Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Ngân Bình: SAO EM VỘI ĐI? (T.Vấn Và Bạn Hửu )


                                                        Hoàng Hôn – Tranh: Đỗ Dung

 -Ồ! anh tới rồi hả? sao trễ quá vậy? em phải đến nhà trẻ đón con ngay bây giờ!

          Tôi cau mày khó chịu vì những câu hỏi tới tấp của Lài.

          -Trễ… thì sao? Không biết xe cộ kẹt cứng ngoài đường hay sao mà còn bắt lỗi!

          Nét mặt Lài không chút thay đổi bởi lời trách móc cộc lốc của tôi.

          -Xin lỗi, em sợ con chờ lâu tội nghiệp.

          Quay sang mẹ tôi, Lài xếp hai tay trước bụng, lễ phép:

          -Thưa mẹ con đi.

          Nhìn theo dáng hấp tấp của Lài, bỗng dưng tôi lắc đầu. Cũng không hiểu cái lắc đầu mang ý nghĩa gì. Có thể là thói quen. Có thể là một sự chán chường. Dù thế nào thì thái độ của tôi cũng làm phiền lòng mẹ.

          -Sao lúc nào con cũng cau có với Lài? Có một người vợ tốt lành như vậy mà không hiểu sao con vẫn chưa vừa ý? Con phải biết… con tu chín kiếp mới gặp được nó.

          Tôi bật cười. Nụ cười lúc đó chắc khó coi hơn khóc.

          -Mẹ có biết là… cuộc sống này làm con chán đến tận cổ không?

          Mẹ nhìn tôi, cái nhìn như muốn soi thấu cả ruột gan.

          -Hồi đó cũng là hai đứa yêu thương nhau, rồi lén lút cho tới khi có con mới dắt díu nhau về nhà. Mẹ không hề lấy quyền làm mẹ mà giận hờn, trách móc con sao không hề trình thưa với mẹ một tiếng để ngăn cản phản đối dù mẹ buồn nhiều lắm. Nhưng rồi, qua ngày tháng sống chung, mẹ rất vừa ý đứa con dâu mà mẹ không chọn. Con Lài có tình, có nghĩa, hy sinh, nhẫn nại, lễ phép, hiền hậu, nên mẹ thương  như con gái. Bởi vậy, mẹ rất bất bình khi thấy con cư xử lạnh nhạt, cộc cằn với nó. Có phải mẹ ép uổng đâu mà con cứ làm như miễn cưỡng.

          Tôi muốn nói, mẹ nói đúng, con đã miễn cưỡng, đã tự ép mình sống bên cạnh một người vợ con không hề yêu thương. Nếu đừng vì muốn trả thù người con gái bỏ rơi con thì con đã không đến với Lài. Và nếu đừng vì một phút  sốc nổi thì con đã không chiếm lấy sự trong trắng của Lài để có ngày con phải đi vào ngõ cụt  như  bây giờ. Muốn thoát khỏi, muốn xuôi tay buông bỏ, nhưng nhìn đứa con trai bé bỏng lòng con không đành.

-Mấy ngày nay, mặt mày con Lài phờ phạc, hốc hác, con có biết vì sao không?

          -Thì… làm sao con biết!!!

          Mẹ ném cái gối vào mặt tôi:

          -Là vì nó gánh hết cái nặng nhọc cho thằng chồng không có lương tâm như mày. Mẹ bệnh, đáng lẽ mày là người phải ở lại bệnh viện hằng đêm. Nhưng nó không muốn mày mất ngủ, không muốn mày mệt, nên dành lấy phần cực nhọc…

          Mẹ đưa bàn tay lau nhẹ những giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt già nua.

          -Mẹ nhiều lần nói với nó, ở với mẹ ban ngày được rồi, tối về nhà ngủ cho khỏe. Ở đây, mẹ cần gì thì đã có y tá, nhưng nó nói  “mẹ bệnh hoạn làm sao con bỏ mẹ một mình”. Cương à! không lẽ… chẳng bao giờ con nhìn vợ con, để biết nó vui buồn ra sao?

