Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022
Nguyễn Minh Phúc: Sóng biển hồn người (T.Vấn Và Bạn Hửu )
Ông Năm xếp gọn mấy tấm lưới rách từ chiếc tàu lưới rút, bước xuống đi về phía cuối bãi, nơi có những ngôi nhà tuềnh toàng, gió thốc ầm ào mải miết làm tơi tả những mái lá làm bằng dừa nước, phất phơ như chiếc áo choàng thùng thình choán cả những khoảnh sân rộng đầy rác rưỏi do sóng biển tràn về mỗi khi triều lên. Dáng ông đi hăm hở, cánh tay vạm vỡ vồng lên và làn da đen như đồng hun, loang loáng dưới nắng chiều. Biển vẫn ầm ào sau lưng ông khi những cơn gió chiều thao thiết chạy dài đuổi trên những ngọn sóng, gầm gừ và tung lên những con sóng trắng xóa mạnh mẽ, lướt chồm lên bờ và rồi trườn nhẹ ra biển cả, nơi mà chúng vừa từ đó đánh dạt vào bờ.
Những bước chân nặng nề và hoang hoải. Đầu ông ong ong về một cái tin vừa nghe trên đài hồi tối: Bắt đầu từ ngày mai, bọn người được gọi là nước lạ cấm không cho ngư dân ra biển của họ nữa – họ nói thế. Cái đường lưỡi trâu lưỡi bò gì nữa, ông nghe không rõ nhưng họ cho biết tất cả mặt nước trên biển là của họ. Sao lạ vậy cà? Ông tự hỏi nhưng không trả lời được. Chữ nghĩa ông chưa đầy lá mít, bao nhiêu năm đánh cá bắt tôm trên biển nầy có ai nói gì với ông về cái lưỡi bò chết tiệt nầy đâu. Rồi những tên gọi vô cùng xa lạ như: hải lý, hải phận, vùng tranh chấp, tài phán…. Gì gì nữa mà ông nghe được. Mèn đéc thánh thần ơi. Sao mà rối rắm vậy không biết. Ông phải lên ủy ban hỏi mới được. Ở xứ biển nầy, cái gì không biết thì cứ lên thẳng ủy ban. Thằng Chủ tịch Bảy Nở chẳng nói vậy là gì…
Những ngọn gió chiều vẫn đuổi theo bước chân ông hối hả. Cát bay mịt mù từ những cơn gió thốc bám đầy vào mặt mũi. Ông nghe có vị mặn của nước biển và xù xì của mấy hạt cát lộm cộm tê đầu lưỡi. Gần đến nhà hình như ông cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Thây kệ, chuyện gì trước sau mình cũng biết thôi mà. Mai cứ dong tàu ra biển rồi sau đó hãy hay. Ngưng đi biển một bữa lấy gì đong gạo cho sấp nhỏ. Rồi gần tới ngày tụi nó nhập trường. sách vở, quần áo… ngày giỗ tới của bà Năm… trăm thứ hầm bà lằng. Tất tần tật trông vào chiếc tàu lưới rút nầy. Bỏ biển sao được dù chỉ một ngày.
Đón trước nhà chỉ là con chó vàng, bạn chí cốt của ông. Nhà có bốn đứa con còn nhỏ, hai trai, hai gái. Vợ ông đã bỏ ông cách đây tám năm vì bịnh ung thư, chữa hoài không bớt. Ngày đó ông buồn đứt ruột, chỉ muốn đi theo bà nhưng bầy con nhỏ nheo nhóc đã níu chưn ông lại. Vợ chồng sống với nhau bốn, năm mặt con, nửa đường đứt gánh hỏi làm sao ông không sốc, không đau. Nhưng rồi thời gian cũng dần nguôi ngoai. Nhìn mấy đứa con ngày càng lớn dần lên trong sự bảo bọc che chở của mình, ông cảm thấy hài lòng và càng bám tàu, đi biển để nuôi nấng, cho chúng nó ăn học bằng với người ta.
Ông vào nhà thắp nén nhang trên bàn thờ cho vợ, lửng thững bước lại lu gạo, mở nắp ra. Chà chà! Mới đây lại trống không, chỉ còn trơ lại đáy. Chiều nay, tụi con đi đâu hết ráo, ông quơ vội cái áo trên móc, hấp tấp đi thẳng ra nơi họp chợ gần ủy ban mua đỡ ít gạo và chai xì dầu ăn tạm tối nay.
