Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

HÃNG DĨA VIỆT NAM

 

Kho tàng cải lương quý giá của bà Sáu Liên
 
Bà Sáu Liên tên thật là Lê Ngọc Liên (SN 1932). Giới mộ điệu cải lương hầu như ai cũng biết đến thân thế gia đình đặc biệt này. Bà là con gái thứ sáu của ông Lê Văn Tài, chủ Hãng dĩa Lê Văn Tài, nổi tiếng từ thập niên 1940 tại Sài Gòn.
Ông Tài có 6 người con, đều được ông huấn luyện để hợp lực gầy dựng hãng dĩa mang tên mình. Ông Lê Văn Năng chuyên nhập máy móc từ nước ngoài về; ông Lê Thành Kiệt giỏi giao tiếp lo việc mời thầy tuồng, ban nhạc, nghệ sĩ thu âm; 2 cô con gái là Lê Ngọc Liên và Lê Ngọc Diệp lo đóng gói hàng hóa, kinh doanh, ghi chép sổ sách; ông Lê Thành Lực chuyên về kỹ thuật thu âm, tạo tiếng động… Sau này ông Năng được cha cho sang Pháp học nghề thu âm, sản xuất dĩa rồi về truyền lại cho các em.
Thời đó thu âm xong, hãng gửi âm thanh gốc qua Pháp để làm khuôn, in dĩa rồi gửi về dán nhãn, đóng gói và phát hành đi khắp nơi.
"Anh em tôi ngoài giờ học đều tham gia sản xuất băng dĩa ở nhà, mỗi người một việc. Đến năm 1950, anh tôi - Lê Thành Kiệt - bị bệnh tim qua đời khi mới 20 tuổi. Số phận khiến tôi quyết chí thay anh nối nghiệp gia đình. Đến năm 1968, tôi lập Hãng dĩa Việt Nam, tiếp nối con đường cha tôi, anh tôi đã làm" - bà Sáu Liên kể quá trình ra đời Hãng dĩa Việt Nam của mình.
Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, từ lúc khởi nghiệp, hãng dĩa của bà Sáu Liên đã thu âm rất nhiều giọng ca vàng thời đó như: Tám Thưa, Minh Chí, Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Phồi, Sáu Thoàng, Năm Cần Thơ... Thời điểm này, bà Sáu mở thêm một xưởng in chuyên in bìa dĩa và tập bài ca khổ nhỏ.
NSND Đinh Bằng Phi nhớ lại: "Thời đó, dĩa hát và radio bắt đầu thịnh hành, giới bình dân mua bài ca nghêu ngao theo các bài vọng cổ. Nhờ vậy, phong trào yêu thích cải lương, ca cổ lan rộng. Cô Sáu Liên giỏi lắm, góp phần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và làm rạng danh gia đình".
So sánh với hãng ASIA, Việt Hải, Continental, Hồng Hoa..., Hãng dĩa Việt Nam có phần lấn lướt do tổ chức tốt. Thắng lợi đó là nhờ vào tài trí của bà Sáu Liên. Các nghệ sĩ nổi tiếng như: Út Trà Ôn, Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Mỹ Bạch Tuyết, Thanh Sang, Út Hiền, Út Hậu, Phượng Liên, Diệu Hiền, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ… lần lượt đầu quân về hãng dĩa này và trở thành nghệ sĩ độc quyền của bà Sáu Liên.
NSND Lệ Thủy kể: "Bà là người có đôi mắt tinh tường, phát hiện nhiều tài năng, mời về thu âm. Bà chủ trương đặt hàng tác giả viết theo kiểu "đo ni đóng giày" để lăng-xê chúng tôi".
Theo NSND Minh Vương, điều đáng quý là cô Sáu sớm ý thức việc lưu trữ để ngày nay có một di sản quý cho cải lương.
* Số hóa tất cả trước khi lìa xa cõi thế
Hàng ngàn bài ca cổ, hàng trăm vở tuồng được lưu trữ đến hôm nay. Công lao của bà Sáu rất to lớn" - NSND Lệ Thủy khẳng định.