Tôi không nói gì, chỉ nhún vai, lắc đầu. Thật ra, ít khi tôi nhìn thẳng vào mặt Lài, cái khuôn mặt tầm thường, toàn những nét thô kệch và cằn cỗi của người vợ bất dắc dĩ, khiến tôi cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhớ đến lời mỉa mai, châm biếm của người tình cũ “tưởng cưới được người vợ sắc nước hương trời để trả thù tôi, ai ngờ đâu chỉ là một con bé quê mùa”.  Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy sau khi choàng dậy, nhìn thấy Lài nằm bên cạnh đang say sưa chìm trong giấc ngủ.Tôi bỗng giận mình sao ngu si, điên khùng, làm một việc  thiếu  suy nghĩ. Tôi đấm vào đầu hàng chục cái để tự nguyền rủa mình. Lài tỉnh giấc, ngước nhìn tôi bằng nụ cười tràn đầy hạnh phúc. Đáp lại nụ cười ấy là ánh mắt gay gắt của tôi. Trời ơi! tại sao lại có một đứa con gái đần độn đến như thế. Biết người ta không yêu mình, biết người ta chỉ lợi dụng mình để trả thù người khác mà cũng nhắm mắt lao vào. Tôi tuột nhanh xuống giường, mặc quần áo, không nói một tiếng, vội vã rời khỏi phòng. Suốt hành lang vắng ngắt của khách sạn, tôi sợ nghe tiếng Lài lanh lảnh gọi tên tôi trong tiếng khóc, nên đi mà như chạy. Nhưng không, tuyệt nhiên không có một tiếng động, kể cả tiếng mở cửa, dù chỉ để nhìn theo. Tôi bước vào thang máy với trạng thái hoang mang, sợ hãi như kẻ phạm tội. 

Rời khách sạn, tôi phân vân, nghĩ ngợi, không biết thái độ lạnh lùng của tôi có làm cho Lài quá đau khổ mà hành động dại dột hay không? Nếu Lài xảy ra chuyện gì thì tôi sẽ là người lãnh trách nhiệm, vì  tên họ của tôi – người mướn phòng-  còn rành rành ra đó.  Cuối cùng, tôi đành ngồi lại ở một góc khuất để chờ đợi. Thời gian như dừng lại trong nỗi phập phồng, lo lắng của tôi. Phải hơn một tiếng sau, khi đồng hồ chỉ  mười một giờ bốn mươi lăm phút, Lài mới lủi thủi đi ra bằng những bước chân chậm chạp. Trời về khuya, gió lồng lộng như sắp nổi cơn giông, bóng Lài nghiêng ngã theo ánh đèn đêm hiu hắt. Tôi thở phào nhẹ nhõm,  rồi chạy nhanh ra bãi đậu xe.

Sau ngày đó, tôi đổi số điện thoại, dọn nhà sang thành phố khác để tránh gặp một số bạn bè quen biết với tôi và Lài. Tưởng như vậy là tôi có thể sống một cách thanh thản, xem như chưa hề làm chuyện lầm lỗi tày trời. Nhưng rồi… lúc đưa mẹ đi dự đám tang lễ của đứa em họ tôi lại rơi vào nỗi sợ hãi kỳ lạ khi trên đường về mẹ cho biết, đứa em gái tội nghiệp đó qua đời không phải vì bệnh hoạn như gia đình nói với họ hàng, thân hữu mà đã tự tử vì đang mang một cái thai vô thừa nhận. Mẹ chép miệng thở dài, rồi buông lời trách móc nặng nề  “Cái thứ đàn ông vô lương tâm, vô trách nhiệm, một mình nó đã giết chết hai mạng người. Ông bà mình nói quả báo nhãn tiền, rồi cũng có ngày nó bị báo ứng”. Cả người tôi lạnh toát khi nghĩ đến Lài. Tôi  biết, tôi không thể cưới Lài, chỉ mong sao đừng có một sinh linh nào tượng hình trong bụng người phụ nữ tôi không hề yêu thương. Không hiểu sao, tự dưng mẹ lại quay sang nhìn tôi rồi nói mông lung  “Con người, ăn ở phải có hậu, có đức thì mới có thể sống bình an, hạnh phúc được”. Liên tiếp mấy ngày sau, lòng tôi cứ thấp thỏm vì những tưởng tượng viễn vông. Đôi khi tôi tự cười nhạo mình, nhát gan thế này sao có thể làm chuyện lớn được.