Chiều xuống nhanh và gió vẫn không ngưng thổi. Buổi chiều ở biển, không gian như quạnh quẽ và vắng lặng làm ông cảm thấy cô đơn, trống vắng. Gió rì rào, hun hút từ ngoài bãi tràn vào sân nhà mang theo vị mặn mòi của biển. Giá như vợ ông còn sống… Việc nầy là việc của bà chứ đâu phải ông. Nấu cơm, giặt giũ, coi nhà cửa, trông chừng sấp nhỏ… Giờ nầy còn bà, ông có thể mua xị rượu rủ mấy ông bạn già lối xóm nhâm nhi khô đuối, nói chuyện thời sự trên trời dưới đất, cười ngả ngớn tám chuyện mấy bà sồn sồn goá chồng sau cơn bão số 5 dập dìu mót cá ngoài bãi, chọc ghẹo bâng quơ…Sần sần chút nữa là chuẩn bị vô mùng. Ông vừa đi vừa lắc đầu, tặc lưỡi mỗi lần nhớ tới chuyện vợ ông dứt khoát không cho đụng tới nếu người ông có mùi ruợu. Rồi thì phải năn nỉ, ỉ ôi cả tiếng đồng hồ bả mới chịu cho ông gần gũi. Mà tới đó thì mắt ông lờ đờ, sụp gọng rồi đâu làm ăn gì được …
Những kỷ niệm xưa ùa về cào xé trái tim ông như xát muối. Tám năm rồi xa vợ mà ông cứ ngỡ mới đây thôi còn nghe tiếng bà cằn nhằn, cử nhử mỗi lần ông uống rượu say, mỗi lần ông chọc ghẹo mấy người đàn bà mót cá. Ký ức trỗi dậy, như men cay quấn quít, nắm níu, dật dừ không dứt ra được. Hình như ông đã già đi nhiều từ ngày vợ mất. Mà tuổi già thường gắn với nhiều hoài niệm, ký ức không quên, chắc vậy rồi ta, ông lẩm bẩm.
Sân ủy ban vắng ngắt, chỉ còn mấy cửa hàng bên cạnh mở cửa. Chiều nhập nhọang từ những ánh đèn vàng bệt hắt ra soi chiếc bóng lầm lũi của ông. Mua vài ký gạo và chai xì dầu, mấy trứng vịt, còn ít tiền lẻ chờ thối lại, ông chợt nghĩ sao lại không mua thêm xị rượu tối kêu thằng Bảy Nhỏ qua nhà nói chuyện chơi, sẵn ông hỏi luôn cái vụ lưỡi bò, lưỡi trâu một thể. Nghĩ vậy, ông mua hai xị rượu, xin cọng hành lá rồi bươn bả về nhà.
Đám con ông cũng đã về hồi nào. Chiều tụi nó ra bãi mót cá, lượm bọc kiếm ít tiền lẻ mua bánh kẹo. Thây kệ, trời sinh voi sinh cỏ, chết đâu mà lo. Chỉ cái vụ không được đi biển mới chết. Ngang nhà Bảy Nhỏ, ông gọi vói sang mời Bảy Nhỏ qua nhà ông uống rượu…
*
– Mầy nói tao nghe coi. Vụ tàu quen, tàu lạ là thế nào, tao không hiểu. Còn lưỡi bò, lưỡi trâu gì đó nữa. Tao chỉ biết đánh cá trên vùng biển của cha ông tao. Vậy mà sao lại có vụ cấm đoán nầy, Bảy Nhỏ.
Anh Chủ tịch xã lưng còng như con tôm tích, mặt ửng đỏ vì mấy ly rượu, nhìn ông Năm, chua chát:
– Là thế nầy, chú Năm. Tình hình ngoài biển lúc nầy căng lắm, bọn nước lạ giờ ỷ thế nước lớn, giành giựt với mình mấy hòn đảo ngoài biển rồi còn đơn phương ra lịnh cho ngư dân mình cấm bắt cá ở vùng biển mà chúng đang tranh chấp. Hổm rày, tụi tui cũng nhận được chỉ thị là giải thích cho bà con mình rõ vụ nầy. Mà cũng tức thiệt. Biển cả trước giờ là của mình, nuôi sống bà con mình từ đời nào vậy mà tụi nó lại giở giọng giành giựt. Có lạ gì đâu chú ơi. Tất cả cũng chỉ vì tiền hết trơn trọi. Biển mình có dầu, có cá, tụi tham lam không giành giựt mới lạ…
Ông Năm buột miệng:
– Con mẹ nó! Bộ hết chỗ giành lại lấn tới biển tụi mình. Rồi tụi bây tính sao đây? Tao dốt ăn dốt nói, một chữ bẻ đôi không biết, nghe tụi nó cấm tàu ra biển mà tức anh ách. Của mình đâu phải ai muốn làm gì cũng được. Tao nói vậy phải không, Bảy Nhỏ.
