Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

TRÊN ĐỈNH SẦU - Thơ MP.Trường Giang Thủy


TRÊN ĐỈNH SẦU
 
Em đứng trên đỉnh sầu,
Tay ôm hoài nỗi nhớ,
Xưa chuyện mình dang dỡ,
Nên vẫn chờ mùa ngâu!
Chiều tháng bảy mưa lâu,
Anh không về ...thu chết!
Chuyện tình mình quên hết,
Nên đâu biết em sầu!
Từ vỡ mộng ban đầu,
Tình anh như quán trọ,
Tóc em dài bỏ xõa,
Giấu che hoài buồn đau!
Đoá hoa tím úa màu,
Trên tay em lạ lẫm,
Nhớ một thời tươi thắm,
Bàn tay ấm anh trao
Những ngày cũ bên nhau,
Lời yêu chưa dám nói...
Bao thu xa vời vợi,
Anh quên mất tình đầu!
Hoa tím đã bạc màu,
Thu vẫn mãi mưa ngâu,
Lá vàng rơi muôn hướng,
Em trên đỉnh tình sầu!
 
MP.Trường Giang Thủy


 Mời Xem :

MƯA DẦM, TÓC NGẮN - Thơ MP.Trường Giang Thủy

Trích "CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN -Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Các truyện dài khoảng ba, bốn trang được kể là truyện ngắn Chẳng hạn: “Bức Thư Gửi Cho Thượng Ðế” (A Letter To God) của nhà văn Mễ Tây Cơ Gregorio Lopez Y Fuentes đăng trong ‘Great Short Story of The World’ – 1974.

Truyện kể về anh nông dân Lencho, quá nghèo, năm nọ bị nạn hạn hán, gia đình sắp chết đói, viết thư gởi lên Thượng Ðế xin được cứu giúp. Một nhân viên bưu điện thấy thơ, xúc động bàn với các đồng sự cứu giúp bằng cách cùng nhau góp tiền. Ác thay họ chỉ góp được có bảy chục pesos thay vì một trăm như Lencho xin. Nhận được tiền, Lencho tức giận viết thêm một bức thơ nữa: ‘Thưa Thượng Ðế, về chuyện tiền con xin Ngài giúp đỡ, con chỉ nhận được có bảy chục pesos. Xin Ngài gửi đến con số còn lại, con rất cần. Xin Ngài chớ gởi qua đường bưu điện vì nhân viên bưu điện là một bọn ăn chận.

Truyện chấm dứt ở đó. Tác giả bỏ lửng làm cho truyện mở ra nhiều chiều hướng… mà ta vẫn không hiểu được chính ý của tác giả. Vậy thì viết ngắn, bỏ lửng, không nói hết cũng có cái lợi của nó! Cái lợi ở chỗ gợi lên những gì tác giả khỏi mất công đi sâu.

 Trích (Vài suy nghĩ về truyện ngắn – Nguyễn Văn Sâm)

BÃO IAN - Thơ Duy Anh Và 4 Bài Họa Của Các Thi Hửu


IAN! ĐỪNG ĐẾN.
IAN đang gõ cữa Flo ri da
Mắt quỷ trừng trừng tiến lại ta
Lo đặt ván thông, ngăn vỡ kiếng
Chất chồng bao cát, chắn tràn nhà
Thức ăn, nước uống chờ di tản
Xăng nhớt, tiền xài đợi chạy xa
Thượng Đế xin Ngài ơn cứu giúp
Thương tình chỉ thị bão dang ra!

DUY ANH
Orlando Florida
09/28/2022


 HỌA 1 :GỞI BẠN THƠ DUY ANH

Bão Ian sắp sửa đến rồi đa !
Ông bạn Duy Anh lo lắm ra
Bao cát chất đầy ngăn chận nước 
Ván thông đóng chặt kẻo lay nhà
Đồ ăn thức uống cần lo đủ
Vật dụng ,tiền tiêu hãy tính xa
Van vái Phật trời mong cứu độ
Tai qua nạn khỏi giúp dân ta 
Songquang 
20220928
 
 
Kính Hoạ Vận  2 : “HURRICANE IAN”

Tornado dữ dội “ri đa”...? (1) 
Hình nón trụ cao hiểm hoạ ta
Chống đỡ ván thông che chắn kính 
Ngăn ngừa bao cát đắp ngăn nhà
Sẵn sàng lương thực nên lo chạy 
Chuẩn bị đồ dùng để tránh xa 
Bồ Tát Quan Âm xin phổ độ 
Ơn trời Phật pháp bão tan ra !
MAI XUÂN THANH 
    Sept 29, 2022
 
(1) Tornado : cơn trót gió lốc xoáy mạnh dữ tợn đỗ bộ vào Florida 

 
HỌA 3  :  THUỶ NẠN .
 
Phải người buồn bão Florida
Sắp tới sau lưng, sát trước nhà
Có biết NORU đang phá núi
Lùa bay DANANG mở toang nhà 
Miền Trung đã gặp thiên tai cũ
Mỹ Quốc giờ mong thuỷ nạn xa
Thượng Đế thử thôi, xem thiện ác
Ngài thương nhân thế, đuổi ma ra ...
     Utah  28 - 9 - 2022
        CAO MỴ NHÂN 
 


 HỌA  4 : IAN ! EM HÃY XA ANH

Em đừng tới gặp...chán rồi đa!
Nét mặt hầm hầm đã giận ta
Anh bận lo toan tìm trú ẩn
Ở đây không khá phải ôm nhà
Kiếm tìm bè bạn bằng lòng chứa
Kêu réo bà con, chịu chốn  xa
Trời hỡi ! Thương giùm mà cứu vớt
Khiến cho bão tố tránh lui ra...
Paris, 30/9/2022
TRỊNH CƠ
 
 
Xin chia sẽ 1 video trên youtube về sự tàn phá khủng khiếp của bão Ian

 
 
Bão dữ đã đi qua, Orlando thì O.K. dù trên đường đi của tâm bão nhưng Fort Meyers thiệt hại nặng cả về tài sản và sinh mạng( còn chờ xác minh). Xin chia sẻ bài thơ sau khi thoát hiểm:  
 
IAN, XÉO ĐI!
 