          Mùa hè năm đó tôi được hãng đề cử đi công tác ở Canada. Lúc sắp sửa lên phi cơ thì gặp bạn của Lài ngay phòng đợi. Tránh mặt không kịp, tôi đành phải cúi đầu chào. Cô gái vui vẻ hỏi:

          “Ủa! tối qua gọi điện thoại thăm Lài, sao không nghe nó nói anh đi Canada… chừng nào Lài sinh em bé nhớ báo cho tôi biết nha. Nghe Lài kể bị thai hành ói mửa không ăn uống được, tội quá….”.

Tôi gật đầu cười gượng gạo, chân bước theo đoàn người lên phi cơ như một kẻ ngớ ngẩn, mất hồn. Có thật Lài đang mang đứa con của tôi? Sao Lài không ồn ào tìm kiếm tôi để mọi người biết chân tướng sở khanh của tôi? Tại sao Lài cũng không nói gì về sự đối xử tệ bạc của tôi?

          Hai tháng ở Canada tôi không thể nào tập trung tâm trí để hoàn tất công việc một cách tốt đẹp. Bà sếp già nhìn tôi thắc mắc “mọi khi mày năng động lắm mà, sao giờ cứ y như người mất trí nhớ”.  Tôi cũng muốn được như lời của bà Sếp, mất trí nhớ để đừng bị ám ảnh về việc làm tội lỗi của mình. Nhưng không thể nào được. Những giấc mơ khủng khiếp cứ hiện về từng đêm.  Khi thì tôi thấy Lài mềm nhũn dưới sợ dây thừng thắt cổ. Khi thì thấy xác đứa bé sơ sinh vất trong đống rác, nặc nồng mùi hôi thối. Và cuối cùng, để thoát khỏi sự dằn vặt nặng nề tôi đã tìm gặp Lài.

          Lài nhìn tôi bằng cái nhìn bỡ ngỡ,  rụt rè. Hình ảnh người đàn bà ngồi trước mặt tôi, xanh xao, uể oải với cái bụng nhô cao trong chiếc áo mỏng manh không làm tôi xao động dù biết đứa con Lài đang mang là của tôi. Cũng không hiểu sao tình cảm của tôi lại dửng dưng, chai lì như thế. Điều độc nhất làm tôi rúng động là cái chết của cô em họ và những lời nguyền rủa của mẹ. Tôi chỉ nói khẽ “mau thu dọn đồ đạc, anh đưa em về nhà”, rồi quay đi thật nhanh để khỏi nhìn thấy những ánh nước đang ứ đầy trong đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi của người mà từ bây giờ tôi phải gọi là vợ. Lài không trách tôi một tiếng, cũng không hỏi điều gì đã khiến tôi quay trở lại, chỉ im lặng làm theo lời tôi nói. Sự im lặng khiến tôi bực bội khi nhận ra Lài quá hiền lành đến nỗi nhu nhược. Bởi đó không phải là điều tôi mong muốn nơi người vợ của mình. Nhan sắc không có, sự khôn lanh cũng không có, còn những điều gì sẽ không có nữa. Sự kết hợp gượng gạo này sẽ đưa cuộc đời tôi về đâu hở Trời!!!

                                         ***

          Lài cầm chùm chìa khóa, hấp tấp bước đi sau khi nói:

          -Em dọn cơm xong rồi, anh ăn đi. Em đón con đưa qua dì Ái rồi vào bệnh viện với mẹ.

          -Thì ăn xong rồi hẳn đi.

          -Dạ! trễ quá rồi, em sợ mẹ đói.

          Nhìn cái dáng còm cõi của Lài tôi thở dài. Từ hôm bị mẹ mắng một trận tôi dè dặt hơn khi nói chuyện với Lài vì không muốn trái ý mẹ trong lúc đang bệnh hoạn. Hơn nữa, nhìn thấy nỗi nhọc nhằn, cũng như lòng hiếu thảo của Lài tôi cũng cảm thấy sự quá đáng của mình. Một sự quá đáng có chút nhẫn tâm mà sau bốn năm dài chung sống tôi mới chợt nhận ra. Nhưng điều làm tôi rúng động nhất là câu nói của mẹ “Nếu sau này lớn lên, thằng Andy thấy con đối xử tệ bạc với mẹ nó, nó sẽ nghĩ sao?”.  Tôi xô vội chiếc ghế, mở cửa chạy ra phía trước. Lài dừng  lại, quay kính xe xuống.

          -Dạ! có gì không anh?