Bảy Nhỏ lúc lắc cái đầu loăn quăn vài cọng tóc, gật lia lịa :
– Đúng vậy, tụi tui cũng nghĩ y chang chú Năm. Nhưng trên có giải thích là mình phải kềm chế vì còn nhiều chuyện tế nhị lắm như quan hệ ngoại giao, mối hữu hảo giữa dân họ với dân mình. Nói gì thì nói, mình phải tôn trọng. Mấy ổng ở trên cũng tính nát rồi chứ không đâu. Thôi, chuyện gì để mấy ổng tính, mấy ổng không bỏ dân đâu mà lo. Còn chú cứ việc đi biển. Ai nói gì nói, đường mình mình cứ đi.
Ông Năm cầm ly rượu đánh ực:
– Tao nói thiệt với mầy nghe Bảy Nhỏ. Nếu mà tụi nó cà chớn giựt miếng ăn của tụi tao thì chết tao cũng chơi tới. Chứ kiểu nầy ai chịu cho nổi…
Bảy Nhỏ dù hậm hực nhưng vẫn can ông Năm:
– Bây giờ mình cứ bình tĩnh đã, chuyện đâu còn có đó mà chú. Tụi tui cũng tính rồi. Sắp tới, xã biển mình quy tụ bà con ngư dân thành lập đội tự vệ biển, tự lo lắng, bảo vệ với nhau trong mỗi chuyến đi. Rủi có chuyện gì xảy ra trên biển cũng đỡ lo. Chú thấy vậy được không. Bên biên phòng cũng hứa hỗ trợ mình tối đa. Yên tâm đi. Tui thấy chắc rồi tụi nó cũng phải rút thôi vì sai trái quá. Ai đời…
Nói tới đây đã nghe tiếng đứa con Bảy Nhỏ gọi ơi ới ngoài cổng kêu về. Liêu xiêu chân nam đá chân chiêu, Bảy Nhỏ cà nhắc đi ra cổng, không quên quay lại lè nhè :
– Mai chú Năm cứ ra biển. Nói với đám bạn đừng sợ gì hết. Mà có gì…xã chịu trách nhiệm…Tui chịu…trách nhiệm…
Ông Năm cũng đã ngấm hơi rượu, quờ dép bước ra sân, ngó mông về phía biển. Gió thổi lồng lộng tạt vào căn nhà trống hoác. Bầy con ông đã ngủ. Một mình ông đứng yên lặng hồi lâu, lặng lẽ thở dài. Nhiều đêm không ngủ được, ông lại đứng một mình trước biển như thế, quạnh quẽ cô đơn đến nao lòng. Ông nghĩ đến người vợ tảo tần của mình, những kỷ niệm vợ chồng đầy ắp ngày còn chung sống với nhau. Đứng trước biển đêm, tự nhiên ông thấy mình nhỏ bé và đơn độc. Những hồi ức cứ thế len lỏi, xoáy cuộn vào từng khoảnh góc sâu lắng của tâm hồn.
Ông nhớ lại những ngày trai trẻ. Hào phóng và kiêu hãnh, mạnh mẽ và dũng cảm, tâm hồn bát ngát, lồng lộng, khoan dung, phơi phới như những con sóng bạc đầu gối mình vào cát. Biển với ông như hơi thở, như máu thịt, là cuộc sống. Ngày ấy trên những chiếc tàu bạt sóng đi về trên mỗi chuyến biển đầy ắp cá tôm, ông thường đứng trước mũi tàu, giương tấm thân cường tráng và lưng trần gió biển, mắt đăm đắm nhìn mây trời đoán luồng tôm cá, đoán trước bão giông. Những lượn sóng nhấp nhô kéo dài vô tận trước mắt ông như ngã rạp trước mũi tàu, lượn lờ chậm rãi len từng bước nhảy dịu dàng thân yêu của mình trong mênh mang đại dương xa thẳm.
