Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

16 nước cuối cùng Covid-19 chưa lan tới

7 trong số 10 nơi ít khách quốc tế đến nhất thế giới đều chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm nCoV.

Ngày 12/1, chưa đầy ba tháng trước, nCoV lan khắp Trung Quốc, không có một ca lây nhiễm nào được tìm thấy ngoài quốc gia này. Chỉ một ngày sau, nó đã trở thành vấn đề toàn cầu và hiện tại đã có hơn 1,2 triệu người bệnh trên toàn thế giới. Đến 7/4, còn 16 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.  
16 quốc gia Covid-19 chưa xuất hiện gồm: Comoros; Kiribati; Lesicia; Đảo Marshall; Micronesia; Nauru; Triều Tiên; Palau; Samoa; Quần đảo Solomon; Tajikistan; Tonga; Turkmenistan; Tuvalu; Vanuatu và Yemen. Các chuyên gia cho rằng có khả năng một số quốc gia chưa báo cáo về các trường hợp lây nhiễm như Triều Tiên, hay Yemen - nơi bị chiến tranh tàn phá. 
Tuy nhiên, những quốc gia virus chưa lan tới hầu hết là những hòn đảo nhỏ ít khách du lịch. Thực tế, 7 trong số 10 nơi ít khách quốc tế đến nhất thế giới đều không có Covid-19, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Tức là, trong thời đại hàng loạt nước áp lệnh cách ly xã hội hay phong tỏa, những quốc đảo này vốn tự cách ly với cả thế giới từ đầu.   
Dù vậy, chính phủ của một trong những hòn đảo này không hề tự đắc, mà còn ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tọa lạc giữa Thái Bình Dương, Nauru cách nơi gần nhất là đảo Banaba của Kiribati 320 km. Thành phố lớn gần nhất và có đường bay thẳng đến Nauru là Brisbane (Australia), hơn 4.000 km về phía tây nam. 
Nauru là một trong những nơi ít được ghé thăm nhất trên trái đất - chỉ có 160 khách du lịch mỗi năm, theo đơn vị lữ hành địa phương. Ảnh: Remi Chauvin/The Guardian.
Người ta có thể nghĩ một nơi xa xôi như vậy không cần tự tách biệt hơn nữa. Nhưng một đảo quốc chỉ có một bệnh viện, không có máy thở và thiếu y tá như Nauru, không thể chủ quan.
Ngày 2/3, chính phủ Nauru cấm khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy. Năm ngày sau, danh sách có thêm Iran. Giữa tháng 3, hãng hàng không Nauru tạm dừng mọi chuyến bay đến Fiji, Kiribati và Quần đảo Marshall, và đường bay khác duy nhất của hãng đến Brisbane giảm từ ba chuyến một tuần xuống còn hai tuần một chuyến.
Tất cả những người đến từ Australia (chủ yếu là công dân về nước) hay người xin tị nạn phải cách ly ít nhất 14 ngày tại các khách sạn địa phương. Những người đi cách ly được kiểm tra sức khỏe mỗi ngày. Nếu có triệu chứng sốt, bất kỳ ai bị nghi nhiễm được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và gửi mẫu đến Australia. May mắn, mọi kết quả đều âm tính với nCoV.  
Theo Tổng thống Nauru Lionel Aingimea, chính sách này được gọi là "bắt giữ và ngăn chặn". "Chúng tôi đang giữ mọi thứ ngoài đường biên giới. Chúng tôi đang sử dụng sân bay làm biên giới và các cơ sở vận chuyển như một phần của biên giới", ông Aingimea nói.
Dù sống trong cuộc đại khủng hoảng toàn cầu, người Nauru bình thường vẫn "bình tĩnh và cập nhật thông tin", theo tổng thống Aingimea. Trong khi nỗ lực bảo vệ Nauru khỏi dịch bệnh, vị tổng thống này biết phần còn lại của thế giới không may mắn như vậy: "Mỗi lần chúng tôi nhìn vào bản đồ, dường như bệnh sởi đang bùng phát toàn thế giới - với những chấm đỏ khắp nơi".
Giới chức địa phương lo ngại nếu dịch bệnh bùng phát ở Nauru, những người nghèo sẽ không thể vượt qua. Ảnh: Financial Times.
Nauru không phải quốc gia Thái Bình Dương duy nhất ban bố tình trạng khẩn cấp, Kiribati, Vanuatu và nhiều nước khác đều có động thái tương tự, đồng thời tạm ngừng mọi đường bay quốc tế, đóng cửa trường học, dừng hoạt động các phương tiện công cộng... Thậm chí, Samoa và Tonga phong toả toàn quốc từ cuối tháng 3.
Tiến sĩ Colin Tukuitonga, cựu ủy viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định: "Chính sự cô lập của các quần thể dân cư nhỏ giữa một đại dương lớn - vốn luôn là vấn đề với họ - đã trở thành một lớp bảo vệ".
Andy Tatem, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Southampton (Anh), cho rằng các hòn đảo xa xôi của Nam Thái Bình Dương sẽ là những nơi cuối cùng Covid-19 lan tới. "Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu của chúng ta, tôi không dám chắc có bất kỳ nơi nào sẽ thoát khỏi căn bệnh truyền nhiễm này", ông Tatem nói.   
Giáo sư này đánh giá lệnh phong tỏa toàn quốc có thể hữu hiệu, nhưng không thể có hiệu lực mãi mãi. "Hầu hết các quốc gia này phải dựa vào một số nguồn nhập khẩu, dù là thực phẩm hay hàng hóa hay khách du lịch - hoặc phải xuất khẩu hàng hóa của chính họ. Có thể họ phong tỏa hoàn toàn, nhưng sẽ gánh chịu thiệt hại - để rồi cuối cùng, họ phải mở cửa trở lại", ông Tatem lý giải.
Bảo Ngọc (Theo BBC)

1 nhận xét:

  1. Các quốc gia chưa có ca bệnh sadcovi 2 nào cũng cần cẩn trọng; bởi dịch bệnh có thể bùng phát bất kể lúc nào

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...