IAN, mụ quỷ mắt thồi lồi
Gõ cửa Fort Meyers, khiếp đảm ...ôi!
Chớ có lên cơn làm quá đáng
Mà nên hạ hỏa dọa suông thôi
Sao hờn thổi lắm căn nhà nát
Lại giận cào bao sản nghiệp trôi?
Khách chẳng ai mời, trơ mặt tới
Thôi thì bà hãy xéo giùm tôi!

DUY ANH
Orlando, Fl. 09/29/2022
 

CON QUỸ “IAN” HÃY XÉO ĐI...!

Bão nổi “IAN” quỹ mắt lồi 
Tơi bời Fort Myers  thương ôi !
Lên cơn trót dữ hư hao quá
Hạ hoả giông suông hại ít thôi 
Tàn phá nhà dân khung cửa nát
Tan hoang sản nghiệp hảng tàu trôi 
Chớ mời khách gió gây nguy hiểm 
Hãy xéo “IAN” khỏi chỗ tôi...!

MAI XUÂN THANH 
     Sept 29, 2022

 

Khám phá lịch sử radio và công nghệ phát thanh

Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ hiện nay mang lại cho chúng ta nhiều loại hình giải trí dù bạn ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Chúng có thể nghe nhạc bằng iPod, xem phim trực tuyến trên máy tính bảng hay chơi game trên điện thoại. Thế nhưng, có một loại hình giải trí với lịch sử phát triển lâu đời mà cho đến ngày nay, nó vẫn tồn tại như một món ăn tinh thần của rất nhiều người trên thế giới. Đó chính là chiêc máy radio.

Máy radio (máy thu thanh, máy nghe đài, máy ra-đi-ô) là một vật dụng rất quen thuộc đối với người Việt chúng ta, từ những đứa bé với chương trình "chúc bé ngủ ngon", đến người lớn với các chương trình thời sự hay "đọc truyện đêm khuya." Radio cũng là một công cụ phục vụ cho công việc, chẳng hạn như cánh tài xế với kênh "radio giao thông".

Sóng radio và máy radio

Sóng radio hay sóng vô tuyến là một dạng bức xạ điện từ có phổ dài hơn ánh sáng hồng ngoại, tần số từ 3 kHz đến 300 GHz. Sóng vô tuyến truyền với vận tốc vận tốc ánh sáng và trong tự nhiên, nó xuất hiện từ hiện tượng sấm sét.

Từ radio còn dùng để chỉ máy thu thanh (máy radio) - một thiết bị điện tử nhận các sóng âm đã được biến điệu qua ăng ten để khuếch đại, phục hồi lại dạng âm thanh ban đầu và phát âm thanh ra loa cho người nghe. Máy radio hình thành dựa trên sự phát triển của 3 phát minh có mối liên hệ mật thiết với nhau, đó chính là radio, máy điện báo và điện thoại. 3 công nghệ này cùng nhau đã tạo nên một công nghệ thu thanh mà ban đầu, nó được gọi là "điện báo không dây" (wireless telegraphy).

​Nguyên lý làm việc của sóng radio

Trong lịch sử phát triển, nhiều nhà phát minh đã thử áp dụng nhiều phương pháp truyền tín hiệu không dây, bao gồm cả phương pháp cảm ứng điện từ và truyền tín hiệu qua mặt đất. Tuy nhiên, chiếc máy radio bắt đầu từ việc phát minh ra "sóng radio" (radio wave) - một loại sóng điện từ có khả năng truyền âm nhạc, giọng nói, hình ảnh và cả dữ liệu trong không trung từ nơi này đến nơi khác. Có nhiều thiết bị hoạt động bằng sóng điện từ bao gồm: radio, lò vi sóng, điện thoại di động, bộ điều khiển từ xa, máy thu hình và nhiều thiết bị khác. Các thiết bị sử dụng sóng điện từ với các tần số khác nhau nhằm thực hiện các chức năng khác nhau. Sóng dùng trong radio có tần số trong khoảng từ 3 Hz (Dải tần số cực thấp ELF - Extremely low frequency) đến 300 GHz (Dải tần số cực cao EHF).

Khởi đầu với điện từ học…

Trong quá trình nghiên cứu về lĩnh vực truyền tín hiệu không dây này, hàng loạt các thí nghiệm đã được tiến hành kể từ đầu thế kỷ 19 nhằm nghiên cứu sự liên quan giữa điện và từ tính dựa vào những dự đoán trước đó. Tiêu biểu là vào năm 1800, Alessandro Volta đã phát triển những phương pháp để tạo ra dòng điện. Tiếp theo là Gian Domenico Romagnosi với nghiên cứu về sự liên quan giữa dòng điện và từ tính nhưng nghiên cứu của ông chưa được công nhận.

Mãi đến năm 1829, Hans Christian Ørsted đã đưa ra một thí nghiệm để chứng minh thuộc tính từ của dòng điện, đó là dòng điện chạy trong một cuộn dây làm chệch hướng của kim la bàn đặt gần. Chính thí nghiệm của Ørsted đã khơi mào cho André-Marie Ampère phát triển lý thuyết về điện từ và kế đó là Francesco Zantedeschi với nghiên cứu về sự liên quan giữa ánh sáng, điện và từ trường.

Thí nghiệm của Hans Christian Ørsted​

Năm 1831, Michael Faraday đã thực hiện một loạt các thí nghiệm để chứng minh sự tồn tại của hiện tượng cảm ứng điện từ. Mối quan hệ này đã được ông xây dựng thành một mô hình toán học của định luật Faraday. Theo đó, lực điện từ có thể lan toả ra vùng không gian xung quanh các dây dẫn.

Dựa trên các nghiên cứu trước đó, Joseph Henry đã thực hiện một thí nghiệm chứng minh được lực từ có thể tác động từ độ cao 61m vào năm 1832. Ông cũng chính là người đầu tiên tạo ra dòng điện xoay chiều dao động với tần số cao. Trong thí nghiệm, ông nhận ra rằng dòng điện xoay chiều sẽ tạo ra một lực dao động với tầng số giảm dần cho đến khi nó trở về trạng thái cân bằng.

…đến thuyết sóng điện từ

James Clerk Maxwell (1831-1879) cha đẻ của thuyết sóng điện từ.

Từ năm 1861 đến năm 1865, dựa trên những nghiên cứu của Faraday và các nhà khoa học khác, James Clerk Maxwell đã phát triển một học thuyết mang tên thuyết sóng điện từ được đăng tải trên tạp chí khoa học hoàng gia với tựa đề "thuyết động lực của điện trường". Ông chính là người thống nhất các khái niệm quan trọng của vật lý hiện đại là điện, từ trường và ánh sáng bằng 4 phương trình Maxwell nổi tiếng. Dù ông không phải là người phát minh ra sóng radio, nhưng chính học thuyết này đã đặt một nền móng vững chắc cho sự ra đời của sóng radio cũng như máy phát thanh ngày nay.

Dụng cụ phát thanh "thuở ban đầu"

Mahlon Loomis và bảng phác thảo thí nghiệm năm 1866.

Năm 1866, Mahlon Loomis - một nha sĩ người Mỹ đã thực hiện một thí nghiệm nhằm chứng minh khái niệm "điện báo không dây". Trong đó, ông sử dụng 2 con diều thả bay trên không. Trên sợi dây diều thứ nhất, ông lắp một chiếc đồng hồ đo điện trong khi sợi dây diều còn lại được lắp một cuộn điện từ. Kết quả từ thí nghiệm cho thấy ngay trên không, từ trường từ cuộn dây thứ 2 đã làm lệch đồng hồ đo điện trên sợi dây diều thứ 1. Đây chính là trường hợp đánh dấu sự thành công đầu tiên của việc truyền tín hiệu không dây trong không trung. Và 20 năm sau đó, nhà vật lý nổi tiếng người Đức Heinrich Rudolph Hertz đã một lần nữa chứng minh sự biến thiên nhanh chóng của dòng điện có thể được truyền đi trong không gian dưới dạng sóng vô tuyến tương tự ánh sáng và nhiệt.

Những tín hiệu radio đầu tiên

Guglielmo Marconi, một nhà phát minh người Ý đã chứng minh tính khả thi của việc truyền thông tin vô tuyến trong không gian. Ông đã gửi và nhận thành công những tín hiệu radio đầu tiên vào năm 1895. Và vào những năm đầu thế kỷ 20, Marconi bắt đầu đầu tư vào một ý tưởng truyền tín hiệu vượt Đại Tây Dương nhằm cạnh tranh với loại hình truyền tín hiệu bằng dây cáp. Năm 1901, ông đã truyền đi tín hiệu không dây đầu tiên qua đại dương từ Poldhu, Cornwall - một hạt tại miền Tây Nam Vương quốc Anh đến đồi Signal Hill tại St John"s, Newfoundladn - giờ đây là một quần đảo thuộc sở hữu của Canada. Khoảng cách giữa 2 điểm thu và nhận vào khoảng 3500km. Tín hiệu phản hồi mà Marconi nhận được là 3 âm click - tương ứng với ký tự S theo mã Morse. Năm 1909, Marconi và Karl Fedinand Braun cùng nhận được giải Nobel vật lý về những "đóng góp dáng ghi nhận vào sự phát triển của công nghệ truyền tin không dây."

Kỹ sư điện/nhà phát minh Guglielmo Marconi (1874-1937) cùng hệ thống truyền tin không dây đầu tiên vượt Đại Tây Dương của ông tại Anh Quốc vào năm 1901

Ngoài trường hợp của Marconi, hai người đương thời với ông là Nikola Tesla và Nathan Stufflefield cũng nhận được bằng sáng chế cho máy phát sóng vô tuyến tại Mỹ.

Giai đoạn phát triển hoàn thiện

Những mẩu tin được truyền đi bằng sóng radio cũng tương tự như như các tín hiệu dài-ngắn (mã Morse). Trong thời điểm ban đầu, máy phát tín hiệu được gọi là "spark-gap machines". Nó được phát triển để hướng dẫn các con tàu trong lúc cập bến hoặc để giữ liên lạc giữa những con tàu với nhau. Đó là cách truyền tín hiệu giữa 2 điểm nhưng đó không phải là chiếc máy radio mà chúng ta nhìn thấy như hiện nay.

Hình ảnh máy truyền tin "spark-gap machines" 230kW đầu tiên của Marconi. Các ký tự được đúc trên thân máy là W MACKIE & C, 47 1/2 OLD ST, LONDON EC.

Phương pháp truyền tín hiệu không dây bằng sóng radio đã chứng minh được tính hiệu quả của nó trong việc cứu hộ cứu nạn khi xảy ra thiên tai. Các thiết bị truyền tín hiệu không dây này được lắp đặt trên một số tàu biển. Trong năm 1899, Hải quân Hoa Kỳ đã thành lập một mạng lưới liên lạc không dây giữa những tàu hải đăng ngoài khơi đảo Fire bang New York. 2 năm sau, Hải quân Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng hệ thống liên lạc không dây bằng sóng radio này trong quân đội, sử dụng song song với các hình thức truyền tín hiệu bằng hình ảnh và liên lạc bằng chim bồ câu.

Hình ảnh trạm phát sóng tại Hawaii năm 1901. (Nguồn: radiomarine.org)​

Năm 1901, dịch vụ gửi điện báo bằng sóng radio đã được thiết lập giữa 5 hòn đảo thuộc quần đảo Hawaii. Vào năm 1903, trạm phát Marconi được đặt tại Wellfleet, Massachusetts đã gởi một thông điệp chào mừng của tổng thống Theodore Roosevelt đến với vua King Edward VII của Anh. Năm 1905, các báo cáo về trận hải chiến tại cảng Arthur trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật đã được truyền đi bằng phương pháp điện báo không dây, và vào năm 1906, cục dự báo thời tiết Mỹ đã áp dụng phương pháp này để cải thiện tốc độ truyền thông tin dự báo thời tiết.

Nội dung bức điện nổi tiếng giữa tổng thống Theodore Roosevelt và vua King Edward VII năm 1903.​ (Nguồn: royal.co.uk)​

Năm 1910, Marconi đã mở một dịch vụ truyền tin không dây giữa Mỹ và Châu Âu và vài tháng sau đó, người ta đã tóm được một tên giết người trốn thoát từ Anh ngay trên biển bằng những thông tin được truyền đi bằng dịch vụ này. Năm 1912, dịch vụ truyền điện tín bằng sóng radio xuyên Thái Bình Dương đầu tiên đã được thiết lập giữa San Francisco và Hawaii.

             Lee De Forest - Cha đẻ của đài phát thanh

Dịch vụ truyền tin bằng sóng radio ở những nước khác phát triển khá chậm do các thế hệ máy phát sóng ban đầu có chi phí chế tạo khá cao, dòng điện trong hệ thống và luồng điện phóng giữa các điện cực cũng chưa được ổn định. Tuy nhiên, sau đó máy phát điện tần số cao của Alexanderson và ống Triode chân không của De Forest đã khắc phục được phần lớn những khuyết điểm ban đầu này.

Lee DeForest và phát mình chiếc đèn triot 3 chân của mình.​ (Ảnh chụp vào khoảng năm 1914 đến 1932, nguồn Wikipedia)​

Lee De Forest đã phát minh ra thuật điện báo trong không gian sử dụng bộ khuếch đại Triode và đèn 3 cực (Audion). Trong những năm 1900, sự phát triển của công nghệ phát thanh đạt một cột mốc mới với việc phát hiện ra hiện tượng bức xạ điện từ. Lee De Forest chính là người phát hiện ra hiện tượng này. Theo đó, bức xạ điện từ có thể làm khuếch đại tín hiệu tần số vô tuyến được phát đi bởi các ăng-ten trước khi được thu lại bởi một máy dò nhận. Tín hiệu phát đi có cường độ mạnh hơn so với trước đó. De Forest cũng chính là người đầu tiên đặt tên cho hệ thống khuếch đại này là "Đài phát thanh".

Phát minh của De Forest chính là bộ khuếch đại và biến điệu (Amplitude-Modulated) hay sóng radio AM cho phép tín hiệu được phát đến nhiều trạm khác nhau so với phương pháp truyền tin bằng tia spark-gap trước đây chỉ cho phép truyền tin giữa 2 điểm. Đây chính là tiền đề của công nghệ truyền thanh bằng sóng radio hiện đại mà De Forest chính là cha đẻ.

Ứng dụng trong quân sự và thời kỳ bị kiểm soát

Khi Mỹ tham gia vào Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tất cả các đài phát thanh ở Mỹ đều được kiểm soát bởi quân đội để ngăn chặn khả năng các điệp viên của đối phương sử dụng nó để truyền thông tin. Chính phủ Mỹ cũng đã tiếp quản quyền kiểm soát tất cả các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ vô tuyến này.

Năm 1919, sau khi chính phủ bãi bỏ chính sách giới hạn các bằng sáng chế này, Tổng công ty phát thanh của Mỹ (RCA) được thành lập để kiểm soát việc phân phối và ứng dụng các bằng sáng chế có liên quan tới radio đã bị hạn chế trong chiến tranh.

Tiếng nói phát thanh đầu tiên

Tiếng nói của con người được truyền đi qua đài phát thanh vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Có lập luận cho rằng tiếng nói đầu tiên được công nhận là "Hello Rainey" của Nathan B. Stubblefied nói với người cộng tác của mình ở Muray bang Kentucky vào năm 1892. Một lập luận khác lại cho rằng tiếng nói phát thanh đầu tiên thuộc về chương trình thử nghiệm trò chuyện của Reginald A. Fessenden vào năm 1906 và được nghe bởi một thiết bị radio trên những con tàu cách đó hàng trăm dặm.

   Reginald A. Fessenden và hệ thống phát thanh của mình.

Nhà phát minh người Canada, Reginald A. Fessenden nói trên còn được biết đến với phát minh biến điệu sóng radio và máy dò độ sâu. Fessenden là một nhà hóa học từng làm việc cho Thomas Edison trong những năm 1880. Sau đó, ông thành lập công ty của riêng mình và phát minh ra phương pháp biến điệu sóng vô tuyến dựa vào "nguyên tắc phách" (heterodyne principle) cho phép truyền tín hiệu trong không trung mà không bị nhiễu.

Các chương trình phát thanh "đúng nghĩa" được khai sinh

Ảnh chụp đài phát thanh NAA ở Arlington vào năm 1917. (Nguồn: virhistory)​

Vào năm 1915, giọng nói đầu tiên được đài phát thanh hải quân NAA ở Arlington, bang Virginia truyền đi xuyên lục địa, từ New York đến San Francisco, vượt qua Đại Tây Dương đến tháp Eiffel tại Paris. Ngày 2 tháng 11 năm 1920, đài phát thanh KDKA - Pittsburgh đã phát sóng kết quả bầu cử Harding-Cox và bắt đầu một chương trình phát thanh hàng ngày.

Năm 1927, hệ thống thông tin vô tuyến nối liền Bắc Mỹ Và châu Âu được thành lập, và 3 năm sau đó có thể kết nối thêm Nam Mỹ. Cho đến năm 1935, các cuộc gọi đầu tiên được thực hiện trên toàn thế giới, sử dụng kết hợp cả hệ thống truyền thanh hữu tuyến và vô tuyến.

Sự ra đời của sóng FM và đài phát thanh ngày nay

Năm 1933, Edwin Howard Armstrong phát minh ra sóng radio biến tần (frequency-modulated) hay còn gọi là sóng radio FM. Sóng FM có ưu điểm là hạn chế sự gây nhiễu sóng của các thiết bị điện tử khác và từ trường của Trái Đất. Đến năm 1936, tất cả các thông tin liên lạc điện thoại xuyên Đại Tây Dương của Mỹ được truyền sang Anh và Paris đều ứng dụng phương pháp này. Tính đến thời điểm đó, mạng lưới thông tin liên lạc cả hữu tuyến và vô tuyến có thể kết nối Mỹ với gần 187 điểm khác ở nước ngoài.

Hình ảnh Howard và chiếc máy Radio bắt sóng FM đầu tiên trong chuyến trăng mật cùng vợ mình​. (ảnh chụp năm 1923, nguồn: world.std)​

Từ đó, công nghệ vô tuyến luôn được phát triển một cách cực kỳ nhanh chóng. Năm 1947, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Bell Labs tại New Jersey, Mỹ đã phát minh ra bóng bán dẫn. Và vào năm 1954, Tokyo Telecommunications Engineering Corp - tiền thân của Sony là công ty đầu tiên sản xuất radio bán dẫn di động.

           Đài bán dẫn đầu tiên của Sony. (Nguồn: xtimeline)​

Năm 1965, một hệ thống ăng ten phát sóng FM đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên tòa nhà Empire State ở New York cho phép các đài phát thanh FM tư nhân có thể phát sóng từ 1 nguồn đến đồng thời nhiều bộ thu khác nhau. Đây cũng chính là mô hình đài phát thanh được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho đến ngày nay.

Chi tiết chiếc ăng ten phát sóng FM đàu tiên trên đỉnh tòa nhà Empire State​. (Ảnh chụp vào khoảng năm 1965, nguồn: lnl.com)​

 KẾT 

Như vậy, từ các nghiên cứu đầu tiên về lý thuyết sóng điện từ, cho đến những tín hiệu hết sức sơ khai như một ký tự S bằng mã Morse hay một câu "hello" được truyền giữa 2 điểm, chúng ta đã có hàng loạt đài phát thanh hiện đại ngày nay với các chương trình tin tức, thời sự, giải trí vô cùng phong phú và đa dạng.

Ẩn dưới tất cả những thành công đó là một nỗ lực vô tận của các nhà khoa học, các nhà phát minh nhằm biến cái không thể thành có thể, biến truyền tin hữu tuyến thành vô tuyến. Qua đó, tạo ra sự tiện ích và hàng loạt các ứng dụng của phương pháp truyền tín hiệu không dây cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Xem Thêm :

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

THU VÀ NHỎ - Thơ Trần Thị Nguyệt Mai (T.Vấn và Bạn Hửu )


Có phải mùa thu về không nhỏ?

Hình như một chút gió heo may

Một chút bâng khuâng, một chút nhớ

Dịu dàng len nhẹ buổi sáng nay

.

Nhớ nhỏ áo dài ươm trắng mộng

Đôi tà áo bướm rất tung tăng

Hỡi cô thiếu nữ thời mới lớn

Cô đã mộng gì, hẳn đẹp chăng?

.

Cặp sách vẫn theo cùng với nhỏ

Những ngày tháng ấy đẹp như mây

Như mắt như môi em mọng đỏ

Điểm tô thời tuổi đẹp thơ ngây

.

Cứ nghĩ tháng ngày êm êm mãi

Thiên đường của nhỏ chẳng trôi xa

Nhưng một ngày kia trời bắt tội

Ai đã làm nên trận phong ba?

.

Tôi thành kẻ lưu đày viễn xứ

Lên rừng đẵn gỗ núi non ngàn

Nhỏ hết học trò, quên ngôn ngữ

Chợ đời nếm trải những gian nan…

.

Tôi về một buổi thân tàn dại

Gặp lại nhau cùng ngắm xác xơ

Nhưng vui nhỏ vẫn là cô gái

Của những ngày xưa tôi ước mơ

.

Bây giờ lại một mùa thu nữa

Nhớ nhỏ ngày xưa má đỏ hây

Em giờ tóc trắng thay cho áo

Mà vẫn làm tim tôi ngất ngây…

.

Hỡi nhỏ dẫu là bao nhiêu tuổi

Vẫn xin nhỏ mãi trong hồn tôi

Vẫn cô thiếu nữ thời mới lớn

Và chúng mình vẫn mãi lứa đôi…

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI

29.7.2022

 

CÁNH ĐỒNG QUÊ - Thơ Hồng Vân và 8 Bải Hoa CỦA CÁC THI HỬU

 


CÁNH ĐỒNG QUÊ

Đồng xanh ruộng mạ thắm xanh đồng,
Bông trổ, trúng mùa, lúa trổ bông.
Mắt đẹp, dân làng thêm đẹp mắt,
Lòng an, lối xóm đặng an lòng.
Nguyện cầu tết đến, người cầu nguyện,
Mong đợi Xuân về, kẻ đợi mong.
Chúc thọ tân niên mừng thọ, chúc,
Công thành vạn sự đã thành công..
Bạc Liêu đêm 26/9/2022
Hồng Vân



HỌA 1 : ĐỒNG LÚA QUÊ HƯƠNG

Đồng lúa xanh bương trãi lúa đồng,
Bông vàng nặng trĩu thắm vàng bông.
Mắt vờn chăm chú luôn vờn mắt,
Lòng khắc tâm ghi mãi khắc lòng.
Nhớ quá quê hương ôi quá nhớ,
Mong chờ non nước gắng chờ mong.
Gạo cơm cung cấp bồi cơm gạo,
Công khó ghi lòng ơn khó công.
HỒ NGUYỄN (25-9-2022)


Kính Họa Vận  2 : Được Mùa

Đồng lúa chín vàng ruộng lúa đồng
Bông đầy gặt hái vụ đầy bông
Mặt tươi dân chúng cười tươi mặt
Lòng đẹp nhà nông nói đẹp lòng
Ngóng đợi duyên thề chàng đợi ngóng
Mong chờ nợ hứa thiếp chờ mong
Họ mừng thành quả đây mừng họ
Công việc chu toàn đó việc công…
MAI XUÂN THANH Sept 27, 2022


HỌA 3 : MÙA VÀNG

Đồng lúa vàng mơ hạt lúa đồng,
Bông oằn khắp ruộng trĩu oằn bông.
Dạ vui mãn nguyện già vui dạ,
Lòng thỏa hân hoan trẻ thỏa lòng.
Nguyện ước ấm no tròn ước nguyện,
Mong chờ hạnh phúc vẹn chờ mong.
Xóm làng sung túc bên làng xóm,
Công sức bao người góp sức công.
Sông Thu (27/09/2022)


 HỌA 4 :VUI CHỐN THÔN TRANG

Đồng lúa xanh tươi rợp lúa đồng
Bông tràn tươi thắm đẹp tràn bông
Dạ yên đời sống người yên dạ
Lòng ức nhân gian kẻ ức lòng
Ước nguyện thanh bình như nguyện ước t
Mong cầu thạnh trị giống cầu mong
Sáng trăng hạnh phúc vầng trăng sáng
Công toại danh thành đáng toại công...
Paris, 28/9/2022
TRỊNH CƠ


 HỌA 5 :ĐỒNG RUỘNG QUÊ NHÀ


Đồng vàng lúa chín trổ vàng đồng
Bông nặng sai oằn trĩu nặng bông
Dạ thỏa rộn ràng cười thỏa dạ
Lòng vui nở rộ cảm vui lòng
Nguyện xin hạnh phúc luôn xin nguyện
Mong ước ấm no mãi ước mong
Chúc phúc dân tình ta phúc chúc
Công mừng phát đạt lễ mừng công
Songquang
20220927

 

 

HỌA 6  : CẢNH MẤT MÙA

 

Đồng tràn nước mặn khắp tràn đồng

Bông lép ruộng cằn lúa lép bông

Cảnh xót mất mùa thương xót cảnh

Lòng buồn tay trắng thêm buồn lòng

Đắng cay cuộc sống đời cay đắng

Mong ước phép màu dân ước mong

Đập chắn ngày nào được chắn đập

Công vun chẳng uổng sức vun công...

 Hải Rừng
29/9/2022


 HỌA 7 :QUA RỒI ,

Đồng cam cộng khổ sẻ cam đồng
Bông mượt búp tươi ,láng mượt bông
Lúa nặng vai oằn vì nặng lúa
Lòng vui nhẹ gánh bởi vui lòng
Mộng mơ hồ hỡi ươm mơ mộng
Mong ngóng yên bình đạt ngóng mong
Bão lũ qua rồi quên lũ bão
Công danh sáng rỡ tiếp danh công !
PHƯỢNG HỒNG


 HỌA 8 :TIẾNG SÁO ĐỒNG


Đồng sáo mình trâu, tiếng sáo đồng
Bông tràn ruộng lúa, trĩu tràn bông
Giọng đưa câu hát theo đưa giọng
Lòng thỏa đò ngang đến thỏa lòng
Đợi bóng ai về bên bóng đợi
Mong tình người ghé chốn tình mong
Ngát mùa gặt hái thơm mùa ngát
Công đếm muôn lần bội đếm công.
Lê Mỹ Hoàn


Trái tim em, lồng ngực anh

Đây không phải là chuyện tình lâm ly, ướt át, mặc dù câu chuyện có thật và cảm động. Cô gái đã trao trọn trái tim mình cho chàng trai cho dù hai người không hề quen biết nhau.
Một mình một ngựa 
Cô gái tên Abbey Conner, 20 tuổi. Chàng trai tên Loumonth Jack, 21 tuổi. Abbey đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác, thế nhưng trái tim cô mãi mãi thuộc về chàng trai, và chàng sẽ chẳng bao giờ quên được nàng suốt phần đời còn lại.
Câu chuyện từng được Bill Conner, ông bố của cô gái, kể lại nhiều lần cho nhiều người, những ai từng đọc thấy hàng chữ “Abbey’s Ride for Life” trên tấm biển gắn đàng sau chiếc xe đạp Trek của ông.

Ông Conner có hai người con, Abbey và anh trai cô là Austin, 23 tuổi. Trong chuyến vacation hơn 5 tháng trước đây, cả hai được tìm thấy nằm bất tỉnh, úp mặt sâu xuống nước trong hồ bơi của một khách sạn ở Cancun, Mexico. Người ta chỉ cứu được Austin, riêng Abbey bị tổn thương não nghiêm trọng. Cô được chuyển tới bệnh viện Broward Health Medical Center ở Fort Lauderdale, Florida. Tại đây, sau những cố gắng một cách tuyệt vọng, các bác sĩ tuyên bố cô đã chết não và đi tới quyết định giải phẫu để lấy nội tạng và các mô sinh học mà cô tự nguyện hiến tặng năm 16 tuổi khi cô mới thi lấy bằng lái xe.
Cũng trong ngày ông Conner choáng váng nhận được thông báo về quyết định này, cách đó 670 miles đường chim bay, tại Lafayette, Louisiana, bố mẹ của một thanh niên da màu cũng được các bác sĩ ngậm ngùi thông báo về số phận không may của con trai mình. Jack đang nằm chờ chết trên giường bệnh vì chứng suy tim trầm trọng sau hai lần trụy tim. Sự sống chỉ còn đếm được từng ngày trên những đầu ngón tay, ngoại trừ phép lạ.
Và “phép lạ” đến với anh thật. Trái tim còn tươi rói của Abbey được cấy ghép kịp thời vào trong buồng ngực của Jack. Anh như được tái sinh.
Một người chết đi cho một người được sống. Trái tim Abbey dọn về nơi cư ngụ mới. Không chỉ trái tim thôi, cô hiến tặng đến bốn nội tạng, giúp cho bốn người trong độ tuổi từ 20 – 60 giành lại được sự sống trong cuộc chiến đấu với tử thần. Cô còn tặng cả đôi mắt đẹp của mình cho người khiếm thị ngắm nhìn được cuộc sống tươi đẹp muôn màu muôn vẻ.
Trái tim còn đập nghĩa là vẫn còn sự sống. Ông Conner tin chắc như vậy. Abbey, con gái ông, vẫn đang sống ở một nơi nào đó. Bằng mọi giá, ông phải tìm gặp đứa con yêu của mình.
Ông muốn rời khỏi nhà, tìm đến một nơi nào đó thật xa xôi để mong làm nhẹ bớt nỗi buồn phiền đè nặng trong lòng. Hơn thế nữa, ông còn muốn làm điều gì đó để tôn vinh cuộc sống ngắn ngủi và cao đẹp của con mình.
“Tôi muốn làm cách nào để mọi người nhận thức được ý nghĩa, sự cần thiết, tầm quan trọng và lòng nhân ái của việc hiến tặng nội tạng mình khi lìa đời.” Conner chia sẻ điều này với những người thân và nảy ra ý tưởng: với chiếc xe đạp Trek của mình, ông sẽ thực hiện chuyến đi suốt chiều dọc nước Mỹ, từ Madison, Wisconsin, quê nhà ông, đến tận Ft. Lauderdale, Florida, nơi ông nhìn mặt con gái mình lần cuối để quảng bá, vận động mọi người hưởng ứng việc làm tốt đẹp này.  
“Tại sao không?” Conner nói. “Có gì ghê gớm lắm đâu, và chẳng thấm thía gì so với nghĩa cử của con gái tôi. Tôi thực sự mong muốn ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào việc hiến tặng nội tạng như Abbey đã làm.
Với ý chí mạnh mẽ và tình yêu không bờ bến của ông bố, Conner quyết định thực hiện cho   bằng được việc này. Một mình một ngựa (sắt), ông lên đường ngày 22 tháng Năm, ngay sau ngày dự lễ ra trường của Austin, con trai ông, tại University of Wisconsin-Milwaukee.
“Tôi tin rằng Abbey cũng muốn tôi làm điều ấy,” ông nói. 
Tình không biên giới 
Khi Jack được Louisiana Organ Procurement Agency thông báo về cuộc hành trình “Abbey’s Ride for Life” của ông Conner, anh tìm cách liên lạc với ông và nói rằng gia đình anh rất vui mừng được đón tiếp ông trong chuyến đi miệt mài ấy.   
Sau bốn tuần lễ rong ruổi, vượt 1.400 dặm đường, ông Conner đã gặp được Jack tại Baton Rouge Louisiana vào đúng ngày Chủ Nhật Father’s Day. Trước mắt ông là chàng thanh niên da màu, vóc dáng thư sinh, tóc tai cắt ngắn, quần áo chỉnh tề. Trông Jack có vẻ hiền lành, dễ mến và ông có cảm giác thật gần gũi như từng quen biết nhau tự bao giờ.
Cả hai như bị hút vào nhau trong cái ôm dài đến hơn một phút. Nước mắt họ ứa ra.
Jack lần lượt giới thiệu gia đình mình, ông bà, bố mẹ, anh chị em, những đứa cháu… Hai ông bố, da trắng và da màu, ôm chặt lấy nhau, rưng rưng dòng lệ.
Da màu, thì đã sao! Ngay lúc này đây, ông Conner và mọi người ở quanh ông không ai nghĩ tới chuyện da trắng, da vàng, da đen, da nâu. Hơn lúc nào hết, chuyện màu da, màu tóc, màu mắt… hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Điều thực sự có ý nghĩa là, trái tim Abbey trong lồng ngực Jack đã mang hai gia đình xa lạ lại gần với nhau. 
Đấy không phải là tính cách của Abbey đó sao? Conner còn nhớ, cô bé từng kể ông nghe một cảnh trong cuốn phim mà cô xem đến hai lần, “To Sir, with Love”. Ông thầy giáo bị đứt tay và cô nữ sinh tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy máu của ông thầy da đen cũng màu đỏ tươi giống như máu cô vậy.”
Trái tim Abbey và hình hài Jack cũng thế thôi, cũng cùng chung dòng máu.
“Happy Father’s Day!” Jack mỉm cười bước đến bên ông, trên tay cầm gói quà.
Conner đón lấy, mở ra. Một chiếc stethoscope ống nghe của bác sĩ. Ông thoáng ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra.
“Cám ơn cháu. Cái này hay đấy.”
“Với cái này,” Jack nói, “Bác sẽ nghe rõ tiếng đập của con tim cô ấy.” 
Conner lặng người đi mấy giây. Ông bật ra một tiếng nấc không giấu được, đưa cườm tay quệt ngấn nước mắt. Jack cởi tung nút áo để lộ vết sẹo dài chạy dọc trước ngực. Conner gắn ống nghe vào hai tai, áp đầu dây bên kia vào ngực Jack, đúng chỗ trái tim cậu. Không, trái tim con gái ông. Ông nhắm mắt lại, chăm chú lắng nghe… Lát sau, ông gỡ ống nghe, lặng im vài giây như cố trấn tĩnh, rồi buột miệng:
“Well, it’s working.”
“Oh yeah, definitely!” Jack đáp.
Không chỉ nghe rõ nhịp đập đều đều của trái tim, Conner còn nghe được cả tiếng thì thầm quen thuộc của Abbey, “Bố đến thăm con đấy phải không? Con vẫn ổn mà, Bố đừng lo cho con. Chỗ này, buồng ngực của Jack đấy, tốt lắm Bố à. Bố con mình vẫn gần nhau mà, phải không?”
Ông đã bao lần ôm chặt con mình vào lòng, bao lần nghe hơi thở con, nhịp tim con đập rộn ràng như thế này. Ông đã bao lần ôm ấp đứa con yêu, từ thuở cô còn bé bỏng, từ thuở mẹ cô còn sống, và cả những lần hai bố con xa nhau rồi gần nhau như thế này.
Conner cúi đầu thật sâu, hai mắt nhắm nghiền, nước mắt lại muốn ứa ra. “Đúng thế Abbey,” ông cũng thì thầm. “Bố đến thăm con đây. Bố đến thăm con để xem con đã ‘sống’ như thế nào kể từ ngày xa Bố. Sau cùng thì bố con mình đã gặp được nhau, phải không, ‘baby girl’ của Bố?” 
“Baby girl”, ông Conner nhớ từng gọi con bé như vậy.
“Cám ơn cháu,” ông ngước lên, mỉm cười với Jack.
“Thật là một phép lạ,” Jack nói. “Abbey giống như là bà tiên có phép mầu trong chuyện cổ tích. Cháu đã chết đi, rồi được sống lại. Cháu mang ơn cô ấy nhưng không có cách nào để trả ơn.”
“Đừng nghĩ đến chuyện đền ơn đáp nghĩa,” ông Conner mỉm cười với chàng trai. “Cách trả ơn tốt nhất là hãy sống tốt. Đơn giản là vậy. Sống như Abbey vậy, giúp đỡ người khác và mang niềm vui đến cho mọi người.”
“Cháu hiểu,” Jack nói nhỏ. “Cháu còn phải cám ơn Bác nữa.”
“Bác phải cám ơn cháu chứ,” Conner lại mỉm cười. “Nhờ có cháu mà Bác được gặp lại Abbey. Bác thật hạnh phúc.”
Conner ngắm nhìn chàng trai trạc tuổi con ông. Ông nhìn xuống chiếc ống nghe vẫn cầm trên tay, món quà đặc biệt Jack tặng cho ông. Trong đời mình, quả là ông chưa bao giờ nhận được quà tặng Father’s Day nào ý nghĩa hơn thế.
Nhờ có Jack, ông Conner biết được rằng trái tim con gái ông chưa có phút giây nào ngừng đập, có điều trái tim ấy đã dọn sang hình hài khác. Abbey đã cho không trái tim quý giá của mình. Cô đã cho không, không điều kiện, không có bất cứ sự lựa chọn nào. Dẫu cho hình hài ấy, da dẻ kia có như thế nào thì trái tim cô vẫn rộn ràng những nhịp đập yêu thương.
Tình yêu cô gửi vào trái tim là tình không biên giới. 
*

Abbey lìa xa bố khi tuổi cô vừa tròn đôi mươi, tuổi tươi đẹp nhất của một đời người. Trái tim cô đang tràn đầy nhựa sống, tràn đầy ước mơ. Cô khao khát sống và thiết tha yêu đời. Cô theo đuổi ngành học Public Relations tại trường University of Wisconsin-Whitewater với ước mong có cơ hội mở rộng giao tiếp với nhiều người và cũng giúp được nhiều người.
Với Conner, con gái ông vẫn đang sống; hơn thế nữa, cô thực hiện được điều ước muốn là làm đẹp cho cuộc sống. Còn gì hơn thế nữa.
Với Jack, anh bắt đầu lại cuộc sống. Anh yêu cuộc sống hơn bao giờ. Jack sẽ trở lại trường học, sẽ nối lại những giấc mơ còn dở dang vì phải bỏ dở chuyện học hành. Anh sẽ đi tiếp con đường Abbey đã đi; hay nói một cách nào đó, anh đi theo tiếng gọi của con tim nồng ấm đang nằm gọn trong lồng ngực anh.
Chia tay gia đình Jack, ông Conner lần lượt ôm hôn từng người một trong gia đình anh. Sau cùng, ông lại ôm chặt lấy Jack, gục đầu lên vai anh, ngỡ như đang ôm ấp đứa con yêu quý của mình.
Và rồi Conner lại leo lên lưng chiếc xe đạp, lại tiếp tục lên đường. Ông phải đi cho hết cuộc hành trình. Lần này, ông có thêm bạn đồng hành là băng ghi âm tiếng nhịp đập con tim của Abbey mà gia đình Jack gửi tặng ông. Conner như được tiếp sức, ông cảm thấy sung sức hơn bao giờ.
Conner dự kiến ngày 10 tháng Bảy tới đây sẽ chạm “mức đến”, Broward Health Medical Center tại Ft. Lauderdale, Florida, là nơi Abbey đã được các bác sĩ giải phẫu lấy nội tạng. Nơi đây, ông sẽ thực hiện nốt việc sau cùng là rải tro con mình xuống lòng biển khơi, như một dấu chấm hết cho cuộc hành trình dài mãi đến 2.600 dặm trường.
Abbey yêu biển, cô sẽ về lại với thiên đường “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” của Florida.
Trả lời các phóng viên báo chí về cuộc “hành trình đơn độc” trên lưng con ngựa sắt, ông Conner nói, “Tôi không hề đơn độc. Lúc nào Abbey cũng ở cạnh tôi. Một khi bạn làm điều gì có ý nghĩa, bạn sẽ không cảm thấy đơn độc.”
Conner tin tưởng một cách mạnh mẽ sẽ có nhiều người cùng đồng hành với ông. Trong lá thư ngỏ gửi cho báo chí kể về cuộc hành trình “Abbey’s Ride for Life” dọc nước Mỹ nhằm vận động việc ghi danh online để trở thành người hiến tặng nội tạng, có đoạn ông viết:
“Thật là ích kỷ khi bạn nhất định chôn theo bạn những gì có thể cứu vớt được mạng sống con người. Bạn không mất gì cả trong lúc mang được hạnh phúc đến cho những kẻ xấu số. Vậy tại sao bạn lại từ chối hay ngần ngại? Sớm muộn gì thì bạn và tôi cũng phải chết mà, làm sao tránh khỏi được. Vậy tại sao không làm cho cái chết của mình không vô nghĩa và phí phạm?”
“Nếu bạn muốn để lại một di sản,” ông viết ở một đoạn khác, “không có di sản nào quý giá hơn là giúp cho người khác được tiếp tục sống, một cuộc sống ý nghĩa.”
Phần tôi, rất lấy làm “tâm đắc” đoạn cuối lá thư của ông Conner:
“Bạn vẫn đến nhà thờ, nhà nguyện để cầu nguyện sau khi chết sẽ được lên thiên đường, phải không? Vậy tại sao bạn không làm việc đó? Lời nguyện cầu của bạn sẽ sớm được cứu xét.  Hãy trao tặng cho người khác những gì thượng đế đã ban tặng cho bạn. Đấy là lẽ công bằng. Bạn đâu cần phải mang theo tất cả, một khi thân xác bạn nhẹ nhàng thì bạn cũng dễ… bay lên tới thiên đường.” 
Lê Hữu
(Viết phỏng theo bản tin CBS News)* Nguồn ảnh: Photo by Caroline Ourso- Moving moment Dad hears daughter's donated heart beat again:

KÍNH MỜI ĐỌC và HỌA THƠ "THÁNG TƯ SANG" của HỒ NGUYỄN

THÁNG TƯ SANG Tháng Tư nghĩ nhớ khổ trăm bề, Mấy chục năm mòn mỏi tái tê. Mồ bạn xác vùi trơ phủ cỏ, Kiếp ta xứ tạm sống chưa về. Cái thời c...