Tình yêu biển của ông mãnh liệt và thắm đẳm yêu thương. Những ngày không được ra khơi, ông nhớ biển cồn cào. Làn sóng nhấp nhô, hơi nước mằn mặn, những cơn gió bạt ngàn, đàn hải âu lướt qua từng đàn trước mũi tàu xé nước. Còn nữa. Tiếng sóng. Tiếng gió. Dịu êm và dìu dặt. Rì rào và hối thúc. Trong mớ hỗn độn cuả ký ức một thời ngang dọc, ông với biển như anh em, như máu thịt trộn vào nhau của những người thân thiết nhứt. Chưa hết. Biển với ông còn là những ban tặng hào phóng, không hề so đo, tính toán. Biển cho ông cuộc sống đủ đầy, giúp ông nuôi nấng những người thân yêu, tặng ông những buổi nhậu quắc cần câu, đầy ắp nghĩa tình. Biển mang lại cho ông người thiếu nữ trăng tròn xứ biển vì cảm mến chàng trai giàu nghị lực, dạn dày sương gió, đôi vai vững chải cho cô dựa vào tin cậy mà về sống với ông. Biển cho ông đám cưới tuy đơn sơ nhưng tràn đầy hạnh phúc. Ngày vui nhứt đời ông, biển êm đềm chúc phúc bằng những cơn gió nhẹ, những con sóng vỗ bờ dịu ngọt và đám bạn ngư phủ lưng trần nắng gió vây quanh ông uống nghiêng trời lệch đất, không say không về.
Ông và vợ đã kịp cho ra đời bốn đứa con mà ông cũng lấy những tên gọi của biển cả đặt tên cho chúng : Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc, Thổ Chu. Ôi, biển là gì mà làm ông say mê, mộng mị, mê hoặc, vật vả đến thế. Ông không biết. Chỉ biết ông yêu biển cuồng điên say đắm và nghĩ dại, nếu mất biển, ông làm sao sống được. Không, ông không cho bất kỳ ai đụng đến hơi thở mình, cuộc sống mình. Và nếu có chết để cho biển sống, ông cũng sẵn lòng thanh thản.
Ông mê say, hạnh phúc tràn trề với biển. Chỉ một bất hạnh cuối đời mà ông không ngờ được. Đó là cái chết đau đớn của vợ ông. Chỉ vải tháng sau khi phát bịnh, bà Năm, cô con gái xứ biển ngày nào một mực yêu thương ông qua đời vì di chứng cơn bịnh ung thư quái ác. Ông suy sụp hẳn một thời gian và tính bỏ biển dắt díu đàn con nhỏ về quê nội ở Châu Đốc sinh sống. Nhưng một lần nữa, biển đã cất tiếng kêu ông ở lại. Ông nghe tiếng rì rào, gầm gừ của biển hàng đêm, nửa trách móc, nửa như hờn giận vì sao ông đành bỏ nó. Tiếng biển khoan nhặt, thầm thì, vỗ về ông trong từng cơn đau, xoa dịu ông trong từng nỗi nhớ.
*
Ông lại hăm hở ra biển vào sáng hôm sau. Bầu trời trong vắt đến nổi có thể nhìn thấy rõ từng cụm mây trắng trôi lờ lững trước khoang tàu. Không đâu đẹp bằng biển lúc bình minh. Mặt trời như trái banh khổng lồ, đỏ chói và từ tốn bồng bềnh hiện lên nép sau làn mây giờ đã pha hồng, chiếu rọi ánh sáng đầu ngày nhấp nhô trên sóng nước. Cặp vội mành lưới vào khoang tàu, ông vừa thoăn thoắt tranh thủ vá lại chỗ lưới rách vừa dõi mắt nhìn về phía khơi xa. Những hòn đảo quê hương nhấp nhô ẩn hiện lờ mờ phía chân trời xa và đám mây vắt ngang làm thành những đụn khói mỏng. Mấy đứa nhỏ tài cải, đám bạn cùng đi mời ông ly nước trà quạu bốc khói.
Thường ông là linh hồn của những chuyến đi. Bao nhiêu năm làm nghề sông nước, ông thuộc lòng từng lối đi, từng luồn lạch dưới biển như trong lòng bàn tay mình. Ông có thể nhìn ra chỗ nào có đàn có thu, cá nục, nhìn rất rõ từng con lạch cạn đầy san hô mà đám tôm, đám mực ưa vào, chỗ của đám cá nhồng, cá nhám thường là vụng sâu, nước xanh thấu đáy. Từ bục thang cao ở mũi tàu, ông sang sảng ra lịnh cho tài công xê dịch tàu tới chỗ có luồng tôm cá và đám bạn cứ thế bủa vây dàn lưới rút. Ít lần nào thất bại. Không cá tôm đầy lưới cũng lùm lùm góc tư. Chuyến tàu nào có ông đi theo đều mang về đầy cá tôm, mực thẻ. Người trong xóm có lần đặt luôn biệt danh cho ông là ông Năm biển.
Nhưng sáng nay, một chút linh cảm mơ hồ nào đó thoáng qua đầu ông khi đưa hớp trà nóng lên môi. Vị mặn mặn của biển từ đâu ấp tới choán hết mùi thơm của ly trà nóng. Ông nghĩ đến người vợ đã mất tự nhiên xuất hiện trong đầu, lơ mơ nghĩ tới tuổi già sầm sập sau lưng, đuổi bắt ông trong cõi người ngắn ngủi. Và những con sóng. Chúng như vồ vập nhảy múa trên thân thể ông, miên man, ve vuốt. Rồi bất ngờ, chúng nhảy chồm chồm lên ông với cơn cuồng nộ. Chúng giật xoáy, quay tròn, lồng lộn, cuốn hút ông vào tận đáy sâu thẳm của đại dương bằng những đợt sóng lưỡi búa rồi lại êm đềm đưa ông nhẹ nhàng, dịu ngọt trở lại bằng cánh tay êm ả. Chúng như hờn giận, trách móc ông điều gì thì phải? Ông mở mắt qua cơn mộng mị và giật mình thấy mình đang lim dim ngồi trên khoang tàu, trước mắt là đám bạn đang hăm hở chuẩn bị bủa lưới.
Sao kỳ vậy ta? Thôi, chắc là tại uống rượu tối qua với Bảy Nhỏ giờ còn lâng lâng. Ông tự chế giễu mình rồi nhanh chóng tiến về phía đám bạn chỉ dẫn họ cách bủa lưới cho hiệu quả. Những tiếng cười vỡ ra long lanh mặt nước khi mành lưới được thu về. Chừng trăm ký cá chim. Ngày đầu tiên như thế là đạt yêu cầu. Mẻ nầy về thì khỏi lo chuyện tựu trường sắp tới của đám con. Rồi còn chuẩn bị đám giỗ cho vợ nữa chứ. Bao nhiêu thứ hầm bà lằng khác trông chờ vào chuyến đi nầy, ông vái thầm trong bụng, lầm bầm xin bà cậu giúp mình.
Ngày thứ hai, thứ ba không đạt lắm. Chỉ vài chục ký cá nhồng, cá bạc má. Đám cá thu, cá ngừ đâu không thấy. Tụi mầy giờ chắc lăn tăn ngoài Hoàng sa rồi. Hãy đợi đó. Ba ngày nữa tàu tao ra, tụi bây thoát được à. Rủ bơi thành từng đàn nhiều nhiều đi nghen mấy cưng. Gì chứ lưới tao chứa cả sư đoàn tụi bây cũng được, chẳng giỡn đâu…
Ông thầm cười trong bụng nhưng lại tự nhiên niềm ưu tư mơ hồ nào đó vụt qua đầu ông. Những tên gọi lạ hoắc chợt xuất hiện: tàu lạ, đường lưỡi bò, vùng tranh chấp, bọn ngư dân nước lạ hung hãn…Một loáng thôi rồi sau đó, nỗi lo lắng ấy biến mất. Sợ gì chứ? Biển của mình, cá tôm của mình chứ mình có đánh trộm, ăn cắp của ai đâu mà lo. Bao nhiêu năm nay mình đánh cá, làm ăn trên biển, ai đâu cấm đoán. Chẳng phải Bảy Nhỏ đã từng nói có đội tự vệ bảo vệ biển, có các chú biên phòng canh giữ rồi à? Mình cứ lo bò trắng răng. Ông lảm nhảm rồi bật cười khan trước suy nghĩ lởn vởn loanh quanh trong đầu.