NSND Văn Giỏi xúc động bày tỏ: "Giới nhạc công và soạn giả cũng được cô Sáu trân quý. Nhờ cô mà ngày nay còn những bản ghi âm hòa tấu do các danh cầm lừng lẫy: Văn Vĩ, Năm Cơ, Chín Trích, Hai Thơm, Sáu Tửng, Tư Huyện… thể hiện. Hàng trăm tuồng văn học của: Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Năm Châu, Viễn Châu, Mộc Linh, Điêu Huyền, Thu An, Nhị Kiều, Nguyễn Phương, Yên Lang, Nguyên Thảo, Yên Ba, Loan Thảo, Thế Châu, Lê Duy Hạnh… được gìn giữ từ nguồn băng dĩa. Quý lắm!".
Sau năm 1975, bà Sáu chủ trương giữ nghề bằng cách liên kết với một đài truyền hình của một tỉnh ở Tây Nam Bộ để phát một số bài ca cổ và vở tuồng. Đến năm 1991, bà sản xuất lại băng dĩa, đứng tên giấy phép của Xí nghiệp Băng nhạc Đồng Tháp. Giai đoạn này bà tiếp tục lăng-xê các giọng ca mới như: Châu Thanh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên. Các vở tuồng xưa được bà tái sản xuất nhằm lăng-xê giọng ca mới: "Lan và Điệp", "Đêm lạnh chùa hoang", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn", "Tâm sự loài chim biển"... từng đem về doanh thu rất lớn cho hãng dĩa của bà những năm 1970.
Bà Sáu Liên năm nay đã hơn 88 tuổi. Do sức khỏe và sự minh mẫn của bà giảm sút nên chị Loan, con gái bà, tiếp tục gìn giữ cơ nghiệp của gia đình.
Chị Loan tâm sự: "Tôi cố giữ hãng dĩa cho má vui, dù biết ngày nay còn được mấy người đi mua dĩa hát vì người ta có thể nghe trên internet". Còn bà Sáu, luôn dặn các con phải trân quý cơ nghiệp của gia đình, giúp bà số hóa tất cả những sản phẩm của hãng trước khi bà lìa xa cõi thế. "Phải lưu trữ lại cho đời sau, để thế hệ trẻ biết nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương một thời hưng thịnh, sản sinh biết bao tài năng xuất chúng" - bà Sáu nói.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, vấn đề số hóa đang được chú trọng. Đặc biệt, lưu trữ bằng số hóa dễ dàng tạo không gian truy cập và khai thác khi kiến tạo nên thư viện cải lương.
Sau sự đóng góp âm thầm của bà Sáu Liên, ai sẽ tiếp nối công việc này, để bộ môn nghệ thuật cải lương lưu giữ được những giá trị nền tảng, từ đó giúp thế hệ soạn giả, đạo diễn, diễn viên nghiên cứu học hỏi phát huy sáng tạo.
Đây vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.
* Cơ sở để xây dựng thư viện cải lương
Nguyện vọng của các nghệ sĩ sân khấu là nhà nước cần sớm mua lại tất cả những sản phẩm đã được hóa số của Hãng dĩa Việt Nam, để tiến hành xây dựng thư viện cải lương. NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đã từng nêu ý kiến trong các cuộc hội thảo: "Cần sớm xây dựng lại đề án Viện Nghiên cứu nghệ thuật cải lương tại TP HCM, từ đó có thư viện dành cho bộ môn nghệ thuật này, để công tác lưu trữ được tiếp nối".
Ông Giàu cho biết ý tưởng thực hiện thư viện cải lương góp phần gìn giữ, lưu truyền những tư liệu, băng dĩa, vật phẩm, hình ảnh quý giá của sân khấu cải lương trong 100 năm qua và đến sau này đã được đưa vào kế hoạch làm việc của Hội Sân khấu TP HCM trong nhiệm kỳ mới mà kho tàng của bà Sáu Liên là nơi hội liên kết thực hiện dự án ý nghĩa này.
THANH HIỆP
Báo Người Lao Động
VŨ trích


 

1 nhận xét: