Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Nội chiến nước Mỹ và bài học hành xử văn minh của các nhà lãnh đạo

May 22,2020
Tháng 4 là mốc thời gian đáng lưu ý của lịch sử Hoa Kỳ. Cuộc nội chiến Nam – Bắc Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 12/4/1861. Bốn năm sau, ngày 9/4/1865, tướng Lee của miền Nam đầu hàng tướng Grant của miền Bắc, đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng, nhưng đáng chú ý hơn cả là hành xử của lãnh đạo hai miền, để lại bài học hòa hợp dân tộc cho cả quốc gia. 

Cách đây 150 năm, Tướng Robert E Lee của quân đội miền Nam đầu hàng Tướng Ulysses Grant của quân đội miền Bắc, đánh dấu kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ,
Sở dĩ gọi là chiến tranh Nam Bắc là vì cuộc chiến diễn ra giữa hai phe: Phe miền Bắc (còn gọi là pheiên bang) đứng đầu là Tổng thống Lincoln chủ trương xóa bỏ buôn bán nô lệ người da đen và phe miền Nam chống lại chủ trương này. Tuy tướng Lee đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất khá nặng cho đội quân của tướng Grant, nhưng quân miền Bắc được sự hỗ trợ to lớn từ ngân sách liên bang và chiêu mộ được thêm nhiều quân số từ những người nô lệ da đen vừa được giải phóng nên cuối cùng quân miền Nam của tướng Lee phải chấp nhận thua trận.

Cuộc chiến tranh Nam – Bắc Hoa Kỳ
Nội chiến xảy ra trong hai nhiệm kỳ của Tổng Thống Lincoln từ năm 1861 đến 1865 với hai vị tướng chỉ huy sau cùng là Tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc và Tướng Robert E. Lee của miền Nam. Tuy miền Nam với các tiểu bang ly khai bầu ra một Tổng Thống Jefferson Davis nhưng nhân vật anh hùng miền Nam chính là Tướng Lee. Ông Robert Lee nguyên là tướng lãnh của quân đội liên bang Hoa Kỳ nhưng gốc người miền Nam. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trường West Point. 

Tháng 4/1861 khởi chiến Nam Bắc, Tướng Lee được đề nghị chỉ huy quân đội miền Bắc nhưng ông không nhận và xin từ nhiệm để về đầu quân miền Nam tại Richmond, tiểu bang Virginia. Ông nói là không thể quay lưng với nơi ông đã sinh ra và trưởng thành. Trong chiến tranh, ông lập được nhiều chiến công và là vị tư lệnh sau cùng của miền Nam nhưng sau khi thủ đô Richmond của miền Nam bị thất thủ, ông đã quyết định đầu hàng. 
Cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu làm tổn hại hàng triệu sinh linh Hoa Kỳ, tan nát các đô thị miền Ðông và vùng Virginia. Tất cả đã thể hiện trong tác phẩm và cuốn phim bất hủ “Cuốn Theo Chiều Gió” mà chúng ta đã đọc cũng như coi nhiều lần suốt thời niên thiếu. Ngay cho đến bây giờ, tác phẩm này vẫn còn là tài liệu được đem dạy ở trường học với sự say mê và hãnh diện của nhiều thế hệ Hoa Kỳ.