          -Em đón con rồi về nhà. Tối nay anh sẽ vào với mẹ.

          -Không được, mai anh còn đi làm sớm mà.

          -Em đã vất vả quá rồi, phải ở nhà ngủ vài hôm để dưỡng sức. Anh không sao. Nghe lời anh đi.

          Tôi vội vã quay bước để tránh sự ngượng ngùng vì câu nói ngọt ngào mà hình như chưa bao giờ tôi nói với Lài. Tiếng máy xe vẫn nổ đều. Có lẽ Lài cũng bất ngờ đến sững sờ với những gì vừa nghe được từ người chồng lạnh lùng của mình. Tôi cũng lạ với chính tôi. Một câu nói rất bình thường, có khó khăn gì đâu mà sao lâu nay tôi không thể nói được. Tôi ngồi xuống ghế, nhìn mâm cơm tươm tất mà thấy nao nao trong lòng. Mẹ tôi chắc sẽ vui lắm khi biết được điều này. Con trai tôi bây giờ còn bé nhưng khi có đủ trí khôn chắc nó cũng sẽ hạnh phúc khi nghe được những lời êm ái đó từ bố của nó.  Phải rồi, đứa con trai yêu quý của tôi không thể nào là một đứa trẻ bất hạnh như tôi đã từng bất hạnh vì người cha hung hăng, thô lỗ đã làm khổ mẹ tôi cho đến khi ông qua đời. Tôi thầm hứa với mình như thế. Bữa cơm chiều hôm nay hình như ngon hơn tất cả những bữa cơm  mà tôi đã ăn.

                                      ***

Đầu năm, tôi nhận được công việc mới với mức lương cao hơn tại Boston. Dù phải đi xa, nhưng tôi cảm thấy an tâm vì sức khỏe của mẹ rất tốt sau cuộc giải phẫu tim cách đó ba tháng. Ngày tôi rời nhà, hai tay mẹ ôm lấy khuôn mặt tôi, thì thầm:

          -Lần này mẹ mau hết bệnh là nhờ con. Thế mới biết, khi người ta vui vẻ, hạnh phúc thì khó khăn nào cũng vượt qua.

          Niềm vui theo câu nói của mẹ tràn vào lòng tôi như những lượn sóng nhấp nhô. Tôi ôm cánh tay mẹ thật chặt.:

          -Mẹ cũng biết, mẹ là người con thương nhất trên đời mà.

          -Cám ơn con. Nhưng thương một mình mẹ chưa đủ để mẹ vui đâu.

          Tôi biết ý mẹ. Nhìn ra phía sau thấy Lài đang lúi húi mang giày cho Andy, tôi  ngập ngừng muốn vòng tay ôm lấy bờ vai xương xẩu của Lài, nhưng không hiểu sao lại ngượng ngùng quá đỗi. Sau vài phút do dự, tôi chỉ vỗ nhẹ lên bàn tay Lài, nói bằng giọng nhẹ nhàng:

          -Anh sẽ gọi điện thoại thường xuyên cho em. Nhớ giữ gìn sức khỏe… trông chừng mẹ và con dùm anh.

          Lài  gật đầu và nhìn tôi bằng ánh mắt chờ đợi. Tội nghiệp em. Tôi nghĩ vậy nhưng lại cúi xuống, lấy chiếc xách tay đeo lên vai. Tình cảm tôi dành cho Lài chỉ đến chừng ấy thôi, nên sự âu yếm mà Lài đang chờ đợi, tôi vẫn chưa làm được.

***

          Chỉ một tháng sau khi rời nhà thì tôi nhận được điện thoại của Ái, cô em gái của Lài. Qua tiếng khóc, Ái cho biết, đêm qua Lài đau bụng dữ dội nên phải vào bệnh viện cứu cấp. Sau khi khám nghiệm thì bác sĩ cho biết Lài bị ung thư ruột. Cuộc chữa trị có thể sẽ rất khó khăn vì khám phá quá muộn.

          Buông điện thoại xuống, chân tay tôi bất động. Nhớ đến Lài và cái dáng còm cõi lòng tôi xót xa vô hạn. Không lẽ, khi tôi nhận ra sự vô tâm của mình và muốn đền bù cho Lài thì cũng là ngày Lài sẽ rời xa tôi mãi mãi? []

 Ngân Bình

 

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...