷🌷🌷                                                                               Đỗ Chiêu Đức


1 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết này rất hay, nhiều người chưa được biết

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...