Bài học bắt đầu từ việc đầu hàng
Nói về câu chuyện đầu hàng. Sau chiến tranh, nước Mỹ sưu tầm và dựng lên khắp miền Ðông hàng trăm viện bảo tàng. Mỗi tiểu bang ít nhất là một viện bảo tàng. Mỗi trận đánh trên chiến trường xưa cũ với các di tích đều có một viện bảo tàng. Bằng hội họa, nhiếp ảnh, dữ kiện, thêm vào âm thanh ánh sáng, người ta dựng lại lịch sử các cuộc thương thuyết, các cuộc điều binh và các trận chiến ác liệt.
Quân đội hai bên Nam Bắc, quân phục màu xanh, quân phục màu xám, các tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ và dân chúng. Những cái chết đau thương và anh hùng của cả hai bên, những mối tình bất hủ, tràn đầy hình ảnh em hậu phương, còn anh nơi tiền tuyến. Không phải hàng trăm mà có đến hàng nghìn tác phẩm điện ảnh về chiến tranh Nam Bắc. Cả những phim vĩ đại mới ra đời trong vài năm gần đây vẫn còn hình ảnh của cuộc nội chiến ngày xưa. Nhưng có điều lạ là người ta không ca ngợi người chiến thắng là những anh hùng thần thánh để miệt thị người chiến bại miền Nam như những kẻ phản quốc, mà chính những người miền Nam lại ngẩng cao đầu. 
Sự thật là vậy, trong hàng trăm bảo tàng viện về Civil War của Hoa Kỳ, thì viện bảo tàng Appomattox Court House ở Virginia là nơi nổi tiếng nhất, vì dựng lên ngay tại một ngôi nhà mà Tướng Lee đã đến ký văn bản đầu hàng năm 1865. Tại đây, câu chuyện về vị tướng phe bại trận miền Nam lại được viết ra, thậm chí hình ảnh của ông lại được chiêm ngưỡng nhiều hơn cả phe thắng trận.
Lịch sử ghi lại, sáng ngày 9/4/1865, thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị nên chia nhỏ quân của mình ra và tiến hành đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng, ông nói: “Nếu cứ tiếp tục chiến tranh gây bao chết chóc thì tội của tôi đáng chết gấp ngàn lần”. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua bao nhiêu chiến thắng, nhưng sau cùng vì quân số và tiếp vận bị giới hạn nên đành bất lực chấp nhận thua cuộc. Với lá thư riêng, ông gửi cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Tướng Grant nhận được thư hết sức vui mừng và nhắn lại, đề nghị tướng Lee có thể chọn địa điểm thương thuyết mà ông muốn. Cuối cùng, căn nhà của một người buôn bán tên là Wilmer Mc. Lean tại làng Appomattox đã được chọn (ngày nay ngôi nhà này trở thành di tích lịch sử quốc gia, và được gọi là Appomattox Court House). Đồng thời, vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận.
Trưa ngày lịch sử 9/4/1865, hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về những kỷ niệm quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mexico (cả hai vị tư lệnh đã biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ). Họ đã nhắc lại một thời bên nhau trong quá khứ, câu chuyện lâu đến nỗi tướng Lee sốt ruột, chủ động đề cập đến “mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng”. Tướng Grant bèn lấy cây bút chì và tờ giấy viết vội những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó có những nội dung nói về binh lính miền Nam:
Những binh lính miền Nam sẽ không bị coi là quân đội phản quốc (treason) 
Những binh lính miền Nam sẽ không bị đi tù (imprisonment)
Chính phủ không được đụng tới hoặc làm họ phiền hà nếu họ chấp hành tốt luật lệ nơi cư ngụ.
Kỵ binh được quyền mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình họ cày cấy vào mùa xuân. 
Binh lính được quyền giữ lại khí giới cá nhân để giúp họ bảo vệ gia đình (nên nhớ là trong hiến pháp Mỹ, mọi người dân được quyền mang khí giới để tự vệ).
Sau khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee nói: “Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta”. Tướng Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp lại rằng, ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000 phần lương thực khô. Ông cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy phóng thích binh lính miền Nam. 
Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee đồng ý, nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc. Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản, nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.
Hành xử văn minh của những người quân tử