Đúng như ông dự đoán, ngày thứ sáu khi đánh lưới gần đảo Hoàng Sa, một mẻ lưới nặng trĩu cá thu, loại cá được thu mua giá cao nhất, được cất lên. Cả tấn chứ chẳng chơi. Sau khi thu lưới, cá được chuyển vào hầm ướp đá rồi ông mới hả hê cười khà. Vậy là sấp nhỏ khỏe nhá. Có tiền xúng xính mặc đồ mới dự khai giảng rồi nghen, các con. Bà nhà cũng đừng lo. Chuyến nầy tôi làm giỗ to cho bà, rủ cả xóm biển của mình cùng tham dự. Nhờ sự động viên của Bảy Nhỏ nên tôi làm luôn mâm cơm đãi cả ủy ban, nghen bà. Tui dân chài Nam bộ mà, bi là bi, mình chơi ngon mới được…
Những suy nghĩ lướt qua đầu ông, chập chờn nhảy múa loạn xạ cả lên. Nhưng rồi ông chợt tỉnh hẳn người ra khi thấy từ xa, xuất hiện những đốm đen rất lạ. Ông lên bục thang trước mũi, căng mắt nhìn về phía ấy. Những đốm đen xuất hiện ngày càng gần hơn, rõ ràng là sáu, bảy chiếc tàu đang tiến gần về phía tàu ông. Sao lạ vậy cà? Nếu có tàu quen, chắc là họ phải điện đàm báo tin hoặc xin cập mạn. Hay là… Ông chợt nhớ tới câu chuyện tối qua với Bảy Nhỏ rồi giật mình ngoắc tay cho tài công chuyển hướng vào bờ…
Một, hai, ba… tổng cộng tới sáu chiếc tàu lớn to gấp đôi tàu lưới rút của ông nhanh chóng dàn hàng ngang trước mặt. Những đụn khói đen sì bốc ra từ ống khói che gần hết biển số. Tàu ông mở hết công suất loa thông báo là ngư dân Việt nam đang đánh cá trên biển. Giọng chú tài công như lạc đi nhưng chẳng nghe bên kia đáp lại. Chỉ những tiếng kêu lạ hoắc lào xào, rang rảng và tiếng lên đạn khô khan, răm rắp.
Toàn bộ sự việc diễn ra nhanh đến bất ngờ làm cả tàu ông không ai lường trước. Đám bạn hốt hoảng chạy dạt hết xuống hầm tàu, chú tài công xanh mặt run rẩy ngồi trước bánh lái. Chỉ còn một mình ông đứng cạnh mũi tàu, đôi vai to bè rám nắng, ánh mắt quắc lên giận dữ.
– Có chuyện rồi! Ông kêu lên và dặn tài công. Mầy cứ lái dạt xa tàu tụi nó, để tao ra trước nói chuyện.
– Không được đâu chú Năm ơi! Tụi ngư phủ nầy hung hăng lắm. Chú cứ ngồi đây, coi tụi nó có yêu cầu gì thì mình đáp ứng.
Ông Năm khoát tay:
– Hổm rày, tao có nghe nói tụi cướp biển nầy rồi nhưng không ngờ là bữa nay. Dứt khoát là không được. Biển của mình, tôm cá của mình sao lại sợ tụi nó, lại để cho nó lấy đi…
Anh tài công năn nỉ:
– Nhưng tụi nó có súng, chú thấy không. Chú cứ cho cập tàu theo yêu cầu của chúng, cho chúng lấy gì lấy để bảo toàn tính mạng. Chắc chuyến biển nầy mình mất sạch rồi ..
Ông Năm như không nghe thấy gì, bước thẳng ra phiá trước khoang tàu. Dáng ông hiên ngang, lừng lững, mạnh mẽ đưa hai tay ra hiệu khoác tàu lạ tránh xa tàu ông. Trước mắt ông, những đợt sóng òa ập như hất tung tàu ông chao đảo. Tiếng la hét ơi ới, tiếng súng nổ chỉ thiên đì đùng. Mặc kệ, ông cứ bước vững vàng trên đôi chân của người đi biển dày dạn sóng gió, đứng trước thân tàu, tư thế uy nghi, đĩnh đạc, đôi mắt sáng quắc vẫy tay ra dấu cho tàu kia đi về hướng khác. Giọng ông bị tiếng sóng, tiếng súng nổ, tiếng máy tàu át đi nhưng vẫn còn nghe sang sảng nhiều lần:
-Dừng lại, dừng lại… Đây là tàu ngư dân Kiên Giang đánh cá trên biển của mình.. Các ông mau dừng lại…Các ông mau dừng lại…
Như không nghe lời ông nói, những chiếc tàu lạ vẫn áp sát. Từng con sóng òa ập như xé nước lao vào tàu ông chòng chành, chao đảo. Rồi bất ngờ, một loạt đạn khô khốc vang lên hướng về phía ông.
Ông quỵ xuống như thân cây bị phạt ngang. Một dòng máu từ cánh ngực trần vạm vỡ bắn thành tia vọt thẳng lên trời rồi chấp chới rơi xuống nước dưới ánh nắng đầu ngày của biển. Nước xanh bỗng đổi màu. Từng giọt đỏ lấp loáng, lấp loáng chảy dài theo con sóng kéo tít ngoài khơi xa làm đỏ rực cả một vùng biển rộng. Cánh tay ông nắm chặt vồng lên đường gân xanh, mắt mở trừng trừng, ngón tay cái ôm cả bàn tay như nắm đấm vươn cao dưới bầu trời xanh trong, rực rỡ.
…Trước mắt ông, hình ảnh người vợ thân yêu hiện ra rồi dần mờ ảo, đám con mang tên những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc hiện về. Cả gương mặt hớn hở, những bộ quần áo mới, chiếc cặp sách xinh xắn của chúng trong ngày khai giảng… Rồi những bè bạn ngư phủ thân quen, buổi sum họp rượu uống tưng bừng trong ngày giỗ vợ, con chó vàng yêu dấu mà ông mơ màng mường tượng cách đó không lâu.
Biển đã gọi ông. Người bạn thủy chung sâu sắc cuối cùng cũng mang ông về với biển. Buổi sáng như trong hơn bởi những đám mây trắng đã bay đâu mất trên bầu trời xanh thẳm. Và tiếng sóng rầm rì của biển miên man bất tận tiễn đưa ông đến cõi nào về phía bên kia, thênh thang lộng gió…
***
Câu chuyện tôi nghe về chiếc tàu lưới rút của ông Năm biển do các ngư phủ kể lại toàn bộ là như vậy. Tàu cá của ông, sau khi cướp đi toàn bộ sản phẩm và đánh đập tàn nhẫn ngư phủ, bọn cướp biển thả cho về. Cả tàu, ngoài mấy người bị thương và ông Năm hy sinh, tất cả đều bình an vô sự. Bạn bè đưa thi thể ông về chôn nơi xóm chài, trên một mảnh đất trống hướng ra biển. Mộ ông giờ đã xanh cỏ, trên đầu mộ có tấm bia ghi mấy dòng chữ: “ Tưởng nhớ một con người đã hy sinh vì biển đảo.” Tôi còn thấy rất nhiều hoa muống biển trên đầu mộ, chắc của bà con ngư dân và đám bạn ông mang đến. Ở xóm biển nầy chỉ độc nhất có loài hoa nầy sống được.
Mới đây, trong một lần công tác về xã biển, tôi có gặp 4 đứa con đặt toàn tên đảo của ông. Hoàng Sa, Trường Sa đã lớn bộn, theo nghề cha làm ngư phủ. Hai đứa con gái: Phú Quốc, Thổ Chu được tỉnh đưa về trung tâm bảo trợ trẻ em, nuôi nấng cho ăn học. Tôi lần mò về xã, gặp được Bảy Nhỏ ở sân ủy ban. Anh ấy bây giờ chuẩn bị được đề bạt làm Chủ tịch huyện. Vẫn mái tóc loe hoe vài cọng muối tiêu và dáng đi lòm khòm như con tôm tích, sau khi trả lời tôi mấy câu vô thưởng vô phạt, anh cáo bận đi họp trên tỉnh. Tôi chờ nghe anh nói gì đó về ông Năm biển nhưng không thể, cuối cùng đành trở về tay không…/.
Nguyễn Minh Phúc
(Tên thật và bút hiệu,quê Quảng Ngãi,anh mất ngày 04/10/2020,đã viết hàng ngàn bài thơ và hơn 50 chuyện ngắn ,chuyện vừa. Tác phẩm đã xuất bản (trong tủ sách điện tử TV&BH): Tuyển Tập Một Đời Thơ (2021);
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)
Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) ...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa