Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

THÔNG ĐIỆP CỦA CORONA - Nguyễn Tường Bách (Văn Việt )

Các hành là vô thường, các vị hãy tinh tấn!”
(Lời di huấn của Đức Phật Thích Ca)
Đại dịch Corona đang tác hại một cách khủng khiếp. Từ mức tử vong 3.331 tại Trung Quốc vào đầu tháng 4-2020, theo thống kê chính thức, chỉ sau một thời gian ngắn -tính đến ngày 29-4-2020 – con số này đã vọt lên 217.596 người tử vong; tổng số ca nhiễm tăng đến 3.134.199 người(1). Thế nhưng, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, chủ yếu vì ta không thể đếm hết ai đã bị nhiễm. Song song với đại dịch Corona là một thảm họa toàn cầu khác, một loạt sóng thần mang tên kinh tế, xã hội và chính trị mà hiện nay chưa ai đoán được kết cục sẽ đi về đâu.
NẾU CH NÓI VỀ MẶT Y TẾ…
… thì Corona gây thảm họa lớn nhất kể từ 100 năm nay. Ngày nay người ta còn nhắc đến đại dịch của năm 1918/1919 với trên 20 triệu người chết, được mệnh danh là “dịch cúm Tây Ban Nha”. Từ đó đến nay khái niệm “đại dịch” mờ phai trong tâm khảm con người và đó là một trong những lý do của tình trạng kinh hoàng hiện nay. Dù dịch bệnh vẫn xuất hiện thường xuyên như SARS năm 2003, H1N1 năm 2009, MERS năm 2012 hay EBOLA năm 2014, người ta vẫn xem dịch bệnh là một loại rủi ro y tế có tính chất địa phương, xảy ra tại các nước nghèo ở châu Á hay châu Phi. Năm 2015, nhân sĩ đáng trọng Bill Gates có một bài giảng thuyết nói về khả năng xảy ra một nạn dịch toàn cầu, trong đó chúng ta hoàn toàn không chuẩn bị. Thế nhưng bài nói đáng được chú ý đó vẫn bị rơi vào quên lãng.
Vì những lẽ đó, Corona ập đến như một cơn sóng thần hoàn toàn bất ngờ. Bắt đầu từ Vũ Hán trong khoảng những ngày Tết âm lịch, dịch Corana bị giấu giếm một thời gian và đó là lý do làm dịch lây lan tại Trung Qụốc và trên thế giới. Thế giới phương Tây nhìn Vũ Hán với tâm trạng nhìn SARS hay EBOLA năm xưa và nghĩ mình sẽ được miễn trừ. Nhưng lần này, virus Corona có một đặc tính kỳ lạ là nó lây nhiễm ngay tức khắc, trước khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng. Người ta vẫn tiếp tục ăn Tết khi đã mang bệnh và đã lây cho người khác. Sau đó từ Vũ Hán người ta đi khắp thế giới.
Đến phiên mình, các nước giàu mạnh Âu – Mỹ cũng coi nhẹ dịch bệnh và đánh mất thời gian chuẩn bị. Tỉ lệ tử vong của Corona không hề thấp, nó cao gấp 10 lần H1N1. Cuối cùng thì từ Tết âm lịch đến nay chỉ chưa đầy ba tháng trôi qua, con số tử vong toàn thế giới đã gấp hơn 70 lần con số ban đầu của Trung Quốc. Đó là con số tối thiểu, sự thực thường nằm trong bóng tối.
Đại dịch Corona là một loại bệnh khốc liệt, với tốc độ lây lan nhanh, với độ tử vong cao. Những con số thống kê hàng ngày tuy làm người ta sợ hãi nhưng nó cũng làm mòn tâm trí, dễ sinh tâm vô cảm. Chỉ những ai làm việc trên tuyến đầu như y sĩ, chuyên viên bệnh viện, những ai chứng kiến cái chết hàng loạt trong các nhà dưỡng lão, tại các nghĩa trang, viện thiêu xác… mới cảm hết nỗi đau thương của sự chết chóc, của sự bất lực, của sự lựa chọn cứu ai bỏ ai, khi số bệnh nhân cao hơn giường bệnh. Họ mới là người chứng kiến những cái chết cô đơn xót xa, những cuộc mai táng hàng loạt vô danh tính, vô trách nhiệm, không xứng đáng dành cho con người.
Không thể kể xiết nối đau khổ của sự chết chóc, của người đi – người ở lại. Nhà thiêu xác quá tải, những hộp tro vung vãi tại Trung Qụốc, những nấm mồ tập thể tại Mỹ, cảnh tử thi nằm trên đường phố cả tuần tại Nam Mỹ không ai thu dọn. Tất cả đều là những cảnh tượng của thế kỷ XXI, những điều mà trước đó vài ba tuần không ai có thể hình dung được.
Đối phó với siêu vi vô hình Corona, người ta chi còn phương pháp cách ly xã hội để tránh lây lan. Khi chưa có thuốc chữa và vaccine chích ngừa thì đó là giải pháp độc nhất để tránh tử vong. Ban đầu thế giới nhìn biện pháp phong tỏa toàn thể tại Vũ Hán với sự kinh ngạc pha ngầm chút phê phán, cho đây là một phương pháp độc đoán khó áp dụng tại phương Tây. Thế rồi, khi đại dịch tràn đến Âu – Mỹ thì quả thực, không còn con đường nào khác ngoài việc cách ly con người, cô lập gia đình và xã hội. Thực tế đến nhanh hơn cơn lũ. Khi cả Trung Qụốc, Ấn Độ, Âu – Mỹ và các nước khác đóng kín mọi sinh hoạt, thì cả thế giới đi vào sự tê liệt. Cỗ máy kinh tế vốn vận hành trên bình diện toàn cầu từ mấy mươi năm nay thình lình câm bặt.
So với các cuộc khủng hoảng trước, sự khác biệt về kinh tế là, lần này hầu như tất cả mọi ngành kinh tế – cả sản xuất và dịch vụ, đều bị tê liệt, từ các công ty xí nghiệp đa quốc gia cho đến các cửa hàng bán lẻ, những tiệm ăn bé nhỏ, các loại kinh doanh tự do và cá thể. Tình trạng này xảy ra gần như một lúc trên toàn thế giới. Đó là điều mà không ai có thể tưởng tượng có thể xảy ra, kể cả trong một cuộc chiến quân sự trên mức độ toàn cầu. Ngày hôm nay, sau nhiều tuần tê liệt, một số nơi đã bắt đầu vận hành bộ máy sản xuất và dịch vụ, nhưng hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế là vô cùng to lớn. Rất nhiều cơ sở phá sản, cả trăm triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp và rơi vào bế tắc tài chánh. Rõ ràng nhất là, cấu trúc kinh tế của thế giới trong những năm qua sẽ bị thay đổi một cách triệt để.
Về mặt xã hội, hệ quả khó giải quyết nhất là vấn đề thất nghiệp. Tại các nước tiên tiến như châu Âu và Mỹ, Nhà nước đủ ngân sách để tung những gói cứu trợ khổng lồ nhằm giảm thiểu số người thất nghiệp và cân bằng phần nào thu nhập cho dân chúng. Tuy thế, chưa ai biết công nợ phát sinh sẽ lấy gì bù đắp, kể cả các nước “giàu” như Tây Ban Nha hay Ý. Trong các nước khác như Ấn Độ, Iran, Nam Mỹ hay châu Phi… ta có thể tưởng tượng ra một tình hình xã hội bi đát, trong đó con người vừa thiếu ăn, vừa không có công ăn việc làm, vừa bị phong tỏa trong nhà thiếu mọi điều kiện vệ sinh. Ta sẽ không ngạc nhiên nếu tới đây, các biến động xã hội sẽ phát sinh trong một số nước, xem như một hệ quả của cơn đại dịch.
Dù tại nước nghèo khổ hay giàu có, con người phải trải nghiệm một dạng mới của đời sống, đó là cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc, phải làm quen với một loại cô đơn bất đắc dĩ. Con người bỗng nhận ra rằng, liên lạc và tiếp xúc vốn là nhu cầu thiết yếu của loài người, nếu thiếu có thể sinh ra nhiều loại tâm bệnh. Người ta cũng ngỡngàng nhận ra, bị bắt buộc tập hợp với nhau trong bốn bức tường là một điều không hề dễ chịu cho mọi thành viên trong một gia đình. Sự hài hòa trong gia đình sẽ bị phá vỡ nếu không có sự hài hòa với xã hội, nếu không có sự tiếp xúc trao đổi với cộng đồng. Một nguyên lý sống được biết từ lâu nay, tự chứng minh trong một hoàn cảnh vô cùng bất ngờ của con người.
Không thể kể hết mọi xáo trộn xã hội trên thế giới. Mỗi người chỉ trải nghiệm được những gì xảy ra trong môi trường riêng của chính mình. Đó là những đảo lộn chưa hề xảy ra và chúng xảy ra cùng loạt, đồng thời trên toàn cầu. Điều đó nói lên quy mô kỳ lạ của biến cố này trong lịch sử.
Tất cả chúng ta đều biết, nạn dịch Corona ban đầu chỉ là một vấn đề y tế, nhưng ngay phút đầu tiên đã bị chính trị hóa cao độ. Nạn dịch bùng phát tại Vũ Hán, một trung tâm công nghiệp của Trung Quốc. Và ai cũng biết đối với Trung Quốc, “dập dịch” bằng bất cứ giá nào trở thành một nhiệm vụ chính trị của họ. Từ đó sinh ra tất cả luồng thông tin trái chiều về thành công hay thất bại đối với dịch bệnh, về các con số lây nhiễm và tử vong, về các thuyết âm mưu khác nhau. Ngày nay đã lộ rõ hai giải pháp có tính chính trị trong việc đối phó với Corona. Một bên là giám sát và tuyên truyền để “dập dịch”, bên kia dựa trên ý thức tự giác và kéo dài thời gian để đợi thuốc men. Hai giải pháp này phản ánh hai nền văn hóa, hai thể chế khác nhau và sẽ trở nên vô cùng thiết yếu về sau.
Đến khi đại dịch lan tràn toàn thế giới thì với sự suy sụp của các nền kinh tế chủ chốt như của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga…, người ta mới biết rằng, nạn dịch này là một vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ cho các cấu trúc và chế độ chính trị. Hơn thế nữa, sự suy yếu của các nền kinh tế, của sự bấn loạn nội bộ, của sự tê liệt các phương tiện tác chiến (thí dụ Hàng không mẫu hạm) có khả năng dẫn đến các phiêu lưu quân sự. Khi đó thì đại dịch y tế sẽ thành đại chiến quân sự và tình hình hiện nay nguy hiểm hơn bao giờ hết. Người ta đang nhìn về biển Đông với một sự quan ngại sâu xa.
Bên cạnh các xung đột địa chính trị, mỗi quốc gia đều chạm trán với những thử thách to lớn. Do sự suy thoái trầm trọng về các chỉ số kinh tế, mỗi quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu… đều phải đổi mới chính trị, về mặt cấu trúc, thể chế, chính sách vĩ mô. Người ta biết rõ nước Mỹ sẽ không như xưa nữa, nhưng cường quốc này sẽ đi về đâu, đây là điều có những suy luận trái chiều. Trung Quốc sẽ khó lòng giữ vai trò “công xưởng của thế giới” nữa, họ cũng sẽ không dễ dàng thâu tóm các hãng xưởng trên thế giới vì người ta đã biết nghi ngờ một siêu cường đầy tham vọng. Liên minh châu Âu liệu có còn giữ được hiến chương chính trị của mình hay không, sau những thử thách nặng nề về nạn di dân, về tái thiết, về công nợ? Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới WHO có còn giữ cấu trúc cũ hay không, trước sự tranh chấp quyết liệt của các thành viên?
Các quốc gia nhỏ bé hơn tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ La Tinh… liệu thể chế của họ có còn tồn tại hay không, khi con virus nhỏ bé đã lái cơn giận dữ của quần chúng chống lại các nhà cầm quyền. Thế giới hầu như sôi sùng sục với những âm mưu, thủ đoạn to nhỏ khác nhau…, lợi dụng cơn đại dịch này để làm lợi cho vị trí và quyền lợi riêng của đất nước, thể chế hay phe phái mình.
Hiện nay, tuyệt đối không ai có thể nói, bộ mặt của thế giới cuối năm 2020 sẽ như thế nào, về trật tự chính trị, về cấu trúc kinh tế, về đời sống xã hội. Tất cả những khía cạnh này hiện đang tác động hỗ tương lên nhau và cuối cùng, ảnh hưởng lên quyết định của lãnh đạo các siêu cường, những người có thẩm quyền sinh sát toàn nhân loại.
Khi đời sống đảo lộn, sinh hoạt tê liệt, nỗi sợ dâng cao, có không ít người động tâm nhìn lại toàn cảnh xã hội, thẩm xét lại nền văn minh trong thế giới của mình và phát hiện nhiều điều vô cùng cốt lõi.
Moustapha Dahleb, một nhà văn xứ Chad ở châu Phi, bỗng nhiên được nhiều người biết đến. Tác giả viết một bài cảm thán với tiêu đề: “Loài người rúng động, xã hội suy sụp vì thứ xoàng xĩnh nhỏ nhoi”(2), trong đó nói lên tính “dễ tổn thương” của con người. Với một lối văn nhẹ nhàng hóm hỉnh, tác giả nêu đúng mạch: “Chỉ cần vài ngày để nhân loại ý thức được rằng mình chỉ là làn hơi và hạt bụi”.
Vô hình vô ảnh, virus Corona xóa nhòa mọi ranh giới giàu nghèo, châu lục. Thế nhưng nó cũng làm rõ sự khác biệt về những định kiến sâu kín. Giáo sư Paul Robert Vogt, người Thụy Sĩ, có bài viết trên một tờ báo ít người biết(3), nhưng được cả thế giới chú ý. Chỉ trong hai ngày đã có 350.000 lượt người tham khảo bài viết này. Khác với các nguồn tin đại chúng, ông xác định nạn dịch Corona đã được báo trước từ rất sớm, nhưng châu Âu và Mỹ “quá tự mãn” với nền y tế của mình. Họ có một tinh thần “thượng tôn” đã ăn sâu trong tâm khảm, khi tự so sánh với châu Á hay châu Phi. Theo Vogt, Âu – Mỹ ngày nay lãnh đủ mọi hậu quả của lòng cao ngạo đó. Hubert Védrine, cựu ngoại trưởng Pháp, cho rằng(4)châu Âu “ngây thơ” vì “vốn vẫn còn tự coi mình như là lực lượng tiên phong của nền văn minh nhân loại”.
Trong đại dịch Corona, một vấn đề thuộc về tâm thức văn hóa của phương Tầy cũng lộ rõ. Đó là một nền văn hóa xuất phát từ tâm thức cá nhân. Ngược lại, người châu Á, với Nhật và Hàn Quốc, luôn tiềm tàng trong tâm một tâm thức cộng đồng. Hai loại tâm thức này vốn nằm ẩn kín trong tâm lý con người nhưng chi phối mọi hoạt động xã hội. Ở đây ta sẽ không bàn loại tâm thức nào ưu việt hơn. Nhưng, khi đại dịch tràn tới, đòi hỏi con người phải đối phó trên phương diện cộng đồng thì con người phương Tây bỗng tỉnh ngộ về sự thiên lệch của mình.
Đó là một trong những lý do tại sao các chính phủ châu Âu trong giai đoạn đầu ngại đưa ra những biện pháp quyết liệt, dù là một chuyện nhỏ như mang khẩu trang. Sự lo ngại về “tính bầy đàn” làm cho con người phương Tây mất lòng tương trợ và tâm liên kết. Khi xã hội tê liệt, con người bỗng bừng tỉnh. Người ta nhận ra rằng, thì ra những con người tầm thường, thậm chí nhỏ bé trong xã hội, như anh lái xe tải, chị thu ngân, chị điều dưỡng, anh y tá… là những thành viên không thể thiếu khi tất cả đều thúc thủ. Người ta ngộ ra, mình cần biết bao người hàng xóm, mối liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa người dân và thể chế. Trước sự động tâm sâu xa đó, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Đức Georg Bätzing đã nói: ‘Trận đại dịch này là cơ may của lịch sử… Hy vọng trận dịch này dạy cho chúng ta rằng, tất cả mọi người đều rất phụ thuộc lẫn nhau” (5).
Mối liên hệ giữa cá thể và tập thể vốn là một chủ đề triết học quan trọng bậc nhất của xã hội loài người. Bài học trên đã được đại dịch chỉ rõ. Một mối liên hệ khác, giữa con người và thiên nhiên, cũng được phát hiện một cách hào hứng. Người ta chuyền cho nhau xem những bức không ảnh của Hy Mã Lạp Sơn, của Vũ Hán, của Venice… để thấy thiên nhiên hồi phục thế nào chỉ sau vài tuần không bị ô nhiễm do con người gây ra. Dù nan đề này đã được báo động từ chục năm nay, nhưng đại dịch Corona đã lay động ta phải tới với một nhận thức dứt khoát về sinh thái, chúng ta đang ngồi chung trên một chiếc thuyền và mọi người đang phá hủy chiếc thuyền đó vì những chỉ số kinh tế, vì phát triển vật chất, vì quyền lợi riêng tư.
Trong những ngày cách ly lặng lẽ, người ta có cơ hội chiêm nghiệm về những điều sâu kín thường bị sinh hoạt hàng ngày che lấp. Bên cạnh thảm họa mà con người phải chịu đựng, đại dịch dường như là tiếng sét vang rền đánh thức con người ra khỏi cơn mê ngủ, nhận thức nhiều điều cao quý đã quên trong tâm khảm. Nhưng hơn thế nữa, đại dịch Corona còn mang một thông điệp sâu xa hơn.
Sự vật luôn luôn biến dịch, điều đó là nguyên lý cơ bản nhất trong vũ trụ. Từ Đông sang Tây, vĩ nhân mọi thời đại đã ghi nhận điều đó, đặt nó thành tiền đề cho nhận thức luận của mọi nền triết học. Tính chất biến dịch của sự vật được Phật giáo gọi là “Vô thường” và đó là một trong ba nền tảng của giáo lý mà ta gọi là ‘Tam Pháp ấn” (Vô thường, Vô ngã, Khổ).
Nguyên lý Vô thường là cơ bản vì mọi sự vật trên thế gian, từ nhỏ đến lớn, đều tuân thủ quy luật này. Nhỏ như đóa hoa tàn sau vài ba ngày, lớn như một triều đại sụp đổ sau trăm ngàn năm, tất cả chỉ nói lên một điều: Đó là tình trạng ổn định mà ta đang thấy trong mọi sự chẳng qua là một sự thăng bằng tạm thời, nó sẽ biến đổi và hủy diệt sau một thời gian.
Nạn dịch và cảnh tang tóc hiện nay trên thế giới lay động chúng ta mãnh liệt. Chưa bao giờ có một biến cố làm con người chứng kiến luật Vô thường tác động sâu rộng và toàn thể như lần này. Trong vòng vài tuần, sức khỏe hàng triệu người bị đe dọa, mạng sống hàng trăm ngàn người bị tước bỏ. Hàng chục, hàng trăm triệu người mất công ăn việc làm. Cơ sở kinh doanh, hàng triệu công ty phá sản chỉ sau một đêm. Gia đình, học đường và tương quan xã hội tưởng như thành tố bền vững của xã hội, chỉ cần một sắc lệnh của Nhà nước là bị xáo trộn và gián đoạn. Trật tự kinh tế mà chúng ta gọi là toàn cầu hóa, tưởng như là công thức bất di bất dịch, bị đặt lại vấn đề như trở bàn tay. Và cuối cùng, nhưng là quan trọng nhất, trật tự chính trị thế giới đang đi vào một giai đoạn bất định nguy hiểm, các siêu cường lên án lẫn nhau, chỉ cần một ngòi nổ là xảy ra chiến tranh.