Ngày 12/4/1865, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng Appomattox để giao nộp vũ khí. Tướng Joshua L.Chamberlain của miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ qui hàng. Trước hàng quân miền Bắc nghiêm chỉnh, ông nhìn những binh sĩ miền Nam bại trận đi vào làng với cảm xúc dâng trào. Sau này ông viết lại: “Giây phút đó làm tôi thực sự xúc động. Tôi quyết định đánh dấu sự kiện này bằng một hành động, không gì khác hơn là giơ tay chào kiểu nhà binh. Tôi biết có người sẽ chỉ trích tôi về cử chỉ này. Tôi đã không xin phép và cũng không yêu cầu sự tha thứ về hành động này. Đối diện với chúng tôi là những chiến binh, bại trận nhưng can trường, là biểu tượng cho tinh thần trượng phu, không rã rời, không đau khổ, bất chấp hy sinh và không có gì khuất phục được họ. Giờ đây, họ là những người ốm yếu và đói khát, nhưng họ hiên ngang nhìn thẳng vào chúng tôi, làm sống dậy những ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn bao giờ hết. Không có lý do gì để những đấng nam nhi ấy không được hội nhập vào Hợp Chủng Quốc vững vàng của chúng ta”.
Sau đó tất cả hàng ngũ quân miền Bắc thắng trận từ đơn vị này đến đơn vị khác đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh. Vị tướng dẫn đầu đoàn quân miền Nam đầu cúi xuống trong buồn bã, chợt nhận ra và ngồi thẳng lại trên lưng ngựa, giơ tay chào đáp lễ. Ông ra lệnh cho các đơn vị theo sau tuân theo nghi lễ quân sự khi đi ngang qua đoàn quân miền Bắc. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm … Một sự im lặng đến nghẹt thở. Từ sáng sớm đến chiều tối, những người lính miền Nam đều giơ tay chào khi đi ngang qua hàng quân miền Bắc cũng đang giơ tay chào. Họ giao nộp vũ khí, những lá cờ trận rách tơi tả của miền Nam và trở về quê. Gần 100.000 quân miền Nam đã qui hàng ở làng Appomattox. Vài ngày sau tất cả rời khỏi nơi này, ngôi làng trở lại cuộc sống bình thường.
 Khi tướng Lee ra về thì tướng Grant và mọi tướng lãnh khác đều đứng nghiêm trang chào. Một điều đáng nói nữa là sau khi chiến thắng, các binh sĩ miền Bắc muốn “ăn mừng chiến thắng”, tướng Grant đã ra lệnh cho mọi người không được ăn mừng (no celebration), ông nói: “Họ bây giờ đã là người dân của mình”. Chính nhờ lời nhắc nhở ấy mà 20 vạn binh miền Nam đã được an lành trở về với gia đình trong sự tôn trọng của những người chiến thắng.
Còn Robert E. Lee, dù đầu hàng nhưng vẫn “ngẩng cao đầu” và không một ai ở phía thắng trận khi nhắc tới ông không tràn đầy thán phục và sự ngưỡng mộ về nhân cách lớn lao trong thất bại của Lee. Ông Ron Wilson, sử gia của Appomattox Court House nói: “Tướng Grant và tướng Lee có một tầm nhìn rất xa. Hai ông nhận thức rằng những nỗ lực hai bên cùng dồn vào cho cuộc chiến đã gây ra sự phân hóa khắc nghiệt trong bao năm qua, giờ đây cần phải được dùng để tái thiết quốc gia. Không cần phải có hận thù”. Tướng Lee và tướng Grant đã đi vào lịch sử như những huyền thoại.
Bài học nghĩa trang và mộ phần của các tử sĩ phe chiến bại tại Hoa Kỳ.
Sau cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam có hàng nghìn nghĩa trang lớn nhỏ chôn cất tử sĩ của phe bại trận và trên đó luôn luôn có lá cờ gạch chéo đã một thời tung hoành trên chiến trường.
Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.
Nghĩa trang bên nào bên đó tự lo lấy, xấu đẹp tùy sức. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay tại nghĩa trang quốc gia của phe miền Bắc ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn có một khu chôn cất tử sĩ miền Nam với tượng đài gọi là Confederate Memorial. Nơi đó thường dạy chúng ta bài học làm người văn minh.
Vết thương nào rồi cũng phải được hàn gắn. Nước Mỹ đã có những bước ngoạn mục đầy màu sắc văn minh ngay từ khi chiến tranh chấm dứt, họ chấp nhận và tôn trọng người bại trận như những anh hùng. Trong chiến tranh và hậu chiến luôn luôn cần có các nhà lãnh đạo, các tướng lãnh quân tử. Và nhà lãnh đạo phải biết xưng tụng các bậc anh hùng trong hàng ngũ kẻ thù, biết nâng người xuống ngựa và biết tôn trọng các tử sĩ của hàng ngũ đối nghịch, chớ không phải phá tan nghĩa trang và đào mồ cuốc mã của người ta như những kẻ tiểu nhân bỉ ổi ở những nước lạc hậu.
Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh trong cuộc nội chiến 1861-1865.(Ảnh của Hoa Xương rồng )

Việt Anh (t/h)

1 nhận xét:

  1. Bài học nội chiến của nước Mỹ vẫn còn đó; nước Mỹ hiện nay cần phải rút kinh nghiệm và không để tình trạng phân biệt chủng tộc xảy ra

    Trả lờiXóa

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...