Không nhiều thì ít, mỗi người đều được đánh thức, đều cảm nhận một điều gì đó, theo cách của mình. Moustapha Dahleb nói, chúng ta chỉ là “làn hơi và hạt bụi”, người theo đạo Phật thì nói: “bệnh là khổ, già chết là khổ”.
Hiểu thấu luật Vô thường mà dạng cụ thể nhất của nó là bệnh tật và chết chóc, thực ra là sự chấn động lớn nhất trong đời. Tất cả chúng ta đều biết, Thái tử Tất-đạt-đa đã từng ra bốn cửa thành và ba lần trong đó Ngài đã chứng kiến cảnh già, cảnh bệnh, cảnh chết. Những cảnh khổ đó làm Ngài động tâm và quyết chí xuất gia. Ngài đi tìm phương cách giải thoát khỏi cái khổ do Vô thường gây ra. Cuối đời, lời dạy tối hậu của Ngài trước khi nhập Niết-bàn là: “Các hành là vô thường, các vị hãy tinh tấn” – theo kinh Đại bát Niết-bàn.
rong vô số cảnh khổ do dịch Corona gây nên, ta chú ý một điều đáng xúc động: Đa số ca tử vong nằm ở người già. Họ nhiễm một thứ bệnh lây truyền khủng khiếp và do đó, khi ra đi người thân không thể tiễn đưa – trên giường bệnh, nơi thiêu xác hay ngoài nghĩa trang. Thậm chí thi hài của họ không ai dám thu dọn nếu không có áo quần bảo hộ. Sự tụ hội bi thảm của cái già, cái bệnh và cái chết này làm ta chấn động.
Ngày xưa Phật cần ba lần ra khỏi cửa thành để chứng kiến ba cảnh già, bệnh và chết. Ngày nay, đệ tử của Phật, nếu biết nhìn, sẽ chứng kiến ba cảnh khổ đó chỉ trong một ca tử vong.
“Các hành là vô thường” – được ghi lại trong một bài kinh bằng ngôn ngữ. Cho những ai biết quan sát thì một cánh hoa héo tàn cũng nói lên tính vô thường của vạn sự, cánh hoa cũng là một bài kinh, bài kinh không chữ, bài kinh vô tự. Bài kinh vô tự trực tiếp hơn, nó không cần ngôn ngữ, không cần suy luận.
Một bài kinh có thể không có ảnh hưởng gì cả cho người đọc, nhưng cũng có thể mang lại một chứng nghiệm tích cực, dẫn đến những hành động đúng đắn. Trong cơn khủng hoảng cao độ, lác đác đã có những quan sát và nhận thức, cho rằng có thể sau cơn đạì dịch này, thế giới sẽ tốt đẹp hơn.
Rõ ràng là bên cạnh những đau thương mất mát, đại dịch Corona mang lại cho ta một thông điệp lớn, một thông điệp không lời về tính chất Vô thường của vạn sự. Phải chăng Corona là một bài kinh vô tự vĩ đại?
CHLB Đức, 29-4-2020
Chú thích
(1) Theo tổng hợp chính thức từ Reuters và CNN, tính đến 6giờ30 ngày 29-4-2020.
(2) Tìm thấy trên Internet, dịch giả Ngô Thị Phương Thiện.
(3) COVID-19 – eine Zwischenbilanz oder eine Analyse der Moral, der medizinischen Fakten, sowie der aktuellen und zukünftigen politischen Entscheidungen; “Mittelländischen Zeitung ” ngày 08-4-2020.
(4) Trả lời phỏng vấn trên Figaro, ngày 22-3-2020.
(5) Phát biểu nhân lễ Phục sinh, ngày 13-4-2020.

1 nhận xét:

  1. Đại dịch bệnh covid 19 đã làm thay đổi cả thế giới và thiệt hại của nó là khôn lường

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...